Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Phần VI. HẠNH PHÚC DÀI LÂU – Chương 17: Hãy yêu người quan trọng nhất cuộc đời bạn



Tôi chắc rằng có nhiều người mà bạn dành sự quan tâm và yêu thương sâu sắc. Họ là những người đặc biệt đối với bạn: vợ, chồng, người yêu, anh chị em, con cái hay cha mẹ, những người bạn thương yêu và hy sinh cho họ rất nhiều trong quá khứ. Bạn luôn đặt lợi ích của họ lên trên hết và sẵn sàng làm mọi thứ để họ được hạnh phúc, an toàn và thành công.

Nhưng có một điều có lẽ bạn chưa từng nghĩ tới, “bạn có thương yêu bản thân đến mức như vậy không?” “Bạn có yêu quý người mà bạn nhìn thấy trong gương mỗi ngày?” Câu hỏi nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thật sự rất đáng để bạn suy ngẫm. Cách bạn cảm nhận về bản thân quyết định cách bạn đối xử với chính mình, và quan trọng hơn nó tác động đến mức độ thành công và hạnh phúc của bạn.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chẳng mấy ai thật sự yêu thương bản thân mà cứ muốn trở thành người khác. Số ít thậm chí còn căm ghét con người họ. Hãy suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Bạn cảm thấy sao về bản thân? Bạn yêu thương chính mình tới mức nào?

Học cách yêu thương bản thân… tình yêu vĩ đại nhất

Giống như lời bài hát “The Greatest Love of All”, học cách yêu thương bản thân chính là tình yêu vĩ đại nhất. Vì sao nó quan trọng đến thế? Để thật sự hạnh phúc và thành công, bạn phải học cách yêu thương chính mình.

Yêu thương bản thân không có nghĩa là bạn trở thành người kiêu ngạo, khoe khoang cứ mỗi 10 phút lại ngắm mình trong gương và khoác lác, “ta là người vĩ đại nhất. ”Ý tôi muốn nói ở đây là bạn hãy quan tâm, chiều chuộng và tôn trọng bản thân như thể nó là một con người.

Nhiều người tin rằng họ phải thành công trước rồi sẽ bắt đầu yêu thương bản thân và cuộc sống sau. Thực tế bạn cần làm điều ngược lại. Bạn phải yêu thương bản thân trước khi bạn muốn thành công. Chỉ có những người biết yêu thương và trân trọng chính mình mới có lòng tự trọng và tự tôn cao. Điều này mang lại cho họ sự tự tin và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Người quan trọng nhất cuộc đời bạn chính là…

Để tôi nói cho bạn nghe lý do quan trọng nhất vì sao bạn cần thương yêu bản thân.

Hãy tưởng tượng một người sống cùng với bạn cả đời. Bạn phải ở bên cạnh người này 24/7 từ ngày này sang ngày khác. Đó là người bạn thấy đầu tiên mỗi sáng thức giấc, cũng là người bạn gặp sau cùng trước khi đi ngủ.

Người này hiện diện trong mọi cung bậc cuộc sống mà bạn nếm trải. Khi bạn buồn, người này làm bạn cười. Khi bạn vấp ngã, chỉ có người này mới nâng bạn đứng dậy. Khi bạn đặt mục tiêu, người này tiếp cho bạn động lực và niềm tin để đạt được nó. Người này không bao giờ bỏ rơi bạn và là người duy nhất bạn hoàn toàn yên tâm dựa vào.

Nếu bạn không thích người này, cuộc sống của bạn sẽ cực kỳ khốn khổ, đúng không? Bạn sẽ gắn chặt cuộc đời với một kẻ mà bạn không ưa. Nếu bạn không tin người này sẽ ở bên bạn khi bạn vấp ngã, nỗ lực hết sức để giúp bạn thành công, thì bạn sẽ chẳng làm được điều gì cả. Tôi chắc rằng bạn đã đoán được người này là ai. Chính BẢN THÂN BẠN đấy, người quan trọng nhất cuộc đời bạn.

Sức mạnh của tình yêu thương bản thân

Vậy việc yêu thương bản thân liên quan gì đến thành công trong cuộc sống? Bạn nghĩ mà xem. Khi thật sự yêu thương ai đó, bạn thường mong muốn điều gì cho họ? Chẳng phải là những điều tốt nhất sao?

Khi bạn yêu thương bản thân, bạn cũng sẽ mong muốn những điều tốt nhất cho chính mình. Bạn sẽ tự đặt ra những tiêu chuẩn cao, tin tưởng rằng mình xứng đáng có những điều tuyệt vời nhất. Bạn sẽ đòi hỏi những cái nhất: sự nghiệp tốt nhất, mối quan hệ đẹp nhất và phong cách sống đẳng cấp nhất. Bạn sẽ không cho phép bản thân chấp nhận những thứ tầm thường.

Lạ lùng thay, khi chỉ chấp nhận những điều tốt nhất, bạn sẽ phấn đấu hết mình và đạt được những gì bạn nghĩ mình xứng đáng được hưởng. Đó chính là động lực thúc đẩy tôi thay đổi cuộc đời mình. Ban đầu, khi đạt điểm số tồi tệ ở trường, tôi đã chấp nhận, nghĩ rằng mình cố lắm cũng chỉ đến thế thôi. Và rồi ở tuổi 13, tôi bắt đầu tin mình xứng đáng có được nhiều hơn thế. Tôi xứng đáng trở thành một trong những học sinh giỏi nhất và thi đậu vào trường đại học danh giá nhất Singapore. Chính tình yêu thương dành cho bản thân đã khích lệ tôi nỗ lực không ngừng và không chấp nhận những gì đang có trong cuộc sống.

Đồng thời, khi bạn yêu thương chính mình, bạn sẽ sẵn sàng hy sinh và làm việc chăm chỉ. Những ai yêu thương bản thân biết cách tự chăm sóc thể chất lẫn tinh thần. Họ sẽ không để bản thân mình ngu dốt, phí phạm thời gian hay hủy hoại cơ thể bằng ma túy hay rượu chè. Họ sẵn sàng hy sinh những khoái cảm nhất thời để đổi lấy lợi ích dài hạn. Họ liên tục học hỏi, nâng cao kỹ năng, ăn uống điều độ và giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

Khi bạn yêu thương bản thân, người khác cũng sẽ yêu thương bạn
Yêu thương bản thân không chỉ ảnh hưởng đến những thành tựu bạn đạt được mà còn cải thiện những mối quan hệ giữa bạn và người khác. Hãy nghĩ xem. Nếu bạn không yêu thương chính mình thì bạn có thể trông đợi ai yêu thương bạn?

Tôi khẳng định một lần nữa, yêu thương bản thân không phải là kiêu ngạo hay khoe khoang. Chẳng ai ưa kẻ thích khoác lác cả! Trên thực tế, những người thật sự yêu thương bản thân không bao giờ phô trương. Họ không cần phải làm như thế. Từ bên trong, họ đã cảm thấy bản thân mình thật tuyệt vời… Khi có cảm giác đó, bạn sẽ tự tin cởi mở và quan tâm đến người xung quanh. Bạn sẽ cười nhiều hơn, đồng thời nói những điều tốt đẹp về bản thân và về người khác.

Những ai cảm thấy bản thân mình tốt đẹp có xu hướng nhìn thấy những gì tốt đẹp nơi người khác và không tiếc lời ngợi khen, động viên chân thành. Thái độ tự tin và tích cực đó khiến bạn hấp dẫn và quyến rũ hơn trong mắt mọi người. Ai cũng thích ở cạnh những người giàu năng lượng tích cực bởi vì họ cũng bị ảnh hưởng theo.

Đã bao giờ bạn tiếp xúc với một người có ngoại hình dưới trung bình nhưng vẫn toát lên sức quyến rũ, hấp dẫn hết sức tự nhiên chưa? Tôi có người bạn tên Sean, anh ấy thấp và đậm người. Vẻ ngoài anh rất bình thường nhưng những cô bạn gái trước nay của anh đều cực kỳ gợi cảm. Anh là linh hồn của các bữa tiệc, mọi người vây quanh anh. Vì sao vậy? Vì tính cách của anh vô cùng cuốn hút. Anh khiến mọi người cười ồ lên với khiếu hài hước của mình. Anh làm mọi người hài lòng bằng những lời tán tụng. Tất cả là do chính anh cảm thấy bản thân mình tốt đẹp. Hãy nghĩ tới những người nổi tiếng như Danny Devito (hói đầu và chỉ cao có 1,4m), Jack Nicholson, John Malkovich và Tommy Lee Jones. Họ không thật sự có ngoại hình bắt mắt nhưng đều là những diễn viên hạng A vì cả thế giới khâm phục cá tính mạnh mẽ của họ.

Khi biết yêu thương bản thân, bạn sẽ tin vào giá trị tiềm ẩn của mình
Bạn là tuýp người dám suy nghĩ độc lập hay dễ thỏa hiệp với ý kiến của người khác?

Để dẫn đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào, bạn phải dám vượt trội, suy nghĩ khác biệt và thuyết phục người khác theo lối tư duy của bạn. Những người lãnh đạo không chấp nhận thế giới như cách nó đang tồn tại mà dám nhìn nhận thế giới theo cách họ nghĩ nó có thể phát triển trong tương lai.

Barack Obama dũng cảm thách thức định kiến chỉ có người da trắng mới được bầu làm Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nelson Mandela đứng lên chống lại nạn phân biệt chủng tộc đàn áp người da đen vốn đã tồn tại hơn 100 năm ở Nam Phi. Ray Kroc bỏ ngoài tai những ai cho rằng ông chẳng thể nào sống nổi bằng việc bán hamburger. Thế là đế chế McDonald’s trị giá hàng tỉ đô đã ra đời từ niềm tin quyết liệt đó.

Điều gì đã ban cho họ sự can đảm tột bậc để suy nghĩ độc lập và thay đổi cả thế giới? Tất cả đều có lòng tự trọng cao và không sợ bị người khác đánh giá chỉ trích. Họ hành động theo những tiêu chí, giá trị, tiêu chuẩn sống và đạo đức của riêng mình.

Mặt khác, rất nhiều người tuân theo những tiêu chí bên ngoài, theo đó, giá trị bản thân của họ phụ thuộc hoàn toàn vào đánh giá của người khác. Khi bạn không yêu thương chính mình, bạn sẽ dễ dàng bị người khác ảnh hưởng để được họ chấp nhận. Bạn sẽ luôn lo lắng chuyện người ta nghĩ sao về mình, thay vì hành động theo cách bạn cho là đúng. Hậu quả là bạn chỉ biết làm vừa lòng đám đông và không còn dũng khí để lãnh đạo.

Hậu quả của việc không yêu thương bản thân

Nói đi cũng phải nói lại, nếu bạn không yêu thương bản thân thì sẽ ra sao? Nó có thể hủy hoại mọi cơ hội vươn đến thành công và hạnh phúc của bạn.

Nếu không yêu thương bản thân, bạn sẽ có khuynh hướng ủ rũ suốt ngày và đặt ra những tiêu chuẩn cá nhân thấp kém. Bạn sẽ cho rằng thành công chỉ dành cho “người khác”. Nếu bạn không nghĩ mình xứng đáng với những gì tuyệt vời mà cuộc sống mang lại thì làm sao bạn dám hành động để có được nó.

Khi không yêu thương chính mình, bạn sẽ tự chỉ trích và khiến bản thân phiền muộn, giống như không ưa ai thì bạn thấy người đó chỉ toàn khuyết điểm. Bạn sẽ không dám hy sinh cho lợi ích cá nhân, thay vào đó bạn hành động mà không cân nhắc đến hậu quả xảy ra cho người bạn nhìn thấy trong gương. Bạn đã gặp người nào hoàn toàn không đoái hoài gì đến bản thân chưa? Họ ăn nhiều đến mức phát phì, không buồn mặc đồ tươm tất và tự đẩy mình vào tình cảnh khó khăn bởi những quyết định tài chính sai lầm hoặc bài bạc vô độ.

Trong một số trường hợp quá khích, họ thậm chí căm ghét bản thân đến mức tự ngược đãi và hủy hoại mình. Họ uống quá nhiều rượu, chích ma túy và ăn uống bừa bãi. Đáng buồn hơn, có người còn đi đến chỗ tự vẫn.

Tôi nhớ có lần tôi gặp một nhà môi giới bất động sản tên Steven sau bài nói chuyện của tôi trước 5.000 thính giả. Anh bày tỏ nguyện vọng muốn thành công hơn nữa. Anh làm trong ngành này đã 5 năm và chật vật lắm mới trang trải được chi phí sống cơ bản. Tôi bảo rằng có rất nhiều nhà môi giới thành công kiếm được từ 100.000 đến 500.000 đô mỗi năm. Anh cũng khao khát giống như họ.

Tôi nói: “Anh có đủ tiềm năng để đạt được những điều tương tự. Chỉ cần anh nỗ lực làm chủ những chiến lược kinh doanh bất động sản.” Nhưng dù tôi có nói gì đi nữa, anh vẫn cứ lắc đầu nguầy nguậy và bào chữa, “tôi không giỏi bán hàng,” “tôi không có tính kỷ luật”, “tôi không biết cách thương lượng”, “tôi luôn gặp xui xẻo”, “tôi xử lý tình huống rất kém”… Anh ấy không ngừng chỉ ra khuyết điểm của mình.

“Anh có thể trở thành một nhà môi giới xuất sắc nếu anh tham dự những khóa học về bất động sản và bán hàng uy tín trên thị trường. Anh cũng có thể nâng cao kỹ năng bằng cách tìm đọc sách của các chuyên gia trong lĩnh vực bán hàng và gầy dựng các mối quan hệ mang đến cho anh những đầu mối có ích”, tôi đề nghị. Steven nhìn tôi chán nản, “có ích gì cơ chứ?” Chắc chẳng lời nào của tôi lọt tai anh rồi.
Khi ấy, tôi không thể hiểu tại sao Steven không lo nghĩ gì đến tương lai để bắt tay vào hành động. Sau này tôi nhận ra rằng đó là vì anh không yêu thương bản thân. Trong thâm tâm, anh không hề nghĩ rằng mình xứng đáng trở thành một nhà môi giới xuất sắc và kiếm được nhiều tiền. Anh tin rằng chỉ có những người giỏi hơn anh mới xứng đáng tận hưởng thành công ấy.

Với lòng tự trọng quá thấp, Steven chẳng dám đối diện thử thách. Anh sợ mắc phải sai lầm và sợ bị người khác đánh giá đến mức anh chọn cách “đứng yên một chỗ”. Gần như chắc chắn rằng hiện giờ Steven vẫn nghèo khó như cách đây 5 năm về trước. Đừng như Steven bạn nhé!

Những người không yêu thương bản thân cũng chẳng dễ gần
Những người không yêu thương bản thân không chỉ đối xử tệ với chính họ mà cả với những người khác. Họ còn dễ khiến những người chung quanh bực mình.

Đã bao giờ bạn gặp một người lúc nào cũng tiêu cực về bản thân chưa? Họ luôn miệng nói, “chẳng ai ưa tôi cả. Tôi không thành công như anh. Anh/ chị đẹp trai/ xinh gái hơn tôi. Tôi thất bại là cái chắc!” Tôi từng gặp khá nhiều người như thế. Họ nói vậy với hy vọng bạn sẽ trả lời rằng, “không, anh rất thông minh! Anh có thể thành công.” Mục đích của họ là tìm kiếm sự an ủi từ người khác. Sau một thời gian, chẳng phải họ sẽ trở nên cực kỳ phiền phức sao?

Bạn cũng đã gặp ai luôn chỉ trích mọi thứ chưa? Họ thích soi mói khuyết điểm và hạ thấp người khác. Họ chê người khác quá béo, quá ngu, quá lười, v.v…Tại sao họ làm vậy? Họ cho rằng nếu họ không cảm thấy hạnh phúc với bản thân, thì họ muốn người khác cũng khốn khổ như họ. Bằng cách này, họ sẽ thấy khá hơn.

Vậy nếu mai này bạn có gặp ai đó cáu kỉnh hay thích phê phán người khác, đừng nổi giận. Thay vào đó, hãy hiểu rằng đó là vì họ cũng không ưa bản thân họ. Trong sự nghiệp của mình, tôi đã vài lần bắt gặp những người đăng những lời bình luận thô thiển lên BLOG của tôi, nói rằng tôi chỉ là một tên khốn giàu có ngạo mạn. Tôi từng phẫn nộ vì điều đó. Nhưng thật ra tôi nên thương xót và tiếc nuối cho họ thì hơn. Chắc hẳn họ là những người khốn khổ.

Làm thế nào để yêu thương bản thân trong khi tôi có quá nhiều khiếm khuyết?
Một số người tìm đến tôi và nói rằng, “ước gì tôi có thể yêu thương bản thân mình hơn, nhưng làm sao được? Tôi có quá nhiều thiếu sót và tật xấu. Tôi quá mập. Tôi chẳng thành công gì mấy. Tôi hay trì hoãn. Tôi có những thói xấu và thất bại trong quá khứ. Có vẻ như tôi chẳng làm được việc gì ra hồn.”

Nếu bạn cảm thấy mình có nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm, BẠN KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI DUY NHẤT! Chính tôi cũng từng cảm thấy như vậy. Tôi từng nghĩ rằng chỉ có những người thật sự đẹp đẽ, giàu có, tài năng và thành công mới có thể yêu thương bản thân. Bạn biết không? Điều đó không đúng!

Bạn yêu thương chính mình khi bạn chấp nhận bản thân và tập trung vào những điểm mạnh
Những người yêu thương bản thân KHÔNG nhất thiết phải có nhiều điểm mạnh rõ ràng hơn điểm yếu. Thực tế, một số người nổi tiếng và thành công nhất lại có nhiều khuyết điểm hơn ưu điểm.

Tuy nhiên, họ học được cách yêu quý chính mình vì họ lựa chọn CHẤP NHẬN họ là ai và TẬP TRUNG vào những ƯU ĐIỂM!

Bạn có biết… những người thành công và hạnh phúc nhất có nhiều thiếu sót hơn bạn không?
Nếu bạn cảm thấy yêu thương bản thân quá khó, hãy để tôi chia sẻ với bạn một câu chuyện về người đàn ông đã cho tôi nguồn cảm hứng dạt dào nhất. Anh tên là Nick Vujicic, người Úc. Ngay từ lúc sinh ra, anh đã không có tay và chân vì một chứng rối loạn hiếm gặp tên là Tetra-amelia. Anh chỉ có hai bàn chân nhỏ xíu gắn vào thân mình, với hai ngón chân lồi ra ở một bên.

Ban đầu, cuộc sống thật sự quá cực nhọc đối với Nick. Cha mẹ anh cũng vô vùng phiền muộn trước tình cảnh của con mình. Một thách thức anh phải đương đầu là luật của bang Victoria ngăn không cho anh nhập học ở một trường chính thống vì những khiếm khuyết trên cơ thể, dù rằng trí óc anh hoàn toàn bình thường. Sau đó, điều luật này được thay đổi và Nick trở thành học sinh “khuyết tật” đầu tiên được nhận vào trường công.

Bạn nghĩ rằng những bạn học cùng lớp sẽ đối xử tử tế với anh ư? Không, đứa trẻ 8 tuổi Nick bị ức hiếp đến mức suy nhược tinh thần. Năm 10 tuổi, anh thậm chí còn cố trầm mình tự tử nhưng không thành nhờ có tình yêu thương của cha mẹ. Thời điểm đó, chẳng ai có thể trách cứ anh vì anh không quý trọng bản thân.

Bước ngoặt cuộc đời anh xảy đến khi mẹ anh cho anh xem bài báo về một người đàn ông đối mặt với một khuyết tật nghiêm trọng. Điều này giúp anh nhận ra rằng anh không phải là người duy nhất phải chịu đựng những khiếm khuyết to lớn. Thời gian trôi qua, Nick bắt đầu chấp nhận con người mình. Thay vì chỉ nhìn vào những thứ anh không có và không thể làm, anh bắt đầu tập trung vào những mặt mạnh. Anh chuyên tâm vào khả năng diễn thuyết, khiếu hài hước, sức khỏe và đôi mắt đẹp (do chính anh thừa nhận) của mình. Điều quan trọng nhất là anh đã học cách yêu thương bản thân “độc nhất vô nhị”.

Ngày nay, Nick là một trong những cá nhân lôi cuốn nhất, tự tin nhất, hạnh phúc nhất và thành công nhất mà bạn có thể gặp. Anh là nhà diễn thuyết, nhà đầu tư, tác giả tài ba, người đã tốt nghiệp chuyên ngành tài chính kế toán. Anh đi khắp nơi trên thế giới để diễn thuyết truyền cảm hứng cho hơn ba triệu người ở 24 quốc gia.

Anh không chỉ thành công trong công việc mà còn rất yêu đời và hạnh phúc. Anh học bơi, lướt sóng, chơi gôn, đánh trống thậm chí là lái xe và tàu thủy mà không cần đến tứ chi. Sự cuốn hút và nguồn năng lượng dồi dào của anh tạo cảm hứng cho mọi người xung quanh. Vậy nếu một người không có tay không có chân học được cách yêu thương chính mình và hạnh phúc, thì chẳng có lời bào chữa nào cho bất kỳ ai trong chúng ta. Bạn có thể đọc và xem video về Nick ở www.lifewithoutlimbs.org hay trên www.youtube.com.

Một số người sinh ra có tất cả nhưng lại mất tất cả!

Ngược lại, có nhiều người mở mắt chào đời với rất nhiều ưu thế và điểm mạnh nhưng lại không bao giờ học cách yêu thương bản thân. Thay vào đó, họ chỉ chú trọng vào toàn điểm yếu và tự làm mình trở nên buồn rầu và khổ sở.

Bạn biết điểm chung giữa Britney Spears, Lindsay Lohan, Amy Winehouse (đã qua đời), Whitney Houston và George Michael là gì không? Họ đều là những siêu sao: giàu có, nổi tiếng, xinh đẹp nhưng lại không biết trân quý bản thân. Sa vào khó khăn, họ tìm quên trong rượu chè và ma túy làm hủy hoại cuộc sống và sự nghiệp.

Sao lại thế được? Sao họ có thể không thích chính mình khi bản thân họ có quá nhiều ưu thế? Làm thế nào mà những con người như Nick Vujicic hay Oprah Winfrey khuyết điểm đầy mình từ lúc còn đỏ hỏn lại học được cách quý trọng bản thân và vượt lên trên cảnh ngộ?

Bạn thấy đấy, mọi thứ tùy thuộc vào bạn cả, hoàn cảnh không quyết định lòng tự trọng của bạn. Bạn có thể chọn cách yêu thương hay căm ghét bản thân. Bạn có bao nhiêu ưu điểm không quan trọng, bạn sẽ luôn nhìn thấy thiếu sót của mình nếu đó là điều bạn muốn. Ngược lại, chẳng hề gì khi bạn có quá nhiều khuyết điểm nếu bạn luôn hướng đến những thế mạnh và cảm thấy hài lòng về bản thân. Vậy sao bạn không chọn cách nghĩ tốt đẹp hơn?

Học cách yêu thương bản thân

Cho dù bạn đang cảm thấy như thế nào về chính mình, sáu bước sau đây sẽ giúp bạn học cách yêu thương bản thân nhiều hơn, phát triển lòng tự trọng và sự tự tin cần thiết để sống một cuộc đời phi thường.

1. Chấp nhận chính mình

Trước khi có thể yêu thương bản thân, bạn phải chấp nhận con người độc nhất của mình. Chấp nhận vẻ ngoài của mình. Chấp nhận cá tính và đặc điểm của mình. Chấp nhận màu da và lịch sử gia đình mình. Chấp nhận những ưu điểm và cả những khuyết điểm của bản thân. Đừng ước mình trở nên hoàn hảo. Chẳng ai hoàn hảo cả.

Hãy nỗ lực hết mình với những gì Trời phú cho bạn. Nếu từng vấp ngã trong quá khứ, hãy nhớ rằng bất kỳ ai cũng mắc sai lầm. Thay vì chán ghét bản thân vì điều đó, hãy tha thứ chính mình và rút kinh nghiệm để ngày một hoàn thiện hơn.

Bạn có biết trong hàng tỉ bông tuyết rơi xuống trái đất, chẳng cái nào giống cái nào không? Tương tự, trong số hàng tỉ người được sinh ra, chẳng có ai giống bạn 100% cả (thậm chí hai đứa bé sinh đôi cũng không giống nhau hoàn toàn) . Bạn là cá thể duy nhất mà Đấng tạo hóa nặn hình với những sở thích, ưu điểm và khuyết điểm để có thể thành công theo cách của riêng bạn.

Tôi tin rằng Đấng tạo hóa không hề sai lầm. Người cho bạn những ưu điểm để bạn sử dụng vào việc giúp đỡ bản thân và người khác. Những khuyết điểm tồn tại là để thử thách bạn trở thành một con người nghị lực hơn. Người muốn bạn học cách biến những sở đoản thành sở trường.

Bằng việc học cách chấp nhận và vượt qua hoàn cảnh bị đánh đập và lạm dụng tình dục, Oprah Winfrey đã trở nên mạnh mẽ và giàu lòng trắc ẩn. Khi chấp nhận việc không có tay chân, Nick biến khiếm khuyết đó thành nguồn cảm hứng và truyền cho mọi người. Sylvester Stallone chấp nhận chứng liệt nửa mặt và chất giọng nhừa nhựa của mình và biến chúng thành những đặc điểm diễn xuất riêng. Vì vậy, đừng ghét bỏ những điểm yếu của bạn, hãy tận dụng và biến chúng thành những điểm mạnh.

2. Đón nhận và đưa ra những lời ngợi khen

Học cách đón nhận những lời tán tụng mà người khác dành tặng bạn. Nhiều người châu Á cảm thấy khó chấp nhận lời khen vì theo họ đừng nên biến mình thành cái rốn vũ trụ. Trong văn hóa Á Châu, đa số khi được khen sẽ đáp lại: “À, có gì đâu” hoặc “May mắn thôi mà”. Đôi khi, ta thậm chí còn phản ứng với những lời khen bằng cách chỉ ra những thiếu sót và sai lầm. Ví dụ như khi được tán dương, “thật là một bài thuyết trình xuất sắc,” ta sẽ trả lời, “vâng nhưng tôi còn bỏ sót một vài điều quan trọng.”

Xem nhẹ lời khen sẽ ảnh hưởng cực kỳ xấu đến lòng tự trọng và tự tôn của bạn. Lời khen ngợi là những món quà và bạn cần đón nhận nó hết lòng hết dạ bằng cách trả lời, “cảm ơn” đồng thời củng cố ý nghĩ rằng bạn đã làm rất tốt và xứng đáng được đề cao. Bên cạnh việc đón nhận, hãy cho đi những lời khen ngợi chân thành đến những người hiện diện trong cuộc đời bạn. Khi luyện được cách nhìn nhận và diễn tả những điểm tốt nơi người khác, bạn sẽ đối xử với bản thân theo cách tương tự. Tôi tập cho mình thói quen khen ngợi đồng nghiệp, nhân viên và các thành viên trong gia đình. Họ sẽ yêu mến bạn vì điều đó và thậm chí họ sẽ cố gắng để làm tốt hơn nữa.

3. Ghi lại những thành quả

Con người có xu hướng nhai đi nhai lại những lỗi lầm và thất bại trong quá khứ. Khi ấy họ quên đi thế mạnh và những thành tựu từng đạt được. Điều này khiến họ lúc nào cũng ưu phiền. Một số còn bị ảnh hưởng bởi quá trình giáo dục trong gia đình. Như tôi đã nói, phần lớn các bậc phụ huynh châu Á thường moi móc lỗi lầm hơn là khen ngợi con cái. Kết quả là ta mang theo thành kiến này khi bước sang giai đoạn trưởng thành.

Một cách hiệu quả để nuôi dưỡng lòng tự trọng là ghi lại những thành tựu của mình vào một quyển sổ tay. Tôi đã làm như thế từ năm 20 tuổi và vẫn cập nhật thường xuyên trong suốt 17 năm qua. Mỗi lần thêm được một thành công nào đó trong cuộc sống, bất kể về mặt sức khỏe, mối quan hệ, công việc hay tài chính, tôi đều viết vào đó. Tôi ghi lại những thành tựu to lớn và cả những thành quả nhỏ nhoi. Thành tựu lớn có thể là quyển sách bán chạy trên toàn quốc và thành quả nhỏ có thể là những khi tôi dành thời gian đọc truyện cho con gái lúc ở nhà.

Khi nhận được lời khen từ người khác, tôi viết điều họ nói vào quyển sổ. Thậm chí tôi còn viết cả tên người nói, thời gian và địa điểm. Bất cứ khi nào cảm thấy chán nản hoặc thất vọng, quyển sổ này sẽ nhắc tôi về những gì tuyệt vời tôi đã đạt được và lấy lại tinh thần bước tiếp.

Vì vậy, sau khi đọc hết chương này, bạn hãy mua một quyển sổ tay để viết nhật ký thành công. Để giúp bạn bắt đầu, tôi muốn bạn hãy liệt kê vào khoảng trống bên dưới những thành tích cá nhân mà bạn đạt được. Hãy nhớ rằng thành quả nào dù nhỏ hay lớn cũng đáng được nhắc tới. Tôi gộp tất cả vào mục sự nghiệp, gia đình, sức khỏe, tài chính… của bạn. Hãy điền tên bạn vào!

4. Đối xử tử tế với bản thân

Đối xử với bản thân y như cách bạn đối xử với một người mà bạn tôn trọng, ngưỡng mộ và yêu thương hết mực. Bạn sẽ không nói dối và thất hứa với người bạn thân nhất chứ? Vậy thì đừng thất hứa với chính mình.

Một số người hứa với lòng để rồi không giữ lời hết lần này sang lần khác. Họ tự hứa sẽ tập thể dục đều đặn nhưng không thực hiện được và lấp liếm bằng những lời biện hộ. Họ khiến bản thân mình thất vọng. Khi điều đó xảy ra ngày càng thường xuyên, ta sẽ mất niềm tin vào bản thân. Và đó là khi cuộc đời bạn bắt đầu xuống dốc. Hãy làm đúng những gì bạn cam kết. Nếu bạn nói rằng bạn sẽ làm một điều gì đó thì hãy thực hiện nó. Bạn sẽ yêu thương chính mình sau khi hoàn tất.

Đồng thời, hãy quan tâm đến bản thân mình. Ăn mặc tươm tất, ăn uống điều độ và tránh xa những thứ có thể hủy hoại thân thể bạn. Thật khó để yêu thương bản thân nếu bạn ăn mặc nhếch nhác và không bận tâm đến việc chăm sóc cơ thể. Chúng ta đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài và cách cư xử, chúng ta cũng làm vậy với bản thân mình.

5. Khen ngợi, yêu thương và động viên bản thân
Tất cả mọi người ai cũng mong được yêu thương và trân trọng. Khi chúng ta được tán tụng vì những thành quả đạt được, điều đó giúp nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin trong ta. Nó tiếp thêm nhiên liệu cảm xúc thúc đẩy ta vươn tới những thành công mới. Vậy thì tại sao ta không dành chút thời gian để yêu quý và khen ngợi bản thân?

Tôi biết là nghe có vẻ hơi lạ, nhưng phương pháp này vô cùng hiệu nghiệm. Một cách thực hiện là tự viết cho mình một bức thư. Một bức thư giống những gì bạn viết cho một người bạn tốt. Hãy mở đầu bằng “(tên của bạn) yêu quý,” và bắt đầu diễn tả tình yêu thương, sự trân trọng mà bạn dành cho chính mình.

Hãy diễn tả bạn đã tự hào như thế nào về những thành tựu đạt được, bạn cũng có thể hứa hẹn với bản thân. Luôn luôn kết thúc bức thư bằng câu “Tôi yêu quý bạn, (tên bạn)”. Tôi viết bức thư này lần đầu tiên khi tham dự khóa học phát triển bản thân nhiều năm về trước và theo tôi thấy thì phương pháp này cực kỳ hiệu quả. Trong khóa học, nhiều người xúc động đến phát khóc khi viết thư.

Dưới đây là bức thư mẫu gửi cho bản thân. Không có cách viết nào đúng hoặc là sai. Hãy viết từ trái tim và để cho tâm hồn tự do bay bổng. Bạn có thể bắt đầu bằng những câu sau: “Tôi tự hào về bạn vì…”, “Điều tôi mến mộ ở bạn là…”, và “Cảm ơn bạn vì…”. Nếu có những lỗi lầm mà bạn phạm phải trong quá khứ và cảm thấy hối tiếc, hãy thêm vào những câu như: “Tôi rất lấy làm tiếc vì…” hay “Hãy tha lỗi cho tôi vì…”

Victor yêu quý,

Có vẻ hơi lạ khi tôi gửi đến bạn lá thư này nhưng tôi nghĩ âu cũng là điều đáng để thử. Chúng ta đã ở bên nhau 25 năm nhưng chưa một lần tôi dành thời gian bày tỏ những suy nghĩ của tôi về bạn. Tôi thú nhận là đã có lúc tôi xem sự tồn tại của bạn là chuyện hiển nhiên.

Có rất nhiều thứ khiến tôi tự hào về bạn. Tôi khâm phục bạn đã học hành chăm chỉ và thi đậu vào một trong những trường đại học hàng đầu. Tôi tự hào về cách bạn làm việc cần mẫn và được đề bạt vào vị trí giám đốc trong công ty. Tôi ngưỡng mộ bạn vì bạn là một người cha có trách nhiệm.
Tôi yêu mến sự tử tế và tính hài hước của bạn. Cảm ơn bạn vì đã can đảm theo đuổi ước mơ mà không bao giờ cho phép người khác khiến bạn nản lòng thối chí. Tôi xin lỗi vì đôi lúc tôi lần lữa trì hoãn không hoàn thành những mục tiêu đã định. Hãy tha thứ cho tôi. Tôi hứa sẽ nâng bạn đứng lên khi bạn vấp ngã, động viên bạn khi bạn lười biếng. Tôi hứa rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ bước lên đỉnh thành công.

Tôi yêu quý bạn, Victor.

Bây giờ, tôi khuyến khích và thách thức bạn viết một bức thư cho bản thân. Hãy dành ra nửa tiếng đồng hồ để viết và tôi cam đoan bạn sẽ gặt hái những lợi ích to lớn.

Một phương pháp hiệu quả khác là nhìn vào gương và lặp đi lặp lại câu nói, “tôi yêu quý bạn”. Nghe hơi điên rồ nhưng hãy tin tôi, nó sẽ thổi bùng lên ngọn lửa tự trọng bên trong bạn. Hãy nhìn thẳng vào mắt mình và nói điều đó thật chân thành trong vòng năm phút liên tục. Bạn thậm chí có thể nói câu,“tôi yêu quý bạn vì…” Bạn đã sẵn sàng để thử chưa? Tôi biết rằng bạn đã sẵn sàng! Hãy làm ngay bây giờ và tôi sẽ gặp bạn ở chương sau.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.