Lắng Nghe Yêu Thương

12.



SAU SÁU NGÀY YÊN BÌNH TRÊN BIỂN, cháu đã tới cảng Haifa.
Đứng trên boong tàu, ngắm nhìn thành phố hiện dần trước mắt, cháu cảm nhận được sự thân quen đến kỳ lạ, gợi cho cháu nhớ về Trieste. Phía sau thành phố, thay vì cao nguyên Kras, sừng sững dãy núi Carmel lởm chởm đá; những ngôi nhà cao tầng mọc lên khắp nơi – những ngôi nhà mới nhất là to nhất. Bên trái, nơi những dải đồi thoai thoải nhường chỗ cho đồng bằng, luồng khói đen đặc từ các nhà máy công nghiệp phun thẳng lên bầu trời và hòa lẫn với ngọn lửa của một nhà máy tinh chế.
Nhưng Haifa không có thành phố quay mặt ra biển như Trieste. Thay vì con đường lượn quanh bờ biển và tòa nhà Piazza d’Unità, là các bến neo tàu hàng, và bên trên, một dãy cần cẩu màu vàng với những cánh tay cẩu khổng lồ đang hạ xuống. Phía dưới, hàng tá tàu container từ khắp nơi trên thế giới đang được xếp dỡ hàng hóa, tầng tầng lớp lớp.
Trong khi chờ đợi làm thủ tục để lên bờ, cháu tha thẩn trên boong tàu, ngắm nhìn đường nét của một tòa nhà lạ lùng trên đỉnh một ngọn đồi, bao bọc bởi những khu vườn trên nền đất bậc thang, thoai thoải dốc xuống biển, mái vòm hình tròn, mạ vàng của ngôi nhà giống một nhà thờ Hồi giáo, chỉ thiếu tòa tháp bên cạnh.
“Cái gì thế ạ?” cháu hỏi một phụ nữ đến từ Ashkelon mà cháu quen trong chuyến đi.
“Kia á? Đền Bahá’i đấy”, bà ta trả lời, mỉm cười như muốn nói thêm, Đúng thứ chúng ta cần. Thực ra, đó là lăng mộ của Bahá’u’lláh, một người Ba Tư cải đạo Hồi trong nửa sau thế kỷ mười chín và lập nên phong trào tôn giáo của chính mình, pha trộn các tôn giáo dựa trên tình yêu thương chung của con người thuộc mọi đức tin và dân tộc.

* * *

Đặt chân xuống nền đất khô khốc, cháu mới thấy sức nặng của chiếc ba lô trên lưng, cứ như cả thế kỷ đang tới hồi kết, và cháu biết đã đến lúc dừng lại xem xét gánh nặng của mình, đã đến lúc lấy ra tất cả những tảng đá, lần lượt, đặt tên chúng, liệt kê chúng, rồi quyết định cái nào cần mang theo, và cái nào nên bỏ lại.
Bất giác, trên mảnh đất xa lạ nhưng rất đỗi thân thương ấy, cháu hiểu rằng câu chuyện cá nhân của ta cũng chính là chuyện của những người đi trước ta, và những lựa chọn của họ. Chính những chọn lựa đó đã nhào nặn ra chúng ta; như canxi cacbonat trong hang động, chúng là kết cấu vô hình của mỗi cá nhân.
Thay vì là tấm bảng trắng để viết bất cứ điều gì, đứa trẻ sơ sinh như tấm khăn trải bàn mà ai đó đã thêu dệt vào đó những đường nét văn hoa. Đứa trẻ đó có đi theo con đường mà người khác đánh dấu, hay nó sẽ chọn một con đường khác? Nó sẽ tiếp tục bước theo vết xe quen thuộc, hay sẽ can đảm bật ra khỏi lối mòn đó? Và tại sao một người có thể xé bỏ khuôn mẫu, trong khi người khác lại mụ mị, cần mẫn bước theo đường đã định?
Và rồi, đây có thực là cuộc đời duy nhất ta có được không? Phải chăng đây là không gian chiếu sáng duy nhất mà ta phải đi qua? Lẽ nào ta buộc mình phải im lặng, và vươn cổ ra như người cuối cùng trong một hàng dài các vật tế thần? Phải chăng đến với thế gian này và rồi chìm dần vào cái chết, giống như một ngôi nhà xếp hình, tự đổ sập xuống trong câm lặng?
Ai quyết định các vai cho một vở diễn? Hay mọi thứ chỉ là chuỗi tiếp nối liên hồi của ánh sáng và bóng tối?
Giết hay bị giết: ai là người định đoạt? Có lẽ là những người tự cho mình đang sống dưới ánh sáng. Nhưng còn những người trong bóng tối, họ sẽ làm gì? Và còn cháu nữa? Đâu là vị trí của cháu? Có thật là mọi việc đều diễn ra như trên sâu khấu – mở màn, hạ màn, những lời thoại được nói ra hay quên lãng? Chuyện gì sẽ xảy ra với tiếng kêu trước khi chết của những nạn nhân và những giọt mồ hôi lạnh toát trong cơn hấp hối sau cùng? Liệu trên thiên đường có chỗ nào để chứa tất cả, một danh mục, một kho trữ, một bộ nhớ khổng lồ chẳng hạn? Và, cùng với việc ghi chép đơn thuần, liệu có một bàn cân, hay có ai đó đếm đo sự sống? Làm sao đĩa cân bên trái cân bằng đĩa cân bên phải: hành động bên đĩa cân này, còn phán xét là đối trọng ở đĩa bên kia? Liệu thanh gươm của thiên sứ Michael có lóe sáng, vung lên đây đó, hay chỉ là tiếng vút của hư vô dội lại trong không gian?
Phải chăng vũ trụ chỉ là chiếc dạ cỏ khổng lồ, toàn lỗ hổng đen ngòm nghiền nát và hấp thu mọi loại hình năng lượng? Phải tìm ý nghĩa của thế giới trong cái động cơ không mệt mỏi, cỗ máy nhai nuốt – hấp thu – bài tiết, trong bản giao hưởng của các dịch vị dạ dày?
Nhưng khi chiếc dạ cỏ đóng lại, con bò sẽ chết. Thế còn vũ trụ thì sao?
Chúng ta là các protein, khoáng chất, axit amino, chất lỏng, các phản ứng về men, và thế thôi ư? Còn lũ ấu trùng trắng ởn, lúc nhúc, lúc nào cũng ngấu nghiến ăn và bị ăn ngấu nghiến thì sao? Nhưng ngay cả ấu trùng cũng biết chân giá trị của chuyển hóa; lớp mô mềm của nó có thể biến thành nét đẹp huy hoàng của một cánh bướm.
Và sẽ ra sao nếu từ ngữ nhiệm màu thực chất chính là từ “chuyển hóa”? Nếu bóng tối tồn tại rõ ràng chỉ là để đón chào Ánh sáng?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.