Lắng Nghe Yêu Thương
14.
SỨC NẶNG CỦA MÀN ĐÊM chính là sự đè nén của những câu hỏi không lời giải đáp. Chúng ta bước ra khỏi bóng tối, rồi trở lại bóng tối; trước khi vũ trụ được hình thành, khắp nơi chỉ toàn là màn đêm đen đặc.
Ông Jonathan đã hỏi cháu tin vào điều gì. Cháu trằn trọc trên giường trong màn đêm yên tĩnh. Cháu biết giấc ngủ sẽ không đến, nhưng vẫn cứ hi vọng (vô ích) rằng ít ra mình có thể ngủ lơ mơ một chút. Câu hỏi của ông Jonathan cứ quanh quẩn bên cháu, kéo theo nhiều câu hỏi khác mà cốt yếu trong số đó là: Vì sao bạn sống?
Bạn tin vào điều gì? Vì sao bạn sống? Khi sinh ra, mỗi đứa trẻ sẽ nhận được một tấm da dê viết hai câu hỏi đó, chờ được trả lời.
Vậy bà tin vào điều gì?
Cháu tin vào nỗi đau. Nỗi đau đã chiếm hữu cháu từ giây phút cháu mở mắt chào đời, xâm chiếm thể xác và tinh thần cháu, kích thích, tàn phá và làm chúng biến dạng; nỗi đau đã đặt một quả bom hẹn giờ trong trái tim cháu và cài kíp nổ cho một vụ nổ chắc chắn xảy ra.
Những ký ức đầu tiên của cháu đầy ắp nỗi đau thay vì niềm vui, đầy nỗi lo lắng, sợ hãi thay vì sự che chở yên bình của tình thương. Lúc cháu đi quanh căn hộ, tìm kiếm mẹ mình trong số những người đang quá chén, lúc cháu nhìn thấy mẹ đang ngủ cạnh một người tình chẳng lúc nào giống người trước đó, cháu có thể cảm thấy gì khác ngoài sự mất mát? Mặc dù vậy, khi theo bản năng, cháu biết mình là một đứa trẻ được sinh ra không phải bởi tình yêu mà là do sự sơ ý, thì chính nhận thức này, thay vì khiến cháu cảm thấy đau đớn hay giận dữ, lại khuấy động trong cháu một mong muốn kỳ lạ được bảo vệ mẹ mình.
Cháu luôn luôn phát hiện ra dấu hiệu của nỗi buồn bên dưới sự vui vẻ gượng gạo của mẹ; cháu cảm thấy mẹ đang trôi dạt về phía một tai họa và cháu sẵn sàng liều mạng sống của mình để thay đổi điều đó.
Linh hồn cháu đến từ đâu? Nó đã hình thành cùng cháu, hay nó mới nảy ra từ bí ẩn của thời gian vượt trên thời gian? Lẽ nào nó đã hạ xuống trần gian, bất chấp các quy luật tự nhiên để giúp một cơ thể đã vô tình triệu hồi nó và rồi buộc nó có một cuộc đời đau khổ và ghẻ lạnh, như cha cháu từng nói: “Không quan trọng cha đến từ đâu hay đến vì ai, bởi vì mọi thứ, kể từ hạt đất tới những con voi, đều tự tái sinh bất động tâm?”
Như vậy, cháu là con gái của sự bất động tâm ư?
* * *
Cháu trở dậy. Trời vẫn tối, đồng hồ trên đài điểm ba giờ sáng. Vài giờ nữa, ánh sáng sẽ chan hòa. Vào ban đêm, định mệnh phải đối mặt với quá nhiều lời năn nỉ; nên mỗi tia sáng khi đêm đã qua là một ký ức không yên bình, cháu nghĩ thế khi đi dọc khuôn viên một vườn cam.
Cháu tới đầu kia cánh đồng và ngồi xuống một phiến đá. Cơn gió đêm đã tắt; mọi thứ, kể cả tiếng ồn ào và mùi hương, đều bất động. Cháu cảm thấy mình như đang trong một khán phòng trước khi bắt đầu một buổi hòa nhạc; mọi thành viên của ban nhạc đã vào vị trí, nhạc trưởng đã sẵn sàng trên bục, nhưng vẫn chưa phất tay nên mọi đôi mắt, trí não, trái tim, cơ bắp vẫn đứng yên, đợi lúc hòa vào một bản hợp xướng âm thanh.
Có tiếng gà gáy từ làng của người Ả rập trên các bậc dốc của ngọn đồi. Một lát sau, tia sáng le lói bắt đầu tràn ngập vòm trời đen tối.
Tuần sau đó, cháu bắt đầu làm việc ở khu định cư, giúp đỡ bất cứ ai cần. Đó là lúc có ít việc trên các cánh đồng, nên phần lớn cháu giúp làm việc trong bếp hoặc trong phòng giặt ủi lớn.
* * *
Một buổi tối, ông Jonathan kể cho cháu nghe chuyện về cha mình, cụ Ottavio.
Lúc đó bầu không khí ở Trieste trĩu xuống bởi mối đe dọa. Bạn bè của cụ Ottavio đã di cư đến nơi an toàn, sau khi khuyên hai người cùng làm như vậy. Nhưng cụ Ottavio không muốn rời đi; cụ phản đối ngay cả ý nghĩ về từ “chạy trốn”. Cụ nói “Tại sao ta lại phải chạy trốn? Đó là cách hành xử của những tên trộm, và những kẻ sát nhân, những người sai trái, những tên hèn nhát. Còn ta đã làm sai gì chứ?”
Cụ Ottavio không hiểu nổi rằng người ta có thể giết người khác chỉ vì cái họ của anh ta.
“Tôi là một công dân nước Ý”! Cụ Ottavio tuyên bố khi người ta tới bắt mình, như thể sự sáp nhập về địa lý sẽ cho ông tấm thẻ thông hành kỳ diệu.
Ông Jonathan đang ở ngoài lúc xảy ra vụ bắt bớ. Khi trở về nhà, ông hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra và lập tức bước theo một phụ nữ đến từ Carso, người mang bơ đến cho gia đình ông từ nhiều năm nay. Tin rằng mái tóc vàng và đôi mắt xanh có thể cứu mình, ông giả vờ làm con của bà và đứng nhìn trong sự bất lực câm lặng khi bố mẹ mình bị bắt đưa đi.
Ông Jonathan không trở lại ngôi nhà đó nữa. Người phụ nữ kia đã mang ông về nơi ở của bà trên cao nguyên và ông ở đó cho tới khi chiến tranh kết thúc. Chìm đắm trong suy tưởng, ông nói “Đó là lúc giữa đất đai và sách vở ta đã chọn đất. Trong ngôn ngữ in ấn, chỉ có những câu hỏi và chẳng có gì khác nữa, nhưng trong các cánh đồng, có đời sống, và cuộc đời cứ tiếp diễn, một cách giản dị.”
Trong những tuần sau đó, một giám mục, người từ lâu ngưỡng mộ tài năng âm nhạc của cụ Ottavio đã cố gắng tác động cùng với sự giúp đỡ từ những người bạn có tầm ảnh hưởng của mình đòi trả tự do lại cho cụ. Nhưng do giấy thông hành chỉ có hiệu lực cho một người nên cụ Ottavio đã từ chối.
Vào Lễ sám hối năm 1944, cha mẹ của ông Jonathan rời nước Ý đến vùng đồng bằng hoang sơ của Ba Lan. Tại đó, mẹ ông sớm biến mất không một dấu vết còn cha ông, ba tháng sau khi chiến tranh kết thúc, hội Chữ thập đỏ đã báo cho ông rằng cụ Ottavio vẫn còn sống.
“Mùa thu năm 1945, cha ta trở lại Trieste, gần như không thể nhận ra về mặt thể xác nhưng rõ ràng không hề thay đổi về mặt tâm hồn. Cụ nhanh chóng mời người chỉnh đàn piano tới; sau khi người bạn già đi khỏi, cụ ngồi xuống và bắt đầu chơi đàn. Có vẻ cụ không cần thứ gì khác nữa. Cụ không thiết ăn uống, ngủ nghỉ hay đi dạo – mọi điều cụ muốn làm là chơi nhạc, và thế là đủ. Lúc đầu, ta nghĩ âm nhạc cùng vai trò chính của nó trong cuộc đời cha mình có lẽ đã góp phần lớn vào sự sống sót của ông ấy, nhưng ta đã sớm phải thay đổi suy nghĩ ấy.”
Một tháng sau ngày trở về, cụ Ottavio bắt đầu khăng khăng bày tỏ mong muốn được trình diễn trong buổi hòa nhạc. Yêu cầu của cụ nhanh chóng được chấp nhận.
Buổi tối hôm đó, khán phòng chật ních khán giả; không một con ruồi vo ve, không ai hắt hơi, không ai ho hắng. Mọi người dường như đã bị mang đi nơi khác bởi một sức mạnh siêu hình từ bản nhạc của cụ Ottavio. Khuôn mặt của người nghệ sĩ dương cầm như được thần hóa. Khi khán giả nhìn cụ, một cảm giác nghẹt thở bao trùm lên họ. Ông Jonathan cũng vậy.
Người đang chơi đàn này là ai? Là cha mình, người mà mình luôn biết, hay chỉ là người giống ông ấy? Đôi bàn tay ông lướt trên phím đàn nhưng không một niềm vui trong mắt; một ánh sáng xa vời, lạnh lẽo như đang đẩy ông đi xa, xa mãi, tới một nơi không ai với tới.
Khi bản nhạc kết thúc, cả khán phòng đứng dậy và tặng cụ Ottavio một tràng pháo tay kéo dài tới mười phút, yêu cầu ông trình diễn thêm bản nữa, nhưng cụ Ottavio chỉ trở lại sân khấu, cúi đầu trang trọng, rồi làm cả hội trường ớn lạnh bằng một cái phất tay dứt khoát từ trái sang phải, như thể từ chối, rằng điều đó là không thể. Đừng nài xin nữa, tôi đã trình diễn xong rồi.
Nhiều người thì thầm “Thật không thể quên được, không thể quên được” khi họ lấy áo khoác ở sảnh. Không rõ họ đang nói về buổi hòa nhạc hay về kết thúc khác thường của nó.
Ngày hôm sau, cụ Ottavio thức dậy, quăng hết bằng khen vào lò sưởi, đậy nắp cây dương cầm, khoác áo choàng và ra ngoài.
Từ đó trở đi, cả trong suốt mùa đông dài, đi ra ngoài là hoạt động duy nhất của cụ. Cụ rời nhà từ lúc bình minh và về nhà thật muộn sau hoàng hôn. Thi thoảng, có người biết cụ lại báo rằng họ nhìn thấy cụ đi dọc bờ biển ở Muggia hoặc Aurisina. Cụ sải những bước dài, đầu cúi xuống và ngó lơ tất cả. Bạn bè có chào thì cụ vẫn cứ bước tiếp mà không thèm nhìn họ. Đôi môi cụ mấp máy liên hồi, tựa như đang nói chuyện một mình. Cụ không tắm, không cạo râu và mặc mãi chiếc áo khoác bẩn thỉu cùng đôi giày ống rách rưới thảm hại và một chiếc mũ lưỡi trai sùm sụp che đôi mắt cùng vài đoạn dây thừng buộc quanh hông.
Sau một vài tháng, cụ bắt đầu dùng mấy sợi thừng ấy để mang chó về nhà.
Đầu tiên là đôi chó lai thuộc giống chó săn; cụ dành cho chúng một chỗ ở sân sau, gần gara. Cụ ở nhà một tuần, dựng vài cái cũi bằng lưới thô sơ; khi làm xong, cụ lại tiếp tục đi lang thang. Cụ ra ngoài vào buổi sáng và trở về nhà vào buổi tối, luôn dẫn theo một con chó mới bị buộc vào một trong những sợi thừng của mình.
“Không lâu,” bác Jonathan hồi tưởng “trước khi tình hình trở nên không thể chịu nổi. Bầy chó bày bừa khắp mọi nơi, chúng sủa, hú, cắn xé lẫn nhau để tranh giành thức ăn. Phải thừa nhận rằng cha ta không cho chúng ăn đều, chỉ khi nào cụ nhớ ra hoặc cụ thấy thích, và không ai khác được phép cho chúng ăn thay cụ. Một lần cụ bắt gặp ta cho chúng ăn và cụ lao vào ta như một người điên. Nếu lũ chó đánh nhau, cụ liền xông vào giữa, vụt gậy túi bụi cho tới khi cuộc đánh nhau dừng lại, rồi cụ ngã vật xuống đất kiệt sức; tuy nhiên, nếu chúng ăn hết khẩu phần và chịu yên ổn, cụ sẽ dành hàng giờ vuốt ve chúng, ngồi giữa chúng, nói với giọng trầm tĩnh, dịu dàng như thể chúng là lũ trẻ: “Chúng mày có trái tim biết yêu thương, không giống như…” Và bầy chó ve vẩy đuôi, liếm tay cụ âu yếm.
“Rõ ràng là cụ cần được đưa vào viện và chữa trị, nhưng bằng cách nào? Cụ không bao giờ đồng ý vào bệnh viện cả. Đó là một vấn đề tế nhị. Làm sao để giúp cụ? Cụ có thực sự muốn quay lại làm một nghệ sĩ dương cầm già cả, hay cử chỉ kiên quyết vào cuối buổi hòa nhạc sau cùng kia đã đánh dấu một bước ngoặt rõ ràng giữa quá khứ và tương lai, giữa con người của cụ lúc trước và con người cụ buộc phải trở thành? Ranh giới chia cắt đó, ranh giới đánh dấu sự khai tử của cái đẹp, chắc chắn cũng báo hiệu sự bắt đầu cuộc đời kế tiếp của cụ.
“Thật may, thần chết đôi lúc cũng rất nhân từ. Một ngày nọ khi về nhà, không nghe thấy lũ chó sủa, nhưng ta chẳng quan tâm lắm. Chỉ tới sau đó, khi nhìn ra ngoài cửa sổ phòng tắm và nhận ra chúng yên lặng thế nào, ta mới chạy bổ ra sân sau và thấy cha.
“Ông ấy nằm đấy, như đang cười, đôi mắt mở to giữa những chiếc cũi. Tim ông đã ngừng đập đột ngột và không đau đớn gì.
Lũ chó đứng canh thi thể của ông trong im lặng, ve vẩy đuôi như đang nói chuyện với nhau. Người ta nói rằng chó có khả năng nhìn thấy thiên sứ của tử thần. Vào khoảnh khắc ấy, ta tin điều đó là sự thật. Ta nghĩ có lẽ chính bầy chó là những thiên sứ, bởi cái cách chúng dành trái tim mình cho chủ. Dù thế nào, ta vẫn thấy được an ủi vì thấy cha ra đi trong yên bình.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.