Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống
Chương 19: Chìa khóa mở ra hạnh phúc dài lâu
Ai cũng có những ước mơ và khát khao mà mình theo đuổi cả đời không mệt mỏi. Chúng ta học hành chăm chỉ để lấy bằng cử nhân, làm công việc mơ ước, thăng quan tiến chức, giành giải thưởng, kiếm thật nhiều tiền, kết hôn với người trong mộng, nuôi dưỡng con thành tài hoặc xây được căn nhà như ý.
Hành trình bất tận đi tìm hạnh phúc
Quyết tâm theo đuổi mục tiêu là tốt, nhưng ngẫm lại, chúng ta làm tất cả điều đó vì lẽ gì? Chẳng phải mục đích sau cùng là mưu cầu hạnh phúc sao? Để sống một cuộc đời viên mãn? Chúng ta đều tin một điều rằng càng đạt nhiều thành quả, đời ta càng hạnh phúc.
Chuyện điên rồ là tôi biết nhiều người không bao giờ hài lòng với những gì mình sở hữu hoặc đạt được. Thật ra họ cũng vui một thời gian, nhưng rồi không chóng thì chầy họ lại kêu ca phàn nàn về một chuyện khác.
Phần lớn mọi người tin rằng cuộc hôn nhân với người yêu lý tưởng sẽ đi đến kết cục hạnh phúc vĩnh hằng. Nhưng chẳng bao lâu sau khi kết hôn, lửa tình lụi tàn. Rồi có những người làm việc cật lực để được đề bạt với niềm tin rằng chiếc ghế quản lý cấp cao sẽ khiến họ mãn nguyện. Tuy nhiên, ngay sau bữa tiệc ăn mừng, niềm hứng khởi ban đầu biến mất, chỉ còn lại sự căng thẳng và mệt mỏi do áp lực công việc và trách nhiệm mới gia tăng.
Tôi còn biết chủ sở hữu của những dinh cơ trị giá hàng triệu đô, nắm trong tay nhiều doanh nghiệp hàng đầu, tận hưởng cuộc sống gia đình hạnh phúc, bao nhiêu người hâm mộ vây quanh… vậy mà họ không thấy thỏa mãn. Họ vẫn thấy cuộc sống còn thiếu điều gì đó. Một vài người thậm chí rơi vào trầm cảm.
Mỗi lần có thêm thành tựu mới, nó mang đến cho họ cảm giác tuyệt vời nhưng ngắn ngủi. Sớm quay lại tâm trạng chán chường, và để có được niềm vui chiến thắng lần nữa, họ lại nỗ lực chinh phục những mục tiêu cao hơn… Nhưng hạnh phúc sao mà yểu mệnh!
Sống không niềm vui là trọn đời thất bại
Tôi tin việc chúng ta trở nên nổi tiếng, thành công hay tiền tài dư giả đều vô nghĩa nếu trong thâm tâm ta không cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày ta sống.
Theo quan niệm cá nhân tôi, những ai có tất cả mọi thứ nhưng không thật sự hạnh phúc thì buồn thay, họ chẳng khác chi kẻ thất bại. Bạn phải hạnh phúc để thành công thực thụ. Hãy hình dung về một cuộc sống an nhiên tự tại, ý nghĩa với những niềm vui bất ngờ. Cuộc sống như thế chẳng phải viên mãn quá sao? Được vậy thì sáng nào bạn cũng hào hứng nhảy ra khỏi giường tận hưởng từng phút giây được sống, đúng không?
Thế thì tại sao đối với nhiều người, cảm giác hạnh phúc từ bên trong mà ta còn gọi là “hài lòng”lại khó khăn đến vậy? Chẳng lẽ hạnh phúc sâu lắng chỉ là một ảo tưởng mà ta không bao giờ với tới được? Hay chỉ là chuyện viễn vông? Câu trả lời là KHÔNG.
Ai cũng có cơ hội nếm trải cảm giác tuyệt vời này, với tên gọi hạnh phúc, một cách thường xuyên. Và chúng ta xứng đáng có được điều đó. Trong chương này, bạn sẽ khám phá bí mật hạnh phúc dài lâu.
Hạnh phúc nảy mầm từ bên trong bạn
Nếu bạn muốn học cách giữ cho ngọn lửa hạnh phúc cháy mãi, điều đầu tiên bạn phải biết rằng hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc do chính hệ thần kinh mỗi người tạo nên. Não bộ tiết ra những chất xúc tác làm ta phấn chấn, thậm chí thấy đời sao quá đẹp!
Tuy nhiên, đa số có thói quen cho rằng thành công về mặt vật chất là cội nguồn hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng việc mua “xe”, có “tiền” hoặc chính “người ấy” LÀM ta hạnh phúc… Tất cả chỉ là ảo tưởng. Giống như trường hợp năm giác quan giới hạn của con người khiến ta có cảm giác Trái đất này phẳng và đứng yên một chỗ. Nhưng ta biết đó không phải là sự thật. Thực tế là Trái đất tròn và quay với vận tốc 1669,8 km/h.
Tương tự, khi nhận được nụ hôn nồng nàn từ người mình yêu, bạn sẽ cực kỳ sung sướng thậm chí hưng phấn mãnh liệt. Có vẻ như con người ấy hoặc nụ hôn ấy mang đến cho bạn cảm giác tích cực này. Nhưng có phải các phân tử hạnh phúc truyền từ môi của người yêu sang cơ thể bạn và tạo ra cảm xúc ấy không? Dĩ nhiên là không. Cảm giác tuyệt vời ấy xuất phát từ bên trong bạn. Cũng như nước mắt tự dưng chảy ra khi bạn xúc động… thì đó là lúc bạn bị tác động về mặt cảm xúc.
“Quy luật tâm trí” định hình hạnh phúc của ta
Bạn hãy nhớ lại phút giây hạnh phúc tột cùng trong đời mình. Đó là lúc bạn tốt nghiệp đại học? Hay khi người bạn cầu hôn trả lời “em đồng ý”? Hay thời điểm bạn chốt được hợp đồng trị giá hàng triệu đô hoặc ngồi vào chiếc ghế mà bấy lâu nay bạn hằng ao ước?
Vào thời khắc bạn muốn nhảy cẫng lên vì vui sướng, điều gì mang lại cho bạn cảm giác tuyệt vời đó? Có phải chính là bản thân bạn không? Chúng ta có khả năng trải nghiệm hạnh phúc bất cứ khi nào ta muốn. Nó luôn ngủ vùi trong ta, chỉ chờ được đánh thức mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên trong tâm trí, ta tự đặt ra những ĐIỀU KIỆN “cần và đủ” để cảm thấy hạnh phúc. Thứ luật lệ này ăn sâu vào tiềm thức và chỉ định cho não bộ khi nào thì giải phóng trạng thái cảm xúc này. Và bởi mỗi người có những quy định khác nhau nên những gì mang đến hạnh phúc cho người này có thể chẳng làm người khác mảy may rung động.
Nếu… thì tôi mới thấy hạnh phúc
Một ví dụ của chính bản thân tôi: vài năm trước tôi dắt vợ và hai con đi du lịch Đài Loan. Hai bé gái vô cùng phấn khích khiến vợ chồng tôi cũng vui lây vì mấy khi cả nhà được đi chơi với nhau, lịch làm việc của tôi cứ dày đặc.
Lịch trình diễn ra như dự kiến, gia đình tôi cùng một gia đình nữa (anh chồng luật sư cùng vợ và các con) được xe du lịch chở đi tham quan đây đó. Mọi thứ đang suôn sẻ thì đến ngày thứ hai, một cơn bão nhỏ quét ngang qua thành phố gây mưa to và ngập lụt. Hậu quả là chúng tôi kẹt cứng hàng giờ trong xe vì giao thông ùn tắc, thay vì được tham quan 8 điểm thì chỉ còn thời gian đi 5 chỗ mà thôi. Đêm cuối cùng, theo lịch chúng tôi sẽ về khách sạn năm sao để nghỉ ngơi. Nhưng trời đã tối mà chúng tôi vẫn còn trên đường quốc lộ, cách xa trung tâm thành phố. Vì vậy, hướng dẫn viên quyết định dừng xe và tấp vào một nhà nghỉ ven đường cho khách trú chân. Thế là vợ chồng anh luật sư kia nổi đóa. Họ thất vọng cùng cực vì phải ở trong thứ nhà nghỉ rẻ tiền thay vì khu nghỉ dưỡng sang trọng theo kế hoạch. Anh luật sư trút hết mọi bực dọc lên người hướng dẫn viên và tuyên bố chuyến đi này đúng là thảm họa.
Thật ra tôi để ý thấy họ thường khó chịu vì chuyện này chuyện kia trong suốt cuộc hành trình. Họ bực tức vì mất 3 điểm tham quan. Anh chồng trách vợ không chịu xem dự báo thời tiết trước khi đi du lịch. Giận cá chém thớt, cô vợ không ngừng mắng nhiếc các con vì tội ồn ào. Đúng là khổ cả nhà!
Và đây mới là phần thú vị của câu chuyện. Gia đình tôi đã có khoảng thời gian bên nhau thật tuyệt và các con tôi thì vui vẻ từ đầu chí cuối. Đối với vợ chồng tôi, đặt chân đến tất cả các điểm tham quan không hề quan trọng. Cái chính là cả nhà đi nghỉ cùng nhau.
Thật ra thì vài kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi là khi ngồi trên xe. Cả nhà tôi chơi trò chơi, hát hò, hai đứa con tôi còn biểu diễn màn nhảy nhót cho bố mẹ xem. Dừng chân ở nhà nghỉ tồi tàn miền quê này cũng vui không kém, họ nuôi bao nhiêu là gia súc. Hai con tôi sướng rơn vì được chơi đùa với chúng và cho chúng ăn. Gia đình tôi thấy thế còn thích hơn ở trong khách sạn trung tâm thành phố, cái nào cũng như cái nấy.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là cùng một kỳ nghỉ mà gia đình này thì tận hưởng hết mình, trong khi gia đình kia thì khổ sở chịu đựng. Sao lại khác biệt đến thế? Là bởi điều kiện mang đến cảm giác hạnh phúc của hai nhà không giống nhau. Rõ ràng là đối với anh luật sư, “nếu chuyến đi diễn ra y hệt như những gì đã định, tôi sẽ thấy vui ”hoặc“ nếu chuyến đi đáng đồng tiền bát gạo, tôi sẽ thấy vui”. Và hiển nhiên là ngay khi mọi chuyện đi ngược lại kế hoạch từ trước, anh ấy thất vọng tràn trề khiến cả nhà anh chẳng ai vui nổi.
Tôi và vợ thì vẫn vui bởi quan niệm hạnh phúc của chúng tôi hoàn toàn khác. Mục tiêu của tôi là dành thời gian chất lượng bên gia đình nên điều kiện của tôi là “nếu cả nhà được đi nghỉ cùng nhau, tôi sẽ thấy vui”. Vì vậy, ăn ngủ chơi ở đâu không quan trọng, miễn cả nhà bên nhau là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi!
Tôi xin nhắc lại, những gì diễn ra trong cuộc sống không phải là nguồn gốc thật sự của hạnh phúc. Hạnh phúc hay không, tất cả nằm ở những quy luật về hạnh phúc trong tâm trí mỗi người.
Nếu bạn không hạnh phúc… thì đây là lý do!
Một số người dường như không bao giờ hạnh phúc nổi dù họ đạt được bao nhiêu thành tựu chăng nữa, đơn giản là vì những điều kiện họ tự đặt ra cho chính mình.
Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là một nữ doanh nhân tuổi trung niên từng tham dự khóa “Những Mô Thức Thành Công” của tôi. Theo tiêu chuẩn của số đông thì cô là người cực kỳ thành đạt. Ở tuổi 44, cô điều hành một doanh nghiệp trị giá 10 triệu đô, đã lập gia đình và có 2 con tuổi teen đang theo học ở những ngôi trường hàng đầu. Trên hết, cô có ngoại hình rất ưa nhìn. Một điều khác cũng dễ nhận thấy là cô luôn gắt gỏng, khó chịu và hay nổi nóng. Lúc nào khuôn mặt cô cũng căng thẳng, và khi có chuyện không vừa ý, ngay lập tức cô tỏ rõ vẻ bực bội và lên cơn thịnh nộ.
Khi được hỏi lý do tại sao cô tham dự khóa học, cô chia sẻ với cả lớp rằng cô luôn căng thẳng, lo lắng và phiền muộn trong mọi thời điểm. Đến nỗi cô phải dùng thuốc an thần để thư giãn và chợp mắt hàng đêm. Cô đăng ký khóa học này bởi cô không hiểu nổi tại sao mình không hạnh phúc. Cô không cảm thấy mãn nguyện với những gì mình đang có.
Trong một buổi huấn luyện, tôi hỏi cô, “chị có thường thấy hạnh phúc không?” Cô đáp, “không thường xuyên lắm”. Tôi lại hỏi: “Điều gì khiến chị hạnh phúc?” Suy nghĩ một lát, cô trả lời:
Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mọi chuyện diễn ra theo kế hoạch.
Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mọi chuyện đúng như tôi mong đợi.
Tôi cảm thấy hạnh phúc khi chuyện làm ăn, cuộc sống gia đình và cá nhân đều suôn sẻ.
Sau khi phân tích những điều kiện trên, không có gì ngạc nhiên khi cô khó mà cảm thấy hạnh phúc. Những quy định này khiến cô không thể nào thường xuyên hạnh phúc được. Trên thực tế, mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như kế hoạch. Vấn đề nảy sinh, khó khăn tồn tại. Nhờ vậy mà ta trưởng thành hơn và học hỏi nhiều hơn. Nhưng nếu 90% thời gian chúng ta cảm thấy buồn phiền ảo não, thì chúng ta chẳng rút ra được bài học nào cả.
Nữ doanh nhân này đạt được những thành công nhất định nhưng cô không cho phép bản thân mình tận hưởng. Cô có tất cả nhưng lại mất phần quan trọng nhất mà cô xứng đáng có được: cảm giác hạnh phúc.
Một khi cô nhận ra những điều kiện đã ăn sâu vào tiềm thức này chính là kẻ cắp hạnh phúc của mình, thông qua khóa học, chúng tôi giúp cô điều chỉnh quy luật để cảm thấy hạnh phúc hơn.
Bước ra khỏi khóa học, mọi người có thể nhìn thấy khuôn mặt cô rạng ngời và cô bắt đầu hít thở khác đi. Cô nói rằng cô cảm thấy thật nhẹ nhàng bay bổng, như thể mọi gánh nặng trên vai đã được dỡ bỏ.
Ở phần tiếp theo của chương này, tôi sẽ chia sẻ với bạn cách thức thay đổi điều kiện hạnh phúc để bạn cũng có thể vui vẻ nhiều hơn và hóa giải mọi “trắc trở” ngáng đường cản lối một cách bình yên trong tâm trí.
Hãy cho phép bản thân mình hạnh phúc!
Cách dễ nhất để hạnh phúc là ở bên cạnh những người lạc quan, tỏa năng lượng tích cực và lúc nào cũng vui vẻ. Đó là những người thật sự tận hưởng và sống mỗi ngày thật ý nghĩa và trọn vẹn. Khi có những người như vậy ở chung quanh, họ sẽ khiến bạn vui lây.
Người ta có xu hướng bị thu hút bởi những người “vô tư” vì họ thường có khiếu hài hước hấp dẫn. Quan trọng hơn cả, họ biết cách tự trào và làm cho mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn. Phải chăng họ may mắn hơn bạn? Không hề, cuộc sống chẳng hề thiên vị họ đâu. Cũng không phải họ ít chuyện để lo hơn người khác. Điểm khác biệt lớn nhất chính là họ cho phép bản thân mình hạnh phúc, bất chấp mọi thứ đang diễn ra.
Một người bạn làm ăn của tôi, Richard, là ví dụ điển hình. Anh luôn tìm thấy được điều gì đó để cười vui. Lúc nào anh cũng vui tươi. Thậm chí trong những ngày đen tối nhất khi công ty anh bị phá sản còn anh chống chọi với căn bệnh ung thư, anh vẫn giữ được nụ cười trên môi và khuôn mặt luôn tỏa sáng mỗi khi nói về tương lai.
“Làm sao anh vẫn có thể vui vẻ trong hoàn cảnh này?”, tôi hỏi. Anh đáp: “Cuộc sống vốn đã khắc nghiệt lắm rồi! Sao ta lại tự làm mình thêm khổ? Nếu anh có thể cảm thấy vui vẻ, anh đã nắm được một nửa phần thắng trong cuộc chiến.”
Richard biết rằng trong cuộc sống, công việc kinh doanh và các mối quan hệ, ngay cả kế hoạch chu đáo nhất cũng có thể đi lệch hướng. Lúc nào cũng tồn tại những “ngọn núi” hiểm trở mà bạn phải chinh phục. “Vì vậy, mỗi ngày tôi chỉ cho phép bản thân buồn phiền tối đa 15 phút. Phần thời gian còn lại, tôi chọn cách sống lạc quan,” anh nói.
Khi ở trong trạng thái vui vẻ, bạn có xu hướng quyết định sáng suốt hơn so với khi bạn rơi vào trạng thái tồi tệ. Chính quan điểm tích cực và lòng nhiệt huyết đã giúp Richard gây dựng lại cơ đồ và vượt qua căn bệnh.
Hãy nhớ, mỗi khi vui vẻ là bạn đang phóng thích những kích thích tố có lợi giúp cơ thể hồi phục. Điều ngược lại xảy ra khi bạn rơi vào tình trạng nóng giận hoặc căng thẳng triền miên. Tôi nhận ra Richard có một nguyên tắc: “Ngày nào tôi còn sống để chiến đấu thì tôi vẫn còn may mắn… như thế là tôi hạnh phúc.” Với suy nghĩ như thế, giữ cho tâm hồn vui vẻ chẳng có gì khó với anh. Vậy sao bạn không tự tặng mình món quà hạnh phúc?
Thành công để hạnh phúc hay hạnh phúc để thành công?
Trước đây tôi nghĩ nếu mình gặt hái được điều gì đó đáng kể thì khi ấy mình mới hạnh phúc. “Chừng nào mua được căn nhà mơ ước, mình sẽ hạnh phúc.” ”Khi nào kiếm được một triệu đô, mình sẽ hạnh phúc.” ”Khi nào đủ tiền mua chiếc xe hằng ao ước, mình sẽ hạnh phúc.”
Bạn có biết những điều kiện ấy gây ra điều gì không? 99% thời gian tôi không cảm thấy hạnh phúc trong quá trình theo đuổi những mục tiêu đó. Tôi căng thẳng và dễ nản lòng. Rồi khi tôi kiếm được 1 triệu đô đầu tiên và sắm được căn nhà như ý, cảm giác hạnh phúc ấy chẳng tày gang.
Tôi từng cho rằng đây là cách sống lý tưởng. Tôi có tiền, có một tổ ấm nhưng sâu thẳm trong lòng, tôi không hạnh phúc. Tôi luôn bồn chồn không yên. Tôi cảm thấy mình phải có nhiều hơn nữa để luôn hạnh phúc.
Cuối cùng tôi nhận ra rằng cách sống tốt nhất không phải thành công để hạnh phúc, mà là HẠNH PHÚC ĐỂ THÀNH CÔNG. Tôi học cách tận hưởng từng khoảnh khắc trong quá trình tranh đấu, khi thuận lợi lẫn gian khó. Mỗi ngày tôi sống thật vui vẻ cùng lúc theo đuổi mục tiêu của mình. Và tôi nên hạnh phúc trong 99% thời gian mình sống.
Ban đầu tôi sợ nếu đầu óc lúc nào cũng vui vẻ thỏa mãn dễ dàng thì tôi sẽ mất đi động lực phấn đấu. Nhưng tôi đã sai. Khi mang trong lòng tâm trạng hạnh phúc khi phải đương đầu với những thử thách trong công việc và gia đình, tôi bắt đầu quyết định đúng đắn hơn. Thậm chí tôi còn có động lực hơn khi thức dậy vào mỗi buổi sáng và đạt được thành quả tốt hơn. Điều đáng nói nhất là bây giờ tôi biết tận hưởng cuộc hành trình.
Sáu cách gia tăng mức độ hạnh phúc trong tâm hồn bạn
Tôi hy vọng là bạn đã nắm rõ tầm quan trọng của việc hạnh phúc mỗi ngày, trong suốt quá trình chinh phục mục tiêu chứ không phải khi nắm được kết quả trong tay. Nếu bạn muốn học cách sống hạnh phúc, bạn phải chịu khó rèn luyện tâm trí. Để tôi bày cho bạn sáu phương pháp sau.
1) Nhận thức hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc
Bạn nên ý thức một điều rằng hạnh phúc là một trạng thái trong tâm trí. Việc sở hữu vật chất và các sự kiện cụ thể không phải là nguyên nhân sâu xa mang lại hạnh phúc. Cảm xúc xuất phát từ bên trong bạn. Bạn không nhất thiết phải có cái này cái kia thì mới thấy mình hạnh phúc. Thay vào đó, bạn lựa chọn cảm giác hạnh phúc.
Bạn có thể đưa mình vào trạng thái hạnh phúc ngay lập tức nếu muốn. Đó là quyết định của bạn. Cảm xúc phụ thuộc vào những gì chúng ta tập trung tại thời điểm đó. Để hạnh phúc, bạn chỉ cần hướng tâm trí vào những điều tuyệt vời trong cuộc đời mình. Nghĩ đến những điều tốt đẹp bạn có: sức khỏe cường tráng, sống trong một đất nước tự do, những người yêu thương bạn, v.v… Nghĩ về những gì bạn có mà hàng triệu người đang lây lất sống qua thảm họa và chiến tranh ao ước – thức ăn và chỗ ở – bạn sẽ cảm thấy biết ơn.
Nếu bạn đang càm ràm vì không đủ tiền sắm đôi giày đẹp, hãy nghĩ tới những người trẻ bị cắt cụt chân do bị chôn vùi dưới những tòa nhà đổ nát.
2) Tập trung vào những điều tuyệt vời
Vậy bạn điều khiển tâm trí bằng cách nào? Làm sao để bạn nhớ đến những điều tuyệt vời trong cuộc sống? Đáp án là hãy đặt ra những câu hỏi đúng. Trong tiềm thức, ta lúc nào cũng tự hỏi mình.
Những gì bạn hỏi chính mình sẽ định hướng tâm trí bạn. Ví dụ nếu bạn thắc mắc, “sao mà mình xui xẻo thế?”, trí não bạn sẽ đi tìm những nguyên nhân lý giải cho sự thiếu may mắn này. Thế là bạn cảm thấy thật tệ hại.
Ngược lại hãy tự hỏi, “mình biết ơn cuộc sống vì điều gì?” “Mình may mắn có được những gì?” “Cuộc sống của mình có gì tốt đẹp?”. Khi đó, tâm trí bạn sẽ nhìn thấy những điều thú vị và giúp bạn thư thái.
Vậy hãy bắt đầu ngay đi nào. Dành ít phút để suy nghĩ về các câu hỏi bên dưới và viết ra càng nhiều điều càng tốt.
Tôi nên biết ơn vì điều gì trong cuộc sống vào lúc này?
Tôi được cuộc sống ban tặng những gì? Tôi may mắn có được điều gì?
Tự hỏi mình những câu hỏi trên vào mỗi buổi sáng và bạn sẽ thấy hạnh phúc tự tìm đến.
3) Thay đổi điều kiện hạnh phúc
Hãy nhớ, cảm giác hạnh phúc cư ngụ trong ta và nó chỉ xuất hiện khi được cho phép, dựa trên những điều kiện hạnh phúc ta tự đặt ra cho mình.
Vậy thì quy định của bạn là gì? Điều gì cần phải xảy ra để bạn hạnh phúc và mãn nguyện? Bạn có phải thay đổi thế giới không? Bạn có phải kiếm một triệu đô không? Có nhất thiết bạn phải được những người thành công săn đón không?
Nếu bạn mong muốn vui vẻ nhiều hơn, hãy linh hoạt nới lỏng các điều kiện sao cho bạn dễ cảm thấy hạnh phúc hơn! Nếu nguyên tắc của bạn là: “Tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc nếu tất cả mọi thứ diễn ra theo ý tôi muốn” thì xem như đời bạn lúc nào cũng sầu thê lương.
Ngược lại, nếu bạn thay nó bằng: “Nếu tôi vẫn còn cơ hội nỗ lực hết mình thì tôi hạnh phúc”, niềm vui sẽ tìm đến bạn ngay cả khi phải đối mặt với thử thách. Vì vậy, hãy bắt đầu ngay, viết ra vài “câu thần chú” mở cánh cửa hạnh phúc của riêng bạn.
Những nguyên tắc mới giúp tôi hạnh phúc
4) Nói lời vui vẻ
Tôi để ý những người hạnh phúc hơn thường dùng từ ngữ vui tươi hơn khi cần diễn tả cảm xúc của họ. Khi tôi hỏi thăm sức khỏe mọi người, câu trả lời tôi thường nhận được là, “bình thường”, “ổn”, “không tệ”. Với cách nói mang sắc thái trung lập hoặc vô cảm ấy, họ không nhận ra tác động của chúng lên cảm xúc của mình ra sao. Nếu lúc nào bạn cũng đáp “không tệ” thì bạn đang lập trình cho tâm trí và cơ thể cảm thấy “chả ra làm sao” hoặc “không khỏe”.
Nhưng cũng câu hỏi đó đưa ra cho những người ngập tràn hạnh phúc, họ sẽ đáp “tuyệt vời”, “quá đỉnh” hay “phơi phới”. Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhờ những từ ngữ mạnh mẽ và tích cực trong giao tiếp, họ buộc trí óc mình suy nghĩ lạc quan và thoải mái. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, hãy tập thói quen ấy ngay hôm nay.
5) Cười lên
Rất đơn giản, cười lên sẽ giúp bạn vui hơn nhiều. Ta hãy cùng làm một bài kiểm tra nho nhỏ. Tôi muốn bạn cười toe toét ngay lập tức mà chẳng cần lý do gì cả. Thử đi nào!
Bạn có thấy vui vẻ hơn không? Nếu bạn thật sự làm hết sức, tôi chắc chắn bạn cảm nhận được sự thay đổi cảm xúc. Thay đổi nét mặt làm thay đổi trạng thái cảm xúc. Khi chúng ta cười và hít thở sâu, não bộ sẽ phóng thích các hóa chất như Serotonin và Endorphins vào cơ thể làm ta trở nên vui vẻ. Hãy ý thức cười nhiều hơn và bạn sẽ biến nó thành một thói quen tuyệt vời.
6) Đi tìm nhân tố tốt đẹp trong ý định của người khác và bớt phán xét
Trong cuộc sống, sẽ có những lúc người khác có những hành động khiến bạn phật ý. Họ chạy xe lấn sang làn đường của bạn, ăn nói thô lỗ, ngó lơ hoặc chống đối bạn.
Trong những trường hợp đó, đa số sẽ chỉ trích ngay lập tức và nổi giận đùng đùng. Một ví dụ nho nhỏ, bạn đang ở nhà hàng và muốn gọi phục vụ, nhưng người này đáp trả bằng giọng bất lịch sự, “tôi đang bận… tôi sẽ quay lại sau.”
Tại thời điểm đó, chúng ta có thể bùng nổ: “Thứ thô lỗ cộc cằn! Sao nó dám nói chuyện với mình giọng đó? Mình là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế!” Suy nghĩ này chỉ khiến ta thêm tức giận mà thôi.
Nếu thay vào đó, ta chọn hướng thông cảm rằng người này đang phải trải qua một ngày thật sự vất vả thì thế nào? Có thể bản chất cô ấy/anh ấy dễ mến nhưng đang căng thẳng, chán nản và mệt mỏi khi bị ta gọi. Chẳng phải bạn cũng từng có lúc như thế sao? Có thể người hầu bàn kia cũng đang gặp vấn đề về gia đình, tiền bạc. Một khi phán xét ít đi và cởi mở hơn, ta sẽ hiểu ai cũng có lúc như vậy và dễ dàng thấu hiểu hơn. Ta sẽ thấy hạnh phúc và biết ơn cuộc sống hơn.
Ý nghĩa thật sự của thành công
Hãy nhớ khi một ngày kết thúc, thành công không chỉ là những gì bạn đạt được hay giành được, mà là bạn đã thật sự tận hưởng cuộc sống này như thế nào, và quan trọng hơn, BẠN đã đóng góp gì để nâng cao chất lượng cuộc sống của một hay nhiều người khác.
Trong bộ phim “Niềm Sống” (The Bucket List), hai người bạn già (do Jack Nicholson và Morgan Freeman thủ vai) đang mang bệnh giai đoạn cuối và quyết định lên đường hoàn thành những giấc mơ dang dở của mình. Họ muốn sống những ngày cuối cùng thật ý nghĩa.
Trong một cảnh phim, Morgan Freeman nói với Jack Nicholson về niềm tin ý nghĩa cuộc sống của những người Ai Cập cổ đại. Họ tin rằng khi chết đi, linh hồn sẽ tới trước cổng thiên đường nơi có một thiên thần chờ sẵn để hỏi hai câu hỏi. Câu trả lời sẽ quyết định chúng ta có được bước vào thiên đường hay không.
Hai câu hỏi đó là:
1. Ngươi có tìm thấy niềm vui trong cuộc đời không?
2. Cuộc đời của ngươi có đem lại hạnh phúc cho người khác không?
Tôi hy vọng rằng bạn cũng dùng hai câu hỏi này để đo lường mức độ thành công mà bạn đạt được trong cuộc sống.
Vậy là chúng ta đã đến đoạn kết của quyển sách, cảm ơn bạn vì đã cho phép tôi đồng hành cùng với bạn thông qua những trang sách. Hy vọng thời gian bạn đầu tư vào quyển sách này đã mang đến nhiều lợi ích cho bạn. Mong bạn nhận ra rằng mình không những có tiềm năng và sức mạnh vượt trội mà giờ đây còn được trang bị nhiều công cụ và phương pháp để yêu thương cuộc sống này trọn vẹn… và chiến thắng trò chơi cuộc đời!
Tôi chờ ngày được nghe bạn kể về câu chuyện thành công, thậm chí có cơ hội gặp bạn ở một buổi hội thảo. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay bình luận gì, cứ thoải mái liên lạc với tôi trên trang BLOG (www.adam-khoo.com) hay Facebook (facebook.com/adamkhoo).
Hãy bảo trọng và yêu đời!
AdamKhoo
TRANG GHI CHÚ
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.