Sta Fitzgerald là con người của thói quen. Mỗi sáng vào lúc 6 giờ kém 15 phút cô đổ nốt chỗ cà phê vào chậu, hôn lên má người mẹ già và lao ra đường.
Cô sống cùng bà mẹ già và bốn đứa con nhỏ trong ngôi nhà hình ống chật hẹp ở một khu dân cư lao động tốt bụng, dưới một trong những đường bay khá quen thuộc qua lại LAX. Gia đình Fitzerald di cư từ New Orleans tới Los Angeles được tám năm, trong thời kỳ kinh tế đang phát triển kinh tế, trước khi những nỗi lo sợ về khủng bố và phá sản tạo rào cản đối với sự phát triển của ngành hàng không. Roy, anh chồng cô ta, là một thợ cơ khí máy bay làm việc ở Delta và chưa từng nghỉ ngày nào trong suốt sáu năm làm việc tại đó, cho đến tận lúc một cái bục đổ sập xuống người khi đang làm việc trên chiếc 747 khiến anh vĩnh viễn từ giã cõi đời..
Từ 6 giờ kém 15 phút thì Eta không mất mấy thời giờ để đi xuống phố. Nhưng chỉ cần đến 7 giờ kém 15 phút thì phải mất gấp đôi thời gian. Và đến 8 giờ kém 15 phút thì đường phố chật ních xe cộ nối đuôi nhau thành hàng dài tới mức cô có thể đọc hết cả tờ LA Times trước khi tới được nơi định tới.
Điểm dừng đầu tiên của cô khi tới phố luôn là quán Carl’s Jr ở tòa nhà Fifth and Flower, nơi cô thường ngồi nhâm nhi ly cà phê thứ hai trong ngày và ăn món trứng béo ngậy chứa đầy calo cùng với bánh sandwich. Khoảng trước 10 giờ cô gặp gỡ vài người đưa thư ở đó khi họ đang nạp năng lượng cho cả ngày. Đôi khi cô nói chuyện phiếm với họ và xâm nhập vào cuộc sống của họ bằng cách đi xe đạp bên cạnh. Đôi lúc thì cô chỉ đứng ngoài quan sát.
Nhẽ ra cô đã tìm được một công việc hậu hĩnh hơn. Trước đó cô từng làm công việc vận tải cho Phòng Cảnh Sát New Orleans, và đôi ba năm làm cho một công ty cứu thương tư nhân ở Encino. Nhưng ở đó cô gặp qua nhiều tình huống đối mặt giữa sự sống và cái chết. Hơn nữa cô cũng không cần kiếm tiền triệu. Tiền bảo hiểm và trợ cấp của Roy cũng đã đủ cho cả gia đình. Eta muốn làm việc ở Speed. Những nhân viên đưa thư đều là những con người thú vị và lạ lẫm, toàn những cậu bé và thanh niên mới lớn, những người chẳng bao giờ có cơ hội tìm được việc làm nào ngoài công việc không ai thèm làm. Dẫu sao thì họ cũng đã tạo nên một gia đình, và Eta là con gà mái mẹ.
Majo giơ tay chào cô. Gã đang đứng ở góc bên kia của quán, một chân ghếch lên ghế, nghiêng người về phía trước kể cho hai cậu đưa thư của một đại lý khác những câu chuyện lý thú của cuộc đời mình. Mojo trông rất hoang dã. Tóc tết cuốn thừng, da đen bóng với vóc người cao và gày giơ xương. Gã mặc cả mớ quần áo lôi thôi, trông chẳng khác nào một kẻ vô gia cư. Và khi gã mở to mắt thì trông không khác gì đang lên cơn.
Người ta biết Mojo đã từng phù phép vài người lái taxi và điều đó đã suýt làm cho gã bị tống vào tù sau khi đuổi theo một người lái xe vào tận trong cửa hàng bán mỳ, túm lấy cổ áo anh ta và chửi rủa như thể đang nắm trong tay đám xương và chân gà, và có Chúa mới biết được vẻ mặt của người lái xe lúc đó ra sao.
Đó chính là điều khiến cho mọi người không mấy khi nhìn gã bằng con mắt thân thiện. Eta tình cờ biết tên thật của gã là Maurice. Gã còn đọc thơ và chơi kèn saxophone ban đêm trong một câu lạc bộ nhạc jazz ở phía tây LA.
Cô nhâm nhi ly cà phê và ngó quanh xem còn đứa nào quen không. Gemma, một con bé tóc đỏ hoe, mặc quần bó sát và chiếc áo len sặc sỡ, đang vừa mút ống hút của cốc Coca cỡ đại, vừa xem lướt nhanh tờ LA hàng tuần. Nó bỏ học đã một năm nay để đi kiếm tiền và trải nghiệm cuộc sống nơi thành thị.
Qua của sổ, Eta nhìn thấy thuyết giảng John đang chạy lên, chạy xuống vỉa hè, bắt đầu thói khoa trương. Mojo luôn thích đùa, và bác John kia thực là một đối tượng thú vị, nhưng dẫu sao thì gã cũng phải giao hết thư đã. Có thánh mới giúp được, Eta nghĩ vậy. Gã phải làm việc đến khi nào đưa hết thư. Khi xong việc rồi thì thế nào gã cũng sẽ biến mất vài tuần. Ông chủ Rocco, vẫn nuôi John bởi vì đấy là cháu chắt họ hàng gì đó của ông ta.
Eta đổ cái khay vào thùng rác và quay ra ngoài trong không khí buổi sáng ảm đạm. Thuyết giảng John đi về phía cô, vẫy vẫy cuốn Kinh thánh cũ nhoèn của gã về phía cô và gọi.
– Chị gái! chị gái!
– Đừng có lại gần ta. – Eta giơ tay lên cảnh báo. – Ta là người kính chúa, lúc nào cũng đến nhà thờ Thiên chúa, John Remko ạ.
Gã ngừng lại, nghiêng hẳn đầu sang bên, tỏ ra bẽn lẽn.
– Eta, Eta, nữ hoàng châu Phi của tôi.
– Nữ hoàng cái đít ngươi ấy. – Cô sửng cồ. – Tốt hơn là hãy mang những viên thuốc hạnh phúc về chỗ của mình đi, cưng ạ.
Cô lắc đầu đi về phía xe tải, vừa đi vừa lẩm bẩm “Thật không thể hiểu nổi, sao mà cái thằng đó không bị tai nạn mà chết đi chứ.”
Cô ngồi vào ghế lái và tra chìa khóa khởi động xe. Bất thần một bàn tay che ngang mồm trước khi cô kịp nhận ra nó.
– Không được hét.
Chết tiệt, ta không hét làm gì, cô nghĩ bụng, cố vùng lên phía trước để thoát khỏi hắn. Cô nhìn vào phía gương chiếu hậu, muốn xem đó là thằng nào để có thể tả lại cho cảnh sát trước khi đánh dập cái mặt thảm hại của nó ra.
– Là tôi đây.
Bàn tay buông ra và cô thấy nhẹ cả người.
– Cậu nhóc, cậu làm tôi sợ hết hồn. – Cô cáu kỉnh và vẫn nhìn qua gương hậu.
– Tôi xin lỗi. – Jace nói. – Tôi biết là cô sẽ phản ứng. Nếu cô hét lên, cô có thể làm ai đó chú ý. Một tên cớm chẳng hạn.
Eta quay người lại, quắc mắt nhìn thằng bé đang nấp trên chiếc ghế sau. Thằng nhóc. Nó nói nó hai mươi mốt tuổi, nhưng cô không tin và mỗi lần nhìn cái mặt đáng yêu của nó thì không thể gọi bằng cái từ gì khác hơn là cậu bé.
– Tại sao cậu lại sợ bị cảnh sát nhìn thấy. – Cô hỏi nó và nhận ra những vết cào xước tím bầm.- Có chuyện gì thế?
– Một kẻ nào đó đã cố giết tôi trong chuyến đưa hàng cuối cùng tối hôm qua.
– Những người ở thị trấn này toàn hóa điên khi trời mưa.
– Cô có biết tin tức gì về luật sư Lenny Lowell không?
– Tôi không quen chờ đợi tin tức. Mà Lenny là ai, có chuyện gì vậy?
– Tiền. – Jace nói. – Gói hàng cuối cùng. Ông luật sư.
– Ôi chao, ông ta bị làm sao?
Nó quẳng mặt gấp của tờ Times lên ghế.
– Mọi chuyện đều đã tường thuật trên đó. Có kẻ đã giết chết ông ta đêm qua. Sau khi tôi đến nhận thư
Eta nhìn nó chằm chằm. Thằng bé này không thể giết người được. Nhưng nó sợ cớm, và một người nào đó đã bị giết chết.
– Cảnh sát đang tìm tôi.- Nó nói. – Có lẽ tôi là người cuối cùng nhìn thấy ông ta lúc còn sống. Tất nhiên là trừ kẻ đã giết ông ta.
– Thế thì cậu phải nói cho họ những gì cậu biết.- Eta nói
– Không, không đời nào tôi đến chỗ cảnh sát. Tối hôm qua, tôi đã có mặt ở văn phòng đó, đã sờ vào mọi thứ. Dấu vân tay vẫn còn đấy. Họ sẽ đưa tôi về đồn, lấy dấu vân tay… thật là kinh khủng. Không.
– Nhưng, cậu nhóc yêu quí ơi, có kẻ đã cố giết cháu mà. – Eta lý giải.
Jace đầy vẻ hoài nghi.
– Và cô cho rằng họ sẽ tin tôi ư? Tôi chẳng có một tí chứng cứ nào hết, cũng không có ai làm chứng cho tôi cả.
– Cưng ạ, hôm nay cậu đã soi gương chưa?
– Thế thì nhiều khả năng họ sẽ càng coi tôi là kẻ tình nghi. Đã có một cuộc vật lộn. Eta, cô phải giúp tôi thoát ra khỏi đây. Sớm muộn gì thì cảnh sát cũng sẽ tới Speed. Họ sẽ hỏi rất nhiều câu hỏi.
– Cậu muốn tôi nói dối cảnh sát ư? – Cô cau mặt. – Thế là không tốt đâu cậu bé ạ. Nếu cậu không có gì phải giấu diếm, thì hãy đừng che giấu điều gì. Tôi quen biết rất nhiều cảnh sát và các thám tử điều tra những vụ giết người. Khi họ đã đánh hơi được cái gì đó, thì họ sẽ lần theo dấu vết của nó. Và nếu cậu càng cố gắng ngăn cản, thì họ càng dễ dàng tìm đến cậu.
– Cô Eta, cô làm ơn giúp tôi đi. Cô không cần phải nói dối họ, chỉ là… chỉ là chặn họ lại thôi.
Cậu bé này có đôi mắt xanh nhất, sáng nhất mà cô từng gặp. Và giờ đây, đôi mắt ấy đầy ắp sự sợ hãi.
Nó nhoài về phía cô và đặt tay lên cánh tay cô.
– Cô chỉ cần nói với họ là cô không biết gì về tôi cả.
Mà đúng là tôi cũng không biết gì về cậu thật, cô nghĩ bụng. Trong vài năm quen biết thằng bé, đúng là cô không biết một điều gì về nó cả. Cô không biết nó có gia đình hay không, sống ở đâu, ngoài công việc này ra nó còn làm gì nữa. Thằng bé vẫn còn là một bí ẩn với cô. Nó không phải là người khó gần gũi, nhưng khá trầm tính. Nó cũng không hẳn hướng nội, mà rất hay quan sát. Nếu nó có một cô bạn gái, thì cũng chẳng ai ở Speed biết điều đó cả. Thỉnh thoảng nó cũng cười, nhưng đa phần lúc nào cũng có ánh mắt thận trọng. Nó không quá đa nghi, nhưng cũng không thân thiện.
Eta thở dài.
– Vậy cậu định sẽ làm gì, J.C? Sẽ bỏ trốn à?
– Tôi cũng không biết nữa.
– Đó không phải là giải pháp hay. Cậu mà trốn đi, tôi đảm bảo là họ sẽ đổ riệt chuyện này cho cậu. Và sau đó, điều gì sẽ xảy ra nào? Cậu sẽ chạy trốn cho đến hết đời ư?
Nó nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu rồi thở dài.
– Tôi sẽ phải tính toán chuyện đó. Sẽ tính. Chỉ cần có chút thời gian.
Eta lắc đầu buồn bã.
– Cậu không muốn ai giúp đỡ mình sao?
– Thì tôi đang nhờ cô giúp đây. Cô làm ơn giúp tôi đi.
– Cậu cần gì nào? Một nơi trú ẩn à?
– Không, cảm ơn cô, Eta. – Nó nhìn đi chỗ khác, bối rối. – Nếu cô có thể ứng trước cho tôi một ít tiền mặt. Cô biết đấy, tôi đang rất cần tiền.
– Tôi không biết gì về cậu cả. – Cô bắt đầu cho xe chạy. – Nhưng tôi có chút tiền ở két sắt văn phòng.
– Tôi không thể tới đó.
– Cậu cứ để nguyên cái mông gầy giơ xương của cậu một chỗ. Tôi sẽ đỗ xe ở cửa sau và đem tiền ra cho cậu.
– Nhưng nhỡ cảnh sát đang mai phục ở đấy thì sao?
– Cậu muốn tôi làm gì nữa đây, cưng? Tôi hiểu về cớm còn hơn cậu ấy. – Cô đang suy nghĩ. Đột nhiên cô muốn hỏi thằng bé những điều mà cô không biết về nó, nhưng cô biết chắc nó sẽ không trả lời. – Cậu nhóc ạ, cái ông luật sư đã chết ấy, ông ta không phải là nhân vật chính trong màn tội ác này. Ông ta không điều hành những tên xã hội đen bên ngoài cái văn phòng bẩn thỉu của ông ta. Ông ta cũng chẳng có giá trị gì để những đóng thuế phải mất công theo dõi ở các dịch vụ đưa thư Los Angeles. Điều đầu tiên họ nghĩ đến sẽ là ai đã chuyển gói hàng đó. Nếu gã đàn ông đó không thuộc loại ngăn nắp, cẩn thận, ghi chú cụ thể ai đã làm việc đó, khi nào, và tại sao. Gã có làm thế không?
Jace lắc đầu.
– Nào hãy nằm xuống sàn xe cho tới khi tôi bảo cậu phải làm gì.
– Cô là người tốt nhất, cô Eta ạ.
– Cuối cùng thì cậu cũng hiểu ra điều ấy. Tôi không biết liệu cậu có thể làm được gì đây nếu như không có tôi.peed Couriers. Một logo kiểu cách. Đúng kiểu trang trí của thập niên 40. Tất cả chữ cái đều nghiêng sang phải, rồi một dãy dài những dòng nằm ngang chạy sang trái gợi vẻ chuyển động nhanh. Cái biển có khi đắt giá hơn cả một tháng thuê chỗ treo biển.
Nơi này trước đây từng là một quán ăn Ý và giờ vẫn còn mùi nhà hàng. Parker để ý điều này khi họ đi vào bên trong. Một ít bột cari cũ kĩ, mùi chua, ôi thiu đã thấm vào những bức tường xanh đẹp đẽ và trần nhà sơn vàng. Ruiz nhăn mũi và nhìn Parker như thể đó là lỗi của anh vậy.
– Chào mừng quý khách đã tới chỗ chúng tôi. – Một gã ra mở cửa và đứng lùi về phía sau để nhường đường cho họ vào. Gã có vóc dáng cao gầy và đôi mắt đen sáng quắc của kẻ cuồng tín.
Một thằng nhóc đeo đến ba chiếc vòng xâu mũi và mặc một chiếc áo thổ dân Bắc Mỹ màu xanh ngồi hút thuốc ở chiếc bàn nhỏ gần cửa sổ phía trước. Sau khi quan sát Parker và Ruiz, nó xỏ đôi patin vào chân, trượt ra khỏi cửa trong khi những người khác đang bước vào phòng.
– Chào mừng quý vị. – Người gác cửa cất lời. Anh ta cau mày vẻ khó chịu khi nhìn xoáy vào Ruiz và chiếc nịt ngực ren màu đỏ lấp ló trong chiếc áo vest màu đen của cô. – Cô có biết câu chuyện về người vợ của Heber không?
Parker nhìn quanh. Bức tường chạy dọc căn phòng hẹp được phủ bởi những tấm gỗ giả đục lỗ, loại chất liệu rẻ tiền được dùng làm tấm bảng thông báo cỡ bự. Các áp phích quảng cáo và những khẩu hiệu tuyên truyền chính trị dán đầy trên tường. SỰ PHẪN NỘ VỚI MÁY MÓC – CHIẾN TRANH TIỀN LƯƠNG CHỐNG LẠI VĂN HÓA XE HƠI. Một hình ảnh chiếc xe quảng cáo cho cuộc đua của những người đưa thư diễn ra cách đấy 2 tháng. Một tấm áp phích vận động mọi người hiến máu để đổi lấy tiền mặt. Những hình ảnh hoạt động của các nhóm người đưa thư, người thì đang tham gia một bữa tiệc, người thì đang trên xe đạp, nhào lộn xung quanh. Những dòng chữ nguệch ngoạc trên các mẩu quảng cáo sản phẩm. Rồi tin rao vặt, có người đang tìm bạn chung phòng không hút thuốc. Rồi hình ảnh một người đang chuyển tới Hà Lan ” Nơi đây ma túy và tự do quan hệ tình dục được coi là hợp pháp”.
Parker chìa tấm thẻ cho anh ta.
– Chúng tôi cần nói chuyện với người điều hành ở đây.
Người gác cửa mỉm cười và hất cằm về phía căn phòng lắp ráp bằng nhựa, ở đó có một phụ nữ to béo đầu đầy những bím tóc quấn ngược ra sau bằng các sợi thun sáng màu. Cô ta kẹp chiếc điện thoại vào giữa vai và tai, một tay ghi chép còn tay kia thì với lấy micrô.
– Eta, nữ hoàng châu Phi.
Giọng người phụ nữ oang oang.
– John Remko, lấy xe đạp đi ngay đi. Đi đưa thư đi. Cầm lấy bảng kê và cút khỏi đây mau.
Mặt cau có, kẻ kia bước tới cái cửa sổ trông ra sảnh cạnh căn phòng lắp ghép.
– Cô Eta, đúng là cái giọng…
Mắt người phụ nữ lồi ra.
– Không nói thêm một lời nào nữa, John thuyết giáo. Anh không phải là con trai của ông bác của ông anh họ tôi. Anh hãy đi ngay khỏi đây nếu không thì cho dù có là họ hàng kiểu gì tôi cũng sẽ giết chết anh đấy.
John thuyết giáo cầm lấy bản kê và biến mất khỏi căn phòng tối.
Parker bước tới phía của sổ. Người phụ nữ không nhìn anh. Cô ta đính tờ ghi chép lên bảng nam châm. Mỗi cục nam châm có in một cái tên: MOJO, JC, GEMMA, SLIDE. Cô ta đính tờ giấy vào miếng nam châm có tên JOHN.
– Anh muốn tìm việc sao, vậy thì hãy điền vào cái mẫu màu vàng này. – Cô ta với lấy chiếc điện thoại đang reo. – Còn nếu anh muốn thứ gì khác, thì hãy đi khỏi đây, vì anh sẽ chẳng nhận được gì đâu.
– Speed Couriers xin nghe. – Cô hét vào điện thoại. – Có việc gì vậy?
Parker đi vào phía bên trong cửa sổ, đẩy tấm thẻ vào tầm nhìn của cô ta.
– Thám tử Parker, thám tử Ruiz. Chúng tôi cần nói chuyện với cô vài phút thôi. Chúng tôi muốn hỏi bà vài câu.
Cô ta vừa nhìn tấm thẻ, chứ không nhìn Parker, vừa lắng nghe người ở đầu dây bên kia.
– Được rồi, cho dù cậu đi bằng gì, Todd ạ, thì cũng phải sống chết làm được việc đó. Tôi không muốn cậu đi bộ. Cậu phải đi xe đạp. – Cô ta nghe một lúc, có vẻ đang tức điên lên – Cậu không yêu quý gì tôi cả.
Cô ta ném phịch ống nghe xuống, xoay ngoắt cái ghế cao và nhìn Parker với vẻ đầy hống hách.
– Tôi không có thời gian dành cho anh đâu. Anh chắc chỉ đem lại phiền toái thôi. Tôi có thể nhìn thấy điều đó. Một người đàn ông ăn mặc chải chuốt với một chiếc mũ đội đầu chỉ đem lại phiền phức. Anh sẽ làm tôi mất thời gian và tiền của.
Parker bỏ mũ phớt ra, cười toe toét, và để phanh chiếc áo khoác.
– Cô thích bộ này không? Hàng Canali đấy.
– Tôi sẽ thích hơn nếu anh tránh ra đằng kia. Thôi anh hỏi gì thì hỏi đi. Đây không phải là văn phòng của tờ GQ. Tôi còn có việc phải làm.
– Có phải cô đã cử một người đưa thư tới văn phòng của ông Leonard Lowell ở Esquire, vào lúc khoảng 6 rưỡi tối hôm qua không?
Cô ta nghênh cằm ra và không chớp mắt.
– Chúng tôi đóng cửa lúc sáu giờ tối.
– Biết rồi. – Parker tươi cười, lộ lúm đồng tiền bên má phải. – Nhưng đó không phải là điều mà tôi hỏi.
– Mỗi lần cho đưa thư, chúng tôi cử đến cả đội.
– Bà có muốn chúng tôi phải hỏi từng người một trong số họ không? – Parker hỏi lịch sự. – Tôi có thể bỏ hết mọi việc khác để làm điều đó. Tất nhiên là họ sẽ phải đến sở cảnh sát. Bọn họ có tất cả bao nhiêu người? Cộng sự của tôi sẽ gọi một chiếc xe tải.
Sự trả đũa của anh làm cô ta nheo mắt lại.
– Cô gọi những tờ ghi chép trên bảng kia là gì? – Parker hỏi.
– Bảng chấm công.
– Mỗi đơn đặt hàng nhận được sẽ được dính lên bảng dưới tên của người chịu trách nhiệm chuyển đơn hàng đó. Có phải thế không?
– Anh thích công việc của chúng tôi à? Anh cần một công việc khác à? Anh có muốn tôi đào tạo cho anh không? Anh có thể làm giúp tôi việc này. Còn tôi thì hàng ngày sẽ đi giũa móng tay và xem Oprah với Dr. Phil.
Các móng tay của cô ta dài như vuốt gấu, với những họa tiết hoa hồng và đánh bóng đỏ.
– Tôi muốn cô trả lời câu hỏi một cách đơn giản. Chỉ có thế thôi. Cô trả lời tôi, hoặc tôi gỡ tất cả những bảng chấm công cô ghi chép từ hôm qua xuống, đem về văn phòng và nghiên cứu từng cái một. Thế còn các bản kê khai thì sao? Tôi đoán là đến cuối ngày thì cô sẽ khớp chúng lại. Tôi cũng sẽ đem đi nốt để cho cô còn làm việc.
– Chỉ khi nào trình ra một cái lệnh khám xét khốn kiếp anh mới có thể làm được điều đó. – Eta nổi cáu. Cô ta chộp lấy micrô ở chiếc radio và hét oang oang. – 19, 19, John? cậu bảo cậu lạc đường là cái kiểu khỉ gì thế? Cậu vừa đi được có 2 phút, làm thế nào lạc đường được chứ? Cậu mất trí à. 20 đâu? Nhìn vào cái biển phố chết tiệt ấy..
Người đưa thư trả lời và Eta đảo mắt.
– Cậu chưa đi qua cái phố chết tiệt ấy. Tôi đảm bảo như vậy, John Remko, nếu cậu không đưa hết đống chuyển phát nhanh ấy, tôi sẽ tự mình làm điều đó. Hãy làm đi trước khi tôi nghĩ lại.
Ruiz chen vào đám hỗn độn.
– Chúng tôi sẽ xin được lệnh khám xét. – Cô ta nói một cách hùng hổ.- Chúng tôi sẽ làm cho công việc của chị trở nên khó khăn đấy. Chị có hiểu ý nghĩa của từ “phá rối” không hả?
Eta nhìn lên như thể Ruiz là một đứa trẻ đang làm cô ta bực mình.
– Có, tôi hiểu chứ. Nhưng cô cần một ít Metamucil để làm được điều đó. Có một của hàng thuốc ở khu nhà bên cạnh đấy.
Ruiz đỏ mặt. Bà ta tảng lờ với vẻ khinh thường.
– Cô này, tôi chuyển phát thư từ cho phòng cảnh sát New Orleans được tám năm rồi. Cô không làm tôi sợ được đâu.
Chuông điện thoại lại reo và cô ta chộp lấy nó.
– Speed Couriers nghe đây. Sao vậy cưng?
Parker nháy mắt với Ruiz, một khóe miệng hơi nhếch lên.
– Cô ấy là thế đấy.
Ruiz trề môi, tức giận vì bị đem ra làm trò cười.
– Đừng quá căng thẳng thế. – Parker thì thầm. – Chúng ta đang muốn cô ta đứng về phía mình. Muốn đánh bại đàn bà thì phải dùng đến mưu mẹo.
– Chính anh đe dọa cô ta trước chứ. – Ruiz càu nhàu.
– Nhưng tôi làm điều đó một cách lịch sự và với một nụ cười duyên.
Bà quản lý chuyển từ điện thoại sang micrô, một tay viết nguệch ngoạc đơn đặt hàng.
– Gọi số 8, gọi số 8. Gemma, có đó không, Gemma?
Người đưa thư trả lời và được tổng đài phái đi lấy gói hàng ở một văn phòng luật dưới thị trấn rồi chuyển nó tới một vị luật sư ở tòa nhà liên bang trên phố Los Angeles. Một tờ giấy nữa lại được dán lên bảng dưới cục nam châm có đính tên Gemma.
– Tôi thật lấy làm tò mò.- Parker nói, chống cả hai khuỷu tay để dựa người vào quầy. – Cô không hề hỏi chúng tôi một câu nào rằng tại sao chúng tôi lại muốn biết có phải cô đã phái một người đưa thư tới văn phòng đó? Tại sao thế nhỉ?
– Vì việc đó chẳng liên quan gì tới tôi.
– Một người đàn ông đã bị giết chết ở đó đêm qua. Con gái ông ta cho chúng tôi biết lúc đó ông ta đang đợi một người đưa thư đi xe đạp. Chúng tôi nghĩ rằng người đưa thư đó có thể nói cho chúng tôi biết một vài điều có thể có giá trị với vụ án.
Eta thốt ra tiếng thở dài.
– Lạy chúa ban phước lành cho anh ta.
– Cho nạn nhân? Hay người đưa thư? – Ruiz hỏi
– Cô biết không, cô đang làm tôi thấy nghi ngờ. – Parker thản nhiên nhìn cô ta từ đầu đến chân như thể họ đã quen biết nhau nhiều năm nay rồi và trước đây anh vẫn nhìn như vậy. – Vấn đề đang trở nên phức tạp. Cô khiến tôi nghĩ rằng cô đang có điều gì đó che giấu tôi.
Người phụ nữ nhìn đi chỗ khác, suy nghĩ, như đang cân nhắc xem nên tán thành hay phản đối, có vẻ như cô ta đang nhận ra rằng mình đã sai lầm.
– Chúng tôi sẽ tìm cách này hay cách khác. – Parker kiên quyết. – Sẽ tốt hơn cho cả đôi bên nếu chúng ta làm việc một cách thân thiện. Cô không muốn chúng tôi đưa ra các lệnh khám xét, kéo đi cả nửa văn phòng của bà cùng toàn bộ những người đưa thư chứ. Mà cô có phải là người sở hữu doanh nghiệp này không vậy, thưa cô…?
– Cô Fitzgerald. Không, tôi không phải là chủ.
– Vậy thì cô sẽ phải trả lời ông chủ, giải thích cho ông ta hay tại sao ông ta lại mất cả một ngày thu nhập, tại sao tài liệu của ông ta lại bị tịch thu, tại sao cảnh sát lại muốn xem hồ sơ các nhân viên của ông ta và cả bảng theo dõi lương của họ. – Anh lắc đầu buồn bã. – Điều đó sẽ chẳng có lợi cho cô đâu.
Cô ta nhìn chằm chằm vào anh, có lẽ đang phân vân liệu có dám đối đầu với điều đó không.
– Tôi biết những cậu bé này. – Cô ta nói. – Chúng chỉ làm mọi việc theo lệnh chứ không phải là những kẻ xấu.
– Chúng tôi chỉ cần hỏi họ vài câu thôi. Nếu họ không làm gì sai thì chẳng có gì phải lo sợ cả.
Eta Fitzgerald nhìn đi chỗ khác và lại thở dài, mặt cô ta xẹp xuống như tự thú nhận sự thất bại. Điện thoại reo, cô ta nhấc máy lên và lịch sự bảo người gọi chờ.
– Đó là một cuộc gọi muộn. – Cô ta nói với Parker, mắt nhìn dán vào quầy.
– Bản kê đâu?
– Người đưa thư vẫn đang giữ nó. Nó chưa đem về để khớp. Lúc đó trời đang mưa to và tôi đóng cửa để về nhà với bọn trẻ.
– Thế hôm nay nó có làm việc không?
– Nó vẫn chưa đến.
– Tại sao lại thế?
Cô ta làm bộ mặt chanh chua.
– Tôi không biết. Tôi có phải là mẹ nó đâu. Một vài đứa cứ vào làm rồi lại thôi. Một vài đứa thì làm thêm cả những công việc khác ngoài việc này. Tôi không theo dõi chúng.
Parker lấy từ túi bên trong áo khóac ra một cuốn sổ.
– Tên nó là gì?
– J.C
– J.C là viết tắt của chữ gì?
– Nó là viết tắt của J.C. – Cô ta có vẻ lo lắng.- Đó là tên mà chúng tôi gọi nó: J.C. Số 16.
– Nó sống ở đâu?
– Tôi không biết.
– Phải có gì đó trong hồ sơ nhân viên chứ?
– Nó là người thứ 1099 rồi. Chúng tôi không có hồ sơ.
– Nó là nhân viên ký hợp đồng tự do. – Parker nói.- Không hợp đồng giấy tờ, không bảo hiểm y tế?
– Đúng vậy.
– Tôi đánh bạo đoán thử và có thể nói rằng nó thậm chí được thanh toán lương bằng tiền mặt.
– Việc đó phòng tôi không phụ trách. – Eta cáu kỉnh nói.
– Anh có muốn tôi gọi về để lấy lệnh khám không? – Ruiz hỏi Parker, tay rút điện thoại di động từ trong túi ra.
Parker giữ tay cô ta xuống. Anh vẫn chú ý tới người điều vận.
– Cô có số điện thoại của nó không?
– Nó không có điện thọai.
Ruiz bực tức và bắt đầu bấm số.
– Nó không có điện thoại. Tôi không có số của nó.
Parker nhìn vẻ hoài nghi.
– Nó chưa bao giờ gọi điện cho cô sao? Gọi báo ốm, hỏi xin một thứ gì đó, hay báo cho cô biết là nó đến muộn?
– Nó gọi bằng điện thoại hai chiều. Tôi không có số của nó.
Ruiz nói vào điện thoại.
– Thám tử Renee Ruiz, phòng cảnh sát LA đây. Tôi cần nói chuyện với ADA Langfield để xin lệnh khám.
– Có thể tôi có địa chỉ. – người điều vận nói vẻ miễn cưỡng.
Chiếc điện thoại lóe sáng, một đầu gọi đi, đầu kia gọi đến. Cô ta chộp lấy ống nghe, bấm nút ở đường dây thứ hai.
– Gọi lại sau nhé cưng. Tôi đang bị cảnh sát quấy rầy.
Cô ta đi tới chỗ tủ đựng hồ sơ ở góc phòng và mở một ngăn kéo, lấy ra cái gì đó trông giống một tệp hồ sơ trống rỗng.
– Chỉ là địa chỉ của một hộp thư thôi. – Cô ta chìa nó ra. – Đó là tất cả những gì mà tôi biết. Tôi chẳng thể cung cấp thêm gì cho dù anh có tra tấn tôi.
Parker rướn mày.
– Tôi hy vọng chúng tôi sẽ không phải mất công tìm kiếm. Cô có thể tả lại hình dáng của nó được không?
– Một thằng bé da trắng, mắt xanh, tóc hoe vàng.
– Có bức ảnh nào của nó trên tường không? – Anh hất đầu về phía bức tường dán panô.
– Không có, thưa ông.
– Cảm ơn sự cộng tác của cô, cô Fitzgerald. Cô quả là một công dân tốt.
Eta Fitzgerald quắc mắt nhìn anh và chộp lấy điện thoại đang reo, vẻ muốn tống cổ anh đi chỗ khác. Parker mở tập hồ sơ, nhìn lướt chỉ có mỗi độc một mẩu giấy. Đó là một tờ đơn xin việc. Tên – J.C. Damon
Parker gấp tập hồ sơ lại và đưa nó cho Ruiz. Thay vì quay ra cửa trước, anh lại đi xuống sảnh phía sau của khu chuyển phát kiêm nhà hàng. Người điều vận giật mạnh cái ống nghe ra khỏi tai và quát lên.
– Anh nghĩ là mình đang đi đâu đấy?
Parker khoát tay.
– Chúng tôi sẽ tự tìm cách ra được, cô Fitzgerald ạ. Không phải lo lắng cho chúng tôi. Chúng tôi đỗ xe ở gần phía đằng sau.
Anh liếc nhìn chỗ trước đây từng là phòng ăn riêng, giờ biến thành văn phòng cho những người điều hành của Speed, nhưng chưa ai trong số họ sử dụng đến khoảng không gian này. Nhìn vào thì có thể đoán chắc rằng chẳng có nơi nào tồi tệ hơn được nữa. Có hai chiếc bàn cũ kỹ bày bừa các loại giấy tờ và một chiếc khay màu xanh bẩn thỉu nằm trên bàn pha cà phê mà phía trước là chiếc ghế sofa trông như đồ nhặt được ngoài đường.
Phía cuối sảnh, nơi mà trước đây là phòng để áo khoác giờ kê một chiếc tủ màu đỏ sẫm chứa đầy những giá đựng hồ sơ.
Parker đẩy chiếc cửa lửng để đi vào khu bếp đầy khói thuốc quện mùi khó tả của chai lọ. Một thằng nhóc có chỏm tóc mào gà nhuộm xanh đang ngồi vắt vẻo trên chiếc bàn dùng để chuẩn bị đồ nấu làm bằng thép không gỉ. Nó co người như một con vật nhỏ biết rằng mình đã bị con thú ăn thịt phát hiện và sẽ giết chết nếu như nó nhúc nhích. Một người Rasta trông có vẻ hoang dã đang đứng dựa người vào chiếc chậu rửa và hút thuốc. Anh ta chẳng có vẻ gì là ngạc nhiên hay lo lắng khi nhìn thấy hai cảnh sát bước vào.
– Tôi giúp gì được cho các người nào? – Anh ta hỏi bằng âm điệu Jamaica.
– Có ai biết J.C. Damon không?
Thằng nhóc tóc mào gà không nói gì. Người đàn ông Rasta rít một hơi dài.
– J.C à? Có biết.
– Hôm nay nó có đến đây không?
– Không, hôm nay không thấy nó ở đây.
Parker lướt quanh cái không gian mà những người đưa thư cho là của riêng họ. Hai chiếc xe đạp cà tàng dựa vào góc tường. Các phụ tùng xe đạp, vỏ lon bia và nước soda vứt bừa bãi khắp nơi. Căn phòng đầy những đồ dùng cũ kỹ. Một chiếc tủ lạnh bẩn thỉu của hãng GE mà trước đây có màu trắng kê ở một góc phòng. Một chiếc ghế sofa nằm ở chỗ trước đây kê bệ bếp. Một chiếc bàn với mấy cái ghế khập khiễng kê gần phía cửa sau, trên mặt bàn giãi đầy tạp chí và giấy tờ. Ở giữa là một cái trục bánh giờ được dùng làm chiếc gạt tàn khổng lồ.
– Anh có biết cậu ta sống ở đâu không?
Gã Rasta lắc đầu.
– Anh cần cậu ấy làm gì vậy?
Parker nhún vai.
– Cậu ta biết vài việc xảy ra vào đêm qua.
Không có phản ứng gì.
Ruiz bước về phía thằng nhóc tóc mào gà.
– Thế còn cậu thì sao? Cậu có gì để nói không?
– Tôi chẳng biết gì về ai ở đây hết. Áo ngực đẹp quá.
Ruiz kéo cao chiếc áo khoác.
– Nó làm ở đây. Làm sao mà cậu lại không biết gì về nó mới được chứ?
– Tôi không nói là tôi không biết nó. Tôi nói tôi không biết gì về nó cả.
– Liệu cậu có định nói là cậu biết rõ nó nếu tôi nhấc cậu lên tường và tìm thấy ma túy trong túi áo của cậu?
Thằng nhóc cau mày.
Parker lắc đầu.
– Tôi xin lỗi thay cho người cộng sự của tôi. Cô ta rất dễ nổi nóng. Hết lần này đến lần khác đều vậy.
Ruiz cắt lời anh bằng một cái nhìn khó chịu.
– Nó đang làm lãng phí thời gian của chúng ta. Anh định làm gì bây giờ? Cứ quanh quẩn ở đây và hút thuốc cùng họ à?
– Làm thế là vi phạm quy định. – Parker nói rõ ràng.
Cô ta lại gọi anh là đồ đê tiện bằng tiếng Tây Ban Nha.
Gã Rasta hít một hơi thuốc qua mũi.
– Chúng tôi gọi J.C là Lính biệt kích cô độc.
– Tại sao lại thế? – Parker hỏi. – Cậu ta đeo mặt nạ à? Hay có đạn bạc? Hay ở cùng với người da đỏ?
– Bởi vì nó thích một mình.
– Không có người nào lại thích một mình cả.
Người đưa thư rời cái chậu rửa. Dưới mái đầu toàn những lọn tóc xỉn màu nâu xám là một cơ thể cường tráng. Những cơ bắp đùi ẩn dưới quần đen bó chẽn, trông như thể được tạo bởi một nhà điêu khắc bậc thầy. Anh ta bước tới chỗ chiếc gạt tàn làm từ trục bánh xe, những chiếc ghim ở đầu mũi giầy đi xe đạp kêu lách cách trên nền xi măng.
– Nhưng nó thế đấy. – Anh ta nói
Parker bới tìm một tấm danh thiếp trong ví và búng nhẹ nó lên bàn làm việc, về phía thằng tóc mào gà.
– Nếu cậu có tin tức gì của nó thì bảo hãy gọi điện cho tôi.
Anh cất ví đi và đi ra ngoài qua lối cửa sau. Ruiz suýt thụi cho anh một cái.
– Mẹ kiếp, chuyện gì thế? – Cô ta nói nhỏ vẻ chua chát.
– Chuyện gì là chuyện gì?
– Nhẽ ra anh nên ủng hộ tôi cái vụ ma túy. Chúng ta đáng lẽ có thể đốn hạ thứ rác rưởi ấy.
Parker nhìn hai chiếc xe đạp đang xích vào đồng hồ đo gas.
– Tôi có thể làm như thế, nhưng đó không phải là cách mà tôi muốn làm. Đây là vụ án của tôi, vì thế cô nên nghe theo chỉ dẫn của tôi. Vụ nào của cô thì lúc đó tôi sẽ để cô hạ bao nhiêu người tùy ý.
Con ngõ này trông giống bất kỳ cái ngõ nào khác trong thành phố, một lối vào bẩn thỉu, chật hẹp nằm giữa những tòa nhà xây tường bao. Mảnh trời phía trên chỉ là màu muội bám dày đặc. Bãi đỗ chật hẹp sau các khu làm việc chật ních những xe giao hàng tụm vào nhau như lũ ngựa xúm dưới mưa.
– Và chỉ dẫn của anh là mua chuộc tất cả mọi người? – Ruiz nói.
– Tôi không biết cô đang nói gì, cô Ruiz ạ. Ngay cả tiền bạc cũng không mua được sự thật đâu.
Một chiếc xe tải nhỏ màu tím than đỗ lèn vào bãi đỗ xe giữa bức tường và một chiếc Dumpster màu xanh lá cây. Dòng chữ Bậc phụ huynh kiêu hãnh của một học sinh xuất sắc được dán ngay ngắn ở cửa sổ phía sau. Chính là xe của Eta Fitzgerald.
– Ý tưởng dùng tiền để mua chuộc lúc nào chẳng sắn.- Parker vừa nói vừa đi vòng quanh chiếc xe tải. – Điều đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả. Tôi có đề nghị gì đâu. Cô không bao giờ biết được rằng cái thằng tóc mào gà đó có thể nghĩ rằng chúng ta đang mua chuộc nó. Điều đó có thể cản trở việc nó nói cho chúng ta biết điều gì đó mà nó không muốn nói.
Ruiz không muốn giữ bình tĩnh. Parker nghĩ là cô ta thích thú với những cơn nóng giận. Sự tức giận luôn sẵn như năng lượng trong người cô ta. Và dường như nó khiến cô ta cảm thấy mạnh mẽ hơn vậy.
– Và sau đó thì sao nào? – Cô ta hỏi. – Nó gặp anh, phun ra và anh ăn tươi nuốt sống lời của nó.
– Nó đến gặp tôi và như thế là tôi đã cứu nó thoát khỏi tay cô. Nếu cũng có ai làm điều đó giúp tôi thì thực may mắn cho tôi quá.
Anh lén nhìn qua cửa sổ vào bên trong chiếc xe tải. Toàn những thứ đồ vặt vãnh cho gia đình. Một chiếc mũ đội khi chơi bóng, vài thằng siêu nhân, một con búp bê Barbie màu đen. Vài chai nước Arrowhead lăn lông lốc như những trái bowling khi mà chiếc xe chuyển động.
– Thế anh cứ chạy nhắng lên với đống tiền để làm gì? – Ruiz hỏi giọng gắt gỏng
– Cô không hề biết tôi có bao nhiêu tiền. Tôi có thể có 20 đô la, và đó là tất cả những gì cô biết. Mà việc đó chẳng liên quan quái gì đến cô cả.
Cô ta trề môi, vắt chéo tay ngang ngực, xô nửa người về phía trước, chiếc áo nịt ngực đỏ rực trông gợi tình.- Anh đang tìm gì thế?
Parker nhún vai.
– Tìm một hướng đi.
– Đi thôi. Tôi đang chết cóng rồi đây này.
– Vì 60 % nhiệt độ cơ thể cô đã bốc hết lên đầu rồi còn gì.
– Anh im đi.
Anh rời khỏi chiếc xe tải, nhìn ra sau, có cái gì đó khiến anh chú ý. Anh cau mày và đi ngược trở lại khu nhà. Ruiz theo anh sát gót.
Eta Fitzgerald ngồi bất động và nhìn chằm chằm khi họ bước tới cửa sổ.
– Cái gì nữa đây? – Cô ta hỏi. – Sao anh không đi đâu đó xả hơi cho sướng hơn nhỉ?
Parker cười toét miệng và đưa một tay lên ngực.
– Cô không vui khi gặp lại tôi sao? Thật thất vọng quá.
– Tôi đang muốn nghiền nát mọi thứ ra đây. Chấp nhận điều đó đi thôi. Anh còn tẻ nhạt hơn cả một đứa con nít.
– Tôi nhìn thấy xe của cô ở ngoài kia.- Anh nói. – Cô có thể đi ra ngoài với chúng tôi một lát được không?
Khuôn mặt cô ta trở nên tái mét. Cô ngắt micro và dập điện thoại.
– Xe của tôi ư? Xe của tôi làm sao?
Parker ra hiệu cho cô ta đi ra ngoài. Họ quay trở lại phía cuối sảnh.
Bên ngoài, sương mù dày đặc và mưa bắt đầu nặng hạt. Parker chỉnh lại mũ và đi ra phía đằng sau xe.
Người điều vận đi theo một cách miễn cưỡng, hơi thở hổn hển, gấp gáp như thể đang trong cuộc chạy đua.
– Cái đèn hậu.- Parker chỉ tay. – Nó bị vỡ, cho dù không hư hại nhiều, nhưng… cô vẫn lái được vào một ngày như thế này hay sao.
Eta Fitzgerald dán mắt vào phần hậu. Trông cô tái mét như say sóng.
– Tôi chỉ nói thế thôi. – Parker tiếp tục. – Chứ tôi không ghi thẻ phạt đâu. Nhưng tôi nhắc cô thế, sợ nhỡ đâu cô đi trên đường.
– Cảm ơn ông thám tử. – Cô nói khẽ. – Tôi cảm kích về việc đó.
Parker chìa mũ ra.
– Chúng tôi sẵn sàng phục vụ.