Lắng Nghe Yêu Thương
15.
SAU BỮA TỐI HÔM ẤY, khi trở lại phòng mình, cháu bắt đầu đọc Kinh thánh. Cháu cứ mở cuốn kinh một cách ngẫu nhiên và đọc lướt qua những trang sách. Cháu tự hỏi sao bà chưa bao giờ kể cho cháu nghe về cụ Ottavio?
Có lẽ bà đã quyết định lảng tránh bất cứ liên hệ nào với vấn đề ấy cho tới khi cháu đủ lớn để hiểu; sau này, khi cháu rốt cuộc đã đến độ tuổi thích hợp, bà đã choáng ngợp khi thấy cháu lo lắng và buồn bã nhường nào, và cảm xúc dữ dội này đã nhanh chóng kéo theo trận ốm của bà, và vậy là thời điểm phù hợp để gợi lại những kỉ niệm này không bao giờ đến.
Bà đã cho cháu tình thương, chắc chắn rồi, nhưng nền tảng của nó là gì, thứ gì đã nuôi dưỡng nó, thứ gì thúc đẩy nó ngoài những thôi thúc tự nhiên mang tính di truyền?
Và tại sao bà không thể yêu mẹ cháu? Điều gì khiến bà để mẹ lang thang, như một con thuyền không bánh lái?
Chẳng phải không có thứ gì mà bà không làm được đấy ư?
Hay là dòng chảy thời gian, dòng chảy lịch sử luôn kéo lê sự sống, và mang chúng đi xa? Mẹ cháu chỉ là con gái của bà vào lúc đó, giống như bà là con gái của mẹ bà, và cháu là con của mẹ?
Và cứ cho rằng lịch sử đúng là một dòng chảy, thì thứ gì có thể cưỡng lại, thứ gì có thể thay đổi? Chính trong lịch sử, bí ẩn của sự cứu rỗi linh hồn đã bị giấu đi chăng? Hay sự cứu rỗi linh hồn nằm trong đường đi của chân lý đã được soi rọi?
* * *
Cuối tuần đó, cháu quyết định rời khỏi khu định cư, bắt xe buýt tới Safed. Khi đến nơi, cháu ngồi trên một bờ tường thấp ăn chút thức ăn đã lấy từ nhà bếp của khu định cư. Tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ những quán bar du lịch gần đó trong lúc một giọng tiếng Anh trôi chảy của hướng dẫn viên giới thiệu các cảnh đẹp của nơi này cho một nhóm người Mỹ mệt mỏi, buồn chán.
“Trong những thế kỷ đầu, Safed trên hết chính là một pháo đài, một dinh lũy của lực lượng chống lại những người La Mã xâm lược. Phải tới tận thế kỷ 16 thì Safed mới trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất của chủ nghĩa thần bí Do Thái. Thời kỳ này cũng chứng kiến việc xây dựng các giáo đường Do Thái quan trọng nhất mà ngày nay vẫn được ngưỡng mộ…”
Hơi nóng bốc lên, nhẹ nhàng rung rinh các tán lá. Xa tít tắp, đôi chim thiên nga giang rộng cánh, lượn thành những vòng tròn lớn trong không khí.
* * *
Đầu giờ chiều, cháu đi xe buýt xuống Tiberias trên bờ biển Galilee. Cứ ngỡ sẽ thấy một làng chài nghèo, vậy mà cháu lại đặt chân tới một thị trấn du lịch, nửa Rimini, nửa Las Vegas. Cái ảm đạm của khu du lịch trong mùa vắng khách đã lắng xuống nơi đây, nấn ná ẩn trong mùi dầu mỡ, mùi thức ăn và đồ lạnh; le lói trong những tấm biển hiệu sáng trưng với một nửa số bóng đèn đã bị cháy; tràn vào cửa hàng đồ lưu niệm nơi cháu mua một tấm bưu thiếp, và viết mấy chữ phía sau. Đây là một tiền đồn thích hợp với cha… rồi gửi cho cha.
Cháu nghỉ đêm đầu tiên trong một khách sạn nhỏ ở Tiberias.
Ngày hôm sau, cháu lên đường đến khu tàn tích Capernaum.
Trời nổi gió to và những con sóng đáng sợ khuấy động mặt hồ rộng lớn.
Cháu làm một chuyến thăm khu khảo cổ học Tabgha và ở đó cháu gặp một đám đông những người đồng hương nói giọng Veneto, cổ quàng những chiếc khăn rực rỡ giống nhau và đầu đội mũ lưỡi trai. Nhiều người còn mang nét về một cuộc đời làm nông lam lũ. Một mục sư trung tuổi, có lẽ là linh mục ở giáo xứ đi cùng với họ. Ông có vẻ lo lắng như một cô giáo đang đưa đám học trò nhỏ đi dã ngoại và liên tục lặp lại những lời chỉ dẫn: “Đến đây nào… đến gần hơn…nghe này…”
Nhưng ngoại trừ ba hay bốn giáo dân không rời khỏi chỗ ông, một số người bạo dạn nhất đã cởi giày và lội xuống hồ, té nước vào nhau ầm ĩ như một đám trẻ.
Trong lúc đó, hai chiếc xe khác dừng lại bên bờ hồ và thả xuống từng đợt những người hành hương mới. Lần này là người Đức và người Hàn Quốc.
Nhóm người Hàn Quốc có vẻ trật tự và đông hơn. Tất cả bọn họ đều dõi mắt đồng loạt theo những gì mà vị linh mục của họ chỉ, như thể họ là bộ phận của cùng một cơ quan.
Cuối cùng thì những nỗ lực của vị linh mục người Ý cũng được ghi nhận. Sau khi khoa tay múa chân, cao giọng một cách vô vọng, ông đã tập hợp được đám giáo dân quanh mình và đọc cho họ câu chuyện trong sách phúc âm ở đó: “Trong những ngày khi dân chúng ngày càng đông và không có gì để ăn, Chúa Jesus đã gọi các môn đệ đến và bảo họ: “Ta thương dân chúng vì họ đã ở cùng ta ba ngày và không có gì ăn. Nếu ta đuổi họ, để họ nhịn mà về thì họ sẽ đói lả mất vì nhiều người trong số họ ở xa đến.” Các môn đệ trả lời ông: “Chúng ta kiếm bánh mì ở đâu tại nơi hoang vu này để có thể cho đám đông đó ăn chứ?” Chúa Jesus hỏi: “Chúng ta còn bao nhiêu ổ bánh mì?”. Họ trả lời: “Bảy ổ bánh, và một ít cá”. Chúa yêu cầu dân chúng ngồi xuống đất. Người lấy bảy ổ bánh và cá ra, nói lời tạ ơn rồi bẻ chúng, đưa cho các môn đệ, và các môn đệ đưa cho dân chúng.”
Đọc hết đoạn này, vị linh mục rời mắt khỏi trang giấy và nói: “Bao nhiêu người trong chúng ta có thể nhịn ăn mà đi theo Chúa nhiều ngày? Liệu chúng ta có thể chứng tỏ sự tận tâm như vậy chỉ để nghe những lời của Người không? Và bao nhiêu người trong chúng ta sẽ nghiêng mình chấp nhận nó?”
Một vài giáo dân bày tỏ sự chăm chú trong khi một số khác ngó nghiêng, hơi xấu hổ hoặc bối rối, như thể họ đang nghĩ còn bao lâu nữa thì được ăn bữa trưa mang theo của mình.
Trong lúc ấy, gió từ mặt hồ càng mạnh hơn, thổi bay vài chiếc mũ lưỡi trai dọc theo những hòn đá cổ; những tấm khăn choàng bay phấp phới như những lá cờ, từ các cành cây bạch đàn, ta có thể nghe tiếng lá khô xào xạc hòa lẫn tiếng hót líu lo của bầy chim sẻ.
Cháu ngồi trên bậc thang của khán đài, chăm chú ngắm nhìn những khuôn mặt xung quanh. Nếu đã chọn cất công tới đây, cháu nghĩ, chắc hẳn họ đã tin vào điều gì đó. Nếu không thì họ thà đi tắm nắng ở Quần đảo Canary còn hơn.
Buổi sáng hôm ấy, khi đứng đợi xe buýt, cháu đọc được đoạn này trong sách phúc âm của Thánh Matthew: “Ngọn đèn của cơ thể là con mắt: vì vậy, nếu con mắt của ngươi trong sáng, thì toàn bộ cơ thể sẽ ngập tràn ánh sáng”.
Nhiều giờ sau đó, cháu đến Capernaum và gặp ở đó hàng loạt xe du lịch với các hướng dẫn viên, với những ngôn ngữ khác nhau, lấp đầy bầu không khí bằng những lời giải thích mà cháu chỉ nắm bắt được một cách rời rạc khi đi qua đám đông mặc đồ tươi sáng theo chỉ dẫn vào khu còn lại của giáo đường cổ, gồm bốn cây cột bằng đá vôi màu trắng, và trên nền đất là một số mảnh vụn của bức phù điêu phủ hình chạm trổ quả lựu và những chùm nho.
Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu nên thời tiết khá nóng. Theo sau dòng người đang lộn xộn lê bước, vài người ăn bánh mì kẹp, vài người giải khát bằng những chai nước khoáng nhỏ, cháu tới một nơi có bóng râm ở nơi xa nhất phía nam của khu khai quật rồi ngồi xuống ăn.
Thị trấn nơi chôn nhau cắt rốn của Thánh Simon Peter giờ chẳng còn gì ngoài những chiếc móng nhà trơ trọi. Hàng tá hàng tá đồng xu do khách du lịch quăng vào lấp lánh trên sàn nhà cổ kính. Cháu không hiểu nghi lễ này có ý nghĩa gì. Phải chăng là để Cầu phước? Hay có lẽ là sự khởi đầu một vụ quyên góp nhằm biến Capernaum trở lại vẻ đam mê của nó ở những ngày vui vẻ không lâu trước đây?
Trong suốt chuyến trở về khu định cư, khi phong cảnh dần bị bóng tối nuốt chửng, cháu hồi tưởng lại cả ngày vừa trải qua. Đám đông thông thái chính là cứu thế. – Cháu đã đọc câu đó trong Kinh thánh lúc trước. Sự thông thái thực ra là gì chứ? Trên bờ biển hồ Galilee, ông thầy tu xứ Nazareth đã ban thức ăn cho hàng ngàn người. Liệu có còn ổ bánh hay con cá nào để ban ra? Và họ còn phải thỏa mãn cơn đói gì nữa? Con người hiện đại còn ham muốn điều gì khi đã sở hữu mọi thứ, trừ chính bản thân anh ta? Linh hồn ham muốn điều gì? Vinh quang, chiến thắng, những lời phán quyết, những cuộc phân ly? Hay đơn giản là khám phá ra một ngưỡng cửa để nó có thể quỳ gối xuống?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.