Lắng Nghe Yêu Thương

5.



KHÔNG PHẢI NGAY SÁNG HÔM ĐÓ, mà ba ngày sau, bà mất trong một phòng bệnh tại bệnh viện.
Trời tờ mờ sáng, khi cháu đang trăn trở trên giường ở nhà, thì thần chết đã giáng thanh đao dữ tợn xuống người bà. Hẳn con Buck đã đánh hơi thấy trên lối đi, vì khi cháu dậy, nó không đứng chờ cháu như thường lệ, ở phía sau cánh cửa. Vì nó cũng thường xuyên biến mất, nên cháu cũng không thấy lo lắng lắm, nhưng rồi tới chiều, có người gọi điện và nói đọc được số điện thoại này trên vòng cổ của nó. Một chiếc xe xô vào nó không xa bệnh viện là mấy. Có lẽ nó đang tới đó để thăm bà, hoặc có lẽ nó nghĩ cả hai người nên cùng nhau tới thế giới bên kia. Họ bảo với cháu là người ta đã đưa thi thể nó tới lò hỏa táng.

* * *

Chỉ có khoảng năm người tới dự đám tang của bà, vài người hàng xóm và hai người bạn già, những cụ già lụ khụ vẫn có thể tự đi lại. Vị linh mục nói giọng như một chủ bán xe hơi, với những câu quen thuộc, có chút mệt mỏi để ca tụng những ưu điểm trong mặt hàng của ông ta.
Chỉ vài ngày nữa là hết năm nên khi mọi người rời nghĩa trang, một tràng pháo hoa nổ như đón chào.
Có một đám thanh niên ồn ào trên xe buýt. Hẳn là họ đã uống khá nhiều; một người còn đội mũ ông già Noel, vài người khác đeo mặt nạ giống như hộp sọ có cặp mắt di động.

Khi về tới nhà, cháu chỉ biết nằm ngủ. Suốt ba bốn ngày liền, cháu ngủ mê man. Căn nhà lạnh lẽo, và những cơn gió bất chợt làm những cánh cửa chớp đập đánh sầm vào tường. Thi thoảng, âm thanh chói tai, dữ tợn đó – giống như tiếng súng nổ – làm cháu choàng tỉnh.

* * *

Rồi cháu bắt đầu đi lại, cảm giác trống vắng mà cháu thực sự cảm nhận được mỗi ngày không phải là vì bà, mà là vì Buck. Cháu vẫn nói chuyện với nó, vẫn đi tìm nó, để đồ ăn thừa cho nó. Cháu thực sự muốn tới trại nuôi chó để chọn một con khác thay thế, nhưng rồi cháu ngập chìm trong công việc thủ tục giấy tờ vô tận để chứng tử một cuộc đời.
Cháu vẫn không thể cảm thấy đau khổ vì bà không còn ở đây.
Căn phòng trống rỗng, chìm trong im lặng giống như rạp hát sau đêm diễn: không còn người đi lại, không còn tiếng bước chân, không còn những cơn ho.
Cái phần trong cháu lẽ ra nên dành để than khóc giờ đã cạn kiệt, thiêu rụi từ sớm do bực tức và do sự suy kiệt bất ngờ tới mức tàn nhẫn của bà. Cháu đã vui mừng, nhẹ nhõm trước sự ra đi của bà, còn cảm thấy biết ơn vì cuối cùng bà không còn phải chịu đựng khổ sở nữa.
Chỉ có thời gian trôi đi mới giúp hình ảnh của bà tái hiện trong tâm trí cháu, để cháu có thể thấy lại người cực kì quan trọng trong cuộc đời mình.
Khi hoàn thành xong mọi thủ tục quan liêu, cháu không biết phải làm gì tiếp nữa cả. Bệnh của bà đã làm cháu cạn kiệt sinh lực; cháu không còn biết đến cảm giác đau khổ, mà chỉ là một cảm giác nhụt chí đến chênh vênh.

Mi là ai? Cháu tự vấn mình. Lớn lên mi sẽ thế nào? Cháu không hề có một ý niệm nào cả.
Cơn gió bora thổi mạnh khác thường suốt cả tháng Giêng. Trời cũng đôi khi có tuyết rơi – con hươu thậm chí còn mò vào trong vườn, tìm kiếm chồi non để ăn.
Cháu cuộn mình trong chiếc ghế bành trước lò sưởi, bên cạnh là chiếc bàn với vài cuốn sách của chúng ta (khi đó bụi đã phủ kín), và cháu vẫn nghe giọng bà kể câu chuyện Ba chú heo con và Con sói độc ác. “Ta sẽ hít một hơi, thổi phù một cái, bay ngôi nhà của ngươi, con chó sói rống lên qua cánh cửa.”
“Không con sói nào có thể vào đây,” bà nói để trấn an cháu. “Đây là ngôi nhà xây bằng gạch vững chắc, không phải xây trên cát, mà là trên nền đá cứng của Carso.”
Rồi bà nói thêm rằng móng nhà và rễ cây có nét tương đồng, vì chúng đều có thể đứng vững và không đầu hàng trước gió dữ. Để ngôi nhà đứng vững, bà phải đào móng thật sâu, sâu mãi xuống, giống như rễ cây cắm mãi xuống, năm này qua năm khác, trong cái tối tăm của lòng đất. Tuy vậy, ở Mỹ – bà nói tiếp
– họ xây nhà hời hợt ngay trên mặt đất, giống như cắm lều, và đó là lý do tại sao chỉ cần một hơi thổi của con chó sói cũng đủ để thổi bay các thành phố ở đó.
Một mình trong ngôi nhà vắng lặng, cháu không còn dám tin chắc vào lời bà kể. Cháu có cảm giác là gió đang rít qua khe cửa sổ, thì thào mãi câu Hết rồi, hết rồi, giống hồi cháu còn nhỏ và cỗ máy rửa bát quay tròn cứ mãi thì thầm, Mọi thứ đều vô nghĩa, mọi thứ đều tiêu tan.
Vào lúc nửa đêm, cánh cửa trước rên rỉ dưới những cơn gió bora; âm thanh đó thực sự giống như ai đó đang ở bên ngoài, hét lên: Gestapo!
Sáng ngày, thay vì tránh cơn gió, cháu bước ra để đối mặt với nó, cưỡng lại cơn gió mạnh giống như Don Quixote đánh nhau với cối xay gió. Hãy giết ta, gột sạch cho ta, mang ta đi, đi thật xa khỏi đây, đưa ta khỏi cuộc đời này. Trong thâm tâm, cháu luôn thầm nhắc lại những lời đó.
Cháu ngủ ít, ăn còn ít hơn, không gặp gỡ ai, cũng chẳng hoạch định bất cứ điều gì; cháu thấy mình như một võ sĩ đứng trơ trọi trong sàn đấu. Cháu đã khởi động suốt nhiều năm, đã tập cú thọc sâu và đấm móc, đã nhảy dây để chuẩn bị tinh thần cho cuộc đọ sức cuối cùng, và rồi đối thủ của cháu đột nhiên bất ngờ rút lui. Tất nhiên cháu vẫn tiếp tục chiến đấu, nhưng kẻ địch duy nhất mà cháu đối mặt lúc này là cái bóng của chính mình.
Không còn ai để gây gổ, cuộc đời cháu giống như cái túi giấy mỏng đựng đồ bị phó mặc cho gió thổi; những khoảnh khắc cuộc đời cháu do những cơn gió thất thường quyết định, chứ không phải do chính ý chí của cháu.
Cháu chưa từng nghĩ về mai sau.
Hồi còn bé, cháu có vài ước mơ viển vông về nghề nghiệp tương lai – một trưởng ga (chỉnh tề với chiếc mũ đỏ và tấm bảng tín hiệu) hoặc một thuyền trưởng, một diễn viên nhào lộn của gánh xiếc hay một người huấn luyện chó – nhưng cũng chỉ thế thôi, chỉ là ước mơ, mà không hề có mối liên hệ thiết thực nào cả. Từ khi bước sang tuổi vị thành niên, cháu chỉ có một công việc duy nhất: công kích bà. Bây giờ, bà đã từ bỏ sàn đấu bằng một thế võ thiện xảo, còn cháu thì lang thang quanh nhà như một chú chó Pavlov, giựt dây xích và nhe nanh, nhưng hồi chuông thắng trận mà cháu mong ngóng thì không bao giờ vang lên cả.
Những ngày trong cuộc đời cháu còn có ý nghĩa gì, khi mà giờ đây cháu chỉ còn lại một mình trên thế gian? Hoặc là, ngay cả khi bà vẫn còn đó? Và, nói chung, ý nghĩa của cuộc đời con người là gì nhỉ? Tại sao người ta luôn phải lặp lại những hành động giống nhau? Bỏ qua thói quen, bỏ qua sự nhàm chán, bỏ qua sự bất lực để hình dung ra thứ gì đó khác biệt hoặc để tự vấn chính mình? Hoặc có lẽ bỏ qua sự sợ hãi, vì sẽ dễ dàng hơn khi cứ đi theo một lối mòn có sẵn.
Đẩy chiếc xe dọc theo lối đi trong siêu thị, cháu ngắm nhìn những khuôn mặt xanh xao dưới ánh đèn tuýp và tự hỏi: Cuộc sống nào thì có ý nghĩa? Và cuộc sống có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta lại có hai chân để đi lại và hai tay để làm việc? Tại sao chúng ta lại làm thơ, vẽ tranh, sáng tác những bản giao hưởng?
Có ai mong muốn tới thế giới này đâu. Một ngày đẹp trời, không được báo trước, chúng ta thấy mình bị xô ra sân khấu; một số được trao vai chính, số khác chỉ là vai phụ, và dù vậy số khác đó bước ra khỏi cảnh trước khi màn diễn kết thúc hoặc muốn xuống khỏi sân khấu và thưởng thức màn diễn từ hàng ghế đầu – để cười, khóc, hoặc thấy buồn chán, tùy vào chương trình của ngày hôm đó.
Bất chấp khởi đầu gian nan là thế, nhưng một khi đã chào đời, không ai lại muốn rời bỏ nó. Vậy ý nghĩa của trách nhiệm cá nhân là gì? Cháu có là người được chọn lựa, hay bị chọn?
Cháu không chọn để tới thế giới này, nhưng cháu có thể chọn khi nào sẽ nói lời tạm biệt; cháu không tự nguyện đến đây, nhưng cháu có thể trở lại khi nào cháu muốn.
Nhưng đến từ đâu? Trở lại đâu? Có cái gọi là ở trên trời hay dưới đất không? Hay chỉ là hoàn toàn hư vô?

* * *

Sau sự ra đi của bà, mỗi khi nghĩ về ngôi nhà đó, cháu lại nghĩ tới hình ảnh chiếc vỏ sò. Hồi còn là một cô bé, chưa đầy sáu tuổi, bà mua cho cháu một chiếc vỏ sò của một ngư lão ở Grado. Cháu vẫn còn như nghe giọng bà khi bà đặt chiếc vỏ sò vào tai cháu và nói, “Cháu có nghe thấy không? Âm thanh của biển đấy.”

Cháu lắng nghe một hồi, và rồi đột nhiên gào lên thảm thiết khiến bà vừa cáu vừa hoảng. Bà cứ hỏi mãi, “Sao cháu lại khóc? Sao thế?”
Cháu không thể trả lời bà. Cháu không thể nói với bà rằng âm thanh trong vỏ sò đó không phải tiếng gầm của biển mà là tiếng rên rỉ của xác chết, rằng tiếng hú kì lạ mà cháu nghe được đó là giọng của họ. Cháu không thể nói rằng nó rót vào tai chúng ta bằng tất cả cơn giận dữ âm thầm, và rằng từ đó, nó ngấm vào tim, dày xéo cho tới khi nó nổ tung. Ngày xưa, chiếc vỏ sò đó là nơi trú ngụ của một động vật chân bụng (giống như, suốt bao thập kỉ, ngôi nhà trên Kras Plateau là chiếc vỏ sò bảo vệ gia đình chúng ta) rồi một con cua hay con sao biển nào đó đã ăn nó, bỏ trơ lại khung xương can-xi các-bon-nát. Nước, luồn lách vào mọi ngóc ngách của chiếc vỏ sò, đã mài dũa, đánh bóng cho tới khi nó sáng bóng như ngọc mẫu, và giờ đây, nằm sâu trong lòng vỏ sò sáng bóng đó, là âm thanh vang vọng đến vô tận.
Những người sinh sống trong nhà chúng ta đã trải qua số phận tương tự thế: họ đều đã chết, và gió đã mài dũa mọi kí ức về họ. Còn lại một mình, cháu lang thang qua từng hốc xoáy, và đôi khi dường như cháu bị lạc trong cái mê cung đó. Nhưng có lúc cháu lại nhận ra rằng chỉ có ở trong đó, chỉ có bằng cách tìm kiếm, đào bới và lắng nghe, cháu mới có thể tìm được cách neo đậu chính mình.
Gió cũng là một giọng nói; nó mang theo tiếng thở dài của người chết, âm thanh của những bước chân, của những điều mà họ nén giữ ở trong lòng.

* * *

Khi ở đó một mình, trong căn nhà với những bức tường bị bào mòn qua năm tháng, càng ngày càng có thể nhìn xuyên thấu, cháu bắt đầu nghĩ về người phụ nữ trẻ trong bức ảnh mịt mù khói thuốc. Cháu cố nhớ lại giọng nói, hơi ấm bàn tay của cô ấy, thứ gì đó có lẽ mà cháu và cô ấy đã làm cùng nhau trước khi cô ấy ra đi. Cháu muốn biết mọi thứ về cô ấy, nhưng lúc này chẳng còn ai để cháu hỏi được cả.
Cô ấy trông thế nào, cô ấy là ai, cô ấy thích gì, và – có lẽ là câu hỏi khẩn nài nhất – tại sao cô ấy lại mang cháu tới thế giới này?
Cháu bắt đầu gọi tên cô ấy khi lang thang trong các căn phòng trống vắng.
Cháu thấy xấu hổ khi thốt ra cái tên đó – một cảm giác cứ như là cháu đang phản bội bà vậy. Cho tới ngày hôm đó, lúc nào cháu cũng chỉ biết gọi “Bà ơi”, còn ngay lúc này đây, bỗng nhiên, cháu chỉ muốn gọi “Mẹ ơi”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.