Thói Quen Của Kẻ Thắng

7. Phương pháp của người chiến thắng



Thủ môn và hành động đổ người

Con trai của tôi là một người hâm mộ bóng đá. Không chỉ là người hâm mộ bình thường, nó phát cuồng với môn thể thao đó. Khi chúng tôi xem những trận đấu giải Ngoại hạng Anh trên ti vi trong phòng nó, tôi thấy căn phòng được trang hoàng ngày càng giống như bảo tàng của Manchester United. Dần dần, niềm yêu thích môn thể thao này cũng lớn dần trong tôi, âm ỉ, chậm rãi nhưng chắc chắn.

Một điểm của môn thể thao này đã thu hút tính hiếu kỳ trong tôi, đó là những quả sút luân lưu. Tôi thích đặt mình vào vị trí của cầu thủ bóng đá và cố gắng tưởng tượng áp lực mà anh ta đang phải trải qua. Tôi thường nghĩ rằng những cú đá penalty phản ánh cuộc sống, theo nhiều cách. Tôi nghĩ về những thủ môn đáng thương. Ai đó phạm lỗi, và thủ môn đang cố gắng bảo vệ khung thành, trả giá cho hành động ngốc nghếch của người khác. Và cầu thủ nào là người thực hiện quả penalty? Một linh hồn đáng thương. Anh ta biết anh ta được đặt nhiều hy vọng cho chiến thắng. Nếu anh ta sút vào, không phải điều gì lớn lao. Nếu không vào, chỉ có trời mới giúp được anh ta. Tôi xem qua một phần bản nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu người Israel. Để hiểu suy nghĩ của thủ môn, nhóm đã nghiên cứu 265 quả sút phạt luân lưu từ nhiều giải đấu trên thế giới. Như bạn đã biết, một quả luân lưu được thực hiện cách cầu môn 11m. Thủ môn có 0.1 giây để đẩy bóng – một con số quá khiêm tốn. Thủ môn phải đoán được đường bay của quả bóng và quyết định đổ sang trái hay phải.

Nhóm nghiên cứu theo dõi đường đi của trái bóng (trái, phải hay giữa) và lập bảng thống kê. Đây là kết quả nhận được: Cơ hội tốt nhất để thủ môn chặn quả sút phạt luân lưu là không dịch chuyển, giữ nguyên ở vị trí chính giữa! Bạn không thể đoán ra điều đó, phải không?

Không chỉ vậy. Mặc dù khả năng cao nhất để chặn thành công cú đá là khi thủ môn không di chuyển, nhóm nghiên cứu phát hiện ra trong 92% các trường hợp, thủ môn đã đổ mình sang một bên. Vì sao vậy? Các thủ môn trong bóng đá chuyên nghiệp được trả mức lương hậu hĩnh, nhiều tài năng và sự thông mình. Vì sao họ lại di chuyển khi mà đứng yên mới mang tới cho họ cơ hội tốt nhất để thành công?
Câu trả lời dường như nằm trong chính hành động nghiêng người đó của các thủ môn. Nếu anh ta đứng im và để bóng lăn, anh ta sẽ là chủ đề giễu cợt: “Anh ta thậm chí đã không cố gắng!”, sau đó là những giọt nước mắt đau khổ từ bạn bè và người hâm mộ. Nếu anh ta đổ người, người xem sẽ cảm thông hơn: “Anh ta đã cố gắng. Không nhiều cơ hội để có thể cản phá cú sút từ khoảng cách 11 mét!”.

Vì vậy mà trận này qua trận khác, khi một quả penalty được thực hiện, các thủ môn trên thế giới đều đổ người. Và phạm sai lầm mười mươi khi ngăn một bàn thắng ghi điểm. Trong khi tiếp tục đứng yên có lẽ đã mang lại thành công!

Điều gì đúng với các thủ môn cũng đúng với tất cả chúng ta. Chúng ta bị yêu cầu hành động đổ người. Chúng ta không ngồi yên, chúng ta cảm thấy bắt buộc phải hành động. Đứng yên một chỗ là biểu hiện của sự yếu đuối. Không hành động thường không được nhìn nhận theo chiều hướng có lợi. Chúng ta đổ người bởi cảm thấy buộc phải chọn một trong hai hướng. Trong thực tế, vấn đề có thể giải quyết bằng phương án ba: Đứng yên!

Và điều này xảy ra trong mọi thời điểm. Làm quảng cáo là một ví dụ. Một trong số các chiến dịch quảng cáo đáng nhớ nhất đã bị dừng lại một cách vội vã để thay bằng chiến dịch mới dù không mang lại hiệu quả tương tự. Vì sao vậy? Có lẽ bởi nhà quản lý trẻ lo sợ rằng nếu anh ta tiếp tục chiến dịch và doanh thu bán hàng đi xuống, giá cổ phiếu giảm, anh ta bị cáo buộc rằng đã không làm gì cả. Tuy nhiên, nếu anh chạy một chiến dịch mới và doanh thu bán hàng giảm thì… Ồ, ít nhất anh ta đã làm điều gì đó, đúng không?

Sự thôi thúc không thể cưỡng lại này giải thích vì sao các quỹ quản lý thường xuyên đảo lộn danh mục đầu tư. Nó cũng giải thích cho cách ứng xử của các CEO. Chú ý xem các CEO luôn bận rộn như thế nào – ký một giao dịch mới, loại bỏ một số thứ, thêm hoặc bớt, phân chia trong sản xuất, đề xuất cho ra sản phẩm mới và loại bỏ sản phẩm cũ. Cơ hội là công ty có thể sẽ tốt lên nếu những CEO thực sự chọn phương án khó khăn: không làm gì cả. Tất cả chúng ta nên nhớ bài học từ nghiên cứu về những cú sút phạt luân lưu, và dừng suy nghĩ như những thủ môn thường làm. Trong khi việc nghiêng người có thể tốt (những thủ môn giỏi luôn đổ mình và làm nên những pha cứu bóng ngoạn mục), trong nhiều trường hợp chỉ nên đứng nguyên ở vị trí đó.

Không làm gì cả đôi khi là điều tốt nhất bạn có thể làm.

Về cá mập, Pepsi và vùng an toàn

Nếu có một cảnh báo đặc biệt nhằm vào những người lãnh đạo thì đó là họ không nên đến “Vùng an toàn.”
Bằng lòng, cảm giác tự mãn và trôi nổi trong “vùng an toàn” của việc “từng ở đó, từng làm việc đó” có thể khiến không chỉ một cá nhân mà cả tổ chức đi xuống nhanh chóng. Người thành công luôn tự kích thích mình vượt qua vùng an toàn bằng cách đặt ra những thử thách mới, không ngừng tìm kiếm trở ngại, thay đổi môi trường. Steve Waugh, cựu huấn luyện viên môn cricket Australia, người đã thúc đẩy rất thành công bản thân và đội bóng luôn chinh phục đỉnh cao nhất, đã viết một cuốn tự truyện của tên là “Thoát khỏi vùng an toàn”. Sự thi đấu, nỗi lo lắng thất bại, khả năng chiến thắng, những dự đoán về đối thủ… hoàn toàn có thể giúp bạn tránh bị mắc kẹt trong “vùng an toàn”.

Trong các tập đoàn xuyên quốc gia, cuộc chiến nước giải khát có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho hiện tượng này. Tại Ấn Độ, cả Coca Cola và Pepsi đều xây dựng những đội quân đầy nhiệt huyết,với mục đích hạ gục càng nhiều đối thủ thì càng có nhiều lợi ích trong “miếng bánh” thị phần. Bản chất của kinh doanh không có thời gian cho sự nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế. Chiến thắng và thất bại được quyết định bởi từng khoảnh khắc ở bất cứ cửa hàng nào trên các thành phố rộng lớn dọc đất nước – mỗi khi một khách hàng bước vào và hỏi một chai nước giải khát. Bạn làm việc tốt là bạn bán được tới chai cuối cùng. Sự có mặt của một đối thủ nặng ký có nghĩa là cả tổ chức bán hàng có chung một khao khát duy nhất, một tư thế sẵn sàng chiến đấu. Giám đốc kế hoạch của Coca Cola thường xuyên nói: “Nếu không có Pepsi, chúng ta phải tạo ra nó.”

R. Gopalakrishnan, cựu phó chủ tịch hội đồng quản trị của Hindustan Unilever, nguyên giám đốc điều hành của Tata Sons (Ấn Độ), đã kể lại một câu chuyện rất thú vị trong cuốn sách của anh, The Case of the Bonsai Manager. Đó là câu chuyện về nghề cá ở Nhật Bản. Nó chứa đựng thông điệp đầy ý nghĩa cho mỗi cá nhân cũng như tổ chức trên khắp thế giới.

Đó là một câu chuyện dân gian về vấn đề – giải pháp mà người Nhật thích thuật lại. Như chúng ta đã biết, người Nhật thích ăn cá tươi. Để đáp ứng điều đó, nhiều năm nay, rất khó để tìm được cá trong vùng biển ven bờ Nhật Bản.Vì vậy, người đánh cá đóng những con tàu lớn hơn và đi xa bờ hơn để bắt cá. Nhưng không may, một vấn đề khác lại nảy sinh. Càng đi xa để đánh bắt cá, thời gian quay về bờ càng dài. Trong thời gian họ quay về bờ, cá đã bị ươn. Và người Nhật chỉ thích những con cá tươi.

Để giải quyết vấn đề này, người đánh cá đã nghĩ ra giải pháp khác. Họ đặt tủ lạnh ngay trên tàu. Tuy nhiên, người Nhật rất thông minh, khó tính. Họ có thể nói sự khác nhau giữa cá tươi và cá đông lạnh. Và họ muốn những con cá tươi. Bên cạnh đó, cá đông lạnh có giá thấp hơn, đe dọa khả năng tồn tại của toàn bộ các doanh nghiệp cá.

Vì vậy, người đánh cá nghĩ ra giải pháp khác. Họ cho đặt những bể cá trên tàu. Họ có thể bắt cá từ biển và bỏ chúng vào trong bể. Họ mang về những con cá thực sự tươi sống.

Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Một bể cá nhồi nhét nhiều cá, chúng chen chúc, quẫy đạp, rồi trở nên lười biếng và nằm im cam chịu số phận. Chúng bất động, lờ đờ, chậm chạp. Và người mua lại nói rằng: Họ muốn những con cá tươi sống còn khỏe mạnh, không phải những con cá đã lờ đờ. Ngay cả khi bóng tối của cuộc khủng hoảng đang dần bao trùm nền công nghiệp cá Nhật Bản, người ngư dân giàu kinh nghiệm vẫn có hướng giải quyết khác. Họ vẫn đánh cá xa bờ. Vẫn những con tàu và những bể cá như thế. Nhưng có một điểm khác biệt. Trong mỗi bể cá, người ngư dân thả thêm một con cá mập nhỏ. Con cá mập khiến cho những con cá luôn hoạt động, chạy quanh, bận rộn. Đúng vậy, con cá mập ăn chỉ một ít cá nhưng nó luôn hăm dọa, khiến những con cá khác hoạt động và khỏe mạnh. Thử thách đó đảm bảo rằng không con cá nào có thể nằm im một chỗ. Kết quả tất yếu là những con cá vẫn tươi và nhanh nhẹn khi vào đến bờ. Và khách hàng thích chúng.

Chúng ta cũng giống như những con cá. Chúng ta cần những con cá mập để giữ cho mình sự nhanh nhẹn. Trong trường hợp bạn hay công ty bạn đang vận động chậm chạp trong “vùng an toàn”, có thể việc thả một con cá mập sẽ là một ý tưởng hay. Nếu bạn là Coca Cola, hãy tạo ra một Pepsi. Làm điều mà Steve Waugh đã làm – luôn luôn giữ cho bản thân và đội thoát khỏi “vùng an toàn”. Nên nhớ rằng, con cá mập có thể ăn một số cá nhưng đó là giá quá nhỏ cho việc giữ những con cá còn lại hoạt động. Hãy thả con cá mập cho bạn. Ngay hôm nay!

Bước ra khỏi vùng an toàn. Tự tạo đối thủ, nếu bạn không có.

Những giá trị bị bỏ qua

Các bạn hãy làm bài kiểm tra đơn giản sau. Đọc câu phía dưới và tìm xem có bao nhiêu chữ F:
FINISHED FILES ARE THE RE-
SULT OF YEARS OF SCIENTI-
FIC STUDY COMBINED WITH
THE EXPERIENCE OF YEARS.

(Tài liệu đã hoàn thành là kết quả của những năm tháng nghiên cứu cùng những trải nghiệm trong suốt quá trình đó.)

Bạn đếm được bao nhiêu chữ F? Ba, bốn hay năm? Nếu bạn đếm được sáu thì xin chúc mừng. Bạn là một thiên tài. Thực tế, bạn đã làm giống như một đứa trẻ bảy tuổi.

Sự thật là khi câu hỏi này được thực hiện với người trưởng thành thì chỉ gần 5% trả lời đúng (và trong số đó có người đã nhìn thấy nó trước đây). Đáp án đúng là có 6 chữ F. Và chúng sẽ được in đậm dưới đây:

FINISHED FILES ARE THE RE-

SULT OF YEARS OF SCIENTIF-
IC STUDY COMBINED WITH
THE EXPERIENCE OF YEARS.

Như vậy, vì sao người lớn lại trả lời sai trong khi trẻ con có thể làm đúng trong chốc lát? Người lớn đếm âm F dựa trên việc phát âm chữ cái đó khi nói. Theo đó, chúng ta sẽ quên mất âm F trong từ “of (của) ”. Đó là do ta có thói quen đọc nhanh và chỉ để tâm đến âm F mở đầu trong những từ như “finish (kết thúc) ” và “files (hồ sơ)” mà bỏ qua những từ như “of” . Trong khi cố gắng đọc nhanh hơn, chúng ta chú ý đến số ít các từ có chữ F ở đầu và bỏ qua những từ mà đầu óc ta ít chú ý.

Nếu bạn suy nghĩ về nó một cách cẩn thận, những thứ chúng ta không đánh giá đúng giá trị không phải chỉ có những chữ F. Trong cuộc sống có rất nhiều điều bị tâm trí bỏ qua. Chúng ta dành quá nhiều thời gian để đuổi theo Fame (danh tiếng) và Fortune (sự giàu có), nhưng có những chữ F khác chúng ta đã coi nhẹ, thờ ơ, đôi khi đánh mất… Như Friends (bạn bè), Family (gia đình), Faith (niềm tin), và Fun (niềm vui).

Tất cả vẫn luôn ở đó. Nhưng trong những cuộc đua tranh về tiền tài, danh tiếng, tâm trí chúng ta đã đánh mất ý niệm về chúng. Những điều quan trọng đã bị bỏ rơi, bị phớt lờ.

Nếu quay ngược kim đồng hồ trở về tuổi thơ, khi ta bảy tuổi, ta như tìm lại những giá trị đích thực. Hãy đặt Fame (danh tiếng) và Fortune (sự giàu có) lên bàn cân và kiểm tra kết quả. Chiếc cân chắc chắn sẽ nghiêng về những chữ F còn lại: Family, Friends, Faith, Fun.

Những năm tháng của sự thờ ơ, lãnh đạm có thể khiến những chữ F dần lu mờ trong bạn, nhưng thực tế chúng vẫn ở đó. Hãy nhìn ra và cảm nhận. Một lúc nào đó, bạn nên nhìn lại bản thân, đếm những chữ F một cách cẩn trọng hơn. Và đừng quan tâm bạn đếm được bao nhiêu trong lần đầu tiên, bởi bạn chẳng bao giờ đếm hết được đâu.

Bạn bè, gia đình, niềm tin và sự vui vẻ – đó là một phần cuộc sống của bạn nhưng đôi khi tâm trí bạn đã thờ ơ và dần quên mất chúng.

Đối mặt với áp lực như cách mà Irfan Pathan đã làm

Khi bị đặt dưới áp lực, bạn hay nghĩ tới điều gì?

Nguyên nhân của áp lực? Những khuyết điểm, sai lầm của bạn?
Khi đối mặt với thử thách phải bước trên một khúc gỗ nhỏ để vượt qua con suối, tại sao chúng ta chỉ nghĩ đến việc bị rơi xuống nước.

Có nhiều lợi ích khi bạn đặt mọi việc trong sự suy xét kỹ lưỡng, đặc biệt là khi bạn đang phải chịu áp lực. Có một bài học chúng ta có thể học từ Irfan Pathan, cầu thủ ném bóng cricket, người đứng lên từ sự nghèo khó trở thành ngôi sao nổi tiếng, thất bại tới tồn tại và thành công… Mọi thứ đến một cách dồn dập. Làm thế nào để anh ấy kiểm soát được những áp lực đó? Để tìm câu trả lời, chúng ta cùng trở lại với đội tuyển Gabba, thành phố Brisbane, Australia.

Đó là vòng chung kết thứ hai của giải thi đấu Commonwealth Bank. Đội tuyển Ấn Độ gặp Australia. Ấn Độ đã giành phần thắng trong lượt đấu thứ nhất và rất mạnh bởi có sự tham gia của tay ném bóng huyền thoại Tendulkar (91 lượt chạy trong số 121 quả). Ấn Độ đã giành được điểm số rất cao mang lại cho họ cơ hội hiếm hoi chiến thắng đối thủ đang giữ vị trí số 1 thế giới.

Đáp lại, Australia có khởi đầu không tốt với số điểm tệ hại. Họ đã tập trung lực lượng để chỉnh đốn tinh thần cầu thủ và lên chiến thuật.

Đội trưởng Dhoni đã cân nhắc rất kỹ ai là người ném cuối cùng bởi Ấn Độ có Sreesanth, một tay ném xuất sắc, và khả năng cao anh ta sẽ vào sân. Tuy nhiên, người đội trưởng đã chọn người khác, đó là Irfan.

Ngay lúc đó, Irfan cảm giác rất bình thường. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu anh có xứng đáng với vị trí đó trên sân? Irfan từng là cầu viên đắt giá nhất Ấn Độ. Nhưng, những con số trong quá khứ không đảm bảo rằng anh có đủ sự tự tin để ném bóng lượt cuối cùng, lượt quyết định. Irfan rõ ràng đang chịu rất nhiều áp lực.

Nếu là một người hâm mộ cricket, có lẽ bạn vẫn nhớ điều gì đã xảy ra tiếp đó. Lần đánh thứ nhất dành cho James Hopes, dường như nó mở ra cơ hội thắng cho Australia… Lần thứ hai, Irfan đánh và Nathan Bracken chạy, Piyush Chawla bắt được bóng. Nhưng may mắn cho Australia, Hopes đã chạy ngang qua và cầm lấy gậy. Còn bốn quả nữa, cần 12 điểm nữa. Quả thứ ba: Hopes có hai lượt chạy. Vẫn còn thiếu 10 lần. Còn ba quả bóng nữa. Quả thứ tư: Patha lại là người đánh bóng. Hopes chạy và bình luận viên đã vui sướng hô vang tên người cứu Australia : “Hopes!”

Trong buổi phỏng vấn sau trận đấu, một nhà báo hỏi Irfan về áp lực khi anh ném quả cuối cùng. “Anh đã nghĩ gì trong khoảnh khắc đó?” Irfan tiết lộ: Khi bước lên vị trí ném bóng, anh đã nghĩ về tuổi thơ, về những ngày bố anh – người bao giờ cũng cầu nguyện trong nhà thờ với số tiền ít ỏi – vất vả chăm sóc gia đình. Anh nghĩ về những áp lực mà bố mẹ anh đã vượt qua để cố gắng tổ chức lễ cưới cho chị gái anh. Anh nói đó là áp lực thật sự. Còn việc mà anh phải làm? Chỉ ném sáu quả bóng và không để mất 13 lượt chạy. Đó không phải là áp lực, anh nói với chính mình.

Chúng ta có thể học từ Irfan cách làm thế nào để đặt mọi thứ trong hoàn cảnh chung. Khi chịu áp lực, ta thường tập trung vào vấn đề mình gặp và cảm thấy bị đè nặng. Hãy quên chúng đi. Thay vào đó, chúng ta hãy suy nghĩ chúng ta đã hạnh phúc như thế nào và nghĩ đến những người kém may mắn hơn. Điều đó có thể giúp chúng ta quên đi những vấn đề chúng ta gặp phải. Hãy làm cho nó trở nên bình thường và giúp ta phát huy tốt nhất khả năng bản thân.

Bất cứ điều gì tâm trí ta tập trung sẽ có xu hướng phát triển hơn. Bạn nghĩ về những rủi ro, chúng sẽ lớn hơn. Tập trung vào sức mạnh bạn có, chúng cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Sự lựa chọn thuộc về bạn.

Khi đối mặt với thử thách phải đi trên một khúc gỗ nhỏ để băng suối, hãy giữ tâm trí không nghĩ đến việc bị rơi xuống nước.

Một trăm Rupi có giá trị như thế nào

Trong thời đại khi tất cả mọi người nói về thất nghiệp, không tiền trợ cấp và chứng khoán sụp giảm, tôi lại nhớ về câu chuyện có thể giải thích cách ứng xử có chút phi lý của chúng ta khi nói về tiền bạc.

Hãy tưởng tượng bạn đang bước vào cửa hàng để mua đồng hồ. Bạn thích mẫu mã và nhãn hiệu một chiếc đồng hồ khá tốt và có giá 899 rupi, phù hợp với túi tiền của bạn. Bạn quyết định chọn nhưng đúng lúc ra thanh toán, bạn gặp một người bạn thân. Anh ta nhìn chiếc đồng hồ và nói anh ta vừa nhìn thấy một chiếc giống hệt ở cửa hàng bên kia đường, giá của nó là 799 rupi. Rẻ hơn tới cả trăm rupi!

Bạn sẽ làm gì? Tôi cá rằng phần lớn chúng ta sẽ đi sang cửa hàng bên kia đường để tiết kiệm 100 rupi. Vì sao phải trả tới 899 rupi khi bạn có thể mua chiếc đồng hồ như thế với 799 rupi? Cảm giác thật tuyệt.

Bây giờ, hãy tưởng tượng tới hoàn cảnh khác. Bạn vào cửa hàng mua một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ sang trọng. Bạn thích thương hiệu và mẫu mã của chiếc đồng hồ có giá 247.900 rupi. Bạn quyết định chọn nó. Đúng lúc bạn thanh toán, bạn gặp người bạn thân. Anh ta nói cửa hàng bên kia đường bán một chiếc có vẻ giống chiếc này với giá 247.800 rupi. Rẻ hơn tới cả trăm rupi!

Bạn sẽ làm gì? Tôi dám chắc, giống như phần lớn mọi người, bạn sẽ vẫn mua chiếc đồng hồ ở cửa hàng này. Một trăm rupi có là gì khi bạn phải bỏ gần 250.000 rupi để mua nó?

Điều đó thực sự khá kỳ lạ. Sự thật là giá trị của 100 rupi đối với từng người (có thể) là giống nhau, nó không phụ thuộc vào thời điểm chúng ta trả 899 hay 247.900 rupi.

Nhưng chúng ta có xu hướng bị kéo theo bởi những giá trị không liên quan đến nhau. Chúng ta chi trả bao nhiêu tại thời điểm này ảnh hưởng tới số tiền chúng ta tiết kiệm được trong tương lai. Nếu việc tiết kiệm 100 rupi quan trọng với bạn, nó vẫn sẽ quan trọng với bạn cho dù bạn đang tiêu 1000 rupi hay 100.000 rupi. Chúng ta cần hiểu giá trị của những thứ nhỏ bé, chú ý tới 100 rupi, cho dù bạn đang phải trả bao nhiêu, cho dù bạn đang sung túc, đó là cách tiêu tiền cẩn trọng. Nó có thể giúp kéo dài thêm sự sung túc.

Tiền bạc làm việc cho bạn không khác một con người làm việc cho bạn. Nếu bạn không tôn trọng đồng tiền (hay người của bạn), nó (họ) sẽ rời bỏ bạn. Và khi sự suy thoái đến – điều chắc chắn sẽ xảy ra – những người biết quý trọng 100 rupi ngay cả khi họ đang chi tiêu một khoản lớn, sẽ tìm cho mình nơi tốt hơn để vượt qua khó khăn.

Tôi nhớ tới một tình huống thực tế được dạy ở Học viện quản trị kinh doanh Ấn Độ, tại Ahmedabad. Đó là bài học đầu tiên trong bộ môn Marketing do giáo sư Labdhi Bhandari giảng dạy. Tình huống được đưa ra là hai công ty bị cuốn vào cuộc chiến giá cả. “Các công ty sẽ làm gì? ”, vị giáo sư hỏi. “Chiến lược nào sẽ được áp dụng để giữ khả năng cạnh tranh?” Một trong số những sinh viên nói: “Cắt giảm chi phí”. Và sau đó, cả lớp nhận được phản hồi từ giáo sư Bhandari: “Cắt giảm chi phí không phải là một chiến lược. Nó là yêu cầu bắt buộc. Không đợi đến khi cuộc chiến diễn ra hay những thời điểm khó khăn mới bắt đầu cắt giảm chi phí. Việc cắt giảm thực hiện ở mọi thời điểm.”

Những lời dạy đó vẫn còn ý nghĩa tới ngày nay. Rõ ràng, 100 rupi luôn có giá trị của nó, dù vào thời điểm thuận lợi hay khó khăn.

Nếu việc tiết kiệm 100 rupi quan trọng với bạn, nó vẫn sẽ quan trọng với bạn cho dù bạn đang tiêu 1000 rupi hay 100.000 rupi.

Những quả bóng bay và con người

Một người bạn của tôi mở một cửa hàng xe hơi sang trọng ở Coimbatore. Anh ta đã kể với tôi một câu chuyện rất thú vị về những người bán hàng trong cửa hàng của anh ta và phản xạ của họ khi có khách bước vào. Họ rất hồ hởi khi nhìn thấy những khách hàng ăn vận đẹp đẽ, trông có vẻ giàu có bước vào cửa hàng. Nhanh chóng nhận ra “miếng mồi béo bở”, tất cả bọn họ đều tập trung vào vị khách đó. Họ mời ông ta cafe (hay chị có thích dùng nước quả không?) và từ đó ông ta cảm thấy như có “liên quan với họ”, cuộc trò chuyện trở nên sôi nổi và kéo dài hơn.

Tuy nhiên, khi một người nhìn có vẻ bình thường, mặc chiếc quần cộc và áo phông thùng thình bước vào, nếu nhìn thấy anh ta dựng xe đạp ở ngoài và đang tìm biển chỉ dẫn, không ai thể hiện bất cứ sự thích thú nào. Vì sao lại lãng phí thời gian vậy – có lẽ họ suy nghĩ vậy. Họ đẩy người bảo vệ ra tiếp anh ta và chỉ cho anh điểm bưu điện – nếu đó là cái anh ta đang tìm kiếm! Nhưng có một điều rất thú vị ở đây. Kinh nghiệm nhiều năm bán hàng mách bảo bạn tôi rằng, “méo mó có hơn không”, người nhìn bình thường trong chiếc xà rông (khố quần) Ấn Độ thực tế sẽ mua một chiếc ô tô! Anh ta có thể đút cả bọc tiền mặt trong túi quần. Những cặp vợ chồng ăn mặc đẹp đẽ, ưa nhìn có lẽ chỉ tìm một nơi có điều hòa để nghỉ chân một chút trước khi tiếp tục đi ngắm đồ!

Đây là bài học đầu tiên bạn tôi truyền lại cho thành viên mới trong đội bán hàng của anh: Không đánh giá khách hàng qua vẻ ngoài của họ.

Kinh nghiệm cuộc sống làm chúng ta có suy nghĩ giống với những người bán hàng. Chúng ta có xu hướng đánh giá con người qua vẻ bên ngoài, cách họ nói, cách họ mặc. Ấn tượng đầu tiên đúng là quan trọng nhưng cái quan trọng hơn là chúng không có giá trị mãi mãi.

Một vài đồng nghiệp thông minh và tài năng nhất tôi được làm việc cùng có vẻ ngoài nhút nhát, ít nói và không mấy ấn tượng. Họ không nói lớn, không phô trương, chỉ có bộ óc tuyệt vời, sẵn sàng cho công việc và những sáng kiến mới. Chiếc áo sơ mi hiếm khi được sơ vin nghiêm chỉnh, đôi bít tất xanh không mấy phù hợp với chiếc quần kaki… Nhưng ẩn sau tất cả sự luộm thuộm ấy là một nhân tài – một đồng đội bạn có thể đặt cả niềm tin!

Khi tôi nhìn những người trẻ tuổi, đôi khi tôi thấy buồn vì họ nhanh chóng sao chép những kiểu dáng và phong cách, để nhìn mình có vẻ thành công hơn, thời trang hơn. Nhưng họ không dành nhiều thời gian vào phát triển cái cốt lõi: giá trị đích thực của việc tạo ra thành công thực sự. Họ nhầm lần giữa vỏ bọc của thành công với sức mạnh thực sự bên trong tạo nên sự thành công.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta dành nhiều sự quan tâm hơn tới việc chăm sóc sắc đẹp, quần áo và mỹ phẩm. Chúng ta không sẵn lòng cho việc rèn luyện bản thân, mở mang trí tuệ, hay trở thành những người tốt hơn. Người trẻ tuổi thường than thở rằng công ty không dành đủ chi phí cho việc đào tạo họ. Họ đợi công ty trả tiền để đi học. Còn họ lại trả tiền cho những bộ quần áo, cặp kính râm mát mẻ, những buổi tới salon làm đẹp hàng tháng. Còn những khóa học? “Đó không phải trách nhiệm của tôi” – giống như một điệp khúc. Rõ ràng, vẻ bề ngoài dường như quan trọng hơn năng lực và chuyên môn bên trong.

Tôi nhớ tới câu chuyện về một người bán bóng bay ở một phiên chợ quê – kiểu phiên chợ điển hình trong Bollywood, giống như vùng đất nơi có hai anh em sinh đôi bị tách nhau ra vào lúc bắt đầu bộ phim, chỉ gặp lại 20 năm sau đó. Người bán bóng này bán những quả được bơm khí heli với rất nhiều màu sắc: đỏ, xanh, trắng, vàng…

Sợi dây buộc quả bóng đỏ không may bị đứt, và nó bay lên trời. Đám đông kêu lên và những đứa trẻ giật tay bố mẹ, nài nỉ họ mua bóng. Đó là cách thu hút sự chú ý. Người bán bóng thả những những quả bóng khác. Một quả màu xanh da trời, nó nhanh chóng bay lên, lẫn vào trong mây. Ngay sau đó, anh ta thả quả bóng màu xanh lá cây. Tiếp theo là quả bóng màu vàng.
Nhìn bóng bay bay lên, một vài chú bé bước tới chỗ người bán bóng và hồn nhiên hỏi: “Nếu anh thả bóng màu trắng, nó chắc chắn sẽ bay cao như những quả còn lại chứ?”. Người bán bóng giải thích: “Cậu bé, vấn đề không phải ở màu sắc của quả bóng. Những cái bên trong mới làm cho nó bay.”

Điều đó đúng với quả bóng và con người cũng vậy. Hình thức không quan trọng. Cái bên trong mới làm nên sự khác biệt. Đó là bài học mà tất cả chúng ta nên nhớ. Khi chúng ta nhìn người khác. Khi chúng ta nhìn lại chính mình. Nhìn cho thấu. Nhìn vào bên trong.

Vấn đề không phải ở màu sắc của quả bóng. Những cái bên trong mới làm cho nó bay cao.”

Con ếch và bọ cạp

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng anh ấy làm điều này với tôi, sau tất cả những gì tôi đã làm cho anh!”

Bạn chắc hẳn đã từng nghe câu nói đó. Hay có lẽ, bạn chính là người nói chúng. Cảm giác của sự phản bội, thất vọng đến quặn lòng. Và chưa dừng ở đó, nó dường như tái diễn không ngừng: Ở nơi làm việc, trong các mối quan hệ, trong cuộc sống.

Cảm giác bị tổn thương làm niềm tin bị xáo trộn, điều mà chúng ta đã dành quá nhiều cho người đó. Mọi người đều có quan niệm rằng khi chúng ta đã làm rất nhiều – cho ông chủ, cho đồng nghiệp, cho bạn bè – chúng ta đã cho phép họ quyền làm tổn thương chúng ta.

Một người bạn của tôi là CEO của một doanh nghiệp được tạo dựng bởi một người giàu có – là một chủ doanh nghiệp nổi tiếng xấu tính với miệng lưỡi độc đoán, tính khí nóng nảy và bản tính hay soi mói. Những người bạn có thiện chí báo trước cho vị CEO được bổ nhiệm về những khó khăn và trở ngại mà một người quản lý chuyên nghiệp sẽ phải đối mặt trong công việc với người chủ như thế. Nhưng bạn tôi tin rằng ông chủ cần anh – một người chuyên nghiệp – liều lĩnh và có thể vì thế mà thay đổi cách cư xử để giữ chân CEO. “Chúng tôi đã bàn về điều đó”, anh nói với bạn của mình, “và ông chủ hứa với tôi sẽ hoàn toàn tôn trọng và tuyệt đối không can thiệp vào công việc của tôi”. Mười hai tháng sau, người CEO từ chức. Lý do? Đúng, bạn nói đúng. Miệng lưỡi độc đoán, tính khí nóng nảy và bản tính hay soi mói.

Bạn đã từng nghe câu chuyện về con ếch và con bọ cạp? Một con bọ cạp muốn qua suối nhưng nó không biết bơi, nó đi qua chỗ con ếch và nói: “Vì sao bạn không để tôi ngồi lên lưng bạn nhỉ? Tôi không thể bơi!”

“Tôi không thể làm vậy”, con ếch nói. “Bạn là bọ cạp. Và bạn sẽ chích tôi”. “Ồ, bạn là con ếch ngốc nghếch!”, bọ cạp nói. “Tôi không thể làm vậy. Nếu tôi làm, cả hai chúng ta sẽ bị chết đuối!”.

Nghe có vẻ hợp lý và nghĩ về cơ hội để khoe khoang rằng đã giúp một con bọ cạp qua suối, con ếch đồng ý. Và khi chúng ở giữa dòng nước, con bọ cạp đã chích con ếch. “Vì sao mày làm thế?”, con ếch giật mình hỏi, và nhanh chóng chìm xuống nước. “Vì ta là một con bọ cạp”, có tiếng trả lời, rồi cả ếch và bọ cạp đều chìm nghỉm.

Một điều đáng nhớ. Nếu chỉ vì bạn làm điều tốt với một con bọ cạp, không có nghĩa là nó sẽ không chích bạn.

Bọ cạp là bọ cạp. Chúng luôn chích. Hy vọng vào sự đổi thay sẽ đưa bạn tới sự thất vọng. Một lần và mãi mãi.

Bọ cạp là bọ cạp. Chúng luôn chích độc.

Ăn ngay con ếch đó

Có lẽ cái duy nhất mà Mukesk Ambani và Bill Gates, bạn và tôi nhận được bằng nhau, đó là số giờ trong một ngày. Nó khiến chúng ta phải tính toán làm thế nào để quản lý thời gian tốt hơn. Không ngạc nhiên khi quản lý thời gian đứng ở vị trí cao trong danh sách những kỹ năng cần thực hiện tốt hơn. Một trong số những thói quen thường được khuyến khích và tôi đã nhận thấy tính khả thi của nó là lập danh sách công việc. Nó giúp ích khá nhiều cho tôi. Tôi lập một danh sách việc cần làm, sau đó đánh dấu chúng lại sau khi đã làm xong. Và có một mẹo nhỏ tôi thường làm trước đây để giúp ngày làm việc thêm hiệu quả: tôi thêm vào vài công việc không quá quan trọng nhưng dễ làm vào trong danh sách. Sau đó bắt đầu cảm thấy thực sự dễ chịu khi tôi hoàn thành chúng. Bạn có tìm cho mình những việc như thế và cảm thấy khá bận rộn không ?
Sau đây là một lời khuyên nhỏ có thể nâng cao đáng kể năng suất lao động của bạn. Nó có sức mạnh tuyệt vời. Và đó là tựa đề một cuốn sách của tác giả chuyên viết về kỹ năng sống Brian Tracy: “Ăn con ếch đó!”

Có một lời tương truyền rằng nếu bạn thức dậy mỗi sáng và ăn một con ếch sống, bạn có thể sử dụng thời gian còn lại vô cùng thoải mái với suy nghĩ ngày hôm ấy không có chuyện gì tồi tệ hơn có thể xảy ra. Hãy nghĩ về điều đó!

Bây giờ nghĩ về con ếch như nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn, ưu tiên số 1 của bạn. Vì đó là công việc khó khăn, chúng ta cứ đẩy nó đi, hy vọng rằng có lẽ nó sẽ tự biến mất. Nhưng nó không như vậy. Thông thường, nhiệm vụ quan trọng nhất cũng là khó khăn nhất. Phải trả giá để vượt qua nó. Đầu tiên, ăn con ếch đó, những điều còn lại dường như quá dễ dàng.

Có một lý do rằng nếu bạn phải ăn con ếch đó, bạn sẽ không phải giữ nó trước mặt để phải nhìn nó cả một ngày dài. Như vậy, đó chính xác là cái chúng ta cần làm. Chúng ta có một nhiệm vụ lớn treo trên đầu chúng ta, làm tăng thêm sự căng thẳng trong chúng ta. Lấy ví dụ chuyện con ếch. Chúng ta suy nghĩ nó xấu như thế nào. Chúng ta lo lắng mùi vị khủng khiếp của nó. Và chúng ta hy vọng rằng trì hoãn mọi thứ sẽ khiến con ếch ngon hơn. Hoặc thậm chí tốt hơn, chúng ta hy vọng con ếch sẽ biến mất. Tuy vậy, chẳng có gì thay đổi. Nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn phải làm xong. Con ếch vẫn cần được ăn. Tiến lên phía trước, thực hiện nhiệm vụ đó cho chính mình.

Và thêm một lời khuyên nữa. Nếu bạn phải ăn hai con ếch, hãy ưu tiên ăn con ếch to hơn, xấu xí hơn trước. Đảm bảo bạn làm nhiệm vụ quan trọng hơn trước tiên.

Cuối cùng, triết lý ăn – con – ếch không chỉ nói về quản lý thời gian. Nó có lẽ là lời khuyên tốt cho quản lý cuộc sống. Trong các mối quan hệ và trong công việc, sẽ có lợi khi bắt lấy con bò bằng chính sừng của nó, quên những điều nhỏ nhặt tầm thường và tập trung vào những thứ lớn hơn. Chúng làm nên điều khác biệt lớn nhất. Nói về chúng, than phiền, lo lắng, trì hoãn, thoái thác… – tất cả những điều này sẽ không giúp được gì.

Hãy chỉ ra con ếch của bạn – nhiệm vụ lớn nhất của bạn – ưu tiên số một của bạn. Hãy làm việc đó, tiến lên phía trước – ăn con ếch đó. Và cảm nhận điều khác biệt!

Nếu bạn phải ăn con ếch, bạn sẽ không phải nhìn nó chằm chằm cả một ngày dài.

Tạo sự khác biệt, phương pháp của Sao Biển

Trong một bản thông điệp cho tất cả nhân viên công ty, thông qua các phương tiện truyền thông, CEO Kris Gopalakrishnan của tập đoàn Infosys đã yêu cầu mỗi công nhân phải tiết kiệm 10 đô-la. “Nếu mỗi người trong chúng ta tiết kiệm chỉ 10 đô-la, tổng giá trị tích lũy sẽ là 1 triệu đô-la!”, ông viết. Đó là một lời khuyên khôn ngoan. Tốt cho Infosys, tốt cho bất cứ tổ chức nào.

Trong một tập đoàn lớn, mọi công nhân thường nhìn những khoản chi tiêu khổng lồ xung quanh và thắc mắc: “Mười đô-la của tôi có thể tạo ra sự khác biệt gì?” Hiệu quả của việc tích lũy, tác động thực sự của nó thường khó để nhận ra. Và điều đó ngăn chúng ta làm việc đầu tiên, đơn giản là tiết kiệm 10 đô-la.

Nó cũng giống như việc bầu cử. Chúng ta tức giận với giới cầm quyền. Chúng ta yêu cầu sự thay đổi. Tuy vậy, khi kỳ bầu cử tới, chúng ta không chú tâm để bầu. Chúng ta biện hộ rằng: “Rốt cuộc, một phiếu bầu làm được điều gì khác biệt?” Và bức xúc lại tiếp diễn.

Chúng ta không quá bận tâm về việc vứt rác từ xe ô tô của mình xuống đường. “Thành phố quá bẩn. Thêm vỏ túi bim bim nữa sẽ có gì khác?” Và chúng ta không để tâm tới việc viết một tấm séc nhỏ có thể hỗ trợ giáo dục một em gái nghèo khổ ở đâu đó. Hẳn rồi, mù chữ là một vấn đề lớn ở Ấn Độ. Trả tiền cho việc giáo dục một đứa trẻ sẽ không thay đổi được gì, phải không?

Điều này cũng giống như trong công việc. Chúng ta nhìn thấy một vấn đề lớn và bị rối tung lên bởi ảnh hưởng nghiêm trọng của nó. Chúng ta không có những hành động dù nhỏ để giải quyết nó.

Ở Pepsi, ví dụ, một trong số những thách thức là đưa tủ lạnh có cửa kính trước vào các đại lý bán lẻ để giữ nguyên hương vị chỉ với các loại nước ngọt của Pepsi (Không phải Coca Cola, Pepsi đang trả tiền cho chiếc tủ lạnh). Nhưng những người bán lẻ dọc đất nước sử dụng những chiếc tủ lạnh họ nhận được để giữ lạnh mọi thứ họ bán – những chai nước ngọt cạnh tranh khác, nước tinh khiết, sữa chua, bơ! Tưởng tượng phải cố gắng loại bỏ tất cả những thứ vớ vẩn được nhét vào từ hàng triệu chiếc máy lạnh dọc các đại lý, dọc đất nước dường như là công việc bất khả thi. Nhưng thông điệp gửi các nhóm bán hàng đã rõ ràng: Khi bạn tới một đại lý, không rời khỏi đó cho đến khi bạn làm cho tủ lạnh Pepsi trở lại nguyên dạng. Khi những người bán hàng hỏi một chiếc tủ lạnh có thể làm được điều gì khác biệt trong một đất nước có đầy những chiếc tủ lạnh để lẫn lộn nhiều thứ, câu chuyện này đã được kể. Câu chuyện về người phụ nữ và con sao biển.

Một ông lão đi trên bờ biển vào một buổi sáng. Ông để ý tới một người phụ nữ trẻ đang đi bộ phía trước. Khi đi, cô gái luôn cúi xuống khi thấy sao biển, nhặt lên và ném chúng trở lại biển. Bắt kịp cô gái, ông hỏi vì sao cô làm như vậy. Cô trả lời rằng những con sao biển đáng thương bị dạt vào bờ đêm qua và có thể chết bởi ánh mặt trời buổi sáng.

“Nhưng bờ biển này trải dài hàng dặm và có thể có tới một triệu con sao biển trên bờ”, ông lão nói. “Sự cố gắng của cháu liệu có làm được gì?” Cô gái nhìn những con sao biển trong tay, ném chúng xuống nước và nói: “Ồ, nó chắc chắn làm nên sự sống cho một con sao biển nào đó”.

Trong cuộc sống và trong công việc, chúng ta thường xuyên trải qua những khoảnh khắc như thế. Nếu bạn gặp phải tình huống khi đóng góp cá nhân của bạn để giải quyết vấn đề rất nhỏ, hầu như không đáng kể, hãy nhớ rằng bạn có thể làm một trong hai điều. Hoặc nhún vai và nói vì sao phải bận tâm, nó chẳng thể tạo điều gì khác biệt. Hoặc làm một việc dù nhỏ và giúp cải thiện việc gì đó.

Bờ biển có thể dài. Nó có thể có hàng triệu con sao biển. Nhưng ném một con trở lại biển nghĩa là một sự sống được bảo vệ. Bạn có thể tạo ra sự khác biệt!

Mọi cố gắng dù nhỏ đều có giá trị. Hãy thực hiện phần việc của bạn. Và tạo ra sự khác biệt.

Bạn đối diện như thế nào với tin xấu

Hãy tưởng tượng. Bạn là CEO của một công ty đóng tàu. Hãy gọi nó là White Star Line Shipping Company. Bạn và các thành viên trong đội phải đóng một con tàu với những tính năng đảm bảo an toàn để nó không thể bị chìm. Thế giới, bao gồm cả các cổ đông và hội đồng quản trị của bạn đang nín thở theo dõi, để xem sự đầu tư vào dự án mơ ước này sẽ được đền đáp như thế nào.

Và ngày khánh thành, đứa con tinh thần của bạn được giăng buồm. Khi nó gần kết thúc chuyến đi đầu tiên, bạn nhận được thông tin cập nhật từ hệ thống: “700 hành khách may mắn đã tới New York an toàn.”

Khi bản báo cáo kết quả hành trình tới, nó có một phần chính xác, nhưng không kể toàn bộ sự việc. Nó không nói với bạn rằng câu chuyện của con tàu Titanic đã lặp lại. Con tàu chở khách sang trọng vừa đâm vào một tảng băng chìm, và 1517 người đã thiệt mạng. Chỉ 706 người sống sót, và được đưa tới New York. May mắn vì còn sống.

Các tập đoàn trên thế giới có rất nhiều những câu chuyện kiểu “700 hành khách tới New York”. Với áp lực sản xuất, những đòi hỏi vô lý về lãi suất hàng quý, những người quản lý và thị trường khó tính, và tất nhiên, khoản tiền thưởng béo bở bị gắn chặt với kết quả phân phối, tin xấu không chỉ đưa tới chậm mà còn thường bị ỉm đi. Giấu giếm và chôn vùi.

Chúng ta hoặc tìm những số liệu mới hơn để báo cáo (khối lượng bán ra thấp hơn nhưng xét về giá trị, chúng ta đã tăng trưởng) hoặc chúng ta báo cáo chuyện nhỏ hiển nhiên (ai nói mọi người thích sản phẩm cạnh tranh của chúng ta hơn? Tôi nhận được email từ một khách hàng say sưa nói về chúng ta) hoặc chúng ta dễ dàng giấu lớp bụi quá khứ dưới tấm thảm của sự hối hận và vẽ lên một sự khởi sắc, một viễn cảnh khác (chúng ta giảm 30% so với kế hoạch nhưng chúng ta đã qua mùa mưa, và chúng ta có thể đạt được mục tiêu của năm)…

Không chỉ những người bán hàng và những người tìm hiểu thị trường trì hoãn tin xấu. Các CEO và ban lãnh đạo cũng là đồng phạm. Bạn còn nhớ Bear Stearns, biểu tượng của ngân hàng đầu tư Mỹ đã phá sản vào năm 2008? Thứ Hai, ngày 10 tháng Ba, lời vị CEO Alan Schwartz được trích dẫn: “Bảng cân đối kế toán, chi tiêu và nguồn vốn của Bear Sterns vẫn mạnh mẽ!”. Và vào ngày Chủ nhật, 16 tháng Ba, ngân hàng bị phá sản và ra đi mãi mãi. Theo sau sự kiện Phố Wall được xác nhận lại, khoảng cách giữa một ngân hàng đầu tư an toàn và ngân hàng phá sản bây giờ rút ngắn chỉ trong một ngày cuối tuần. Anh hùng của ngày thứ Sáu là kẻ vô dụng của ngày thứ Hai. Vì sao CEO của những ngân hàng mắc sai lầm không gióng chuông cảnh báo sớm hơn? Vì sao những người quản lý bán hàng trì hoãn tin xấu? Vì sao những người quản lý nhìn vào những báo cáo dát bạc hão huyền trong khi phải đối mặt với điều u ám, những đám mây đen tối khác?

Câu trả lời nằm trong khả năng (hay cũng có thể ngoài khả năng) quản lý tin xấu – tháo gỡ nó và chấp nhận nó.

Khả năng đó được ghi trong tài liệu về sự thành công trong một tập đoàn xuyên quốc gia, điều những người quản lý cần không chỉ là một IQ cao (chỉ số thông minh) mà còn là một EQ cao (chỉ số cảm xúc). Sự khác nhau giữa một người quản lý tốt và một người thực sự tài giỏi nằm ở khả năng quản lý tin xấu. Cả trong vấn đề tháo gỡ nó và đón nhận nó.

Những nhà quản lý giàu kinh nghiệm và ban lãnh đạo cần đảm bảo rằng họ tạo được một môi trường, nơi họ nhận được những tin xấu đầu tiên. Nếu bạn thét lên và quát tháo khi bạn nghe thấy tin xấu thì không hy vọng bạn sẽ nghe về chúng nhiều hơn trong tương lai. (Một lần, người bạn thân kể về cậu con trai 17 tuổi của cô, sinh viên năm hai một trường đại học khá uy tín của Mỹ, nói với cô về người bạn gái tóc vàng mới quen. Là một người mẹ, ngay lúc đó, cô thấy rất lo lắng, thất vọng và cả tức giận nữa. Nhưng cô đã kiềm chế cảm giác bực dọc và không nói một lời. “Tôi biết”, cô nói với tôi sau bữa trưa, “nếu tôi thể hiện sự không hài lòng của mình, có thể đó là lần cuối cùng thằng bé kể cho tôi về bất cứ điều gì.”)

Một điều rất phổ biến, nhưng không thực sự cần thiết, khi chỉ nói: “Cho tôi biết tin xấu trước”. Điều quan trọng là bạn phản ứng lại như thế nào sau đó. Tương tự như thế, khi nhìn vào những bảng chỉ số đánh giá, điều quan trọng là phải có những số liệu thống nhất. Nếu không, các nhà quản lý sẽ khuyến khích đưa những số liệu tích cực vào bản báo cáo. Một phần rất nhỏ của tin tốt được sử dụng để bao bọc toàn bộ lỗi lầm.

Tiếp nhận tin xấu sớm không chỉ giúp tất cả mọi người chuẩn bị với tai họa sắp xảy ra. Nếu nhận định đúng cách và có hành động đối phó, nó thực sự có thể giúp ngăn chặn tai họa.

Lần sau, khi nghe thấy tin xấu, bạn không nên tức giận và sẵn sàng đập bàn đập ghế, yêu cầu người báo cáo dừng lại, bạn không muốn nghe những điều này nữa. Cách bạn tiếp nhận những tin xấu dù nhỏ cũng quyết định việc những tin tồi tệ hơn có được gửi đến với bạn hay không.

Và khi bạn là người đưa tin xấu, hãy lấy tất cả can đảm để giãi bày nó. Hãy thẳng thắn.

Đó không phải là tất cả. Khi bạn phải xây dựng một đội và một tổ chức có kỹ năng quản lý tin xấu cao, bạn sẽ giúp văn hóa được lan tỏa. Đầu xuôi đuôi lọt, bạn sẽ có cơ hội trở thành một doanh nhân thành công hơn, nhanh chóng ứng phó với thực tế của thị trường, điều chỉnh phương hướng, thực hiện bước dịch chuyển đúng đắn.

Và nếu điều đó không đủ, bạn cũng có thể phần nào chắc chắn rằng trong sự kiện tưởng tượng về chiếc tàu của bạn bị chìm, bạn sẽ không phải nghe về 700 hành khách đã cập bến an toàn.

Sự khác nhau giữa người quản lý tốt và người quản lý thực sự tài giỏi nằm ở kỹ năng quản lý tin xấu của họ. Khả năng quản lý những tin xấu bao gồm cả việc thông báo và nhận tin.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.