Lắng Nghe Yêu Thương

7.



LIỆU CHÁU CÓ THỂ TIẾP TỤC KHÔNG NHẬN CHA MÌNH giống như ông ấy đã làm với cháu? Câu hỏi này cứ vẳng mãi trong cháu, mà chưa tìm được câu trả lời.
Trong suốt tuổi thiếu niên, cháu đã ảo tưởng rất nhiều về ông. Cháu đã không còn tin câu chuyện của bà về một hoàng tử Thổ Nhĩ Kỳ từ khi lên 9 tuổi, nhưng cháu vẫn thường nghĩ về cha mình; ngày qua ngày, cháu chắp ghép một bức tranh về ông của riêng cháu. Để có bức tranh về cha, cháu đã dùng các mảnh ghép với các màu sắc đặc biệt nhất: rõ ràng việc ông ấy không hề tìm cách liên lạc với cháu hẳn là vì có điều gì đó cản trở, một rào cản nào đó kinh khủng tới mức có thể đe dọa mạng sống của ông ấy, hoặc có thể là của chính cháu.
Còn lý do nào khác khiến một người cha chấp nhận không chứng kiến con gái mình trưởng thành chứ? Những viễn cảnh ngày càng kì cục cứ nối đuôi nhau trong trí tưởng tượng của cháu; bắt đầu là những cơ quan tình báo quốc tế (chỉ một điệp viên quốc tế mới không dám mạo hiểm để lộ danh tính của mình), cho tới những phòng thí nghiệm khoa học tiên tiến nhất (cha cháu hẳn là một nhà sinh vật học, một nhà vật lý học, hoặc một nhà hóa học đang làm việc trong các dự án có ý nghĩa đặc biệt với tương lai nhân loại, và do vậy ông buộc phải sinh sống trong môi trường tối mật, tránh xa các cặp mắt dò xét, và phải phủ nhận tình yêu với con gái của mình).
Trẻ con thường muốn tự hào về cha mẹ mình; thật tiếc nếu các bậc cha mẹ không biết điều đó. Trong những trường hợp may mắn nhất, khi cha mẹ có ý nguyện về việc con mình phải thành người thế nào, thì mọi điều họ nói và làm đều phù hợp với ý nguyện đó. Trong những trường hợp kém may mắn nhất, cha mẹ không biết gì ngoài chính bản thân mình, và họ sống cuộc đời họ mà không thèm quan tâm, bất chấp những ánh mắt của con cái như những tia laze liên tục xéo vào họ, lia đến từ xa, xuyên qua bức tường, bướng bỉnh, đói khát, dõi theo họ tới tận thiên đàng hay địa ngục, sẵn sàng mạo hiểm tất cả, để cố kiếm tìm cái điều chưa được thấy từ khi chúng mở ra để nhìn thế giới này: một cái nhìn đáp trả.
Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều mưu cầu thắc mắc; nó muốn dõi mắt theo những gì nó yêu thích, để được dẫn lối tới đỉnh núi nơi nó có thể nhìn ngắm khung cảnh kì vĩ, ánh sáng đổi màu, tuyết rơi, hình ảnh phản chiếu lấp lánh trên băng, và con đại bàng bay liệng, oai nghiêm bảo vệ lũ con, giống như việc các bậc cha mẹ cần làm.
Nhưng thay vì thế, khung cảnh trải dài trước mắt nhiều đứa trẻ, hun hút tới tận chân trời, thường không có gì ngoài một đống rác lộ thiên, ở đó, những thân xe, thân ghế gãy gập, xoong nồi, bồn rửa, tivi hỏng, và những túi ni-lông vứt bừa bãi trên mặt đất. Và dù vậy, ngay cả trong bối cảnh đó, một đứa trẻ vẫn cố tìm thấy thứ gì đó để yêu thích – một viên bi, chẳng hạn – và chỉ trong nháy mắt, khi nó cầm quả cầu thủy tinh nhỏ đó lên, thế giới không còn những bóng tối bao trùm, chỉ còn lại quả cầu lấp lánh trong tay nó.
Để khỏi tuyệt vọng, đứa trẻ bấu víu vào bất kì thứ gì – một dấu hiệu, một ý niệm mơ hồ – mà nó hi vọng có thể lớn lên và mở rộng tới khi trở thành một khung cảnh thực sự. Không một thám tử hay một nhà khoa học nào có thể sánh kịp với tài năng tìm tòi của một đứa trẻ đang gắng gượng tìm ra những lý do chính đáng để ngưỡng mộ những người đã đưa nó tới thế gian này.
Suốt nhiều năm, cháu đã gắn hình ảnh cha mình trong một quả bong bóng tưởng tượng luôn đi theo cháu. Quả bong bóng đó lơ lửng trong không trung, và ông ở trong đó, xung quanh là những cánh hoa, nở một nụ cười hiền từ của Đức Phật: thiêng liêng, xa vời. Cháu tin rằng chẳng chóng thì chày, quả bong bóng đó sẽ vỡ và cuối cùng ông sẽ giáng trần để có thể giang rộng vòng tay ôm cháu vào lòng.
Quả bong bóng đó thực ra đã vỡ; tuy vậy, thay vì là một Đức Phật tối cao, điềm tĩnh, lại là Giáo sư Ancona bước ra, với bộ râu xồm xoàm, cùng điếu xì-gà và những lời nói, thoáng nghe thì lọt tai nhưng thực chất ngầm mang ý nghĩa sắc nhọn như những mũi dao nhỏ.

* * *

Trong những ngày tháng hoàn toàn cô độc đó, cháu đã đọc đi đọc lại lá thư duy nhất của ông viết cho mẹ. Ban đầu, cháu tưởng có thể cháu sẽ đồng tình phần nào đó với những gì ông viết – về tình yêu tri thức chẳng hạn, hoặc về quyết định xa lánh những mối ràng buộc cá nhân để ông có thể tự vấn bản thân thật nhiều: đây là một bộ óc vĩ đại, cháu tự nhủ, vì vậy tất nhiên ông có quyền từ chối bị ràng buộc, để tránh những mối quan tâm thường nhật. Nhưng cháu vẫn mang triệu chứng bong bóng; cháu muốn tìm ở ông thứ gì đó cũng có trong cháu nữa.
Vài ngày sau khi đọc lại lá thư đó, cháu có một ấn tượng hoàn toàn khác. Cứ như là có một phản ứng hóa học đã xảy ra giữa các dòng chữ, và những từ ngữ được cân đong, suy ngẫm, độc đoán giờ đang rỉ ra một thứ axít ăn mòn màu xanh nhạt có thể soi rọi bản chất đích thực của người đã viết ra chúng. Cháu nhìn thấy nét gia trưởng, nhạo báng, cay độc ở đó. Cháu đã mơ tưởng suốt bao năm về cuộc gặp gỡ đầu tiên với cha mình, về vòng tay âu yếm đầu tiên của ông, nhưng mấy trang thư đó đã xóa tan tất cả những tình cảm yêu thương hay ngưỡng mộ trong trái tim cháu và chỉ còn lại sự căm phẫn. Cháu thấy thật bẽ bàng vì là phụ nữ, là con gái của mẹ cháu (và do vậy cũng là con gái ông ấy), sản phẩm của sự suy đồi hơn là của sự tiếp nối, đã được đưa tới thế gian này bởi một trò đùa của số phận.
Giờ thì cháu biết mình sẽ phỉ nhổ vào ông ta ngay khi gặp. Cháu sẽ đi tìm ông ta, nhưng không phải vì tình yêu hay tò mò, mà chỉ để xả bỏ cơn giận dữ đang ngày càng dâng trào trong tim, để cháu có thể đến thật gần mà hét vào tai ông ta tất cả những gì lẽ ra mẹ cháu đã nói nếu như bà có đủ can đảm.

* * *

Tìm ông ta cũng chẳng mấy khó khăn. Trên trang bìa của một cuốn sách về nhận thức luận được dịch từ tiếng Anh, cháu đã đọc được những từ này: “Lời bạt của Giáo sư Massimo Ancona”. Cháu đã gọi tới nhà xuất bản và hỏi xin địa chỉ. Họ nhã nhặn nói với cháu rằng – vì lý do bảo mật – họ không được phép tiết lộ địa chỉ của ông ta, nhưng cháu có thể viết thư và gửi tới ban chăm sóc khách hàng của nhà xuất bản và họ đảm bảo sẽ gửi tới tay ông ta.
Vì vậy cháu cầm bút giấy và viết thư tự giới thiệu mình là một sinh viên khoa triết học, trẻ trung, nhút nhát, rất ngưỡng mộ công trình nghiên cứu cực kỳ phức tạp hấp dẫn của ông ta và hỏi xin một cuộc gặp.
Thư trả lời không mấy chốc đã tới. Ông ta sống không xa Trieste lắm. Ông ta cảm ơn nhưng né tránh lời ca tụng của cháu, và nói thêm rằng chẳng phải mất công đặt một cuộc hẹn với ông làm gì, vì ông ở nhà mọi buổi chiều, trừ thứ Bảy hàng tuần. Tất cả những gì cháu phải làm là nhấn chuông cửa tầng dưới và xưng tên mình – Elena – vào bộ đàm ở cổng, ông ấy sẽ mời cháu vào.
Cháu muốn chọn cho mình cái tên là Elena. Còn họ, cháu dùng của cụ ngoại. Cháu không muốn tạo ra mối nghi ngờ nào dù là rất nhỏ và để buổi hẹn gặp bị hủy.

* * *

Cháu cảm thấy thế nào khi ở trong chiếc xe buýt có cả nửa số ghế trống đưa cháu tới bãi biển, tới cuộc gặp gỡ với cha mình?
Cháu có lo sợ không? Có tức giận không? Tức giận, hẳn rồi, nhưng có lẽ hơn cả là sợ hãi. Cháu nhìn ngắm khung cảnh hoang tàn buồn tẻ cuốn qua bên ngoài cửa sổ xe. Ngay khi đi qua những chiếc cần trục trồi lên từ xưởng đóng tàu ở Monfalcone, xe bắt đầu vượt qua cửa sông Isonzo. Thi thoảng, một cánh hạc bay la đà ngang qua bầu trời. Có lẽ cháu cảm thấy sợ hãi hơn cả vì – sau khi tốn quá nhiều tâm trí cho việc này và nghĩ ra quá nhiều kế sách công kích thật công phu – cháu lại không còn dám chắc mình có đủ can đảm để nhấn nút đàm thoại, có đủ sức mạnh để bước lên bậc thang hay có đủ dũng khí để nhìn vào mắt ông ấy mà không để lộ cảm xúc của mình, giống như Ulysses trong hành trình trở về quê nhà Ithaca, ngay trước khi ra tay sát hại những kẻ xoắn xuýt bên vợ chàng.
Khi tới điểm dừng của mình, cháu là người duy nhất xuống xe buýt. Một cụ già đi xe đạp loạng choạng lao tới chỗ cháu từ một đoạn phố vắng vẻ.
Dù có tên là rừng thông Grado, vùng đất này chỉ có lèo tèo vài cây thông trơ trụi và bị cầm tù trong một dãy nhà tập thể xiêu vẹo với những cái tên rất nên thơ: Mỹ nhân ngư, Cá ngựa, Ngôi sao của biển, Nausicaa.
Trải qua những tháng mùa đông dài lê thê, những khu vườn nhỏ đã chất đống các loại chai lọ, giấy tờ, vỏ bia, và rác rưởi hỗn tạp bị gió cuốn về đây.
Ở thời kỳ kinh tế bùng nổ, đây là một vị trí hào nhoáng để xây nhà nghỉ; còn giờ thì cả khu này trông như một chiến thuyền trôi dạt. Qua thời gian, độ mặn của nước biển đã mải miết ăn mòn lớp nhựa và gỗ, nhất là cửa lớn và khung cửa sổ. Nhiều cửa chớp đã xiên lệch đi; một số tấm mành cuốn đã gãy vụn. Một tấm biển cong queo, thủng lỗ chỗ, được đặt trước một ngôi nhà nhỏ đổ nát: “Biệt thự Luisella”. Từ cổng nhìn vào sân nhà, có thể thấy chiếc xe đạp một vành nằm đổ chỏng chơ.
Cháu không thể hình dung làm sao mà Giáo sư Ancona lại trôi dạt về cái nơi tù hãm như thế này. Sau vài lần cố gắng vô nghĩa, cuối cùng cháu đã tìm được đúng địa chỉ: I8 via del Maestrale. Trước mặt cháu là một tòa nhà không kém phần hư ảo hơn các tòa nhà khác, chỉ một nét khác biệt duy nhất là ở phần cổng nhỏ có vài gian hàng mới dựng vào mùa hè (chắc để bán xuồng hơi, banh da, kem chống nắng và ghế ngồi bãi biển, cùng xô, xẻng xúc cát); tuy vậy, lúc này, các gian hàng đều trống trơn, và cháu có thể nhìn xuyên qua lớp cửa an ninh ảm đạm và thấy lớp bụi phủ kín trên mấy cái giá trống rỗng, những trang báo nằm rải rác khắp sàn nhà.
Massimo Ancona. Đó là một trong số ít tên trên tấm bảng điện thoại. Cháu không thể lần chần thêm nữa; mối nghi ngại cứ tăng lên theo từng giây trôi qua, cùng một cảm giác bao trùm rằng, sẽ tốt hơn – cho cuộc sống của cháu cũng như của chính ông ấy – nếu cháu quay gót và lao trở lại bóng tối mà cháu vừa mới từ đó bước ra.
“Elena,” cháu nói vào bộ đàm. “Tầng 5.”
Cháu đẩy cánh cửa kính mở ra; khi bước vào cửa, cháu nhìn thấy một chiếc áo phao màu trắng lẫn vàng da cam treo trên tường (đề phòng những căn hộ này bị chìm chăng?) có in tên của tòa nhà: “Nữ thần”. Cháu lên thang máy; rồi một cánh cửa mở ra, và cháu thấy mình đang đối diện với cha mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.