Lắng Nghe Yêu Thương

13.



TRONG TẤT CẢ CÁC CÂU CHUYỆN VỀ GIA ĐÌNH TA, chuyện về bác Ottavio là nổi tiếng nhất.
Bà chỉ nói bóng gió với cháu vào một buổi tối khi chúng ta ngồi trên ghế sofa và xem các bức ảnh gia đình mà bà lấy ra từ một chiếc rương. Lúc ấy cháu bao nhiêu tuổi nhỉ? Khoảng mười hoặc mười hai gì đó – cháu đã tới cái tuổi khi mà sự thiếu vắng một gương mặt (của cha cháu) bắt đầu dày vò cháu. Bà không có ảnh cha cháu để cho cháu xem, vì bà không biết ông ấy là ai, và theo cách nào đó, có lẽ bà đang cố gắng bù đắp cái khoảng trống đang lớn dần trong cháu.
Địa điểm được chụp ảnh nhiều nhất là một trang viên lớn màu trắng, bao bọc bởi một công viên, nơi bà lớn lên. Đó là một buổi đoàn viên gia đình, có cả những người hầu, chụp trước một trận đấu cricket, và trong nhiều bức hình in liền khác, có vài bức chụp con chó Argo của bà. Nó – với đôi mắt tinh anh – duỗi dài người trước cổng vào nhà kính. Có những bức chụp trang viên trong cảnh mùa hè tráng lệ, với các bụi hồng nở rộ rải rác trên thảm cỏ, những cánh cửa chớp mở ra dãy ban công đầy hoa, và rồi, có một bức hình chụp trang viên sau khi máy bay ném bom tàn phá nó: một đống đổ nát dưới một đám khói đen sì.
Nhiều bức ảnh chụp bà thời bé, bím tóc cột dải ruy băng dài, hoặc chụp với cha mẹ của bà trong một phòng chụp hình, trước một phông nền sơn màu lòe loẹt; rồi có một bức chỉ có ảnh của cụ ngoại, chụp khi cụ đang hát. Có vài bức ảnh những đứa trẻ khác – tất cả đều mặc đồng phục thủy thủ, tay cầm váy hoặc những chiếc đàn vĩ cầm đồ chơi, đi đôi ủng cao tới cổ chân – những người mà bà thường vui vẻ kể với cháu về tên của họ, mối dây mơ rễ má với bà mà không hề làm cháu hào hứng. Cháu quan tâm tới họ làm gì chứ, những người ấy trong mắt cháu chẳng khác nào vừa mới bước ra từ một bộ phim cả.
Một lần, khi cùng đi qua nơi từng là trang viên, bà chỉ cho cháu một cây tuyết tùng đơn độc, lọt thỏm trong hàng chục tòa chung cư ảm đạm, tối tăm vì khói phả ra từ các xưởng đúc. “Cháu thấy cái cây đó không?” bà nói “chiếc bập bênh của bà được đặt trên cành cây thấp nhất của nó đấy.”
Cái cây lá kim phủ đầy bồ hóng ấy là kẻ duy nhất còn sót lại trong công viên rộng lớn đã từng bao bọc gia trang của bà.

* * *

Cụ Ottavio là em trai của mẹ bà; bà cho cháu xem ảnh ông ngồi bên chiếc dương cầm, trong khi người chị gái đứng bên cạnh, hát một bản tình ca. Trong một gia đình mà mỗi người ít nhiều đều biết chơi nhạc cho vui, thì cụ là người duy nhất theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, cụ lưu diễn liên tục khắp châu Âu, và khi về nhà, cụ dành hầu hết thời gian tập đàn trong phòng khách.
Bà không chịu được cụ, bà bảo cháu thế, nhưng bà cũng nói thêm, có lẽ bà chỉ ghen tị với tài năng của cụ, bởi tự thấy mình chẳng có khiếu gì cả. Cụ Ottavio lập gia đình – khá muộn ở thời đó – với một nghệ sĩ chơi đàn hạc người Gorizia. Họ có hai con, một trai một gái, cách nhau vài tuổi. Người con gái, Allegra, thừa hưởng năng khiếu âm nhạc của cha mẹ, và sau khi tốt nghiệp trường nhạc ở Trieste, đã chuyển sang Mỹ để hoàn tất chương trình học đàn viola của mình. Em trai của bà ấy, Gionata, chuyển sang Israel khi kết thúc chiến tranh Thế giới thứ Hai.

“Sao lại là Isarel?” cháu hỏi, với vẻ băn khoăn như thường lệ. “Ông ấy đã yêu phải không ạ?”
Bà sững người trước câu hỏi ấy, “Yêu ư?” bà lặp lại. Rồi, với ánh mắt xa xăm, bà nói thêm “Phải, có lẽ vậy… nhưng, đó là cả câu chuyện dài, và cũng hơi buồn: quá dài và quá buồn với một bé gái đã tới giờ đi ngủ.”
Cháu hoài công phản đối. Cháu thích các câu chuyện cổ tích buồn; mỗi tối đi ngủ, cháu ôm chặt cuốn Nàng tiên cá út, lẩm nhẩm những đoạn tuyệt vọng nhất bên dưới tấm chăn trong khi chú Vịt con Xấu xí ngắm nhìn cháu từ chiếc bàn bên cạnh.
“Nhưng đây không phải chuyện cổ tích” bà chặn họng cháu. Vậy là cụ Ottavio, vợ của cụ ấy, cây dương cầm của cụ, cây đàn hạc, đàn viola, bà Allegra, ông Gionata và điểm đến lạ lùng của ông ấy (đối với cháu) đều biến mất trong cái giếng thời gian hun hút.

* * *

Cháu mang theo ba lá thư tìm thấy ở tầng áp mái trong chuyến đi này. Hai trong số chúng được gửi từ Mỹ; lá thư đầu tiên là của bà Allegra, và lá thư thứ hai ký tên Sara, một trong các con gái thông báo về cái chết của bà.
Lá thư thứ ba từ Israel. Với mấy dòng sơ sài, người anh họ Gionata của bà gửi lời chúc mừng bà hạ sinh Ilaria và báo rằng ông đã cưới vợ và định cư luôn trên một hòn đảo phía bắc Biển hồ Galilee. Bức thư có địa chỉ đầy đủ của ông ấy, phòng khi một ngày nào đó bà muốn tới thăm ông.
Địa chỉ ấy là điểm đến của cháu sau khi cháu xuống Haifa. Giả dụ ông Gionata là con trai người em út của mẹ bà, ước chừng ông ấy tầm 70 tuổi và có lẽ vẫn còn sống. Ở phần bán cầu này, không kể đám anh em con lai da màu mà cháu có thể có trên các bãi biển Rio de Janeiro, người em họ Gionata của bà là người thân duy nhất còn sống của cháu, trừ cha cháu.

* * *

Sau gần một tiếng đồng hồ chờ đợi, cháu đón được chuyến xe đến nơi cháu muốn. Máy điều hòa nhiệt độ và âm nhạc đều mở hết công suất, hầu hết các chỗ ngồi đều chật kín những nam nữ mặc quân phục. Vài người trong số họ đeo súng máy lủng lẳng trên vai.
Xe rời Haifa từ hướng bắc, phía đối diện dãy núi Carmel, đi qua khu công nghiệp nơi có nhiều cầu vượt lớn. Cháu nhìn qua cửa sổ, ngắm các nhà kho, phân xưởng, siêu thị… Tình trạng giao thông khá lộn xộn, các lái xe khoa tay múa chân đầy hăm dọa qua những cửa sổ xe đang mở và nhấn còi liên tục. Thật kỳ lạ, cháu không cảm thấy xúc động mà thấy khá lưỡng lự ngay khi đến được khu định cư nêu trong bức thư. Cháu không biết liệu mình có thực sự tìm được ông Gionata không; có thể ông đã chết từ lâu, hoặc có thể ông đã đổi địa chỉ rồi. Có thể cháu sẽ tìm được người bà con nào đó đời sau ông, hoặc khả năng xấu nhất là sẽ không tìm được ai cả.
Ngay cả giả thuyết ấy cũng không đủ khiến cháu lo lắng, vì cháu biết chắc: chuyến đi của mình không phải một cuộc chạy trốn (như chuyến đi tới Mỹ ngày trước). Lần này, cháu đang thẳng bước đương đầu với một điều mà mình không biết, nhưng lại liên quan sâu sắc đến cháu.
Cháu xuống xe buýt – hành khách duy nhất xuống xe – và đứng bên lề con đường chạy qua các cánh đồng. Trước mặt cháu, một cánh cổng kiên cố bọc dây thép gai bảo vệ một công trình nửa như chòi gác nửa như phòng trực.

Cháu đến chỗ nhân viên bảo vệ có vũ trang, một thanh niên trẻ, nói tên cháu và tên người cháu muốn tìm. Người gác dẫn cháu bước vào cánh đồng. Khi ngồi trên xe buýt, cháu đã cố tưởng tượng xem một khu định cư trông sẽ thế nào; hình ảnh trong não cháu, dựa trên những câu chuyện mà một người bạn của bà đã kể, đó là khu toàn lều lán đơn sơ dựng lên lộn xộn trên một mảnh đất khô cằn nứt nẻ.
Nhưng khi đi theo người lính trẻ, cháu nghĩ rằng nơi mình đang vào trông giống một khuôn viên đại học hơn. Rải rác đây đó là những căn nhà một tầng nho nhỏ, mỗi nhà lại được tô điểm bằng một thảm cỏ và khu vườn nhỏ xinh. Có cả một bể bơi và sân tennis ở khu tiện ích chung. Giữa cánh đồng là ngôi nhà cao và rộng hơn so với những nhà khác; người dẫn đường bảo cháu đó là nhà ăn.
Điểm khác biệt duy nhất giữa nơi này và khu đại học là mùi phân bón nồng nặc từ mấy hầm chứa lớn ở đằng xa.
Cây hoa giấy với những chiếc cánh đủ màu, từ đỏ thắm và tím sẫm, tới màu vàng và trắng, điểm tô cho mỗi bức tường. Những dây nho lan rộng sum suê đầy kiêu hãnh. Từng bầy chim sẻ lớn bay lượn giữa giàn hoa lá sặc sỡ.
Người bạn đồng hành trẻ tuổi bảo cháu nên đợi. Cháu tháo ba lô và ngồi xuống một chiếc ghế dài, ngập ngừng quan sát xung quanh. Cháu không dám chắc liệu anh ta có biết người cháu đang tìm không nữa. Tuy nhiên, sau khi chờ đợi khoảng 15 phút, cháu thấy một ông già râu bạc dáng người tầm thước tách ra từ một nhóm nhỏ, và ngay lập tức cháu nhận ra (nhờ những quy luật bí ẩn về gen di truyền) đó chính là ông cậu Gionata.
Ông cậu rõ ràng đã rất ngạc nhiên, nhưng không có vẻ phiền gì về sự xuất hiện của cháu. Dù mang tên thánh là Gionata, ông đã không nói tiếng Ý trong nhiều năm. Còn tên của ông bây giờ là Jonathan, nhưng ông xưng hô với cháu theo một cung cách khá cổ lỗ mà bà thi thoảng cũng dùng mỗi khi bị ốm.

Ông cậu nằng nặc mời cháu về nhà – một căn nhà đúc sẵn, thấp lè tè đối diện khu vườn nhỏ đầy hoa – để uống trà. Bất chấp tuổi tác, ông vẫn giữ được vóc người rắn chắc, khỏe mạnh. Phong thái nói chuyện của ông rất thẳng thắn.
Cháu kể cho ông nghe về bà – cháu nói bà đã mất một năm trước – kể về chuyện mẹ đã qua đời khi cháu bốn tuổi, và sau cùng là kể về cha, một giáo sư triết học sống ở Grado và chẳng liên quan gì tới quá trình trưởng thành của cháu.
Vợ ông Jonathan mới mất vài tháng trước. Ông có hai người con: con trai lớn, Arik, là một kỹ sư sống ở Arad; người em gái là bác sĩ tâm thần học tại một bệnh viện ở Beersheba.
Ông Jonathan rất tự hào với hai cô cháu song sinh 7 tuổi, con gái cậu Arik; cả hai đứa đều biết chơi vĩ cầm từ khi còn rất nhỏ; và nhờ phương pháp giảng dạy của nghệ sĩ vĩ cầm người Nhật Shinichi Suzuki, chúng đã có thể chứng tỏ mình được thừa hưởng trọn vẹn khiếu âm nhạc của ông bà cố nội – ông Ottavio và người vợ chơi đàn hạc của ông. Ông Jonathan mới dự một buổi biểu diễn đầy xúc cảm của hai cô cháu nhỏ ở Arad về.
Ông kể với tôi, thật lạ lùng làm sao, tiếng nhạc nuôi dưỡng tuổi thơ của ông bỗng nhiên biến mất khi ông rời nước Ý; ông ngừng nghe đĩa và không tới các buổi hòa nhạc nữa. Thứ nhạc duy nhất đồng hành với cuộc sống thường nhật của ông ở Israel là âm thanh của máy kéo. Trong thực tế, từ lúc chuyển tới đó, ông chỉ làm mỗi việc canh tác trồng trọt. Chính ông đã trồng những hàng nho dài trải rộng khắp các sườn đồi, và chịu trách nhiệm với các vườn bơ.
Trước khi ông Jonathan và những người bạn trong khu định cư tới, nơi đây chẳng có gì ngoài đá sỏi và cỏ dại. Họ đã dành nhiều năm đầu để xới và đào đất bằng tay, rồi mới dùng đến máy kéo. Vì luôn say mê những món đồ cơ khí, ông Jonathan đã học một khóa sửa chữa máy kéo. Mọi người trong khu định cư muốn tự túc về mọi mặt; đây chính là triết lý đã truyền cảm hứng cho họ xây dựng cộng đồng từng chút một theo năm tháng.
Thế hệ trẻ hơn không quan tâm gì đến những tinh hoa xưa cũ mà các bậc tiền bối của họ đã chọn. Họ muốn có mọi thứ, ngay lập tức. Họ không biết chờ đợi; họ không có khả năng tự hi sinh vì tương lai của cộng đồng – hoặc có lẽ họ không có đủ nghị lực. “Đó là lý do khiến ta đau khổ,” ông Jonathan tâm sự với cháu, “và cả những người tầm tuổi ta nữa. Là lỗi do ai đây? Lỗi của bọn ta, hay của thời đại? Lẽ ra ta không nên quá khắt khe. Từ khởi nguồn thế giới, bọn trẻ đã có xu hướng phá hủy mọi thứ mà cha mẹ chúng xây dựng, và cuộc sống vẫn tiếp diễn như vậy…Ừm, có lẽ đây chỉ là những lời càu nhàu buồn bã của một ông già.”
Cháu được ở trong “phòng dành cho khách”: một không gian nhỏ hẹp với những bức tường bằng gỗ dán, vừa đủ để kê một chiếc ghế tựa và một tấm phản. Ô cửa sổ đơn với khung làm từ gỗ thơm của cành cây bạch đàn.
Chưa bao giờ cháu được nghe chim đầu rìu và chim cu gáy hót sôi nổi đến vậy. Như thể mặt trời thiêu đốt miền đất ấy dữ dội bao nhiêu thì lại càng truyền cho mọi vật sức sống mạnh mẽ bấy nhiêu. Các bông hoa lớn hơn và rực rỡ hơn; những con chim hót với âm điệu hào hứng hơn. Mọi việc có diễn ra tương tự đối với cảm xúc, chẳng hạn như yêu và ghét, với năng lực dữ dội của ký ức hay không?
Cháu ngủ thiếp đi với câu hỏi ấy vơ vẩn trong đầu.
Khi nghe thấy tiếng gõ cửa, cháu vẫn tưởng đang là nửa đêm. Hóa ra là ông cậu muốn cùng cháu dùng bữa điểm tâm. Mới gần năm giờ sáng mà mặt trời đã lên cao. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của cháu, ông Jonathan giải thích rằng ông còn phải ra đồng càng sớm càng tốt, trước khi trời nóng quá không làm việc được.
Nhà ăn lớn đã chật ních người. Những giọng nói trộn lẫn vào nhau, ồn ào như tiếng chuyện trò của thực khách tại một tiệc cưới.
Cả sáng hôm ấy, cháu lang thang quanh khu định cư và tận tới bữa trưa mới gặp lại ông Jonathan. Ở nhà, chiếc máy điều hòa cũ kỹ, ồn ào đã được bật lên. Cháu ngồi trên chiếc sofa hẹp trong phòng khách và ngắm bức tranh về Trieste treo trên bức tường trước mặt. Bức tranh vẽ một phần bờ biển với tòa nhà Palazzo Carciotti ở đằng sau: các quý bà cầm ô, các quý ông cầm can và đội mũ chóp cao, các y tá đưa trẻ em đi dạo dọc cầu cảng San Carlo (ngày nay là Audace), trong khi những chiếc sọt đủ mọi kích cỡ đang được dỡ xuống từ một hàng tàu dài trên kênh đào Grande.
Cháu bước tới gần để nhìn nó kỹ hơn. “Họ đang dỡ gì thế ạ?” cháu hỏi ông cậu.
“À… cà phê, hầu hết là thế, nhưng cũng có cả gia vị và vải vóc. Cháu có biết tại sao ta treo bức tranh đó trên tường không? Vì nó khiến ta nhớ về khoảng thời gian đã xa, khoảng thời gian khi cháu có thể dành nhiều giờ để thảo luận say mê mọi chủ đề… một buổi biểu diễn bản Carmen của Bizet chẳng hạn, hoặc gần như đánh nhau để bảo vệ nhà thơ yêu thích của cháu. Vợ ta không thích bức tranh đó. Bà ấy chủ trương rằng quá khứ là quá khứ và không nên để nó đeo đẳng lấy chúng ta, nhưng bức tranh gợi cho ta một loại cảm giác…không hẳn là yên bình, nhưng ít ra là chút khuây khỏa. Ta thấy dễ chịu khi biết đã từng có một thời đại mà cháu có thể nói về nghệ thuật cứ như đó là điều quan trọng nhất trên thế giới; thời đại mà nỗi sợ hãi vẫn bị giữ lại ở phía sau. Không phải nó không tồn tại nhưng không ai nói về nó nữa, không ai nhìn thấy nó, và cháu vẫn có thể sống như thể nó không hề tồn tại. Cháu biết không, cha mẹ ta tin rằng – có lẽ bởi vì họ là nghệ sĩ, hoặc có lẽ vì thời đại của họ khác – cái đẹp là ánh sáng soi rọi trái tim con người. Cha ta thường bảo “Âm nhạc mở được mọi cánh cửa.”, còn mẹ ta thường đưa ta ra vườn để lắng nghe tiếng xào xạc của từng loại lá.

“Họ là những người lý tưởng hóa, chắc chắn là thế. Nếu họ sống thực tế hơn một chút, ít ra họ có thể tránh được một phần bi kịch, nhưng đó là cách họ sống – họ luôn nhìn vào mặt tích cực của mọi việc. Họ tin rằng cái đẹp và đức hạnh đáng kính đi liền với nhau. Ký ức về những năm tháng ta sống cùng cha mẹ ở trang viên luôn ngập tràn một loại ánh sáng bằng vàng. Không hề có chút bóng tối nào giữa họ, không có gì làm vẩn đục mối quan hệ của họ với bọn ta. Họ chơi với đám trẻ bọn ta, nhưng việc học tập của bọn ta luôn đặt lên đầu. Họ yêu cầu tuân thủ rất ít kỷ luật, nhưng họ phải được tôn trọng tới mức uy nghiêm tột bật. Trong bàn ăn, mỗi đề tài là một cuộc chơi công bằng để thảo luận; không có câu hỏi nào bị né tránh.
“Ta nghĩ một yếu tố quan trọng góp phần vào tất cả điều này là mối quan hệ họ có trong sự đồng điệu về âm nhạc. Một khi bước vào lĩnh vực cái đẹp, họ có thể giải tỏa bất kỳ mâu thuẫn nào.
“Tính chất phác của họ nằm trong việc họ tin rằng thứ gì giá trị đối với họ cũng sẽ giá trị với người khác, rằng tất cả mọi người đều có chung áp lực nội tâm để mang lại ánh sáng cho mọi thứ.
“Cha mẹ ta, luôn được bao bọc trong sự hòa hợp về âm nhạc, đã sa vào niềm tin đáng sợ rằng trái tim con người về cơ bản là tốt, kể cả tên tội phạm tồi tệ nhất, độc ác nhất cũng có lòng tốt, vì đó là điều bẩm sinh. Mọi việc cần làm là đánh thức lòng tốt bên trong hắn – bằng một nụ cười, một bài hát, một bông hoa.
“Mẹ ta tin vào đấng tối cao, thích đọc sách về các đề tài tâm linh và quan tâm sâu sắc đến sự luân hồi của linh hồn – nói cách khác, chính là sự đầu thai. Ta nhớ một lần bắt gặp bà nhìn con sâu bướm đầy lông trên một chiếc lá trong vườn và nói, “Ngày mai mày sẽ thành một con bướm, nhưng trước đây mày là ai?”
“Ta thấy thật rắc rối khi nghĩ rằng có một sự thật được giấu sau mọi thứ, những thứ mà, nói ngắn gọn, không giống như bề ngoài của chúng. Ta biết ta không còn nhiều thời gian nữa, nên ta thường thức rất khuya, lắng nghe tiếng xe cộ ầm ì nhỏ dần, và nghe tiếng tru của lũ chó rừng. Những tiếng tru đó là gì, nếu không phải là những câu hỏi dành cho mặt trăng, ngôi sao, bầu trời?
“Khi nhìn về phía lũ chó rừng đang hú, ta có thể thấy hơi nước bốc lên từ mặt đất. Mẹ ta ở trong đám mây đen, tinh hoa của bà hòa trộn cùng hàng ngàn thứ khác – những mơ ước của bà, tài năng của bà, cái nhìn của bà, mọi đám tro rải trên sông Vistula, trên cây cối, trên các cánh đồng xung quanh Birkenau. Chất ka-li từ các cơ thể ấy khiến cả vùng màu mỡ, giúp mang đến cho đời những cây hoa giọt tuyết cao lớn, những bắp cải xa- voa khổng lồ, những trái táo to như quả cầu.
“Liệu linh hồn của bà có thực sự nhập vào một cơ thể mới, như bà hằng tin, giống như cách cháu chuyển từ phòng khách sạn này sang phòng khách sạn khác khi cháu có một chuyến đi? Có lẽ bà đã đầu thai ở châu Phi, hoặc một ngôi làng xa xôi nào đó ở Andes…
“Trong cuộc đời mình, ta đã cố điều khiển mình theo cách tốt nhất có thể, thành thực mà nói, để làm việc, để gây dựng một gia đình và yêu thương nó trong khả năng của mình, thế thôi.
“Ta tới đây sau chiến tranh để trốn tránh các ký ức. Không còn mối liên hệ dễ chịu nào ràng buộc ta với châu Âu, và ta muốn tìm hiểu xem mình là ai, để xây dựng lại cá tính cho riêng mình, và ta đã dần thành công.”
Ông Jonathan chỉ vào một chiếc hộp hình chữ nhật gắn trên cửa “Đó là một tấm bùa da dê mezuzah mà con trai ta đặt. Arik là đứa rất mộ đạo, mặc dù ta chưa bao giờ động viên nó theo hướng ấy. Ở nhà, ta chỉ buộc mọi người tôn trọng nghiêm ngặt các giá trị truyền thống, vậy thôi. Lẽ tất nhiên, ta cũng không ngăn cản nó, nhưng thỉnh thoảng mẹ nó và ta, lại nhìn nó như thể nó là người lạ, và tự hỏi “Nó từ đâu đến vậy?” “Nhưng bọn ta không bao giờ tìm được câu trả lời.
“Đôi khi, ta nghĩ rằng linh hồn mộ đạo của bà nội Arik chắc hẳn đã đầu thai vào cơ thể nó rồi. Vợ ta từng nói rằng được sinh ra giống như bị rơi khỏi nóc của một tòa nhà rất cao. Vì thế, rơi xuống là định mệnh của chúng ta, và chúng ta phải cố bám vào thứ gì đó. Người này bám vào bậu cửa sổ, người kia bám vào ban công, người khác nữa thì túm chặt cửa chớp, và có người thì cố gắng, tới giây phút cuối cùng, để chộp lấy cái gờ của máng nước. Nếu muốn sống, cháu phải tìm ra thứ gì đó để bám vào, bất chấp nó là cái gì…”
Mặc dù mới gần sáu giờ, màn đêm đã buông xuống, và cơn gió nhẹ thổi ra biển từ những ngọn đồi mạnh dần lên theo bóng tối. Bên ngoài cửa sổ, cây hoa giấy phất phơ trong tiếng xào xạc như tấm giấy mềm; từ những chuồng bò gần đấy, vọng lại tiếng rống của một con bê, một lời kêu gọi tuyệt vọng không có hồi đáp. Có lẽ mẹ nó đã được mang tới lò mổ rồi.
Ông Jonathan rót cho mình một cốc nước và uống hết một hơi. Máy điều hòa đã tắt, và trời rất nóng. Chắc hẳn đã lâu rồi ông mới nói nhiều như thế; thở dài một tiếng, ông ngồi phịch xuống ghế sofa rồi nhìn cháu chăm chú.
“Thế còn cháu? Cháu tin vào điều gì?”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.