Thói Quen Của Kẻ Thắng
8. Chiến thắng cùng đồng đội
Lãnh đạo kiểu bánh xe thủng lốp
Một người bạn của tôi chia sẻ một câu chuyện tuyệt vời về Ratan N. Tata (RNT), quản lý của Tatas. Câu chuyện có thể không hoàn toàn có thật nhưng nó rất thích hợp để nói về tài năng của người đàn ông chuyển hóa một gã khổng lồ đang ngủ trở thành một tập đoàn toàn cầu. Người đàn ông mà tầm nhìn và sự bền bỉ đã mang công nghệ Nano tới cuộc sống.
Một trong những vị trí đầu tiên của RNT là người tổ chức sự kiện của Nelco, một công ty điện tử không mấy tiềm năng thuộc Tatas. Câu chuyện kể rằng một nhóm quản lý cấp cao của Nelco tới Nasik, cùng với RNT. Đi được nửa đường, chiếc xe ô tô bị xì hơi. Khi người thợ sửa xe dừng lại, tất cả mọi người – bao gồm cả RNT – xuống xe nghỉ ngơi, để người thợ sửa xe thay lốp.
Một số người quản lý rất vui vì có thể nghỉ ngơi, điều đó cho phép họ có cơ hội quý giá để có thể châm những điếu xì gà. Một số người tận dụng cơ hội đó để thư giãn, cười đùa với nhau. Sau đó, một người trong số họ để ý không thấy RNT đâu, và đã hỏi to anh ta đã biến đi đằng nào.
Có phải anh ta ở sau một bụi rậm nào đó? Hay đi dọc con đường Dhaba để uống một tách trà? Anh ấy có lẽ đã hỏi chủ cửa hàng về thương hiệu của loại chè, và thu thập phản hồi về chè Tatas? Hay anh ấy lẫn vào những người khách qua đường khác, và lắng nghe câu chuyện của họ? Nhưng thực tế, RNT không làm những điều đó.
Trong khi những đồng nghiệp của mình đang nghỉ ngơi, RNT lại đang hì hục giúp người lái xe thay chiếc bánh. Anh xắn ống tay áo lên, vắt cà vạt qua vai, đôi tay miệt mài với cái nâng xe và những con ốc. Anh kiểm tra lại chiếc bánh mới thay, và nở một nụ cười…
Ngay lúc đó, các nhà quản lý đi cùng RNT đã học được một bài học lãnh đạo mà họ chưa biết. Và đó cũng là khoảnh khắc mà người lái xe có lẽ sẽ không bao giờ quên.
Những nhà lãnh đạo tài giỏi thực sự là như vậy, lãnh đạo trên mọi mặt trận. Xắn ống tay áo lên, trở thành một trong những người đồng nghiệp ở “tuyến trên” để hoàn thành công việc. Họ làm công việc đó mà không quan tâm tới thứ bậc. Họ làm điều đó vì họ tin tưởng, chứ không phải vì một người nào đó đang nhìn mình.
Thật không may, có quá nhiều lãnh đạo chờ đợi một sự kiện lớn mới tới gặp những nhân viên của mình, để thể hiện kỹ năng lãnh đạo của họ. Có thể là một cuộc cạnh tranh khốc liệt, hay khủng hoảng trầm trọng, hay một sản phẩm mới được ra mắt. Sự thật là phong cách lãnh đạo thực sự của bạn – danh dự của bạn – được chứng minh rõ ràng nhất trong những thời khắc bình thường hàng ngày. Cách bạn cư xử trong những thời khắc đó như thế nào là đồng hồ đo khả năng lãnh đạo của bạn một cách tốt nhất, nó chỉ ra cách mà bạn sẽ cư xử khi thời khắc quan trọng thực sự xảy đến.
Một số nhà lãnh đạo trẻ thường có xu hướng dành thời gian để quản lý theo kiểu từ trên xuống, tập trung vào công việc với ông chủ, hơn là với những người đồng nghiệp tuyến dưới. Ở một khía cạnh nào đó, giống như những người quản lý trong tình huống chiếc ô tô đó, chúng ta đều tò mò không biết RNT đang làm gì… chứ không suy nghĩ tới người lái xe liệu có gặp khó khăn gì không.
Vài thập kỷ trước, một số đồng nghiệp của RNT tại toà nhà Tatas đã có may mắn trở thành một phần của danh hiệu nhà lãnh đạo “chiếc bánh xe thủng lốp”. Họ cũng đã có những thời khắc tuyệt vời giống như vậy.
Vài năm trước, RNT bước vào thị trường với ước mơ làm ra một chiếc xe 10 vạn rupi. Các chuyên gia nói điều đó là không thể. Một số người còn cười nhạo điều đó. Và hầu hết dường như đều suy nghĩ rằng người đàn ông này đã đi quá xa thực tế khả năng của mình.
Nhưng sau đó, trong tột cùng của ước mơ – một trong số những biểu tượng đẹp nhất của tinh thần lập nghiệp tại Ấn Độ – RNT cho ra đời công nghệ Nano với rất nhiều ngờ vực của mọi người. Và, bạn có thể đoán được giá của nó, chỉ mười vạn rupi. Việc ra đời Nano là minh chứng rõ ràng của một giấc mơ được chia sẻ bởi nhiều người cùng sát vai để biến điều không thể thành có thể. Những người lái xe, những nhà thiết kế, những người bán hàng, quản lý… và một người lãnh đạo tuyệt vời. Chống lại mọi sự phản đối, thách thức cả các chuyên gia, RNT và đội của anh đã làm nên điều không thể. Như anh từng nói “Dù sao, lời hứa là lời hứa.”
Từ bây giờ trở đi, khi những triệu phú tại Ấn Độ và có lẽ khắp thế giới – hạnh phúc lái chiếc xe Nano với giá thành phải chăng, họ có thể không biết… một chiếc bánh xe xịt lốp đã bắt đầu mọi thứ.
Những nhà lãnh đạo tài giỏi lãnh đạo từ tuyến đầu. Họ xắn ống tay áo lên, trở thành một trong những người đồng nghiệp ở tuyến đầu để hoàn thành công việc. Họ làm công việc đó mà không quan tâm tới thứ bậc. Họ làm điều đó vì họ tin tưởng, chứ không phải vì ai đó đang nhìn mình.
Những cánh diều bay cao và kỹ năng quản lý nhóm
Một trong số những kỷ niệm thơ ấu không bao giờ quên của tôi là những cánh diều bay trong gió lộng tại Jaipur. Việc thả được cánh diều bay cao trong gió đã khiến những đứa trẻ như chúng tôi thực sự trở nên lớn hơn. Sáu tuổi, tôi rất sung sướng khi có thể đưa được cánh diều rời khỏi mặt đất và bay trên bầu trời.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tôi tự thả được cánh diều bay cao, sau vài ngày cố gắng. Tôi nhớ chúng tôi đã cuộc dây xung quanh một cái hộp xi đánh giày Cherry Blossom đã hết. Đáng ra phải buộc một cái thắt nút để cuộn dây có thể cố định một đầu với cái hộp. Nhưng mới lên sáu, trong khi học thả diều, tôi không biết là phải buộc một cái nút như vậy!
Trái tim tôi ngập tràn sung sướng khi cánh diều bay ngày càng cao. Nhưng sự vui mừng đó nhanh chóng chuyển thành nỗi buồn, khi mà sợi dây tuột khỏi lòng bàn tay tôi và bay xa mấ… tất cả vì tôi đã không buộc một đầu dây vào cái hộp kia. Tôi đã khóc khi trong tay chỉ còn lại cái hộp xi đánh giày. Trải nghiệm đó đã dạy cho tôi một bài học, và khắc sâu trong tôi một sự cảnh báo, sự cẩn trọng mãi về sau. Tôi luôn phải chắc chắn rằng những thứ cơ bản nhất đã ổn. Sự cần thiết trong việc cân bằng giữa nguy cơ và phần thưởng. Sự cần thiết phải đan xen tính cẩn thận vào tính hiếu thắng. Sự cần thiết để chắc chắn rằng chiếc dây đã buộc vào chiếc hộp trước khi thả diều! Tới bây giờ, khi mọi thứ đã ổn – thậm chí rất tốt là khác – tôi vẫn lo lắng có thể sẽ có điều gì đó chưa đúng. Tôi cảm thấy rất cần thiết để kiểm tra sợi dây đã được buộc vào hộp xi hay chưa!
Lớn lên, khi tình yêu dành cho trò chơi thả diều của tôi không còn được như trước nhưng những bài học từ việc thả diều vẫn còn đó. Và bài học tiếp theo về cánh diều của tôi xuất phát từ điện ảnh.
Bạn còn nhớ Namak Haraam? Bộ phim xuất sắc những năm 1970 đã làm nổi lên tên tuổi của hai ngôi sao điện ảnh Rajesh Khanna và Amitabh Bachchan? Nhưng nhân vật mà tôi thích trong bộ phim là một nhà thơ say rượu, một người bán diều, do Raza Murad đóng.
Có một cảnh đau buồn khi nhà thơ đó gần qua đời. Những lời anh nói còn đọng trong tôi tới bây giờ như một bài học cuộc sống. Khi thấy cái chết gần kề, người bán diều nhìn xung quanh cửa hàng bán diều của mình, và nói lên điều ước cuối cùng. “Khi tôi chết”, anh ta nói với người bạn của mình, “Hãy phát những cánh diều này cho lũ trẻ trong các khu ổ chuột. Hãy để chúng được thả diều, để mọi người nhìn thấy những cánh diều đó vút cao trên bầu trời!”
Một bài học thực sự ý nghĩa khi nó được áp dụng trong cuộc sống. Bạn nên hiểu rằng, khi bạn có những người làm việc dưới bạn, hay cho bạn, bạn phụ thuộc vào họ nhiều hơn bạn nghĩ. Bạn có thể nghĩ rằng bạn đang điều khiển họ, bạn là ông chủ, trong khi sự thực thì có vẻ như ngược lại. Cho dù là thư ký của bạn, hay là đội ngũ bán hàng – hãy luôn ghi nhớ bài học từ những cánh diều! Bạn chỉ ổn khi cả đội đang giúp đỡ bạn.
Chúng ta cũng thấy những bài học này từ thể thao. Những người đội trưởng chỉ chơi tốt khi những thành viên của đội chơi tốt. Sức mạnh thực sự nằm trong tay của mỗi cá nhân. Khi người đội trưởng bắt đầu nghĩ rằng anh ta tạo ra điều khác biệt – rằng anh ấy nắm giữ sức mạnh trong tay – điều đó thường là bắt đầu của sự kết thúc. Nhận ra vai trò của những người ở tuyến đầu thường là bước khởi đầu lớn để nhìn thấy họ bay trên bầu trời.
Sự giống nhau giữa các nhóm làm việc và những cánh diều không chỉ có vậy. Nếu bạn chưa từng thả diều, bạn nên biết rằng nếu bạn muốn cánh diều bay cao hơn, xa hơn, bạn không đẩy nó, mà kéo nó. Để cánh diều bay cao hơn, bạn cần kéo nó về phía của bạn.
Con người cũng vậy. Đẩy họ, và họ thường không thể hiện gì. Đẩy họ nhiều hơn, và họ có thể sẽ rơi xuống. Nhưng khi bạn kéo họ về phía bạn, cho họ thấy được sự quan tâm của bạn, bạn hãy xem họ bay như thế nào. Hãy tin tôi, nó đúng với những việc thả diều, và với con người.
Có lẽ các tổ chức đoàn thể nên quan tâm tới việc tổ chức lễ hội thả diều Makar Sankranti (vào ngày 14 tháng Một) như ngày của những người ở tuyến đầu . Đó là ngày để vinh danh những người “lính chân trần” đã giúp cho thế giới của chúng ta chuyển động: Những người bán hàng, những nhân viên thu ngân và những người công nhân – những anh hùng không được ca ngợi nhưng lại tạo nên sự khác biệt. Hãy nhận ra họ, cám ơn họ… Những người này thường giữ sợi dây để điều khiển những con diều trên cao nhất. Hãy kéo họ về phía bạn. Và nhìn họ cất cánh!
Và trong khi ở đó, khi bạn đang hài lòng xem cánh diều của mình bay cao trên bầu trời, hãy chắc chắn rằng bạn đã buộc sợi dây vào hộp xi của mình.
Để một cánh diều bay cao hơn, bạn cần kéo nó về phía bạn. Đừng đẩy nó.
Đối với con người cũng vậy.
Đội bán hàng và cái điều khiển từ xa
Hè năm 1987, tại Andhra Pradesh nổ ra cuộc chiến giữa Rin và Nirma nhằm chia sẻ thị phần tại thị trường nước tẩy rửa Ấn Độ.
Rin là thương hiệu nổi tiếng của Hindustan Lever, giờ là Hindustan Unilever. Rin từng là thương hiệu không thể cạnh tranh nổi. Thương hiệu đó được đánh bóng bởi một số chiến dịch quảng bá đáng nhớ nhất thời gian đó, với những câu nói như: “Bhala uski kameez meri kameez se safed kaise?” (Làm thế nào mà chiếc áo sơ mi của anh ấy trắng hơn của tôi vậy?) …
Nhưng ở một nơi cách xa cánh cửa của Lever House tại Mumbai, một cuộc cách mạng âm thầm đang được chuẩn bị. Một chất tẩy rửa vàng, giá rẻ nhưng chất lượng tuyệt hảo đã nhanh chóng xâm nhập vào thị trường và gây áp lực lên doanh số bán hàng của Rin. Tăng thêm số lượng (20%) nhưng với giá thành rẻ hơn (gần 50% so với giá của Rin), những cửa hàng của Nirma đang thay đổi luật của trò chơi.
Doanh số bán hàng của Rin giảm mạnh tháng này qua tháng khác. Khi đó áp lực doanh số đè nặng lên Rin cũng là một điều rất dễ hiểu. Mặc dù vậy, Rin đã từng là mặt hàng mà công ty thu về nhiều lợi nhuận lớn nhất. Vì thế, khi Rin ế ẩm, Hisdustan Lever đã gặp nhiều khó khăn.
Các nhà quản lý thương hiệu của họ đã tung ra những đợt giảm giá mạnh rất hấp dẫn nhằm vực dậy thị trường cho Rin. Điều này đã có tác dụng trong một vài năm, nhưng trước sự công kích dữ dội từ phía Nirma, các nhà bán lẻ có vẻ không hứng thú lắm với việc giảm số lượng. Việc bán hàng tiếp tục “chìm xuồng”.
Những cuộc thi giữa các đội bán hàng được tổ chức để thưởng cho những người đem lại doanh thu cao nhất. Trong quá khứ, những người được thưởng thường vượt qua mục tiêu bán hàng. Nhưng giờ đây, trước một Nirma không thể dừng lại, cuộc thi này cũng không có tác dụng nữa.
Áp lực ngày càng lớn hơn đối với đội ngũ bán hàng. Tính khả thi của các kế hoạch bị hoài nghi. Những người bán hàng đầy kinh nghiệm cảm thấy chùn bước. Các nhà phân phối chán nản với những kiện hàng hóa tồn tăng dần lên, và với áp lực lớn, toàn bộ hệ thống phân phối bắt đầu rạn nứt.
Thay vì suy nghĩ về chiến lược thương hiệu hay thăm dò thị trường, đưa ra biện pháp đối phó thông minh với sự cạnh tranh khốc liệt này, họ lại tập trung vào hệ thống bán hàng đầy không may với điệp khúc: ”Chúng ta đã bán tốt nhiều năm rồi, tại sao bây giờ lại không như thế.”
Có vẻ như suy nghĩ trong đầu của những người quản lý là: “Những người bán hàng đó đã bắt đầu lười biếng. Hãy gia tăng áp lực, hãy thúc họ thật mạnh, và kết quả sẽ theo đó mà tới … ”
Nếu bạn suy nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy chúng ta đều như vậy. Khi có việc gì không đúng, chúng ta thường không nhận lỗi về mình. Chúng ta đổ lỗi lên quá trình xảy ra, lên con người, áp lực cũng theo đó gia tăng. Và cuối cùng chẳng đem lại lợi ích gì cả.
Cách giải quyết của chúng tôi trong những tình huống đó gần giống với việc dùng điều khiển ti vi từ xa. Nếu muốn chuyển kênh truyền hình, bạn chỉ bấm số.
Cái điều khiển đó dùng được vài tháng. Bấm số, thay đổi kênh, điều chỉnh âm thanh. Bất kỳ việc gì!
Nhưng rồi một ngày, bạn không thể đổi kênh. Vậy chúng ta phải làm gì? Bấm vào nó mạnh hơn. Hướng thẳng nó vào “mắt thần” ti vi. Đưa cái điều khiển tới gần màn hình hơn. Đập mạnh cái điều khiển. Mỗi chúng ta trở thành những chuyên gia xử lý cái điều khiển đó, liên tục bấm những phím số. “Hôm qua nó còn hoạt động, chẳng có lý do gì để hôm nay nó không hoạt động được”…
Khi chúng ta bấm phím mạnh hơn, chúng ta làm nó nhanh hỏng hơn. Trong khi điều chúng ta cần có lẽ chỉ là thay pin mà thôi.
Điều đó cũng giống với đội bán hàng ở trên. Khi không đạt được mục tiêu, hệ thống bán hàng sẽ chịu một áp lực rất lớn. Nếu bạn bấm mạnh hơn, họ sẽ kiệt sức. Và tìm cách rời đi.
Trong tình huống đó, nếu bạn thấy những người giỏi nhất trong đội bán hàng không đạt được mục tiêu liên tục, hãy tạm dừng lại trước khi ấn các phím mạnh hơn, nhiều hơn. Có lẽ đó là lúc mà bạn nên xem lại chiến lược của mình. Đã đến lúc ”thay pin chiếc điều khiển”. Hindustan Lever cuối cùng cũng làm vậy. Họ cho ra đời một thương hiệu mới, nước tẩy rửa Wheel, với giá thành rẻ hơn, để cạnh tranh với Nirma. Cả Rin và Wheel đều phát triển sau đó. Sự tàn phá từ Nirma đã dừng lại.
Và, những con người của Lever đã hạnh phúc hơn bao giờ hết!
Nếu bạn không thể chuyển kênh ti vi khi bấm điều khiển từ xa, bạn sẽ làm gì? Ấn mạnh hơn, đập cái điều khiển vào lòng bàn tay. Bạn làm tất cả những việc này, trong khi việc bạn cần làm chỉ là thay pin cho nó.
Những bài học cho người quản lý mới
Điều gì xảy ra khi một tổ chức có một lãnh đạo cấp cao mới từ bên ngoài? Nếu một đội bán hàng có một quản lý mới được thuê từ một tổ chức khác, họ sẽ ra sao? Khi đội tuyển cricket quốc gia Ấn Độ có một huấn luyện viên người nước ngoài, tại sao có những lúc họ thành công và có những lúc họ thất bại?
Tất cả đều phụ thuộc rất lớn vào thái độ của người quản lý mới. Có đầy đủ nghiên cứu chỉ ra rằng 100 ngày đầu tiên là giai đoạn quyết định đối với một nhà lãnh đạo mới, dù trong bất kỳ tình huống nào. Những bước khởi đầu, những tác động đầu tiên và ấn tượng chung giữa người lãnh đạo và đội của anh ta giai đoạn này thường quyết định tới quá trình thành công lâu dài – hoặc thất bại – của người lãnh đạo đó sau này. Vậy một nhà lãnh đạo, nhà quản lý mới nên tiếp cận với sự bổ nhiệm này như thế nào?
Có một, hai bài học từ Dastur Neryosang Dhaval, lãnh đạo đầu tiên của một nhóm người Zoroastrians khi tới Ấn Độ, năm 755 sau công nguyên, trong thị trấn nhỏ Sanjan tại Gujarat. Có khoảng năm trăm gia đình Parsi định cư trên các bờ biển Ấn Độ phải trốn tránh Persia. Họ đã đặt chân lên Sanjan, một thị trấn thịnh vượng nhỏ được cai trị bởi một vị vua Ấn Độ rộng lượng tên là Jadi Rana. Dastur, đứng đầu các gia đình Parsi, tới chỗ nhà vua và yêu cầu được ẩn náu tại đây. Có phần e ngại, sợ hãi bộ lạc chiến binh, cũng không chắc chắn rằng vương quốc bé nhỏ này có đủ khả năng cho đoàn người kia trú ngụ, nhà vua cho gọi một cốc sữa đầy tràn miệng. Ông ta đưa cho người cầm đầu Parsi, ý nói rằng đất nước này đã rất đông rồi, không thể chứa thêm người nữa!
Nhưng Dastur không từ bỏ dễ dàng như thế. Ông bảo một người hầu cho ông ta thêm ít đường. Ông hòa tan thìa đường vào cốc sữa – những người Zoroastrians sẽ trà trộn vào người Sanjan, và khiến cho cuộc sống của họ trở nên tươi đẹp hơn, ngọt ngào hơn. Dastur đã gây ấn tượng, và người Parsi đã được nhà vua đồng ý cho ở lại vương quốc Sanjan. Phần còn lại, như họ nói, là một câu chuyện lịch sử.
Có một số bài học giá trị về sự lãnh đạo từ câu chuyện về cốc sữa và đường ở trên.
Đầu tiên, những người lãnh đạo khi tới một nhóm hay một tổ chức mới cần phải nhớ rằng, trong hầu hết trường hợp, cốc sữa gần như luôn luôn được đầy tràn miệng. Quan điểm của những người trong nhóm thường là: “Chúng tôi đang có khả năng tự làm tốt… chúng tôi không thực sự cần tới một nhà quản lý mới …” Hãy nhớ, không nên thay đổi phong cách của nhóm chỉ để chứng minh bạn là ai. Tổ chức đó, đội nhóm đó, luôn có cái nhìn bản thân họ như một cốc sữa đầy tràn ly khi có một nhà quản lý mới xuất hiện.
Thứ hai, giống như đường vậy, những người lãnh đạo phải học cách trà trộn, sống lẫn trong đội và sẵn sàng để cá nhân họ, những đặc điểm và cái tôi của họ trở nên có ích đối với cả nhóm. Dù thế nào đi nữa, khi đường đã hòa tan, bạn sẽ muốn mọi người cảm thấy sữa thật ngọt. Tuy nhiên, có một số nhà lãnh đạo mới tập trung nhiều hơn vào việc để mọi người nhận ra bản thân là một nhà cầm quân tuyệt vời – hơn là tác động tới toàn thể đội và tạo ra một tổ chức thật tốt (một cốc sữa ngọt ngào)!
Thứ ba, nó cũng giúp chúng ta nhớ rằng khi đường đã hòa tan vào sữa, nó sẽ làm ngọt tới tận giọt sữa cuối cùng. Tác dụng từ đường không phải chỉ là những giọt sữa trực tiếp hòa cùng nó. Những người đứng đầu phải có mục tiêu tương tác với những nhân viên làm những việc bé nhỏ nhất, quan tâm tới giọt cuối cùng, không phải chỉ hòa đường cho người báo cáo ngồi trong góc văn phòng.
Cuối cùng, quan trọng nhất là phải hiểu và đánh giá đúng cái gì đang ở trong cốc. Là sữa? Hay nước? Hay nước có ga? Hiểu được con người, hiểu được tổ chức là bước đầu tiên trên hành trình của người lãnh đạo.
Bạn cũng nên nhớ lời khuyên từ Marshall Goldsmith, người đàn ông đã giúp những người lãnh đạo thành công trở nên thành công hơn nữa: Những gì bạn làm nơi này sẽ có thể không phù hợp khi tới nơi khác. Bạn có thể xây dựng tiếng tăm, sự nghiệp với một phong cách nhất định (sự xông xáo, khả năng quản lý công việc) nhưng cương vị mới của bạn – và đội nhóm hay tổ chức mới của bạn – sẽ có thể yêu cầu một cách tiếp cận khác. Nhà quản lý trẻ thường giống như những lát chanh. Vào giai đoạn đầu của sự nghiệp, những lát chanh thường có tác dụng tức thì. Chỉ cần một vài giọt chanh, nước giải khát trở thành nước chanh, khiến bữa cơm ngon hơn, biến cà rốt và dưa chuột thành món salad. Và như một phần thưởng, những nhà quản lý này được đưa lên một chức vụ mới, một tổ chức mới. Điều gì chờ đợi họ ở đó? Một cốc sữa đầy. Và chúng ta biết điều gì sẽ sẽ xảy ra khi bạn vắt lát chanh đó vào trong cốc sữa!
Các nhà lãnh đạo giỏi luôn chắc chắn rằng vũ khí của họ bao gồm lượng cân bằng đường và chanh. Và quan trọng hơn, họ chắc chắn họ hiểu tổ chức, và sau đó quyết định cái gì sẽ đem lại hiệu quả nhất!
Mọi tổ chức đều coi bản thân nó như một cốc nước đầy khi có một người lãnh đạo mới tới. Giống như đường trong một cốc sữa, các nhà lãnh đạo phải học cách hòa đồng và sẵn sàng để cái tôi của mình trở nên có ích cho nhóm. Khi đường hòa tan trong sữa, bạn muốn mọi người cảm nhận sữa thật ngọt. chứ không phải đường thật tốt.
Bắt cá với dâu tây và kem
Một trong những trò tiêu khiển phổ biến tại nhà hiện nay là chơi Taboo, một trò chơi đoán chữ. Trò chơi đơn giản nhưng rất vui. Bạn sẽ gợi ý cho người cùng chơi đoán từ, hoặc cụm từ trên chiếc thẻ của bạn, mà không sử dụng những từ được in trên chiếc thẻ đó.
Dưới đây là những lý do tôi thấy trò chơi này thú vị. Thông thường, bạn sẽ nghĩ rằng từ in trên thẻ thật sự rất đơn giản và đưa ra một gợi ý rất tuyệt. Thế nhưng, người chơi cùng bạn phải rất khó khăn mới có thể đoán được nó. Từ đó có thể rất dễ dàng với bạn, và bạn nghĩ gợi ý của bạn thật rõ ràng, tại sao người cùng chơi không thể đoán được nó? Và thay vì sử dụng những gợi ý khác, cố gắng nói cách khác, bạn lại trở nên nản chí, nổi nóng, sốt ruột, làm cho bạn mình trở nên lo lắng hơn. Và cuối cùng, người cùng chơi không thể đoán được nó.
Một buổi tối, tôi và con gái cùng chơi trò chơi này, cụm từ tôi có được trên thẻ bài là “private equity” (một hình thức góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân). Khi tôi gợi ý bằng từ “ICICI Venture” (qũy mạo hiểm ICICI – từng là những nhà đầu tư doanh nghiệp tư nhân trong công ty mà tôi đã làm việc sau đó) thì con gái của tôi trả lời với những từ như “người sở hữu”, “ông chủ”, “Renuka”, “nhà đầu tư” – và nhiều từ khác, ngoại trừ “private equity”. Và thay vì chia từ đó làm hai, để gợi ý cho con gái đoán từng từ “private” và “equity” (tương đối dễ dàng hơn, tôi nghĩ vậy), tôi đã bị gắn với cái ý tưởng về ICICI Venture, mà không quan tâm tới thực tế là con gái tôi có lẽ không hiểu về nó như một nhà đầu tư góp vốn doanh nghiệp tư nhân.
Điều này thường xuyên xảy ra với tất cả chúng ta. Chúng ta suy nghĩ mọi thứ trong đầu và hy vọng người khác sẽ nhìn thấy chúng qua ánh mắt của mình. Điều đó hiếm khi xảy ra. Và khi họ không thể hiểu, chúng ta thường nổi cáu, chúng ta nản chí và chúng ta hành động như một gã khờ.
Trong lúc tuyển thêm những người bán hàng trẻ, chúng ta nói với họ về chiếc xe hơi sang trọng mà họ sẽ có được khi trở thành nhà quản lý, thêm những khoản lương hưu hào phóng về sau. Chúng ta nghĩ họ quan tâm đến điều đó, rằng những kẻ nghèo khó đều có chung mối bận tâm về khoản tiền lương hàng tháng.
Chúng ta cũng áp đặt sở thích (và cả những thứ không thích) lên người khác. Tôi có lần khuyên vợ mình rằng: “Anh có một ý tưởng tuyệt vời cho ngày chủ nhật. Chúng ta hãy theo dõi trận đấu Ấn Độ – Úc.” Sau đó tôi tự hỏi mình cả ngày tại sao cô ấy có vẻ chẳng hứng thú chút nào.
Một vị giáo sư già, một người có ảnh hưởng tới mọi người tên là Dale Carnegie, từng kể một câu chuyện ngắn nhưng chứa đựng đầy ý nghĩa: “Tôi thường đi câu cá tại Maine trong suốt mùa hè. Cá nhân mà nói, tôi rất thích dâu tây và kem, nhưng tôi biết, vì một số lý do kỳ lạ nào đó, bọn cá lại thích những con giun. Vì vậy, khi đi câu cá, tôi không nghĩ về thứ mà tôi muốn. Tôi nghĩ xem những con cá muốn gì. Tôi không buộc vào lưỡi câu những quả dâu tây hay kem. Thay vào đó, tôi móc vào đó con giun, hay con châu chấu để câu cá và hỏi: “Chúng mày có thích ăn cái này không?”
Nhưng trong cuộc sống, chúng ta lại thường dùng những quả dâu tây và kem để câu cá, rồi tự hỏi tại sao cá không cắn câu. Và thay vì chuyển sang dùng cái khác phù hợp hơn, chúng ta cố gắng dùng nhiều dâu tây hơn, nhiều kem hơn, làm cho miếng mồi như to hơn, thú vị hơn… Tất cả đều không có ý nghĩa. Và khi cá không cắn câu, chúng ta bắt đầu nản chí, la hét, khiến con cá hoảng sợ bơi mất.
Các nhà quản lý thành công hiểu rằng, họ cần nhìn vào sự vật, sự việc từ góc nhìn của người khác. Họ cũng hiểu rằng những con giun có thể câu được cá, nhưng chẳng thể dùng giun để mà săn thỏ. Những người khác nhau có những mối quan tâm khác nhau. Hiểu được những mối quan tâm đó là chìa khóa để thành công.
Nếu bạn cảm thấy người đồng nghiệp không hoan nghênh ý tưởng tuyệt vời của bạn, hãy tạm dừng lại. Hãy thay dâu tây và kem bằng một vài con giun. Nếu bạn cảm thấy chán nản, rối bời vì người đồng nghiệp không cùng chung mục đích với mình, hãy thư giãn. Vấn đề không phải ở con cá. Có thể đó là do người thợ câu đang dùng dâu tây và kem làm mồi!
Cho dù bạn có thích dâu tây và kem thế nào đi chăng nữa, nhưng để câu được cá, bạn cần cho chúng ăn giun. Không phải là dâu tây và kem!
Phong cách Dahi Handi
Tại Mumbai, người ta tổ chức lễ hội Janmashtami, lễ hội để tưởng nhớ ngày sinh của Chúa Krishna, theo “phong cách dahi handi”. Truyền thuyết kể rằng, hồi nhỏ, Krishna rất thích bơ và hay lấy trộm từ trong nhà bếp. Mẹ của cậu biết được việc đó, đã treo bơ lơ lửng trên cao so với mặt đất, xa khỏi tầm tay với của cậu. Nhưng Krishna – một cậu bé thông minh, đã tập hợp bạn bè đứng cạnh nhau, xếp thành một kim tự tháp người và trèo lên để có thể lấy được bơ!
Thậm chí tới bây giờ, tại lễ hội Janmashtami, chúng ta vẫn có thể thấy những cảnh tượng giống như khi Krishna cùng các bạn xếp thành kim tự tháp và cố gắng với lấy cái hũ đựng sữa chua trên cao – người ta gọi là dahi handi.
Khắp cả thị trấn, những cái hũ đựng đầy sữa chua được treo cao chừng 6 mét tới 9 mét so với mặt đất. Những người nhiệt tình tập hợp thành đội, đi xung quanh thành phố và xếp thành những kim tự tháp để có thể lấy được những hũ sữa. Có phần thưởng cho đội chiến thắng, những dahi handi dẻo dai nhất có thể được tới 10 vạn rupi!
Để lễ hội sôi nổi hơn, và tăng thêm thú vị trong các thử thách, một số người dân ở các hộ gia đình xung quanh té nước vào nhóm đang cố gắng tạo thành kim tự tháp, khiến cho họ bị trơn lạnh, khó dựng thành kim tự tháp hơn và khó giành giải. Những tai nạn cũng xảy ra, đã có một số kim tự tháp đổ dẫn tới một số người bị gãy xương.
Có một lần, chúng tôi lái xe loanh quanh để xem lễ hội, và cảm nhận sự tranh giành, tinh thần thi đấu trong những giai điệu của ca khúc Govinda ala re. Và tôi nghĩ rằng dahi handi không chỉ là trò chơi tuổi thơ của Krishna, đó còn là một lễ hội của tinh thần đồng đội. Những đường phố của Mumbai và những kim tự tháp của các Govinda đã cho chúng ta rất nhiều bài học cuộc sống có giá trị mà chúng ta không được học ở bất kỳ trường kinh doanh nào. Dưới đây là một số bài học từ Dahi Handi!
1. Có rất nhiều người khác nhau trong một đội. Không phải tất cả thành viên của các Govinda đều có đặc điểm giống nhau. Có những người rất khỏe mạnh có thể trèo lên đôi vai của những người khác một cách nhanh chóng. Cũng có những người rất béo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo trụ vững chắc cho kim tự tháp. Một đội gồm nhiều người khỏe mạnh có thể rất tốt về lý thuyết nhưng chưa chắc đã mạnh bằng một đội với nhiều vóc dáng khác nhau – để có thể giữ những vai trò khác nhau.
Những kỹ năng có thể bổ sung cho nhau sẽ tạo nên đội vô địch. Sự đa dạng giúp thực hiện điều đó!
2. Hũ đựng sữa càng cao, giải thưởng càng lớn. Có một số hũ đựng sữa rất dễ để lấy với chiều cao chỉ của hai tầng kim tự tháp là đã lấy được (chỉ cần một đứa trẻ đứng trên vai một người khác) có phần thưởng vài nghìn rupi. Cao nhất có thể tới sáu tầng nhà. Chiều cao này cần khoảng chín lớp kim tự tháp mới có thể lấy được hũ đựng sữa. Và giải thưởng là 1,111,011 rupi!
Sự khác biệt phản ánh một sự thật của cuộc sống: Thử thách càng cao, phần thưởng càng lớn.
Chính thử thách tạo nên sự hăng hái đạt được thành tích.
Khi nhìn thấy nhiều người của một kim tự tháp nào đó cùng ngã, vợ của tôi ngay lập tức kêu lên: “Tại sao họ không trải đệm dưới đất để chắc chắn rằng những người bị ngã sẽ không đau?” Có lẽ nỗi sợ hãi tới từ những người ở trên lớp cao nhất. Sẽ thế nào nếu bị ngã xuống?
Sự thật là, cuộc sống rất khắc nghiệt. Nếu bạn ngã, bạn sẽ bị đau. Không có bất kỳ cái đệm nào ở dưới khi bạn ngã. Thành công nằm ở chỗ khi ngã, bạn tự đứng dậy rất nhanh chóng, phủi khuỷu tay và quay trở lại công việc. Giống như những Govinda.
3. Cái mà bạn đạt được quyết định bởi việcbạn đặt mục tiêu cao tới đâu. Các đội được luyện tập nhiều lần để có thể đạt được độ cao nhất định từ trước. Ví dụ như một số đội lên kế hoạch để tạo được những hình kim tự tháp ba tầng. Nếu hũ sữa được treo cao hơn và và ở độ khó lớn hơn, họ sẽ bỏ qua và đi tiếp tới cái hũ tiếp theo. Họ đã đặt ra mục tiêu, tầm với là những cái hũ có thể lấy ở độ cao ba tầng kim tự tháp. Mọi thứ cao hơn đều nằm ngoài mục tiêu của họ.
Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy. Cái chúng ta đạt được sẽ được quyết định bởi mục tiêu kế hoạch mà chúng ta đã đề ra. Dù có một số mục tiêu trông hấp dẫn hơn nhưng chúng ta cần xác định giới hạn của mình, và chơi theo một kế hoạch nhất định.
Một số người cố gắng phá hỏng kế hoạch của bạn và làm cho đường đi trở nên khó khăn hơn.
Đã trở thành hiện tượng khi những người dân xem lễ hội từ ban công, cửa sổ ngôi nhà bình yên của họ lại dội những gáo nước lên người các Govinda. Cách khôn ngoan khi xây dựng kim tự tháp và trong cuộc sống, thực chất là tập trung, đừng để bị phân tán bởi những kẻ phá hoại.
Hãy chuẩn bị cho những người phê bình, những kẻ phá hoại và những chướng ngại vật.
4. Bạn nên tự hào vì là một phần của cả đội!
Govinda là những người đàn ông rất đỗi bình thường. Công việc của họ thường là làm những việc lao động chân tay. Nhưng trong ngày dahi handi, họ xây dựng tinh thần đồng đội bằng những cách rất truyền thống để tạo nên sức mạnh kỳ diệu. Tất cả mọi thành viên đều mặc đồng phục (không cầu kỳ, mà rất đơn giản, toàn bộ mặc áo đỏ chẳng hạn). Họ đều đặt tên cho đội của mình, để nhận biết, phân biệt với các đội khác, và chắc chắn nó được ghi trên ngực áo của họ. Họ đi cùng nhau, ăn cùng nhau. Không có thứ bậc gì ở đây cả. Người đàn ông ở trên cùng của kim tự tháp cũng giống những người đứng ở dưới, không hề phân biệt ai quan trọng hơn ai. Và họ đều có niềm vui khi được là một phần của kim tự tháp, dù là ở vị trí nào đi chăng nữa!
Sự đam mê và tinh thần đồng đội có thể giúp một nhóm những người bình thường trở thành một đội bất khả chiến bại!
5. Bạn có thể đứng cao hơn, nhưng đừng quên những đôi vai đang nâng đỡ bạn.
Kim tự tháp có thể dựng lên vì có những người sẵn sàng đứng trên mặt đất để người khác trèo lên đứng trên vai mình. Họ chịu đựng sức nặng. Họ sẵn sàng vì đồng đội. Trong khi có thể tất cả mọi cặp mắt đều hướng vào người đàn ông trên cùng, quan sát xem anh ta có giành được hũ đựng sữa hay không, chứ không để ý tới những chàng trai ở dưới, những người gồng vai giúp điều đó xảy ra. Và hãy nhớ, nếu tất cả họ, ai cũng tranh nhau trở thành người đàn ông đứng trên cùng, thì không có kim tự tháp nào được hình thành, không có đội nào tồn tại, và tất nhiên, không có phần thưởng nào cả. Đừng bao giờ quên những người ở tuyến đầu và những người lính chân trần. Họ tạo nên sự khác biệt thực sự!
6. Bạn phải đạt được mục đích của mình.
Khi một đội lấy được hũ sữa, đội đó giành được giải thưởng. Nhưng nếu đội đó không với được cái hũ, sẽ không có gì cho họ cả. Không có gì. Dù cho bạn chỉ còn cách một gang tấc hay bao nhiêu đi chăng nữa, đều như nhau mà thôi. Không đạt được mục tiêu đồng nghĩa với việc thất bại dù cho bạn đã tới gần đích lắm rồi, hay bạn đã từ bỏ mà không hề cố gắng. Đó gọi là ý thức mục tiêu mà người lãnh đạo nào cũng muốn ngấm vào đội của mình. Nhưng thông thường, các đội nhầm lẫn giữa công sức và thành quả, và mong muốn giành được phần thưởng cho nỗ lực gần đạt được tới mục tiêu của họ.
Lấy được cái hũ và giành được phần thưởng. Nếu không, không có giải thưởng nào cả! Bạn cần phải chứng minh kết quả đạt được.
7. Nếu bạn chỉ tới nơi những người khác tới, hũ sữa đã bị đội khác lấy đi. Điều thú vị trong mỗi dahi handi là mỗi một địa điểm chỉ có một hũ đựng sữa mà thôi. Một khi nó đã bị lấy, điều đó đồng nghĩa với việc cuộc chơi tại đó đã kết thúc. Vì thế nếu đội của bạn “hít khói” một đội chiến thắng khác, bạn sẽ không có gì cả. Dù bạn làm gì đi nữa, giải thưởng cũng đã được lấy mất.
Hãy học cách đi tới nơi mà chưa ai tới, tạo con đường cho riêng bạn. Như Bob Dylan đã viết, “Đừng sợ vì không đi theo số đông/ Bởi nơi nào số đông đã đi qua, thức ăn đều đã được ăn hết rồi!”
8. Cuối cùng, đừng quan tâm cái hũ đựng sữa cao như thế nào, bạn không thể làm việc đó một mình.
Lễ hội dahi handi có thể là nơi bạn thể hiện những mục đích sống của bản thân – tiền, các mối quan hệ, các dự án, hạnh phúc, tên tuổi, hay bất kỳ cái gì đi nữa. Nhưng thông điệp thì rất rõ ràng: Dù cho mục đích của bạn là gì, bạn cần có đội thì mới đạt được điều đó. Bạn cần những người khác. Bạn cần được trợ giúp.
Những kẻ lang thang cô độc có thể tạo trở thành anh hùng trong phim. Nhưng trong cuộc sống, cả đội sẽ chiến thắng. Nếu bạn không thể làm việc cùng đội, những mục tiêu của bạn sẽ rất khó để thành công. Hãy nghĩ về điều này!
Dù cho mục tiêu của bạn là gì, bạn cần một đội để đạt được nó. Bạn cần những người khác. Có đồng đội tốt là có mọi thứ. Luôn luôn là như vậy!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.