Lắng Nghe Yêu Thương

MỞ ĐẦU – 1.



CÓ LẼ MỌI SỰ KHỞI NGUỒN từ khi bà cho chặt bỏ cái cây đó đi.
Bà không hề nói gì với cháu cả – những chuyện thế này có liên quan gì đến trẻ con đâu – vậy nên buổi sáng mùa đông nọ, lúc cháu đang ngồi trong lớp ngán ngẩm nghe thầy giảng về tính chất của bội số chung nhỏ nhất, thì lưỡi cưa đã nghiến vào lớp vỏ cây màu trắng bạc; còn khi cháu đang lết chân trên hành lang vào giờ ra chơi, thì những mảnh sống của cái cây đã rớt như mưa xuống bầy kiến nhỏ.
Khung cảnh tàn diệt đổ ập lên cháu lúc từ trường trở về. Trong sân, nơi cây óc chó từng đứng xõa bóng, giờ chỉ còn là hố đất đen ngòm; những cành cây bị chặt vứt bỏ ngổn ngang, còn thân cây bị cưa thành ba đoạn nằm vô hồn dưới đất; và một người đàn ông mặt mũi đỏ tía phủ kín muội khói dầu diesel đang điều khiển chiếc máy xúc, với những bộ hàm khổng lồ giật tung cái gốc cây. Cỗ máy xúc gầm rú, khụt khịt, lùi lại, chồm lên, hối hả trước những tiếng chửi thề của người điều khiển. Phần rễ cứng cỏi không muốn nơi lỏng những cánh tay bám chặt vào lòng đất. Chúng bướng bỉnh và đâm sâu hơn tưởng tượng.
Năm nối năm, mùa tiếp mùa, những chiếc rễ đã âm thầm lan tỏa, lấn sâu vào lòng đất từng chút một, bện lẫn với rễ cây sồi, cây tuyết tùng và cây táo, thậm chí còn cùng nhau quấn chặt lấy đường ống dẫn nước và khí ga. Đó chính là lý do khiến người ta chặt bỏ cây cối: chúng luồn lách trong thẳm sâu, làm khó con người, và con người buộc phải dùng tới máy móc để đối phó với những kẻ cứng đầu như thế.

Thình lình, dưới ánh nắng mùa đông lạnh lẽo, vồng rễ oai vệ của cây óc chó, với những chùm đất nhỏ vẫn còn dính chặt lấy rễ cây, bị nhấc bổng lên trước mắt cháu – như phần mái bị bốc ra khỏi ngôi nhà – thả lại đoạn rễ cái vẫn còn chôn sâu trong lòng đất.
Khi đó – và chỉ khi đó – người điều khiển máy xúc mới hả hê giơ cao nắm tay ra dấu chiến thắng, và bà đã mặc sẵn tạp dề, vỗ tay hưởng ứng.
Khi đó – và chỉ khi đó – cháu, vốn chưa thể mở miệng hay nhấc nổi bước chân, có cảm giác sống lưng mình bỗng dưng phát xạ. Xương sống lẫn tủy sống không còn là của cháu nữa; chúng là một phần của sợi dây điện trần cũ kĩ, và những tia lửa điện xẹt tới xẹt lui trong niềm vui giả tạo, với thứ năng lượng lạnh lùng và dữ tợn. Chúng lan tỏa khắp nơi, như những chiếc gai băng vô hình, mũi gai sắc nhọn như dao cạo, xiên vào ruột gan cháu, đâm vào trái tim cháu, rối tung trong trí óc cháu, nhảy múa lơ lửng trong máu huyết của cháu; những mảnh gỗ vụn trắng ởn, những khúc xương người chết, không nhảy điệu nào khác ngoài vũ điệu diệt vong; thứ năng lượng kia không phải lửa, không phải ánh sáng, mà là thứ năng lượng cho hành vi độc ác, khôn lường; thứ năng lượng bức bối, bỏng rát.
Và sau tia sét là mảng tối của đêm đen, cái câm lặng bất an từ quá mức: chứng kiến quá mức, chịu đựng quá mức, hiểu biết quá mức. Cái câm lặng không phải của giấc ngủ, mà của sự chết chóc: khi nỗi đau quá lớn, người ta phải chết đi một chút mới có thể sống tiếp được.
Cây óc chó của cháu – cái cây đã lớn lên cùng cháu, cái cây cháu từng tin tưởng sẽ đồng hành cùng cháu khi năm tháng trôi qua, cái cây mà cháu tưởng là mình sẽ nuôi dạy các con dưới tán lá của nó – giờ đã bị nhổ bật gốc. Cái cây đổ xuống, kéo theo bao điều bị tàn phá: giấc ngủ của cháu, hạnh phúc của cháu, vẻ vô lo của cháu. Khi phần rễ cái bị rựt đứt, âm thanh đó như một vụ nổ; thời gian bị ngắt thành trước đó và sau đó; ánh sáng cũng khác hẳn, chìm lịm trong bóng tối chập chờn. Khoảng tối ban ngày, khoảng tối ban đêm, khoảng tối giữa mùa hè nóng bỏng. Và, từ trong bóng tối đó, có một điều chắc chắn: nỗi đau chính là đầm lầy mà cháu buộc phải lội qua.

* * *

Những điều nhỏ nhặt nhất lại chính là bí ẩn lớn nhất. Trong vỏ bọc vô hình, cái thế giới bí mật đó vỡ òa. Một hòn đá, trước hay sau cũng vẫn chỉ là một hòn đá; bản chất của nó không bao giờ thay đổi. Nhưng một cái cây, trước khi trở thành cây, nó vốn là một hạt giống; và con người, trước khi trở thành người, chỉ là một phôi thai.
Những điều to tát nhất thường nằm mơ hồ trong những cái gọi là giới hạn, định nghĩa.
Khi hiểu được điều này, bỗng dưng cháu nhận ra rằng những thứ cần chăm chút lại chính là những gì nhỏ bé.

* * *

Sau cái chết của cây óc chó cao lớn, cháu đã khóc ròng nhiều ngày. Ban đầu, bà cố gắng an ủi – làm sao mà việc chỉ đốn một cái cây lại khiến một cô bé đau khổ đến vậy chứ? Bà cũng yêu cây; lẽ ra bà không nên làm thế để trêu tức cháu. Bà quyết định chặt bỏ đi vì nó gây phiền toái; nó ở quá gần nhà mình, và cả cây tuyết tùng cũng thế. Cây cối cần có không gian, bà luôn bảo cháu như thế, chưa hết, biết đâu ngày nào đó, rễ cây có thể đâm thẳng vào bồn vệ sinh giống như xúc tu của bạch tuộc, và hẳn rồi, cháu không muốn cái điều đáng sợ đó xảy ra đâu! Bà đang cố làm cho cháu cười, hoặc ít nhất là mỉm cười, nhưng chẳng mấy thành công.
Qua giai đoạn bùng nổ dữ dội, ngày nào cháu cũng nằm bất động dưới sàn phòng mình, nhìn trân trân cái bầu trời trì độn bằng xi măng không thể giúp cho tình hình sáng sủa hơn.
Mới trước đó, trong một cuốn sách tranh của mình, cháu đã đọc câu chuyện về loài hải sâm. Dù là một sinh vật tầm thường vô hại, vô danh nhưng chúng vẫn quyết liệt bảo vệ mạng sống của mình như bất kì sinh vật nào khác. Khi bị tấn công, ngay lập tức, chúng phóng ra toàn bộ mớ bòng bong nội tạng – tim gan, phèo phổi, những bộ phận nội tạng tái sinh được – để vô hiệu hóa kẻ thù bằng cái thứ giống như tấm vải của đấu sĩ ấy, và nhờ đó chúng có đủ thời gian để lủi tới nơi an toàn, náu mình trong rừng tảo, nghỉ ngơi, để các tế bào của chúng tái hợp và phân tách cho tới khi tạo ra được một phiên bản nội tạng hoàn hảo thay thế thứ đã bị trục xuất.
Bà thấy đấy, cháu tự thấy mình rơi vào trạng thái giống như con hải sâm sau một vụ tấn công: ruột gan trống rỗng. Cháu không có lời nào để nói cả. Cháu không trả lời những câu hỏi của bà. Chúng ta sống ở hai thế giới khác nhau; thế giới của bà đầy lương tri ngự trị, trong khi thế giới của cháu là một vũ trụ đen đặc và đầy tai ương, chốc chốc lại có sấm sét xoẹt qua. Mối liên hệ giữa hai thế giới ấy rất rõ ràng: cháu có thể thấy thế giới của bà, nhưng bà thì không thể hiểu được thế giới của cháu.
Và vì thế, đến ngày thứ ba, khi mà lương tri và lòng kiên nhẫn của bà đã cạn kiệt, và có lẽ nhờ bác sĩ nhi khoa tư vấn, bà mở cửa phòng cháu và nói, “Đủ rồi đấy! Cháu làm bà bực mình lắm rồi. Chỉ là một cái cây thôi mà, lúc nào cháu cũng có thể trồng một cây khác.” Rồi bà lại mải miết với đủ thứ việc trong nhà, có lẽ giống như bao buổi sáng cháu đi học.

* * *

Cháu vốn không có tính cãi thẳng lại trước những lời buộc tội. Không ai phải chịu trách nhiệm về khoảng cách giữa các hành tinh; đó là do các định luật hấp dẫn. Tầm hiểu biết của mỗi người cũng khác nhau. Bà cũng biết điều đó: bà từng hay đọc cho cháu nghe truyện Hoàng Tử Bé, nên chắc bà biết mỗi tiểu hành tinh đều có những cư dân của riêng nó. Cháu thấy hơi bất ngờ vì bà đã không nhớ về chuyện cây bao báp, vì cây óc chó này có khác gì cây bao báp ấy đâu. Bụi hồng bà cứ muốn mua tặng cháu ấy, về sau cũng chẳng thế thay thế nó được.
Bụi hồng rất lung linh và tỏa hương thơm mát dịu, nhưng bông hồng rồi sẽ bị cắt đi, cắm vào lọ hoa và cuối cùng sẽ nằm gọn trong thùng rác. Nhưng một cái cây mà ta yêu quý cắm rễ ăn sâu vào trái tim ta. Khi cây chết đi, rễ bị khô héo, quắt queo, để lại những vết sẹo nhỏ nhưng hằn sâu, không thể lãng quên.

* * *

Người hay đổ lỗi về thất bại của mình trong cuộc sống cho người khác – hay cho một sự cố nào đó – chẳng khác gì một con chó bị buộc vào dây xích dài, cứ trượt theo sợi dây đó. Chẳng mấy chốc, đám cỏ dưới chân con chó sẽ chết dần, và chỗ đất bị giày xéo sẽ bê bết thức ăn vương vãi và những bãi phân chó. Khi kiệt sức vì những bước cào liên hồi vô định đó, con chó rồi sẽ chết và sợi dây xích còn lại lơ lửng, han gỉ; tất cả những gì còn lại của một cuộc đời bất hạnh đó chỉ là những dấu vết buồn trên nền đất.
Biến cố và con người không phải là những bì dằn, cũng không phải là những ngõ hẻm mà ta không biết lối ra; chúng giống những chiếc gương hơn: nhỏ, to, lồi, lõm, mấp mô, biến dạng, nứt hoặc mờ, nhưng vẫn cho hình ảnh phản chiếu và cho chúng ta biết một phần ẩn khuất trong chính chúng ta.

* * *

Hẳn là cháu đã thức tỉnh khỏi cuộc đời của một con hải sâm vào đêm thứ tư hoặc thứ năm gì đó. Căn phòng của cháu ngập tràn ánh trăng tròn lạnh lẽo. Cây móc treo quần áo phủ cái bóng rùng rợn của nó xuống sàn. Tại sao phải để lại bóng trong đêm tối? Để làm gì, nếu không phải để chứng minh cho sự tồn tại của những thứ không thể cầm nắm được?
Hồi cháu còn bé, suốt cả buổi tối, bà thường ngồi bên giường và kể chuyện cho cháu nghe. Trong mớ hỗn độn, nào công chúa, bùa phép, những con vật khổng lồ và những chiến công lẫy lừng, chỉ có hai hình ảnh vẫn khắc sâu trong tâm trí cháu: đôi mắt vàng khè của con sói và những bước chân thình thịch, vụng về của Quái vật Golem. Lũ sói rình rập trong rừng và dọc những con đường hoang vắng, còn Quái vật Golem có thể đi tới bất kỳ đâu; nó biết mở cửa, đóng cửa và leo lên cầu thang. Nó không ăn thịt trẻ con hay biến chúng thành quái vật, vậy mà cháu vẫn sợ nó hơn bất kì loài nào khác. Mỗi khi nhắc đến tên nó, không khí quanh cháu như đóng băng lại.
Vào một đêm đầu thu, ẩm ướt nhưng không lạnh, cháu cảm thấy choáng ngợp trước những cái bóng đáng sợ nên trở dậy và ra ngoài.
Không gian thoang thoảng chút hương thơm gợi nhớ về mùa hè rực rỡ. Đó có lẽ là mùi của vài quả táo còn sót lại trên cành, số khác rụng đầy mặt đất, thối rữa, hoặc có lẽ là hương của những trái mận vàng vừa chín tới. Vì nhiệt độ vẫn chưa xuống dưới mức đóng băng, nên chỉ có vài chiếc lá rụng. Cỏ vẫn xanh, lác đác đây đó là những cây hoa anh thảo dại và hai cây bồ công anh còn sót lại sau đợt bà dọn sạch cỏ.
Tới lúc đó, cháu chợt nhận ra lòng mình thật trống trải. Cháu tới chỗ cây óc chó từng đứng và khụy gối. Mặt đất ẩm ướt, phủ đầy những nhánh cây gãy vụn, vương vãi khi cái cây ngã ập xuống.
Không gian quanh đây, khi còn có cây óc chó, từng ngân lên rất nhiều giai điệu; trong chốc lát, cháu thấy nó vẫn còn đây, rễ nó vẫn đang hút lấy dưỡng chất bơm vào thân, những chạc cây như những ngón tay đen ngòm vẫn đang truyền nhựa sống. Mới đấy, quả hạch rơi đầy từ thân cây lừng lững, ăn sâu vào lòng đất và nhú mầm, vươn lên bầu trời. Bản giao hưởng ngẫu hứng của đám quả rụng đã đồng hành với tuổi thơ cháu những khi mùa thu tới. Ngày ấy, mỗi khi đi học về, cháu lại chạy ra đây, nhét đầy túi những quả óc chó.
“Đừng có nhặt, bẩn đấy.” Tiếng bà vọng ra từ cửa sổ bếp. Nhưng kệ, cháu cứ lờ đi và tỉ mẩn bóc quả óc chó thật nhẹ nhàng để chúng không vỡ. Cháu không ăn, mà để chúng trong lòng bàn tay và nhìn ngắm. Không hiểu sao, cháu thấy chúng giống hệt mấy bộ não trong sách giáo khoa – não của các động vật có vú và các loài chim – với hộp sọ, như một cái vỏ bọc, bảo vệ các bộ phận mong manh hơn, màng cứng, màng mềm, và, vùng kiểm soát trí nhớ giữa hai bán cầu não.
Sao hai thứ trong tự nhiên lại giống nhau đến thế? Sao thứ này lại liên hệ với thứ kia? Đó là quy luật vũ trụ, hay chỉ là sự phóng đại của một phút thất thần?
Xung quanh nơi đây phủ đầy quả óc chó. Những cơn mưa rào đã biến thảm cỏ xanh mướt của tháng Sáu thành lớp bùn nhão; chỉ cần chọc nhẹ ngón tay, hạt cây sẽ lộ ra. Cứng đấy, nhưng vẫn không thoát nổi móng vuốt và hàm răng nhọn hoắt chìa ra của lũ sóc, hay những chiếc mỏ của bọn quạ mào, lũ chim ác là và chim giẻ cùi; cứng, nhưng chưa đủ để có thể khiến cháu ngừng thắc mắc.
Vì cái cây óc chó kia – nay sống mai chết – chính là tấm gương đầu tiên phản chiếu cuộc đời cháu. Cháu khuỵ xuống vùng đất tổn thương, nhìn vào vết sẹo hằn trên mặt đất, đằm mình trong ánh trăng quái gở, tay vẫn cầm một hạt cây mà thấy lòng mình trống rỗng. Khi quả tuyết tùng rơi đánh cộc khô khốc dưới chân, cháu hiểu mình không thể vượt qua con đường phía trước, con đường cô độc của một kẻ hay hoài nghi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.