Lối tư duy của người thông minh

Chương năm. So sánh và ứng dụng kiến thức



Tái sử dụng kinh nghiệm quá khứ đòi hỏi tìm ra những điểm tương đồng giữa quá khứ và hiện tại.

Phép loại suy cho phép bạn sử dụng sự tương đồng giữa các lĩnh vực khác xa nhau. Gọi ra một phép loại suy tốt có thể khó khăn nhưng có những cách để cải thiện. Năm 1955, Ray Kroc mở tiệm McDonal đầu tiên ở Des Plaines, bang Illinois. Ông đã đăng kí một thương hiệu mà ban đầu do hai anh em Richard và Maurice McDonald ở California tạo lập ra. Đây là một hệ thống giúp mọi người nhanh chóng mua được thức ăn trên đường đi xa. Thay vì có một bồi bàn, mọi người tự đặt thức ăn theo phong cách tự phục vụ và mua về. Cách thức này đã trở thành phổ biến trong chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh trên khắp toàn cầu. Cuối năm 1963, Kroc đã bán được hơn một tỷ ổ bánh mì kẹp trong chuỗi cửa hàng đang phát triển nhanh chóng của mình.

Có rất nhiều lý do dẫn đến thành công của chuỗi cửa hang McDonald, nhưng một trong những lý do nằm ở cách con người sử dụng kiến thức của họ. Cuối những năm 1950, hệ thống đường cao tốc ở Bắc Mỹ mở rộng cho phép mọi người đi những chuyến xe đường dài. Thật khó để tìm chỗ ăn trong mỗi chuyến đi như thế này. Chưa có điện thoại thông minh với các ứng dụng có thể giới thiệu những quán ăn, nhà hàng ở các thành phố. Chất lượng của những quán ăn tối dọc đường thì thất thường và phụ thuộc chủ sở hữu chúng là ai.

Chuỗi McDonald đã thay đổi phương trình đó. Tất cả các cửa hàng McDonald đều giống hệt nhau từ hình dạng cho đến bảng thực đơn. Điều đó nghĩa là, dù bạn ở đâu đi nữa thì khi bước vào một cửa hàng McDonald, bạn ngay lập tức biết mình mong chờ điều gì. Sau khi đã một lần vào McDonald, bạn biết những món nào có trong thực đơn và cách gọi đồ ăn ở mọi nhà hàng McDonald.

Dù có nhận ra hay không, Kroc cũng đã tìm ra một chạm đến khả năng sử dụng kiến thức của con người. Trước thời chuỗi cửa hàng McDonald, người ta chỉ có thể sử dụng những kiến thức rất tổng quát để tìm chỗ ăn dọc đường và dựa vào những manh mối chung chung để phán đoán liệu có thể có một bữa ăn ngon hay không. Những dấu hiệu đó chỉ đáng tin cậy phần nào. Chúng ta đều biết, có những quán hàng nhìn như thể sắp sập lại có đồ ăn ngon, còn rất nhiều nhà hàng đẹp đẽ lại phục vụ những món ăn dở và chậm chạp đến đáng thất vọng. Sau khi chuỗi McDonald, người ta có thể đi thẳng vào một cửa hàng mới chưa từng đặt chân đến trước đó và làm lại những gì họ đã làm với cùng kết quả nhận được như mong đợi.

Thực chất, chuỗi McDonald quá thành công đến nỗi nó tạo ra một cuộc chiến cạnh tranh với các cửa hàng thức ăn nhanh. Thú vị ở chỗ, rất nhiều cửa hàng khác nhau đang cố gắng giành khách hàng của bạn lại cùng áp dụng một mô hình dịch vụ chung. Dù bạn đang mua bánh mì kẹp, bánh mì thịt chiên giòn Mexico, gà, trứng cuộn hay bánh mì sandwich, mô hình cơ bản để mua đồ ăn không thay đổi. Bạn đi vào một cửa hàng và đứng trước một dãy những máy tính tiền. Thực đơn được in trên biển hiệu phía trên quầy thu tiền. Khi đi đến đầu hàng, bạn đặt món, trả tiền và nhận thức ăn cùng thức uống và đồ tráng miệng đựng trên khay. Nếu ăn tại cửa hàng, bạn tìm một cái bàn và ăn xong thì mang khay đến thùng rác. Cấu trúc trải nghiệm này cho phép bạn tái sử dụng kiến thức thu nhặt được từ một cửa hàng thức ăn nhanh khi vào một cửa hàng bạn chưa từng đến trước đây.

Mặc dù giai thoại này có vẻ tầm thường, nhưng nó thực sự nói lên rất nhiều về sức mạnh của quá trình tư duy, trong đó, bạn có khả năng Ứng dụng kiến thức của mình. Khả năng tái sử dụng kiến thức cũ trong những tình huống mới bắt nguồn từ khả năng tìm ra điểm tương đồng giữa những trải nghiệm mới và những trải nghiệm đã có trong quá khứ.

Ứng dụng kiến thức

Tiếp theo việc phát triển Thói quen thông minh và thu nhận Kiến thức chất lượng cao, phần ba của công thức Tư duy thông minh là Ứng dụng kiến thức mà bạn có.

Kiến thức của bạn được hình thành từ hai dạng thông tin riêng biệt: vật thể và tương quan. Hãy suy nghĩ về một cửa hàng McDonald điển hình. Có rất nhiều vật thể ở đó, bánh kẹp và khoai tây chiên, máy thu tiền, thực đơn, nhân viên, thịt nướng, khay đựng và bàn ghế. Nói chung, các vật thể trong một tình huống là những thứ bạn có thể dán nhãn bằng những danh từ khi nói về chúng.

Tuy nhiên, nếu chỉ biết tên những vật thể ở một cửa hàng McDonald thì trải nghiệm của bạn ở cửa hàng này sẽ thiếu đi điều gì đó căn bản. Bạn sẽ không biết phải làm gì hay đi đâu. Bạn sẽ gặp vấn đề khi suy nghĩ về lý do tại sao mình phải trải qua việc thực hiện từng bước một để đặt món, trả tiền, ăn và dọn dẹp.

Tương quan cung cấp thông tin về mối quan hệ giữa tất cả những vật thể trong một cảnh huống. Tương quan được mô tả điển hình bằng những nhóm từ dài, trong đó một từ (thường là động từ) sẽ nói lên mối quan hệ giữa hai hay nhiều vật thể. Chúng ta đã từng học rất nhiều loại quan hệ khác nhau. Một số là những quan hệ không gian cho chúng ta biết vị trí của vật thể. Quan sát thấy thực đơn thường đặt trên quầy thu tiền là một ví dụ về quan hệ không gian. Kiến thức của bạn cũng bao gồm các tương quan mô tả hành động như thực khách đặt một món ăn bằng cách nói chuyện với nhân viên thu ngân. Những kiến thức khác tập trung vào mối quan hệ về thời gian. Bạn đặt món trước khi nhận thức ăn. Một dạng kiến thức thiết yếu khác liên quan đến quan hệ nhân quả cái là trọng tâm của Chương 4: bạn nhìn vào thực đơn vì nó nói cho bạn biết nhà hàng phục vụ món ăn nào.

Kiến thức của bạn về vật thể và tương quan cho phép bạn xác định xem các tình huống mới giống như thế nào với tình huống bạn đã từng gặp trong quá khứ. Khi đến một cửa hàng McDonald ở một thành phố mới, bạn nhận ra rất nhiều vật thể, bao gồm cả Mái vòm vàng trên biển hiệu, đồng phục nhân viên và những chiếc bánh kẹp được phục vụ. Bạn chắc hẳn cũng nhận ra quan hệ không gian giữa các vật thể. Máy tính tiền nằm ngoài khu vực chỗ ngồi. Bảng thực đơn nằm phía trên quầy thu tiền.

Sự tương đồng giữa các trải nghiệm mới và kiến thức trước đó cho phép bạn nhận ra bạn đang ở đâu và phải làm gì. Bạn có thể vận dụng kiến thức của bạn về hành động, thứ tự của hành động và quan hệ nhân quả để đặt món ăn. Chuỗi McDonald được thiết kế đặc biệt để tất cả những yếu tố phát huy tác dụng trong một cửa hàng sẽ cũng phát huy tác dụng trong những cửa hàng khác.

Dù vậy, để có thể Ứng dụng kiến thức của bạn, một tình huống mới không nhất thiết giống hệt tình huống trước đó. Vô số những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh khác thay đổi rất nhiều vật thể (như đồng phục, logo, thậm chí thức ăn), nhưng chúng giữ lại đủ số vật thể khiến cho trải nghiệm mang lại cảm giác quen thuộc. Những quầy thu tiền, thực đơn và những dãy bàn đặc biệt giống nhau ở tất cả các cửa hàng. Bên cạnh đó, rất nhiều các quan hệ vẫn y như cũ: bố cục, trật tự thực hiện các hành động và cả những lý do nhân quả để thực hiện những hành động đó. Vì vậy, bất luận sự khác biệt giữa các chuỗi, có rất nhiều điểm tương đồng hỗ trợ khả năng tái sử dụng kiến thức có được từ một tình huống cho những tình huống tiếp theo.

Tìm các điểm tương đồng

Quá trình tìm điểm tương đồng hoạt động thế nào? Để cảm nhận tốt hơn về khả năng so sánh của bản thân, hãy thử một bài tập đơn giản mà tôi sử dụng lần đầu tiên trong một thí nghiệm thực hiện cùng cố vấn cao học của mình, Dedre Gentner, một nhà tâm lý học hiện đang làm việc tại đại học Northwestern.

Hãy lấy một tờ giấy và gấp đôi nó lại. Nếu bạn không thể viết hiện mình đang ở đâu, vậy thì hãy thử làm điều này trong đầu bạn.

Ở nửa trên tờ giấy, dành một phút liệt kê ra những điều mà cặp vật thể dưới đây có chung:

Khách sạn Nhà nghỉ

Tiếp tục thử thêm một cặp nữa. Ở nửa dưới tờ giấy, dành một phút liệt kê những điều mà cặp sau có chung:

Tạp chí Nhà bếp

Giờ hãy thử cái gì đó khác biệt một chút. Lật mặt còn lại của tờ giấy lại và dùng nửa trên để liệt kê những điểm khác biệt giữa cặp sau đây:

Xe ô tô Xe gắn máy

Cuối cùng, ở nửa dưới tờ giấy, thử một lần nữa liệt kê những điểm khác biệt giữa cặp sau:

Cà tím Hươu cao cổ

Hãy bắt đầu bằng việc suy nghĩ về cách bạn liệt kê điểm chung giữa các cặp vật thể. Cặp vật thể đầu tiên – khách sạn và nhà nghỉ – giống nhau nhiều hơn so với cặp thứ hai – tạp chí và nhà bếp. Bạn chắc hẳn có thể liệt kê nhiều điểm chung cho cặp khách sạn – nhà nghỉ hơn cặp tạp chí – nhà bếp. Chuyện đó không có gì lạ. Điều khiến cho một cặp giống nhau là vì chúng có những điểm chung. Để có thể tìm ra bất kỳ điểm chung nào giữa tạp chí và nhà bếp, chắc hẳn bạn phải suy nghĩ khá trừu tượng (như chúng đều là những sự vật, hay chúng đều là những sự vật có thể gặp trong một ngôi nhà).

Khả năng tìm ra những điểm chung của một cặp diễn ra đúng như bạn mong đợi. Các vật thể tương đồng có rất nhiều điểm chung, còn những vật thể không tương đồng có ít điểm chung hơn. Bạn có thể mong đợi sự khác nhau sẽ diễn ra theo cách ngược lại. Nghĩa là, những cặp không tương đồng thì có nhiều điểm khác nhau hơn những cặp tương đồng.

Hãy nghiên cứu kỹ hơn những gì bạn đã làm khi liệt kê các điểm tương đồng.

Xe ô tô và xe máy tương đồng; cà tím và hươu cao cổ ít tương đồng. Tuy nhiên, mô hình về những khác biệt mà bạn có thể tìm thấy bất ngờ hơn nhiều. Những cặp vật thể tương đồng như xe ô tô – xe gắn máy thực sự có rất nhiều khác biệt. Thực tế, chắc hẳn bạn nhận ra rằng, để liệt kê những khác biệt cho cặp này khá là dễ dàng.

Hãy xem xét kỹ hơn về sự khác biệt mà bạn tìm thấy trong các cặp tương đồng và dị biệt. Với những cặp tương đồng, rất nhiều điểm khác nhau mà bạn liệt kê liên quan chủ yếu đến những khía cạnh tương phản trong cùng một tiêu chí. Ví dụ, xe ô tô có bốn bánh còn xe máy có hai bánh. Xe ô tô thường chở nhiều người hơn xe máy. Xe ô tô cũng có động cơ lớn hơn xe máy. Mỗi điểm khác biệt này liên quan đến việc tìm ra một điểm chung của cặp, sau đó nhận diện khác biệt liên quan đến điểm chung này. Nghĩa là xe ô tô và xe máy đều có bánh nhưng chúng khác nhau về số lượng bánh. Xe ô tô và xe máy đều chở được hành khách nhưng chúng khác nhau về số lượng chuyên chở. Vì những khác biệt này phụ thuộc vào cách mà kiến thức về những khái niệm tương ứng thế nào (điều này các lý thuyết tâm lý gọi là định tuyến), chúng được gọi là khác biệt có thể định tuyến.

Khi tìm kiếm điểm khác biệt giữa các cặp dị biệt như cà tím – hươu cao cổ, trải nghiệm không giống với những gì xảy ra khi nghĩ về khác biệt của một cặp tương đồng. Cảm nhận đầu tiên của bạn là cặp này rất khác biệt nhưng những khác biệt thực sự dường như không dễ tìm ra. Cuối cùng, bạn có xu hướng liệt kê những đặc tính của một vật thể mà vật thể kia không có đặc tính đối ứng. Ví dụ, bạn có thể nói rằng bạn ăn cà tím và không ăn hươu cao cổ. Hay, hươu cao cổ có cổ dài và cà tím thì không. Vì những khác biệt này phản ánh rằng không có một sự định tuyến nào trong kiến thức của bạn về hai khái niệm, nên chúng được gọi là khác biệt không thể định tuyến. Mô hình về điểm chung và điểm khác biệt mà bạn có thể liệt kê cho những cặp tương đồng và dị biệt tiết lộ vài điều rất thú vị về cách thức hoạt động so sánh vận hành. Hệ thống nhận thức của chúng ta muốn chúng ta tập trung vào những thông tin nhiều khả năng hữu ích cho việc suy nghĩ. Việc biết những khác biệt giữa các sự vật tương đồng thường là hữu ích. Bạn phân biệt giữa xe ô tô và xe máy dựa trên số lượng bánh xe.
Bạn quyết định liệu xe ô tô hay xe máy là một phương tiện di chuyển thích hợp dựa trên những yếu tố như: số lượng hành khách chúng chuyên chở, tính an toàn tương đối cũng như số lượng xăng tiêu thụ trên quãng đường. Do đó, những khác biệt có thể định tuyến giữa các sự vật thường quan trọng.

Nếu tập trung vào loại khác biệt không thể định tuyến thì bạn sẽ bị chôn vùi trong những khác biệt và hầu hết chúng sẽ không hữu ích cho hoạt động tư duy về những tình huống mà các vật thể dị biệt xuất hiện. Nếu bạn thấy một khu thương mại và một đèn giao thông đi cùng nhau thì có thể bạn cần nghĩ về mối quan hệ giữa đèn giao thông và khu thương mại hơn là đến những điểm khác biệt về mặt khái niệm giữa các sự vật này. Ở một khu thương mại, bạn có thể nghĩ về lưu lượng giao thông mà không phải bận tâm đến việc khu thương mại và đèn giao thông khác nhau ra sao. Quá trình so sánh chuẩn bị cho sự tiếp cận những điểm chung và điểm khác biệt của một cặp chỉ khi những điểm chung và khác biệt này có thể sẽ hữu ích.

ARCHIMEDES: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP VỀ TÌNH HUỐNG TƯƠNG ĐỒNG Archimedes là một nhà tư tưởng, một nhà thiết kế, kỹ sư và vật lý học người vùng Syracuse của Hy Lạp sống cách đây 2.200 năm. Ông được nhà vua yêu cầu giải quyết một vấn đề khó. Nhà vua đặt làm một vương miện hoàn toàn bằng vàng nguyên chất. Khi nhận vương miện, nhà vua nghi ngờ rằng liệu nó có thực sự được làm bằng vàng không hay từ những kim loại khác. Ngài yêu cầu Archimedes xác định điều này.

Ở một mức độ nào đó, đây là vấn đề đơn giản. Vàng có một tỷ trọng xác định, do đó tất cả những gì Archimedes cần làm là cân vương miện và xác định thể tích của nó. Nếu tỷ trọng của vương miện bằng tỷ trọng của số vàng thì vương miện được làm từ vàng.

Cái khó là vương miện được thiết kế rất trang hoàng và có hình dáng đặc biệt. Archimedes không được phép nấu chảy nó thành một hình thù thông thường hơn để tính thể tích được. Archimedes gặp bế tắc.

Cả khi đi tắm ông cũng suy nghĩ về vấn đề này. Khi ông bước vào bồn tắm, mực nước dâng lên khiến nước tràn ra ngoài. Archimedes nhận ra rằng, ông ngồi càng sâu trong bồn thì càng nhiều nước tràn ra. Giai thoại kể rằng, vì quá kích động với quan sát này, ông đã nhảy ra khỏi bồn tắm và trần truồng chạy ra đường la lớn “Eureka!”

Tại sao Archimedes lại quá kích động với quan sát này? Ông đã có một sự so sánh giữa tình huống này với vấn đề đang cố giải quyết. Khi Archimedes hạ thân mình xuống nước, thể tích cơ thể ông đẩy một lượng nước tương đương ra ngoài. Thông thường, khó có thể thấy sự thay đổi trong mực nước ở một bồn tắm lớn nhưng vì bồn tắm đã đầy nên nước tràn ra ngoài. So sánh tình huống đó với vấn đề đang cố giải quyết, Archimedes nhận ra rằng cơ thể của ông đúng là một khác biệt có thể định tuyến so với vương miện. Nếu thả vương miện vào nước, ông có thể đo được thể tích của nó bằng cách xác định thể tích nước bị đẩy ra ngoài. Và một khi biết được khối lượng và thể tích của vương miện, ông có thể tính được tỷ trọng của nó. Nguyên lý Archimedes khám phá ra giờ đây được gọi là Định luật về lực đẩy.

Sức mạnh của sự so sánh cho phép chúng ta tìm ra những quan hệ tương đồng giữa hai tình huống. Một khi nhận ra rằng có gì đó tương đồng giữa các tình huống, chúng ta có thể thử xem liệu giải pháp phát huy tác dụng trong tình huống này có phát huy tác dụng cho tình huống kia hay không: Archimedes nhìn thấy sự tương đồng giữa vương miện của nhà vua và cơ thể của mình, cũng tương tự mọi người sử dụng kiến thức của họ về chuỗi cửa hàng McDonald để xác định cách đặt và ăn trong những cửa hàng thức ăn nhanh khác.

SỨC MẠNH CỦA SO SÁNH

So sánh không chỉ là một công cụ giải quyết vấn đề mà còn là một trong những quá trình tư duy cốt lõi. Chúng ta phân loại những sự vật mới dựa trên sự tương đồng giữa chúng với những sự vật chúng ta đã gặp trong quá khứ. Phản ứng của chúng ta trước những người mới gặp thường bị ảnh hưởng bởi mối tương tác với những người tương tự mà chúng ta từng gặp. Các thói quen cũng dựa trên sự tương đồng.

Chúng ta có xu hướng thực hiện một hành động theo thói quen khi tình huống mới tương tự với một trong những thói quen đã áp dụng trước đây.

So sánh cũng giúp bạn đánh giá con người, sản phẩm và hiệu quả công việc. Những chương trình tài năng trên truyền hình và các cuộc thi thể thao như trượt băng nghệ thuật khuyến khích những dạng so sánh như vậy. Người biểu diễn đầu tiên thiết lập một tiêu chuẩn và người tiếp theo sẽ được so sánh theo chuẩn đó. So sánh này nêu bật cả những điểm chung giữa những thí sinh cũng như những khác biệt có thể định tuyến. Những điểm độc đáo của một màn biểu diễn mới (các khác biệt không thể định tuyến) thường có xu hướng ít được quan tâm và chú ý hơn là những điểm tương ứng với các đặc điểm của thí sinh trước.

Tất nhiên, thường chúng ta đưa ra so sánh giữa các nhóm sự vật để phân biệt chúng với nhau. Chúng ta đối chiếu các ca sĩ trong một chương trình tài năng hay những thí sinh trong một cuộc thi trượt băng nghệ thuật để xác định xem ai là người giỏi nhất. Rõ ràng là những khác biệt quan trọng nhất cho việc đối chiếu. Kết quả là, chúng ta có xu hướng dành sự chú ý nhiều nhất tới sự khác biệt giữa các thí sinh, đặc biệt là những khác biệt có thể định tuyến.

Xu hướng tập trung vào những điểm chung và (đặc biệt) những khác biệt có thể định tuyến này cũng đúng khi bạn chú ý và tìm hiểu những tình huống mới. Nghĩa là bạn có thể suy nghĩ về hầu hết những trải nghiệm của mình theo cùng cách bạn đánh giá những ca sĩ trong một chương trình biểu diễn tài năng hay những vận động viên trượt băng trong một cuộc thi.

Lần đầu gặp một tình huống, bạn nhớ về nó nhiều nhất và nó cung cấp tiêu chuẩn cho các tình huống tương tự mà bạn gặp sau đó. Lần đầu tiên trong đời bạn đến sân bay, bạn có thể cảm thấy hơi lạc lõng vì không biết điều gì sẽ đến. Tất cả những cảm xúc và quan sát của bạn trong lần viếng thăm sân bay đầu tiên này sẽ thiết lập tiêu chuẩn về hình ảnh một sân bay trong đầu bạn.

Lần sau đến sân bay, bạn sẽ nhớ lại những gì mình đã biết về sân bay trong lần đầu tiên. Lúc này, bạn so sánh các đặc điểm của sân bay mới với cái trước đó. Quá trình so sánh sân bay mới với các kiến thức ghi nhớ trong đầu về sân bay cũ hướng bạn tập trung vào những điểm chung và điểm khác biệt có thể định tuyến giữa hai sân bay. Bạn chắc hẳn đã thấy những cánh cửa ở sân bay đầu tiên và sẽ nhận ra rằng sân bay thứ hai cũng có. Bạn cũng nhận ra rằng khu vực ghế ngồi ở các cửa của mỗi sân bay được bố trí khác nhau. Tuy nhiên, sân bay thứ hai này có thể có một hệ thống đường ray đơn để di chuyển đến những cửa ở xa mà sân bay đầu tiên không có. Vì đặc tính sau là một khác biệt độc nhất hay không thể định tuyến so với sân bay đầu tiên, nên bạn có thể không nhận ra đặc điểm này nếu không được chỉ cụ thể.

Hiển nhiên là những đặc điểm độc nhất có thể được nhận ra, nhưng bất chấp hoạt động so sánh, chúng được nhận ra không phải vì chính bản thân chúng. Nghĩa là, để mọi người thực sự nhận ra những đặc điểm không thể định tuyến của một tình huống mới, những đặc điểm đó phải thu hút được sự chú ý của họ. Trở lại ví dụ sân bay, cửa bay của hãng United Airlines tại sân bay O’Hare ở Chicago có một hành lang ngầm rất lạ với những đèn nê-ông, gương và âm nhạc ru ngủ. Hành lang ngầm này nổi bật đến nỗi thậm chí nếu chưa từng thấy thứ gì như thế trước đây, bạn cũng sẽ chú ý đến chúng. Tương tự, một vận động viên trượt băng nghệ thuật biểu diễn một động tác mới sẽ gặp phải rủi ro bị ban giám khảo bỏ qua, trừ khi động tác này quá nổi bật khiến ai cũng phải chú ý.

Sự so sánh hướng bạn tập trung vào các điểm chung và điểm khác biệt có thể định tuyến của những sự vật được so sánh. Những khác biệt không thể định tuyến, những đặc điểm độc nhất của các sự vật có xu hướng không được chú ý hay được biết đến, trừ khi chúng được chỉ dẫn cụ thể (hay bản thân chúng vô cùng nổi bật). Xu hướng tập trung này ảnh hưởng đến nhận thức về các sự vật bạn đang so sánh và đến cách bạn Ứng dụng kiến thức vào một tình huống mới.

Thông minh hơn tức thì

So sánh trong việc lựa chọn

Khi cần đưa ra quyết định quan trọng, bạn thường so sánh các lựa chọn với nhau như một phần của quá trình quyết định. Khi chọn mua một căn hộ hay một căn nhà, có rất nhiều thông tin bạn cần cân nhắc. Lựa chọn liên quan đến quãng đường từ nhà đến chỗ làm và chỗ mua sắm. Lựa chọn liên quan đến hàng xóm láng giềng. Lựa chọn liên quan đến số lượng phòng và kích thước nhà bếp. Bên cạnh đó, vài lựa chọn có thể có những đặc điểm độc nhất vô nhị. Một căn nhà đặc biệt với một khu vực được thiết kế sắc sảo trông như một xưởng phim nghệ thuật. Hay một căn nhà với một ban công nhô ra ở sân sau.

Những so sánh này hướng bạn tập trung vào những khác biệt có thể định tuyến của các lựa chọn hơn là khác biệt không thể định tuyến. Và điều này ảnh hưởng lên những gì bạn có thể nhớ về những lựa chọn cũng như những gì bạn có thể chọn. Những đặc điểm có thể định tuyến của các lựa chọn sẽ được nhớ kỹ và đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lựa hơn là những đặc điểm không thể định tuyến. Điều này sẽ vẫn đúng khi những đặc điểm không thể định tuyến của các lựa chọn thực sự khá quan trọng.

Thực tế trên nghe có vẻ hơi vô lý, vì có thể bạn nghĩ rằng mình có khả năng suy nghĩ về những khác biệt không thể định tuyến như trường hợp trong đó lựa chọn này có một đặc điểm mà lựa chọn kia không có. Khi so sánh một ngôi nhà có hồ bơi với một ngôi nhà không có, bạn nghĩ rằng mình có thể đánh đồng với một ngôi nhà có số hồ bơi bằng không. Tuy nhiên, dù có vẻ kỳ lạ nhưng nhiều nghiên cứu chỉ rằng, bạn có xu hướng lựa chọn một thứ có đặc điểm tương ứng hơn là một thứ có đặc điểm không thể định tuyến độc nhất.

Để chắc chắn không bỏ lỡ các đặc điểm quan trọng khi đưa ra một lựa chọn, có ba việc bạn cần làm:

Thử đánh giá mỗi lựa chọn một cách độc lập hơn là so sánh chúng. Hãy suy nghĩ về các lựa chọn một cách tổng thể và hình dung xem sẽ như thế nào nếu chọn nó. Nếu chọn một nơi ở, hãy hình dung bản thân bạn đang sống ở nơi đó. Hãy suy nghĩ về việc đi lại, các không gian sống và những hoạt động thường nhật. Hãy thử đưa ra đánh giá mà không suy nghĩ về những lựa chọn khác. Hãy nhớ rằng, một khi đã dọn vào nhà mới, chỉ có ngôi nhà bạn mua (chứ không phải những ngôi nhà bạn không mua) mới liên quan đến cuộc sống của bạn.

Tiếp cận lựa chọn có hệ thống. Khi lựa chọn này là quan trọng, hãy viết xuống những đặc điểm khác nhau của chúng. Cách vẽ những bảng hay biểu đồ bảo đảm rằng các đặc điểm của lựa chọn mà bạn có thể quên sẽ có cơ hội tham gia vào quyết định của bạn.

Hãy sử dụng cảm xúc của bạn. Sẽ rất thuyết phục khi phân biệt các chọn lựa lý tính dựa trên các lý do và các lựa chọn cảm tính dựa trên cảm xúc. Tuy nhiên, có lý để tin rằng hệ thống cảm xúc của bạn phản ứng trước các đặc điểm khó diễn tả của lựa chọn. Hãy tin vào cảm xúc của mình trong việc lựa chọn. Nếu bạn cảm thấy một lựa chọn nào đó là sai lầm, chắc hẳn phải có lý do gì đó giải thích cho cảm xúc của bạn. Tương tự, nếu bạn đặc biệt cảm thấy lựa chọn đó là rất tốt, điều đó cần được cân nhắc. Bạn nên tiếp tục cân nhắc những đặc điểm cụ thể của lựa chọn nhưng đừng bỏ qua cảm xúc của bản thân chỉ vì không hoàn toàn chắc chắn về xuất xứ của chúng.

Cái này giống cái kia, chỉ khác nhau

Tương đồng rõ ràng là một thứ đầy quyền lực nhưng chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn không có bất kỳ kiến thức rõ ràng nào liên quan đến vấn đề này? Đây là tình huống chúng tôi đã xây dựng cho những sinh viên kỹ sư thiết kế máy trong một thí nghiệm tôi thực hiện cùng những đồng nghiệp Kris Wood và Julie Linsey của mình. Chúng tôi đưa một vấn đề mới cho sinh viên giải quyết: Thiết kế một bộ tạ mang theo trong chuyến du lịch để mọi người có thể tập luyện khi đi trên đường.

Không sinh viên nào từng gặp phải một vấn đề như thế hay ít nhất là sản phẩm tương tự thế.

Tuy nhiên, khi cuộc thử nghiệm kết thúc, rất nhiều sinh viên đã tìm ra cách giải quyết vấn đề. Sinh viên có thể sử dụng kiến thức mình đã có nhưng phải tìm ra một cách để tích hợp những kiến thức có vẻ như không mấy liên quan. Giải pháp chung nhất được rút ra từ kiến thức về đệm hơi. Một đệm hơi phần lớn thời gian được cất đi. Khi cần dùng, nó được bơm căng và cung cấp một chỗ nằm thoải mái để ngủ.

Giải pháp tương tự cũng có thể được sử dụng cho tạ du lịch. Nghĩa là “trọng lượng” chỉ nên được thêm vào vào lúc cần thiết. Trong trường hợp này, nước cung cấp một nguồn trọng lượng tốt. Các nhóm tiêu biểu thiết kế ra một loại tạ nước có những túi không thấm nước có thể bơm phồng ở cuối mỗi đầu. Trọng lượng có thể được bơm thêm vào ở nơi hạ trại hay ở phòng khách sạn và sử dụng để tập luyện cơ thể, sau đó có thể rút cạn, làm khô và cất đi khi di chuyển.

Đệm hơi và tạ nước nhìn chung khá khác biệt nhau. Một cái sử dụng để ngủ còn cái kia sử dụng để luyện tập cơ thể. Một cái được thiết kế nhằm tạo sự thoải mái còn cái kia được thiết kế để tăng sức nặng và sự cân bằng. Tuy nhiên, kiến thức về đệm hơi rõ ràng có ích cho việc thiết kế tạ nước. Những sinh viên trong nghiên cứu này có thể sử dụng kiến thức của mình vì họ có khả năng đáng nể trong việc hình thành và sử dụng phép loại suy để giải quyết vấn đề.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỬ DỤNG NHỮNG KINH NGHIỆM QUÁ KHỨ?

Nhà văn George Santayana được mọi người nhớ đến với câu nói: “Người không nhớ quá khứ sẽ phạm sai lầm”. Dù vậy, để sử dụng quá khứ, cần thiết phải xác định yếu tố quá khứ nào quan trọng cho việc thấu hiểu hiện tại và tương lai, vì quá khứ không lặp lại chính xác bản thân nó.

Các sử gia Ernest May và Yuen Foong Khong đều khám phá ra cách các chính trị gia rút kinh nghiệm từ quá khứ để đưa ra những quyết định. Họ tập trung nghiên cứu khoảng thời gian từ kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II đến Chiến tranh Việt Nam. Hai ví dụ từ nghiên cứu này sẽ giúp minh hoạ sức mạnh của phép loại suy.

Lý thuyết Domino như một phép loại suy

Trong những năm 1950, các chính trị gia Mỹ bắt đầu quan sát sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản bằng cách liên hệ đến những quân cờ domino. Chúng ta đều biết trò chơi xếp những quân cờ domino thành một hàng, đẩy một quân cờ trong hàng và nhìn tất cả các quân cờ còn lại nối tiếp nhau đổ xuống.

Khi nghĩ về những quân cờ domino trong một hàng, chúng ta có kiến thức về cả các sự vật và quan hệ của chúng. Các sự vật là những quân cờ domino. Chúng ta biết rằng chúng có những đặc tính tự tại: cứng, hình khối chữ nhật màu đen được trang trí bằng những đốm đỏ. Chúng ta cũng hiểu quan hệ không gian rằng các quân cờ domino đủ gần để khi một quân cờ đổ xuống sẽ đụng vào một quân cờ khác. Sự sắp xếp về mặt không gian này dẫn đến một kiến thức nhân quả là làm đổ quân cờ domino đầu tiên sẽ khiến nó đổ vào quân cờ tiếp theo và cứ như thế gây ra một chuỗi phản ứng. Trong phép loại suy này, hình ảnh về những quân cờ domino dễ hiểu hơn so với các quốc gia. Khối kiến thức dễ hiểu hơn này gọi là vùng cơ sở của so sánh.

Lý thuyết domino này được ứng dụng vào tư duy về những quốc gia Châu Á nằm trong ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết. Vì vùng kiến thức này ít được biết đến hơn những quân cờ domino, nó được gọi là vùng mục tiêu của phép loại suy. Ý tưởng ở đây là các thế lực chủ nghĩa xã hội nổi lên từ Liên bang Xô Viết sẽ khiến chính phủ các nước trong khu vực sụp đổ nhường chỗ cho các chính quyền chủ nghĩa xã hội. Càng nhiều nước sụp đổ càng nhiều chính phủ khác trong khu vực cũng sẽ rơi vào nguy cơ sụp đổ.

Khả năng sử dụng phép loại suy của chúng ta rất ấn tượng vì chúng ta có thể tập trung vào những tương đồng của hai vùng kiến thức mà không đòi hỏi vật thể so sánh phải giống nhau. Trong trường hợp phép loại suy với những quân cờ domino, không ai nghĩ rằng một quốc gia sẽ có hình chữ nhật hay được phân biệt bởi những chấm màu. Vấn đề chính là chỉ sức ảnh hưởng từ một chính phủ có thể khiến chính phủ nước lân cận sụp đổ, cũng giống như hiệu ứng của các quân cờ domino.

Phép loại suy này có một ảnh hưởng to lớn đến cách triển khai chính sách đối ngoại ở khu vực Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ II. Ví dụ, để leo thang Chiến tranh Triều Tiên, phe cộng sản ở Bắc Triều Tiên đã xung đột với phe đối lập ở Nam Triều Tiên. Nếu xung đột này được nhìn nhận như nội chiến Triều Tiên thì Liên hiệp quốc sẽ phải đứng ngoài nhìn cuộc chiến, vì hiến pháp Liên hiệp quốc không cho phép tổ chức này tham gia vào những xung đột nội bộ của một nước. Tuy nhiên, theo thuyết domino, xung đột này được nhìn nhận như ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài

Triều Tiên vào quốc gia này. Kết quả là, Liên hiệp quốc cho phép các quốc gia thành viên can thiệp, dẫn đến Chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên.

Phép loại suy không chỉ cấu trúc cách chúng ta suy nghĩ về một tình huống mà còn tác động đến dự đoán của chúng ta về những kết quả tương lai hay về vùng mục tiêu. Những dự đoán này được gọi là suy luận loại suy, vì chúng là những phần mở rộng của kiến thức (tức là những lập luận) được tạo thành trên cơ sở của phép loại suy. BÀI HỌC CHO PHÉP LOẠI SUY

Những ví dụ trên thể hiện cả sức mạnh và cạm bẫy của việc sử dụng phép loại suy. Một mặt, những phép loại suy cung cấp con đường cho cấu trúc suy nghĩ của bạn về một phạm vi kiến thức mới mà bạn chưa hiểu thấu đáo. Thực tế, thuyết domino quá thuyết phục đến nỗi nó trở thành cách tư duy chủ đạo của mọi người. Phép loại suy là một nguồn đầy sức mạnh cho việc dự đoán, nhưng các dự đoán này cần phải được xác minh theo những cách khác nữa, vì phép loại suy không đảm bảo tính đúng đắn của chúng.

Tuy nhiên, để sử dụng phép loại suy, cần có Kiến thức chất lượng cao về vùng cơ sở. Để có những phép loại suy tốt thì Kiến thức nhân quả là đặc biệt quan trọng. Do vậy, càng biết nhiều về cơ chế và mục tiêu vận hành của các sự vật (tức là Kiến thức nhân quả chất lượng cao) thì bạn càng có khả năng rút ra được những phép loại suy tốt từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Thông minh hơn tức thì

Sử dụng phép loại suy trong truyền đạt thông tin

Phép loại suy cung cấp cách truyền đạt các khái niệm thường khó để giải thích rõ ràng. Phép loại suy phát huy hiệu quả trong trường hợp hạn chế về từ vựng. Chúng ta có rất nhiều từ gọi tên sự vật (như máy ảnh) và mô tả sự vật (như nhỏ gọn hay kỹ thuật số). Đối với kiến thức nhân quả, chúng ta có ít từ vựng hơn. Chúng ta mô tả hành động bằng động từ (như John chụp ảnh những đứa trẻ). Nhưng mô tả cách thức vận hành của các sự vật thường khó hơn, trừ khi chúng ta biết nhóm từ vựng phức tạp và chuyên dụng của các chuyên gia. Thậm chí, ngay cả có hiểu biết cơ bản về nền tảng của hoạt động chụp ảnh (bằng cách để phim bắt sáng nhanh) và rửa ảnh (xử lý phim thành âm bản, sau đó chiếu những âm bản đó ra giấy quang cảm)thì chúng ta vẫn khó để mô tả quá trình này và các cơ chế đằng sau nó.

Có một cách ít nặng nề hơn để mô tả sự vận hành và kiến thức nhân quả liên quan đến một lĩnh vực mới là sử dụng phép loại suy.

Khi máy ảnh kỹ thuật số lần đầu tiên ra mắt vào những năm 1990, nhà sản xuất cần giới thiệu với những khách hàng tiềm năng về sản phẩm. Họ cố giải thích một cách rất chi tiết nhưng mô tả đó có thể vẫn khá rối rắm và đòi hỏi người tiêu dùng phải dành thời gian tìm hiểu.

Thay vào đó, những nhà sản xuất có thể dùng phép loại suy. Một máy ảnh kỹ thuật số có thể được so sánh với máy scan, từ đó giúp cho người tiêu dùng hiểu rằng hình ảnh sẽ được ghi lại dưới dạng điện tử và xử lý bởi máy tính. So sánh này là một phép loại suy vì máy scan và máy ảnh kỹ thuật số, về cơ bản, có cùng cách thức vận hành nhưng có hình dạng và mục đích sử dụng khác nhau. Phép loại suy này cung cấp một cách truyền đạt hiệu quả.

Sử dụng phép loại suy trong các hoạt động giải thích thông tin còn có một lợi ích khác: khi nghe một phép loại suy, người nghe cần suy nghĩ một chút để tìm ra những đặc tính đối ứng giữa vùng cơ sở và vùng mục tiêu, từ đó hiểu điều đang được truyền tải. Như đã thảo luận trong Chương 6, càng nỗ lực kiểm soát khi đối mặt với những thông tin mới thì bạn càng có thể ghi nhớ chúng lâu dài. Do vậy, nỗ lực cố gắng thấu hiểu phép loại suy khiến nó trở nên dễ nhớ. Bên cạnh đó, sự yêu thích của con người dành cho sản phẩm được tăng cường bởi cảm giác về việc tự thân khám phá một điều gì đó mới mẻ. Sử dụng phép loại suy trong hội thoại khiến chủ đề trở nên dễ nhớ và khiến người nghe thích thú hơn.

Trở ngại khi vận dụng phép loại suy

Chắc hẳn tôi không phải người đầu tiên đề xuất rằng phép loại suy quan trọng trong giải quyết vấn đề mới. Trong cuốn sách How to solve it (Tạm dịch: Làm thế nào để giải quyết nó), nhà toán học George Pólya viết rằng, nếu tìm cách giải một vấn đề khó, bạn nên tìm vấn đề tương tự đã được giải trước đó và tái sử dụng giải pháp này. Về cơ bản, phép loại suy thực sự là một cách giải quyết vấn đề mới đầy hiệu quả. Tại sao chúng ta không thường xuyên sử dụng phép loại suy? Để bắt đầu trả lời câu hỏi này, hãy thử giải quyết vấn đề sau đây trước:

Bác sĩ Lee gặp phải một vấn đề. Một trong những bệnh nhân của cô bị khối u dạ dày, nhiều khả năng ác tính. Không may thay, khối u nằm ở vị trí không thể phẫu thuật cắt bỏ. Thay vào đó, xạ trị là giải pháp duy nhất. Xạ trị cũng gặp phải vấn đề. Xạ trị đủ mạnh để giết chết khối u cũng sẽ giết chết những mô khoẻ mạnh xung quanh gây ra thương tổn vĩnh viễn, gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân. Làm thế nào bác sĩ Lee chữa bệnh cho bệnh nhân thành công? Hãy dành ít phút suy nghĩ về vấn đề này.

Nếu là bạn, bạn sẽ làm thế nào?

Nếu bạn đã giải quyết được vấn đề thì thật tuyệt. Nghĩa là bạn có thể được xếp vào nhóm thiểu số. Vấn đề này được nhà tâm lý học Karl Duncker nghiên cứu và chỉ ra rằng chỉ khoảng 1 trên 10 người có khả năng giải quyết vấn đề này khi lần đầu tiên gặp phải nó.

Nếu bạn nằm trong số 9 người bị bế tắc bởi vấn đề này, để tôi cho bạn một gợi ý. Hãy quay lại Chương 1 đọc lại câu chuyện về Keith Koh và nhà máy của ông.

Giờ hãy thử giải quyết vấn đề lần nữa, nhưng lần này sử dụng câu chuyện đó như một phép loại suy giúp bạn giải quyết vấn đề.

Bạn làm thế nào?

Điều bạn vừa làm là tham gia vào một biến thể của nghiên cứu mà Keith Holyoak thực hiện với các đồng nghiệp Mary Gick và Kyunghee Koh. Trong nhiều thí nghiệm sử dụng phương pháp này, họ quan sát thấy hầu hết mọi người cảm thấy câu chuyện rất hữu ích cho việc giải quyết vấn đề. Khi đặt vấn đề chữa bệnh ung thư cạnh câu chuyện, mọi người thấy ngay mối liên hệ giữa những mô khoẻ mạnh và lớp kính dễ vỡ xung quanh bóng đèn. Ung thư cũng như sợi dây tóc bóng đèn bị hư. Giải pháp cũng tương tự. Cũng như những tia hồng ngoại yếu được chiếu vào điểm đứt của dây tóc bóng đèn, những tia phóng xạ yếu cũng được nhắm vào khối u từ nhiều hướng khác nhau. Không một tia nào đủ mạnh để giết chết mô khoẻ nhưng sự kết hợp những tia phóng xạ tập trung vào khối u là đủ để giết chết khối u đó.

Do vậy, câu chuyện về Keith Koh khá hữu ích trong việc cung cấp giải pháp cho vấn đề của bác sĩ Lee. Nhưng nếu giống với hầu hết mọi người, khi lần đầu tiên gặp vấn đề này, bạn không nghĩ đến Keith Koh. Ví dụ này đã thực sự cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề bằng phép loại suy.

Song, mặc dù phép loại suy rất hữu ích, chúng ta lại gặp khó khăn trong việc nhớ ra những thông tin cần thiết để đưa ra so sánh tương tự khi cần giải quyết một vấn đề. Điều đó khiến chúng ta rơi vào một nghịch cảnh. Một mặt, biết phép loại suy rất hữu ích để giải quyết vấn đề, mặt khác, chúng ta thường không có khả năng gọi ra những vùng kiến thức cơ sở mà chúng ta biết khi cần.

Ví dụ này nêu được trở ngại chính yếu trong công thức Tư duy thông minh: Đó là việc Ứng dụng kiến thức. Chúng ta đã nói về cách phát triển các Thói quen thông minh và cách để có Kiến thức thông minh. Giờ là thời điểm để tìm cách gọi những kiến thức đó ra từ trí nhớ khi cần.

CẢI THIỆN KHẢ NĂNG TRUY CẬP VÙNG KIẾN THỨC CƠ SỞ

Lý do tại sao các vùng kiến thức cơ sở khó gọi ra từ trí nhớ liên quan đến tầm quan trọng của Thói quen thông minh trong tư duy. Hầu hết cuộc đời bạn diễn ra trong một thế giới mà hành động thích hợp là hành động bạn đã thực hiện trong một tình huống gần như tương tự ở quá khứ. Khi đến cửa hàng McDonald để ăn một bữa, bạn cần xếp hàng, chờ tới lượt, đặt món ăn như đã làm trong quá khứ. Bạn không cần nhớ gì khác ngoài những lần đến cửa hàng McDonald trước đó. Khi lái xe từ chỗ làm về nhà, bạn

không cần suy nghĩ đến thực tế rằng hệ thống vận chuyển và giao thông có những điểm tương đồng với dòng chảy các phân tử electron trong dây điện. Tất cả những gì bạn cần làm là nhớ chỗ rẽ ở các ngã tư để có thể về đến nhà.

Theo đó, nhìn chung bạn sống trong thế giới của sự tương đồng hiển nhiên.

Quả thật, trong rất nhiều tình huống, bắt đầu suy nghĩ về những sự vật chủ yếu đến từ vùng kiến thức khác là một điều không thực tế. Nếu bác sĩ Lee đến chữa bệnh cho tôi, tôi muốn cô ấy nghĩ về những kiến thức y khoa bao quát và tập trung các quyết định chữa trị dựa trên kiến thức ấy. Nhìn chung, tôi không muốn cô bắt đầu suy nghĩ từ những giải pháp sửa bóng đèn của ai đó. Tôi chỉ muốn cô bắt đầu suy nghĩ về những giải pháp xa xôi hơn khi kiến thức y khoa của cô không phát huy tác dụng.

Do đó, chúng ta rất thích gọi ra những sự vật từ trí nhớ khi chúng có chung vật thể và tương quan với tình huống hiện tại. Ví dụ, lần đần tiên bạn đến một cửa hàng thức ăn nhanh mới, bạn sẽ nhanh chóng nhớ ra trong đầu mình những cửa hàng thức ăn nhanh đã từng đến.

Vậy thì làm thế nào bạn có thể cải thiện khả năng sử dụng phép loại suy để giải quyết vấn đề thông qua việc gọi ra vùng kiến thức cơ sở tiềm năng từ trí nhớ?

Để hiểu thêm chút ít về quá trình này, hãy suy nghĩ về ngạn ngữ. Ngạn ngữ là cách súc tích để diễn đạt một sự hiểu biết sâu sắc nào đó. Hãy bắt đầu với một câu ngạn ngữ bạn chưa từng biết đến trước đây: “Tiếng ồn của bánh xe không đo lường trọng lượng của chiếc xe ngựa.” Nghe câu ngạn ngữ này bạn nhớ đến điều gì?

Khi tôi hỏi sinh viên trong lớp câu này, câu trả lời đầu tiên tôi thường nhận được là một ngạn ngữ khác: “Bánh xe cọt kẹt sẽ được tra dầu.” Cả hai câu này đều liên quan đến những chiếc bánh xe. Tuy nhiên, nghĩa của chúng không giống nhau chút nào. Nhưng kiểu phản ứng này không nằm ngoài dự đoán vì tâm trí ngay lập tức liên tưởng tới những vật thể tương tự.

Ý nghĩa thực sự của ngạn ngữ không nằm ở bản thân nghĩa của những vật thể được nói đến trong đó (trong trường hợp này là những chiếc bánh xe và xe ngựa) mà nằm ở những nhóm quan hệ nào đó có thể tồn tại giữa nhiều vật thể khác nhau. Đặc điểm này của ngạn ngữ gọi là nghĩa liên hệ. Hãy suy nghĩ về nghĩa liên hệ của câu ngạn ngữ: “Tiếng ồn của bánh xe không đo lường trọng lượng của chiếc xe ngựa.” Câu này nói rằng, bản chất bên trong của một vật không phải lúc nào cũng được phản ánh bằng những đặc điểm hiển hiện nhìn thấy được. Nghĩa này mang tính liên hệ vì nó mô tả mối quan hệ giữa bản chất bên trong và cái thấy được bên ngoài của sự vật.

Nghĩa liên hệ này cũng là mấu chốt cho phép bạn ghi nhớ những ngạn ngữ có cùng ý nghĩa. Một khi diễn đạt ý nghĩa đích thực của ngạn ngữ theo cách trừu tượng hơn này, bạn có thể nhớ ra những câu khác với nghĩa tương tự như: “Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng,” hay “Không thể đánh giá quyển sách qua vỏ bọc bên ngoài.” Những câu này không có chung bất kỳ vật thể nào với câu ngạn ngữ ban đầu nhưng có cùng ý nghĩa.

Mô tả lại vấn đề để tìm ra những đặc tính liên hệ là cần thiết trong việc cho phép gọi ra những trường hợp tương tự từ kho trí nhớ. Đó là một trong những cách hiệu quả nhất để Ứng dụng kiến thức.

Bạn cần tạo ra Thói quen thông minh để tiếp nhận một tình huống mới và tập trung vào nghĩa liên hệ của nó hơn là vào bản thân các vật thể. Để giúp bạn quen dần với điều đó, hãy thực hành vài bài tập đơn giản với các câu ngạn ngữ.

Bắt đầu bằng cách cho mỗi câu ngạn ngữ sau đây một định nghĩa liên hệ (viết lại theo cách trừu tượng hơn) sau đó suy nghĩ về những tình huống khác mà bạn nhớ được. Ví dụ, bản chất của câu ngạn ngữ “Một người không thể chơi tất cả những nhạc cụ trong một dàn nhạc” có thể được viết lại thành: “Cần nhiều người có các kỹ năng khác nhau để làm một việc quan trọng nào đó.”

Một số câu ngạn ngữ:

Biển lặng không thể rèn giũa thuỷ thủ giỏi.

Quét tuyết ở hành lang nhà anh trước khi quét ở nhà tôi.

Bỏ quá nhiều vào một cái túi sẽ khiến nó bị rách.

Tự nhiên như ruồi.

Cây sồi to mọc ra từ quả đầu nhỏ.

Con thiếu học là do cha.

Con cá ngu ngốc sẽ bị bắt hai lần bằng cùng một miếng mồi.

Mật ngọt chết ruồi.

Miếng thịt của một người là thuốc độc của người khác.

Nên hài lòng với bia khi đã hết rượu.

Để tạo ra thói quen suy nghĩ về bản chất của tình huống, bạn có thể thử với nhiều câu ngạn ngữ hơn. Nếu gõ “danh sách ngạn ngữ” vào khung tìm kiếm, bạn sẽ thấy một loạt những website với nhiều ví dụ có thể sử dụng cho mục đích mài giũa kỹ năng đưa ra những mô tả liên hệ của mình.

Sau một thời gian luyện tập với các câu ngạn ngữ, bạn sẽ thu được lợi ích thứ hai. Bạn có thể tìm ra vài câu ngạn ngữ diễn đạt bản chất của những vấn đề đã gặp trong quá khứ. Bạn có thể sử dụng ngạn ngữ để truyền tải bản chất này đến ai đó khác. Có lẽ quan trọng hơn, sử dụng một câu ngạn ngữ để mô tả một vấn đề có thể giúp bạn nhận ra những tình huống mới có cùng bản chất trong tương lai.

Để thấy được vai trò hữu ích của ngạn ngữ trong việc nhận ra bản chất của những sự vật, sự việc liên quan, tôi sẽ kể một câu chuyện nghe được từ một đồng nghiệp tên Susan, một biên tập viên lâu năm của Tạp chí Khoa học. Tạp chí Khoa học tuân thủ chặt chẽ quy trình bình duyệt. Tác giả gửi một bài viết đến một tạp chí và bài viết đó được gửi đến khoảng ba nhà khoa học là những chuyên gia trong ngành. Bài viết được đọc cẩn thận và từng nhà khoa học chuẩn bị một bản đánh giá về nó. Biên tập viên nhận bản đánh giá và đưa ra quyết định xem liệu bài viết có thể được đăng hay không. Một phần quan trọng của quá trình đánh giá là các nhà khoa học tham gia đọc bài viết sẽ đưa ra những đề xuất có thể giúp hoàn thiện nghiên cứu kia. Thông thường, những người đánh giá thực sự có thể đề xuất các nghiên cứu mới để chuẩn bị cho sự xuất hiện của bài báo kia trên tạp chí.

Susan và tôi đã thảo luận về khó khăn của một biên tập viên. Những thông tin về người đánh giá thường được giấu kín với tác giả bài viết. Vài nhà khoa học nổi tiếng với các đánh giá khắc nghiệt thường ẩn danh dưới vỏ bọc như vậy. Susan thấy rằng, khi nhận được các đánh giá này, các tác giả thường phớt lờ những đề xuất trong các đánh giá “khó chịu”, dù đó là những đề xuất hay. Một ngày nọ, cô đọc một bài tạp chí và gặp câu ngạn ngữ: “Mật ngọt chết ruồi.” Cô nhận ra rằng, câu này nắm bắt hoàn hảo vấn đề đang gặp phải với những đánh giá mang tính bác bỏ, phủ nhận. Nhanh chóng sau đó, khi nhận một bản đánh giá mới được viết một cách “khó chịu”, cô gửi trả người đánh giá và yêu cầu viết lại nó. Cô thêm vào câu ngạn ngữ trên như một cách đơn giản để truyền tải lý do vì sao bản đánh giá cần được làm lại.

Cho tới giờ, ví dụ này chỉ cho thấy rằng ngạn ngữ có thể giúp bạn truyền đạt một nghĩa liên hệ khó nói thẳng. Dù vậy, Susan tiếp tục kể rằng, sau khi bắt đầu sử dụng ngạn ngữ này, cô nhận ra có thể áp dụng trong rất nhiều tình huống khác nữa. Khi phải phê bình việc gì đó mà các con mình đang làm, đầu tiên cô khen điều mà chúng đã làm được và thấy rằng hành động đó khiến chúng sẵn sàng lắng nghe hơn. Cô cũng nhận ra rằng, những cuộc tán gẫu với các đồng nghiệp thường xuyên tập trung vào khía cạnh tiêu cực của nhau. Vì thế, cô bắt đầu nói nhiều hơn về những thành tựu tích cực của các đồng nghiệp và nhận ra điều đó giúp cô cải thiện mối quan hệ ở chỗ làm. Một cách suy nghĩ về những bản đánh giá ở tạp chí đã tạo ra hiệu ứng chuyển đổi lên cách Susan tương tác với những người khác.

Ý tưởng mấu chốt là ngạn ngữ là một cách giúp bạn phân loại những tình huống mới dựa trên bản chất liên hệ hơn là dựa trên những sự vật, sự việc cụ thể trong tình huống.

TẠO RA NHỮNG PHÂN MỤC LIÊN HỆ

Việc sử dụng kiến thức đòi hỏi bạn phải thừa nhận rằng những sự vật mới cần phải được xử lý tương tự như cái bạn đã gặp trong quá khứ. Hầu hết những sự vật mà chúng ta phân loại là những vật thể. Bước vào một căn phòng khách sạn sau khi nhận phòng, bạn nhanh chóng nhận ra giường, ghế và bàn. Một khi bạn phân loại vật thể đó chính xác, bạn sẽ biết phải làm gì với nó.

Với chúng ta, các vật thể rất dễ phân loại, một phần vì chúng ta có kho từ vựng cho các phân mục đó. Những cái ghế có thể có đủ hình thù kích thước. Vài cái ghế còn có bánh xe. Vài cái thoải mái. Vài cái to và cồng kềnh. Vài cái có thể gấp lại và mang đi trong một cái túi nhỏ. Việc sử dụng kho từ vựng sẵn có để dán nhãn các phân mục giúp chúng ta nhận diện những vật tương tự của phân mục đó khi gặp lại chúng trong tương lai.

Tư duy thông minh bao gồm việc sử dụng những phép loại suy trong Ứng dụng kiến thức của bạn. Để nhận ra những phép loại suy tiềm tàng một cách hiệu quả, tốt hơn hết là bạn nên tạo những phân mục ứng dụng tương tự cho các tình huống khác nhau hơn là cho những vật thể khác nhau. Thật không may, ngôn ngữ (hay các ngôn ngữ) mà bạn nói cung cấp rất nhiều từ vựng mô tả các vật thể, trong khi đó lại cung cấp rất ít từ vựng gọi tên những mối quan hệ tương đồng mà các tình huống khác nhau cùng chia sẻ.

Do đó, tự bạn phải tạo ra những “nhãn” này, trong đó có một cách là sử dụng ngạn ngữ. Susan nhận ra những tình huống mới tương tự như tình huống trong đó các đề xuất của người đánh giá bị phớt lờ vì lối viết phản bác tiêu cực, từ đó áp dụng câu ngạn ngữ “Mật ngọt chết ruồi” như một cái “nhãn” của phân mục đó.

Có nhiều cách khác để bạn có thể tạo nhãn cho phân mục của các phép loại suy. Với từng phân mục, điều cốt yếu là tìm ra thứ gì đó cung cấp một định nghĩa hiệu quả về bản chất vấn đề.

Tôi đã chỉ ra rằng, ngôn ngữ có ít từ vựng dành cho những phân mục của các phép loại suy. Tuy nhiên, bạn có thể tạo vài nhãn như vậy, đồng thời nên tạo ra Thói quen thông minh để ngay lập tức sử dụng chúng và hiểu tại sao chúng hữu ích. Hãy quay trở lại tình huống của bác sĩ Lee và bệnh nhân của cô với căn bệnh ung thư không thể mổ: bác sĩ Lee muốn tiêu diệt tế bào mang bệnh mà không hại đến những tế bào khoẻ mạnh xung quanh khối u. Ý tưởng tiêu diệt một mục tiêu mà không hại đến những đối tượng khác gợi nhớ thuật ngữ tổn thất ngoài ý muốn. Tổn thất ngoài ý muốn ban đầu là một thuật ngữ quân sự ám chỉ những mục tiêu phi quân sự bị phá huỷ trong những chiến dịch quân sự.

Những bác sĩ chuyên khoa ung thư như bác sĩ Lee cố tránh những tổn thất ngoài ý muốn. Thuật ngữ này mang đến một cái “nhãn” có thể ứng dụng cho rất nhiều những lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh quân sự và ung bướu học, một lĩnh vực khác mà bạn cũng muốn tránh tổn thất ngoài ý muốn là diệt cỏ dại. Khi cố diệt những loại cỏ dại không cần thiết ở một bãi cỏ, bạn vẫn cần giữ lại những loại cỏ mong muốn. Hay trong trường hợp sơn trần nhà. Bạn chỉ muốn sơn lên trần chứ không phải những bức tường, sàn hay nội thất. Một khi nhận ra những điểm tương đồng, bạn có thể tìm cách chuyển giao các giải pháp cho vấn đề tổn thất ngoài ý muốn từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Tiêu đề truyện và điểm nút của các câu truyện cười cũng có thể được sử dụng như những “nhãn” liên hệ. Truyện hay truyện cười thường tóm lược một nhóm quan hệ giữa các nhân vật. Việc kể lại câu chuyện mỗi khi bạn muốn suy nghĩ về những quan hệ này sẽ khá là rối rắm, tuy nhiên tiêu đề truyện hay điểm nút của câu chuyện có thể được sử dụng như một cái “nhãn” cho toàn bộ mọi thứ.

Những câu chuyện ngụ ngôn của Aesop thường được sử dụng theo cách này vì chúng được viết để nắm bắt một chân lý mang tính liên hệ cụ thể nào đó. Dưới đây là phiên bản của một câu chuyện kinh điển.

Một con cáo đói đang tìm cái ăn đi qua một cánh rừng. Nó thấy một chùm nho trong khu vườn của một người nông dân lơ lửng ngay trên đầu. Nó cố nhảy lên nhưng thậm chí chùm nho thấp nhất cũng ngoài tầm với của nó. Cuối cùng, nó nhìn những chùm nho bằng con mắt khinh miệt và nói: “Dù sao nho cũng chưa chín. Ta không muốn ăn mấy quả nho chua.”

Từ câu chuyện ngụ ngôn này, thuật ngữ quả nho chua được sử dụng để nhắc đến một tình huống trong đó một người không có được cái mình muốn, liền ra lời chê bai nó. Như đã từng thảo luận, sẽ khá dễ dàng để nhớ mạch truyện trong một bộ phim một khi bạn nhớ được những điểm chính trong cốt truyện. Đó là lý do tại sao những câu chuyện là một kho lưu trữ kiến thức liên hệ tốt. Đặt cho câu chuyện một cái tựa (như “Quả nho chua”) là tạo ra một cách thức dễ dàng để nhớ lại câu chuyện sau này. Những câu chuyện cũng có thể được đưa trực tiếp vào hệ thống bài giảng giống như ở trường Thương mại Harvard. Các lớp học được tổ chức với bài giảng làm việc trực tiếp trên những tình huống (câu chuyện) thực trong kinh doanh trong đó chứa đựng những vấn đề cụ thể cần được giải quyết. Mỗi tình huống bao gồm rất nhiều vấn đề cụ thể. Các sinh viên được yêu cầu làm việc cá nhân hoặc theo nhóm để đưa ra quyết định thực tế về cách giải quyết. Trong lớp học, giáo sư hướng dẫn sinh viên thảo luận để lựa chọn các giải pháp xử lý tình huống và từ đó rút ra bài học.

Có rất nhiều lợi ích từ phương pháp nghiên cứu trường hợp đối với Tư duy thông minh. Thứ nhất, sinh viên bị buộc phải tự giải thích rất nhiều chi tiết của tình huống. Bên cạnh đó, vì có thể phải thảo luận với cả lớp, họ phải chuẩn bị để trình bày lập luận của mình cho những người khác. Kết quả là, họ có thể hiểu biết thấu đáo hơn về cách thức và mục tiêu vận hành của các sự vật trong một tình huống phức tạp.

Cuối cùng, tình huống kinh doanh sẽ trở thành một cái “nhãn” cho một nhóm những mối quan hệ liên quan đến tình huống kinh doanh đó. Một tình huống chính xác được mô tả trong ví dụ mà các sinh viên kinh doanh nghiên cứu có thể sẽ không bao giờ tái xuất hiện. Hoạt động nghiên cứu trường hợp hiệu quả vì sinh viên học được cách nhận ra những yếu tố nhân quả quan trọng khiến cho một giải pháp cụ thể nào đó hiệu quả. Dán nhãn cho một tình huống giúp sinh viên phân loại những vấn đề mới gặp như những ví dụ thêm vào của tình huống lần đầu gặp trong lớp.

Một phương pháp khác để mô tả hệ thống những mối liên hệ có thể tạo ra những “nhãn” liên hệ là sử dụng các điểm nút truyện cười. Truyện cười hiệu quả vì một truyện cười hay được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu và nắm bắt chân lý thâm sâu nào đó về thế giới thông qua góc nhìn hài hước. Hãy đọc truyện cười dưới đây:

Một phụ nữ đưa con đi biển chơi. Chú bé vui vẻ chơi đùa trên cát. Bất ngờ, một đợt sóng lớn tràn vào cuốn đứa bé ra biển. Trong cơn điên cuồng, người phụ nữ nhìn lên trời và nói: “Làm ơn hãy trả con lại cho tôi! Tôi sẽ làm bất cứ điều gì. Làm ơn!” Một lát sau, cơn sóng thứ hai đánh vào bờ đưa đứa bé trở lại an toàn vô sự. Người phụ nữ nhìn đứa bé sau đó nhìn lên trời và nói: “Nó có đội mũ mà!”

Tôi thường dùng cụm từ “Nó có đội mũ mà” để chỉ những tình huống mà ai đó than phiền trong khi lẽ ra họ nên biết ơn. Ở đây, điểm nút câu chuyện đóng vai trò “nhãn” cho toàn bộ câu chuyện. Giống như tiêu đề truyện, ngạn ngữ và những nhãn liên hệ, các điểm nút truyện cười giúp bạn nhận ra các đặc điểm cơ bản của những tình huống mới.

Mục tiêu của nhãn liên hệ là giúp bạn suy nghĩ về vấn đề đang cố giải quyết theo một hướng khác. Nếu chỉ tập trung vào vấn đề trong phạm vi xuất phát ban đầu thì nhìn chung bạn sẽ chỉ gọi ra kiến thức của mình trong lĩnh vực đó.

Để sử dụng những kỹ thuật này đòi hỏi sự thực hành và chuẩn bị. Hiện tại, bạn có thể không biết rất nhiều ngạn ngữ. Bạn chắc hẳn chưa từng nghĩ về những cách khác nhau để dán nhãn cho phân nhóm của các vấn đề gặp phải. Bạn có thể chưa bao giờ suy nghĩ về những câu chuyện cười với tư cách một nhãn liên hệ dùng để phân nhóm các tình huống. Tuy nhiên, bạn có thể tạo ra Thói quen thông minh nếu lưu tâm đến cách bạn lựa chọn để suy nghĩ về những vấn đề khó.

Nỗ lực bạn bỏ ra để tìm ra cách thức suy nghĩ mới về các vấn đề sẽ được tưởng thưởng bằng sự cải thiện khả năng suy nghĩ trong những tình huống tương tự. Sẽ mất thời gian nhưng đây chắc chắn là một cách dẫn đến thành công trong việc cải thiện khả năng Ứng dụng kiến thức.

Kiến thức chìa khoá

Tính chất tương đồng và phép loại suy cần thiết trong việc giúp bạn Ứng dụng kiến thức của mình. Bạn rút ra những kinh nghiệm tương tự với tình huống hiện tại bạn đang gặp để xác định xem mình phải làm gì tiếp theo. Bạn có xu hướng tập trung vào những điểm chung – cũng như những khác biệt liên quan đến các điểm chung ấy – giữa tình huống hiện tại và các tình huống trước đó. Những yếu tố độc nhất (hay không thể định tuyến) nhìn chung không được chú ý lắm trong tư duy của bạn.

Khả năng tìm ra điểm tương đồng giữa hai tình huống, trên thực tế, khá linh hoạt. Bên cạnh việc tìm ra những điểm tương đồng hiển hiện, bạn có kỹ năng làm phép so sánh loại suy tập trung vào sự tương đồng giữa cái bạn biết (vùng cơ sở) và cái bạn không biết (vùng mục tiêu). Phép loại suy nêu bật sự tương đồng trong mối quan hệ và có thể được sử dụng để truyền tải thông tin về các điểm tương đồng, khiến vùng mục tiêu dễ hiểu hơn, trong khi các vật thể của hai vùng không nhất thiết tương đồng. Dù vậy, những suy luận bằng phép loại suy này phải được xử lý cẩn thận vì chúng không chắc chắn đúng.

Dù phép loại suy là một cách hiệu quả giúp hiểu những tình huống mới, song bạn thường không thể gọi chúng ra từ trí nhớ khi cần. Thông tin được gọi ra từ trí nhớ thường dựa trên sự tương đồng chung giữa tình huống mới với điều gì đó bạn đã gặp trong quá khứ. Để tập trung vào việc gọi ra những phép loại suy, quan trọng là phải mô tả lại vấn đề để tìm ra bản chất thay vì chú trọng vào những vật thể. Sử dụng các ngạn ngữ, nhãn phân mục liên quan, cốt truyện (hay nói không hoa mỹ là những nghiên cứu trường hợp), và thậm chí các truyện cười khiến bạn thông minh hơn thông qua việc cải thiện khả năng Ứng dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.