Lắng Nghe Yêu Thương
9.
TUẦN TIẾP THEO, cháu không đến thăm cha nữa.
Những lời nói của ông ngấm vào suy nghĩ của cháu giống như bụi bám lấy đồ đạc, luồn lách vào những kẽ nứt và những khoảng trống khiến mọi thứ mờ mịt; đó không phải là thứ bụi ngây thơ vô tội do sự bỏ mặc, thứ bụi mà bạn có thể phủi đi ngay bằng một mảnh vải hay thổi phù một hơi, mà là thứ bột mịn, bốc hơi độc, có thể giấu giếm trong phân tử của nó thứ nguy hiểm như chì và thạch tín, những chất mà, chỉ cần hấp thu một liều nhỏ, ban đầu không gây ra triệu chứng gì, nhưng sau đó, qua thời gian, sẽ dẫn tới ngộ độc và tử vong.
Nhiều lần, khi cha nói chuyện, cháu nhận thấy mình đồng tình với những gì ông ấy nói: rốt cuộc, cháu lại cùng chia sẻ sự khinh miệt của ông về diện mạo và về những tình cảm hư cấu. Nét trì độn thoáng thấy ở khuôn mặt của nhiều người vừa làm cháu bực bội lẫn khiếp sợ. Phía sau những ánh mắt mờ nhạt đó là cuộc đời như thế nào? Cái gì có thể thay thế cho sự trì độn đó? Nhờ tính điềm đạm của ông (cũng là của chính cháu), cha đã bước theo một nhịp trống khác, nhưng cuộc đời ông có thực sự tự do?
Hình ảnh ẩn dụ mà cha muốn hướng tới, là cái cây cô độc giữa chốn hoang vu, vươn những tán rộng oai nghiêm lên trời cao. Nhưng chẳng phải cuộc đời ông lại giống một trong những cây tiêu huyền cao lớn xếp hàng trên các đại lộ, ngó lơ những con chó tè bậy, hay các loại giấy rác chất đống lên gốc cây, lãnh đạm trước những chữ viết vô cùng tục tĩu được khắc vào lớp vỏ cây ư?
Một cái cây mà rễ của nó ngột ngạt bởi nhựa đường, một cái cây với màu lá xám xịt và thân cây đen kịt như bồ hóng, một cái cây kiệt sức trước những chấn động của xe cộ chạy qua, mà tuy vậy, bất chấp mọi điều, vẫn hiên ngang vươn lên, vì giống như mọi cái cây khác nó khao khát một và chỉ một điều: đó là uống ánh sáng. Và để được như thế, nó phải tiếp tục vươn lên cao và cao nữa, cho tới khi vượt qua bóng của các tòa nhà xung quanh. Cứ đông sang, Sở Quản lý Công viên và Giải trí Đô thị lại xóa bỏ chiến thắng nhọc nhằn này, bằng cách chặt bỏ, xén bớt những cành cây oai vệ cho đến khi chỉ còn những thân cây trơ trụi. Bất chấp bị làm cho què quặt, xuân tới, những chồi non lại nhú ra từ những cánh tay bị cắt cụt và rồi, những chiếc lá đầu tiên ra đời.
Thật đau lòng khi phải chứng kiến một cái cây khuất phục trước những cảnh huống đó, nhất là nếu bạn biết nó có thể phủ rộng bao nhiêu trong một không gian trống trải. Cái cảnh hốc hác mỗi mùa đông kia chính là kết quả của nỗi đau đớn chết chóc tột cùng dai dẳng qua nhiều thập kỉ, bài ca của chú cá voi chết mòn bởi cây lao móc đâm xiên và chìm dần xuống đáy biển.
Khi ở bên cha, sự rối ren và táo bạo trong cách lý luận của ông làm cháu kinh ngạc và khiến đầu óc cháu quay cuồng.
Nhưng ngay khi không còn sự hiện diện của ông, cháu suy nghĩ về những lời ông nói, và sự choáng váng đó lại biến thành khó chịu, rồi hình ảnh cái cây tiêu huyền kia cứ lập lờ trong tâm trí cháu. Cha đã tìm ra chân lý bằng chính sức mạnh đã thôi thúc cái cây đó khao khát vươn lên phía ánh dương, nhưng đồng thời ông lại cự tuyệt cuộc sống, và cuối cùng tất cả những gì ông có thể làm là bó buộc trong chính bản thân mình.
Chuyện gì đã đến, nếu ông chấp nhận chia sẻ trách nhiệm về cái thai trong bụng mẹ thay vì phủi tay trước mối quan hệ đó, nếu ông cưới mẹ, nếu ông giữ được tình cảm với cha mình và những thành viên khác trong gia đình, và nếu ông vẫn làm công việc giảng dạy ở trường đại học và dành trọn cuộc đời mình cho việc dạy dỗ?
Đó là một câu hỏi lớn mà cháu luôn tự vấn mình suốt những tháng qua. Cháu cứ day dứt về nó, vì ông ta nhưng cũng vì chính cháu.
Khi hướng suy nghĩ chuyển sang mẹ, nỗi bực tức trong cháu trở thành cơn thịnh nộ. Nếu mẹ chân thật, ngây thơ như vậy, tại sao cha lại phó mặc mẹ cho số phận? Ông không thấy xót thương sao? Cháu có thực sự chỉ là kết quả của một phản ứng sinh hóa giữa hai tác nhân không thể không tìm đến nhau? Hay là ánh sáng tháng Ba, nhờ kích thích vùng điều khiển khao khát và làm trỗi dậy dục vọng, đã thôi thúc cha mẹ cháu gặp nhau, rồi thì những chất dịch của họ trộn lẫn với nhau và chỉ có thế?
* * *
Hơn một lần, giữa đêm khuya, lùng nhùng trong mớ suy luận này, cháu đã chộp lấy điện thoại, sẵn sàng thét vào tai cha, “Ông làm tôi ghê tởm! Tôi căm hận ông! Ông chết đi!” Nhưng mỗi lần đó, cháu lại ngừng quay số và cố vượt qua nỗi khiếp sợ rối bời.
Phải chăng cháu sợ cái giọng nói mỉa mai của cha, “Ta biết sẽ kết thúc thế này mà”? Hay vì cháu sợ rơi vào – và không có quyền kháng cáo – đống nhầy nhụa mà ông ta khinh khỉnh ném “người khác” vào đó?
Những người khác, những người bình thường như mẹ cháu, như ông nội cháu (với người vợ da màu và đàn con lai), như những sinh viên không dám đương đầu với ông, như những người bạn (nếu như ông ấy có) hoặc những phụ nữ không đủ can đảm để tìm tới ông ở tiền đồn giữa chốn hoang vu này của ông.
Và vâng, thực lòng mà nói, sự ấp úng của cháu cũng chính là do sợ sự khinh miệt của cha; cháu chưa sẵn sàng để hứng chịu bất kỳ sự sỉ nhục nào từ phía ông. Rốt cuộc (ít nhất đây cũng là điều cháu tin vào lúc này), ông là người thân thích duy nhất mà cháu có trên thế gian này. Xấu tốt thế nào, cháu cũng mang năm mươi phần trăm gien của cha.
Trong những tháng ngày đó, cháu bắt đầu chú tâm tới những điểm chung giữa cha và cháu; càng quan sát kỹ, cháu càng nhận thấy rõ lý do vì sao cháu không thể buộc mình đột ngột chấm dứt mối quan hệ này. Tới thời điểm phù hợp, cháu sẽ đến nhà cha và liệt kê cho ông biết, một cách thật bình tĩnh và rõ ràng, những lý do cho sự khinh miệt của cháu.
Cháu tự nhủ rằng mình sẽ là người quyết định chấm dứt với cha, chứ không phải là ngược lại, cháu chẳng muốn một kết cục giống mẹ mình, bị bỏ rơi trên đường giống như một chiếc túi bị gãy tay cầm.
Trước khi mùa hè đến hồi cao điểm, mọi niềm đau khổ trong năm – việc bà bị bệnh, bà mất, gặp cha – đã tác động nặng nề lên cháu, và cháu mệt mỏi, tơi tả như mảnh giẻ rách cũ kỹ. Việc duy nhất cháu muốn làm là ở một mình, nằm ườn ở đâu đó, không ăn, không nói, để thu hồi sức lực giống như một cái cây vào mùa đông, hoặc như con macmôt chờ tuyết tan.
* * *
Đã ba tuần trôi qua kể từ lần cuối cháu tới Grado.
Một buổi chiều muộn, có tiếng điện thoại reo. Đó là cha. Giọng cha nghe hơi lạ – chuyện gì đã xảy ra với thái độ xa lánh mỉa mai kia? – khi ông phàn nàn: “Có chuyện gì thế? Cháu không đến đây nữa à?”
Gần như không ý thức được, cháu cố thanh minh. “Cháu thấy không được khỏe. Khi nào khỏe lại, cháu sẽ đến.”
Tại sao cháu lại cho phép mình cảm thấy có lỗi về kẻ đã gặp khoảng mười lần, một kẻ thậm chí không bao giờ tự nhận thấy ngay cả một nỗi ăn năn nhỏ nhất, một kẻ dụ dỗ luôn hành xử như thể chẳng một hành động nào của mình gây ra hậu quả?
Cháu đã không đến Grado tuần tiếp theo và cả tuần sau nữa, mặc dù đã thấy khỏe hơn, và cũng không gọi cho cha. Thế rồi chuông điện thoại lại reo cùng thời điểm vào ba buổi chiều liên tiếp, nhưng cháu thậm chí không có ý định giơ tay ra nhấc điện thoại. Rõ ràng là cha đang tìm cháu, một cách vô vọng. Cháu đã tìm thấy một chút tự mãn ngầm từ ý nghĩ là ông ấy đang lo lắng.
Vào ngày thứ tư, cháu đã trả lời điện thoại.
Cha bắt đầu cuộc đàm thoại bằng câu “Có phải cháu đó không?”
Có một chút ngập ngừng gần như là sợ hãi trong giọng nói của cha; nghe như giọng một ông lão. Có lẽ cha hơi say, vì giọng hơi run và loạng choạng như ánh lửa của ngọn nến trước gió.
Cháu chờ cha nói gì đó với mình, hỏi xem sức khỏe cháu thế nào hoặc cháu đã khỏi ốm chưa, nhưng thay vì thế, sau một tiếng thở dài nặng trịch, ông nói, “Ta không thể sống ở đây nữa. Cả khu này đã trở nên rất náo loạn. Đâu cũng thấy tiếng trẻ con khóc và tiếng tivi oang oang, cầu thang thì bị xâm chiếm bởi những mụ nội trợ béo ú và những gã đàn ông đam mê mấy trò tự sửa chữa với máy khoan, máy cắt cỏ thô kệch; thay vì tấn công mấy mụ vợ, họ tra tấn thần kinh hàng xóm. Năm nào cũng thế, hoặc đúng hơn, mỗi năm lại tồi tệ hơn. May mắn, vào mùa hè, một người bạn cho ta mượn căn hộ ở Busto Arsizio, nên nơi đó trở thành nơi ẩn náu mùa hè của ta. Ta đến đó bây giờ đây, nhưng ta muốn cho cháu địa chỉ, chỉ là trường hợp…”
“Trường hợp gì ạ?”
“Trường hợp cháu thấy muốn đến thăm ta. Ta có thể cho cháu cả số điện thoại nữa. Cháu có gì để viết không?”
“Có ạ,” cháu trả lời, nguệch ngoạc số điện thoại lên mặt sau của một tờ biên lai cũ.
“Nhưng nhớ để qua ba hồi chuông, gác máy, và gọi lại. Nếu không, ta sẽ không nghe máy đâu. Ta muốn xa lánh hầu hết mọi người.”
“Cháu biết rồi.”
“Nghe này…” Giọng cha chùng xuống với vẻ lo lắng. “Ta muốn nói với cháu một điều khác nữa…”
“Dạ?”
Cha bị ngắt lời bởi vài giọng nói trẻ con la hét om sòm trên nền tiếng nhạc rap đột nhiên được vặn to hết cỡ. “Để lúc khác ta nói vậy,” ông nói. “Ta không chịu nổi nữa rồi… Ta phải đi đây!”
Thế rồi, sau khi nhắc tới chuyến bay, ông gác máy.
Khi cha nói “Ta muốn nói với cháu một điều khác nữa,” tim cháu đập nhanh hơn; cháu chờ đợi một sự tiết lộ, một lời thừa nhận, một ký ức, một dấu hiệu ăn năn, một thứ gì đó đưa mối quan hệ của hai cha con theo một chiều hướng cho phép cháu thôi gọi ông là bác Massimo và bắt đầu gọi ông là Cha.
Có thể cha chỉ đơn thuần muốn báo cho tôi biết là ông sắp đi, và chẳng phải chính hành động đó là bước đầu tiên trên con đường dẫn tới sự đầu hàng sao? Tôi cho bạn biết tôi sẽ ở đâu vì tôi cần bạn, vì tôi chờ bạn tới thăm, vì tôi không thể tiếp tục sống mà không nghe giọng nói của bạn, không được thấy khuôn mặt bạn?
Sau cú điện đó, cháu bước ra vườn.
Không khí thật sảng khoái trong lành, và những đám mây bay gấp gáp báo hiệu một trận bão lớn đang cuốn về từ phía đông, vẫn còn khá xa, nhưng đã bị xé toạc bởi những ánh chớp lóe lên thắp sáng cả chân trời. Một cơn gió khô hanh – thường đến trước bão – quật vào những ngọn thông đen thưa thớt và khiến các cành thông kêu răng rắc trước khi gãy gập xuống những quả mận mọng nước chín vàng trên cây, khiến chúng rơi thình thịch xuống đất. Ở hướng kia, mặt trời đã dần biến mất khỏi nền trời, và ánh sáng mà vòng xoay trái đất thông thường trước giờ vẫn dư thừa nay bị những đám mây xông tới nuốt chửng.
Rất nhanh thôi, cơn bão sẽ đổ ập tới vùng đất miền cao này, nhưng trong trái tim và trí óc của cháu thì bão đã về, nó đánh sập những đường dây điện, và dòng điện chạy tung tóe khắp nơi, giống như đám yêu tinh đang nhảy nhót.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.