Lối tư duy của người thông minh
Chương bảy. Tư duy thông minh trong thực tiễn
Viết những tóm lược tốt đưa đến Kiến thức chất lượng cao Hiểu biết Nhu cầu kết thúc của bạn
Các bước chính để tạo ra những mô tả mới về vấn đề và đánh giá giải pháp của bạn. Đọc một cuốn sách về tư duy thông minh cũng khá giống đọc một cuốn sách dạy đánh gôn. Một cuốn sách về đánh gôn hay sẽ dạy bạn cơ chế của động tác vung gậy đẹp, chỉ cho bạn những chiến lược chọn gậy và cung cấp mẹo mà bạn cần để thành công trên sân gôn. Kiến thức này hữu ích nhưng tự nó không biến bạn thành một tay chơi gôn giỏi hơn.
Rốt cuộc, khả năng chơi gôn của một người sẽ được cải thiện thông qua luyện tập nhiều hơn là qua việc đọc. Những tay gôn xuất sắc là những người dành thời gian luyện tập ở điểm tập phát bóng và những bãi cỏ tập đánh bóng vào lỗ. Họ biến những kiến thức khái niệm của mình về trận đấu thành những Thói quen thông minh cho phép họ hoạt động ở một cấp độ cao như một thói quen.
Tư duy thông minh cũng phải được học hỏi và thực hành. Tôi đã cung cấp cho bạn những yếu tố chính trong công thức Tư duy thông minh: Tạo thói quen thông minh để thu thập Kiến thức chất lượng cao và sau đó Ứng dụng kiến thức. Chương này tập trung vào cách tạo ra những tư duy có giá trị ngang với việc luyện tập phát bóng. Có hai mục tiêu ở đây: Thứ nhất, cung cấp những cấu trúc bạn có thể sử dụng để dẫn dắt bản thân biến những khía cạnh của Tư duy thông minh thành một phần cuộc sống thường nhật; thứ hai, cung cấp những phương pháp nhận ra tình huống ngõ cụt và những cách để tiến lên.
Những khuyến nghị để luyện tập tốt
Chương 2 khám phá những yếu tố điều chỉnh việc tạo ra thói quen. Những Thói quen thông minh tạo lập mối liên kết giữa các thông tin trong thế giới xung quanh và hành động trong đó bạn không cần phải suy nghĩ để đưa ra quyết định về hành vi của mình trong một hoàn cảnh bất kì. Luyện tập giúp bạn thực hiện hành vi bạn muốn một cách vô thức.
Dù vậy trước khi bắt đầu, tôi có hai khuyến nghị để tạo ra những cải thiện đều đặn vững chắc trong tư duy của bạn.
Đầu tiên, đừng cố thử tất cả những đề xuất này cùng một lúc. Tất cả những thay đổi trong thói quen bạn tạo ra sẽ hình thành một hành vi phụ mà bạn cần phải suy nghĩ. Nếu cố thực hành quá nhiều thay đổi cùng một lúc, bạn sẽ mất tất cả thời gian để nghĩ về cách suy nghĩ và không còn thời gian cho việc thực sự suy nghĩ.
Thứ hai, tạo ra những thay đổi trong môi trường vật chất sẽ giúp bạn nhớ những hành vi mới bạn đang thêm vào. Ví dụ, hãy xem xét vấn đề các siêu thị đang muốn cắt giảm số lượng túi giấy và nhựa mà họ sử dụng. Siêu thị đã bán loại túi tái sử dụng cho khách hàng với hy vọng họ sẽ mang chúng đi cùng. Nhiều khách hàng đã mua vì họ nhận ra giá trị khi sử dụng chúng. Song tiếc là, rất nhiều người mua sắm để túi tái sử dụng trong cốp xe và thường quên mang theo cho đến khi họ đã vào trong siêu thị. Để giúp giải quyết vấn đề này, các siêu thị đã dựng những bảng hiệu trong các khu đậu xe để nhắc mọi người mang túi của mình vào. Tuy việc này có thể hiệu quả ở một mức độ nào đó, song cách tốt nhất là tự mình thay đổi: hãy luôn viết chữ “Túi” lên đầu danh sách mua sắm của mình (và bảo đảm để danh sách ở nơi mình có thể thấy trước khi ra khỏi xe).
Bằng cách thêm vào môi trường những yếu tố nhắc nhở hành động nên thực hiện, bạn đang cung cấp một khung sườn hay một giàn giáo để hỗ trợ những hành vi mới. Rốt cuộc, những hành động này trở thành các thói quen mà nhìn chung sẽ trực tiếp liên kết với môi trường, khi đó những thay đổi trong môi trường của bạn sẽ không còn quan trọng nữa.
Bất kỳ cuốn sách dạy chơi gôn nào cũng cung cấp mẹo và bài tập cho những tay chơi gôn ở nhiều cấp độ kỹ năng khác nhau. Do đó, tôi cũng sẽ cung cấp một số khuyến nghị ở những cấp độ khác nhau, từ đó bạn có thể điều chỉnh hợp lý những đề xuất ấy nhằm thay đổi cách tư duy dựa trên thói quen hiện tại của bạn.
CẢI THIỆN TÓM LƯỢC CỦA BẠN
Tạo ra Kiến thức chất lượng cao bắt đầu bằng việc kiểm soát điều bạn nhớ về tình huống mới. Trong Chương 3, tôi đã nói về tầm quan trọng của việc dành ít phút để tóm lược một trải nghiệm trước khi chuyển sang việc tiếp theo.
Nếu không có sẵn thói quen viết tóm lược, điều đầu tiên bạn phải làm là cấu trúc môi trường để bạn có thể tạo ra những tóm lược như một hoạt động thường lệ sau khi đọc xong một cuốn sách, một bài báo, tham dự một cuộc họp hay một buổi nói chuyện.
Bắt đầu bằng việc mang theo một cuốn sổ tay hay một máy tính bảng, viết chữ Tóm lược lên bìa. Khi đọc xong một cuốn sách, một bài báo hay kết thúc một cuộc họp, hãy viết vào đó ba điểm chính (hay đại loại thế).
Hãy sử dụng công nghệ để hỗ trợ bạn. Rất nhiều điện thoại thông minh và máy tính bảng có ứng dụng ghi chú. Hãy cài vào đó một phần mềm sổ tay để lưu trữ những tóm lược của bạn. Những phầm mềm này dễ dàng giúp bạn cải thiện chất lượng kiến thức của mình.
Khi phát triển thói quen tóm lược kết quả những gì bạn nghe hay đọc, hãy bắt đầu chú ý đến những loại thông tin bạn có xu hướng viết ra. Cách khám phá nội dung những tóm lược có thể giúp cải thiện chất lượng những gì bạn nhớ sau này.
Khi tham dự một cuộc họp, bạn có tập trung những tóm lược chủ yếu vào công việc bạn cần làm sau đó không? Nếu có thì có thể bạn đã bỏ lỡ những nội dung quan trọng khác đang được thảo luận. Khi tham dự một cuộc họp, hãy mang theo một danh sách những việc cần làm. Nếu có một thời hạn công việc mới, một cuộc họp, hay nhiệm vụ mới được giao, hãy viết nó vào danh sách ngay. Giờ bạn không cần thêm nó vào bản tóm lược “vĩ đại” của bạn về cuộc họp vì nó đã nằm trong lịch làm việc.
Hãy tập trung tóm lược của bạn vào kiến thức bạn sẽ cần về lâu dài. Nếu những tóm lược cuộc họp của bạn tập trung chủ yếu vào những thông tin chỉ liên quan trong tuần sau thì có thể sẽ có những vấn đề mang tính dài hạn mà sau này bạn không thể nhớ. Vậy còn những tóm lược về các bài giảng, sách và những bài báo thì sao?
Học bất kỳ lĩnh vực kiến thức nào cũng khá giống với việc gặp gia đình người yêu lần đầu tiên. Bạn ngồi xuống bàn ăn tối và cuộc trò chuyện nơi bàn ăn bắt đầu và cũng rất khó hiểu. Cuộc trò chuyện nói về những sự kiện xa lắc xa lơ trước đây và xảy ra với những người mà ai ở đó cũng biết, ngoại trừ bạn. Thỉnh thoảng, ai đó phản ứng mạnh mẽ trước một nhận xét hay một câu hỏi theo cách mà bạn không mong chờ. Rõ ràng là nhận xét kia nói về điều gì đó xảy ra trong quá khứ mà bạn không biết. Tất nhiên, qua thời gian, bạn biết được nhiều quan hệ và bí mật gia đình khác và thậm chí, bạn còn trở thành một phần của câu chuyện gia đình dài tập.
Tương tự, bất kỳ lĩnh vực kiến thức nào cũng đã được phát triển qua thời gian. Bạn cần biết những vật thể, sự kiện và con người đã góp phần tạo thành lĩnh vực kiến thức này, từ đó, bước đầu dự đoán xem những sự kiện mới sẽ tác động lên lĩnh vực đó như thế nào. Chỉ khi đã có kiến thức cơ bản về những vật thể và sự kiện, bạn mới có thể thực sự bắt đầu đưa ra kiến thức nhân quả giải thích tại sao những sự kiện đó xảy ra. Hãy nhìn vào lịch sử như một ví dụ. Nếu đang học về lịch sử của một khu vực mới, bạn phải tìm hiểu về những nhân vật chính có tên trong các sự kiện. Bạn học về những sự kiện quan trọng và ngày tháng chúng diễn ra. Bạn có thể nghiên cứu mối quan hệ giữa các sự kiện và bắt đầu truy ngược dòng thời gian. Khi khả năng làm chủ những dữ kiện được cải thiện, bạn có thể bắt đầu quan sát những lực nhân quả khác nhau đã tác động đến sự kiện, thậm chí xem xét tranh luận giữa các sử gia về những yếu tố tham gia vào những sự kiện này.
Tóm lược của bạn về các bài giảng, sách và bài báo sẽ phản ánh sự chuyển đổi từ kiến thức cơ bản sang kiến thức nhân quả. Theo thời gian, khi học tập những cái mới, các tóm lược của bạn cũng cần phản ánh sự chuyển đổi từ vật thể (và con người) sang sự kiện, từ tình huống sang kiến thức nhân quả.
Để bảo đảm phát triển kiến thức của mình, bạn hãy tổ chức những tóm lược quanh ba yếu tố sau: vật thể (con người), sự kiện và kiến thức nhân quả. Ví dụ, khi tôi dạy sinh viên đọc những bài viết tâm lý học, tôi đề nghị họ mô tả những quy trình thí nghiệm cơ bản được sử dụng (một tập hợp những vật thể), mô hình quan trọng các dữ liệu từ nghiên cứu (sự kiện) và lý thuyết (hay những lý thuyết) được hỗ trợ bởi mô hình này (lý giải nhân quả). Có hai lý do chính cho đề xuất này. Đầu tiên, nếu bạn biết được ba yếu tố này trong một bài viết thì chúng cũng sẽ giúp bạn nhớ những chi tiết khác. Thứ hai, lặp đi lặp lại việc trả lời cùng ba câu hỏi ấy sẽ phát triển Thói quen thông minh trong việc tìm kiếm những thông tin này mỗi khi bạn đọc một bài viết.
Những tóm lược này cũng mang đến cho bạn cơ hội nhận ra những thiếu hụt tiềm tàng trong chất lượng kiến thức nhân quả của bạn về các tình huống. Trong Chương 4, tôi đã chỉ ra hai đặc điểm của kiến thức nhân quả, trong đó có thể gặp những hạn chế quan trọng: những lỗ hổng và các thuật ngữ không xác định.
Viết tóm lược là một cách hữu ích để nhận diện những lỗ hổng. Khi xong một phần tóm lược kiến thức nhân quả về tình huống, nghĩa là bạn đang tự đưa ra một lý giải. Tóm lược có thể không phải là một lý giải hoàn chỉnh về điều bạn đã học nhưng nó mang đến cơ hội đánh giá lại kiến thức nhân quả hiện thời của bản thân.
Sau khi viết xong tóm lược đó, hãy nhìn qua những từ ngữ bạn sử dụng trong lý giải nhân quả ấy. Vài từ ngữ có thể che đậy các lỗ hổng trong kiến thức nhân quả vì bạn hiểu chúng không rõ như bạn nghĩ. Do đó, những tóm lược cũng cung cấp cho bạn cơ hội tìm ra những thuật ngữ không rõ nghĩa.
Để minh hoạ cho điểm này, tôi quay lại ví dụ giật nước bồn vệ sinh trong Chương 4. Khi tôi lần đầu tiên thử đưa ra một lý giải cho lý do tại sao không phải tất cả nước trong bồn vệ sinh bị hút ra ngoài. Tôi nhận ra rằng, tôi có một lỗ hổng trong kiến thức của mình. Lỗ hổng này tồn tại vì những đường ống dẫn nước ra khỏi bồn không trong tầm nhìn của tôi.
Trong khi tìm kiếm lời giải đáp cho cách bồn vệ sinh hoạt động, tôi tìm thấy một mô tả và một biểu đồ minh hoạ cơ chế bên trong. Lỗ hổng ở đáy bồn được nối với một đường ống dẫn lên một chỗ cao, sau đó lại dẫn xuống và được nối với những đường ống dẫn nước thải từ bồn đi nằm dưới sàn. Chỗ cao này tạo ra một ống xi-phông hút hầu hết nước ra khỏi bồn chứa. Tất cả những gì còn lại trong bồn sau đó là lượng nước dâng cao bằng chỗ cao bên trong ống.
Khi lần đầu tiên tìm thấy lý giải này, tôi vui mừng cho rằng đã lấp đầy lỗ hổng kiến thức nhân quả của bản thân và tự mình viết ra một tóm lược ngắn gọn. Tuy nhiên, sau đó tôi nhận ra rằng từ xi-phông là một vấn đề. Tôi biết xi-phông là gì. Khi còn nhỏ, tôi đã biết cách hút nước mưa ra khỏi máng chứa nước ở cửa sổ tầng trệt của nhà sau những trận bão lớn. Tuy nhiên, khi đọc tóm lược của mình, tôi nhận ra rằng tôi không hiểu cách một xi-phông thực sự vận hành. Tôi chỉ biết rằng, một khi dòng chảy của nước bắt đầu trong một ống xi-phông thì sau đó nhiều nước hơn sẽ bị hút vào. Đọc lại tóm lược cho phép tôi nhận diện một lỗ hổng trong kiến thức của mình do một thuật ngữ tôi không thực sự hiểu gây ra. Và đó cũng là lời mời gọi lấp đầy lỗ hổng này. LUYỆN TẬP ĐỐI MẶT VỚI NGÕ CỤT
Khi bạn đọc một cuốn sách dạy chơi gôn, rất nhiều mẹo tập trung vào các phương pháp vung gậy. Những đề xuất này được thực hành trong quá trình luyện tập trong sân tập. Tất nhiên sân tập phải đảm bảo những điều kiện hoàn hảo iểm phát bóng phẳng và không có vật cản. Phạm vi phát bóng hướng đến việc cho phép bạn thực hiện lặp đi lặp lại cùng một cú vung gậy.
Trên một sân gôn thật, bãi cỏ hiếm khi hoàn hảo như trong sân tập. Đất có thể dốc lên dốc xuống. Lớp cỏ có thể mọc quá cao hay có những mảng trần. Mặt đất có thể cứng do thiếu mưa. Các tay chơi chuyên nghiệp phải luyện tập trong tất cả những tình huống này.
Tương tự, rèn luyện Tư duy thông minh đòi hỏi sự chuẩn bị tốt để đối mặt với những ngõ cụt. Khi bạn bế tắc trong quá trình giải quyết vấn đề, xu hướng tự nhiên sẽ là cảm giác bực bội xuất phát từ việc không biết phải làm gì tiếp theo. Phần này tập trung vào những kỹ thuật cụ thể để xử lý các ngõ cụt.
Rất dễ dàng nhận ra những ngõ cụt tồi tệ nhất. Chúng rõ ràng gây cảm giác bực bội khi bạn không biết phải tiếp tục giải quyết vấn đề thế nào. Tuy nhiên, loại ngõ cụt phổ biến nhất thường khó phát hiện hơn. Loại ngõ cụt này xuất hiện khi bạn chỉ tập trung vào những giải pháp đã thử trong quá khứ, dù cho chúng có thể không thành công. Có những thứ trông có vẻ như một giải pháp cho vấn đề, nhưng không phải lúc nào nó cũng thích hợp và thoả mãn. Sau đó, bạn cần quyết định xem liệu có nên sử dụng giải pháp đó hay tiếp tục Ứng dụng kiến thức để tìm ra những khả năng mới cho vấn đề.
Ngõ cụt và Nhu cầu kết thúc
Để chắc rằng bạn đã cân nhắc đủ những giải pháp khả dĩ để chắc chắn rằng mình đã tìm ra một giải pháp tốt, hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu bản thân bạn nhiều hơn một chút. Nhà tâm lý học Arie Kruglanski ở trường đại học Maryland cho rằng, mỗi con người khác nhau ở nhu cầu kết thúc. Người có nhu cầu kết thúc cao có xu hướng thích kết thúc công việc mang tính nhận thức của mình một cách nhanh chóng. Họ chỉ cân nhắc vài lựa chọn khi ra quyết định. Họ chọn cách thức hành động mà không cân nhắc kỹ lưỡng. Người có nhu cầu kết thúc thấp có xu hướng cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau và suy nghĩ lâu hơn trước khi hành động.
Tuy nhiên, nhu cầu kết thúc nói lên nhiều điều hơn thế. Nó thực sự có liên quan đến việc muốn kết thúc quá trình cân nhắc suy nghĩ. Không lâu trước đây, tôi có cơ hội thấy hai thiếu niên mua kem ở một cửa hàng địa phương. Một thiếu niên đi tới, nhìn lướt qua danh sách các loại có sẵn và gọi kem sô-cô-la Bỉ. Thiếu niên còn lại nhìn chằm chằm vào danh sách trong vài phút sau đó yêu cầu được thử ba mùi vị. Thằng bé này thử từng loại một cách cẩn thận và sau đó nhìn nó có vẻ phiền lòng. Nó không thể chọn vì thấy kem vani Mexico và kem bánh quế đều lôi cuốn, chọn một nghĩa là bỏ qua cái kia. Việc nghĩ về các loại kem sẽ dễ dàng đối với nó hơn là đi đến kết thúc quá trình và phải chọn một.
Cách tiếp cận thông thường của bạn đối với việc giải quyết vấn đề là gì? Hãy nhìn lại những lựa chọn mà bạn đã đưa ra. Bạn có thích kết thúc quá trình suy nghĩ và chuyển sang hành động hay không? Bạn có xu hướng né tránh việc đi đến kết luận cuối cùng và lùi lựa chọn đến phút chót hay không? Bạn có rơi vào đâu đó giữa hai thái cực đó hay không?
Không thái cực nào ở đây có thể trở thành vấn đề với Tư duy thông minh. Người có nhu cầu kết thúc rất cao sẽ thường dàn xếp một giải pháp rất nhanh chóng. Dù vậy, gọi ra những tình huống tương tự tốt từ trí nhớ đòi hỏi nỗ lực tạo ra những mô tả chính xác cho vấn đề. Do đó, những giải pháp đầu tiên con người tìm ra thường đến từ cùng một lĩnh vực với vấn đề. Một người đang cố tìm ra cách khiến máy hút bụi giữ sức hút lâu hơn có thể tập trung vào việc tìm kiếm thiết kế mới cho cái túi để khiến bộ lọc ít bị tắc hơn. Chỉ sau khi nhận ra rằng, giải pháp này không phù hợp thì người đó mới có thể tìm kiếm những mô tả khác hỗ trợ cho hoạt động Ứng dụng kiến thức từ các lĩnh vực khác (như suy nghĩ về máy hút bụi một cách trừu tượng hơn, ví dụ tìm cách tách bụi ra khỏi không khí).
Tất nhiên, cũng sẽ trở nên rắc rối nếu bạn nghĩ ra vô vàn giải pháp khả dĩ mà không bao giờ chọn một. Tư duy thông minh đòi hỏi cả việc tìm ra những giải pháp tiềm năng và việc nhận ra hiệu quả của chúng. Người có nhu cầu kết thúc thấp tránh đưa ra quyết định cuối cùng. Với họ, sẽ luôn có khả năng có một lựa chọn khác mang đến một giải pháp tốt hơn cho vấn đề. Cái nguy hiểm của cách tiếp cận này được mô tả rất rõ trong câu tục ngữ: “Hoàn hảo là kẻ thù của thành công.” Suy nghĩ thái quá mà không đưa ra được quyết định sẽ đánh mất nhiều cơ hội hành động.
Đôi lúc, tìm cách vượt qua điểm lựa chọn là điều hữu ích. Với cậu bé gặp khó khăn khi chọn loại kem, cuối cùng có thể rút ra một đồng tiền và quy định vị vani Mexico là mặt ngửa và vị bánh quế là mặt sấp. Đồng tiền ra mặt ngửa. Lúc đó, thằng bé thấy thất vọng vì đồng tiền không ra mặt sấp và mua kem vị bánh quế.
Hãy tìm hiểu về các xu hướng của bản thân để xác định loại ngõ cụt mà bạn gặp phải. Nếu là người có nhu cầu kết thúc cao thì bạn cần tập trung phát triển chiến lược để tìm ra những giải pháp thay thế cho các vấn đề. Nếu là người có nhu cầu kết thúc thấp thì bạn cần cải thiện các chiến lược đánh giá chất lượng ý tưởng của mình để xác định thời điểm chọn một trong những giải pháp. Hai phần sau sẽ tập trung giải quyết những yếu tố này.
TÌM RA NHỮNG GIẢI PHÁP MỚI
Bài học chính của Chương 6 cho thấy cách tốt nhất để tìm ra giải pháp cho các vấn đề là thay đổi cách bạn mô tả chúng. Cụ thể, bạn muốn gọi ra những tình huống tương tự từ ký ức giúp bạn mang kiến thức từ những lĩnh vực mới sang để giải quyết vấn đề.
Tìm ra những tình huống tương tự đòi hỏi đưa ra những mô tả tập trung vào các mối tương quan tạo nên bản chất của vấn đề.
Khi không thoả mãn với chất lượng của giải pháp bạn vừa tìm ra, hãy xem đó là lời mời gọi mô tả lại tình huống. Để bắt đầu quá trình này, có thể đặt những câu hỏi căn bản. Chẳng hạn, hãy suy nghĩ về cách làm sạch cái áo sơ mi.
Nếu bế tắc trong việc trả lời câu hỏi, hãy bắt đầu bằng cách mô tả cẩn thận toàn bộ tình huống. Bạn sẽ mô tả vấn đề cần giải quyết thế nào khi phải làm sạch một cái áo sơ mi?
Thông thường, bạn giả định rằng có một loại vết bẩn nào đó trên áo. Trong trường hợp này, vấn đề cần giải quyết là tìm ra một cách để loại bỏ vết bẩn khỏi áo.
Nói chung, việc viết ra phát biểu cụ thể về vấn đề hiện tại rất hữu ích để bạn chắc rằng mình hiểu rõ những giả định cho vấn đề đó. Theo đó, bước mấu chốt đầu tiên để tìm ra giải pháp mới như sau:
Bước 1: Viết ra phát biểu về vấn đề. Một khi bạn đã viết ra, hãy quyết định xem liệu bạn có thực sự cho rằng đây là vấn đề cần giải quyết hay không. Loại bỏ vết bẩn có vẻ như một cách suy nghĩ hợp lý cho vấn đề làm sạch cái áo dù rằng tự bản thân vấn đề không được phát biểu đủ cụ thể. Thay vào đó, bạn cần tìm ra những loại vết bẩn ảnh hưởng đến tấm vải để quyết định cách có thể loại bỏ chúng. Những vết bẩn khác nhau có thể cần được làm sạch theo những cách khác nhau. Bạn không thể tìm ra phương pháp làm sạch cho đến khi nhận dạng loại vết bẩn cụ thể và chất liệu vải (nếu nó đặc biệt) cần được làm sạch.
Bước 2: Bảo đảm rằng, phát biểu về vấn đề đủ cụ thể để có thể được giải quyết. Sau khi đã mệt nhoài với những giải pháp được tạo ra từ phát biểu ban đầu, bạn có thể vẫn cảm thấy như còn nhiều giải pháp khả dĩ khác. Lúc này, hãy quay lại phát biểu kia và suy nghĩ về tình huống rộng hơn trong đó chứa đựng vấn đề cần giải quyết. Khi đó, bạn có thể khám phá ra những cách khác để mô tả đặc điểm của vấn đề.
Khi suy nghĩ về việc làm sạch cái áo sơ mi, tình huống rộng hơn là gì? Có một cái áo, có một vết bẩn, nhưng cũng có một người quan sát. Một cách khác để mô tả vấn đề do vết bẩn gây ra là cái áo lẽ ra màu trắng và người quan sát nhìn thấy những màu khác trên áo. Nếu có một cách khiến cho người quan sát không thấy vết bẩn thì chiếc áo vẫn là trắng, dù cho vết bẩn vẫn ở trên nền vải.
Thực tế, đó là giải pháp sử dụng tác nhân tẩy trắng huỳnh quang. Qua thời gian, nền vải trắng chuyển sang vàng vì bã nhờn từ da và những chất thải khác bám vào. Chất tẩy trắng huỳnh quang hút ánh sáng tử ngoại từ môi trường và phát ra ánh sáng xanh mờ. Hệ thống thị giác con người được cấu tạo xung quanh hệ thống dải màu sắc đối lập. Trong hệ thống này, màu xanh và màu vàng là những màu đối lập. Khi một nền vải hút ánh sáng xanh, nó trông có màu vàng. Chất tẩy trắng huỳnh quang thay thế một ít ánh sáng xanh và khiến nền vải trông trắng. Trong trường hợp này, những vết bẩn vẫn còn bám vào vải nhưng chúng ta không thể nhìn thấy vì chúng ẩn dưới quầng sáng xanh từ chất tẩy trắng huỳnh quang.
Bước 3: Mở rộng mô tả bằng cách cân nhắc thêm về tình huống. Sau khi tạo ra một mô tả rộng hơn, bạn có thể thử phân nhóm vấn đề dựa trên những loại nhãn quan hệ đã được thảo luận ở Chương 6. Trong vài trường hợp, bạn có thể biết một từ vựng ứng dụng cho một vấn đề khi bạn mô tả nó. Ví dụ, chất tẩy trắng huỳnh quang hoạt động như một lớp vỏ ngụy trang. Có khi, có rất nhiều cách để phân nhóm cùng một vấn đề và mỗi cách có thể đưa ra những giải pháp khác nhau cho vấn đề.
Quay trở lại ví dụ vết bẩn. Có những cách khác khiến mọi người khó nhìn thấy vết bẩn dù chiếc áo không phải màu trắng. Thảm lót cho những khu vực nhiều người qua lại ở các toà nhà văn phòng thường sử dụng nhiều màu khác nhau theo một bảng màu kỳ lạ. Lý giải là, rất nhiều vết bẩn bám vào thảm có thể sẽ khó nhìn thấy rõ, vì không thể phân biệt đâu là màu tấm thảm và đâu là màu vết bẩn. Trong trường hợp này, giải pháp có thể được phân loại vào nhóm làm cho vết bẩn ẩn khỏi tầm nhìn.
Bước 4: Hãy tìm ra một hay nhiều cách để phân nhóm bản chất của vấn đề. Bắt đầu bằng cách tập hợp những danh sách các ngạn ngữ, nhan đề truyện và những điểm nút truyện cười mà bạn có thể sử dụng để mô tả vấn đề cũng như quy trình giải pháp. Việc tự nghĩ ra những nhãn hiệu quả cho phân nhóm vấn đề có thể khó. Vì thế, khi nghe một câu truyện cười hay, hãy viết nó xuống. Hãy nhìn qua danh sách ngạn ngữ trên mạng và sau đó tìm một số câu diễn đạt tình huống mà bạn nhận ra. Đánh dấu danh sách đó để có thể đọc qua khi bạn đang vật lộn với những vấn đề mới chưa tìm ra giải pháp.
ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIẢI PHÁP
Làm sao bạn xác định được khi nào nên ngừng tìm kiếm giải pháp cho vấn đề? Hiển nhiên là bạn nên ngừng tìm kiếm giải pháp khi đã giải quyết xong vấn đề.
Thật không may, trong nền giáo dục của chúng ta, rất nhiều bài tập giải quyết vấn đề đã có sẵn một câu trả lời. Các lớp học toán đưa ra những bài toán đi kèm một câu trả lời chính xác và một trong những kỹ năng chính bạn được dạy là làm thế nào kiểm tra chắc chắn tính đúng đắn của lời giải. Rất nhiều bài kiểm tra lịch sử, tiếng Anh và những môn khoa học tập trung vào các kiến thức mang tính dữ kiện như: ngày tháng của những sự kiện quan trọng, nhân vật trong các cuốn sách kinh điển, giáo lý từ các lý thuyết khoa học quan trọng. Tất nhiên, những kiến thức này quan trọng nhưng việc học của bạn chỉ giới hạn trong các bài tập với những câu hỏi đã được trả lời và câu trả lời có thể dễ dàng xác minh.
Rất nhiều ví dụ về Tư duy thông minh chúng ta đã thảo luận từ đầu tới giờ (như James Dyson và Fiona Fairhurst) nhắm đến những vấn đề trong đó khó đánh giá chất lượng của giải pháp và giải pháp đề ra là một kế hoạch có thể ngốn của bạn rất nhiều thời gian để hiện thực hóa. Dyson đã hoàn thiện thiết kế máy hút bụi buồng khí xoáy công nghiệp trong nhiều năm trước khi có thể đem nó ra thị trường. Bằng cách nào đó, ông ấy phải dự đoán xem ý tưởng này có đáng đầu tư thời gian và công sức không trước khi bắt tay vào thực hiện.
Rõ ràng là bạn không thể biết trước liệu ý tưởng có thành công hay không. Vì thế, trong phần này, tôi tập trung vào ba điểm có thể cải thiện khả năng đánh giá chất lượng ý tưởng của bạn. Đầu tiên, tôi nghiên cứu vai trò của những định kiến mặc nhận trong các đánh giá. Sau đó, tôi khám phá cách những cảm xúc tích cực có thể ảnh hưởng đến phán đoán về chất lượng ý tưởng. Cuối cùng, tôi thảo luận về tầm quan trọng của việc đánh giá một đề xuất cụ thể nhằm thực hiện ý tưởng.
Định kiến mặc nhận
Khi bắt đầu một công việc mới, bạn có thể sẽ thận trọng trong mối quan hệ xã giao với đồng nghiệp mới. Với bạn cũ, bạn có thể tranh cãi về chính trị, kể những câu chuyện cười tục tĩu và tiết lộ những thông tin cá nhân nhạy cảm. Tuy nhiên, với những đồng nghiệp mới, bạn có thể tránh thảo luận chính trị, chỉ kể hầu như những truyện cười trong sáng và tránh những chủ đề quá cá nhân.
Qua thời gian, bạn có thể nghe lỏm những câu chuyện cười của các đồng nghiệp và nhận biết được loại truyện cười nào phù hợp ở chỗ làm. Dù vậy, khi kể truyện cười cho một nhóm, có thể bạn vẫn giữ những chủ đề trong giới hạn những truyện cười bạn đã được nghe đồng nghiệp kể.
Hành vi rất hợp lý này là một ví dụ của định kiến mặc nhận. Nghĩa là, những câu chuyện cười đầu tiên bạn nghe các đồng nghiệp kể hình thành niềm tin về những gì đúng đắn. Khi kể câu chuyện cười của mình, bạn đang kiểm tra niềm tin đó. Cách an toàn nhất để kiểm tra niềm tin đó là giữ đúng phạm vi mà bạn tin là đúng đắn.
Tất nhiên, bạn có thể thử theo cách khác. Niềm tin ban đầu có thể là, những truyện cười trong sáng là phù hợp nhất. Phương pháp khoa học cho rằng, cách tốt nhất để kiểm tra một niềm tin là tìm ra những tình huống mang đến cho bạn chứng cứ chống lại niềm tin đó. Bạn có thể kiểm tra niềm tin về những truyện cười phù hợp bằng cách kể một truyện cười tục tĩu trong văn phòng. Hành động đó chắc chắn sẽ hiệu quả để kiểm tra niềm tin, nhưng nếu niềm tin của bạn đúng thì truyện cười đó có thể khiến bạn bị đuổi việc. Vì những hậu quả này, bạn thường hành động theo những cách nhất quán với niềm tin của mình, thậm chí nếu điều đó đồng nghĩa với việc bỏ lỡ những cơ hội nào đó.
Dù một định kiến mặc nhận là một chiến lược an toàn trong những giao tiếp xã hội, nhưng nó không phải cách hiệu quả để đánh giá một giải pháp mới. Khi sử dụng Tư duy thông minh, điều quan trọng là tìm ra tất cả những khả năng thay thế giải pháp hiện tại không mấy hiệu quả. Để xem xét hạn chế của một giải pháp không phải là chuyện dễ dàng, nhưng việc tìm ra một lỗi quan trọng từ sớm sẽ ít nguy hại hơn là sau khi đã thực hiện chúng mới phát hiện ra.
Điều đó có nghĩa là bạn phải phát triển Thói quen thông minh đặt câu hỏi xem giải pháp của mình có thể sai lầm ở chỗ nào. Cụ thể, hãy mường tượng về hiệu quả mà giải pháp của bạn đem lại nếu thực hiện. Từ đó, quyết định xem liệu những giả định này có thực tế không.
Nhiều năm trước khủng hoảng tài chính năm 2008, rất nhiều những người cho vay đã dụ dỗ những chủ sở hữu bất động sản vay nhiều tiền hơn so với khả năng chi trả để mua nhà. Những người cho vay này thuyết phục những chủ sở hữu đa nghi rằng, khoản cầm cố đó là an toàn vì luôn có thể được tái đầu tư trong tương lai. Giả định mấu chốt ở đây là giá nhà sẽ tiếp tục tăng, do đó giá trị của căn nhà sẽ luôn cao hơn khoản tiền đi vay. Rất nhiều chủ sở hữu không đặt chút nghi vấn nào cho giả định này và khi giá nhà bắt đầu giảm họ phải khai báo vỡ nợ. Những khoản vỡ nợ đó cuối cùng khiến ngành tài chính tụt xuống theo đường xoắn ốc.
Không dễ gì thấy được những giả định ẩn giấu khi giải quyết những vấn đề khó. Vì lý do này, việc nhận được sự giúp đỡ của người khác trong quá trình giải quyết vấn đề là điều cần thiết. Khi nghĩ rằng đã tìm ra một giải pháp tuyệt vời cho một vấn đề khó, hãy nhờ những người khác giúp bạn đánh giá nó.
Nếu họ đưa ra những ý kiến trái chiều với bạn, hãy suy nghĩ cẩn thận về điều đó trước khi quyết định xem chúng có ảnh hưởng đến khả năng thành công của giải pháp hay không. Có thể bạn đánh giá ý kiến đó không quan trọng, nhưng bạn cũng nên nhìn nhận nó nghiêm túc. Thêm vào đó, bạn có thể điều chỉnh giải pháp của mình bằng cách đánh giá cẩn thận những ý kiến trái chiều. Bằng cách này, bạn có thể chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với những chướng ngại có thể gặp phải trong tương lai.
Cảm xúc tích cực
Trong Chương 5, tôi đã kể một câu chuyện về Archimedes và phát minh định luật về lực đẩy của ông. Nhớ rằng, sau khi bước vào bồn tắm và nhận ra lượng nước do cơ thể ông đẩy ra tràn qua thành bồn, ông la lớn “Eureka!” và trần truồng chạy xuống đường.
Như ví dụ này đã phản ánh, giải quyết được một vấn đề khó mang lại một cảm giác tuyệt vời. Nhìn chung, có những chứng cứ vững vàng cho thấy rằng, suy nghĩ nhanh và thành công tạo ra một tâm trạng tích cực. Bạn chắc hẳn cảm thấy thoải mái sau những cuộc trò chuyện tuyệt vời cùng bạn bè. Âm nhạc có xu hướng cải thiện tâm trạng của bạn nhanh vì bạn phải suy nghĩ nhanh để theo kịp nó.
Điều quan trọng là bạn nhận ra rằng suy nghĩ tập trung cao độ để giải quyết vấn đề sẽ đóng góp vào niềm tin chung về chất lượng giải pháp bạn đã phát triển. Nghĩa là tâm trạng tốt sẽ tô màu cho những đánh giá của bạn về các giải pháp.
Khi cố giải quyết một vấn đề hóc búa mà giải pháp thực hiện của nó sẽ khó khăn và tốn kém, bạn hãy tự cho bản thân mình một quãng nghỉ ngơi trước khi đưa ra quyết định theo đuổi giải pháp cuối cùng.
Điều này đặc biệt quan trọng trong những tình huống giải quyết vấn đề theo nhóm. Tôi đã quan sát rất nhiều nhóm làm việc cùng nhau. Khi cả nhóm làm việc tốt, các ý tưởng bay khắp phòng, mang lại một bầu không khí cực kỳ phấn khích và tràn đầy năng lượng.
Vào cuối buổi làm việc, các nhóm thường muốn kết thúc vấn đề. Họ muốn rời khỏi cuộc họp với cảm giác như thể đã có một hướng đi mới. Dù tuyên bố đã có một phương hướng hành động mới rất cuốn hút, song điều quan trọng là nhận ra rằng, sự phấn khích ban đầu đã tạo ra một tâm trạng tích cực khiến bạn cảm thấy lạc quan hơn về giải pháp tiềm năng.
Thay vì tìm kiếm sự kết thúc sau khi đã làm việc chăm chỉ và hiểu sâu vấn đề, hãy sắp xếp thứ tự các giải pháp tiềm năng. Theo cách này, vào cuối buổi làm việc, bạn trình bày về giải pháp mà bạn nghĩ rằng tốt nhất. Tuy nhiên, sau vài ngày, bạn nên xem lại các giải pháp một lần nữa. Theo đó, bạn có thể tách dư âm tâm trạng lúc đầu ra khỏi chất lượng của ý tưởng. Nếu lúc đó bạn vẫn còn thấy phấn khích với ý tưởng đó thì đây là một dấu hiệu tốt cho thấy ý tưởng có giá trị rất cao.
Đánh giá các kế hoạch cụ thể
Nhìn chung, giải pháp tốt là cái đủ cụ thể để chuyển hoá thành các kế hoạch có thể được hiện thực hóa. Giải pháp sơ khởi có thể là một ý tưởng chung nhưng cuối cùng cần có phương hướng thực hiện rõ ràng nào đó. Việc đánh giá những giải pháp cần đạt đến mức độ cụ thể đủ để mường tượng cách nó được thực hiện. Thậm chí, khi một ý tưởng được xem xét cẩn thận, nó vẫn đòi hỏi thêm nhiều sức lực để trở nên hoàn hảo. Ví như sau khi hiểu cấu trúc của da cá mập, Fiona Fairhurst và nhóm của cô ở Speedo phải mất thêm nhiều thời gian để tạo ra những “răng nhỏ” nhân tạo trên nền vải.
Để một ý tưởng đủ cụ thể, quan trọng là tạo ra cái mà nhà tâm lý học của đại học New York – Peter Gollwitzer – gọi là kế hoạch hiện thực hóa. Một kế hoạch thực hiện tốt có ba tính chất sau. Đầu tiên, nó mô tả những hoạt động cần để thực hiện một kế hoạch. Thứ hai, nó mô tả thời gian và địa điểm thực hiện những hoạt động này. Thứ ba, nó vạch ra một cách thực tiễn những chướng ngại có thể xuất hiện khi thực hiện kế hoạch. Suy nghĩ kỹ về những chướng ngại là điều cần thiết để tránh định kiến mặc nhận.
Nhà tâm lý học và tư vấn viên Gary Klein đã viết rất nhiều về cách các chuyên gia đưa ra quyết định. Ông chỉ ra rằng, rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực phức tạp, như chữa cháy, tạo ra một giải pháp khả dĩ và sau đó đánh giá chúng bằng cách hình thành những kế hoạch thực hiện để xem liệu chúng có phát huy hiệu quả thực tế hay không. Trong cuốn sách Sources of Power (Tạm dịch: Nguồn gốc của quyền lực), Klein kể câu chuyện về trưởng nhóm của một nhóm cứu nạn khẩn cấp. Ông ấy phải tìm cách cứu một người đàn ông mắc kẹt trong xe sau khi đâm vào một cột xi măng dưới chân cầu vượt. Ban đầu, nhóm cứu nạn muốn sử dụng một thiết bị gọi là Hàm cứu nạn (Jaws of Life). Thiết bị này sẽ giúp mở rộng những cánh cửa và giúp người đàn ông thoát ra. Người trưởng nhóm nhận ra rằng, những cái thanh dựng trần xe đã gãy. Ông ấy từng nghe chuyện về một tình huống cứu nạn khác, trong đó nhóm cứu nạn đã dỡ cái trần xe ra thay vì dùng đòn bẩy và ông nghĩ rằng giải pháp này có thể phát huy tác dụng trong trường hơp này.
Lúc này, người trưởng nhóm dựng lên một kế hoạch thực hiện. Ông mường tượng về những hành động đội giải cứu sẽ phải làm để dỡ trần xe. Ông suy nghĩ các bước sẽ phải thực hiện để đưa người đàn ông ra khỏi xe. Ông kiểm tra để chắc rằng có đủ nhân sự cho kế hoạch này. Cuối cùng, ông suy nghĩ cẩn thận những yếu tố có thể diễn biến sai chệch. Sau khi đã hoàn tất ba bước này, nhóm trưởng nhóm cứu nạn cho phép thực hiện việc dỡ trần xe và nhanh chóng sau đó họ đã kéo được người đàn ông ra khỏi chiếc xe.
Trong trường hợp này, người trưởng nhóm cứu nạn không chỉ sử dụng những nguyên tắc của Tư duy thông minh để tìm ra giải pháp mà ông còn lên một kế hoạch thực hiện trước khi đưa ra quyết định tiến hành.
Kiến thức chìa khóa
Mang Tư duy thông minh từ cuốn sách này vào cuộc đời bạn là cả một quá trình. Điểm mấu chốt là phát triển những Thói quen thông minh, vận dụng nhuần nhuyễn các nguyên tắc này vào những tình huống thật. Trong chương này, chúng ta đã chỉ ra một số khó khăn có thể xuất hiện khi bạn bắt đầu theo đuổi công thức Tư duy thông minh.
Để nâng cao chất lượng kiến thức của bạn, hãy dành một quãng nghỉ hiệu quả vào cuối các buổi họp, bài giảng, sự kiện và các cuốn sách. Hãy viết một tóm lược, nghiên cứu chúng để tìm ra những lỗ hổng trong kiến thức và những thuật ngữ mà bạn chưa rõ nghĩa. Nếu suy nghĩ cẩn thận về những tóm lược ngay từ đầu thì cuối cùng bạn sẽ tạo ra những Thói quen thông minh, từ đó tự lý giải tốt về các sự vật.
Hãy suy nghĩ về cách thức bạn muốn giải quyết vấn đề để hiểu rõ hơn những ngõ cụt tiềm ẩn. Nếu có nhu cầu kết thúc vấn đề cao, bạn có thể chấp nhận một giải pháp mà không khám phát đầy đủ các khả năng của nó. Nếu có nhu cầu kết thúc rất thấp, bạn có thể tập trung tất cả nỗ lực vào việc tìm ra những khả năng mà không đi đến quyết định cuối cùng.
Để đưa ra những ý tưởng chất lượng cao, quan trọng là tập trung chút ít sức lực vào những câu hỏi bạn cần trả lời. Đôi khi, nỗ lực giải quyết vấn đề lần đầu có thể gặp trở ngại vì bạn mô tả vấn đề chưa đủ cụ thể. Sau khi chắc chắn về vấn đề cụ thể cần giải quyết, bạn cần cân nhắc xem liệu mô tả có quá hạn hẹp hay không. Bạn có thể cần mở rộng vấn đề bằng cách cân nhắc thêm những tình huống trong đó chứa đựng vấn đề. Sau khi thực hiện bài tập này, bạn có thể ứng dụng các loại nhãn đã thảo luận trong Chương 5 để giúp phân nhóm bản chất vấn đề.
Cuối cùng, hãy cải thiện cách đánh giá của bạn về những giải pháp đã đưa ra. Thường thì có kiến thức giải quyết một vấn đề chỉ là khởi đầu của một quá trình dài để hiện thực hóa ý tưởng đó. Do đó, bạn cần chắc chắn rằng mình đang đi trên con đường đúng trước khi dành thời gian và tâm sức thực hiện một giải pháp.
Khi một chướng ngại xuất hiện cản trở con đường tìm kiếm những giải pháp tốt là điều tự nhiên, đó là lúc để đặt ra nghi vấn xác nhận tính khả thi của một giải pháp, hơn là xem nó như một nguyên nhân khiến giải pháp không phát huy tác dụng. Tư duy thông minh có xu hướng đặt bạn vào tâm trạng tích cực, khiến bạn quá lạc quan về giải pháp – đó là yếu tố thứ hai. Hãy chắc rằng, những cảm xúc tốt xuất phát từ suy nghĩ hiệu quả không ảnh hưởng đến đánh giá của bạn về ý tưởng. Cuối cùng, để đánh giá chính xác về ý tưởng, hãy lên một kế hoạch thực hiện cụ thể đảm bảo rằng bạn đã suy nghĩ thông suốt về cách đưa ý tưởng vào thực tiễn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.