Thói Quen Của Kẻ Thắng

11. Hành động



Bắt đầu và kết thúc.

Ngoài ra không có gì quan trọng
Đôi khi một câu truyện nhỏ lại chứa đựng nhiều bài học lớn về cuộc sống.
Tôi sẽ ví dụ cho bạn:

“Teho một ngêhin cứu sinh tại trờnưg Đại học Cmabirgde, thứ tự của các chữ cái của một từ kôhng qaun tọrng. Đềiu qaun tnrọg duy nấht là chữ cái đầu tiên và chữ cái cốui cnùg ở đnúg vị trí. Nhnữg từ còn lại có thể sắp xếp lộn xộn tùy ý mà bạn vẫn có thể đọc đợưc mà khnôg có vấn đề gì. Đềiu này bởi não bộ con ngờưi khnôg đọc tnừg chữ cái, mà đọc tàon bộ cả từ đó.” Con đường dẫn tới thành công trong cuộc sống cũng gần như vậy. Điểm bắt đầu là chìa khóa. Và hoàn thành các nhiệm vụ là việc cần làm. Những việc còn lại, nói chung, không quan trọng.

Tôi thích câu nói như thế này: bạn không cần phải là người tuyệt vời mới có thể bắt đầu, nhưng bạn cần bắt đầu để có thể trở nên tuyệt vời. Bạn có thể có những ý rất hay, những kế hoạch hoàn hảo và niềm đam mê trong bạn rất lớn. Nhưng tất cả không có giá trị gì nếu bạn không bắt đầu. Chúng ta thường ngập ngừng ở bước khởi đầu, chờ đợi cho mọi việc ổn thỏa. Nhưng hãy nhớ mọi việc hiếm khi rơi đúng vị trí của nó!

Những nhiệm vụ không hoàn thành là nhân tố lớn nhất dẫn tới áp lực công việc. Hãy tập hoàn thành tất cả các nhiệm vụ. Sau đó dẹp chúng sang một bên. Nếu có một vài công việc đáng để làm, thì chúng đáng để có những bước khởi đầu dù có khó khăn. Những người thành công luôn tạo cho mình thói quen hoàn thành bất kỳ công việc nào họ bắt đầu.

Vì thế, nếu bạn có một ý tưởng lớn, hay một giấc mơ thầm kín nào đó, hãy thực hiện những bước đầu tiên. Ngay hôm nay! Bạn muốn trở thành tác giả có cuốn sách bán chạy nhất trên thị trường? Hãy viết chương đầu tiên. Ngay hôm nay! Và hãy nhìn vào những nhiệm vụ mà bạn chưa hoàn thành, danh sách những công việc mà bạn phải làm. Hãy hoàn thành ít nhất một trong số đó. Ngay hôm nay!

Hãy thực hiện, và quan sát sự khác biệt. Cuộc sống sẽ có nhiều thứ để cảm nhận hơn.

Có hai chìa khóa để thành công: bắt đầu, và học cách hoàn thành công việc.

Những gì còn lại không quá quan trọng.

Những sự cảnh báo và phím snooze…

Âm thanh ồn ào nhất hiện nay là tiếng chuông điện thoại cảnh báo một điều gì đó. Khi bạn nghe tin một người bạn của mình bị lên cơn đau tim, bạn biết đó là hồi chuông cảnh báo để bạn sống chậm lại, sắp xếp công việc hàng ngày và trở lại cuộc sống khỏe mạnh.

Khi bạn nghe thông tin về sự đổ vỡ của các công ty lớn trên phố Wall, bạn biết đó là sự báo động cho những lãnh đạo cấp cao của ngành ngân hàng Ấn Độ, những người luôn bận rộn với những cuộc điện thoại.

Khi bạn nghe tới những cuộc tranh luận to tiếng, bạn biết, đã tới lúc các lãnh đạo cao cấp của công ty cần xem xét việc quản lý nhân sự một cách nghiêm túc.

Khi bạn đọc được thông tin khoảng cách giữa những cuộc tranh cãi và sự đổ vỡ hôn nhân đang ngắn lại như thế nào, bạn biết đó là hồi chuông cảnh tình bạn dành nhiều sự quan tâm hơn tới người bạn đời của mình, để đảm bảo cuộc hôn nhân của bạn luôn bền vững.

Và khi bạn biết một nhân viên ngân hàng New York (anh ta được thưởng rất nhiều năm ngoái) bỗng trở nên chán nản khi phải nhận quyết định sa thải, bạn biết đó là lúc bạn cần sắp xếp mọi việc hợp lý, và cân bằng lại những mục tiêu trong cuộc sống.

Nhưng, hãy dừng lại một phút! Chúng ta làm gì khi chúng ta nghe những hồi chuông cảnh tỉnh đó? Phản xạ thường thấy của chúng ta đối với những tín hiệu này phần nào đó kiểu như thế này: Chúng ta kể về nó rất hào hứng, sôi nổi với bạn bè. (Ồ, đó có thể là những chủ đề tuyệt vời để nói trong các quán bữa nhậu!) Sau đó, chúng ta quyết định phải làm một điều gì đó ngay. Không chần chừ được nữa. Ngay ngày mai. Và, tất nhiên, ngày mai không bao giờ tới.

Vâng, dù cho những hồi chuông cảnh báo này có om sòm đi chăng nữa, tại sao hầu hết chúng ta lại không có hành động thực sự gì cho chúng? Có hai lý do mà tôi suy đoán.

Đầu tiên, đó là cảm giác mình không thể rơi vào tình cảnh đó, hay nói cách khác, là hội chứng “chuyện đó không thể xảy ra với tôi”. Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng điều đó chỉ có thể xảy đến với người khác. Cơn đau tim, sự phá sản, quyết định sa thải, đổ vỡ hôn nhân. Chúng ta không nhận ra rằng “người khác” cũng là con người như chúng ta.

Thứ hai, cái tôi muốn nói tới là hội chứng “bấm vào nút… snooze.” Phản xạ vô điều kiện để có thể trì hoãn hành động muộn lại một chút. Và sau đó, muộn thêm chút nữa.

Bài tập về chế độ ăn uống bạn từng hứa với bản thân dường như chưa hề bắt đầu. Ngày bạn nghe tin một người bạn lên cơn đau tim, bạn tự hứa hôm sau sẽ bắt đầu tập thể dục, nhưng đến giờ bạn vẫn chưa tập bài nào. Rồi bạn hứa với bản thân mình bạn sẽ thực hiện nó sau lễ hội Diwali. Sau đó trì hoãn tới khi bạn trở về nhà sau chuyến đi chơi với cơ quan. Điều đó không bao giờ, không bao giờ xảy ra. Cho tới khi nó quá muộn!

Những nhà lãnh đạo cấp cao của công ty cũng như vậy. Họ luôn nói phải đạt được mục tiêu này trong qúy tới. Không phải qúy này, mà là quý tiếp theo. Vào một quý nào đó mọi chuyện tốt đẹp, họ sẽ quan tâm tới nó. Cũng có thể là năm sau… và rồi sau đó, khủng khoảng kinh tế Satyam xuất hiện. Sự thực là, chúng ta đều thường xuyên sử dụng phím toàn năng “snooze” đối với những hồi chuông báo thức. Để có thể ngủ dậy lúc 6 giờ 30 sáng, chúng ta thường đặt đồng hồ báo thức lúc 6 giờ. Chúng ta tỉnh dậy, bấm snooze… 6 giờ 10, chúng ta tỉnh dậy, bấm snooze… 6 giờ 20. Và tới 6 giờ 30. Chúng ta cuối cùng cũng dậy được. Nghiên cứu chỉ ra rằng 30 phút đó thực sự đã bị lãng phí. Bạn không thực sự ngủ trong 30 phút đó. Tất cả những gì nút snooze đem lại là cho chúng ta cảm giác được trì hoãn thêm một thời gian ngắn. Và chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mọi việc đều có thể chờ đợi. Tư duy của chúng ta tạo ra rất nhiều phiên bản của phím snooze.

Vậy điều gì xảy ra mỗi khi chúng ta nghe tới một hồi chuông cảnh báo nào đó, chúng ta tìm kiếm phím snooze, thứ không thực sự tồn tại, nhưng lại thường trực trong tư duy của chúng ta.

Hãy hành động cho chính mình. Từ bỏ phím snooze: Trên điện thoại, trên đồng hồ báo thức, trong tư duy, trong cuộc sống. Hãy dậy khi tiếng chuông báo thức vang lên mà không ấn phím snooze. Khi bạn nghe thấy một hồi chuông cảnh tỉnh, hãy tỉnh dậy. Hãy tập thành một thói quen.

Bạn có thể thấy được nhiều lợi ích từ sự thay đổi thói quen này. Bạn sẽ ngủ tốt. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn vào mỗi sáng. Và quan trọng nhất, khi những cảnh báo đến với bạn, bạn sẽ hành động. Bạn phải tỉnh dậy. Trước khi mọi thứ quá muộn.

Hãy quên phím snooze đi. Khi bạn nghe thấy một hồi chuông cảnh báo, hãy tỉnh dậy!

Thời gian tốt nhất lần thứ hai để làm bất kỳ việc gì

Bạn có hay nhìn lại quá khứ và ước rằng giá như mình làm việc gì đó khác đi? Bạn đã từng, ví dụ, mong ước rèn luyện được thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ, để giờ đây bạn có kỹ năng đọc tốt hơn? Hay bạn có từng ước gì bạn đam mê một môn thể thao nào đó và chơi nó từ hồi đại học, để giờ đây bạn có thân hình cân đối hơn? Bạn ước có thể bỏ bánh kẹo để giờ đây không bị đái tháo đường béo phì? Hay bạn ước đã từng nói với bố mẹ bạn, vợ hay chồng của bạn là bạn yêu họ tới nhường nào?

Hay bạn là người luôn nhìn nhận những sự thay đổi trong tương tai? “Tôi sẽ bỏ bánh kẹo – sau ngày lễ Diwali.” Hay “Tôi sẽ dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, khi tôi hoàn thành các dự thảo doanh nghiệp hàng năm”. Hay “Tôi sẽ nghỉ ngơi để làm những gì mà tôi muốn, sau khi tôi có được con số đó trong tài khoản ngân hàng của mình.”

Dù sao, bạn sẽ nhớ bài học từ một câu ngạn ngữ cổ của người Trung Quốc: “Thời gian thích hợp nhất để trồng một cái cây là hai mươi năm về trước. Thời gian thích hợp thứ hai là ngay bây giờ!” Đã tới lúc chúng ta tận dụng thời gian!

Những bậc thầy kinh doanh và những nhà lãnh đạo tài giỏi đã từng nói về sức mạnh của hai chữ “bây giờ”. Sức mạnh của cuộc sống nằm ở thực tại. Cuộc sống đã qua trong quá khứ, hay ước mơ về một tương lai là viển vông và vô nghĩa.

Thông thường, chúng ta tự bào chữa cho hành động trì hoãn của mình vì chúng ta đã để lỡ mất thời cơ, hoặc nó vẫn chưa tới. Và câu hỏi về “thời cơ” đã giúp chúng ta mang một mặt nạ thờ ơ, càng khiến chúng ta có xu hướng trì hoãn. Thành công tới với người sống trong thực tại, nắm lấy thực tại. Cái gì đã qua thì hãy cho qua, đừng nuối tiếc. Và tương lai? Như câu nói ở trên, ngày mai không bao giờ tới. Vì thế, nếu bạn muốn làm điều gì, hãy làm nó ngay hôm nay. Ngay bây giờ. Hãy sử dụng thật tốt thời cơ. Hãy nhớ, không bao giờ là quá muộn để làm việc bạn muốn.

Bạn muốn học một kỹ năng mới? Hãy đăng ký ngay hôm nay. Bạn muốn giảm cân? Hãy tập thể dục ngay ngay hôm nay. Bạn muốn có những mối quan hệ tốt hơn? Hãy tới bên những người bạn yêu quý và ôm lấy họ. Dù điều bạn muốn là gì, hãy bắt đầu ngay hôm nay.

Ngày hôm nay là ngày mai trong suy nghĩ của bạn ngày hôm qua. Điều này nghe có vẻ mang tính triết lý, nhưng nó là thực tế! Khi bạn bắt đầu sống với thực tại, là khi bạn giải phóng sức mạnh tiềm tàng trong con người mình. Và chắc chắn rằng, hai mươi năm sau ngày hôm nay, bạn sẽ vui sướng vì bạn đã trồng cây!

Và đây là câu hỏi cho bạn. Nếu ngày hôm nay bạn biết rằng bạn chỉ còn có thể sống được thêm 6 tháng, bạn sẽ làm gì? Nào, hãy suy nghĩ đi. Bạn sẽ làm gì trong sáu tháng cuối cùng của cuộc đời?

Dành nhiều thời gian hơn cho gia đình? Xem trận đấu giữa Manchester United và Chelsea cùng cậu con trai? Nghe con gái kể về những tập cuối cùng của How I Met Your Mother (Tạm dịch: Khi bố gặp mẹ) ? Đi dạo cùng vợ, nắm chặt tay cô ấy, gió thổi tóc vương lên khuôn mặt của cô ấy, như ngày đầu tiên hẹn hò? Lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ cùng gia đình? Tới những quả đồi, hay xuống các bãi biển, những khu bảo tồn hoang dã, hay những kiệt tác kiến trúc nhân loại. Có quá nhiều việc bạn muốn làm, quá nhiều nơi bạn muốn tới. Nhưng bạn còn rất ít thời gian.

Và bạn có lẽ sẽ dành thời gian với mẹ của bạn? Để những ký ức trong bạn cứ thế sống lại, như ngày đầu tiên bạn tới trường. Món bhindi sabzi bà làm mà bạn rất thích, và khiến cho bạn tin rằng bhindi giúp bạn học toán tốt hơn!

Hay nỗi lo lắng của bà khi bạn trở về nhà với cái mũi sưng phồng vì quả bóng đập vào mặt. Tối hôm đó, bạn đã ngủ nhưng bà thì không. Sáu tháng, bạn sẽ làm gì trong khoảng thời gian đó?

Bạn có dậy sớm mỗi sáng và đọc mười quyển sách bạn luôn muốn đọc nhưng không bao giờ bạn cảm thấy rảnh rỗi để đọc? Bạn có viết cuốn sách đã ấp ủ bao lâu, chỉ còn chờ được viết ra?

Có lẽ bạn sẽ muốn gặp những người bạn. Những đứa bạn phổ thông đã lớn lên cùng bạn, nhưng giờ mỗi người một nơi. Những người hàng xóm cũ, những người đã túm tụm với bạn để xem Chhayageet vào mỗi tối thứ tư và cùng reo hò với bạn khi Sunil Gavaskar – trong màu trắng đen – đánh bại Arthur Barrett tại sân Wankhede.

Và bạn có lẽ sẽ muốn viết những bức thư tay, hay thư điện tử. Để cám ơn mọi người, vì những gì mọi người dành cho bạn. Hay nói lời xin lỗi tới những người bạn vô tình gây tổn thương. Thật ngạc nhiên khi một lời xin lỗi có thể giải tỏa được sức nặng khỏi lồng ngực của bạn. Bạn luôn biết điều đó, nhưng chưa bao giờ thực hiện.

Còn điều gì bạn muốn làm nữa khi bạn biết bạn chỉ còn sáu tháng trên thế gian này?

Bạn có thể muốn dành cả ngày với lũ trẻ, chia sẻ những bài học cuộc sống với bọn chúng. Tất cả những điều mà chúng sẽ không được học tại Đại học Havard.

Và bạn muốn dành cả ngày với người bạn đời của mình, xem bộ phim truyền hình sướt mướt mà cô ấy muốn (nhưng bạn đã không xem 20 năm); ăn món mì sợi mà cô ấy thích (nhưng bạn lại không mời cô ấy đi ăn suốt 20 năm) và cuối cùng làm ấm lòng cô ấy với ba từ mà cô ấy muốn nghe thêm một lần nữa (nhưng bạn đã không nói trong suốt 20 năm qua).

Với sáu tháng còn lại của cuộc đời, bạn sẽ làm gì? Hãy nhớ, không ai trên cõi đời này tới giờ phút đó còn ao ước dành nhiều thời gian hơn trên bàn làm việc.

Dù cho câu trả lời của bạn là gì, bất kỳ điều gì bạn muốn làm trong sáu tháng cuối cùng của cuộc đời, hãy thực hiện nó ngay bây giờ. Ngay hôm nay. Bởi vì, sự thực là, bạn sẽ không bao giờ biết bạn chỉ còn sáu tháng nữa. Vì vậy, mỗi ngày, hãy sống như thể đó là ngày đầu tiên của “sáu tháng cuối cùng” của bạn.

Hãy đi du lịch. Hãy xem trận bóng đó với cậu con trai của bạn. Hãy ngồi nghe những câu chuyện của cô con gái bạn. Hãy đi dạo cùng vợ của bạn. Hãy dành cả ngày với mẹ bạn. Đọc. Du lịch. Chơi. Tận hưởng. Sống!

Bất kỳ cái gì làm bạn thích thú, hãy làm nó luôn bây giờ. Đừng đợi chờ tới sáu tháng đó, bởi bạn sẽ không biết khi nào thời gian bắt đầu đếm ngược. Sống mỗi ngày thật ý nghĩa. Vậy, bạn sẽ làm gì nếu bạn chỉ còn một khoảng thời gian ít ỏi trên cuộc đời? Cho dù câu trả lời của bạn là gì, hãy nhớ một điều. Thời gian đó của bạn bắt đầu từ bây giờ.

Nếu ngày hôm nay bạn biết rằng mình chỉ còn có sáu tháng trong cuộc đời, bạn sẽ làm gì? Cho dù là việc gì đi chăng nữa, bạn hãy làm nó ngay từ bây giờ. Ngay hôm nay. Bởi vì, sự thật là, bạn không bao giờ biết rằng bạn chỉ còn sáu tháng để thực hiện điều đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.