Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống
Chương 18: Học cách biết ơn cuộc sống
Trong chương này, tôi sẽ tiết lộ với bạn một bí quyết giúp gia tăng niềm vui và hạnh phúc mà bạn trải nghiệm hàng ngày trong cuộc sống, đồng thời nó còn tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, giải tỏa căng thẳng và mang đến nguồn năng lượng dồi dào. Cuối cùng, phương pháp này còn đưa bạn lên nấc thang thành đạt và sung túc hơn.
Nghe hơi cường điệu nhưng điều này đã được chứng minh một cách khoa học. Đó không phải là thứ dược phẩm bạn phải mua, cũng không phải một buổi trị liệu hay khóa học về động lực bản thân mà bạn tham dự. Phương pháp ấy tồn tại ngay bên trong bạn. Đó chính là thái độ biết ơn. Lòng biết ơn đưa ta về với cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc chân thật và hữu ích nhất. Ở nơi ấy, ta bắt đầu chú trọng đến những điều tốt đẹp thay vì nhìn đâu cũng thấy xấu xa.
“Ta chỉ thật sự sống khi trái tim ta ý thức được những điều quý giá mình đang có.” Thornton Wilder
Lòng biết ơn giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc
Học cách biết ơn những gì mình có và luôn giữ thái độ ấy trong tâm trí giúp tăng cường sức khỏe về mặt thể chất lẫn tinh thần cho bạn. Nói cách khác, lòng biết ơn giúp bạn vừa hạnh phúc hơn vừa khỏe mạnh hơn.
Khi tập trung vào những phước lành, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc, mãn nguyện trong tâm tưởng. Nó không chỉ làm bạn vui vẻ hơn mà còn giúp cơ thể bạn mau chóng hồi phục sau tổn thương. Khi bạn ở trong trạng thái biết ơn, thùy não trước bên trái sẽ giải phóng các kích thích tố có lợi như Serotonin vào cơ thể. Serotonin là “hoóc- môn hạnh phúc” khiến bạn trở nên phấn chấn. Thứ “thuốc” tự nhiên này cải thiện sức khỏe thể chất của bạn bằng cách củng cố hệ miễn dịch và tác động tích cực đến hoạt động của tim, ổn định mạch và hệ thống hô hấp.
Nghiên cứu cho thấy việc dành ra 10 phút mỗi ngày để biết ơn cuộc sống có thể làm giảm đáng kể lượng kích thích tố có hại trong cơ thể như Cortisol và Norepinephrine. Hai hoóc- môn này được xem là tác nhân hủy hoại trung tâm ghi nhớ của não bộ và gây ra chứng đau đầu kinh niên, tính khí thất thường, căng thẳng và có thể dẫn đến suy tim.
Trong một Dự án nghiên cứu về lòng biết ơn, Tiến sĩ tâm lý học Robert Emmons thuộc Đại học California, Davis và Tiến sĩ Michael McCullough thuộc Đại học Miami phát hiện ra rằng những người thường xuyên ghi lại những gì họ biết ơn hàng tuần sẽ ít có nguy cơ đối mặt với những vấn đề trong sức khỏe, suy nghĩ lạc quan hơn và thường dễ đạt được những mục tiêu đề ra trong cuộc sống. Họ còn khám phá những ai mắc bệnh thần kinh cơ nếu thực hành phương pháp này mỗi ngày sẽ “tạo thêm năng lượng tích cực cho tinh thần,” kết nối với người khác tốt hơn và nhìn cuộc sống vui vẻ hơn so với nhóm đối chứng.
Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Martin Seligman thuộc Đại học Pennsylvania là một trong những nhà tâm lý học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20. Trên trang web Chiêm Nghiệm Về Hạnh Phúc của mình, ông đưa ra báo cáo là sau khi nhớ lại những điều may mắn mình nhận được trong một tuần, 92% đối tượng tham gia cảm thấy hạnh phúc hơn và 94% những người bị trầm cảm cảm thấy bớt phiền muộn hơn. Vậy có nghĩa là lòng biết ơn mang lại kết quả tương đương với những phương thuốc chống suy nhược và các liệu pháp chữa bệnh lâu dài. Nhưng trên hết, nó hoàn toàn miễn phí và không có tác dụng phụ.
Rèn luyện lòng biết ơn biến ta thành người tử tế hơn, rộng lượng hơn, vị tha hơn, bớt nhỏ nhen, đố kị, phẫn nộ hoặc tham lam. Hiệu ứng kết hợp của chúng sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và kéo dài tuổi thọ thêm 6- 7 năm, thậm chí còn hiệu quả hơn chế độ tập thể dục hay bỏ hút thuốc. Tất nhiên là ta nên kết hợp cả hai điều này nữa.
Lòng biết ơn mang đến cho bạn cuộc sống sung túc
“Sẽ chẳng có gì mới mẻ xảy đến trong cuộc đời bạn cho đến khi bạn biết ơn những gì mình đang có.”
Tiến sĩ Michael Beckwith, Trung tâm nghiên cứu tinh thần quốc tế Agape
Ngoài chuyện vui vẻ, hưng phấn và cải thiện sức khỏe, thái độ biết ơn còn mang đến cho bạn cuộc sống sung túc, đầy đủ. Bằng cách nào?
Mỗi suy nghĩ của chúng ta đều hàm chứa một nguồn lượng tử năng lượng rung động theo một tần số cụ thể. Những suy nghĩ tiêu cực, bi quan và buồn bã có tần số thấp hơn nhiều so với những suy nghĩ lạc quan, tích cực và hạnh phúc.
Theo thuyết cơ học lượng tử, mọi sự trong vũ trụ đều được cấu thành từ những nguyên tử xung động, suy nghĩ của chúng ta hấp dẫn và hình thành những cá nhân, sự vật và sự kiện mà ta trải nghiệm trong cuộc sống. Trong buổi hội thảo “Những Mô Thức Thành Công”, tôi đã minh họa cho khán thính giả thấy những suy nghĩ của con người thật sự chuyển động và tác động đến mọi người xung quanh.
Chúng ta có xu hướng thu hút những sự kiện và con người đáp ứng đúng tần số của các suy nghĩ đang chi phối ta. Nói đơn giản, nếu luôn suy nghĩ tích cực, vui vẻ và biết ơn, ta sẽ hấp dẫn thêm hạnh phúc, giàu có sung túc vào cuộc sống. Bạn sẽ có thêm những gì bạn tập trung khao khát. Đó là quy luật của vũ trụ. Tương tự, nếu bạn cứ chăm chăm nhìn vào những lỗi lầm và thiếu sót, những điều bạn không mong muốn sẽ thi nhau kéo đến.
Sức mạnh hủy diệt của thái độ vô ơn
Đáng buồn là nhiều người không hề biết ơn những gì họ có. Dù đang đứng ở vị trí nào hoặc đã đạt những thành tựu gì, họ chỉ toàn bận tâm đến những gì mình thiếu hoặc đi ngược lại trông đợi của họ. Kết quả là họ chưa bao giờ cảm thấy hài lòng về bản thân.
Thật điên rồ! Chẳng phải điều đó phá hủy toàn bộ mục đích sống và quá trình theo đuổi ước mơ của bạn sao? Chẳng phải mục tiêu tối thượng của chúng ta là trải nghiệm hạnh phúc tròn đầy của cuộc sống sao?
Chúng ta thường đọc về những ngôi sao hay CEO giàu có, những người xem ra có tất cả mọi thứ trên đời (tiền bạc, quyền lực, danh tiếng, mối quan hệ…) nhưng lại rơi vào tuyệt vọng, kéo theo những căn bệnh không thể coi thường như ung thư và suy tim. Nguyên nhân sâu xa nằm ở những suy nghĩ tiêu cực, nóng giận, lo lắng, vô vọng và bi quan kích hoạt vỏ não trước bên phải và nhấn chìm cơ thể bằng những kích thích tố căng thẳng, đè nặng tinh thần và làm suy giảm hệ miễn dịch.
Dù thành công đến mức nào, những người này luôn cảm thấy thiếu thốn và không biết tự hài lòng. Họ quay sang ma túy, rượu chè hoặc ăn uống vô độ để lấp đầy khoảng trống tinh thần, càng gây thêm bệnh tật về mặt thể chất lẫn trong tư tưởng.
Khi bạn không biết ơn những gì mình có, xem như bạn gửi ra vũ trụ thông điệp rằng bạn không xứng đáng có thêm những gì mà thế giới này trao tặng. Khi bạn chìm trong cảm giác tiêu cực về tinh thần và sức khỏe, bạn sẽ không còn đam mê và năng lượng để nhận biết và theo đuổi vô vàn cơ hội xung quanh.
“Lòng biết ơn mở ra cuộc sống viên mãn. Nó thêm vào những gì ta đang có, thậm chí còn hơn thế nữa. Nó biến sự chối bỏ thành chấp nhận, lặp lại trật tự những thứ đang hỗn loạn và làm rõ những băn khoăn… Nó biến khó khăn thành cơ hội, xoay chuyển thất bại để dẫn đến thành công, khiến những gì không mong đợi thành những khoảnh khắc hoàn hảo và biến sai lầm thành những sự kiện quan trọng. Thái độ biết ơn giúp bạn nhận ra ý nghĩa của quá khứ, mang bình yên đến hiện tại và cho bạn cái nhìn sáng sủa về tương lai.”
Melodie Beattie, tác giả quyển “Co-dependant No More”
Bạn nên biết ơn điều gì?
Một học viên khóa “Những Mô Thức Thành Công” của tôi từng trải qua thời điểm thật sự đen tối. Anh vừa tuyên bố phá sản (do không thể trả được khoản nợ chồng chất từ công việc kinh doanh thất bại) còn cuộc hôn nhân thì đã đến hồi kết thúc. Anh đang đứng trước nguy cơ mất quyền nuôi con và mất cả căn nhà. Có vẻ nhưng không có gì diễn ra suôn sẻ trong cuộc đời anh. Anh có cảm giác như cả thế giới đang chống lại mình.
Anh bày tỏ, “lòng biết ơn chỉ dành cho những ai đã có rất nhiều và muốn nhiều hơn nữa. Tôi phải biết ơn cái gì chứ, khi mọi thứ sụp đổ xung quanh tôi?” Đôi khi chúng ta phải đi qua những đoạn đường lầy lội ẩm ướt, dường như chẳng có gì để biết ơn cả.
Tuy nhiên, tôi tin rằng ngay cả khi mọi thứ bất công hay vô vọng thì vẫn còn nhiều phúc lành mà ta nên nghĩ đến. Tập trung vào những điều tốt đẹp biến nguồn năng lượng của ta từ tiêu cực thành tích cực và đó là bước đầu tiên ta phải thực hiện nếu muốn xoay chuyển tình thế. Khi chúng ta tập trung vào những gì mình có, thay vì những thứ mình không có, ta đang tạo ra sức mạnh và cảm hứng để biến thử thách thành cơ hội.
Trong suốt khóa học, tôi đề nghị người đàn ông này suy nghĩ và viết xuống những điều anh thấy biết ơn trong cuộc sống. Ban đầu, chuyện chẳng dễ dàng gì nhưng anh quyết định thử và nỗ lực nghĩ về những diễm phúc mình đang tận hưởng. Anh bắt đầu nhận ra những vì sao may mắn chiếu xuống cuộc đời mình. Anh có sức khỏe tốt, kiến thức rộng, nguồn năng lượng và kinh nghiệm để làm lại từ đầu. Anh có mạng lưới quan hệ rộng rãi, những người có thể giúp đỡ anh. Anh có hai đứa con thương yêu anh hết mực. Anh nhận ra mình có cơ hội tìm một người bạn đời khác thật sự yêu anh, cùng anh vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống.
Anh biết mình có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm với cộng sự trong quá khứ và tập trung gầy dựng công ty riêng. Dù bị phá sản tạm thời, nhưng danh tiếng nhờ tính trung thực và các mối quan hệ xã hội sẽ tạo điều kiện cho anh tìm nhà đầu tư mới cho dự án kinh doanh tiếp theo của mình.
Khi anh càng nghĩ nhiều về những điều tốt đẹp đang có, tôi có thể nhìn thấy sự hào hứng trào dâng trong anh một lần nữa. Nỗi sợ và chán nản bị đẩy lùi, nhường chỗ cho ngọn lửa của lòng nhiệt huyết. Đó chính là sức mạnh của thái độ biết ơn!
Nếu bạn đang đọc quyển sách này, bạn là người may mắn
Dù bạn đang trải qua điều gì ngay lúc này đây, tôi vẫn tin còn vô vàn thứ trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy biết ơn. Bạn đang đọc quyển sách này nghĩa là bạn sở hữu nguồn lực, nền giáo dục và sự tự do học hỏi, trau dồi bản thân. Bạn sống trong một đất nước cho phép bạn theo đuổi ước mơ mà không phải lo toan vất vả bữa đói bữa no. Riêng chuyện đó đã là điều tốt đẹp.
So sánh với phần còn lại của thế giới, ta sẽ nhận ra rằng những gì mình có giá trị hơn nhiều so với những gì mình không có. Theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới vào năm 2005, 1,37 tỷ người sống dưới mức 1,25 đô một ngày, 2,56 tỷ người sống dưới mức 2 đô một ngày. Chưa hết, 5,05 tỷ người (hơn 80% dân số thế giới) sống dưới mức 10 đô một ngày (300 đô một tháng). Nói cách khác, nếu bạn có thu nhập trên 300 đô một tháng, bạn đã thuộc vào nhóm 26% người may mắn nhất hành tinh!
Trò xổ số cuộc đời… bạn có dám thử lại không?
Vậy mà một số người vẫn cho rằng họ chẳng có gì nhiều để biết ơn cả. Họ than phiền mình không có đủ nguồn lực để thành công và giàu có như mong muốn. Họ thường rên rỉ, “phải chi tôi may mắn hơn, cuộc đời tôi sẽ xuôi chèo mát mái và tôi sẽ hạnh phúc hơn nhiều.” Nhiều người mộng tưởng về cái ngày họ trúng vé số độc đắc được một triệu đô để thay thời đổi vận.
Nhưng họ không nhận ra rằng, nếu họ đang thong thả ngồi đọc quyển sách này nghĩa là họ đã đủ may mắn để trở thành một trong số ít người chiến thắng trong trò may rủi lớn nhất… trò xổ số cuộc đời! Họ đã may mắn rút được “tấm vé tốt lành” để được sinh ra tại nơi họ đang sống.
Thử tưởng tượng nhé: 24 tiếng trước khi bạn khóc oe oe chào đời, Thượng đế đặt trước mặt bạn 100 chiếc vé. Bạn phải chọn ra một vé, nó sẽ quyết định giới tính, nơi bạn sinh ra, mức độ giàu có, trí thông minh, v.v… của bạn. Vậy thì xác suất để bạn có được những thứ mà bạn đang có ngày hôm nay là bao nhiêu?
Hãy xem xét những con số sau. Nếu thu nhỏ toàn bộ dân số thế giới lại thành 100 người (tượng trưng cho 100 chiếc vé), theo tỷ lệ tương ứng ta sẽ có:
49 người là phụ nữ. 51 người là đàn ông.
80 người ở những nơi tồi tàn. Chỉ có 20 người có nơi ở chấp nhận được.
67 người mù chữ. Chỉ có 33 người biết đọc biết viết.
1 người học tới bậc đại học. 99 người còn lại thì không.
50 người sống trong tình trạng thiếu dinh dưỡng và 1 người bị chết đói.
33 người không có nước sạch để dùng.
Chỉ có 16 người truy cập được Internet.
Chỉ có 17 người sống ở những nước phát triển.
83 người là công dân của các nước chậm phát triển hoặc đang phát triển.
Nếu bạn được quay ngược lại thời gian trở về thời điểm 24 giờ trước khi sinh ra, bạn có lựa chọn trả lại chiếc vé hiện tại và rút chiếc vé mới trong số 100 chiếc vé không? Nếu không, hãy biết ơn vì bạn là một trong những người thắng lớn trong trò chơi xổ số cuộc đời.
Hãy biết ơn tài sản quý giá nhất mà bạn vẫn còn: thời gian
Một trong những điều chúng ta nên trân trọng nhất chính là khoảng thời gian ta còn để theo đuổi ước mơ và ở bên cạnh những người ta yêu thương. Chẳng hề gì nếu bạn từng thất bại nhiều lần trong quá khứ, bạn luôn có cơ hội đứng dậy và bước vào vũ đài cuộc sống để thi đấu lại một lần nữa. Chừng nào tiếng chuông kết trận chưa rung lên nghĩa là mọi thứ vẫn chưa đến hồi kết thúc, mỗi ngày mới là một vận hội mới. Nếu ta không trân trọng khoảng thời gian mình có thì ta sẽ có khuynh hướng lãng phí nó.
Để thấu hiểu giá trị của thời gian bạn còn trên mặt đất, tôi muốn hỏi bạn một câu…
Bạn sẽ bán 10 năm cuộc đời mình với giá bao nhiêu?
Bạn sẽ ra giá bao nhiêu nếu có ai đó bước đến đề nghị bạn bán 10 năm cuộc đời mình? Ví dụ bạn đòi 1 triệu đô, bạn sẽ nhận số tiền mặt “nóng hổi” ngay lập tức và mất đi 10 năm cuộc sống. Vậy thì nếu hiện tại bạn 20 tuổi, trong chớp mắt bạn sẽ thành 30. Nếu bạn đang 30, bạn sẽ thấy mình 40 tuổi trong tích tắc, và cứ như vậy.
Bạn nghĩ giá bao nhiêu thì đủ? Hãy cân nhắc về điều này. Bạn không được phép nói rằng, “tôi không bán” hoặc “vô giá”. Bạn bắt buộc phải định giá.
Hãy viết con số ấy vào đây….. Hầu hết những người tôi biết khi được hỏi đều đưa
ra con số khổng lồ. Một người bạn của tôi nói, “10 triệu đô cho 10 năm cuộc đời tôi”. Vậy nếu chúng ta định giá cuộc đời mình cao như vậy, chúng ta có đang quý trọng nó không? Chúng ta có đang biết ơn cuộc sống không?
Trong trường hợp anh bạn tôi sẵn sàng lấy 10 triệu đô và chấp nhận mất đi 10 năm, tương đương với một triệu đô mỗi năm, vị chi 2.739 đô mỗi ngày. Chia nhỏ xuống là 114 đô mỗi giờ và 1,90 đô mỗi phút. Hãy làm phép toán cho câu trả lời của riêng bạn. Tôi dám cá con số ấy không hề nhỏ.
Vậy câu hỏi ở đây là gì, “bạn có đang sống từng giờ như thể nó đáng giá 114 đô không?” Ý tôi không phải là bạn lúc nào cũng chăm chăm lo kiếm tiền. Tôi muốn hỏi liệu bạn đã sống xứng đáng với từng giờ, từng phút quý giá của cuộc đời mình chưa?
Bạn có tận hưởng hành trình cuộc sống không? Bạn có cho phép bản thân mình hạnh phúc hay cứ mãi bực tức vì những điều nhỏ nhặt? Bạn có yêu thương những người xung quanh và đón nhận tình thương yêu của họ không? Bạn có quý trọng từng giờ phút còn sống một cách trọn vẹn hay để nó trôi qua hoang phí?
Dù muốn dù không, bạn vẫn phải bán
Bạn cứ nghĩ đi, dù muốn dù không, bạn buộc phải bán đi 10 năm (và nhiều hơn) cuộc đời mình. Một ngày trôi qua là một ngày bạn đã bán. Một giờ trôi qua là một giờ ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Vì vậy, trước khi bước sang ngày mới, hãy nghĩ về cái giá khiến bạn vui vẻ chấp nhận, biết ơn vì điều đó và sống xứng đáng với số tiền này!
Bí quyết luyện tập thái độ biết ơn mỗi ngày
Là con người, chúng ta hay xem thường những gì mình nắm giữ trong tay. Đó là lý do vì sao ta phải ý thức rèn luyện cho bộ não biết cách hàm ơn những điều cơ bản nhất trong cuộc sống. Ta phải biến nó thành thói quen, thành thái độ sống. Đây chính là chìa khóa mở ra hạnh phúc và năng lượng hấp dẫn những điều tích cực. Sau đây là bốn bí quyết nuôi dưỡng lòng biết ơn.
Bí quyết 1: Dành ra 10 phút mỗi ngày để biết ơn
Bạn có muốn bắt đầu ngày mới bằng tâm trạng vui vẻ lạc quan không? Bạn có muốn định hướng tư tưởng để hấp dẫn vô vàn cơ hội mới trong ngày không?
Một trong những bài tập hiệu quả nhất mà tôi thực hành mỗi sáng là “nghi thức biết ơn” kéo dài 10 phút. Tôi nhắm mắt lại, tịnh tâm, hít thở thật sâu và chậm.
Tôi tự hỏi, “ngay lúc này đây mình thấy biết ơn cuộc sống vì điều gì?” “Cuộc sống của mình tốt đẹp ra sao?”“Hôm nay mình có thể trông đợi điều gì?”
Trong lúc mường tượng những điều đó trong tâm trí, tôi lặp đi lặp lại câu, “cảm ơn cuộc sống”. Tôi hình dung gia đình tôi, những đứa con, thân thể khỏe mạnh của tôi, những người bạn và hình ảnh tôi được làm công việc yêu thích mỗi ngày. Tôi nhắc đi nhắc lại câu nói đó cho đến khi tôi cảm nhận được sự ấm áp và lòng biết ơn dâng trào. Bạn sẽ không thể tin nổi bài tập đơn giản này lại hữu ích đến mức nào đâu! Nó hoàn toàn có thể thay đổi cuộc đời bạn.
Bí quyết 2: Viết nhật ký biết ơn
Vào mỗi chủ nhật (hoặc bất kỳ ngày nào trong tuần mà bạn chọn), hãy viết về những điều tốt đẹp đã xảy đến với bạn và những gì bạn nhận được trong tuần qua.
Tôi thường viết về những người mà tôi diễm phúc được gặp và làm việc cùng. Tôi viết về những cái ôm, những lời ngợi khen và những nụ hôn tôi nhận được từ người thân yêu. Tôi viết về bữa ăn mà tôi may mắn được thưởng thức. Thậm chí tôi còn viết về những buổi bình minh ngập nắng đánh thức tôi dậy mỗi ngày.
Mỗi khi tâm trạng buồn bã, tôi mở quyển nhật ký ra và hướng tâm trí mình vào những điều hạnh phúc. Việc làm này giúp tái tạo nguồn năng lượng và cảm xúc trong tôi, để tôi vững vàng bước tiếp.
Hãy tạo cho mình một quyển nhật ký lòng biết ơn (bạn có thể kết hợp với quyển nhật ký thành công, không sao cả) và bắt đầu lấp đầy các trang mỗi tuần. Hãy hành động ngay bây giờ bằng cách viết ra 20 điều bạn trân trọng nhất trong cuộc đời mình.
20 điều tôi cảm thấy biết ơn trong cuộc sống là…
Bí quyết 3: Lập bảng cân đối những gì cho đi – nhận lại
Một phương pháp có tác động mạnh đến quá trình bồi đắp lòng biết ơn là tập trung vào những điều thật sự xảy ra trong cuộc sống của chính mình, và ghi lại những gì ta nhận được từ thế giới (hay xã hội) tương ứng với những gì ta cho đi. Phương pháp này thật sự làm mọi thứ trở nên rõ ràng hơn.
Hãy bắt đầu bằng cách tự vấn bản thân hai câu hỏi sau vào cuối ngày:
Hôm nay tôi đã nhận được gì?
Hôm nay tôi đã cho đi điều gì?
Liệt kê tất cả những gì bạn nhận được vào một cột và những gì bạn cho đi vào cột còn lại. Hãy kể ra những gì hữu hình lẫn trừu tượng. Thậm chí dù bạn có phải trả tiền cho những gì bạn nhận được, hãy cứ viết xuống. Ví dụ những điều tôi nhận được ngày hôm nay là: “cái ôm của bọn trẻ”, “nụ cười của khách hàng”, “được phục vụ chu đáo tại nhà hàng”, “bữa ăn do chính tay vợ tôi nấu”, “thời tiết thật đẹp”, v.v… Còn đây là những điều tôi đã cho đi: “cuộc nói chuyện truyền cảm hứng với hơn 100 khán giả”, “lời khuyên cho một người bạn”, “ lời khen dành cho vợ”, “đọc truyện cho con nghe”, v.v… Bạn hiểu ý tôi rồi chứ?
Hãy làm ngay bây giờ. Nếu vẫn chưa hết ngày, hãy viết những điều bạn đã cho đi và nhận lại trong ngày hôm qua.
Lần nào làm bài tập này tôi cũng thấy cột cho đi luôn ngắn hơn nhiều so với cột nhận được.
Khi bạn nhận thức được mình nhận lại quá nhiều so với những gì cho đi, điều đó không chỉ nuôi dưỡng lòng biết ơn trong bạn mà thường nó còn khiến bạn mong muốn cho đi nhiều hơn. Và hãy nhớ câu: “Cho đi hạnh phúc hơn nhiều so với nhận lại.”
Bí quyết 4: Thực hiện cuộc gặp gỡ của lòng biết ơn
Tại Đại học Pennsylvania, Tiến sĩ tâm lý học Martin Seligman có dạy một khóa về tâm lý học tích cực. Ông giao cho sinh viên một bài tập trong đó họ phải lên kế hoạch và thực hiện “Cuộc gặp gỡ của lòng biết ơn.” Nhiều sinh viên đã báo cáo lại rằng đây là một trong những trải nghiệm ý nghĩa nhất đời họ.
Một “Cuộc gặp gỡ của lòng biết ơn” cũng chính là điều tôi muốn bạn làm. Sau đây là cách thực hiện: chọn ra một người cực kỳ quan trọng với bạn trong quá khứ, người đã tạo ra những chuyển biến tích cực lớn lao trong cuộc đời bạn mà bạn vẫn chưa một lần thật sự bày tỏ lòng biết ơn với người ấy.
Viết từ 1-2 trang thể hiện lòng biết ơn đối với những gì người ấy mang đến cho bạn. Viết về tất cả những gì bạn học được từ họ. Hãy dành thời gian để làm điều này.
Mời người đó ra ngoài ăn trưa, hoặc đến nhà người đó. Điều quan trọng là bạn phải gặp người đó trực tiếp, không phải chỉ viết thư hay gọi điện. Đừng nói trước với họ về mục đích của cuộc gặp mặt. Hãy làm cho họ ngạc nhiên. Khi bạn gặp mặt, nhìn vào mắt người đó, đọc chậm rãi những gì bạn viết. Để cho người đối diện có thời gian phản hồi.
Nghe có vẻ là một thách thức vô cùng lớn nhưng hãy nhớ, mỗi khi nỗ lực vượt lên chính mình, ta sẽ trưởng thành thêm một chút. Vì vậy, nếu bạn nghĩ mình không làm được, bạn càng phải làm. Đó là thử thách cuối cùng tôi dành cho bạn ở chương này.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.