Kỹ Năng Buông Bỏ
Chương 7: Đối Mặt Với Khát Khao Sở Hữu
Một trong những thứ hữu ích nhất tôi từng làm chính là dọn dẹp đời mình, bỏ đi kha khá đồ linh tinh và không cần thiết – từ đồ dùng trong nhà, áo quần, cho đến các loại máy móc, sách vở, chén bát, kỉ vật…
Một căn nhà chưa được tinh giản là một thứ vô cùng đẹp đối với tôi. Nhưng quan trọng hơn, tôi học được rằng mình cần phải buông bỏ bớt những thứ mình đang sở hữu.
Tại sao tôi lại tích lũy quá nhiều tài sản như vậy? Thì ra là cả gia đình tôi (kể cả tôi) có thói quen mua sắm. Chúng tôi cũng hay mua cái mới nhưng vẫn giữ cái cũ. Thế là cả nhà chất đống đồ trong nhà kho khi thay đồ mới, rồi bỏ quên luôn ở đó.
Tại sao tôi lại cứ giữ những vật dụng này? Rất nhiều vật dụng rất dễ bỏ đi, nhưng đa số lại rất khó từ bỏ. Tôi đã gắn kết về mặt cảm xúc với những thứ này rồi.
Những vật dụng ấy thỏa mãn nhu cầu cảm xúc của tôi. Tôi cảm thấy an toàn và thoải mái. Mỗi lần thấy những vật ấy thì tôi lại được gợi nhớ về những kỉ niệm, những hi vọng tôi đã từng có (ví dụ như những quyển sách tôi từng hi vọng là mình sẽ đọc, những dụng cụ tập luyện thể dục thể thao tôi từng nghĩ mình sẽ sử dụng hàng ngày). Trên thực tế, tôi không hề cần những vật ấy để phục vụ nhu cầu cảm xúc của mình. Tôi hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu tình cảm bằng cách khác mà không cần khư khư sở hữu những vật dụng không cần thiết ấy.
Vậy là buông bỏ khao khát sở hữu đồng nghĩa với việc buông bỏ những vật dụng tôi từng nghĩ là cần thiết nhưng trên thực tế là không hề quan trọng. Có nghĩa là tôi phải buông bỏ bản ngã của tôi khi mua những vật này. Có nghĩa là tôi phải buông bỏ cuộc sống trong quá khứ, khi mà tôi vẫn còn sở hữu những thứ ấy.
Quá trình buông bỏ này thật sự rất lạ. Tôi nhận ra rằng mình có thể sống vui vẻ mà không cần những thứ tôi vẫn nghĩ là mình cần. Tôi nhận ra rằng buông bỏ vừa đau đớn nhưng cũng rất kì diệu, bởi đó là một quá trình gồm những mất mát xen lẫn với sự tự do.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.