Lắng Nghe Yêu Thương

10.



KHI MÁY BAY RƠI, thứ đầu tiên người ta tìm là chiếc hộp đen. Mọi thứ được ghi lại trong đó, bao gồm cả những yếu tố góp phần, dù là rất nhỏ, gây ra tai nạn – tốc độ, đường đi, lỗi của con người, sự do dự, đêm tối, và vân vân – cho đến đúng thời khắc tai nạn. Ở con người, những quy trình tương tự cũng được gửi gắm cho khả năng hồi tưởng. Trí nhớ tạo nên con người, tạo nên môi trường sống của con người trong cuộc đời của chính họ cũng như trong thế giới xung quanh họ, và lời nói là những dấu tích mà họ để lại phía sau.
Lời nói giống như dấu chân bạn thấy trên bãi cát buổi chiều tà. Đêm xuống, vô vàn những sinh vật xuất hiện rồi biến mất giữa những đụn cát: nào là cáo, chuột, quạ, mòng biển, cua, và cả những con gián nhỏ trườn bò, lao đi trên cát trong bóng đêm và để lại dấu vết của mình. Một số gặp nhau, đánh hơi một cách tò mò; số khác bay sà xuống rồi lại vút lên; những con kém may mắn nhất sẽ biến thành mồi, trong khi những con khác kết đôi hoặc chỉ đơn giản duỗi những cặp chân khoan khoái. Lũ cua xây thành lâu đài cát khi chúng dũi ra biển. Dấu vết của lũ chim chỉ còn lại cho tới khi đợt sóng kế tiếp cuốn trôi. Bọn gián để lại những vệt dài và gọn ghẽ trên nền cát phía sau, giúp chúng dễ dàng tìm lại lối về hang.
Nếu con gián không biết nó thuộc loài nào, làm sao nó cư xử đúng đắn được? Làm sao nó biết nó sẽ ăn phân, phấn hoa, hay xác con vật chết?
Một con vật vốn sinh ra đã hiểu được là nó sẽ sinh sống bằng gì; hương vị thức ăn mà nó nhớ định hướng lựa chọn cho nó, và nó, cũng nhờ vậy, có thể nhận biết tổ của mình và lý do khiến nó rời tổ. Tất cả đều được khắc trong gien của nó.
Ở con người, mọi thứ phức tạp hơn nhiều.
Con người chúng ta có các chức năng cơ thể giống nhau, còn lại thì khác nhau hoàn toàn. Mỗi chúng ta có nguồn gốc của riêng mình, và nó bắt nguồn từ trước đó rất xa, từ thời ông bà, cụ kỵ, cố tổ, xa, xa nữa, tới tận người đầu tiên, tới khi mà – thay vì cư xử như loài gián – chúng ta bắt đầu biết lựa chọn.
Tổ tiên của chúng ta đã chọn lựa gì? Gánh nặng nào mà họ đã đặt lên chúng ta? Và tại sao các gánh nặng này khác nhau đến vậy? Tại sao một số người có thể bước những sải chân dài, nhẹ bẫng, trong khi một số khác, lại chẳng thể lê nổi một bước chân?

* * *

Đeo đẳng mãi những suy nghĩ này, cháu lại lọ mọ chui vào tầng áp mái. Mặt trời mùa hè bắt đầu nung nóng bầu không khí tù túng, và cháu mở cánh cửa sổ nhỏ cho đỡ ngột ngạt. Cháu khoanh chân ngồi bên chiếc va li mở sẵn trên sàn. Không còn nhiều thứ trong đó: vài lá thư cũ, đầy bụi, một cuốn sổ tay nhỏ trông có vẻ mới hơn, tất cả bị bỏ bê như những bông hoa giấy sau lễ kỷ niệm linh đình. Đây là những dấu vết cuối cùng, những vết gợn trên cát còn lại khi lũ gián tìm về với tổ.
Những trang giấy này sẽ đưa cháu tới những đâu?
Cháu mang đống thư và cuốn sổ xuống gác, đặt chúng lên bàn, sắp xếp theo ngày tháng, nhưng tới lúc đó, trời đã muộn; cháu không muốn mở chúng khi một ngày chẳng còn lại gì ngoài bóng tối. Cháu quyết định đợi đến khi ánh sáng của ngày mới trở lại.
Dù đã lên giường, nhưng tiếng nhạc inh ỏi của một lễ hội mùa hè nào đó khiến cháu không tài nào ngủ được. Đồng hồ báo thức điểm một giờ sáng, với giai điệu bài “Lá cờ đỏ thắm” vang vọng. Mãi tới tận ba giờ sáng, khi không gian cao nguyên vừa được trả lại sự tĩnh mịch, thì tiếng gầm rú của một chiếc xe tải lại ầm ĩ cả lên. Vẳng lại mơ hồ từ tít mãi xa, là tiếng dây chão rung bần bật trên các thuyền buồm neo ở bến cảng. Tất cả như hòa thành một bản giao hưởng khiêm nhường trong làn gió hè mơn man.
Khúc nhạc đó là gì nhỉ, cháu tự hỏi trong giấc ngủ lơ mơ vừa đến, là khúc nhạc của ly tan hay tái hợp?

* * *

Trên bìa cuốn sổ tay là một khung cảnh mùa đông. Mặt trước là hình ảnh con thỏ chạy xuyên màn tuyết; ở giữa là một hàng cây trĩu nặng tuyết trắng; nền phía sau, nối liền chân trời với vòm trời trong trẻo, sáng bừng là một dải núi phủ băng lấp lánh. Đó là một cuốn sổ tay đơn giản, loại sổ bà thường dùng để làm bài tập tiếng Latin hoặc ghi chép sổ sách nội trợ. Có lẽ vì thế mà cháu đã mở nó ra một cách hờ hững.
Nhưng cháu chết đứng ngay khi nhận ra đó là chữ của mẹ.
Có một chữ trên trang đầu tiên: Thơ. Cháu từng đọc nhật ký của mẹ và những bức thư mẹ viết cho cha mà không hề bối rối, nhưng giờ đây, với cuốn sổ tay trước mặt, cháu cảm thấy lúng túng và sợ hãi; cháu chưa từng nghĩ mẹ lại có chút lòng cho thi ca.
Có vài bài thơ – ngắn có, dài có. Cháu lướt qua những bài thơ trong cuốn sổ.
Tôi sẽ không bao giờ là hoa Vì tâm hồn tôi là cỏ

Một chiếc lá mỏng manh sánh ngang ngàn chiếc lá Sương mù
Sương che vạn vật nhà cửa và con người; xe đạp cũng ngừng huyên náo.
Thế gian thành nơi hư ảo hay chính tôi vô hình như hồn ma? Tim tôi trong bọc giấy gói hoa
Món quà quý, chẳng nơi nao thèm nhận. Nỗi sợ
Chẳng quái vật nào hù dọa được ta kể cả những tên giết người man rợ
Ta chẳng sợ đêm tối bão lũ hay cuồng phong bản án hay cái chết Hay một tình yêu vô hình
Ta chỉ sợ bàn tay con bé bỏng dò dẫm tìm tay ta Sợ ánh mắt thơ dại
“Tại sao?” con thường hỏi.
Mắt cháu nhòe đi; cháu cảm thấy như có gì đó đè lên lồng ngực. Nó như một cái cọc vót nhọn để giết lũ ma cà rồng. Một bàn tay đang thọc mạnh, cố gắng xé roạc lồng ngực của cháu.
Sẽ thật đáng yêu biết bao Nếu đời ta vui nhộn
Như bản nhạc lễ hội Sanremo
Anh và em, tay trong tay đến bên cửa sổ, Với hộp đầy hoa tử đinh hương
Sẽ thật đáng yêu biết bao bên nhau chờ hoàng hôn xuống
Sẽ thật đáng yêu biết bao được dung dăng dẫn bước con cái ta trên đường đời…
Cái cọc đâm sâu hơn, chỉ một chút nữa thôi là nó sẽ đâm thủng màng tim của cháu.
Người phụ nữ này là mẹ cháu ư? Chuyện gì đã xảy ra với cô gái phiền toái, nông cạn trong cuốn nhật ký kia, người phụ nữ lầm lỗi, tuyệt vọng ở những lá thư? Hẳn mẹ đã viết các vần thơ này không lâu trước khi mất, nhưng dù trong trường hợp nào, chúng như ghi lại suy nghĩ của một con người khác hẳn.
Nghe nói, khi cận kề cái chết, mọi thứ hiển lộ rõ hơn; nó xảy ra ngay cả khi chúng ta không hề biết ngày tháng của mình đã được định đoạt. Rồi bỗng nhiên, bức màn bị xé toạc, và tới giây phút ấy, chúng ta sẽ nhìn thấy rõ những gì vốn vẫn bị giam cầm trong bóng tối.
Mẹ của cháu đã phó mặc bản thân cho dòng chảy của thế hệ, không hề hoài nghi rằng mình sắp bị rơi xuống vực thẳm. Vì mẹ trưởng thành mà không có cội rễ vững chắc, nên thác ghềnh tàn bạo đã cuốn mẹ đi. Khác loài liễu rủ có thể bị lũ lụt nhấn chìm nhưng vẫn bám sâu vào lòng đất; rõ ràng mẹ là một lá cỏ mỏng manh, như mẹ viết trong thơ. Cục đất nhỏ nhoi mà mẹ bấu víu đã bị cuốn khỏi vách núi, đẩy mẹ vào dòng trôi nổi đơn độc. Có lẽ mãi tới khi nghe tiếng gầm rú của dòng thác đổ xuống, khi sắp bị quăng vào chốn vô định, mẹ mới thấy hối tiếc vì không có những chiếc rễ sâu để mà bấu víu.
Rốt cuộc thì, cháu nghĩ, cái cách mà con người được ghép lại với nhau cũng không khác gì vùng đá vôi Kras: nhìn bề ngoài, lịch sử biến đổi không ngừng, qua từng ngày, từng tháng, từng năm và từng thế kỷ, nối tiếp nhau theo dòng chảy thời gian – hết xe ngựa lại tới xe hơi lăn mình trên đó – trong khi bên dưới, đời sống của nó vẫn nguyên vẹn và mãi như thế. Không một dao động ánh sáng hay nhiệt độ trong các hang động tối om, không thay đổi theo mùa; bầy kỳ nhông vẫn búng mình vui vẻ, dù mưa hay nắng, thạch nhũ vẫn tí tách nhỏ xuống măng đá. Trong thế giới được tạo nên từ nước ấy, vạn vật tồn tại và tái sinh theo một trật tự gần như không biến đổi.
Vậy là trong những năm tháng cách mạng, mẹ đã sống một cuộc đời sôi nổi. Để hết lòng với giấc mơ ấy, bà đã bóp méo cảm xúc của chính mình. Ngày đó, cảm xúc không quan trọng bằng tinh thần đồng đội.
Cùng đứng trên mũi tàu phá băng tưởng tượng, họ hùng hồn tiến lên, phá vỡ vỏ bọc băng giá, trì trệ, mắt họ dán vào chân trời công lý chung đầy tươi sáng. Nếu con tàu có thể đi tiếp, thì rốt cuộc họ sẽ tới được một thế giới mới, một vùng đất nơi cái xấu không còn lý do để tồn tại, và tình bằng hữu được đặt lên đỉnh cao. Tầm quan trọng của sứ mệnh này không cho phép dao động hay do dự. Họ phải cùng nhau tiến lên, không lý tưởng cá nhân, không nuối tiếc, hợp thành một nhịp điệu duy nhất, như đàn kiến châu Phi có thể ăn trọn một con voi trong vài phút.
Tuy nhiên, tới một lúc, chắc hẳn mẹ đã xa rời nhóm theo một cách nào đó. Khi bạn bè xung phong tiến lên, mẹ chọn con đường nội tâm đơn độc. Đang lúc quá đỗi mong manh và bối rối tới mức không thể tự cứu mình, thì mẹ gặp Ngài G, chiếc phao đầu tiên có thể bấu víu. Ông ta nâng mẹ lên, giúp mẹ nổi, và thế là quá đủ. Trong một thời gian ngắn, cái kim chỉ nam ấy giúp mẹ đi tiếp, nhưng trong thực tế, dưới vỏ bọc tư tưởng cứng rắn và khát vọng mơ hồ vươn tới mối hòa hợp chung trừu tượng, có một phụ nữ trẻ, trong phần lớn cuộc đời ẩn náu của mình, đã mơ về tình yêu.
Dòng sông cứ trôi trong những hang động bí ẩn, và nước của nó vẫn là nguồn sống cho đời, với quyền năng xoa dịu, nuôi dưỡng, bồi đắp, củng cố và đoàn kết nhân loại từ mọi ngóc ngách trên địa cầu. Nhưng yêu và được yêu, chứ không phải cách mạng, mới là khát vọng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi sinh vật trên thế giới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.