Thói Quen Của Kẻ Thắng
1. Tầm nhìn và những mục tiêu
Đập đá hay xây những công trình vĩ đại
Câu chuyện xảy ra đã nhiều năm trên một con đường hoang vắng ở Rome. Đó là một buổi chiều đầy nắng nóng. Một cô gái vừa đi bộ trên đường với túi đồ trong tay vừa huýt sáo, cô chú ý tới một nhóm người đang đập đá bên lề đường. Cách… cách… cách. Họ dùng búa đập những viên đá, chia chúng thành những viên nhỏ và nhỏ hơn nữa.
Tò mò, cô gái lại gần một người thợ và hỏi anh ta đang làm gì. “Cô không thấy sao?”, người thợ đáp lại gọn lỏn, ngước lên nhìn cô và lau mồ hôi trên trán: “Tôi đang đập đá.”
Tiếp tục đi thêm một đoạn nữa, cô gái lại gặp một người thợ khác, cũng đang đập đá. Cô hỏi: “Anh đang làm gì vậy?” “Tôi hả?” Người thợ trả lời. “Ồ, tôi đang góp phần xây dựng nhà thờ lớn nhất thế giới”. Câu chuyện này có gợi cho bạn suy nghĩ gì không?
Làm thế nào để đồng nghiệp của bạn hiểu được vai trò của họ? Họ chỉ là người đập đá hay là người xây dựng lên nhà thờ lớn nhất thế giới?
Nhân viên bán hàng của bạn nghĩ rằng vị trí của anh ấy chỉ đơn thuần là một người bán? Hay anh ta tự hào là một phần trong một đội đang cố gắng trở thành đội ngũ xuất sắc nhất của doanh nghiệp? Người phụ nữ trong văn phòng tiếp khách nhìn nhận bản thân chỉ là một nhân viên lễ tân? Hay là đại sứ với sứ mệnh mang ấn tượng đầu tiên của một tổ chức với mục tiêu giành ngôi vị số 1 trong kinh doanh? Sự khác nhau trong cách nghĩ của những thành viên làm việc trực tiếp với cộng đồng có thể nói lên sự khác biệt giữa một tổ chức gắn kết với một tổ chức bình thường. Nó cũng nói lên sự khác biệt giữa việc bạn đạt được tầm nhìn hay thất bại trong những mục tiêu đã đề ra.
Làm thế nào để các thủ lĩnh đảm bảo rằng tổ chức chia sẻ và giúp nhân viên lĩnh hội toàn bộ chiến lược phát triển của họ? Làm thế nào để họ khiến từng cá nhân nhận thức rõ ràng vai trò không thể thiếu của mình trong kế hoạch lớn lao và vĩ đại ấy?
Họ làm điều đó bằng việc thể hiện rất rõ ràng tầm nhìn của doanh nghiệp, bằng việc vạch rõ mục tiêu để toàn bộ tổ chức có thể nhìn thấy và đi tới. Sau đó, họ chắc chắn mỗi cá nhân hiểu vai trò của mình trong việc giúp đỡ tổ chức đạt được mục đích đó.
Và họ cũng chắc chắn trong tổ chức luôn có sự tôn trọng mỗi cá nhân, vì những gì anh ta mang lại cho tập thể, vì sự đóng góp của riêng anh ấy trong việc giúp tổ chức đạt được giấc mơ của mình.
Vì vậy, mỗi cá nhân không chỉ tập trung mang lại giá trị cao nhất trong vai trò của mình, mà còn trở thành một thành viên hữu ích của một tổ chức lớn hơn. Và anh ta sẽ làm việc với niềm hãnh diện khi biết rằng, bằng chính công việc của mình, anh ấy tạo lên sự khác biệt.
P.M Sinha (tên thường gọi là Suman), nguyên CEO của PepsiCo tại Ấn Độ, là bậc thầy trong việc chia sẻ tầm nhìn. Ông là người sáng tạo ra mô hình tổ chức “tam giác ngược”. Trong mọi bài thuyết trình, ông thích nói tới biểu đồ cơ cấu của tổ chức. Nhân viên kinh doanh được đặt trên cùng, phía dưới là những người giúp tạo ra hiệu quả công việc cho họ. Giám đốc điều hành sẽ đặt ở cuối hình tháp ngược, trách nhiệm của anh ta là gánh vác cả tổ chức. Một vài thói quen khác cũng giúp hình thành văn hóa đoàn kết này. Không có những ông chủ hay những người được gọi là “sếp”. Suman vẫn được toàn đội gọi là Suman. Mọi người đều mặc đồng phục với nhãn hiệu của Pepsi trên túi áo ngực bên trái. Trong tất cả các buổi đi thị trường hay các cuộc họp tại công ty, Suman đảm bảo rằng ông lập kế hoạch để những người ở hàng trên tỏa sáng như anh hùng. Thực tế, nhân viên bán hàng của Pepsi đã khẳng định vị trí của họ bằng đoạn quảng cáo trên kênh truyền hình thương mại. Đó là câu chuyện hài hước về Sachin, anh đập một quả bóng vào cửa xe tải chở Pepsi, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt và nói “Oh, thư giãn yaa… Uống Pepsi nhé!”
Không bất ngờ khi Suman thành công trong việc tạo ra đội ngũ bán hàng tốt nhất, khi mỗi người bán hàng và lái xe chở Pepsi cảm thấy bản thân như một anh hùng trên chiến trường, sẵn sàng đánh bại đối thủ và đưa Pepsi thành hãng nước giải khát số một trong nước. Thực tế, nếu bạn dừng xe tải chở Pepsi và hỏi người bán hàng đang làm gì, dám chắc anh ta sẽ trả lời mình đang giúp Pepsi vô địch trong cuộc chiến nước giải khát. Điều đó không đơn giản là “bán Pepsi”.
Một lần, khi tới thăm Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Floria, để đánh giá tiến trình kế hoạch đưa con người lên mặt trăng, vị tổng thống Mỹ thấy ánh mắt của cô lao công đang ngại ngần nhìn ông. Tò mò về thái độ của cô gái, ông hỏi: “Cô đang làm gì ở đây vậy?” Vén mái tóc ra sau, cô trả lời: “Tôi đang giúp nước Mỹ đưa con người đặt chân lên mặt trăng”.
Thực tế, không lâu sau khi Kennedy chia sẻ mong ước đưa con người đặt chân lên mặt trăng, Neil Armstrong đã làm nên lịch sử, “một bước chân nhỏ của con người, một bước nhảy vọt khổng lồ của nhân loại”. Và ở Ấn Độ, Pepsi đã chiến thắng khi nhận được ngôi vị thương hiệu nước giải khát số 1 thế giới.
Đằng sau sự thành công là công sức của cả một tập thể những người lao động. Hãy coi họ là những nhân tố quan trọng, giúp họ thấy mình là những người thợ trực tiếp xây dựng lên nhà thờ lớn nhất thế giới và cũng là người tạo nên những điều khác biệt.
Và điều đó thực sự đã tạo ra sự khác biệt!
Bạn và đồng nghiệp hiểu như thế nào về vai trò của mình trong tổ chức? Giống những người đập đá? Hay những người xây dựng nhà thờ lớn nhất thế giới?
Leo núi
Các bạn thân mến, thử trả lời một câu hỏi nhỏ nhé!
Nếu hai người đang tập leo núi cùng nhau, họ cần điều gì nhất để có thể lên đến đỉnh núi? Trang thiết bị? Sự luyện tập? Tinh thần đồng đội? Hay điều kiện thời tiết thuận lợi?
Họ chuẩn bị tất cả những điều trên để hành trình được đảm bảo. Tuy nhiên, thứ quan trọng nhất chính là ngọn núi. Họ cần một mục tiêu rõ ràng. Thông thường, chúng ta chỉ chăm chú tới trang thiết bị và việc luyện tập nhưng lại không có những mục tiêu rõ ràng. Sự chuẩn bị dù tốt tới đâu cũng trở nên vô nghĩa nếu bạn không có ngọn núi nào để leo.
Tất cả chúng ta đều may mắn. Chúng ta có thể trang bị những dụng cụ tốt nhất, có nơi luyện tập, có những người đồng nghiệp sẵn sàng giúp đỡ chúng ta thành công. Nhưng hơn hết, chúng ta cần có những ngọn núi – những mục tiêu của riêng mình.
Từ giây phút bạn có mục tiêu cho hành trình leo núi của mình, mọi thứ đều thay đổi. Thật kỳ diệu. Mọi giác quan trong bạn như sống dậy. Bạn khao khát được leo tới đỉnh núi đó. Bạn sống có kỷ luật hơn. Bạn dậy sớm hơn, bảo vệ mình khỏi bị lạnh, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tìm gặp chuyên gia và đọc sách về leo núi… Tất cả xuất phát từ khát khao chinh phục đỉnh núi bạn chọn.
Vì vậy, hãy thôi than vãn về trang thiết bị, những buổi tập luyện hay lo lắng vì mua phải thiết bị giả. Việc đầu tiên bạn phải làm là bắt tay vào lập những mục tiêu.
Tìm một ngọn núi cho mình, bước đầu tiên để có thể làm thay đổi cả cuộc đời bạn.
Hãy bắt đầu. Ghi lại những mục tiêu của bạn. Ngay bây giờ!
Tiến tới ngọn núi của riêng bạn. Và hãy bước những bước chân đầu tiên để có cảm giác bạn đang đứng trên đỉnh cao của thế giới.
Bộ dụng cụ leo núi tốt nhất cũng vô giá trị nếu bạn không có một ngọn núi để leo.
Hướng tới mục tiêu: Bí mật biến ước mơ của bạn thành hiện thực
Câu chuyện này có thật không? Không ai chắc chắn cả. Nhưng nghe đồn nó xảy ra vào năm 1963, một số nhà nghiên cứu hành vi xã hội đã thực hiện cuộc khảo sát đối với các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp khoa Kinh tế trường Đại học Harvard. Họ yêu cầu học viên viết mục tiêu trong cuộc sống của mình vào một tờ giấy. Và chỉ có 3% viết được mục tiêu của mình. Vâng, 3%. 25 năm sau, các nhà khoa học liên lạc lại với khóa học đó để tìm hiểu về sự nghiệp cũng như cuộc sống hiện tại của họ. Bạn đoán xem điều gì xảy ra?
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, tổng tài sản của nhóm 3% người viết ra được mục tiêu của mình nhiều hơn tài sản của số người còn lại. Không chỉ vậy, dường như họ có cuộc sống hạnh phúc hơn, làm được những điều họ muốn và có tinh thần thoải mái hơn.
Thật khó tin, nhưng tôi tin rằng đó là sự thật và nó có thể trở thành hiện thực với tất cả mọi người.
Mục tiêu của bạn là gì? Bạn mong muốn đạt được điều gì? Những việc bạn đã, đang, và sẽ làm trong cuộc sống, trong công việc, trong các mối quan hệ là gì? Bất cứ điều gì, hãy ghi lại chúng. Ngay bây giờ, hãy ghi lại. Không chậm trễ, không để tới ngày mai mà là ngay bây giờ!
Và cam kết với bản thân bằng hành động. Đảm bảo rằng mọi việc bạn làm là để đạt được mục tiêu của mình. Hãy hành động. Hãy chắc chắn mọi thứ bạn làm là để tiến gần hơn tới mục tiêu của mình. (Nếu không, đừng làm điều đó.)
Và cuối cùng, hãy bắt tay vào thực hiện ngay hôm nay. Dù là việc nhỏ đi chăng nữa, nhưng hãy bước những bước đầu tiên từ hôm nay. Nếu bạn muốn giảm cân, hãy đi bộ 45 phút ngay hôm nay! Nếu bạn muốn trở thành người bán hàng xuất sắc, hãy thực hiện nhiều hơn những cuộc gọi bán hàng ngay hôm nay.
Bạn sẽ nhìn thấy sự khác biệt. Giống như những chàng trai của Nike nói, hãy làm đi.
Có 3 bước cần làm:
Bước thứ nhất: Viết ra những mục tiêu của bạn.
Bước thứ hai: Hãy cam kết hành động để đạt được mục tiêu.
Bước thứ ba: Thực hiện bước đầu tiên. Ngay hôm nay!
Tiến lên, hãy bắt đầu ngay bây giờ!
Mục tiêu của bạn là gì? Bạn muốn trở thành người như thế nào, có gì, và làm gì? Bất cứ điều gì, hãy ghi lại.
Đừng thay đổi thói quen của bạn
Sức mạnh của sự tập trung. Sức mạnh của sự kiên trì. Tôi tin đó là những yếu tố cơ bản để tạo nên thành công. Tôi đã trải nghiệm sâu sắc sức mạnh ấy trong một chuyến đi tới Trung Quốc.
Trong một hội trường chật ních các doanh nhân trẻ Trung Quốc (chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh qua mạng), tôi có vinh hạnh được nghe Jack Ma, người sáng lập cổng thương mại điện tử alibaba.com.
Jack từng là giáo viên dạy tiếng Anh ở Bắc Kinh. Nhờ thông thạo ngôn ngữ, nhiều lần anh được mời tham dự khi có đoàn đại biểu thương mại vào Trung Quốc hay nhóm doanh nhân Trung Quốc qua Mỹ để tìm cơ hội kinh doanh. Trong quá trình đó, Jack thấy hai điều.
Thứ nhất, mặc dù thờ ơ với tiếng Anh, các doanh nhân Trung Quốc vẫn nhận được nhiều đề nghị và có khả năng vươn ra thế giới. Thứ hai, không gì khác ngoài Internet nắm giữ tiềm năng đưa Trung Quốc đi xa. Kết hợp cả hai vấn đề lại, Jack lập nhóm gồm 18 người bạn và cùng chia sẻ tầm nhìn của anh. Kết quả là trang web alibaba.com ra đời ngay tại căn hộ của Jack ở Hàng Châu.
Anh đã trải qua nhiều thử thách. Và, trong thời gian đó, alibaba.com đã nhanh chóng vượt qua Yahoo ở Trung Quốc. Năm 2007, alibaba chính thức phát hành cổ phiếu, xuất hiện đầy ấn tượng trên sàn chứng khoán Hồng Kong và giá chào bán cổ phiếu lần đầu đã cao thứ hai so với các công ty Internet trên thế giới, chỉ sau Google. Hiện nay, Jack làm chủ tịch một doanh nghiệp thành công lớn.
Lời khuyên để xây dựng tập đoàn Internet của Jack là gì? Đâu là công thức thành công của anh? Một lời khuyên rất đơn giản: “Tin vào mơ ước và tin vào chính mình”. Bạn làm những công việc đó bởi bạn muốn, đừng vì nhà đầu tư muốn bạn làm như vậy, cũng đừng vì người khác muốn bạn làm. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Làm bất cứ điều gì kéo ước mơ lại gần hơn với bạn mỗi ngày. Tìm kiếm những nhân sự giỏi, làm cho khách hàng yêu quý bạn và hãy làm điều đó liên tục. Luôn học hỏi và vận dụng các chiến thuật cũng như kỹ năng khác nhau, nhưng không bao giờ thay đổi mục tiêu. Không bao giờ thay đổi ước mơ.
Sau đó, Jack lấy ví dụ về sức mạnh của sự tập trung. “Năm 2000, tôi từng nói: ‘Nếu có 9 con thỏ chạy xung quanh bạn, và bạn muốn bắt một con, hãy tập trung vào một con. Nếu bạn cố gắng bắt tất cả, bạn sẽ chẳng có con nào. Nếu việc bắt nó quá khó, bạn có thể thay đổi chiến thuật, nhưng nhất định không thay đổi con thỏ. Có rất nhiều cơ hội, nhưng bạn không thể bắt tất cả chúng. Hãy bắt lấy một con trước, đặt vào túi, sau đó mới bắt những con tiếp theo.”
Lời khuyên thật có ích. Chúng ta thường mắc sai lầm là bị cám dỗ bởi rất nhiều cơ hội, cố gắng để giành lấy tất cả cơ hội đó, và cái cuối cùng ta nhận được là con số 0. Thử thách đầu tiên của hầu hết chúng ta nằm ở chỗ không chọn thỏ để bắt. Vạch ra một mục tiêu rõ ràng là chìa khóa giúp bạn bắt đầu hành trình tiến tới thành công. Tiếp đó, chúng ta bị rối trí bởi những con thỏ khác đang chạy nhảy và đánh mất sự tập trung của mình. Ý nghĩ về sự đa dạng hóa khiến các doanh nghiệp lớn chuyển từ tập trung vào thế mạnh của mình sang thử sức với những ý tưởng mới. Điều này mang lại hiệu quả thấp. Nếu bạn sống ở Gujarat vào những năm 1980, có lẽ tuổi thơ của bạn sẽ gắn với hương vị độc đáo của kem Vaddilal. Bạn có thể thề rằng đó là loại kem ngon và tuyệt vời nhất thế giới. Vadilal đã đạt được điều đó chưa? Ồ, chưa đâu. Một thời gian sau, Vadilal đã nhận ra đồ ăn sẵn sẽ là thực đơn chính ở Ấn Độ. Họ đã quyết định đuổi bắt “con thỏ” đó. Vào là đầu giai đoạn mở cửa tự do ở Ấn Độ, họ tính toán rằng giao dịch ngoại hối có thể là ý tưởng kinh doanh lớn. Và họ cũng săn đuổi con thỏ đó. Tiếp theo là bất động sản, một lĩnh vực đang bùng nổ. Đó là con thỏ thứ 4. Và tiến đến là hóa chất…
Vadilal rượt theo rất nhiều con thỏ cho mặt hàng của họ. (Kem Vadilal vẫn rất ngon còn doanh nghiệp vẫn bé tý ).
Ngay cả khi chúng ta tập trung vào một con thỏ, sự bất lực của chúng ta khi bắt nó khiến chúng ta nhanh – đôi khi là rất nhanh – chuyển qua bắt một con thỏ khác. Thật thiếu kiên nhẫn. Chúng ta từ bỏ quá vội vàng. Khi nhìn những tài năng trẻ bỏ việc trong chốc lát vì họ không được thăng tiến nhanh trong công việc, tôi rất buồn. Tôi ước gì họ biết và lưu tâm câu nói của Jack: “Thay đổi chiến thuật. Không thay đổi con thỏ.”
Khi tôi theo dõi Jack – một diễn giả xuất chúng, một anh hùng dân tộc, người nhà lãnh đạo quốc tế – đối thoại trực tiếp với đông đảo khán giả, tôi đã rất bàng hoàng. Sau đó, tôi thấy một vài điều nữa có sức ảnh hưởng lớn. Ngồi cách tôi khá xa là hai bạn trẻ đang lắng nghe từng chữ của Jack, ghi chép rất nhiều. Điều đó không mấy khi thấy trong các cuộc hội thảo khác trên thế giới.
Thế giới tuyệt vời hơn những gì ta đang thấy. Với trí thông minh vốn có, niềm đam mê học hỏi, khả năng làm việc không ngừng và quyết tâm để thành công cùng một người dẫn đường tận tụy như Jack, những doanh nhân Trung Quốc sẽ chinh phục cả thế giới.
Biết đâu họ đã tìm thấy con thỏ muốn bắt. Thế còn bạn?
Nhận diện con thỏ bạn muốn bắt và tập trung vào nó. Nếu bạn cố gắng bắt tất cả, bạn sẽ chẳng có được con nào. Nếu con thỏ tìm cách trốn tránh, bạn có thể thay đổi chiến thuật nhưng không thay đổi mục tiêu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.