Lắng Nghe Yêu Thương

11.



CÓ NHIỀU NHÂN TỐ khiến cây cối bị sâu bệnh, và còn nhiều yếu tố hơn nữa góp phần gây ra những căn bệnh khiến con người khốn khổ.
Nếu bệnh tiến triển quá xa, cơ hội tồn tại của cái cây rất mong manh. Rễ nó mục ruỗng, thân phồng rộp, các quy trình trao đổi chất bị gián đoạn, và lá cây, cạn kiệt nhựa sống, bắt đầu rụng xuống.
Khi một người bị ốm, vi rút hay vi khuẩn thường là mối nghi ngờ và cũng phải thôi, nhưng không ai hỏi chúng đến từ đâu, làm sao chúng chui được vào người, tại sao là hôm nay, chứ không phải tháng trước, và tại sao người này, mà không phải người kia, ai sẽ là người dễ bị lây nhiễm hơn? Khi hai bệnh nhân được chữa trị giống nhau, sao một người khỏi bệnh, còn người kia thì không?
Một tia chớp xẹt qua vỏ cây sồi già có thể đủ để khởi đầu một quy trình dẫn tới sự tàn lụi của nó: vi khuẩn, nấm mốc, và sâu bọ chui qua lỗ thủng, nhanh chóng lan truyền và sớm muộn, cây sẽ chết.
Loại cây ăn trái trở nên yếu ớt khi chúng mất đi dáng đứng thẳng. Dù cơn gió thổi ngã rạp một cây thông, nó vẫn tiếp tục phát triển, nhưng cây mơ thì không; chỉ có đứng thẳng trên mặt đất mới giúp nó sống và ra trái.
Để hủy hoại một con người, để khiến anh ta bị ốm, cần những gì? Và cần thứ gì để chữa lành cho anh ta? Ý nghĩa của một trận ốm trong một giai đoạn cuộc đời là gì? Sự đọa đày? Vận rủi? Hay có lẽ là một cơ hội bất ngờ, một món quà quý từ thiên đường?

* * *

Suốt những tuần dài nằm viện, hình ảnh ngọn đèn cứ lởn vởn trong tâm trí cháu. Cháu thấy mình như một thần lùn trong cổ tích, tay cầm đèn lồng, cố khám phá một không gian xa lạ. Cháu không biết mình đang đi đâu nữa. Bước những bước sợ sệt, cháu lẩn trốn giữa đám rễ to lớn của một cái cây cổ thụ, hoặc bò xuống một hang chuột trũi, hay tìm đường qua mê cung của kim tự tháp. Cháu dò dẫm thận trọng, sợ hãi nhưng cũng đầy nôn nóng. Cháu đoán chẳng chóng thì chầy, sẽ tới được một cánh cửa bí hiểm, và càng tới gần, cháu càng thấy rõ, đi qua cánh cửa ấy, mình sẽ tìm ra kho báu. Giống như cánh cửa mở sẵn mà Aladdin tìm thấy, cánh cửa này dẫn tới căn phòng cất giấu những rương hòm đầy ắp ngọc trai, đá quý và vàng thỏi, chờ đợi riêng cháu thôi. Không cần biết ai giấu chúng ở đó hay động cơ của họ là gì; cháu chỉ muốn tìm ra chúng, mang ra ngoài, và ngắm nhìn chúng tỏa sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Mẹ của cháu đã chết. Vì những lý do khó hiểu, mẹ đã quyết định đâm xe vào một bức tường; tuy vậy, trước khi thực hiện kế hoạch này, mẹ đã viết cho cháu mấy dòng, và lần đầu tiên ký tên là “Mẹ”. Chấp nhận vai trò của mình, và chết, đối với bà, chỉ là một việc.
Cha cháu đang lang thang quanh các trung tâm mua sắm vắng tanh ở Busto Arsizio trong chiếc xe cũ rích, chẳng ai bầu bạn ngoài chính những suy nghĩ của ông, cô đơn hơn bao giờ hết, tuyệt vọng hơn bao giờ hết, bó buộc trong trí tuệ của ông như một chiếc lồng Plexiglas.
Quãng thời gian từ khi bà mất tới nay chưa đủ lâu; hình ảnh thời thơ ấu của cháu có bà thường bị che mờ bởi ký ức về gương mặt bà méo mó mỗi khi tức giận với các UFO đang xâm chiếm.

Trong ngôi nhà trống trải ấy – nơi âm thanh duy nhất là tiếng vang từ những bước chân mình – cháu ngày càng cảm thấy khó thở.
Một đêm, cháu thình lình tỉnh dậy, cảm thấy như ai đó đang bóp nghẹt cổ mình. Cháu hổn hển hớp lấy không khí giống như người thợ lặn đã lặn quá lâu. Từ ngày hôm đó, càng ngày cháu càng thấy khó thở. Trong lúc thao thức, cháu có thể thấy phổi của mình thắt lại và nở ra giống hai miếng bọt biển khô; không tốn nhiều sức để bóp vụn chúng ra thành mảnh nhỏ.
Tuy nhiên, vào tháng Chín, khi nhận ra cơ thể mình đang lùng bùng trong áo quần thay vì mặc vừa vặn chúng, cháu quyết định đi khám. Lần khám này dẫn cháu thẳng tới bệnh viện. Một con vi rút đã chui vào túi phổi của cháu, vô tư sinh sôi nảy nở trong đó. Cháu nhiễm chứng viêm phổi không gây sốt hay ho, nhưng dù vậy, vẫn hoàn toàn có thể dẫn tới tử vong.
Thời gian nằm viện của cháu không quá buồn; cháu kết bạn với vài bà cụ cùng phòng bệnh. Họ thấy lạ vì không hề có ai tới thăm cháu.
Ngày cháu ra viện, chúng cháu trao đổi địa chỉ và những hứa hẹn đãi bôi rằng sẽ gặp lại nhau. Đó là tuần thứ hai của tháng Mười. Cháu lơ đễnh bước những bước yếu ớt, ngập ngừng trên phố. Sự giao thoa dữ dội của âm thanh và chuyển động khiến cháu choáng váng.
Trong vườn, bụi hồng vẫn nở rộ – những bông hoa nhỏ xíu vẫn nở dày đặc, hiên ngang trong giá lạnh – nhưng thảm cỏ bắt đầu chuyển sắc vàng. Chiếc bát của Buck đầy nước mưa, lềnh bềnh xác vài con ong bắp cày.
Một tháng vắng cháu đủ để mùi ẩm mốc xâm chiếm khắp cả căn nhà.
Thu trải dài trước mắt cháu, xung quanh một khoảng không trống trải. Cháu cảm nhận được cơn gió bora rình rập trên dãy núi Carpathians, và thấy nó bắt đầu tràn xuống, vây phủ lấy cháu trong những tiếng rít, len lỏi vào tận xương tủy.
Cháu không thể chịu thêm một mùa đông nào nơi đây nữa. Cháu muốn ánh sáng. Cháu muốn cảnh huy hoàng.
Cháu muốn hoặc là khám phá liệu chân lý có tồn tại hay không – liệu mọi thứ có xoay vần hướng tới nó, như trong chiếc kính vạn hoa hay không – hoặc là được chết.
Một sáng xuống phố mua vé để ra đi, cháu chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ. Biển vẫn lặng, hàng trăm hàng ngàn con cá bơn bơi lên kênh đào Canal Grande, lượn lờ trên mặt nước như những chiếc thảm bay. Khi tới cuối kênh đào ở phía nhà thờ Thánh Antonio, chúng tụ lại thành một khối lớn, không bơi đi đâu được nữa.
Một đám người tụ tập trên cầu, tò mò và kinh ngạc khi được thấy kiểu tự tử tập thể lạ lùng này. Có nhiều suy diễn lắm. Chuyện gì đang xảy ra? Phải chăng đây là dấu hiệu từ thiên đường? Hay một tàu ngầm hạt nhân bị nổ? Hay một lực lượng quân đội nước ngoài đang thử nghiệm loại vũ khí độc hại mới?
Vài ngư dân bắt đầu múc từng xô đầy cá bơn lên và đổ vào thuyền. “Có ăn được chúng không nhỉ?” mọi người trên cầu xì xào. “Chúng ta biết được gì về những chuyện thực sự đang diễn ra trên thế giới?”
Trước mắt họ, đàn cá quằn quại hấp hối, hết con này tới con khác, giữa một mớ bụng và đuôi hỗn độn, trong khi bầy mòng biển kêu rít ồn ào, bay lượn vun vút phía trên. Chúng sà vào từ mọi phía, những thân hình trắng ngần lao xuống từ các nóc nhà hoặc từ ngoài biển, theo đội hình các biệt đội máy bay oanh tạc. Mặt nước khuấy động bởi năng lượng chết chóc; ngay khi một con mòng biển bay lên, miệng ngậm một con mồi, số khác đổ xô xuống, bay ráo riết theo và cố đoạt lấy phần thưởng của nó.
Sự việc lúc đầu đơn thuần là tò mò, nay thành náo loạn. Các bà mẹ và lũ trẻ không còn nấn ná trên cầu nữa, và đám người già tản dần ra.

Trong lúc ấy, cuộc sống thường nhật của thành phố vẫn tiếp tục. Trên con đường vòng quanh bờ biển, dòng xe cộ xếp hàng chờ tín hiệu đèn xanh. Ngoài cảng, một con tàu khách được tàu kéo lai dắt, tiến hành công cuộc thao diễn thường ngày. Tại Ponterosso, tiếng nhạc đinh tai nhức óc (vọng lại từ một shop quần áo dành cho giới trẻ) được đệm bởi những giai điệu lười biếng của một vài quầy hàng rải rác.
Thiên đường đang gửi đi những tín hiệu, nhưng không ai đọc được chúng, cháu vừa suy nghĩ vừa bước vào văn phòng của công ty tàu thủy, nơi vô tình đối diện với kênh đào.
Một tuần nữa sẽ có chuyến tàu kế tiếp. Người nhân viên tiếp chuyện cháu nói rằng có thể đặt trước một buồng – luôn có sẵn. Thời đại này, ai còn ngốc tới mức lãng phí năm ngày trời để tới một nơi mà chỉ mất hai giờ bay?
Cháu đặt một buồng thuộc hạng rẻ nhất sâu trong thân tàu.
Khi trở về nhà, cháu thấy mình bước đi nhanh nhẹn hơn. Quyết định rời đi khiến cháu nhìn mọi thứ bằng ánh mắt cởi mở, có đôi chút luyến tiếc. Đã nhiều tháng nay cháu không chăm sóc khu vườn. Những thảm hoa chen đầy cỏ dại, các bụi cây cứ lùm xùm lỉa chỉa. Hoa tú cầu và nhiều loài hoa khác đã khô quắt queo vì thời tiết, trong khi một lớp lá gần như che phủ toàn bộ khu vườn.
Lá cây – một trong những nỗi ám ảnh của bà. Lá cây và cỏ dại. Chúng ta đã nhiều lần tranh luận về lá cây và/ hoặc cỏ dại. Bà nghĩ chúng rất phiền toái và vì thế, cần phải loại bỏ; còn cháu, ngược lại, tin rằng cả hai đều cần thiết. Đôi lúc, bà bảo cháu lười biếng, và cháu phản đối bằng cách nói bà chẳng biết cách chăm sóc cây cối. “Nếu lá bị rụng, chắc hẳn phải có nguyên nhân”, cháu bảo bà thế. “Bởi vì thiên nhiên không ngốc như con người. Và những cái cây mà bà gọi là cỏ dại không biết chúng là cỏ dại. Bà có thể phán xét hay kết tội chúng, nhưng chúng nghĩ chúng là hoa và thảo mộc, cũng đẹp và quan trọng như tất cả các loài cây còn lại.”
Một ngày nọ, cháu đã thét lên với bà trong cơn giận dữ: “Bà không thấy được cái hồn của khu vườn! Bà không thấy được cái hồn của bất kỳ thứ gì.”

* * *

Cháu bắt đầu âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi. Đầu tiên, cháu tới ngân hàng để đổi tiền, rồi giặt giũ và bỏ thuốc chống mọt vào trong các ngăn tủ. Cũng vì thế mà cháu chuyển toàn bộ đồ đạc ra khỏi nhà bếp, sợ rằng vài mẩu thức ăn trong các khe hở có thể thu hút hàng trung đội bướm đen chiếm lĩnh sàn và trần nhà.
Trong mấy ngày còn lại, cháu đóng gói khá tỉ mỉ một ba lô quần áo cùng các vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Trước khi đóng ba lô, cháu lấy cuốn kinh thánh không bìa cũ kỹ tìm thấy trong tầng áp mái và bỏ nó lên trên cùng.
Cha không liên lạc lại với cháu nữa. Mùa tắm biển đã qua, và ông chắc hẳn đã trở lại Grado Pineta. Cháu không muốn gọi cho cha, nên chỉ viết cho ông dòng nhắn.
“Cha yêu quý” có vẻ không phù hợp, nên cháu quẳng đi cố gắng đầu tiên của mình. Trong tờ giấy thứ hai, cháu chỉ viết, “Con đang tới vùng đất của tổ tiên của cha và con”. Dưới dòng chữ ngắn ngủi này, cháu ghi thêm địa chỉ nơi mà có thể cháu sẽ tới và ở đó.

* * *

Chuyến tàu khởi hành vào sáng sớm, sau khi nuốt trọn một dãy toa hàng dài vô tận từ Anbani và Hy Lạp. Không có nhà hàng trên tàu, chỉ có một quầy ăn nhẹ với đồ đạc bằng nhựa và một ngọn đèn nê ông khiến mọi khuôn mặt đều mang vẻ nhợt nhạt như xác chết.
Ngoài các bác lái xe tải, bạn đồng hành của cháu còn có hai khoang đầy người Israel nghỉ hưu trở về từ một chuyến đi tới châu Âu. Cháu quan sát họ xuất hiện từ thân tàu, mang theo những chiếc hộp đựng đồ nấu nướng.
Cháu lên boong tàu để nhìn thành phố dần xa khuất.
Con tàu lai dắt đi bên cạnh để dò đường. Luồng sáng từ ngọn hải đăng nhảy nhót trên mặt biển theo nhịp nhấp nháy đều đặn. Mặt nước phẳng lặng, tối sẫm như một vết mực loang rộng lớn, đáng sợ.
Những ngôi sao đang lấp lánh trên nền trời, cũng chính những ngôi sao này, hai mươi năm trước đã tỏa sáng lấp lánh trên đầu mẹ và mầm sống bé nhỏ đang lớn dần trong bụng. Có lẽ sao trời cũng có mắt và nhìn thấu mọi vật như ta thấy chúng, cháu nghĩ vậy. Có lẽ chúng cũng mang những trái tim bí ẩn và – như người ta thường nghĩ – có khả năng tác động tới hành động của chúng ta. Có lẽ, trên các đỉnh sao trắng bạc ấy, người chết đang sinh sống, những người không còn ở trên trái đất, những người đã giã từ hình thái thể xác của mình.
Hồi nhỏ, trước khi đi ngủ, cháu thường đòi được nhìn ra ngoài cửa sổ và vẫy chào Mẹ, người mà theo lời bà, đã đi xa để sống ở thiên đường. Lắm khi, nếu mây che phủ bầu trời, cháu sẽ bật khóc. Cháu hình dung mẹ như nàng tiên, mặc chiếc váy nhẹ, dài bằng vải chiffon rực rỡ, đội mũ chóp sáng lòa cùng những ngôi sao nhỏ trên đầu, một gương mặt thanh thản, mong manh kỳ lạ, và ở chỗ lẽ ra phải có đôi chân, lại là một vệt nước lấp lánh, thành vệt dài phía sau khi mẹ đi theo cháu, dập dờn từ ngôi sao này tới ngôi sao khác.
Nhưng thực tế, gần như chẳng còn lại gì về mẹ trong chiếc quan tài bằng thiếc; và bà, cũng đang phân rã trong đó, cũng như cháu, một ngày nào đó, sẽ thành cát bụi.
Vậy cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa gì? Cốt lõi của những giấc mơ mẹ dành cho cháu, ước mơ của bà dành cho mẹ, là gì? Phải chăng chúng ta buộc phải tuân theo số mệnh chìm sâu trong bóng tối, hay là có ý nghĩa gì đó ngoài sự trống rỗng bao la này?
Sao tất cả mọi người – bà, mẹ của bà, cha của cháu, đều từ bỏ cội nguồn của mình? Vì sợ hãi, vì lười biếng, vì cuộc sống tiện nghi ư? Hay có lẽ để sống cuộc đời hiện đại và tự do?
Khi cháu hỏi cha câu ấy, cha đã trả lời rằng đạo Do Thái thực ra chẳng là gì ngoài những tập tục của con người và mối liên kết xã hội ngày càng mở rộng; và, để chứng minh nhận định của mình, ông lấy chính cuộc đời của ông nội làm ví dụ minh họa, một người vô cùng sùng đạo khi làm việc cho bố vợ ở Venice và thường xuyên lui tới nhà ông ấy, nhưng lại sẵn sàng nhảy điệu samba mà không hề hối tiếc sau khi chôn cất vợ mình ở Brazil.
Và có lần bà từng nói với cháu rằng chúng ta không theo tôn giáo nào. Chúng ta không thuộc dòng nào cả. Khi bà thấy điều này làm cháu lo lắng, bà chữa “Như vậy không hẳn là xấu đâu. Thực ra lại tốt. Nghĩa là cháu tự do, và tự do là tài sản thực duy nhất mà một người có được.”
Cội nguồn


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.