Guanxi Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh
2. Trung tâm Nghiên cứu Bell Labs ở Trung Quốc
Mùa thu 1997 – Tháng 11 năm 1998
Điều cốt yếu là chúng ta cần một nơi để tuyển dụng nhân tài Trung Quốc.
–NATHAN MYHRVOLD
Nathan Myhrvold là người thích giao du, ông có chòm râu quai nón hơi quăn được cắt tỉa gọn gàng và một nụ cười dễ làm người khác phải cười theo. Chính đây là lợi thế khiến ông trở nên gần gũi. Năm 1999, Myhrvold nghỉ hưu khi đang giữ chức giám đốc công nghệ của Microsoft với tài sản riêng trị giá khoảng 500 triệu đô – la. Ông đã mua một chiếc phản lực Gulf Stream V và bắt đầu du lịch vòng quanh thế giới. Ông dành thời gian cho thú vui, tìm kiếm hóa thạch khủng long, lái xe đua công thức I và nấu ăn. Mặc dù Myhrvold từ bỏ mọi trò chơi ở độ tuổi 46, nhưng ông lại rất hứng thú với một nhiệm vụ mới hết sức lớn lao: tập hợp những nhà sáng chế tài giỏi trên khắp thế giới vào một bộ máy sáng chế khổng lồ.
Myhrvold là người có công kiến tạo MSR (Microsoft Research) . Đây chính là lý do những đồng nghiệp cũ của ông cũng tham gia vào bộ máy ở Trung Quốc. MSR là một trong số ít những tổ chức nghiên cứu hợp tác hàng đầu được thành lập trong vòng 50 năm trở lại đây. Trong giới công nghệ thông tin, nơi duy nhất có thể cạnh tranh với MSR là Trung tâm Nghiên cứu IBM. Trung tâm nghiên cứu của IBM có quy mô lớn gấp nhiều lần MSR, với khoảng 3 nghìn nhân viên tại tám trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới. Phạm vi nghiên cứu của IBM rất rộng – từ máy tính lớn, bộ nhớ, chất bán dẫn đến công nghệ siêu vi (công nghệ Nano) . Tuy nhiên, trong lĩnh vực nghiên cứu phần mềm, có thể khẳng định MSR là trung tâm nghiên cứu lớn nhất và mạnh nhất.
Nhưng điều đó có lẽ đã không xảy ra nếu không có Myhrvold. Ở tuổi 19, Myhrvold lấy được bằng thạc sĩ của Đại học California ở hai lĩnh vực toán học và địa lý. Ông tiếp tục làm nghiên cứu tiến sĩ toán học và lý thuyết vật lý ở Princeton. Sau đó, ông đoạt được học bổng sau tiến sĩ và nghiên cứu lý thuyết vật lý lượng tử ở Đại học Cambrigde. Khi công ty phần mềm do ông sáng lập có trụ sở tại Berkeley được Microsoft mua lại năm 1986, Myhrvold tiếp tục làm việc tại đây thêm một thời gian nữa và nhanh chóng được biết đến như một nhà chiến lược có tầm nhìn xa trông rộng. Chỉ sau vài năm, ông trở thành phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc công nghệ, là một trong số ít người được báo cáo trực tiếp với Gates.
Myhrvold có năng lực tư duy và truyền tải tư duy thành những lý lẽ dễ hiểu. Giữa năm 1991, Myhrvold đề xuất ý kiến sử dụng 10 triệu đô- la mỗi năm để hỗ trợ một trung tâm nghiên cứu có nhiệm vụ củng cố tương lai của Microsoft. Theo Myhrvold, trong ba thập kỷ qua, những vấn đề công nghệ máy tính được đưa ra bàn luận trong các hội nghị chủ yếu là do các trung tâm khoa học máy tính và các công ty lớn về sản xuất phần cứng ‒ những nơi chỉ tập trung phát triển các chương trình ứng dụng cho máy tính lớn rồi sau đó mới tìm cách đưa chúng vào máy tính nhỏ hơn ‒ đề xuất. Họ không tập trung vào những gì mà khách hàng của Microsoft cần, như cách để máy tính trở nên thân thiện với người sử dụng hơn. Myhrvold đã viết: “Cách duy nhất để tiếp cận với các loại công nghệ chiến lược là phải tự mình tạo ra nó.” Ông cho biết thêm Microsoft đã phải mất 15 năm để đạt được giá trị là 200 tỷ đô -la trên thị trường chứng khoán. Mức tăng trưởng này chứng minh “Sức mạnh của công nghệ. Công nghệ tương lai có thể giúp chúng ta nhân đôi con số đó, nhưng cũng có thể đưa chúng ta quay lại vạch xuất phát. Thật điên rồ nếu chúng ta không tham gia.”
Bill Gates và hội đồng quản trị của Microsoft đã thống nhất thành lập trung tâm nghiên cứu ngay trong năm đó. Kế hoạch ban đầu là trong vòng 5 năm sẽ tăng số chuyên gia nghiên cứu của trung tâm lên 100 người. Đến năm 1997, sau 5 năm thực hiện, MSR vượt kế hoạch đã đặt ra và mở thêm một chi nhánh vệ tinh ở San Francisco. Myhrvold nghĩ ngay tới việc mở rộng tổ chức, ông đề ra mục tiêu mới là đến năm 2000 nhân sự của MSR sẽ tăng lên 600 nhà nghiên cứu. Trong cuốn sổ ghi nhớ năm 1991, Myhrvold có đưa ra ý kiến rằng trong tương lai, Microsoft cần thành lập thêm trung tâm nghiên cứu ở châu Âu và châu Á, cụ thể là ở Trung Quốc. Nhưng phải đến sáu năm sau, ý tưởng về trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc mới trở thành hiện thực. Ông thuật lại: “Tôi thật sự không nhớ mình có viết điều đó trong cuốn sổ ghi nhớ đấy!”
Myhrvold giải thích nhận định trước đây của ông: “Trong công việc nghiên cứu, nguyên liệu thô quan trọng nhất là những con người tài năng, hay chính xác hơn là nhân tài đã qua đào tạo. Nếu anh không có được những con người như thế, mọi thứ đều là con số không. Và thực tế là anh không thể thu hút được tất cả nhân tài về cùng một nơi. Vậy phải làm sao? Nếu không thể tập hợp tất cả về Redmond, anh sẽ phải tìm đến với họ thôi.”
Ngoài nước Mỹ, người ta còn có thể tìm kiếm nhân tài công nghệ thông tin ở hai nơi nữa là châu Âu và châu Á – Đó là lý do vì sao ông đã nhắc đến hai châu lục này trong bản tuyên bố tầm nhìn ban đầu. Năm 1997, Microsoft đã thành công trong công cuộc chinh phục châu Âu khi thành lập Trung tâm Nghiên cứu tại Cambridge nằm trong Đại học Cambridge, nước Anh. Mở thêm một chi nhánh nghiên cứu ở châu Âu dễ dàng hơn nhiều so với châu Á. Nền văn hóa châu Âu có nhiều nét tương đồng với văn hóa Mỹ, việc đi lại cũng thuận tiện hơn, công dân Mỹ sang châu Âu được miễn thị thực và không vấp phải rào cản về ngôn ngữ. Tuy nhiên, Myhrvold nhận thấy về lâu dài, vị trí của châu Á sẽ quan trọng hơn. Ông nhận định: “Nếu nhìn vào 10 năm tới, anh sẽ thấy không nơi nào trên thế giới tăng trưởng mạnh như ở châu Á, chẳng hạn như về số lượng tiến sĩ khoa học công nghệ thông tin.”
Ở châu Á, một số quốc gia có vẻ rất hứa hẹn như: Singapore, Malaysia và Nhật Bản. Một số tập đoàn của Mỹ như IBM hay Hewlett-Packard đều có trung tâm nghiên cứu ở Nhật Bản. Nhưng theo Myhrvold “Trung Quốc dường như mới là nơi mà ta cần đến”. Thứ nhất, chưa có một tập đoàn nào của Mỹ chính thức thành lập trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc dù nhiều công ty lớn, trong đó có IBM và Nortel đã mở các phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, các phòng thí nghiệm này đi theo hướng phát triển hơn là nghiên cứu. “Họ không thật sự nghiên cứu, họ chỉ làm ra vẻ như đang chuẩn bị đầu tư vào Trung Quốc. Tôi không cho là đã có công ty nào đó có trung tâm nghiên cứu thật sự ở Trung Quốc.”
Quan điểm của Myhrvold về Trung Quốc tương đối mới mẻ. Phần lớn các công ty phương Tây chỉ quan tâm tới đất nước này với tư cách là một thị trường khổng lồ mới nổi, có nguồn nhân công rẻ – bằng chứng là việc cung ứng sản xuất và gần đây nhất là việc sản xuất phần mềm. “Chúng tôi đến Trung Quốc không phải để bán hạ giá sản phẩm tìm kiếm nguồn nhân công rẻ mạt. Chúng tôi đến Trung Quốc là để nghiên cứu công nghệ thông tin.” Myhrvold còn lưu ý rằng nếu tính về số kỹ sư công nghệ thông tin sắp tốt nghiệp, không một quốc gia nào có thể là đối thủ của Trung Quốc. Ông nói:”Chúng tôi hy vọng rằng nếu có thể tiến hành những nghiên cứu lớn ở Trung Quốc và mang đến cho đất nước này những nhà khoa học máy tính trẻ tuổi, bởi nhân lực dường như là điều quan trọng nhất mà họ có và những cơ hội nghiên cứu lớn, chúng ta sẽ xây dựng được một trung tâm mà sau này sẽ được biết đến như một trong những trung tâm nghiên cứu lớn nhất Trung Quốc – giống như Trung tâm Nghiên cứu Bell Labs của Trung Quốc.”
Ngoài ra, Myhrvold còn cho rằng mở một trung tâm nghiên cứu có thể là cách tiếp cận hiệu quả nhất thị trường Trung Quốc trong tương lai. Rất nhiều chức năng làm nên một phần mềm ứng dụng thành công ở Trung Quốc – như nhập dữ liệu bằng giọng nói và giao diện mới để nhập những ký tự phức tạp vào máy – đã được người Trung Quốc xử lý rất tốt. Còn cách nào để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng Trung Quốc hiệu quả hơn là sản xuất sản phẩm đó ngay tại Trung Quốc?
Hàng trăm vấn đề xuất hiện khi một trung tâm nghiên cứu được thành lập, ví dụ như những khác biệt quá lớn về ngôn ngữ và văn hóa đã dẫn đến khó khăn trong giao tiếp. Nhưng Myhrvold đã tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó. Trong ngành sản xuất phần mềm, để kiểm tra kỹ lưỡng và kết hợp các chuỗi mã (mà ứng với mỗi chức năng sẽ có một chuỗi mã khác nhau) thành những sản phẩm hoàn thiện, bạn phải phối hợp rất chặt chẽ với các bộ phận khác, vì vậy việc thành lập các bộ phận chức năng cách quá xa trụ sở chính sẽ là một vấn đề nan giải. Còn trong nghiên cứu, hoạt động truyền thông không cần chặt chẽ đến vậy. “Về cơ bản, bạn sẽ nói với mọi người: ‘Xem này, tôi sẽ không quản lý bạn hoàn toàn, bạn sẽ được theo đuổi giấc mơ của mình.’”
Nói tóm lại, Trung Quốc là mảnh đất tiềm năng. Myhrvold khẳng định: “Nếu bạn đang tìm kiếm một nơi có số lượng tiến sĩ tin học tăng nhanh, thì đó chính là Trung Quốc. Vì vậy, nếu bạn muốn theo kịp xu thế hiện thời, điều quan trọng nhất là phải hiểu được truyền thống lâu đời của Trung Quốc để tuyển dụng nhân tài ở đây. Có được họ trong đội ngũ sản xuất đó sẽ là điều tuyệt vời nhất nếu xét về lâu dài.”
Lúc đó, toàn bộ ý kiến về việc thuê sản xuất và mối lo về việc Trung Quốc có bắt tay với Mỹ trên phương diện công nghệ thông tin hay không vẫn chưa thật sự rõ ràng. Nhưng thậm chí đến lúc này, Myhrvold vẫn không hề hối tiếc về quan điểm của mình. Ông nói: “Mọi quốc gia đều phải quan tâm đến tính cạnh tranh, nhưng điều bạn cần lo lắng về tính cạnh tranh của mình là: Tôi đã đầu tư đủ chưa? Việc lo lắng về một đối thủ nào đó quả thực là một sai lầm.”
Cuối năm 1997, ông trình báo cáo về những vấn đề ở Trung Quốc lên Gates và hội đồng quản trị. Ông nhớ lại: “Bill rất thích thú về điều này. Đây là điều tuyệt vời nhất khi tôi còn làm việc ở Microsoft, Bill luôn khuyến khích và thấu hiểu giá trị của đầu tư dài hạn. Và thế là chúng tôi quyết định làm.”
Ngay cả khi Myhrvold và các giám đốc khác còn đang tranh luận nên đặt trung tâm nghiên cứu ở đâu, thì ưu tiên hàng đầu vẫn là tìm một giám đốc. Thực tế đã cho thấy thành công của các tổ chức nghiên cứu đều phụ thuộc vào việc họ có tìm được một người lãnh đạo có tài hay không. Myhrvold cùng Gorden Bell – cha đẻ của máy tính mini và là thành viên thuộc ban cố vấn của Microsoft – đã chọn giám đốc thứ nhất của trung tâm nghiên cứu là Rick Rashid, một chuyên gia nghiên cứu nổi tiếng về công nghệ thông tin thuộc Đại học Carnegie Mellon (CMU), người đứng đầu dự án hệ điều hành cao cấp Mach (về sau, Mach trở thành nền tảng phát triển hệ điều hành Macintosh OS X của Apple). Sau đó, Rashid và Myhrvold đã cùng nhau tìm kiếm người giỏi nhất để điều hành những công việc then chốt của Trung tâm.
Trong số những nhân viên được tuyển dụng đầu tiên của MSR có Bell và một nhóm từng là nhân viên cũ của Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto nổi tiếng của Xeros, gồm Chuck Thacker – người từng đoạt giải Draper, đồng sáng lập mạng Ethernet− Gary Starkwearther nhân vật tiên phong về máy in laser; Charles Simonyi − người sáng tạo ra chương trình xử lý văn bản WYSIWYG (“what you see is what you get”); và Butler Lampson người đoạt giải Turing Award – giải thưởng tương đương với giải Nobel trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cùng gia nhập Trung tâm Nghiên cứu trong những ngày đầu tiên còn có Linda Stone – chuyên gia hàng đầu về phương tiện truyền thông đa phương tiện của Apple; Jim Gray – cố vấn uy tín về cơ sở dữ liệu và Alvy Ray Smith – huyền thoại về đồ họa máy tính, người sáng lập studio cho phim hoạt hình Pixar, studio này cũng nổi tiếng với bộ phim Toy Story (Câu chuyện đồ chơi). Những nhân vật chủ chốt khác đến từ trung tâm nghiên cứu nổi tiếng của IBM là bộ ba chuyên gia về chương trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên và Dan Ling − giám đốc nghiên cứu trẻ, chuyên gia hàng đầu của IBM trong rất nhiều lĩnh vực, từ dữ liệu trực quan cho đến kết cấu của các máy trạm và là người đồng phát minh bộ nhớ RAM cho video. Ông từng sống cùng Rashid khi học ở Đại học Standford, nhanh chóng trở thành giám đốc nghiên cứu của Microsoft khi Rashid trở về tổng công ty làm phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu của tập đoàn.
Điểm đặc biệt tại tổ chức nghiên cứu này là những chuyên gia hàng đầu trong giới công nghệ thông tin chiếm tới một phần ba quân số của Trung tâm. Một phần ba là nhà nghiên cứu hạng trung, phần còn lại là những tài năng mới nổi từ các trường đại học. Myhrvold, Rashid và Ling muốn mọi điều kiện ở trung tâm nghiên cứu mới tại Trung Quốc không thua kém bất cứ gì so với các trung tâm nghiên cứu khác, mà đầu tiên và cũng quan trọng nhất là tìm được một giám đốc thích hợp. Đối với những người sáng lập, họ hình dung ra một người nói tiếng Trung, có thể hiểu được phong tục tập quán của Trung Quốc và có thể là nhân tố kết nối với chính phủ và giới hàn lâm – nguồn nhân lực mà Microsoft đang cố gắng nắm bắt. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Myhrvold cho biết: “Chúng tôi muốn tìm được một người có thể đối đầu với những thách thức khi thành lập một trung tâm nghiên cứu hoàn toàn mới, một người hiểu rõ công tác nghiên cứu, một người có khả năng tạo nên một trung tâm nghiên cứu thành công ngay tại đây và phải sẵn sàng sống và làm việc tại đây, ngay trên đất nước Trung Quốc này.” Sống và làm việc tại Trung Quốc, đặc biệt là vào lúc đó, là một vấn đề lớn và như Myhrvold nói: “Đó là một thử thách.”
Trong những tháng đầu năm 1998, cái tên của Kai- Fu Lee được nhắc đến. Myhrvold không nhớ chính xác ai đã giới thiệu Lee, nhưng đó không phải là vấn đề. Ngay khi tên của Lee được nêu ra, mọi người đều trở nên sôi nổi. Myhrvold nhớ lại: “Chúng tôi biết Lee đã lâu và ông là mẫu người thích hợp với mọi dự án của công ty.”
Ngay khi biết đến Kai-Fu Lee, Myhrvold và Rashid đã nhận ra rằng Lee là lựa chọn tốt nhất để bắt đầu trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc − một nhân vật rất nổi tiếng ở Thung lũng Silicon. Nhỏ người, có khuôn mặt rất trẻ và lập gia đình từ năm 21 tuổi, Kai-Fu Lee còn nói đùa rằng trong ảnh cưới trông ông như mới 12 tuổi. Lee bắt đầu nổi tiếng khi học tại Đại học Canergie Mellon, ngôi trường mà Rashid từng theo học, với phương pháp nhận biết giọng nói. Sau này, ông làm việc cho Apple, giúp vị Chủ tịch hội đồng quản trị lúc đó là John Sculley chuyển hướng hoạt động của công ty sang lĩnh vực phát triển phần mềm nhận biết giọng nói. Về sau, Lee gia nhập Công ty Đồ họa Silicon, còn được gọi là SGI. Công ty này đã trở thành một trong những công ty công nghệ triển vọng nhất Thung lũng Silicon, nhưng không bao lâu sau khi Lee đến, thời đại hoàng kim của nó cũng sụp đổ. Đầu năm 1998, Lee tìm được người mua công ty, ông quyết định ra đi, không tiếp tục làm dưới quyền của người chủ mới. Mặc dù tiếng tăm của cá nhân ông không hề bị ảnh hưởng, nhưng Lee cũng lo lắng rằng ông có thể thất bại và ở độ tuổi 37, ông quyết định tìm kiếm một cơ hội khác để khẳng định mình. Đó chính là khoảng thời gian Myhrvold và Rashid tìm đến ông.
Trong cuộc nói chuyện với Lee, mọi chuyện nhanh chóng trở nên rõ ràng. Lee sinh năm 1961, tại Đài Loan và được gửi đến Mỹ học khi mới 11 tuổi. Hồi đó, Lee sống với người anh trai làm việc ở Phòng Nghiên cứu Quốc gia Oak Ridge, tại thành phố Oak Ridge, Tennessee. Ông nói đùa: “Ở Tennessee không có tiếng địa phương, vì ở đây, hơn một nửa số dân là người nhập cư.” Không một thông tin nào trong những thông tin trên được giới thiệu ngay từ đầu. Khi được hỏi về lý lịch, điều đầu tiên Lee nói đến là cha mẹ và những câu chuyện cảm động về họ.
Cha mẹ Lee đều là người Đại lục. Cha ông tên là Tien-Min Lee, một nhà lập pháp dưới chính quyền của Quốc dân đảng. Khi Chủ tịch Mao Trạch Đông lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa năm 1949, gia đình Lee chạy sang Đài Loan. Tại đây, Kai -Fu Lee đã được sinh ra.
Dưới chính quyền Đài Loan, cha của Lee lại làm công việc cũ với đồng lương ít ỏi. Ông nắm quyền hành rất thấp trong chính phủ, chủ yếu tập trung nghiên cứu và viết lách về những vấn đề khoa học chính trị. Ở tuổi 53, ông vẫn tiếp tục học tiếng Anh và học gần một năm ở các trường đại học thuộc Stanford và Harvard, Mỹ. Sau khi trở lại Đài Loan, ông dành trọn thời gian còn lại để viết sách báo và giảng dạy (ông là giảng viên môn khoa học chính trị của Đại học Chính trị Quốc gia). Tien- Min Lee luôn hy vọng đất nước sẽ hợp nhất. Anh cả của Lee là Khải Lâm cũng tới Mỹ học và sau đó trở thành nhà sinh hóa học thuộc Viện Nghiên cứu Oak Ridge. Khi Lee 10 tuổi, Khải Lâm trở lại Đài Loan. Lee kể lại: “Anh ấy đã rất ngạc nhiên khi thấy kiểu học khủng khiếp ở đây − học thuộc văn cổ và các công thức toán học. Anh ấy đề nghị đưa tôi sang Mỹ học và sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc tôi cẩn thận. Mẹ tôi đồng ý. Sau khi học xong tiểu học, tôi sang Mỹ sống với anh trai và gia đình anh ấy. Mỗi năm, mẹ tôi lại sang đó sống cùng trong nửa năm.”
Hồi mới sang Mỹ, Lee không hề biết một chút tiếng Anh. Tuy nhiên, dù phải đối mặt với những khó khăn cùng rào cản ngôn ngữ, Lee vẫn đứng thứ chín trong số 500 học sinh ở trường trung học và được nhận vào Đại học Columbia năm 1979. Hồi đó, Lee định học môn khoa học chính trị theo nghề của cha. Tuy nhiên, sau một năm, ông thật sự yêu thích máy tính và thay đổi ngành học của mình. Ông đã tìm tòi nghiên cứu mọi thứ về lĩnh vực này. Hồi đó vẫn là thời của Fortran, nhưng Pascal – một ngôn ngữ lập trình mới cũng bắt đầu được dạy ở trường. Ông xuất sắc về cả hai thứ ngôn ngữ đó, ông đã được Đại học Carnegle Mellon (CMU) nhận. Lee nhớ lại cảm giác thân thuộc khi ở Pittsburgh: “Tôi đã rất ngạc nhiên về những công nghệ hiện đại và ở đó lại có rất nhiều người giống tôi.” Máy bán nước ngọt tự động được kết nối với mạng máy tính nội bộ, nhờ vậy, sinh viên có thể nhấn vào nút để kiểm tra số nước ngọt còn lại giúp đỡ tốn thời gian chờ đợi ở nhà ăn.
Tại Đại học Carnergie Mellon, người hướng dẫn Lee là Raj Reddy, một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực robot học và nhận biết giọng nói. Một hôm, Reddy yêu cầu Lee sử dụng một phương pháp để xây dựng hệ thống nhận biết giọng nói, đây sẽ là nội dung cơ bản trong luận văn tiến sĩ của ông. Lee nghiên cứu, sau đó trở lại và nói rằng ông muốn dùng một phương pháp khác dựa trên cơ sở dữ liệu và kiến thức về máy móc. Dù không đồng tình, Reddy vẫn hứa sẽ nhiệt tình giúp đỡ Lee và ông đã làm đúng như vậy. Lee rút ra một bài học: Khi quản lý con người, bạn luôn phải đầu tư để khuyến khích tài năng của họ.
Bài luận văn khiến Lee trở nên nổi tiếng. Lee nhớ lại: “Nếu đọc bài luận văn của tôi, bạn sẽ thấy tôi không đưa ra lý thuyết nào hoàn toàn mới. Nó giống như một bài viết, trong đó mọi người đã dùng hết các số liệu mà bạn có thể đưa vào.” Phương pháp của Lee đã giúp các diễn giả độc lập trong bài diễn thuyết dài, có nghĩa là những phương tiện nhận biết không cần thiết phải được hướng dẫn riêng cho từng cá thể và họ có thể nắm bắt được những lời nói đặc biệt ở tốc độ bình thường. Hệ phương pháp này có thể tạo cơ sở cho hầu hết những phương tiện nhận biết giọng nói hàng đầu hiện nay, mặc dù cho đến thời điểm này, chỉ còn rất ít người dùng sản phẩm của Lee.
Reddy khiến Lee ngạc nhiên khi hỏi ông có muốn ở lại trường làm trợ giảng không. Lee đã đồng ý. Nhưng chỉ sau hai năm, ông cảm thấy chán ngấy với môi trường đại học – quyên tiền, tìm kiếm sinh viên xuất sắc, phục vụ cho ban giám hiệu – và ông chỉ còn lại rất ít thời gian dành cho nghiên cứu. Một ngày cuối năm 1989, có hai nhà thương thuyết từ Apple gọi cho ông. Một là David Nagel, sau này là giám đốc điều hành PalmSource − công ty sản xuất hệ điều hành với nhiều trợ lý về kỹ thuật số cá nhân, trong đó có các cố vấn của Palm. Người kia là Hugh Martin, nhà quản lý được nhiều người ở Thung lũng Sillicon biết đến, gần đây nhất, ông là Chủ tịch hội đồng quản trị của Nanofluidics (công nghệ lỏng siêu vi) − một người khởi đầu sự nghiệp từ công nghệ gen ở Menlo Park, California. Họ đã giảng giải về việc Apple đang muốn kết hợp công nghệ nhận biết lời nói vào máy tính của họ và mong rằng Lee sẽ giúp họ lãnh đạo trong việc này. Lee kể lại: “Hugh đã trải ra cho tôi một viễn cảnh tương lai bằng bài diễn thuyết ngọt như đường, giống như Steve Jobs đã nói với John Sculley.” Đây là một truyền thuyết tại Thung lũng Silicon. Sculley là giám đốc điều hành hãng nước ngọt Pepsi khi Steve Jobs mời ông về làm giám đốc điều hành cho Apple cuối những năm 1980. Nổi tiếng với uy tín và tài thuyết phục, Jobs đã đến New York gặp Sculley và bắt đầu bằng một câu hỏi: “Anh muốn suốt đời bán nước đường, hay anh muốn tới Apple và thay đổi cả thế giới?” Còn Lee lại nhận được một câu giống như vậy nhưng được biến tấu đi đôi chút: “Anh muốn suốt đời bị nhốt trong trường đại học, suốt đời gây quỹ, hay muốn thay đổi tác động của máy vi tính đối với con người bằng cách biến dự án về nhận biết giọng nói thành sự thật?” Và Lee đã đồng ý.
Ở Apple thật vui nhộn. Năm 1992, Lee đã gây chú ý khi xuất hiện trên tờ Good Morning America (Xin chào nước Mỹ), do John Sculley và đội ngũ nhân viên marketing của Apple phát hành, mục đích là giới thiệu phần mềm nhận biết giọng nói đầu tiên của Lee trong hai năm phát triển của ông. Buổi trưng bày gồm có đơn đặt hàng máy tính và có thêm phụ lục cấm các loại máy quay phim, ngoại trừ máy quay truyền hình. Nếu có bất cứ điều gì không rõ ràng, ví dụ bạn muốn hẹn gặp “John”, hay bạn muốn gặp trong bao lâu, thì máy tính sẽ nói chuyện với bạn và hỏi chi tiết hơn. Sculley, Lee và nhà đồng tổ chức buổi giới thiệu Joan London đều đã thử kiểm tra chiếc máy đó. Lee bảo rằng, London cảm thấy chắc chắn là chiếc máy ấy giống như thật – như thể có ai đó đang ngồi phía sau màn hình và điều khiển mọi thứ. Nhưng đó là thật, sản phẩm ấy có thật! Và tin tức lan truyền rằng Apple tạo ra được sản phẩm nhận biết giọng nói, cổ phiếu của công ty đã tăng 2 đô-la mỗi đơn vị.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu sản phẩm nhận biết giọng nói chưa được hoàn chỉnh và Lee cũng hiểu điều đó. Ông nói: “John đã không thổi phồng nó lên, nhưng khi xem sản phẩm trưng bày, người ta có thể tưởng tượng và cho rằng nó có giá trị cao hơn giá trị thực”. Cuối cùng, Apple cũng lắp đặt sản phẩm nhận biết giọng nói, nhưng nó không được sử dụng rộng rãi lắm.
Sau đó, Lee đã tìm ra một sản phẩm khác tốt hơn – QuickTime, một phần mềm đa phương tiện làm cơ sở cho rất nhiều ứng dụng và sản phẩm thành công, trong đó phải kể đến sự xuất hiện iPod của hãng Apple sau đó hơn một thập kỷ. Nhưng Apple lại rất chật vật khi thị phần máy tính của họ đột ngột bị mất. Hàng trăm công nhân mất việc làm. Steve Jobs vì một số lý do cũng buộc phải ra đi và bán tất cả cổ phần của mình. Bản thân Sculley từng là niềm mơ ước của Thung lũng Silicon, cũng phải rời khỏi công ty.
Nhưng Lee thì không phải ra đi. Ông thừa nhận: “Khi John ra đi, tôi thật sự không thể trở thành người kế thừa xứng đáng, chính vì vậy, tôi rời Apple và đến SGI”. Lee đã hoàn thành được hai việc cho Silicon Graphics: thành lập một đơn vị Web server với mục tiêu tận dụng sự tăng nhanh của số người sử dụng Internet; và là người đi tiên phong trong phần mềm đồ họa 3D cho Internet, dưới vai trò của công ty chi nhánh Cosmo thuộc tập đoàn. Lee nhớ lại: “Hồi ấy, chúng tôi đã hoàn thành một việc tuyệt vời – tăng giá trị kinh doanh từ 100 đến 200 triệu đô-la. Sau đó, công việc của chúng tôi lại trở nên tồi tệ. Chúng tôi như bị thôi miên vào các lĩnh vực công nghệ giải trí. Và không để ý nhiều đến loại sản phẩm hữu dụng.” Thêm một bài học mà Lee không bao giờ quên. Nhiều năm sau, trong loạt bài giảng tại MIT, ông đưa ra những lời khuyên cho sinh viên để họ có thể hiểu được giá trị của thế hệ nối tiếp. “Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là: Vấn đề không phải là đổi mới, mà là phải đổi mới làm sao cho thật hữu ích.”
Lee được giao nhiệm vụ bán Cosmo không lâu trước khi nó được rao bán. Năm 1998, Lee đã bỏ qua một hợp đồng với hãng phần mềm Platinum và tìm kiếm một công việc mới. Đúng lúc đó thì Microsoft đến mời ông. Lúc đó, Intel cũng mời ông với cùng một lý do là mở một trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc. Lee đã nói chuyện rất nhiều với Giám đốc điều hành Craig Barrett và Phó chủ tịch tập đoàn Albert Yu, một trong những người sáng lập công ty.
“Tôi thật sự rất thích Intel, nhưng lại nghĩ rằng nó không hợp về văn hóa. Apple và SGI còn rất trẻ, rất mới, tôi có thể đến đó và làm bất cứ điều gì. Còn Intel thì đã hoạt động rất lâu, lớn hơn và quản lý cũng thuần thục hơn. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ đồng ý làm việc với họ nếu như tôi không có một lựa chọn khác: bạn bè của tôi ở Microsoft.”
Chỉ cần một cuộc gọi từ Hsiao -Wuen Hon, mọi thứ đã đổi theo chiều hướng khác. Hon đến CMU làm luận án tiến sĩ khi Lee vừa nhận được bằng tiến sĩ, ở đó ông đã giúp Lee làm luận văn về sản phẩm nhận biết giọng nói. Ông đã cùng Lee đến Apple nhưng sau đó ông chuyển sang Microsoft không lâu trước khi Lee chuyển đến Silicon Graphics. Ông và Lee luôn là bạn thân, vợ của họ cũng vậy. Hai người ngồi nói chuyện phiếm với nhau và Hon hỏi bạn mình về các kế hoạch trong tương lai.
“Ừ, thì tôi đang có ý định làm việc ở Intel – sang Trung Quốc làm thì hơi có vẻ điên khùng.”
Hsiao-Wuen Hon đã biết về kế hoạch của Microsoft là mở trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh, nhưng không biết đây chính là lúc đó. Thay vào đó, ông nói: “Ồ không, cậu nên nói điều này với chúng tôi trước. Để tôi kiểm tra xem. Có một số việc rất thú vị.”
Cuộc gọi tiếp theo của Xuedong Huang − người giám sát của Hsiao-Wuen Hon trong nhóm diễn thuyết − giới thiệu về việc kết hợp nhận biết giọng nói vào các sản phẩm của Microsoft. Hồi đến thăm các nhà nghiên cứu tại CMU, ông có vào làm việc cùng Lee, tham gia vào đó sau khi Lee rời Apple.
“Tôi đang nghĩ đến việc sẽ làm cho Intel” − Lee nói với Huang.
Nhưng bạn ông lại phản đối: “Không được, hãy làm việc với chúng tôi, hãy nói chuyện với Dan Ling, Rick Rashid và Nathan, hãy xem chúng tôi đang làm gì. Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng một trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh.”
Đối với Lee, thế là đủ. Ông quả quyết: “Tôi đồng ý!”
Đó là mùa xuân năm 1998. Lee rất ngạc nhiên. “Tôi thấy điểm tương đồng hoàn hảo giữa lý thuyết ở trường đại học và thực hành trong ngành công nghiệp. Tôi đã không bao giờ nghĩ là điều này tồn tại… Tất cả những con người thông minh này đã cho tôi thấy điều đó.”
Microsoft rất hài lòng khi có được ông. Rashid hứa hẹn với Lee: “Nếu anh có thể cộng tác với chúng tôi, chúng ta sẽ xây dựng được một trung tâm nghiên cứu to lớn hơn và tốt đẹp hơn ở Trung Quốc.”
“Lớn đến mức nào? Tốt ra làm sao?” Lee thẳng thắn. Bản kế hoạch thành lập trung tâm nghiên cứu ban đầu của Rashid chỉ tính đến 10 người. Lee đã nhấn mạnh ông rất thích khuếch trương tầm ảnh hưởng của trung tâm nghiên cứu, do đó, Rashid biết rằng nếu ông nói chỉ có 10 nhân viên ở Trung Quốc, chắc chắn Lee sẽ từ chối điều hành công việc ở đây.
Rashid tránh trả lời trực tiếp: “Cũng như ở Cambridge thôi.” Trung tâm nghiên cứu ở Cambridge (Anh), được thành lập năm trước và Microsoft đã cam kết sẽ đầu tư 80 triệu đô-la Mỹ trong vòng 5 năm tới – và cũng trong 5 năm đó, sẽ tăng số nhân viên trung tâm nghiên cứu lên đến 100 người.
“Công việc chính sẽ là gì?” Lee hỏi.
“Tìm kiếm những nhân viên tài giỏi, tạo ra những sản phẩm tuyệt vời.” “Trong lĩnh vực nào?”
“Trong bất cứ lĩnh vực nào mà những con người tài giỏi đó muốn làm, chỉ cần nó liên quan đến hoạt động của Microsoft trong vòng 5 đến 7 năm tới.”
“Ông muốn tiết kiệm như thế nào, so với mức lương trả cho các nhân viên ở Redmond?”
“Chúng tôi không chọn Trung Quốc để tiết kiệm tiền. Hãy làm tất cả những gì ông cần để giữ họ lại.”
“Điều đó quá tuyệt vời để trở thành sự thật.” Lee nghĩ. Nhưng điều đó lại đúng là sự thật.
Trong thâm tâm, lúc nào Lee cũng cảm thấy mình là kẻ thất bại ở cả Apple và Silicon Graghics. Tuy nhiên, ông vẫn nghĩ: “Điều chủ yếu dẫn đến thất bại ở Apple và Silicon Graphics là làm việc chăm chỉ mà không mang lại kết quả gì – Và cuối cùng là thất bại khi công ty gặp phải khó khăn.” Ông rất vui khi làm việc cho Bill Gates, người mà ông luôn thần tượng và coi là bậc thiên tài về cả công nghệ thông tin và kinh doanh. Ông cũng ngưỡng mộ Bill bởi sự trầm tĩnh và tính kiên nhẫn cần thiết để tìm ra ý tưởng hay trong những thời khắc khó khăn nhất.
Nhưng đó chỉ là một phần lý do khiến ông chính thức chấp nhận lời mời của Microsoft vào tháng 6 năm 1998. Còn một nhân tố nữa, đó là nỗi ám ảnh về người cha quá cố. Kể về cha, giọng ông tràn đầy cảm xúc: “Trái tim cha tôi luôn hướng về Trung Quốc.” Năm 1995, khi Tien-Min Lee nhắm mắt, ông đã viết cuốn sách về sự thống nhất đất nước: The Hope of China (Niềm hy vọng của Trung Quốc) . Lee giải thích: “Cha tôi luôn cảm thấy Trung Quốc chưa thật sự phát triển đúng như tiềm năng của nó. Ông luôn muốn làm một điều gì đó cho đất nước mình. Chính vì tình yêu vô bờ của ông với Trung Quốc mà tôi muốn nhận công việc này, để cảm nhận được rõ ràng hơn tình yêu của ông.”
Đúng vào thời điểm Kai- Fu Lee về làm việc cho Microsoft, một cuộc tranh luận đã nổ ra về phương pháp và địa điểm xây dựng Microsoft. Có hai địa điểm – hai lựa chọn hợp lý nhất – Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Bắc Kinh là trung tâm hành chính của Trung Quốc; còn Thượng Hải phát triển nhanh hơn, trẻ hơn, là trung tâm của sự thay đổi và định hướng mới, đây cũng là thành phố của kinh doanh và thương mại. Ở châu Âu, Microsoft đã quyết định đặt trụ sở trung tâm nghiên cứu gần trường Đại học Cambridge. Vậy trường đại học nào mà Microsoft muốn “gần” nhất ở Trung Quốc? Theo Nathan Myhrvold mô tả: “Ở Trung Quốc cũng như ở Mỹ đều có rất nhiều lựa chọn. Nó giống như việc phải quyết định chọn lựa giữa Thung lũng Silicon hay Route 128 gần Boston, hay việc tôi nên thân thiện với MIT, Stanford hay Harvard?” Có rất nhiều nhà tư vấn cho rằng việc kinh doanh ở Trung Quốc sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Myhrvold nói: “Những thứ mà mọi người nói với chúng tôi là vấn đề toàn cảnh. Mà ở đó, toàn bộ lực lượng nòng cốt là các chuyên gia, các nhà tư vấn từ khắp nơi trên thế giới, những người ham mê nghiên cứu Trung Quốc. Nhưng tôi không nghĩ ai đó có thể hiểu được vấn đề.”
Lee đã giải quyết vấn đề của cuộc tranh luận. Nếu bạn đến thăm MSR Châu Á vài năm sau đó và phân vân không biết vì sao trung tâm nghiên cứu này được đặt ở Bắc Kinh chứ không phải Thượng Hải, thì mọi người đều cười và nói: “Anh hãy hỏi Kai-Fu. Ông ấy sẽ kể một câu chuyện thú vị.” Lee giả vờ ngây thơ, rồi sau đó cũng đồng ý: “Được thôi. Nếu anh cứ nài nỉ, thì đó là một câu chuyện đùa. Mẹ tôi từng sống ở cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Tôi bảo mẹ là tôi đang chuẩn bị chấp nhận một lời mời làm việc, hoặc ở Bắc Kinh, hoặc ở Thượng Hải và bà nói: ‘Ôi, Thượng Hải là thành phố đẹp nhất mẹ từng đến. Mẹ đã lớn lên ở đó, thức ăn ngon tuyệt, thời tiết lại rất đẹp. Bắc Kinh là một nơi kinh khủng, lạnh, bão cát, chỉ toàn đạo lý và luật lệ. Nếu con đến Thượng Hải, mẹ sẽ đến đó và sống với con; nếu con đến Bắc Kinh, mẹ sẽ ở lại Đài Loan.’ Tôi đã hỏi ý kiến vợ tôi và cô ấy nói: ‘Thế thì chắc chắn chúng ta sẽ đến Bắc Kinh!’”
Lee nói tiếp: “Đó chỉ là chuyện đùa thôi, một chuyện hay, nên tôi kể cho anh nghe. Cái chính là tôi đã đến thăm cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Tôi đã đến thăm các trường đại học ở hai thành phố này và có một vài buổi nói chuyện.” Ông cho biết thêm: “Từ những chuyến đi này, đặc biệt là từ những câu hỏi mà sinh viên dành cho tôi, tôi rút ra kết luận, sinh viên ở Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn đến công việc nghiên cứu trong tương lai. Ở Thượng Hải, họ lại quan tâm nhiều tới những thứ như bao giờ thì có thể kiếm tiền nhờ công nghệ thông tin và làm sao để kiếm được việc làm.”
Ngoài ra, Bắc Kinh còn là nơi tập trung nhiều trường học hàng đầu Trung Quốc, đáng chú ý hơn cả là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, hai học viện hàng đầu về khoa học và công nghệ ở Trung Quốc hiện nay. Điều này vô cùng quan trọng đối với tương lai của Viện – về cả mặt tuyển dụng và các hoạt động. Một vài học viện quan trọng của Viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc cũng được đặt tại Bắc Kinh, do đó, đặt trung tâm nghiên cứu tại Bắc Kinh có thể giúp ông có được những mối quan hệ đặc biệt. Lee nói: “Người ta thường nói rằng nếu bạn không muốn chính phủ chú ý tới bạn, thì hãy đi thật xa nơi đây, nhưng nếu muốn có sự chú ý, thì không nơi nào tốt hơn Bắc Kinh. Tôi chắc chắn những việc chúng tôi làm sẽ khiến họ tự hào và sẽ xây dựng hình ảnh đẹp cho Microsoft. Chính vì thế tôi chọn Bắc Kinh. Tôi nói với Rick điều này và ông ấy đồng tình.”
Trở lại California không lâu sau khi chấp nhận làm việc cho Microsoft, Lee nhận một tin “khá giật gân”. Shen-Ling, vợ ông, thông báo có người đã gọi điện thoại cho ông liên tục trong thời gian ông vắng nhà. Người đó hỏi bao giờ ông về và ông đang làm việc ở đâu. Bà nói Lee đang làm việc cho Microsoft ở Trung Quốc. Người đó lại hỏi: “Sao ông ấy lại đến Trung Quốc, sao ông ấy lại làm việc cho Microsoft?” và hỏi bà có cùng sang Trung Quốc không hay vẫn ở lại. Bà rất lo lắng về những câu hỏi riêng tư như vậy.
“Thế tên ông ta là gì?” − Kai-Fu hỏi.
“Steve gì đó” − Shen-Ling trả lời.
“Steve nào nhỉ?” − Có hàng vạn người là Steve, có thể là ai đây!
“Steve Jobs” − bà nhớ lại.
“Steve Jobs! Không phải là ông ta đã trở lại Apple rồi chứ?” “Em không biết nữa. Em không biết gì về ông ta.”
Nhưng đó chính là người đồng sáng lập Apple, người vừa quay trở lại công ty và đang cố gắng cứu nó thoát khỏi bờ vực phá sản. Hai người chưa bao giờ gặp nhau, nhưng điều đó có nghĩa là Jobs biết rất nhiều về Lee. Và ông đoán đúng.
“Sao anh không trở lại Apple?”
“Nhưng chúng ta chưa bao giờ gặp nhau!”
“Điều đó không quan trọng. Các nhân viên cũ của anh đều nói rằng anh là một quản lý tốt và tôi nên mời Kai-Fu Lee trở lại.”
“Nhưng…”
“Đừng nói ‘Nhưng’. Hãy đến gặp tôi trước khi anh nhận lời làm việc cho Microsoft.” “Nhưng tôi đã chấp nhận làm việc cho Microsoft rồi.” “Thế thì tại sao anh tới Trung Quốc?”
“Tôi là một người Trung Quốc. Đây lại là một thị trường khổng lồ đầy hứa hẹn. Tôi có thể làm được rất nhiều điều cho Trung Quốc và tôi cũng có thể làm được rất nhiều điều cho Microsoft.”
“Dường như anh đã quyết định rồi.”
“Đúng vậy.”
Jobs đành chấp nhận thất bại và nói lời tạm biệt.
Khi Kai-Fu Lee đến Bắc Kinh vào tháng 7 năm 1998, văn phòng của Microsoft ở Bắc Kinh đã chuyển đến Trung tâm Sigma – cùng một tòa nhà với trung tâm nghiên cứu hiện nay. Có khoảng 4.500 doanh nghiệp điện tử và máy tính tập trung ở những phố lớn thuộc quận Hải Điện, chủ yếu là tập trung ở những khu phố rộng lớn hình chữ T. Tòa nhà trung tâm Sigma nằm phía sau một số con phố lớn từ nhánh chính của chữ T. Mặc dù các tập đoàn lớn và có tiếng đều có mặt ở khu vực này, cũng là nơi trú chân của những hoạt động lừa đảo. Lăng Chí Quân, một phóng viên nổi tiếng Trung Quốc lưu ý rằng Trung Quan Thôn có rất nhiều tên riêng cũng như những hoạt động có tiếng xấu. Ông viết: “Rất nhiều câu nói châm biếm lan truyền trong các xưởng công nghiệp ở Bắc Kinh; những câu nói đó được miêu tả như là ‘Trung Quan Thôn rắc rối’ và rằng ‘ở Trung Quan Thôn chỉ có dân buôn bán… Họ còn nói rằng ‘Đó không chỉ là một con phố đầy hàng điện tử mà còn là con phố của những kẻ bịp bợm’.”
Với những tấm kính màu xanh dương lấp lánh ốp bên ngoài, Trung tâm Sigma tượng trưng cho một ốc đảo của danh tiếng và sự êm đềm trong nhịp sống hiện đại hối hả, khác hẳn với những khu vực xung quanh. Mọi người gọi nó là “Lâu đài máy tính”. Nhiều công ty khác cũng thuê văn phòng ở đây, gồm có Mitsubishi ở tầng một, hãng máy tính Levono ở tầng hai, Hewlett – Packard ở tầng ba và bốn. Kế hoạch của Lee là thiết lập một trung tâm nghiên cứu ở một phần tầng năm, nhưng phải mất vài tháng nữa mới đi vào hoạt động được. Vì thế, ông đã lấy một văn phòng nằm trong khu văn phòng của Microsoft trên tầng sáu. Tổng giám đốc của Microsoft Trung Quốc là Juliet Shihong Wu, một phụ nữ năng động nhưng thích tranh cãi, sau này bà rời khỏi công ty do có những bất đồng nặng nề. Bà và những người khác trong phòng kinh doanh đều đón chào ông, nhưng Lee cảm thấy họ không nhận ra tầm quan trọng của những điều ông đang làm. Ông nói: “Họ chỉ nghĩ là có thêm một nhóm thực hiện sản phẩm sắp đến. Tốt thôi, hân hạnh đón tiếp.”
Đối với Trung tâm Nghiên cứu, điều quan trọng là hình ảnh của Microsoft ở Trung Quốc, vì thật sự nó vẫn chưa có sức hút. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, vị chủ tịch Tập đoàn Microsoft đã được đám đông sinh viên của trường Đại học Thanh Hoa chào đón nồng nhiệt. Một số người cho rằng chính điều đó đã thuyết phục ông có ý tưởng thành lập trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc, nhưng thực tế đó chỉ là một yếu tố bổ sung.
Ở Mỹ, một phiên tòa vừa được xử cách đó vài tháng, cáo buộc công ty có những hoạt động độc quyền. Tại Trung Quốc, khách hàng cho rằng sản phẩm của Microsoft có giá quá cao so với mặt bằng kinh tế nước này. Nathan Myhrvold kể lại một vụ scandal nhỏ trong khoảng một năm trước với sản phẩm Word bản tiếng Trung. Ông cho biết, các công ty con của Microsoft ở Trung Quốc đã thuê một công ty Đài Loan tùy chỉnh từ điển trong Word sao cho phù hợp hơn với người Trung Quốc, trong đó có dịch các thuật ngữ sang tiếng phổ thông và có ai đó đã cho thêm những định nghĩa “nhạy cảm về chính trị” vào một số từ. “Điều này đã bị phát hiện và cảnh sát vây xung quanh tòa nhà có công ty chi nhánh của Microsoft.”
Lúc ấy, Lee không hoàn toàn ý thức được vấn đề nhưng ông cũng biết là nên dừng công việc của mình lại. Chiến lược chính tạo nên thành công cho Trung tâm Nghiên cứu là nghệ thuật xây dựng mối quan hệ lâu dài dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, mà điều này không hẳn là điểm mạnh của Microsoft. Lee nói: “Một phần của việc thành công trong kinh doanh ở Trung Quốc được xem là do tính chân thành, luôn nỗ lực và lạc quan hướng tới những điều có ích. Không gì có thể thay thế được điều đó. Nếu bạn nhìn vào các công ty nước ngoài thành công ở Trung Quốc, bạn có thể thấy Coke thành công hơn nhiều so với Pepsi, Kodak thành công hơn Fuji, Volkswagen vượt qua Toyota. Không hẳn là do họ có sản phẩm tốt hơn, mà họ đã truyền tới chính phủ thông điệp: ‘Chúng tôi làm những việc có ích cho đất nước của các bạn. Khi tôi chứng minh được tôi chân thành, tôi hy vọng là bạn sẽ thiện cảm hơn với chúng tôi’.”
Lee mô tả tính đa nghi của người Trung Quốc đối với dân ngoại quốc do lịch sử từ xưa để lại. Ông không ngớt kể về những cuộc xâm lược của người châu Âu mà đáng chú ý nhất là vào giữa thế kỷ XIX khi nhà Thanh trị vì, các nước châu Âu đã mang thuốc phiện đến Trung Quốc: Lee nói: “Chính quyền lúc đó quá yếu ớt nên không thể chống đỡ lại. Người Anh đã tràn vào thành và giết rất nhiều, chúng còn đưa ra yêu sách bắt Trung Quốc phải tách đất cho các thế lực châu Âu. Đó là một điều sỉ nhục đối với người Trung Quốc và các cuộc nổi loạn đã nổ ra. Tám nước châu Âu xâm lược Trung Quốc và đốt cháy cung điện của Hoàng đế, hành động này đã xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự tôn của chúng tôi. Trung Quốc phải chia thêm đất, trả những khoản nợ khổng lồ. Vì vậy, hầu như tất cả người dân Trung Quốc đều cho rằng họ cần phải dè chừng khi giao du với người nước ngoài.”
Mặc dù đã dịu đi nhưng người dân vẫn mang nỗi ám ảnh này đối với các công ty nước ngoài. Vì vậy, cả chính phủ và các công ty Trung Quốc đều rất thận trọng khi thiết lập quan hệ với các công ty nước ngoài: “Chúng tôi chỉ đáp lại khi thấy được sự chân thành của các anh”. Trung Quốc có quyền làm điều đó vì thị trường khổng lồ của họ.”
Để bày tỏ sự chân thành và xây dựng niềm tin, Lee đã tìm mọi cách thu hút những kỹ sư người Trung Quốc có cùng tư tưởng đó. Triết lý của Microsoft khi xây dựng các trung tâm nghiên cứu ở Redmond cũng như ở Cambridge là thuê những nhà nghiên cứu hàng đầu và sau đó sẽ xây dựng một đội ngũ khác. Lee lại nghĩ theo cách khác: Những người giỏi sẽ thuê người giỏi, những người tầm thường chỉ mướn người tầm thường, ông muốn nhận vào đội ngũ của mình những người xuất sắc nhất.
Mọi thứ khởi đầu rất chậm chạp. Lee đến Bắc Kinh cùng Dan Ling – Giám đốc nghiên cứu của Microsoft, người nắm giữ hầu hết các khoản chi thường ngày của Trung tâm. Ling là người gốc Hoa, ông sinh ra ở Rome, lớn lên ở Mỹ và sử dụng thành thạo cả tiếng Anh, Ý. Ngoài ra, ông còn nói trôi chảy tiếng Thượng Hải, nhưng khi ông ở Bắc Kinh điều này hơi bất tiện, vì ở đây mọi người đều nói tiếng phổ thông.
Ling đã không về thăm Trung Quốc cho đến những năm 1990. Nhưng ông thật sự bị ấn tượng bởi nguồn nhân tài và năng lực tiềm tàng ở các trường đại học trên đất nước này. Ông nhớ lại: “Điều đó khiến tôi thấy rất vui. Trung Quốc là một nơi nhộn nhịp mà chúng tôi cần tham gia.”
Quay lại việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu vào giữa năm 1998, Ling cùng Lee đến thăm trường Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và các học viện khác ở Bắc Kinh: Trung Quan Thôn là nơi tập trung của 148 trung tâm nghiên cứu, mỗi năm đào tạo ra phần lớn số tiến sĩ công nghệ thông tin của cả nước. Tuy nhiên, bộ đôi này đã không được chào đón nhiệt liệt. Phóng viên Lăng Chí Quân đã viết: “Đó là một ngày giữa mùa hè. Cả hai đều ăn mặc rất chỉnh tề. Hiệu trưởng của các trường đại học Trung Quốc không phải là những kẻ khờ. Họ nhìn vào hai “người Mỹ da vàng” này và cố gắng đoán xem hai vị khách này đến với mục đích gì, vẻ mặt của họ thay đổi. Trạng thái biểu lộ qua ánh mắt của họ cũng thay đổi. Không hề ngạc nhiên. Nếu như bạn gọi là ’tìm kiếm nhân tài’, thì người Trung Quốc lại gọi đó là ‘cướp giật nhân tài’.”
Lee cũng không thành công lắm trong việc lôi kéo các nhà nghiên cứu người Trung Quốc ở Mỹ về nước cùng làm việc với ông. Rất nhiều chuyên gia người Trung Quốc cho rằng họ sẽ bị cơ cấu hành chính của Trung Quốc nuốt gọn hoặc thờ ơ không tiếp nhận. Những người khác thì chỉ thích cách sống ở Mỹ và không muốn trở về Trung Quốc vì với họ, điều đó giống như một thử thách gian khổ. Họ có nhiều tiền, nhiều bạn tốt và công việc tuyệt vời – vậy tại sao họ phải trở về và bắt đầu lại từ đầu?
Nhưng thật may mắn, Lee đã tìm được một nhóm người Trung Quốc mới nổi ở Mỹ – những người thật sự muốn trở về nước. Ông kể: “Họ yêu công nghệ thông tin, họ yêu cả đất nước Trung Quốc. Họ yêu nước Mỹ vì nước Mỹ cổ vũ cho sự sáng tạo và thay đổi. Họ yêu Trung Quốc vì đó là quê hương của họ. Hầu hết những người này làm việc về kỹ thuật phần mềm và mong chờ một ngày Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á ra đời. Chúng tôi đã đến đúng lúc, đúng nơi để có thể mời được những con người thật sự thích hợp cho môi trường nghiên cứu, để liên hệ với các trường đại học và tiến hành một chương trình marketing hoàn hảo. Những người này vốn rất chân thành; họ không đến làm việc với chúng tôi nếu như chỉ muốn giàu có mà không hề quan tâm đến đất nước, hay nếu họ muốn quên đi nguồn gốc của mình. Chính ước mơ muốn làm rạng danh đất nước đã khiến họ về đây làm việc với chúng tôi.”
Việc đưa một số chuyên gia của Microsoft về cũng giúp Trung tâm thoát khỏi khó khăn. Đầu tiên là George Chen và Xiaoning Ling. Cả hai đều làm việc ở Redmond và biết đến Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh thông qua Hội Nhân viên người Hoa ở Microsoft, gọi là CHIME. Chen là giám đốc kiểm tra phần mềm của một nhóm sản xuất, rất thạo việc kinh doanh. Ông có bằng tiến sĩ về toán học nhưng lại nhận mình là một doanh nhân chứ không phải là nhà nghiên cứu. Ông có một công ty kinh doanh bất động sản và sở hữu vài tòa nhà ở Seattle. Ông nói với Lee là ở Bắc Kinh, ông có thể làm những công việc liên quan đến bất động sản, quan hệ với chính quyền, liên hệ với các trường đại học ở Trung Quốc hay bất kỳ điều gì – bởi ông rất nóng lòng muốn trở về Trung Quốc. Và Lee nhận George Chen ngay lập tức.
Xiaoning Ling cũng mong muốn trở về cố hương không kém gì người đồng nghiệp. Ông tới Mỹ để làm luận án tiến sĩ về trí thông minh nhân tạo, sau đó làm việc cho một công ty đa phương tiện nhỏ, GPS Continuum – công ty riêng của Bill Gates. Công việc của Xiaoning Ling gồm thiết kế những thiết bị thông minh cho ngôi nhà của vị chủ tịch tập đoàn Microsoft ở Hồ Washington, trong đó có một hệ thống điều khiển khí hậu và hình ảnh kỹ thuật số được lập trình trước để thay đổi tùy theo sở thích của người sử dụng. Sau khi công ty này sáp nhập vào Microsoft, Ling trở thành giám đốc phát triển phần mềm, đặc biệt là trong việc kết hợp những tiến bộ của nghiên cứu vào sản phẩm, một kỹ năng rất cần thiết cho trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh.
Cả hai người đều không hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu. Vì vậy, sau khi Chen và Ling gia nhập Trung tâm vào giữa năm 1998, Lee vẫn tiếp tục cố gắng mời thêm một số nhà nghiên cứu của MSR ở Redmond. Đứng đầu danh sách này là Harry Shum, tốt nghiệp CMU, là sinh viên của Raj Reddy và từng làm dưới quyền của Lee ở Apple. Shum là chuyên gia lập trình đồ họa và hình ảnh vi tính, ông có 100 giấy chứng nhận và 20 bằng sáng chế mang tên mình. Shum chưa đồng ý, nhưng ông và vợ đã tới thăm Bắc Kinh. Chuyến thăm đã giúp loại bỏ mọi lo lắng cho họ. Lee rất lạc quan rằng Shum sẽ nhanh chóng trở thành nhà nghiên cứu chính thức đầu tiên của Trung tâm Bắc Kinh.
Dần dần, gần như tất cả những nhân tài mà Kai-Fu Lee mong muốn thu hút đều có mặt tại Bắc Kinh.
Thứ Năm, ngày 5 tháng 11 năm 1998 – ngày đầu tiên Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Trung Quốc (sau đổi thành Trung tâm Nghiên cứu Châu Á) xuất hiện trước công chúng. Trong nhiều tháng, mọi kế hoạch của Microsoft ở Bắc Kinh đều được bảo mật chặt chẽ: để che giấu hoạt động của mình, Kai-Fu Lee đã nhận một chức danh vô cùng tẻ nhạt: giám đốc hệ thống tương tác. Nhưng đến giờ, mọi thứ đã trở nên rõ ràng.
Nằm tại một khu phố yên tĩnh (so với Bắc Kinh) ở phía tây của khu thương mại, cách Tử Cấm Thành và Quảng trường Thiên An Môn 15 phút đi bộ là thiên đường xa hoa của thành phố bận rộn, bụi bặm và ồn ào này. Cuối buổi chiều, đã có khoảng 300 khách đăng ký – họ đều là những nhân vật có tiếng của ngành công nghệ thông tin và giáo dục Trung Quốc. Đáng chú ý gồm: 4 hiệu trưởng trường đại học, 9 hiệu trưởng trường cao đẳng, 18 viện sĩ hàn lâm, 56 giáo sư, 27 nhà nghiên cứu, 7 giám đốc học viện, 29 quan chức chính phủ, gần 100 phóng viên và chỉ có một người duy nhất đến từ đại sứ quán Mỹ. Khi khách mời đã có mặt đông đủ tại hội trường lớn, họ thấy một bàn diễn thuyết được bao quanh bởi 22 giỏ hoa do Viện Khoa học Trung Quốc, Bộ Công nghệ Thông tin và các tổ chức khác tặng.
Một thế kỷ trước, Trung Quốc đã có một cuộc nổi dậy được gọi là cuộc Cải cách 100 ngày. Trong thời gian tự trị ngắn ngủi, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Đàm Tự Đồng đã đến thăm người bạn ở Thượng Hải và nhìn thấy một chiếc máy tính thật lạ lùng. Nó có sáu dãy phím, mỗi dãy phím đều được đánh số lần lượt từ 0 đến 9. Khi bật máy lên, mỗi bánh răng kế tiếp nhau chạy nhanh hơn cái trước 10 lần, khiến chiếc máy này có khả năng tính đúng đến con số 999.999. Đàm Tự Đồng đã thử dùng chiếc máy hàng trăm lần và không hề tìm ra lỗi của nó.
Người bạn đã nói với ông rằng chiếc máy tính là phát minh của một người Pháp tên là Pascal.
Kể lại câu chuyện trên, Lăng Chí Quân nhận xét: “Lịch sử chỉ ghi lại cuộc khởi nghĩa của Đàm Tự Đồng dưới góc độ chính trị và sự hy sinh cao cả của ông. Trong khi câu chuyện nhỏ mà mọi người ít biết tới này có thể sẽ có ảnh hưởng rất lớn.” Cũng tại thời điểm Trung tâm Nghiên cứu ra đời năm 1998, Trung Quốc đang ở giữa một cuộc cải cách khác, kéo dài hơn, bắt đầu từ khi nền kinh tế mở cửa cách đây 20 năm. Quá trình cải cách đó đã cho phép vô số nhà tư bản bước vào hoạt động kinh doanh ở một đất nước xã hội chủ nghĩa. Và ở đây, trong căn phòng này, nếu Microsoft được chấp nhận thì đất nước này sẽ bước vào kỷ nguyên mới của công nghệ thông tin. Trong kỷ nguyên này, máy tính sẽ trở nên thân thiện hơn, dễ sử dụng hơn và giá cả sẽ hợp lý hơn đối với hàng triệu người tiêu dùng.
Căn phòng được bố trí theo kiểu giảng đường, các chỗ ngồi được nối thành hàng. Trên hàng đầu tiên, Kai – Fu Lee đang vui vẻ chào khách, nói chuyện với Rick Rashid và Dan Ling. Harry Shum cũng ở đây dù ông chưa chính thức chấp nhận gia nhập Trung tâm. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của ba nhà nghiên cứu người Hoa khác đang làm việc tại Redmond là: Hsiao- Wuen Hon – bạn của Lee; X. D. Huang − sếp của Hon và Lưu Tự Thành − đến từ nhóm đồ họa. Số ít những nhân viên đầu tiên của Trung tâm cũng cùng đi với nhóm người đến từ Microsoft, trong đó có George Chen, Xiaoning Ling và thư ký mới của Lee – Eileen Chen.
Xiaoning Ling không đi cùng đoàn Microsoft, ông đến trước buổi lễ vài ngày. Hôm đó, Lee đã ra ngoài cùng với Mary Hoisington – trợ lý của Rick Rashid, để chuẩn bị trước một số hoạt động cho sự kiện. Khi họ trở lại văn phòng, người tiếp tân thông báo Lee có khách. “Ông ấy đã chờ ông được một lúc rồi.”
Lee nhìn Xiaoning, điềm nhiên hỏi: “Anh là ai?”
“Tôi là Xiaoning Ling. Ông đã thuê tôi.”
Đến giờ Lee mới nhớ ra. Ông quá bận rộn với công việc ở Bắc Kinh và quên bẵng Ling.
Lúc này tất cả đều đang ở tại Câu lạc bộ Quốc tế trang trọng, nổi bật lên với tuổi trẻ và nhiệt huyết so với những vị khách Trung Quốc có tuổi. Xiaoning Ling nhìn đám đông và phát hiện ra thầy giáo cũ của ông ở Đại học Bắc Kinh. Xiaoning Ling kể lại: “Thầy vẫn mạnh khỏe, nhưng tóc đã điểm hoa râm. Khi ông thấy sinh viên cũ trở về từ nước ngoài, ông không thể giấu được cảm xúc của mình. Ngày trước, những người trẻ đứng trước ông thật vô tư và bình dị. Giờ đây họ đều là những ‘chuyên gia đẳng cấp quốc tế’ với rất nhiều bằng cấp, luận văn và chứng chỉ trong tay. Họ không nói chuyện gì khác ngoài những tiến bộ mới nhất trong thế giới công nghệ thông tin.”
Khung cảnh này đã nói lên rất nhiều về những thay đổi đang diễn ra Trung Quốc. Hơn 100 phóng viên mà ba phần tư trong số họ đến từ các tòa báo, còn lại là từ đài phát thanh và truyền hình, họ đến đây để tóm tắt và phân tích sự kiện này. Người dẫn chương trình giới thiệu Lee. Bằng tiếng phổ thông, Lee khẳng định những cam kết của công ty đối với Trung Quốc và hứa hẹn với khách hàng người Trung Quốc về một “thế giới máy vi tính tốt hơn”. Như lời ông nói, trong vòng 6 năm tới, Microsoft cam kết sẽ đầu tư vào Trung Quốc 80 triệu đô-la thông qua Trung tâm Nghiên cứu và tuyển dụng hơn 100 nhà nghiên cứu. Sau đó, ông nhường quyền phát biểu cho Rick Rashid, người có vị trí cao nhất của Microsoft đang có mặt tại đây. Rashid đưa vào một cuốn băng video của Bill Gates với phụ đề tiếng Trung:
Kính thưa quý vị đại biểu có mặt trong buổi lễ ngày hôm nay, Tôi, Bill Gates, Chủ tịch hội đồng quản trị và là Giám đốc điều hành Tập đoàn Microsoft, rất vui được công bố lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu Microsoft ở Trung Quốc.
Nghiên cứu luôn là một phần đặc biệt quan trọng đối với Microsoft. Các sản phẩm chính của Microsoft là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa bộ phận sản xuất và nhóm nghiên cứu, tôi mong rằng điều này sẽ đóng góp vào sự phát triển chung trong những năm tới. Nhóm nghiên cứu Microsoft đang thực hiện một loại công nghệ cho phép các loại máy tính cá nhân có thể nhìn, nghe, nói và học tập nhằm giúp khách hàng có thể tương tác với máy tính tự nhiên giống như đang tương tác với con người thật sự.
Chúng tôi chọn Trung Quốc để thành lập trung tâm nghiên cứu đầu tiên của Microsoft ở châu Á vì nhận thấy nơi đây có rất nhiều nhân tài. Tôi từng có cơ hội được nói chuyện với các chuyên viên thiết kế trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây và tôi luôn ấn tượng bởi phẩm chất và năng lực của những con người mà tôi gặp nơi đây.
Đó là một ngày tuyệt vời. Nathan Myhrvold cũng phát biểu ngắn gọn, bày tỏ quan điểm của mình về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu cũng như nhu cầu phải tìm kiếm nhân tài cho Trung tâm. Harry Shum thì sững sờ khi nghe Rashid nói: “Tôi rất hân hạnh được công bố rằng nhà khoa học công nghệ Harry Shum cũng đã đồng ý gia nhập Trung tâm.” Shum nhớ lại: “Tôi quay sang Dan Ling và nói: ‘Đợi đã! Tôi đã đồng ý đâu!’” Nhưng Ling chỉ nhún vai và bảo Shum không nên lo lắng về điều này. Thực tế, Shum đã quyết định sẽ gia nhập Trung tâm, nhưng ông vẫn phân vân không biết mình có lựa chọn đúng không. Ông kể lại: “Kai- Fu cứ mỉm cười suốt ngày hôm ấy. Ông rất tự tin là tôi sẽ chấp nhận. Còn tôi lại không được tự tin như thế.”
Lee vô cùng hài lòng với số người tham dự là giới chính trị và giới hàn lâm. Ông nhấn mạnh, ở Trung Quốc, thậm chí là những quan chức chính phủ cấp cao cũng ít khi báo trước lịch của họ cho đến khoảng một tuần trước khi sự kiện xảy ra. Vì vậy, mặc dù ông đã dành vài tuần cho việc gọi điện và in thiếp mời gửi cho từng người, ông vẫn không chắc chắn cho đến khi mọi người thật sự có mặt trong buổi lễ. Tuy nhiên, cuối cùng ông nói: “Chúng tôi đã mời được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin, Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Phó chủ tịch của Viện Khoa học Trung Quốc. Những bài phát biểu của họ hứa hẹn rất nhiều điều tốt đẹp.”
Nhưng không phải tất cả các quan sát viên đều nghĩ như vậy. Hàng loạt những bài phát biểu và chào mừng của các quan chức chính phủ và viện sĩ hàn lâm đều khen ngợi Trung tâm Nghiên cứu, mặc dù hầu hết đều là những lời rất thận trọng. Yu Wei, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, từng là nghiên cứu sinh ở Đức ủng hộ rất nhiệt tình. Theo Wei, nền giáo dục Trung Quốc cần phải học tập rất nhiều từ các nước phương Tây. Wei cũng cam kết sẽ cộng tác với trung tâm nghiên cứu mới này, ông nói: “Khi người Trung Quốc đề cập đến nền kinh tế tri thức, họ sẽ nói đến cả Microsoft. Microsoft là một tập đoàn có ảnh hưởng lớn và Bill Gates là một thần tượng của giới trẻ Trung Quốc.”
Những người khác lại giữ ý hơn. Lilan Zhu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, là người có chức vụ cao nhất trong số những quan chức nhà nước có mặt ở đây. Lăng Chí Quân kể lại: “Bà cho biết điều bà quan tâm nhất là nguyên tắc của Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Trung Quốc: ‘Thiết lập một môi trường mở’. Bà cũng cho biết chính phủ Trung Quốc đánh giá cao những gì Microsoft đang làm. Bà không thể hiện bất kỳ sự thù địch nào, nhưng bà cũng không dành những lời khen ngợi nồng nhiệt. Ngay từ đầu, bà còn nói bà không chuẩn bị một bài phát biểu đầy đủ trong sự kiện này.”
Sau đó, Lee còn tranh luận với cả phiên dịch viên của mình về những lời phát biểu của Lilan Zhu mà ông cảm thấy như đang được khuyến khích. Ông cũng đồng ý với những tóm tắt của Lăng sau đó: “Ông Bạch Xuân Lễ, Phó chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc đã phát biểu: ‘Tôi hy vọng chúng ta sẽ tăng cường hợp tác và cùng nhau hành động để phục vụ lợi ích con người.’ Những lời nói này không xúc phạm đến ai nhưng lại quá hời hợt và chỉ là hình thức chiếu lệ.”
Cũng cần phải nhắc đến sự vắng mặt của một vị quan chức quan trọng: Ngô Cơ Truyền, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thông tin (MII) . Rashid và Lee đã có một chuyến thăm đặc biệt đến bộ này, trực tiếp đưa thiếp mời cho ông, nhưng kết quả đạt được chỉ là một lời chúc qua thông cáo báo chí và sự có mặt của hai quan chức cấp dưới của Ngô trong buổi lễ khai trương. Không ai trong hai vị khách kia phát biểu. Khi một phóng viên thắc mắc lý do, một trong hai quan chức này đã nói thẳng: “Đây là lần đầu MII có liên hệ với Microsoft nhưng cả hai bên chưa có một thỏa thuận nào. Sau đó, Microsoft đã thỏa thuận với Bộ Công nghệ Thông tin… Bộ Công nghệ Thông tin có những ý tưởng riêng của họ. Họ cho rằng việc hợp tác với Microsoft từ khía cạnh nghiên cứu khoa học, trong khi chúng tôi lại cho rằng đó là sự phát triển về công nghiệp nói chung.”
Câu nói đó được xem là một lời khiển trách. Mặc dù vậy, mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp, ngày hôm đó là một thành công. Tuy nhiên, tuần sau đó thì Viện không được thành công như thế. Vài tờ báo thích thú với cơ hội được công kích Bill Gates và Microsoft. Một tít báo đã viết: “Kẻ giả nhân giả nghĩa”. Một tờ báo khác lại đưa tin Kai-Fu Lee đã nói với một nhân viên mới: “Anh may mắn lắm mới được làm việc cho Microsoft.” Còn tờ The Computer Life đã trích dẫn từ tờ Business Week lời một đối thủ của Microsoft: “Microsoft là kẻ dối trá. Họ luôn nói: ‘Chúng tôi không làm cái này, chúng tôi không làm cái kia.’ Nhưng sau đó thì chúng ta lại nhận ra rằng họ làm tất cả những việc đó!”
Trong vòng hai tuần sau, các nhân viên PR của Microsoft đã tính có tới 56 bài báo trong giới báo chí Trung Quốc viết về Trung tâm. Phần lớn là những bài viết rất tích cực. Nhưng cũng có những bài viết có ý xúc phạm. Lee nhăn mặt khi nhớ lại những bài viết đó: “Bởi vì báo chí Trung Quốc còn rất trẻ, nên có khoảng 5% chỉ là những tờ báo nhỏ. Vì vậy, họ tìm mọi cách để thu hút sự chú ý, đánh bóng tên tuổi của mình. Có thể coi đây là thời gian khó khăn nhất của tôi. Tôi không hiểu sao sau tất cả những điều tốt đẹp mà chúng tôi đã làm, tại sao họ có thể nói những điều như vậy về chúng tôi?”
Trung Quốc quả thật vô cùng phức tạp. Lee luôn nghĩ đến việc phải tạo lập quan hệ với các quan chức chính phủ và các trường đại học. Khi trở lại văn phòng sau ngày lễ khai trương Trung tâm Nghiên cứu, ông bắt đầu ghi chép cá nhân về tất cả các vị quan chức đã tham dự buổi lễ. Với Lilan Zhu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông viết: “Tôi thành thật tin rằng trong vài năm tới, chúng tôi sẽ cho bà thấy sự chân thành của Microsoft qua một đề tài nghiên cứu cụ thể và sẽ không làm bà phải thất vọng.” Tương tự, ông cũng viết những ghi chú đặc biệt cho Phó chủ tịch Bạch Xuân Lễ của Viện Khoa học Trung Quốc và tất nhiên là cả với Yu Wei.
Mặc dù rất buồn khi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thông tin Ngô Cơ Truyền không đến dự, nhưng Lee không quên viết những dòng ghi nhớ về ông: “Sự thông thái, sự hiểu biết và tinh thông về ngành công nghiệp thông tin của ông đã gây ấn tượng rất lớn với tôi.”
Có thể, chứng minh sự chân thành không có nghĩa là bạn phải luôn thành thật.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.