Kẻ Nhắc Tuồng
Chương 10 – Phần 2
Từ cuối hành lang vang lên tiếng ồn ào vui vẻ. Mila bước qua những ngọn nến tưởng niệm đã tắt mà ai đó đã sắp thành hàng trên ngưỡng cửa và bước vào căn phòng nội trú của Debby.
Sau khi cô đóng cửa lại, im lặng bao trùm lên căn phòng. Cô với tay bật một ngọn đèn. Căn phòng khá nhỏ. Đối diện với cánh cửa là một cửa sổ mở ra công viên. Những giá đầy sách được ốp vào tường, bên dưới chúng là chiếc bàn học rất ngăn nắp. Debby thích đọc sách. Ở phía bên phải của căn phòng là cánh cửa buồng tắm đang khép. Mila quyết định sẽ quan sát bên trong đó sau cùng. Trên giường, nhiều con thú bông đang nhìn cô bằng đôi mắt lạnh lùng vô hồn. Mila tự nhiên thấy chán ngán. Căn phòng dán đầy những tấm poster và ảnh chụp của Debby tại nhà, cùng với các bạn học ở ngôi trường cũ, bạn bè và chú chó Sting. Tất cả những thứ mà em đã phải từ bỏ để bước chân vào ngôi trường danh giá này.
Mila nhận thấy dù còn nhỏ tuổi, Debby đã mang những đường nét của một phụ nữ xinh đẹp. Các bạn học của em hẳn đã nhận ra điều đó quá trễ và sẽ hối tiếc vì đã không nhìn thấy cô thiên nga ẩn mình trong con vịt nhỏ xấu xí lạc lõng kia. Nhưng lúc này Mila cố không nghĩ đến chúng.
Cô hồi tưởng lại cuộc khám nghiệm tử thi mà mình đã tham dự, thời khắc mà bác sĩ Chang bóc lớp ni lông khỏi khuôn mặt, và chiếc kẹp mái đính bông hoa huệ tây trắng xuất hiện trên mái tóc cô bé. Kẻ sát nhân đã chải tóc cho em, và Mila lúc đó đã tự nhủ hắn làm đẹp cho em vì bọn cô.
Thực ra là không, em đẹp là vì Alexander Bermann…
Ánh mắt của cô đập vào một mảng tường trống khác thường. Cô tiến đến gần và phát hiện thấy lớp thạch cao đã bị tróc ở nhiều chỗ. Như thể có thứ gì đó từng được gắn lên tường nhưng không còn nữa. Những tấm ảnh khác chăng? Mila có cảm giác nơi này đã bị xâm phạm. Những bàn tay, những con mắt khác đã quét qua thế giới thu nhỏ của Debby, các đồ vật và những ký ức của em. Có thể bà mẹ đã lấy đi mấy tấm ảnh trên tường, cô cần phải xác minh lại điều này.
Trong khi Mila mải nghĩ đến những chuyện đó thì một tiếng động khiến cô giật nảy người. Nó vang lên từ phía bên ngoài phòng. Không phải vọng từ ngoài hành lang vào, mà từ phía sau cánh cửa phòng tắm.
Bất giác Mila đưa tay lên thắt lưng tìm khẩu súng. Khi đã nắm chắc nó trong tay, cô đánh liều đứng dậy đối diện với phòng tắm, vũ khí sẵn sàng nhả đạn. Một tiếng động nữa, lần này rõ ràng hơn. Có người đang ở trong đó. Kẻ đã không nhận thấy sự hiện diện của cô. Kẻ mà, cũng giống như cô, tin rằng đây là thời điểm thuận lợi nhất để thâm nhập vào trong phòng của Debby và lấy đi thứ gì đó… Các bằng chứng chăng? Tim Mila đập như trống trận. Cô sẽ không vào trong đó mà chỉ đứng đợi.
Cánh cửa bật mở. Mila nhúc nhích ngón tay từ trên chốt an toàn xuống cò súng. May mắn thay cô đã kịp dừng lại. Cô bé gái hốt hoảng dang tay ra, thả rơi một vật gì đó.
– Em là ai? – Mila hỏi.
– Em là bạn của Debby ạ. – Cô bé lí nhí đáp.
Nói dối. Mila hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Cô nhét súng trở lại vào trong thắt lưng và nhìn những món đồ rơi dưới sàn. Có một lọ nước hoa nhỏ, vài chai dầu gội đầu và một cái mũ rộng vành màu đỏ.
– Em đến lấy lại những thứ đã cho Debby mượn. (Câu này nghe giống như một lời lấp liếm). Những bạn khác đã vào đây trước em…
Mila nhận ra chiếc mũ đỏ trong một bức ảnh gắn trên tường. Debby là người đội mũ. Cô hiểu ra mình đang chứng kiến vụ trộm cắp mà có lẽ đám bạn bè của Debby đã tiến hành được vài ngày. Sẽ không có gì lạ nếu như một trong số chúng dám lấy luôn cả mấy tấm ảnh treo trên tường.
– Thôi được rồi. – Cô nói cộc lốc. – Đi đi.
Con bé ngần ngừ một chút, rồi nhặt lại những thứ rơi dưới đất và bước ra cửa. Mila để mặc nó. Âu đó cũng là điều Debby muốn. Những món đồ này cũng sẽ trở nên vô nghĩa với bà mẹ của cô bé, người sẽ cảm thấy có tội suốt đời vì đã gửi con mình vào đây. Xét cho cùng, Mila thấy bà Gordon còn có một chút “may mắn”, nếu có thể gọi đó là may mắn, khi ít nhất cũng có được thi hài của con gái mình để mà khóc thương.
Mila lục tìm trong đống tập sách của Debby. Cô muốn tìm một cái tên, và cô sẽ phát hiện ra nó. Dĩ nhiên chuyện đó sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu như cô tìm ra cuốn nhật ký của Debby. Cô dám cá là cô bé có một cuốn, để trút những nỗi buồn khổ vào trong đó. Và cũng giống như mọi cô bé cùng lứa khác, Debby có lẽ đã cất nó trong một nơi bí mật, không quá xa trái tim, nơi cô có thể lấy ra ngay khi cần. Khi nào thì chúng ta cần thu mình lại với những thứ mà ta coi là thân thương nhất? Ban đêm. Mila cúi xuống chiếc giường, luồn tay vào dưới tấm nệm dò dẫm, cho đến khi chạm phải một vật.
Đó là một cái hộp thiếc có hình những chú thỏ xinh xắn được mạ bạc. Cái hộp được khóa bằng một ổ khóa nhỏ.
Mila đặt cái hộp lên giường và bắt đầu nhìn quanh, tìm xem chìa khóa có thể nằm ở nơi nào. Cô sực nhớ là đã trông thấy nó trong buổi khám nghiệm tử thi. Nó được gắn vào chiếc xuyến trên cổ tay phải của Debby.
Cô đã đưa lại chiếc xuyến cho mẹ Debby và hiện không còn thời gian để lấy lại nữa. Cô quyết định phá khóa. Dùng đầu bút bi, cô nạy tung hai khoen kim loại mà ổ khóa đang gắn vào. Sau đó cô mở nắp hộp. Ở bên trong có một túi bột thơm khô, hoa khô và gỗ thơm. Một cái kim băng còn dính các vệt đỏ mà nhiều khả năng cô bé đã sử dụng để trích máu ăn thề. Một chiếc khăn tay thêu bằng lụa. Một con gấu nhựa có đôi tai đã bị gặm mòn. Những cây nến sinh nhật. Kho báu kỷ niệm của một thời ấu thơ. Nhưng không có cuốn nhật ký nào.
Lạ thật, Mila nghĩ bụng. Kích thước của chiếc hộp và chỗ trống còn lại cho phép nghĩ đến khả năng trong hộp còn đựng một thứ khác. Điều đó cũng sẽ lý giải việc cô bé cảm thấy cần phải bảo vệ tất cả bằng một ổ khóa. Nhưng cũng có thể là chẳng có quyển nhật ký nào.
Mila thất vọng nhìn đồng hồ: cô đã lỡ mất chuyến tàu. Càng có lý do để ở lại và tìm thứ gì đó có thể dẫn cô đến chỗ người bạn bí mật của Debby. Chỉ mới lúc nãy, khi cô điểm qua một lượt những vật kỷ niệm thân thiết của Debby, cảm giác mà cô không thể gọi tên ấy lại xuất hiện.
Một thoáng lạnh gáy.
Cô không thể ra đi trước khi hiểu rõ sự tình. Nhưng cô cần một ai đó, hoặc một thứ gì đó để có thể khôi phục lại cảm giác thoáng qua ấy. Mặc dù đã muộn, cô vẫn ra một quyết định khó khăn nhưng cần thiết.
Cô bấm số điện thoại gọi giáo sư Goran Gavila.
– Thưa giáo sư, là tôi, Mila đây…
Nhà tội phạm học khá bất ngờ. Ông mất vài giây mới đáp lại:
– Tôi có thể giúp gì cho cô đây?
Giọng điệu ông có vẻ khó chịu chăng? Không, đó chỉ là cảm tưởng của cô. Mila giải thích với Goran rằng lẽ ra cô đã lên tàu, nhưng hiện tại cô đang ở trong phòng nội trú của Debby Gordon. Cô muốn kể toàn bộ sự thật. Goran nghiêm túc lắng nghe. Khi cô kể xong, đầu dây bên kia yên lặng hồi lâu.
Mila không thể biết được, nhưng giáo sư Goran đang nhìn đăm đăm vào cái tủ bếp, trên tay là một tách cà phê bốc khói. Ông vẫn còn đang thức sau nhiều nỗ lực liên lạc với thanh tra Roche để ngăn chặn thảm họa truyền thông, nhưng bất thành.
– Có lẽ chúng ta đã hơi hấp tấp trong vụ Alexander Bermann.
Mila nhận thấy ông giáo sư đang thì thầm rất khẽ, tựa hồ như câu nói ấy phải vất vả lắm mới bật ra được khỏi miệng ông.
– Tôi cũng nghĩ thế. – Cô thú nhận. – Mà sao ông lại đi đến kết luận như vậy?
– Trong cốp xe của hắn là xác của Debby Gordon. Tại sao không phải là của nạn nhân cuối cùng?
Mila nhớ lại lời giải thích của Stern về sự việc lạ lùng đó:
– Có lẽ Bermann đã phạm sai lầm khi giấu cái xác, những tính toán sai có thể khiến hắn bị phát hiện, do đó hắn di chuyển cái xác đến một chỗ giấu tốt hơn.
Goran lắng nghe và tỏ ra bối rối. Hơi thở của ông dồn dập hơn.
– Có chuyện gì vậy? Tôi nói gì sai à?
– Không. Nhưng nghe chừng cô không hoàn toàn bị thuyết phục khi nói ra câu đó.
– Quả thực là không. – Cô nói sau khi ngẫm nghĩ.
– Còn thiếu một điều gì đó. Hay đúng hơn là có thứ gì đó không ăn rơ với những cái còn lại.
Mila biết một cảnh sát giỏi phải nhờ vào trực giác. Người ta không bao giờ đề cập đến nó trong những báo cáo chính thức: đối với chúng, chỉ những “tình tiết thực” mới có ý nghĩa. Nhưng nhân tiện khi Goran đã đề cập đến nó, Mila đánh liều kể cho ông nghe về cảm giác của mình.
– Lần đầu tiên nó xảy ra là trong khi bác sĩ pháp y báo cáo. Như một nốt nhạc lạc điệu. Nhưng tôi đã không thể nắm bắt được, tôi lập tức quên nó ngay.
Một thoáng lạnh gáy.
Mila nghe thấy tiếng ông Goran kéo ghế. Cô cũng ngồi xuống. Rồi ông lên tiếng:
– Chúng ta hãy thử loại Bermann ra…
– Đồng ý.
– Hãy tưởng tượng thủ phạm là một kẻ khác. Gã từ đâu đó xuất hiện và đặt một bé gái cụt tay vào trong cốp xe của Bermann.
– Bermann sẽ phải nói với chúng ta điều đó, để xóa đi những nghi ngờ đổ lên đầu hắn. – Mila quả quyết.
– Tôi không tin. – Goran kiên quyết phản bác. – Bermann là một tên ấu dâm. Hắn sẽ chẳng dám làm gì. Hắn biết rất rõ là mình đã bị gài bẫy. Hắn tự sát vì không còn đường thoát và để che giấu cho tổ chức mà hắn là thành viên.
Mila sực nhớ tay thầy dạy nhạc cũng đã tự tử.
– Vậy giờ ta phải làm gì?
– Ta quay lại với Albert, với hồ sơ trung tính về một kẻ thiếu tính người mà ta đã dựng lên lúc đầu.
Đây là lần đầu tiên Mila cảm thấy thực sự tham gia vào cuộc điều tra. Làm việc theo nhóm là một trải nghiệm mới mẻ đối với cô. Và cô không hề e ngại khi cộng tác với giáo sư Gavila. Dù chỉ mới biết ông, cô đã bắt đầu học được cách tin tưởng ở ông.
– Giả dụ rằng vụ bắt cóc các bé gái và nghĩa địa cánh tay là có nguyên do. Có thể phi lý, nhưng lý do đó tồn tại. Và để giải thích điều này, chúng ta cần phải biết thủ phạm. Càng biết hắn rõ, ta càng hiểu hắn dẽ dàng hơn. Càng hiểu hắn, ta càng tiến đến gần hắn hơn. Cô có rõ không?
– Có ạ… Nhưng vai trò của tôi chính xác là gì? – Cô hỏi.
Goran hạ thấp giọng và đáp một cách nhiệt tình:
– Đó là một kẻ săn mồi, đúng không? Vậy ta hãy học cách đi săn…
Mila mở tập giấy ghi chú mà cô luôn cầm theo. Ở đầu dây bên kia, giáo sư Gavila nghe thấy tiếng cô lật các trang giấy. Cô bắt đầu đọc những ghi chép về các nạn nhân của mình.
– Debby, mười hai tuổi. Mất tích tại trường. Bạn cùng lớp nhớ là còn trông thấy cô bé sau giờ học. Mọi người chỉ nhận ra cô bé đã biến mất khỏi trường vào giờ điểm danh tối.
Goran nhấp một ngụm cà phê và yêu cầu:
– Rồi, hãy kể cho tôi nghe về cô bé thứ hai.
– Anneke, mười tuổi. Lúc đầu, mọi người nghĩ em bị lạc trong rừng… Số ba tên là Sabine, nạn nhân nhỏ nhất: bảy tuổi. Chuyện xảy ra vào tối thứ Bảy khi em đi cùng bố mẹ đến hội chợ.
– Cô bé này đã bị bắt cóc trên một vòng đu quay ngựa gỗ ngay trước mắt bố mẹ. Vụ việc đã gây chấn động cả nước. Nhóm điều tra chúng tôi đã bắt tay vào cuộc, và vào lúc đó xảy ra vụ mất tích thứ tư.
– Melissa. Cô bé lớn nhất, mười ba tuổi. Bố mẹ em đã ra lệnh giới nghiêm, nhưng vào hôm sinh nhật, em đã lẻn ra ngoài đi chơi bowling với các bạn để ăn mừng.
– Các cô bạn khác đều đến nơi, ngoại trừ Melissa. – Nhà tội phạm học nhớ lại.
– Còn với Caroline, đối tượng đã lẻn vào nhà em để bắt cóc ngay tại giường… Rồi sau đó là đến cô bé số sáu.
– Cô bé này để sau. Giờ ta hãy tập trung vào các bé gái kia.
Goran thấy cực kỳ ăn ý với cô nữ cảnh sát. Đã từ lâu ông không có cảm giác điều này.
– Bây giờ, tôi cần cô suy nghĩ cùng tôi, Mila ạ. Hãy nói cho tôi biết: gã Albert của chúng ta hành động như thế nào?
– Trước nhất, gã bắt một cô bé ở xa gia đình, ít bạn bè. Như thế không ai nhận ra điều gì, nó cho hắn thời gian…
– Thời gian để làm chuyện gì?
– Đó là một phép thử: gã cần phải nắm chắc phần thắng trong việc mình định làm. Và với khoảng thời gian đó, gã hoàn toàn có thể phi tang nạn nhân rồi biến mất.
– Đối với Anneke, gã đã bớt căng thẳng hơn, nhưng vẫn quyết định ra tay trong rừng, cách xa các nhân chứng… Thế còn Sabine, gã hành động thế nào?
– Gã bắt cóc ngay trước mũi mọi người, trong hội chợ.
– Tại sao? – Giáo sư Goran hỏi dồn.
– Vì giống như nguyên nhân dẫn tới vụ bắt cóc Melissa trong khi mọi người đều tin chắc cô bé được an toàn tại nhà.
– Thế nguyên nhân đó là gì?
– Gã đã thấy mình mạnh lên. Gã có được sự tự tin.
– Tốt. – Goran nói. – Tiếp tục nhé… Cô hãy kể cho tôi nghe từ đầu câu chuyện về vụ kết nghĩa chị em.
– Đó là một việc ta làm khi còn trẻ con. Sử dụng một cái kim băng chích vào đầu ngón tay rồi áp chúng vào nhau trong lúc cùng đọc một bài vè.
– Hai cô bé nào vậy?
– Debby và số sáu.
– Tại sao Albert chọn chúng? – Goran hỏi. – Thật phi lý. Chính phủ báo động, mọi người đang tìm Debby, còn gã thì quay lại để bắt cóc người bạn thân nhất của cô bé! Tại sao gã dám làm một chuyện mạo hiểm như vậy? Tại sao?
Mila biết nhà tội phạm học đang muốn đi đến đâu, nhưng ngay cả khi cô nói ra, kỳ thực chính ông mới là người dẫn cô đến đó.
– Tôi nghĩ đó là một kiểu thử thách…
Chữ mà Mila vừa nói đã mở ra một cánh cửa đang đóng trong đầu nhà tội phạm học. Ông đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại trong bếp.
– Tiếp đi…
– Gã muốn chứng tỏ một điều gì đó. Rằng gã là kẻ mạnh hơn chẳng hạn.
– Là kẻ giỏi nhất. Rõ ràng đây là một kẻ tự coi mình là nhất, một kẻ bị chứng tự mắc cuồng… Nhưng ta hãy nói về số sáu.
Mila ngập ngừng.
– Ta chẳng biết gì về nạn nhân này.
– Dù gì vẫn cứ nói cho tôi nghe. Nói những gì ta đang có…
Mila đặt tập giấy ghi chú xuống. Giờ thì cô buộc phải ứng biến.
– Được rồi, xem nào… Cô bé trạc tuổi Debby, vì hai đứa là chị em kết nghĩa. Vậy là khoảng mười hai tuổi. Kết quả đo mật độ canxi xương cũng đã khẳng định điều đó.
– Đồng ý… Còn gì nữa?
– Bác sĩ pháp y nói, cô bé chết theo một cách khác.
– Nghĩa là sao? Cô nhắc lại cho tôi nghe nào?
Mila lật tìm câu trả lời trong tập giấy.
– Gã đã cắt một cánh tay của cô bé số sáu, giống như các nạn nhân khác. Nhưng trong máu và trong mô của em có vết tích của một hỗn hợp thuốc.
Goran yêu cầu cô lặp lại tên các thuốc đã được bác sĩ Chang nêu ra. Thuốc chống loạn nhịp như disopyramide, ức chế men chuyển và atenolol, một chất chẹn beta…
Chính đây là chỗ chưa thuyết phục được ông.
– Tôi thấy điểm này chưa thuyết phục. – Mila nói.
Trong một thoáng giáo sư Goran Gavila tự hỏi cô đang đọc được suy nghĩ của ông hay không.
– Trong cuộc họp, Chang đã nói Albert đã làm chậm nhịp tim bằng cách làm hạ huyết áp của cô bé. Anh ta còn cho biết thêm mục tiêu của thủ phạm là làm máu chảy chậm lại, để làm cho nạn nhân chết dần dần.
Làm máu chảy chậm lại. Khiến cô bé chết dần dần.
– Thôi được rồi, giờ thì kể tôi nghe về cha mẹ của cô bé.
– Cha mẹ nào ạ? – Mila ngơ ngác hỏi.
– Tôi không quan tâm đến việc trong mớ ghi chép của cô không có gì! Cái tôi cần là suy luận của cô!
Làm thế nào ông ta biết về vụ ghi chép nhỉ? Mila tự hỏi. Cô thấy bối rối vì phản ứng của nhà tội phạm học, nhưng vẫn tiếp tục đà suy luận.
– Cha mẹ của cô bé số sáu không có mặt như những người khác để kiểm tra ADN. Chúng ta không biết họ là ai, vì họ không báo cảnh sát về vụ mất tích.
– Tại sao họ không báo cảnh sát? Có thể là họ chưa biết chuyện?
– Có thể lắm.
Làm máu chảy chậm lại.
– Biết đâu con bé mồ côi cha mẹ! Có thể nó sống một thân một mình! Có thể mọi người không ai buồn quan tâm đến nó! – Goran bực bội nói.
– Không. Cô bé có một gia đình. Cũng giống như các nạn nhân khác, ông nhớ lại đi. Con gái độc nhất, mẹ ngoài bốn mươi, cha mẹ được thủ phạm lựa chọn vì họ chỉ có một đứa con. Gã không thay đổi, vì chính họ mới là nạn nhân đích thực: nhiều khả năng họ sẽ không bao giờ có con được nữa. Gã đã chọn các gia đình, chứ không phải các bé gái.
– Chính xác. – Goran đáp. – Thế thì sao?
Mila suy nghĩ một lúc.
– Gã muốn thách thức chúng ta. Gã đặt ra một thử thách. Như là vụ chị em kết nghĩa. Đó là một ẩn số… Gã đã đặt chúng ta vào thử thách.
Khiến cô bé chết dần dần.
– Nếu như cô bé có cha có mẹ, và họ biết chuyện, vậy tại sao họ không thông báo việc con mình mất tích? – Goran nhấn mạnh, mắt lơ đãng nhìn sàn nhà. Ông có cảm giác hai người đang ở gần một điều gì đó. Có lẽ là một câu trả lời.
– Vì họ sợ.
Câu nói của Mila đã soi sáng mọi ngóc ngách của căn phòng. Cô bỗng cảm thấy ngứa ngáy ở đằng sau cô, một thoáng lạnh gáy…
– Sợ điều gì?
Câu trả lời cũng chính là điều Mila sắp nói. Thật ra không cần phải nói ra, nhưng họ vẫn muốn ý tưởng được nói ra thành lời, để tóm lấy nó và ngăn không cho nó biến mất.
– Cha mẹ cô bé sợ Albert có thể hành hạ cô bé…
– Nhưng gã làm điều đó như thế nào được, nếu như cô bé đã chết?
Làm máu chảy chậm lại. Khiến cô bé chết dần dần.
Goran ngừng bước, gối khuỵu xuống. Còn Mila thì đứng bật dậy.
– Gã không làm máu chảy chậm lại… mà làm nó ngừng lại.
Cả hai người cùng đi đến một kết luận.
– Ôi, Chúa ơi… – Mila thốt lên.
– Đúng vậy… con bé vẫn còn sống.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.