Kẻ Nhắc Tuồng

Chương 3 – Phần 1



Sáu cánh tay. Năm cái tên.

Cùng với bí ẩn đó, nhóm điều tra rời khoảng đất trống giữa rừng để đến một trạm nghỉ lưu động đặt cạnh quốc lộ. Cà phê và thức ăn nhẹ có vẻ không thích hợp trong hoàn cảnh này, mặc dù nó giúp tạo ra một sự kiểm soát giả tạo. Dù sao thì cũng chẳng có ai đụng đến đồ ăn trong cái lạnh buốt của buổi sáng tháng Hai này.

Stern lấy từ trong túi ra một hộp kẹo ngậm bạc hà. Anh lắc lắc hộp kẹo, đổ ra tay vài ba viên rồi tống luôn vào họng. Anh vẫn bảo nó giúp anh suy nghĩ.

– Sao có thể xảy ra chuyện này được chứ? – Stern cất tiếng, tự hỏi mình nhiều hơn là hỏi những người khác.

– Chó… – Boris buột miệng, nhưng anh nói nhỏ đến nỗi không ai nghe thấy.

Rosa tìm kiếm một điểm ở bên trong chiếc xe cắm trại để nhìn đăm đăm vào nó. Goran nhận thấy điều đó. Ông rất hiểu, cô cũng có một đứa con gái trạc tuổi những cô bé kia. Con cái mình. Đó là điều đầu tiên người ta nghĩ đến trước một tội ác đối với trẻ em. Và họ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu… Nhưng họ không dám nghĩ nốt vế sau, vì nó quá tàn nhẫn.

– Hắn sẽ cung cấp cho chúng ta từng mảnh thi thể. – Chánh thanh tra Roche lên tiếng.

– Thế ra đấy là công việc của chúng ta à? Nhặt xác ấy? – Boris hỏi xóc.

Là con người của hành động, anh không thể chịu nổi khi thấy mình phải làm công việc của phu đào huyệt. Anh muốn truy tìm thủ phạm. Những người khác cũng vậy. Tất cả đều đồng tình với câu nói của anh.

Roche trấn an cả nhóm:

– Ưu tiên hàng đầu luôn là lùng bắt thủ phạm. Nhưng chúng ta không thể miễn cho mình công việc tìm thi thể kinh khủng này được.

– Rõ ràng là có sự sắp đặt.

Mọi người đều nhìn vào giáo sư Goran đầy ngạc nhiên.

– Con chó tìm ra cánh tay và đào đất, đó là một phần của “kế hoạch”. Hắn biết hai cậu bé sẽ đưa con chó đi dạo trong rừng. Chính vì thế hắn đã đặt khu nghĩa trang nhỏ của hắn ngay tại địa điểm đó. Một ý đồ đơn giản. Hắn đã hoàn tất “công việc” của mình, và cho chúng ta xem. Thế thôi.

– Ý ông là, không phải chúng ta phát hiện ra hắn à? – Boris tức giận hỏi, anh không tài nào tin được chuyện đó.

– Anh biết rõ hơn tôi những chuyện như thế này diễn ra thế nào mà…

– Nhưng hắn sẽ thực hiện điều đó, không đúng sao? Hắn sẽ lại giết người… – Rosa nói, không chịu chấp nhận. – Hắn đã rất thành công, hắn sẽ tiếp tục.

Rosa muốn nghe một lời phản bác, nhưng Goran không thể. Và kể cả là có một quan điểm về chuyện này, ông cũng không biết diễn đạt thế nào cho dễ chấp nhận sự tàn nhẫn của việc bị giằng xé giữa ý nghĩ về những cái chết thê thảm kia và mong muốn vô tâm rằng kẻ sát nhân sẽ ra tay lần nữa. Bởi vì, như mọi người đều biết, khả năng duy nhất để tóm được hắn là hắn không ngừng việc giết chóc lại.

Thanh tra Roche lên tiếng:

– Nếu chúng ta tìm được thi thể của các cháu bé, ít ra gia đình của nạn nhân cũng có thể tiến hành chôn cất cho tử tế.

Như thường lệ, Roche thường lật lại vấn đề để nhìn nhận nó một cách khách quan nhất có thể. Đó là sự tổng dượt cho điều mà ông sẽ nói với báo chí, để xoa dịu sự việc tránh ảnh hưởng tới tên tuổi mình. Đầu tiên là tang lễ, sự đau buồn, để thêm thời gian. Sau đó mới đến cuộc điều tra và các thủ phạm.

Nhưng Goran thừa biết là chiến thuật đó sẽ không thành công, cánh nhà báo sẽ mổ xẻ vụ án và thêm thắt các chi tiết kinh tởm nhất. Và nhất là, kể từ lúc đó, nhóm điều tra sẽ không được lượng thứ bất kỳ điều gì. Nhất cử nhất động của họ, mọi lời ăn tiếng nói của họ sẽ được gán cho giá trị của một sự hứa hẹn, một lời cam kết long trọng. Roche tin tưởng có thể buộc được giới truyền thông phải tôn trọng mình bằng cách nhả cho họ ít một những điều mà họ muốn nghe, và Goran để yên cho ngài chánh thanh tra mặc sức bay bổng với cái ảo tưởng làm chủ tình hình mong manh ấy.

– Tôi tin rằng ta phải đặt cho gã này một cái tên… trước khi báo chí làm chuyện đó. – Roche nói.

Goran đồng tình, nhưng không phải vì cùng một lý do với ngài chánh thanh tra. Giống như mọi nhà tội phạm học làm việc trong ngành cảnh sát, ông có những phương pháp riêng của mình. Trước hết, phải gắn các đặc điểm cho tên tội phạm, để con người hóa một hình ảnh vẫn còn rất lờ mờ và sơ sài. Trên thực tế, trước một tội ác man rợ và vô cớ đến vậy, người ta có khuynh hướng quên mất rằng thủ phạm chỉ là một con người, cũng giống như nạn nhân, có một cuộc sống nhiều khi rất bình thường, có công ăn việc làm, và đôi khi còn có cả gia đình nữa. Để củng cố cho giả thiết này, giáo sư Goran Gavila luôn nhắc nhở các sinh viên của mình rằng gần như trong tất cả các vụ, việc bắt giữ một tên tội phạm giết người hàng loạt là một điều hoàn toàn gây chấn động đối với hàng xóm láng giềng và người thân của hắn.

“Chúng ta gọi chúng là quái vật, vì chúng ta cảm thấy chúng quá xa lạ với mình, nên chúng ta muốn chúng khác biệt.”, giáo sư Goran từng nói như thế trong bài giảng của mình. “Ngược lại, bọn chúng hoàn toàn không khác gì chúng ta. Nhưng ta cứ thích chối bỏ suy nghĩ rằng một kẻ đồng loại với mình lại có thể tàn bạo đến thế. Tựa như một sự miễn tội cho bản chất của con người chúng ta. Những nhà nhân loại học gọi đó là ‘sự giải thể nhân cách của tội phạm’, và đó thường là trở ngại chính trong việc nhận dạng một tên giết người hàng loạt. Một con người thì luôn có các điểm yếu và có thể bị bắt. Còn một con quỷ thì không”.

Để minh họa cho điều này, Goran từng cho treo trong phòng học một bức ảnh đen trắng chụp một đứa trẻ. Một cậu bé mũm mĩm, vô hại. Các sinh viên của ông nhìn nó mỗi ngày và trở nên thân thuộc với hình ảnh đó. Cho đến một ngày – vào khoảng giữa học kỳ – một ai đó đánh bạo hỏi ông cậu bé là ai. Ông đã thách họ đoán. Những câu trả lời rất đa dạng và đầy liên tưởng. Và rồi ông khoái chí quan sát nét mặt của các sinh viên khi tiết lộ rằng cậu bé đó chính là Adolf Hitler.

Sau chiến tranh, tên trùm phát xít Đức đã trở thành một con quái vật trong tâm tưởng của mọi người, và trong nhiều năm trời, những quốc gia giành chiến thắng đã chống lại tất cả những cách nhìn nhận khác về Hitler. Đến mức chẳng ai biết tới những tấm ảnh thời thơ ấu của tên độc tài. Một con quái vật thì không thể nào từng là một đứa trẻ, không thể có được tình cảm nào khác ngoài sự thù hận, và không thể nào từng sống một cuộc sống tương tự như những đứa trẻ đồng lứa khác, những trẻ em mà sau này trở thành nạn nhân của hắn.

“Đối với nhiều người, nhân tính hóa Hitler tức là ‘lý giải’ hắn”, sau đó Goran nói với cả lớp. “Nhưng xã hội ngụy biện rằng, cái ác tột cùng thì không thể cắt nghĩa hoặc hiểu thấu, vì nếu làm điều đó tức là ta đang tìm cách bào chữa cho nó”.

Trong chiếc xe cắm trại cơ động, Boris đề nghị đặt tên “Albert” cho thủ phạm của nghĩa địa cánh tay, như là kỷ niệm về một chuyện cũ. Ý kiến của anh được những người có mặt hồ hởi đón nhận, nên họ quyết định luôn.

Ngày qua ngày, Albert sẽ hoàn chỉnh dần diện mạo. Một chiếc mũi, hai con mắt, một khuôn mặt, một cuộc sống. Mỗi người sẽ có cách nhìn riêng của mình, và hắn sẽ không còn là một bóng ma lẩn khuất nữa.

– Albert à? – Khi buổi họp kết thúc, Roche vẫn còn cân nhắc về giá trị truyền thông của cái tên này. Ông lặp đi lặp lại, nhẩm nha nó. Có lẽ được đây.

Nhưng một điều vẫn còn làm bận lòng ngài chánh thanh tra. Ông nói với Goran:

– Nói thật, tôi đồng tình với Boris. Lạy Chúa! Tôi không thể ép người của mình đi nhặt xác trong khi một gã loạn thần kinh biến chúng ta thành cả một lũ ngu!

Goran biết thừa khi Roche nói đến “người của mình”, thì chủ yếu ông ta muốn nói đến chính mình. Chính ông ta mới là người sợ không trưng ra được bất cứ kết quả nào. Cũng chính ông ta là người sợ rằng ai đó sẽ khui ra năng lực yếu kém của cảnh sát liên bang nếu như họ không bắt được thủ phạm.

Hơn nữa, vẫn còn đó câu hỏi về cánh tay thứ sáu.

– Tôi nghĩ chúng ta sẽ không tiết lộ về sự tồn tại của một nạn nhân thứ sáu.

Goran chưng hửng.

– Thế thì làm thế nào chúng ta biết cánh tay đó của ai?

– Tôi đã tính hết rồi, ông đừng lo…

Trong sự nghiệp của mình, Mila Vasquez đã giải quyết được tám mươi chín vụ mất tích. Cô đã nhận được ba huy chương và hàng loạt bằng khen. Cô được coi như một chuyên gia trong lĩnh vực này, và mọi người thường tham vấn ý kiến cô, kể cả từ nước ngoài.

Chiến dịch buổi sáng hôm ấy đã giải cứu được Pablo và Elisa, có thể coi đó là một chiến thắng tuyệt đối. Mila không nói gì. Nhưng nó làm cô áy náy. Cô những muốn thừa nhận các sai lầm của chính cô. Tự mình đột nhập vào hang ổ kẻ thù mà không có lực lượng hỗ trợ, đánh giá thấp tình hình và mắc bẫy, đánh liều mạng sống của bản thân và con tin khi để cho kẻ tình nghi tước vũ khí rồi chĩa súng vào gáy mình. Và cuối cùng, không ngăn cản được vụ tự sát của thầy giáo dạy nhạc.

Nhưng tất cả những điều đó đã được cấp trên của cô bỏ qua hết, chẳng những thế họ càng thổi phồng công trạng của cô trong lúc được cánh báo chí săn ảnh.

Mila không bao giờ xuất hiện trong những bức ảnh đó. Lý do chính thức mà cô đưa ra là cô muốn giấu kín danh tính của mình để còn tiếp tục nghiệp điều tra sau này. Nhưng sự thực là cô ghét bị chụp ảnh. Thậm chí cô còn không chịu nổi hình ảnh mình trong gương. Không phải vì cô không đẹp, ngược lại là đằng khác. Nhưng, ở vào cái tuổi ba mươi hai này, những ngày tháng miệt mài trong phòng tập đã tước mất toàn bộ vẻ nữ tính của cô. Mọi đường cong, mọi nét mềm mại. Như thể việc làm phụ nữ là một điều cần phải xóa bỏ. Cô hay mặc đồ của đàn ông tuy không hề nam tính. Đơn giản là cô chẳng có nét gì tiết lộ giới tính của mình cả. Mà cô cũng muốn thế. Trang phục của cô giới nào cũng mặc được. Quần jean không quá bó sát, giày thể thao thoải mái, áo khoác da. Chúng chỉ là quần áo, không gì hơn. Chức năng của chúng là giữ ấm và che thân. Cô chẳng mất nhiều thời gian để chọn đồ, cứ thế mua và mặc. Thường là mua cùng một món nhiều lần. Có quan trọng gì đâu. Cô thích thế.

Được vô hình giữa những người tàng hình.

Cũng vì thế mà cô có thể dùng chung phòng thay đồ với cánh đàn ông.

Suốt mười phút vừa qua, Mila nhìn cái tủ đựng đồ mở toang của mình trong lúc điểm lại những sự kiện trong ngày. Cô có việc gì đó phải làm, nhưng tâm trí cô cứ để đâu đâu. Sau đó, một cơn đau nhói ở bắp đùi đưa cô về thực tại. Vết thương của cô lại bị mở miệng. Cô đã cố cầm máu bằng bông băng, nhưng vô ích. Mảnh da quanh vết cắt quá ngắn, khiến cô không thể làm tốt việc khâu vết thương. Chắc là lần này cô phải đi khám bác sĩ, nhưng cô không thích đi bệnh viện. Quá nhiều câu hỏi. Cô quyết định băng chặt hơn, với hi vọng cầm được máu, rồi sau đó sẽ thử khâu lại lần nữa. Nhưng dù sao cô cũng phải dùng kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Mila sẽ xoáy cho mình một toa thuốc rởm, nhờ một tay thỉnh thoảng vẫn cung cấp thông tin cho cô về những kẻ mới đến trong đám người lang thang ngoài ga…

Những ga tàu.

Lạ thật, Mila nghĩ bụng. Trạm trung chuyển của người này, nhưng với người khác lại là nơi để lưu lại và không rời đi nữa. Các nhà ga là một dạng phòng chờ của địa ngục, nơi những linh hồn lưu lạc dồn đống lại trong khi đợi ai đó đến hốt đi.

Mỗi ngày trung bình có từ hai mươi đến hai nhăm cá nhân biến mất. Mila nắm số liệu thống kê rất rõ. Đùng một cái, chẳng có tin tức gì của bọn họ nữa. Họ biến đi không báo trước, cũng không mang theo hành lý. Tựa như họ đã rơi vào cõi hư không.

Mila biết đa phần trong số họ là những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, bọn nghiện hút, du thủ du thực, sẵn sàng phạm tội, vào tù ra khám như cơm bữa. Nhưng cũng có những người – thiểu số thôi – mà vào một thời điểm trong đời, họ quyết định từ bỏ tất cả. Như là một bà mẹ đi chợ và không bao giờ quay về nữa, hoặc là đứa con trai hay thằng anh nó nhảy lên tàu và không bao giờ tới được đích muốn đến.

Mila nghĩ mỗi người có một con đường riêng. Một con đường đưa chúng ta về nhà, đến chỗ người thân, những người mà chúng ta gắn bó nhất. Thường thì đó là con đường chúng ta tìm hiểu từ bé và đi tiếp cho đến cuối cuộc đời. Nhưng cũng có khi con đường đó gián đoạn giữa chừng để rồi tiếp nối ở nơi khác. Hoặc là sau khi đã theo một lộ trình gập ghềnh, nó quay lại điểm đứt đoạn. Hoặc cũng có thể là nó cứ lỡ dở như thế mãi.

Nhưng đôi khi, nó mất hút vào trong bóng tối.

Mila biết hằng hơn phân nửa những người mất tích quay về và luôn kể những câu chuyện. Một số chẳng có gì để kể và quay lại cuộc sống như lúc trước. Những người khác kém may mắn hơn khi chỉ còn là cái xác vô hồn. Và có những người mà ta không bao giờ hay biết gì về họ nữa.

Trong số những người này, thể nào cũng có một đứa bé.

Có những bậc cha mẹ sẵn sàng đánh đổi cả cuộc sống để biết điều gì đã xảy ra. Họ đã sai lầm ở chỗ nào. Sự lơ đãng nào đã dẫn tới thảm kịch câm lặng ấy. Điều gì đã xảy đến với con họ. Kẻ đã bắt nó, và lý do của hắn. Có những người cật vấn Chúa trời để biết họ bị trừng phạt vì tội lỗi gì, có người quay quắt đi tìm câu trả lời trong suốt phần đời còn lại, hoặc chết dần chết mòn trong khi cố giải đáp các câu hỏi. “Ít ra hãy khẳng định với tôi rằng nó đã chết”, họ nói như thế. Một số có thể đi đến chỗ mong ước chuyện đó, vì họ muốn than khóc, thế thôi. Mong muốn duy nhất của họ không phải là sự bỏ cuộc, mà là khả năng chấm dứt hi vọng. Bởi hi vọng giết chết con người ta chậm rãi hơn.

Nhưng Mila không tin vào thứ “sự thật giúp giải tỏa”. Cô đã cảm thấy như thế vào lần đầu tiên giải thoát con tin, và một lần nữa vào buổi chiều hôm ấy, khi đưa Pablo và Elisa về nhà.

Chào đón thằng bé, cả khu phố reo mừng, xe hơi bóp còi và tuần hành vui vẻ.

Nhưng về phần Elisa, một khoảng thời gian quá dài đã trôi qua.

Sau khi cứu cô gái, Mila đưa Elisa đến một trung tâm đặc biệt, nơi cô gái được các nhân viên cứu trợ xã hội chăm sóc, cho ăn uống và thay quần áo sạch. Mila tự hỏi tại sao mấy thứ quần áo đó bao giờ cũng có vẻ rộng hơn một đến hai số. Có lẽ là vì những người được mặc chúng đã hao gầy đi trong suốt những năm tháng của sự quên lãng, để rồi được tìm thấy lại ngay trước khi biến mất hẳn.

Elisa không nói tiếng nào. Cô gái chỉ mặc kệ cho người ta chăm sóc mình, chấp nhận tất cả những gì họ làm với cô. Sau đó, khi nghe Mila thông báo sẽ đưa cô về nhà, Elisa cũng chẳng nói chẳng rằng.

Trong khi nhìn đăm đăm chiếc tủ đựng đồ, Mila không thể nào xóa khỏi đầu hai gương mặt của cha mẹ Elisa Gomes khi cô bấm chuông nhà cùng với con gái họ. Hai ông bà có vẻ bất ngờ và thậm chí có phần hơi khó chịu. Có lẽ họ nghĩ trong đầu rằng người ta sẽ trả lại cho họ một cô bé mười tuổi, chứ không phải là cô gái trẻ mà với cô, họ hoàn toàn không còn điểm chung nào.

Elisa từng là một đứa trẻ thông minh và phát triển sớm. Cô bé biết nói rất sớm. Từ đầu tiên phát ra từ miệng cô bé là “May”, tên của con gấu bông. Nhưng mẹ cô cũng không thể quên từ cuối cùng cô nói. Đó là từ “mai”, trong câu “Hẹn mẹ ngày mai”. Elisa đã nói câu ấy trên ngưỡng cửa nhà mình, trước khi đi sang nhà bạn ngủ. Thế nhưng ngày mai ấy đã không đến, và vẫn chưa đến. Ngược lại, “ngày hôm qua” của cô là một ngày rất dài và chưa có vẻ gì là muốn kết thúc.

Trong khoảng thời gian đó, đối với bố mẹ Elisa, cô tiếp tục là một cô bé mười tuổi, phòng ngủ của cô đầy búp bê và cạnh lò sưởi là đống quà Giáng sinh. Elisa mãi là như thế trong ký ức của bố mẹ cô. Đông cứng trong hình ảnh mà họ giữ trong đầu, tựa như tù nhân của một lời nguyền.

Vậy đấy, mặc dù Mila đã tìm lại được Elisa, nhưng họ vẫn tiếp tục chờ đợi cô bé gái mà họ đã đánh mất. Để rồi không bao giờ thanh thản.

Sau một cái ôm kèm theo nước mắt và sự xúc động như thông lệ, bà Gomes đưa hai chị em vào nhà, mời trà và bánh quy. Bà đối xử với con gái mình như với một người khách. Có lẽ trong thâm tâm, bà vẫn nuôi một hi vọng là cô gái lạ hoắc này sẽ ra đi sau chuyến viếng thăm, để lại vợ chồng bà với sự trống vắng dễ chịu thường khi.

Mila so sánh nỗi buồn với mấy cái tủ đồ cũ kĩ mà người ta muốn dẹp bỏ nhưng vẫn nằm đó, tỏa một thứ mùi đặc trưng ra khắp phòng. Cùng với thời gian, người ta quen dần với nó, và rồi trở nên lệ thuộc vào nó.

Elisa đã quay về, và bố mẹ cô sẽ phải phá bỏ sự đau buồn của họ, gác đi tất cả những thương hại mà người ta đã dành cho họ trong những năm vừa qua. Họ đâu còn lý do gì để mà buồn nữa. Nhưng họ sẽ phải cần nhiều dũng khí hơn nếu muốn kể cho mọi người nghe về nỗi bất hạnh mới của mình. Nỗi bất hạnh đó là việc có một kẻ lạ mặt ở trong nhà!

Sau một giờ thăm hỏi xã giao, Mila cáo từ. Dường như cô đọc thấy trong mắt của mẹ Elisa một lời cầu cứu câm lặng: “Giờ tôi biết làm gì đây?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.