Trưởng Thành - Trách Nhiệm Là Chính Mình
Sống không thái độ
Hôm này thầy nhấn mạnh vào việc trưởng thành, hôm khác thầy nói “Hãy như đứa trẻ.” Nếu tôi chấp thuận thái độ trưởng thành, tôi cảm thấy đứa trẻ của tôi bị kìm nén và khao khát diễn đạt. Nếu tôi để cho đứa trẻ của mình nhảy múa, ca hát, thì thái độ thơ ngây lại tới. Phải làm gì đây?
Trưởng thành không có nghĩa chấp thuận thái độ trưởng thành. Trong thực tế, chấp thuận thái độ trưởng thành sẽ là một trong những rào chắn lớn lao nhất cho việc trở nên trưởng thành. “Chấp thuận” nghĩa là cái gì đó bị áp đặt, chấp thuận nghĩa là cái gì đó được trau dồi, được thực hành. Nó không nảy sinh ra từ bạn. Nó là tấm mặt nạ, khuôn mặt tô vẽ; nó không phải là con người thực của bạn. Đó là điều mọi người vẫn từng làm. Đó là lí do tại sao trên trái đất mọi người chỉ dường như trưởng thành – họ không trưởng thành, họ hoàn toàn chưa trưởng thành – sâu bên dưới, họ đã chấp thuận thái độ và họ vẫn còn ngây thơ. Sự trưởng thành của họ chỉ sâu như làn da, hay thậm chí không được đến như thế.
Gãi bất kì người nào một chút thôi và bạn sẽ thấy tính trẻ con nảy sinh từ người đó. Và không chỉ cái gọi là người bình thường đâu – gãi các thánh nhân của bạn và bạn sẽ thấy sự chưa trưởng thành nảy sinh, hay gãi các chính khách của bạn và các nhà lãnh đạo của bạn. Cứ làm và quan sát bất kì nghị viện nào của thế giới và bạn sẽ chẳng bao giờ thấy sự tụ tập như vậy của những người chưa trưởng thành và ngây thơ cùng nhau.
Con người đã tự lừa dối bản thân mình và người khác. Nếu bạn “chấp thuận” bạn sẽ là già, rởm. Tôi không bảo bạn chấp thuận điều gì cả. Hãy hiện hữu! Chấp thuận là rào chắn việc hiện hữu. Và cách duy nhất để hiện hữu là bắt đầu từ chính lúc bắt đầu. Bởi vì bố mẹ bạn đã không cho phép bạn từ thời thơ ấu của mình, bạn bị mắc kẹt ở đâu đó. Tuổi tâm trí của cái gọi là người bình thường không hơn giữa mười và mười ba – thậm chí không được mười bốn! Và bạn có thể bảy mươi hay tám mươi tuổi, nhưng tuổi tâm trí của bạn vẫn còn bị mắc kẹt ở đâu đó trước khi bạn trở nên trưởng thành. Khoảnh khắc một người trở nên trưởng thành về dục, vào mười ba hay mười bốn tuổi, người đó bị bịt kín mãi mãi. Thế rồi người đó cứ trở thành già và già thêm nữa. Cái già này phải được bảo vệ bởi những cái già khác, lời nói dối này phải được bảo vệ bởi lời nói dối khác, và thế rồi không có chấm dứt cho điều đó. Bạn trở thành đống rác – đó là điều cá tính là. Cá tính phải bị loại bỏ, chỉ thế thì tính cá nhân mới nảy sinh. Chúng không ngụ ý cùng một điều. Cá tính chỉ là thứ trưng bày; nó là việc triển lãm, nó không là thực tại.
Tính cá nhân là thực tại của bạn, nó không phải là thứ trưng bày. Người ta có thể đào sâu tùy ý vào bạn và người ta sẽ thấy cùng một hương vị. Phật tương truyền đã nói, “Các ông có thể nếm trải ta từ bất kì đâu và các ông sẽ thấy cùng một hương vị, cũng như các ông nếm đại dương từ bất kì đâu và các ông sẽ thấy nó mặn.” Tính cá nhân là toàn thể, nó là hữu cơ.
Cá tính mang tinh thần phân liệt: trung tâm là điều này còn ngoại vi là cái gì đó khác, và chúng chẳng bao giờ gặp nhau. Chúng không chỉ không gặp nhau, chúng không chỉ khác nhau mà chúng còn đối lập lẫn nhau, chúng trong trận chiến thường xuyên.
Cho nên điều đầu tiên cần hiểu là, đừng bao giờ chấp nhận thái độ trưởng thành. Hoặc là trưởng thành hoặc là chưa trưởng thành. Nếu bạn chưa trưởng thành thì chưa trưởng thành – bằng việc chưa trưởng thành bạn sẽ cho phép sự phát triển. Thế thì hãy cứ để chưa trưởng thành ở đó; đừng giả dối, hãy thành thực về điều đó. Nếu bạn mang tính ngây thơ, vậy thì bạn đang ngây thơ – thế thì sao? Hãy cứ ngây thơ đi. Hãy chấp nhận điều đó, đi cùng nó. Đừng tạo ra sự phân chia trong mình, bằng không bạn đang tạo ra sự điên khùng nền tảng. Hãy là chính bản thân mình.
Chẳng có gì sai với việc mang tính ngây thơ. Bởi vì bạn đã được dạy rằng cái gì đó là sai khi là trẻ con nên bạn đã bắt đầu chấp thuận các thái độ. Từ chính thời thơ ấu của mình bạn đã cố gắng là người trưởng thành, và làm sao một đứa trẻ có thể là người trưởng thành được? Đứa trẻ là đứa trẻ; nó phải mang tính trẻ con.
Nhưng điều đó lại không được cho phép, cho nên trẻ nhỏ trở thành nhà ngoại giao – chúng bắt đầu giả vờ, chúng bắt đầu cư xử theo cách giả dối, chúng trở thành dối trá từ ngay chính lúc bắt đầu và dối trá cứ phát triển. Và thế rồi một hôm bạn bắt đầu đi tìm chân lí; thế thì bạn phải đi vào trong kinh sách và kinh sách lại không chứa chân lí chút nào. Chân lí được chứa trong con người bạn, đó là kinh sách thực.
Kinh Veda, kinh Koran, Kinh Thánh – chúng là trong tâm thức bạn! Bạn đang mang mọi thứ được cần cho bạn, nó là món quà từ Thượng đế. Mọi người đều được sinh ra với chân lí trong bản thể mình – cuộc sống là chân lí. Nhưng bạn bắt đầu học dối trá.
Hãy vứt mọi dối trá đi. Hãy dũng cảm – và tất nhiên bạn sẽ cảm thấy nỗi sợ lớn nảy sinh trong mình, bởi vì bất kì khi nào bạn vứt bỏ cá tính, tính trẻ con của mình, điều chưa bao giờ được phép, sẽ trồi lên bề mặt. Và bạn sẽ cảm thấy sợ hãi: “Cái gì thế! Mình lại trở thành mang tính trẻ con tại thời điểm này sao? Khi mọi người đều biết rằng mình là một giáo sư lớn – hay một tiến sĩ hay một kĩ sư – và mình có bằng tiến sĩ và mình lại mang tính trẻ con sao?” Nỗi sợ nảy sinh – nỗi sợ dư luận, sợ điều mọi người sẽ nghĩ tới.
Cùng nỗi sợ đó đã phá hủy bạn từ ngay chính ban đầu. Cùng nỗi sợ đó đã từng là chất độc: “Mẹ mình sẽ nghĩ gì? Bố mình sẽ nghĩ gì? Mọi người sẽ nghĩ gì, thầy giáo và xã hội nói gì?” Và đứa trẻ nhỏ bắt đầu trở nên tinh ranh – nó sẽ không phô bày trái tim mình.
Nó biết điều đó sẽ không được người khác chấp nhận cho nên nó tạo ra một khuôn mặt, một vật ngụy trang. Nó sẽ phô bày cái mọi người muốn thấy. Đây là ngoại giao, đây là chính trị – đây là chất độc!
Mọi người đều mang tính chính trị.
Bạn mỉm cười bởi vì mỉm cười có lợi, bạn khóc bởi vì người ta trông đợi bạn khóc. Bạn nói điều gì đó bởi vì điều đó làm cho mọi sự thành dễ dàng. Bạn nói với vợ mình “Anh yêu em” bởi vì điều đó giữ cho cô ấy yên tĩnh. Bạn nói với chồng mình, “Em sẽ chết nếu không có anh, anh là người duy nhất trong thế giới của em, anh là cuộc sống của em.” – bởi vì anh ta trông đợi bạn nói điều đó, không phải bởi vì bạn cảm thấy điều đó thực. Nếu bạn cảm thấy điều đó thì nó có vẻ đẹp, thế thì nó là bông hồng thực. Nếu bạn đơn giản giả vờ, xoa bóp cho bản ngã đàn ông của anh ấy, làm chỗ dựa cho anh ấy bởi vì bạn có mục đích nào đó cần hoàn thành qua anh ấy, thế thì đó là bông hoa giả tạo, hoa nhựa.
Và bạn bị nặng gánh bởi biết bao nhiêu thứ nhựa – đó mới là vấn đề. Thế giới không phải là vấn đề. Cái gọi là những người tôn giáo cứ nói mãi, “Hãy từ bỏ thế giới.” Tôi nói với bạn rằng thế giới không phải là vấn đề chút nào. Từ bỏ là giả dối – đó mới là vấn đề. Hãy từ bỏ cái giả dối – đó mới là vấn đề. Không có nhu cầu từ bỏ gia đình bạn nhưng lại phải từ bỏ tất cả những gia đình giả đó mà bạn đã tạo ra ở đó.
Hãy thật sự, hãy chân thực. Đôi khi sẽ rất đau đớn để là thật sự và để chân thực, điều đó không rẻ đâu. Là không thật và không chân thực thì rẻ rúng, thuận lợi, thoải mái. Đó là thủ đoạn, chiến lược để bảo vệ bản thân mình; đó là áo giáp. Nhưng thế thì bạn sẽ bỏ lỡ cái chân lí mà bạn đã từng mang trong linh hồn mình. Thế thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết Thượng đế là gì, bởi vì Thượng đế chỉ có thể được biết tới bên trong bạn. Trước hết là bên trong, thế rồi bên ngoài, trong trước, ngoài sau – bởi vì đó là điều gần nhất với bạn, bản thể riêng của bạn. Nếu bạn bỏ lỡ Thượng đế ở đó thì làm sao bạn có thể thấy Thượng đế trong Krisha, Christ, Phật? Tất cả đều vô nghĩa. Bạn không thể thấy được Thượng đế trong Christ nên bạn không thể thấy Thượng đế trong bản thân mình. Và làm sao bạn có thể thấy Thượng đế trong bản thân mình nếu bạn liên tục tạo ra dối trá quanh bản thân mình? Dối trá nhiều tới mức bạn gần như quên mất con đường về bản thể mình. Bạn lạc trong rừng rậm những dối trá.
Frederick Nietzsche đã nói rằng con người không thể sống được nếu thiếu dối trá; và đối với chín mươi chín phần trăm mọi người thì ông ấy đúng. Tại sao con người không thể sống mà không dối trá? – bởi vì dối trá vận hành như bộ đệm, cái giảm xóc. Dối trá hoạt động như bôi trơn dầu mỡ; bạn không va chạm với mọi người. Bạn mỉm cười và người khác mỉm cười – đây là bôi trơn dầu mỡ. Bạn có thể cảm thấy giận dữ bên trong, bạn có thể đầy phẫn nộ, nhưng bạn cứ nói với vợ mình “Anh yêu em.” Bày tỏ sự phẫn nộ là lâm vào rắc rối mà.
Nhưng hãy nhớ, chừng nào bạn còn chưa thể bày tỏ sự phẫn nộ của mình thì bạn sẽ chẳng bao giờ biết cách bày tỏ tình yêu của mình. Một người không thể giận dữ được thì cũng không thể yêu thương được, bởi vì người đó phải kìm nén cơn giận của mình nhiều tới mức người đó trở thành không có khả năng bày tỏ bất kì cái gì khác – bởi vì mọi thứ đều được nối với nhau bên trong bản thể của bạn, chúng không tách rời. Không có vách ngăn kín giữa giận và yêu; chúng tất cả cùng nhau, trộn lẫn với nhau. Đó là cùng một năng lượng. Nếu bạn kìm nén giận bạn sẽ kìm nén cả yêu nữa. Nếu bạn bày tỏ tình yêu, bạn sẽ ngạc nhiên – giận dữ đang nảy sinh cùng nó. Hoặc là đè nén tất, hoặc tất cả sẽ phải được bày tỏ. Bạn phải hỉêu số học này của tính thống nhất hữu cơ bên trong của bạn. Hoặc là bày tỏ hoặc là kìm nén. Việc chọn lựa không phải là ở chỗ bạn có thể kìm nén giận dữ và bày tỏ tình yêu; thế thì tình yêu của bạn sẽ giả dối bởi vì nó sẽ không có sự nồng nhiệt nào, nó sẽ không có phẩm chất của sự nồng nàn. Nó sẽ chỉ là thói cầu kì, một hiện tượng mềm yếu, và bạn bao giờ cũng sợ khi đi sâu vào trong nó.
Mọi người chỉ giả vờ yêu bởi vì họ được trông đợi yêu. Họ yêu con mình, họ yêu vợ hay chồng mình, bạn mình, bởi vì những người này được trông đợi làm cùng điều đó. Họ hoàn thành những điều này cứ dường như chúng là nghĩa vụ. Không có lễ hội trong chúng. Bạn về nhà và bạn xoa đầu trẻ con chỉ bởi vì điều đó được trông đợi, chỉ bởi vì điều đó là điều phải làm, nhưng không có niềm vui trong nó – nó lạnh nhạt, nó chết. Và đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ có khả năng tha thứ cho bạn, bởi vì cái xoa đầu lạnh nhạt là xấu. Và đứa trẻ cảm thấy lúng túng, bạn cảm thấy lúng túng.
Bạn làm tình với người đàn bà của mình nhưng bạn chẳng bao giờ đi xa vào trong đó. Nó có thể đưa bạn đi thực sự xa đấy, nó có thể đưa bạn tới phúc lạc tối thượng, bạn có thể tan biến trong nó. Nhưng nếu bạn chưa bao giờ cho phép cơn giận của mình và bạn chưa bao giờ được tan biến trong cơn giận của mình, thì làm sao bạn có thể cho phép tình yêu làm tan biến bạn? Và điều đó đã xảy ra nhiều lần – bạn sẽ ngạc nhiên – rằng người yêu đã giết người đàn bà bởi vì anh ta đã cho phép tình yêu của mình và thế rồi bỗng nhiên cơn giận tới. Người ta biết rõ sự kiện là nhiều lần người yêu đã đơn giản giết chết người đàn bà, bóp cô ấy chết ngạt – và anh ta không phải là kẻ giết người; xã hội chịu trách nhiệm. Anh ta đơn giản đã thách thức quá nhiều và đi quá sâu vào tình yêu. Khi bạn đi quá sâu bạn trở thành hoang dã, bởi vì nền văn minh của bạn ở trên bề mặt. Thế rồi cơn giận phát sinh, thế rồi mọi cái ẩn kín bên trong bạn phát sinh và thế rồi bạn gần như điên.
Để tránh cái điên khùng đó bạn làm tình theo cách rất hời hợt. Nó chưa bao giờ là một hiện tượng to lớn. Vâng, mọi người đúng khi họ nói rằng điều đó cũng giống như hắt hơi: nó làm thảnh thơi căng thẳng, nó làm nhẹ cho bạn năng lượng nào đó đã đè nặng lên bạn. Nhưng đây không phải là bức tranh thực của tình yêu. Tình yêu phải là cực lạc – không giống như hắt hơi, không chỉ là xả ra mà là việc nhận ra, việc giải thoát. Chừng nào bạn còn chưa biết tình yêu như sự giải thoát, như cực lạc, như samadhi, thì bạn vẫn còn không biết tình yêu. Nhưng điều đó là có thể chỉ nếu bạn không giả, nếu bạn đã đích thực trong mọi thứ – nếu bạn cho phép cơn giận, nếu bạn đã cho phép tiếng cười, nếu bạn đã cho phép nước mắt, nếu bạn đã cho phép tất cả. Nếu bạn chưa bao giờ là lực phòng ngừa, bạn chưa bao giờ giữ bất kì cái gì, bạn chưa bao giờ kiểm soát – nếu bạn đã sống cuộc sống không kiểm soát.
Và hãy nhớ, với kiểm soát tôi không ngụ ý cuộc sống phóng túng. Cuộc sống không kiểm soát có thể có kỉ luật lớn lao, nhưng kỉ luật này không bị áp đặt từ bên ngoài. Nó không phải là thái độ chấp thuận. Kỉ luật tới từ kinh nghiệm bên trong riêng của bạn. Nó tới từ sự đương đầu với mọi khả năng của con người bạn. Nó tới bằng việc kinh nghiệm tất cả các khía cạnh, nó tới bằng việc khám phá tất cả các chiều hướng. Nó tới từ hiểu biết. Bạn đã giận dữ và bạn đã hiểu ra điều gì đó trong nó – hiểu biết đó đem tới kỉ luật. Nó không phải là kiểm soát. Kiểm soát là xấu, kỉ luật là đẹp.
Từ ‘discipline – kỉ luật’ về cơ bản ngụ ý khả năng học, do đó mới có từ ‘disciple – môn học’. Nó không ngụ ý kiểm soát, nó ngụ ý có khả năng học tập. Người có kỉ luật là người cứ học qua các kinh nghiệm cuộc sống, người cứ đi vào mọi thứ, không sợ hãi – người mạo hiểm, người thám hiểm và phiêu lưu, người bao giờ cũng sẵn sàng đi vào cái đêm tối của cái không biết, người không níu bám vào cái đã biết và người bao giờ cũng sẵn sàng phạm sai lầm, người bao giờ cũng sẵn sàng rơi xuống rãnh và người bao giờ cũng sẵn sàng bị người khác cười. Chỉ những người đủ dũng cảm bị gọi là ngu mới có khả năng sống và yêu và biết và hiện hữu.
Trưởng thành tới qua những kinh nghiệm ngày một nhiều, ngày một sâu về cuộc sống, không phải bởi việc né tránh cuộc sống. Bằng việc né tránh cuộc sống bạn vẫn còn trẻ con.
Một điều nữa: khi tôi nói hãy giống như đứa trẻ tôi không ngụ ý tính trẻ con. Đứa trẻ phải mang tính trẻ con; bằng không nó sẽ bỏ lỡ kinh nghiệm lớn đó của thời thơ ấu. Nhưng dù bạn trẻ hay già, tính trẻ con đơn giản biểu lộ rằng bạn đã không phát triển. Giống như đứa trẻ là hiện tượng hoàn toàn khác. Điều đó ngụ ý gì? Một, đứa trẻ bao giờ cũng toàn bộ – bất kì điều gì đứa trẻ đang làm nó cũng đều trở nên bị cuốn hút vào trong đó, nó chưa bao giờ mang tính bộ phận. Nếu nó đi nhặt vỏ sò trên bãi biển, thế thì mọi thứ khác đơn giản biến mất khỏi ý thức của nó, thế thì mọi thứ mà nó quan tâm chỉ là vỏ sò và bãi biển. Nó bị cuốn hút vào trong đó, hoàn toàn bị mất hút trong đó. Phẩm chất của việc là toàn bộ là một trong những nền tảng của việc giống như đứa trẻ. Đó là sự tập trung, đó là sự mãnh liệt, đó là tính toàn thể.
Và điều thứ hai: đứa trẻ hồn nhiên. Nó hoạt động từ trạng thái không biết gì. Nó chưa bao giờ hoạt động từ tri thức bởi vì nó không có. Bạn bao giờ cũng hoạt động từ tri thức. Tri thức nghĩa là quá khứ, tri thức nghĩa là cái cũ và cái được nói cho, tri thức nghĩa là cái bạn đã cóp nhặt. Và mọi tình huống mới đều mới, không tri thức nào áp dụng được cho nó. Tôi không nói về kĩ nghệ và công nghệ – tại đó, quá khứ là áp dụng được bởi vì máy là máy. Nhưng khi bạn cư xử trong bầu không khí con người, khi bạn đang trao đổi với người sống, thì không tình huống nào lặp lại bất kì tình huống nào khác. Mỗi tình huống đều duy nhất. Nếu bạn muốn hoạt động đúng như nó bạn sẽ phải hoạt động qua trạng thái của dốt nát, như đứa trẻ. Đừng đem tri thức của bạn vào trong nó, hãy quên hết tri thức đi. Hãy đáp ứng với cái mới như cái mới, đừng đáp ứng với cái mới từ cái cũ. Nếu bạn đáp ứng từ cái cũ thì bạn sẽ lỡ: sẽ không có cây cầu giữa bạn và điều đang xảy ra quanh bạn. Bạn bao giờ cũng muộn, bạn bao giờ cũng cứ lỡ tàu.
Mọi người cứ mơ mộng đi mơ mộng lại về chuyến tàu, và họ bao giờ cũng bỏ lỡ nó. Trong giấc mơ, người này xô tới, chạy tới ga, và đến lúc người này tới nơi thì tàu đã đi rồi. Giấc mơ này cứ xảy ra đi xảy ra lại cho hàng triệu người, đây là một trong những giấc mơ thông thường nhất. Sao giấc mơ này lại cứ tới đi tới lại cho hàng triệu người trên trái đất vậy? Họ đang bỏ lỡ cuộc sống. Họ bao giờ cũng muộn. Họ bao giờ cũng là lỗ hổng. Họ cố gắng, nhưng chiếc cầu chẳng bao giờ được làm ra. Họ không thể cảm thông, họ không thể đi vào bất kì cái gì, cái gì đó che giấu. Nó là gì vậy? Chính tri thức đang che giấu.
Tôi dạy bạn dốt nát. Và khi tôi nói hãy giống như đứa trẻ tôi ngụ ý bao giờ cũng học tập, đừng bao giờ trở nên am hiểu. Tri thức là hiện tượng chết, học tập là quá trình sống. Và người học phải nhớ điều này – người đó không thể hoạt động từ quan điểm của tri thức. Bạn không theo dõi và quan sát điều đó sao? – đứa trẻ nhỏ học nhanh thế. Nếu một đứa trẻ sống trong bầu không khí đa ngữ nó học tất cả các ngôn ngữ này. Nó học ngôn ngữ người mẹ nói, người cha nói, hàng xóm nói – nó có thể học ba, bốn, năm ngôn ngữ rất dễ dàng, không khó khăn gì. Một khi bạn đã biết một ngôn ngữ thì lại rất khó học ngôn ngữ khác bởi vì bây giờ bạn bắt đầu hoạt động từ quan điểm của sự thông thạo. Người ta nói bạn không thể dạy cho con chó già các trò mới. Điều đó đúng. Nhưng cái gì làm cho con chó già? – không phải tuổi vật lí, bởi vì một Socrates cứ học đến cùng, ngay cả khi ông ấy sắp chết. Vị Phật cứ học tới chính tận cùng. Cái gì làm cho con chó già? – tri thức làm cho con chó già.
Phật vẫn còn trẻ, Krishna vẫn còn trẻ. Chúng ta không có lấy một bức tượng về Phật hay Krishna mô tả họ như người già. Không phải là họ chẳng bao giờ trở nên già! Krishna sống tới độ tuổi tám mươi, trở nên rất già, nhưng cái gì đó trong ông ấy bao giờ cũng vẫn còn trẻ trung, như trẻ thơ. Ông ấy liên tục hoạt động từ trạng thái không biết.
Cho nên điều thứ nhất, khi tôi nói hãy giống như trẻ con, tôi ngụ ý hãy toàn bộ. Về điều thứ hai là hãy vẫn là người học, hoạt động từ trạng thái không biết. Đó là hồn nhiên: hoạt động từ không biết là hồn nhiên.
Và điều thứ ba, điều cuối cùng: đứa trẻ có phẩm chất tự nhiên của sự tin cậy; bằng không thì nó không thể tồn tại được. Khi đứa trẻ được sinh ra nó tin cậy vào người mẹ, tin cậy vào sữa, tin cậy rằng sữa sẽ nuôi dưỡng nó, tin cậy rằng mọi sư đều tốt. Sự tin cậy của nó là tuyệt đối, không có hoài nghi về bất kì cái gì. Nó không sợ bất kì cái gì. Sự tin cậy của nó nhiều tới mức người mẹ đâm sợ – bởi vì đứa con có thể đi và bắt đầu chơi với rắn. Sự tin cậy của nò tới mức đứa trẻ có thể đi và thò tay vào lửa. Sự tin cậy của nó nhiều thế – nó không biết sợ, nó không biết hoài nghi. Đó là phẩm chất thứ ba.
Nếu bạn có thể biết tin cậy là gì, nếu bạn có thể học lại những cách thức của tin cậy, chỉ thế thì bạn mới biết tính thượng đế là gì, chỉ thế thì bạn mới đi tới nhận ra chân lí là gì. Điều này phải được hiểu.
Khoa học phụ thuộc vào hoài nghi – đó là lí do tại sao toàn thể nền giáo dục đã trở thành nền giáo dục của hoài nghi. Khoa học phụ thuộc vào hoài nghi, nó không thể phát triển mà thiếu hoài nghi. Tính tôn giáo phụ thuộc vào sự tin cậy, nó không thể xảy ra được nếu thiếu sự tin cậy. Đây là các chiều hướng đối lập hẳn nhau.
Hãy nhớ, nếu bạn đem tin cậy vào trong công trình khoa học thì bạn sẽ làm lỡ toàn bộ vấn đề. Bạn sẽ không có khả năng phát hiện ra điêề gì. Hoài nghi là phương pháp luận ở đó. Bạn phải cứ hoài nghi và hoài nghi, bạn phải cứ hoài nghi cho tới khi bạn loạng quạng vào cái gì đó không thể bị hoài nghi được, cái rõ ràng sờ sờ ra đó. Chỉ thế thì, trong bất lực, bạn phải chấp nhận nó – nhưng vẫn cứ còn một chút xíu hoài nghi rằng ngày mai những sự kiện mới có thể nảy sinh và toàn thể mọi sự sẽ phải bị vứt bỏ. Cho nên chỉ trong thời gian hiện tại… Khoa học chưa bao giờ đi tới bất kì chân lí tối thượng nào mà chỉ chân lí ướm thử, chân lí xấp xỉ. Chỉ với thời gian hiện tại nó mới được chấp nhận là chân lí vì ai mà biết được? – ngày mai các nhà nghiên cứu sẽ tìm ra những sự kiện mới, dữ liệu mới. Cho nên khoa học chỉ đi tới các giả thuyết, không dứt khoát, tùy ý. Điều Newton đã phát hiện ra đã bị Einstein vứt xuống cống, và điều ông này phát hiện ra sẽ bị ai đó vứt đi. Trong khoa học, hoài nghi là phương pháp luận. Tin cậy không được cần tới. Bạn phải tin cậy chỉ khi không có khả năng nào cho hoài nghi – và điều đó nữa cũng không dứt khoát, cho thời hiện tại thôi, trong một loại tình trạng không thể tự lực được. Bạn có thể làm được gì? – bởi vì không hoài nghi nào thêm là có thể được. Bạn đã nhìn tứ bề và mọi hoài nghi đã bị tan biến và một loại chắc chắn đã phát sinh.
Tôn giáo là chiều hướng đối lập hẳn lại. Cũng như trong khoa học hoài nghi là phương pháp, trong tôn giáo tin cậy là phương pháp. Tin cậy ngụ ý gì?
Nó ngụ ý rằng chúng ta không tách rời khỏi sự tồn tại, rằng chúng ta là một phần của nó, rằng đây là nhà của chúng ta. Rằng chúng ta thuộc vào nó, rằng nó thuộc vào chúng ta, rằng chúng ta không vô gia cư, rằng vũ trụ là vũ trụ mang tính mẹ. Chúng ta có thể là những đứa trẻ đối với vũ trụ cũng như đứa trẻ tin cậy rằng bất kì khi nào nhu cầu phát sinh thì mẹ sẽ tới và chăm nom – khi nó đói mẹ sẽ tới và cho nó ăn, khi nó lạnh mẹ sẽ tới và ôm ghì nó và cho hơi ấm, tình yêu, sự chăm sóc. Đứa trẻ tin cậy. Mọi điều cần làm là ở chỗ bất kì khi nào nó cần thì nó phải khóc để thu hút sự chú ý của mẹ về nó, có thế thôi.
Tôn giáo nói vũ trụ là mẹ của chúng ta hay bố của chúng ta, do đó mới có những cách diễn đạt này. Jesus đã gọi Thượng đế là abba, còn tốt hơn gọi cha nhiều. ‘Cha’ là từ chính thức, ‘abba’ là không chính thức. Nếu bạn phải dịch ‘abba’ cho đúng, nó sẽ gần với daddy (bố) hơn với cha. Nhưng để gọi Thượng đế là daddy (bố) thì có vẻ hơi chút ngớ ngẩn; nhà thờ sẽ không cho phép điều đó. Nhà thờ sẽ nói điều này là không đúng.
Nhưng Jesus thường gọi ngài là abba, chính là bố.
Trong thực tế, lời cầu nguyện phải là không hình thức. “Cha” có vẻ xa xăm thế. Không có gì ngạc nhiên là bằng việc gọi Thượng đế là ‘Cha’ chúng ta đã để ngài ra xa, ở cách xa đâu đó, trên trời. Bố cho cảm giác gần hơn – bạn có thể chạm vào ngài, ngài gần như chạm vào được, bạn có thể nói với ngài. Với Thượng đế – Cha ngồi đâu đó cao trên trời bạn có thể cứ hét lên và bạn vẫn không thể tin cậy liệu bạn sẽ có khả năng đạt tới ngài hay không.
Tôn giáo là cách tiếp cận kiểu trẻ con tới sự tồn tại: thế giới trở thành người mẹ hay người cha. Bạn không chống lại tự nhiên, bạn không tranh đấu với tự nhiên. Không có tranh đấu, có sự hợp tác lớn. Tranh đấu dường như là ngu xuẩn và ngớ ngẩn.
Hoài nghi không có tác dụng trong kinh nghiệm tông íao, cũng như tin cậy không có tác dụng trong thám hiểm khoa học. Khoa học nghĩa là thám hiểm bên ngoài và tôn giáo nghĩa là thám hiểm bên trong. Khoa học là tôn giáo của sự vật, tôn giáo là khoa học của hiện hữu. Cũng như bạn không thể nhìn bông hoa qua tai – dù bạn có cái tai nhạy cảm đến đâu, dù bạn có cái tai âm nhạc tới đâu, bạn không thể nhìn thấy bông hoa qua tai. Tai chỉ có thể bắt lấy âm thanh, nó có những giới hạn của nó. Nếu bạn muốn nhìn màu sắc, ánh sáng, hình dạng, bạn sẽ phải nhìn qua mắt. Mắt đẹp thế nhưng chúng có những giới hạn của chúng – bạn không thể nghe âm nhạc qua mắt. Ngay cả âm nhạc lớn nhất sẽ không thể thấm vào mắt được. Mắt là điếc, bạn sẽ phải nghe qua tai.
Hoài nghi là cánh cửa tới sự vật. Tin cậy là cánh cửa tới hiện hữu. Chỉ qua tin cậy người ta mới biết tới tính thượng đế.
Và hãy nhớ, bạn có thể phạm ảo tưởng theo hai cách. Cái gọi là người tôn giáo đã từng đánh khoa học, nhà thờ đã từng đánh khoa học.
Đó là trận đánh ngu xuẩn bởi vì nhà thờ muốn khoa học phụ thuộc vào tin cậy. Và bây giờ khoa học đang trả thù – bây giờ khoa học muốn tôn giáo cũng phụ thuộc vào hoài nghi, vào nghi ngại, và logic. Con người ngu xuẩn tới mức con người cứ lặp đi lặp lại cùng sai lầm. Nhà thờ thời Trung Cổ ngu xuẩn; bây giờ những người nghĩ họ là nhà khoa học cũng lại làm cùng điều ngu xuẩn đó.
Con người của hiểu biết sẽ nói rằng hoài nghi có thế giới riêng của nó. Bạn có thể dùng hoài nghi làm phương pháp nhưng nó có những giới hạn của nó. Và tin cậy cũng có thế giới riêng của nó, nhưng nó cũng có những giới hạn của nó. Không có nhu cầu dùng tin cậy để biết về sự vật và không có nhu cầu để hoài nghi về cái bên trong, nếu thế thì bạn đang tạo ra đống lộn xộn. Nếu tin cậy được dùng cho thám hiểm khoa học, khoa học sẽ không được sinh ra chút nào. Đó là lí do tại sao ở phương Đông khoa học vẫn còn rất thô sơ.
Tôi đã bắt gặp các nhà khoa học Ấn Độ – ngay cả nhà khoa học ở Ấn Độ, người có thể có mọi giáo dục có thể có ở phương Tây – người có thể được giải thưởng, hay có thể thậm chí người đó được giải thưởng Nobel, vẫn còn ở đâu đó, sâu bên dưới, không khoa học, mê tin. Người đó cứ cố gắng theo cách nào đó – có chủ ý hay không có chủ ý với người đó, nhận biết hay không nhận biết – áp đặt sự tin cậy lên thế giới bên ngoài. Và chính người rất, rất tôn giáo ở phương Tây vẫn còn lại đâu đó, sâu bên dưới, sự hoài nghi. Phương Tây đã thám hiểm các khả năng của hoài nghi và phương Đông đã thám hiểm các khả năng của tin cậy.
Bạn phải dùng cả hai. Và tôi gọi người đó là con người của hiểu biết, người đó có thể dùng cả hai. Khi làm việc trong phòng thí nghiệm người đó dùng hoài nghi, nghi ngờ, logic; khi cầu nguyện trong đền chùa, khi thiền, người đó dùng tin cậy. Và người đó tự do – người đó không bị giới hạn bởi tin cậy cũng không bị giới hạn bởi hoài nghi.
Đừng bị giới hạn bởi tai bạn hay bởi mắt bạn, bằng không bạn sẽ vẫn còn nghèo nàn. Bạn có cả hai! – cho nên khi bạn muốn nhìn hãy dùng mắt, và khi bạn muốn nghe hãy nhắm mắt lại. Không phải ngẫu nhiên mà khi nghe âm nhạc người ta lại nhắm mắt lại. Nếu bạn biết cách nghe âm nhạc bạn sẽ nhắm mắt lại, bởi vì mắt không còn được cần tới.
Vấn đề cũng thế đối với hoài nghi và tin cậy. Tin cậy là phẩm chất của trẻ con. Ba phẩm chất này, phẩm chất của việc là toàn bộ, phẩm chất của vẫn còn dốt nát mặc dù cho có tri thức, và phẩm chất của tin cậy – đây là ý nghĩa.
Tính trẻ con là một loại trạng thái xúc động tình cảm. Điều đó không cần cho bạn. Mọi đứa trẻ đều phải được phép ngây thơ, và mọi người lớn phải được phép là người lớn, nhưng người lớn cũng có thể có phẩm chất của việc là đứa trẻ. Tính ngây thơ là không cần thiết, phẩm chất cuồng nộ trẻ nhỏ là không cần thiết, tình cảm đó là không cần thiết – nhưng trưởng thành có thể bao trùm đầy đủ các phẩm chất của việc như trẻ nhỏ. Không có mâu thuẫn giữa chúng. Thực tế, bạn có thể trở nên trưởng thành chỉ nếu bạn giống như đứa trẻ.
Nhưng nếu tính trẻ con của bạn vẫn còn không được hoàn thành thì bạn phải cho phép nó. Hãy để nó tới, và để nó được hoàn thành – càng sớm càng tốt, bằng không nó sẽ cứ bám víu lấy bạn tới cùng. Hãy cho phép nó bày tỏ và nó sẽ đi. Một khi nó được phép nó sẽ có thời gian và sẽ đi, và nó sẽ rời khỏi bạn rất mãn nguyện. Tốt hơn cả là đi vào nó ngay bây giờ hơn là trì hoãn nó – bởi vì bạn càng trì hoãn thì nó lại càng trở nên khó hơn – và thế thì bạn sẽ thấy phẩm chất như trẻ con nảy sinh. Tính trẻ con sẽ biến mất. Nó tạm thời có đó, thế rồi nó sẽ ra đi và đứa trẻ của bạn sẽ tươi tắn và trẻ trung. Và sau khi đứa trẻ đó được đạt tới bạn sẽ bắt đầu phát triển. Thế thì bạn có thể trở nên trưởng thành. Bạn không thể trưởng thành với tất cả những dối trá mà bạn đang mang quanh mình. Bạn có thể trưởng thành chỉ khi bạn trở nên thực, khi bạn trở nên đúng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.