Lắng Nghe Yêu Thương

3.



BÂY GIỜ THÌ CHÁU HIỂU RẰNG có thể những sự việc đó mang sắc thái ý nghĩa khác nhau; những gì chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường luôn phiến diện. Có lẽ bà nghĩ ký ức về mẹ sẽ làm cho cháu buồn, hoặc có thể vì bà vẫn còn quá đau khổ – thấm thoát đã mười năm – và bà vẫn không cầm lòng được khi thấy hình ảnh mẹ trong nhà. Có lẽ bà muốn âm thầm lưu giữ ánh mắt và khuôn mặt mẹ trong tim. Ở đó bà lập bàn thờ mẹ; ở đó, trong bóng tối và câm lặng, bà tưởng nhớ cái nỗi đau tột cùng khi mất mẹ.
Nhưng ngày đó, với cơn thịnh nộ của một thiếu niên theo Mani giáo, cháu chỉ thấy một phần của sự thật: xóa bỏ. Bà mất con gái, và bà không buồn tưởng nhớ cô ta; còn gì khác có thể chứng tỏ một trái tim vô cảm hơn nữa? Và hơn thế, người con gái đó lại là mẹ cháu, đã chết yểu sau một cuộc đời mập mờ sáng tối.
Quả thực bà đã không kể gì về mẹ với cháu cả. Tất nhiên cháu đã có thể hỏi bà, và sau chút ngập ngừng, hẳn bà có thể cho cháu biết về mẹ, và khi sống lại những khoảnh khắc đó, băng giá trong trái tim bà sẽ tan chảy, cháu đã có thể đặt tên cho những ký ức của mình, và bà đã có thể rũ bỏ gánh nặng đè nén bao lâu nay; và cuối cùng chúng ta sẽ ôm nhau thật lâu, hai khuôn mặt nhạt nhòa nước mắt, còn mặt trời thì lặn phía sau lưng, mọi thứ xung quanh chúng ta sẽ chìm vào bóng tối.
Cháu đã có thể làm thế, nhưng cháu lại không làm. Đó là khoảnh khắc giằng co mâu thuẫn, và vì thế giữa chúng ta toàn là mâu thuẫn, ở mức đáng kể: tường đấu tường, thép đấu thép. Ai cứng đầu hơn, trái tim sắt đá hơn sẽ là người tồn tại tới cùng.

Vì quá ám ảnh đổ lỗi cho bà, cháu luôn tin rằng bà hành động như một loài vật nào đó đôi lúc đánh cắp con của loài khác và nuôi chúng làm con mình. Bà muốn giữ tuổi thanh xuân, hoặc có lẽ vì bà thèm có một cô con gái, do vậy bà đã đang tâm cướp đi con gái của con mình, niềm hạnh phúc duy nhất của cô ấy. Chung quy, cháu chỉ cảm thấy vì lý do gì đó mong muốn của bà đã làm xáo trộn cuộc đời của mẹ, cả cuộc sống và cái chết của mẹ, vì ngay cả có thể – cháu vẫn thấy rằng – hẳn là bà mang một thứ trách nhiệm bí mật nào đó.

* * *

Thỉnh thoảng cháu nghĩ sẽ tuyệt vời biết mấy nếu lúc nào đó trong tuổi thơ của mình có ai đó khua đũa thần và chỉ cho chúng ta biết đường đi những ngày sắp tới trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta sẽ ngồi trên ghế, nghiêng đầu ra sau, và nghe một ông lão râu tóc bạc phơ, giải thích về lộ trình đáng tin cậy nhất để tới được trung tâm của lãnh địa bí ẩn đó.
Tại sao không ai cho chúng ta chút manh mối nào về thời điểm ta cần chú ý? Chỗ này băng mỏng hơn, chỗ kia dày hơn, hãy đi thẳng, rẽ, lùi lại, dừng lại và né tránh. Sao chúng ta luôn phải kéo theo phía sau lưng sức nặng của những hành động chưa được thực hiện và những lời chưa được nói ra? Tại sao chúng ta sống, ngay từ khi sinh ra, đã bị bó buộc trong sự tù đày kỳ quặc này? Mọi thứ với chúng ta dường như đều là vĩnh cửu, và ý chí của chúng ta ngoan cố ngự trị thứ nhỏ bé rối rắm được gọi là “tôi”, thứ mà ta phải tôn kính giống như một đấng tối cao tôn kính. Giá ta chỉ cần mở mắt ra một giây thôi, ta sẽ thấy kẻ trị vì ta đang nói tới đó thực ra là một ông vua con nhu nhược, giả tạo, thiếu bản lĩnh và bị bó buộc trong tầm nhìn hạn hẹp.

* * *

Đã bao nhiêu tháng trôi đi kể từ khi cháu trở về?
Ba, có lẽ là bốn tháng. Trong những tháng ngày đó, cháu đã không biết chuyện gì đang xảy ra; cháu không để ý thấy đôi lúc bước chân của bà lơ đễnh hoặc ánh mắt bà thoáng chút mơ màng.
Một sáng, cháu nhận được dấu hiệu đầu tiên khi cơn gió bora thốc tới. Cháu đi mua bánh mì và sữa trước khi mặt đất đóng băng lại, và khi trở về, bà đón cháu bằng một nụ cười rất đỗi ngạc nhiên, và vỗ tay háo hức: “Ta có tin cho cháu đây; có người ngoài hành tinh ở trong bếp nhà ta đấy!”
“Bà nói gì thế ạ?”
Cháu không biết nên cười hay nên nổi cáu.
“Cháu không tin à? Lại xem đi. Ta không đùa đâu.”
Chúng ta vào trong bếp và lục tung mọi thứ lên để tìm kiếm. Bà mở các ngăn kéo, lò nướng và tủ lạnh, càng lúc càng thêm lo lắng. “Nhưng vừa mới đây mà,” bà cứ lải nhải. “Bà chắc chắn chúng vừa ở đây. Giờ cháu nghĩ là ta lừa cháu đúng không?”
Cháu nhìn bà bối rối. “Đây là một trò chơi ạ?”
Bà có vẻ tự ái. “Có tới bảy, tám tên,” bà nói. “Lúc bà vừa bật bếp, chúng xuất hiện trong ngăn lò. Khi bà tắt bếp, chúng nhảy vào bồn rửa.”
“Và chúng làm gì ạ?”
“Nhảy múa. Ta không nghe thấy tiếng nhạc nào, nhưng chắc chắn chúng đã nhảy múa.”
“Có lẽ chúng trốn qua ống nước rồi.”
“Ống nước? Đúng rồi, có lẽ thế. Có lẽ chúng đến rồi đi qua vòi nước này.”
Từ hôm đó, người ngoài hành tinh bắt đầu tồn tại trong ngôi nhà cùng hai bà cháu. Cháu giải thích nhưng cũng vô ích, rằng người ngoài hành tinh đến từ những chiếc đĩa bay không xác định UFO, rằng chỉ những người uống quá nhiều hoặc các nhà khoa học ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA mới nhìn thấy chúng, rằng không thể nào có chuyện họ nhảy múa trong gian bếp nhà ai đó; nếu họ đáp xuống vườn nhà mình, cháu nói, thì hẳn hàng xóm xung quanh đã nhìn thấy, và cây cối cũng sẽ bị cháy rụi.
Bà lắng nghe cháu nói, nhưng nhìn vào ánh mắt bà cháu hiểu bà vẫn chưa chịu từ bỏ.
Một hôm, cháu bảo, “Chắc không phải người ngoài hành tinh đâu, cháu thấy giống vong hồn hơn.” Bà nhún vai nôn nóng trước gợi ý này, như muốn nói, “Tùy cháu thích gọi là gì thì gọi.”
Theo lời bà mô tả, chúng có màu xanh nhạt – như hạt đậu Hà Lan tươi – và chúng cũng tròn như hạt đậu; nhưng tay chân chúng giống chi của con tắc kè đứng thẳng. Đuôi ngắn, trọc lốc, thay vì mũi và mồm, chúng có một cái kèn lớn, vừa dùng để nói, ăn và để thở. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện; chúng chui vào ống khói, bơi trong bồn tắm, và vẫy bàn tay nhớp nháp nhỏ xíu về phía chúng ta qua lớp kính của máy giặt. Đôi khi bà còn thấy chúng bay lượn, lẩn trốn trong tấm màn giống như mấy con vật có túi, và rồi chúng không chỉ dừng lại ở nhảy múa nữa. “Chúng đang cười nhạo ta!” bà vừa nói giọng tức giận, vừa giũ mái tóc xõa xượi của bà.
Bà lo lắng, đi đi lại lại, khắp quanh nhà, rồi ngoài sân, kể cả ban đêm cũng không ngừng, điều mà trước đây bà chưa từng làm. Bà đi lên xuống cầu thang, lôi ngăn kéo ra nhìn rồi đóng lại. Nhiều lúc cháu thấy giống như có một con chuột bị đột biến gen cứ phải chạy quanh khắp nơi, luôn miệng kêu chít chít.
Những bước chân của bà gieo khắp nơi suốt đêm thâu. Đôi lúc, cháu ra khỏi giường, giữ lấy bờ vai gầy guộc và mong manh của bà, lắc mạnh và hỏi: “Bà tìm cái gì vậy?”
Bà nhìn cháu vừa tự hào, pha lẫn chút tự mãn. “Cháu không thấy à? Bà đang tự vệ.”
Một sớm bình minh, bà ăn vận chỉn chu và bước những bước chắc chắn vào thị trấn. Đồng hồ điểm tám giờ, khi cửa hàng thực phẩm chuẩn bị mở cửa, ông chủ hàng đã thấy bà chờ sẵn bên ngoài.
Ông ta còn chưa kịp mở cửa chớp bảo vệ, bà đã nói, “Tôi cần thứ gì đó có thể đuổi UFO.”
Bác chủ cửa hàng cố gắng giúp bà bình tâm lại nhưng vô ích, khi gợi ý cách chống mối, như vậy ít nhất cũng đuổi được lũ côn trùng đó đi, hoặc một loại nước cọ rửa đủ mạnh để tống khứ được lũ sinh vật xâm phạm ra khỏi đường ống. Bà giáng nắm đấm nhỏ bé xuống bàn thu ngân và hét lên “Thật đáng hổ thẹn!” và bỏ đi trong cơn giận dữ.
Sau hôm đó, mỗi lần cháu vào thị trấn mua đồ, người ta lại tới và vờ vĩnh hỏi thăm, “Bà cháu thế nào rồi?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.