Guanxi Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh

7. Microsoft sản xuất tại Trung Quốc



Tháng 11 năm 2002 – Tháng 11 năm 2004

Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng Trung Quốc không còn là một kẻ chỉ biết theo sau nữa. Đất nước này đang chuẩn bị dẫn đầu.

—HONGJIANG ZHANG

Thành phố cảng Chu Hải náo nhiệt nằm trên bờ biển phía đông nam Trung Quốc, nơi biển Đông gặp đồng bằng sông Trân Châu là địa điểm lý tưởng cho khách du lịch cũng như những chuyến đi kinh doanh. Khu vực biên giới phía nam tiếp giáp với Ma Cao nên chỉ cần một chuyến đi ngắn là sang được thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha – nơi có những sòng bạc thâu đêm không bao giờ dứt. Thành phố gần 1.5 triệu dân này cách Đài Loan một chuyến bay ngắn và chỉ cần một giờ đi phà siêu tốc về phía tây là đến Hồng Kông – trung tâm thương mại và mua sắm nhộn nhịp, đông đúc. Một điểm tham quan nữa là những chiếc phà sẽ đưa khách du lịch đến 146 hòn đảo xinh đẹp và nguyên sơ nằm trong biên giới Chu Hải.

Chu Hải là một khu du lịch. Khi còn là một làng chài yên tĩnh, Chu Hải là một đặc khu kinh tế vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 dưới chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Đây là thành phố trù phú thứ ba ở Trung Quốc. Mỗi năm, có hàng triệu du khách đến tham quan, nơi đã phát triển rất lâu trước khi Trung Quốc bùng nổ về kinh tế. Và trong khi dòng sông Trân Châu bị ô nhiễm nghiêm trọng, thì thành phố này lại nổi tiếng với những suối nước khoáng và nước nóng.

Một điểm du lịch tuyệt đẹp nữa, một chuyến đi mới của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, đó là tuần lễ cuối cùng của tháng 11 năm 2002. Ở Bắc Kinh, thời tiết lạnh và ẩm nhưng ở phía nam, thời tiết lại khô ráo và ấm áp. Hơn một năm trước khi rời Trung Quốc và trở thành phó giám đốc ở Redmond, Ya -Qin Zhang đã tập hợp các trưởng nhóm nghiên cứu và đưa họ đến Chu Hải để nghỉ ngơi hai ngày tại khu nghỉ mát suối nước nóng Hoàng gia – một khách sạn và spa bốn sao nổi tiếng ở vùng ngoại ô. Mười lăm thành viên của Trung tâm cùng đi, gồm có hai trợ lý giám đốc điều hành là HongJiang Zhang và Harry Shum cùng rất nhiều khuôn mặt quen thuộc khác ở Dragon Villa ba năm trước. Chuyến đi nghỉ của nhóm quản lý đã trở thành một thông lệ của Trung tâm. Ở Chu Hải được massage hàng ngày và tha hồ hát karaoke. HongJiang Zhang nói đùa: “Đó là một điều bắt buộc đối với những kỳ nghỉ của ban quản trị, đó là nơi mà chúng tôi chọn tổ chức hoạt động xây dựng nhóm.”

Chủ nhật, ngày 24 tháng 11, một nhóm nhỏ đến thăm cơ sở ở Chu Hải của trường Đại học Trung Sơn. Một nhóm khác do Shum và HongJiang Zhang dẫn đầu, đến thăm khuôn viên công ty Công nghệ Huawei, gã khổng lồ về các giải pháp và thiết bị mạng, được mệnh danh là “Cisco của Trung Quốc” (Tập đoàn Hệ thống Cisco). Giám đốc của Huawei, bạn cùng lớp đại học với Shum, đã thu xếp toàn bộ chuyến đi này. Kết hợp một chuyến đi nghỉ với việc đi thăm các trường đại học, các công ty và đôi khi là các nhà cầm quyền là một hoạt động thực tế đúng đắn. Ya-Qin Zhang nói: “Là chuyện bình thường khi chúng tôi kết hợp mọi thứ với nhau, để rút ngắn thời gian.”

Công việc chính thức bắt đầu vào sáng thứ Hai. Các trưởng nhóm tập trung để ăn sáng lúc 8 giờ, sau đó vào phòng họp của khách sạn nghe báo cáo sơ bộ về các nhóm nghiên cứu. Ya-Qin đưa ra một vấn đề khó xử: Có phải Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh đang nắm trong tay quá nhiều biến đổi?
Câu trả lời sẽ trở thành một mốc quan trọng trong sự tiến bộ của Trung tâm, bởi vì Trung tâm đã đạt được những thành công tột đỉnh. Dường như mọi thứ đã tiến triển nhanh hơn cả mong đợi rất nhiều và đang trong quá trình chuyển giao một vài công nghệ cho nhóm phát triển sản phẩm. Cùng lúc đó, các đơn vị kinh doanh cũng bắt đầu đánh giá cao công tác của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh và kỳ vọng hơn nữa. Nhưng như Zhang đã dự đoán về những điều sắp xảy ra với kênh nghiên cứu, ông nhận thấy hệ thống hiện nay đang sắp quá tải. Kênh này có quá nhiều thứ cần phải làm, không phải lúc nào cũng đồng bộ với nhóm sản phẩm khiến họ không thể luôn sẵn sàng để phát triển sản phẩm kịp tiến độ và thậm chí nếu họ có thể thì nhóm sản phẩm cũng không được chuẩn bị kỹ càng để giải quyết được những công việc gấp gáp này. Kết quả là hàng loạt sản phẩm bị đình trệ. Bất cứ điều gì ảnh hưởng đến dòng chảy của công nghệ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của một trung tâm nghiên cứu còn rất trẻ.

Ở một mức độ nào đấy, Zhang đang phải đương đầu với một vấn đề hóc búa mà bất kỳ công ty công nghệ cao nào cũng gặp phải đó là làm sao để đưa những tiến bộ từ nghiên cứu đến thị trường và từ đó tiếp tục cân bằng nguồn tài chính đổ vào việc nghiên cứu để đảm bảo sự phát triển nhanh, tốt. Nhưng những gì ông nghĩ đến đều là những vấn đề chung với Trung tâm Bắc Kinh cũng như cả Trung Quốc.

Vấn đề đầu tiên là giới hạn về quy mô của Trung tâm và làm sao để phù hợp với nguồn nhân tài dồi dào của Trung Quốc. Có một giới hạn về quy mô của bất cứ một trung tâm nghiên cứu nào: số lượng các nhà nghiên cứu hàng đầu có thể tuyển dụng, bao nhiêu dự án có thể hỗ trợ và duy trì. Nhưng ngay cả khi Trung tâm Bắc Kinh có thể phát triển không giới hạn, các nhà nghiên cứu cũng chỉ là một nhóm nhân tài của một đất nước đông dân nhất thế giới mà thôi. Thật vậy, vẫn còn rất nhiều nhân tài chưa được sử dụng ở các trường đại học, các cộng đồng chuyên nghiệp. Họ là các nhà nghiên cứu, các chuyên viên phát triển phần mềm, lập trình viên và kỹ sư công nghệ thông tin. Làm sao để thu hút họ đến Trung tâm?

Ý tưởng của Zhang là thành lập một tổ chức kiểu mới có thể thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và phát triển bằng cách chuẩn bị kỹ càng các đổi mới cho nhóm phát triển – đảm bảo phần mềm được kiểm tra và xem xét cẩn thận, phù hợp với việc sản xuất hàng loạt hơn là các đoạn mã kết hợp với nhau sử dụng trong các mẫu nghiên cứu. Đây là công việc đặc thù của nhóm phát triển, nhưng thường nhóm này quá bận rộn với các sản phẩm hiện tại để khắc phục những vấn đề mới. Kết quả là không chỉ tại Microsoft mà tại bất kỳ trung tâm nghiên cứu công nghiệp nào, việc công nghệ chưa được chuyển giao là rất bình thường.

Theo tính toán của Zhang, bộ phận mới này sẽ giúp giải quyết đình trệ trong khâu phát triển sản phẩm. Hơn thế, nếu đúng như ông hình dung một trung tâm như thế không chỉ khai thác được nguồn nhân tài của Trung Quốc mà còn tạo ra động lực thúc đẩy việc trực tiếp giới thiệu những công nghệ hoàn toàn mới vào thị trường Trung Quốc vốn đang trong giai đoạn bùng nổ. Khi đã được thử thách, những công nghệ này sau đó có thể sẽ được tung ra trên toàn thế giới.

Ông không tính được hết những trở ngại. Nhưng Ya-Qin biết chắc là ý tưởng của ông sẽ vô cùng quan trọng. Về một mặt nào đó, bất cứ công ty nào thành lập một phòng phát triển sản phẩm ở nước ngoài đều tìm kiếm những thành tựu như thế. Nhưng điều mới lạ trong ý tưởng của ông là kết hợp một trung tâm phát triển cao với một trung tâm nghiên cứu được đặt tại nước ngoài. Bốn năm trước, bản thân Microsoft cũng đã thành lập một trung tâm phát triển sản phẩm ở Hyderabad, Ấn Độ. Nhưng trung tâm đó chỉ phát triển những sản phẩm được sản xuất ở nơi khác rồi sau đó xuất ra thị trường Mỹ, chứ không phải ở Ấn Độ. Ở đây, ý tưởng của Zhang là cùng sát cánh với nhóm nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm được nghiên cứu ở Trung tâm Bắc Kinh, rồi lại giới thiệu trực tiếp với thị trường Trung Quốc và thế giới – nhằm cố gắng giảm thiểu những khác biệt về địa lý và văn hóa – những yếu tố ngăn trở bất cứ công ty nào làm công tác nghiên cứu ở một châu lục này và phát triển nó ở một châu lục khác. Zhang lý luận, bằng cách này Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh sẽ trở thành trung tâm hàng đầu về những quy trình đổi mới toàn diện.

Khi Ya-Qin mô tả ý tưởng của mình ở Chu Hải, đây là lần đầu tiên hầu hết các trưởng nhóm nghiên cứu nghe về kế hoạch của ông. Tuy nhiên, trước đó ông đã thử hỏi hai trợ lý – Harry Shum và HongJiang Zhang về ý tưởng này.

Không khí sôi động nhanh chóng bao trùm tất cả mọi người ở Chu Hải. Khi Ya-Qin nguệch ngoạc ghi lên bảng ý tưởng của mình và đưa bảng lên cao để mọi người hiểu rõ hơn, niềm đam mê của ông lúc ấy như lây sang cả người nghe. Sheila Shang nói: “Từ lúc đó, mọi người mới thật sự bắt đầu tham gia cuộc họp. Đó không còn là một cuộc họp thông thường nữa, nó đã trở thành một cuộc họp động não thật sự.” Gần như suốt buổi sáng, họ cùng bàn bạc về hình thức của bộ phận mới này – làm sao để đảm bảo nó sẽ có tác dụng thúc đẩy tốt nhất tới Trung tâm; cần bao nhiêu nhân viên và là các vị trí nào; đơn vị kinh doanh nào ở Redmond sẽ hỗ trợ cho bộ phận mới này nhiều nhất? Ngay lập tức, cả nhóm chọn ra mười dự án khởi đầu cho bộ phận mới này – là những dự án hầu như đã sẵn sàng để đưa vào sản xuất và đây có thể là những dự án mà nhóm sản xuất đang rất cần – sau đó họ đã làm thành một bài thuyết trình bằng PowerPoint để trình bày với các giám đốc ở Redmond.

Cuộc thảo luận tiếp tục sau bữa tối, khi các trưởng nhóm nghiên cứu tập trung tại suối nước nóng – họ cùng đùa vui với nhau. Họ còn chúc mừng sinh nhật của Shang – Ya-Qin đã khiến cô bất ngờ khi mời tất cả mọi người vào phòng bên cạnh, ở đó có sẵn một chiếc bánh sinh nhật dành cho cô.
Đó không chỉ là cơ hội để nâng cao việc chuyển đổi công nghệ mà còn khiến các thành viên của Trung tâm trở nên vui vẻ: cũng giống như những gì giám đốc của họ cảm nhận, đó là cơ hội để cống hiến cho Microsoft, đồng thời biến MSR Châu Á trở thành một trung tâm nổi bật về công nghệ. Như HongJiang Zhang từng phát biểu: “Trung Quốc đang trỗi dậy, nhưng Trung Quốc không còn là một kẻ chỉ biết theo sau nữa. Đất nước này đang chuẩn bị dẫn đầu.” Phương pháp tiếp cận trước kia của Microsoft với việc phát triển công nghệ là phát triển và kiểm tra tại Mỹ, biến đổi một chút để giới thiệu ở châu Âu, sau đó tiếp tục chỉnh sửa cho phù hợp với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Bắc Kinh đã lý giải rằng cách tiếp cận này không còn phù hợp nữa.

Microsoft chưa bao giờ có một cơ quan giống như hình dung ấy, ở bất cứ nơi đâu. Như Ya-Qin đã kết luận: “Đây là một vườn ươm công nghệ mới. “

Công nghệ do Trung Quốc tạo ra.

Trong vài tháng tiếp sau chuyến đi nghỉ ở Chu Hải, Ya -Qin cùng những phụ tá hàng đầu bắt tay cải tiến ý tưởng, dù họ đã bị chậm lại bởi những kỳ nghỉ. Việc này đòi hỏi phải khéo léo khi thành lập một bộ phận mới. HongJiang Zhang nói: “Đây là một việc do cấp dưới đề xuất lên. Chúng tôi chưa làm điều này bao giờ, cũng như Microsoft rất thận trọng với các dự án của công ty. Khi anh đòi thêm người và một dự án phát triển nằm ngoài dự tính, anh phải có một câu chuyện hợp lý. “

Chính bản thân những câu chuyện của họ – về lịch sử các dự án công nghệ đã hoàn thành của trung tâm – rất có giá trị. Vì thông thường, để biến các dự án từ giai đoạn nghiên cứu chuyển sang sản xuất phải mất vài năm, việc chuyển đổi các tiến bộ kỹ thuật thành phát triển sản phẩm (là một phần quan trọng trong tầm nhìn xa của Kai -Fu Lee) hầu như không phải là ưu tiên hàng đầu khi Trung tâm được thành lập vào năm 1998. Trước đó, một nhóm được thành lập nhằm giúp các nhà nghiên cứu xây dựng bản demo để trình bày các công nghệ khái niệm với bộ phận kinh doanh và các đồng nghiệp của họ ở Redmond, với hai kỹ sư hoặc các lập trình viên – mỗi người phụ trách hàng tá dự án. Nhưng đến khi Trung tâm phát triển và công nghệ của Trung tâm cũng trở thành một vấn đề đáng chú trọng trong việc phát triển sản phẩm, rõ ràng là trong khi hai kỹ sư hoặc các lập trình viên có thể hoàn thành tốt một dự án, nhưng những dự án khác có khi lại cần đến năm nhân viên hoặc nhiều hơn nhằm thực hiện các biện pháp tinh chỉnh chiều sâu cần thiết để xác nhận mẫu nghiên cứu có thể sản xuất đồng loạt hay không.

Đến cuối năm 2001, giải pháp bước đầu là thành lập một cơ quan tập trung linh hoạt hơn chuyên về chuyển giao công nghệ. Thay vì được chỉ định cho các dự án cụ thể của trung tâm, tất cả 25 chuyên viên phát triển trong nhóm mới được thành lập này làm việc khi có công việc cần đến họ và với số lượng cần thiết.
Đứng đầu nhóm này là Bin Lin, một kỹ sư đầy kinh nghiệm, người đã gia nhập Trung tâm từ giữa năm 2000, sau năm năm làm việc ở nhóm phát triển Redmond: Lin đã đạt được hàng loạt tặng thưởng “Ship It”, đánh dấu những đóng góp của ông cho các sản phẩm của Microsoft. Ông cho rằng nhóm nhân viên mới rất có ích cho sự phát triển của Trung tâm trong giai đoạn này.

Nhưng thậm chí mỗi chuyên viên phát triển này có thực hiện hơn một dự án đi nữa thì nhóm của ông cũng chỉ làm được nhiều nhất 30 dự án cùng một lúc. Sau đó, ông nói: “Trung tâm đã phát triển rất nhanh và trở thành một trung tâm nghiên cứu tầm cỡ, 30 dự án chỉ là một con số nhỏ trong số những dự án có thể đưa vào sản xuất. Tôi chỉ có thể quản lý được những dự án tích cực nhất và cần thiết nhất trong thời gian ngắn để chuyển giao công nghệ. Đó chính là sự đình trệ trong sản xuất.”

Không phải tự nhiên mà nhóm sản phẩm ở Redmond lại trở nên uể oải. Không phải chỉ do sự khác biệt về vị trí địa lý mà còn do bản chất của việc nghiên cứu và phát triển. Khi các nhà nghiên cứu chuyển một sáng chế hay một phần đoạn mã mới cho các chuyên viên phát triển sản phẩm, họ cần phải kiểm tra và chỉnh sửa nhiều lần trước khi đưa sản phẩm ra thị trường và chuyên viên phát triển sản phẩm thì không phải lúc nào cũng có thể làm được việc đó. Họ phải làm nhiều việc cấp thiết như nâng cấp các tính năng thông thường hay tăng cường tính bảo mật. Và ngay cả một sáng chế tuyệt vời cũng có thể mắc phải những lỗi khi sản xuất và tất nhiên sẽ bị đẩy sang đợt giới thiệu sản phẩm sau. HongJiang Zhang đã nói: “Điều đó có nghĩa rằng việc nhóm sản phẩm thành lập một đội và phát triển là một sự liều lĩnh.” Ông còn nói thêm: “Là một chuyên viên nghiên cứu, nếu như bạn trễ tàu, bạn có thế mất bốn hay năm năm.”

Đây chính là rào cản mà nhóm nghiên cứu Bắc Kinh đang nghĩ đến và các thành viên của nhóm đã làm việc để khẳng định luận điểm mà họ chắc chắn sẽ tạo được ảnh hưởng lớn nhất đến Redmond. Thực tế công ty mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ nguồn nhân tài của Trung Quốc thông qua Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, một trung tâm chỉ có thể hỗ trợ một lượng giới hạn các dự án và nhân viên. HongJiang Zhang đã chỉ ra: “Nhưng khi anh nhìn vào số lượng nhân tài ở Trung Quốc, tất cả những nơi anh qua, các giảng đường đều quá nhỏ. Anh thấy có rất nhiều người đứng ở hành lang và bên ngoài cửa sổ, nhòm qua cửa và cố gắng nghe bài thuyết trình. Vì vậy, anh cần phải tìm ra một kế hoạch để sử dụng được những nhân tài này.”

Vài tuần trước chuyến đi Chu Hải, Ya- Qin đã mô tả sơ qua ý tưởng của mình cho Rick Rashid khi cả hai cùng tham dự Comdex – một triển lãm hàng điện tử tiêu dùng tổ chức vào tháng 11 hàng năm ở Las Vegas. Rashid đặc biệt ấn tượng với cơ hội khai thác “mỏ” nhân tài kỹ thuật của Trung Quốc và yêu cầu Zhang có một bản đề nghị chính thức. Ya – Qin nhớ lại: “Không quá phức tạp. Ông ấy luôn muốn những điều đơn giản.”

Một kế hoạch “đơn giản” nhưng giờ đây lại vô cùng tỉ mỉ được trình lên Rashid đầu năm 2003, trong đó nêu bật bốn mục tiêu chính: khai thác nguồn nhân tài Trung Quốc theo một cách mới mở rộng chuyển giao công nghệ thông qua việc phát triển nhiều sản phẩm có hiệu quả hơn; chuẩn bị thật tốt cho Microsoft một thị trường Trung Quốc mới nổi đang thiếu những phần mềm mới; ươm mầm công nghệ được tạo ra ở Trung Quốc và sau đó giới thiệu nó với khắp thế giới.

Rashid rất thích ý tưởng này.

Cuối tháng 2 năm đó, HongJiang Zhang, Harry Shum và nhiều đồng nghiệp khác của Trung tâm Bắc Kinh đến Redmond tham dự hội nghị TechFest (festival về công nghệ thông tin), một sự kiện hàng năm của Microsoft, là nơi các nhóm nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới thuộc tập đoàn này trình bày các dự án của họ cho nhóm sản xuất. Giống như tham dự một cuộc triển lãm công nghiệp, các nhóm nghiên cứu dựng nhiều gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm tại trung tâm hội nghị lớn của công ty. Đây cũng là một diễn đàn để lắng nghe mong muốn của nhóm sản phẩm về những nghiên cứu trong tương lai. Ya-Qin phải ở lại sau để nói chuyện với Bill Gates; Bill sắp tới Trung Quốc trong thời gian tới. Nhưng mấy tuần trôi qua kể từ khi họ gửi bản kế hoạch đề xuất cho Rashid và Ya – Qin đã bảo HongJiang phải trực tiếp gặp vị giám đốc nghiên cứu để hỏi xem việc đó đã được tiến hành đến đâu.

HongJiang nói: “Tôi sẽ tới đó ngay để nhắc lại bản kế hoạch đề xuất.” Nhưng ông hơi ngạc nhiên khi biết Rashid rất thích ý tưởng này. Thực vậy, sự kiện mà Rashid đang tổ chức sẽ giới thiệu một nghiên cứu điển hình về cách thức phát triển đổi mới của một tổ chức lớn và vô cùng cẩn trọng như Microsoft nếu như công ty có một hệ thống tránh được thói quan liêu và đưa ra rất nhiều ý tưởng mới – khi có người thích hợp đứng sau họ. Thậm chí lúc đó, không ai nghĩ đến điều này, nhưng chỉ trong hai năm, tổ chức mới đã phát triển và làm lu mờ cả Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh về độ lớn.

Nhưng thực tế chuyện đó vẫn còn xa. Lúc đó, Rashid nói với HongJiang là ông cần một bản ước tính cụ thể số nhân viên cần thiết cho tổ chức mới, những dự án nào có thể được hỗ trợ thực hiện và cần chi phí bao nhiêu. Sau này HongJiang phỏng đoán: “Tôi nghĩ là ông ấy đã nói chuyện này với Bill trong những lúc nói chuyện riêng rồi.”
Mặc dù vậy, đó không hẳn là một điều đáng ngạc nhiên. HongJiang đã tính họ có nhiều ngày, chứ không phải là nhiều tuần, để làm việc gì đó và lên kế hoạch giải quyết vấn đề với Ya- Qin khi ông trở về Bắc Kinh. Nhưng vài giờ sau, HongJiang Zhang nhận được một cuộc gọi từ trợ lý của Rashid. “Thư ký của Rick nói với tôi là Rick cần bản kế hoạch đề xuất đó ngay lập tức, vì ông chuẩn bị đi nghỉ và muốn cho Bill biết trước khi ông đi.”

Ngày hôm sau, HongJiang Zhang gọi điện cho Ya -Qin hiện đang ở Trung Quốc. Harry Shum cũng nói chuyện với họ thông qua hội nghị truyền hình từ một trong những phòng khách của Tòa nhà 112, trụ sở Trung tâm Nghiên cứu Redmond. Trung tâm mới này cần 50 người. Tiếp theo, họ đã chọn ra bảy trong số mười dự án đã đưa ra trong chuyến đi Chu Hải, chỉ định một người phụ trách chính cho mỗi dự án. Ba trong số các dự án nhằm tạo ra công cụ phần mềm nội bộ giúp các nhân viên phát triển và nhân viên kiểm thử làm việc hiệu quả hơn. Một dự án khác liên quan đến một công nghệ mới nhiều tiềm năng là kết nối quảng cáo trả tiền tới từ khóa tìm kiếm của khách hàng. Dự án cũng đảm bảo rằng khi một người tìm kiếm trên MSN các bảng quảng cáo hiện lên dưới tên “trang tài trợ” trên trang Web dẫn tới những đồ mà chúng ta đang tìm kiếm. Điều này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng và các nhà quảng cáo và đây cũng là yếu tố chủ chốt trong kế hoạch hỗ trợ bộ phận MSN cạnh tranh với người khổng lồ mang tên Google.
Dự án thứ năm là một dự án hệ thống quản trị và giao diện cải tiến đối với các file giải trí – video, nhạc, ảnh, tivi – dành cho phần mềm Media Center sắp tới của Microsoft. Hai dự án còn lại – một dự án phương tiện đồ họa đã được cải tiến, một dự án phần mềm đọc văn bản chính xác hơn – đều nhắm đến một mục tiêu là Vista, phiên bản tiếp theo của Windows. Ya-Qin đã viết tất cả những điều này trong một email gửi cho Rashid.

Hai vấn đề chủ yếu xảy ra trong quá trình tương tác xung quanh sáng kiến này khi Rashid – một người nắm rõ tình hình tài chính của tập đoàn tìm hiểu kỹ những điều căn bản về tài chính đối với ý tưởng mới mẻ này, gửi vài email về chủ đề này cho Gates và giám đốc điều hành Steve Ballmer. Trước tiên, Rashid xác định rằng chính các nhóm sản phẩm sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ trung tâm mới chứ không phải là nhóm nghiên cứu nên nhóm này sẽ chịu hầu hết chi phí của trung tâm mới. Ông còn đưa ra số nhân viên cần thiết cho trung tâm mới.

Do dự về vấn đề tài chính là rào cản chính đối với sự đổi mới trong các tập đoàn lớn, một hệ quả dẫn tới hội chứng “Chỗ này không tạo ra lợi nhuận” và cũng có thể gọi là “Chỗ này không thể tài trợ”. HongJiang Zhang giải thích: “Ngay khi tiền từ Trung tâm được chuyển đến, nhóm sản xuất nói: ‘Tôi sẽ làm (có nghĩa là việc chuyển đổi công nghệ sẽ được tiến hành).’ Nhưng sau đó họ có thể cắt nó đi, bởi vì họ chưa đầu tư gì vào đó.” Việc đòi hỏi các doanh nghiệp của Microsoft tin là sẽ do nhóm phát triển sản phẩm sản xuất sẽ khiến nhóm sản xuất có động lực hơn khi làm việc – như vậy sẽ tăng cơ hội thành công.

Về vấn đề bố trí nhân viên, một vấn đề mà Rashid đã đưa ra trong khi nói về vấn đề đổi mới đối với trung tâm, vấn đề này phải được đảm bảo trở thành bộ phận của một sản phẩm thương mại. Vì thế, không giống hoạt động nghiên cứu với các dự án mạo hiểm và những thay đổi nhất định có thể gây ra rủi ro, vấn đề này khó có thể tùy tiện thay đổi độ lớn. Cho đến khi nhóm phát triển sản phẩm sẵn sàng làm việc thì trung tâm mới có thể thoải mái tuyển dụng để công việc có thể tiến triển tốt nhất.

Một điều đáng nói đến nữa là cho dù từ trước tới nay Microsoft là tập đoàn điều hành theo kiểu headcount – một nhóm người nhất định được phân công phụ trách một dự án hay một tổ chức nào đó nhưng như Rashid đã nói: “Không thể so sánh headcount ở Anh với Ấn Độ hay với Trung Quốc. Headcount không phải là đơn vị tiền tệ cũng không hề có điểm tương đồng. Đó là không cần thiết phải xác định số người làm việc ở mỗi nơi là bao nhiêu, bởi có rất nhiều nhân tố bên ngoài xuất hiện. Ở Trung Quốc, một trong những nhân tố đó là vấn đề đào tạo. Mặc dù ở đây có rất nhiều kỹ sư tài giỏi, nhưng rất ít người có kinh nghiệm trong các tổ chức R&D kiểu phương Tây. Vì vậy, cần có thêm nhân sự cần thiết để đào tạo những người đó. Thêm nữa, do lực lượng nhân viên thiếu kinh nghiệm nên cần phải tuyển thêm nhiều kỹ sư hơn để hoàn thành công việc được giao. Để giải quyết cả hai vấn đề nổi cộm này, Rashid quyết định để trung tâm hoạt động hiệu quả cần phải đầu tư thêm vốn hơn là tuyển thêm nhân viên.

Nhìn bề ngoài, Trung tâm Công nghệ cao này (ATC – Advanced Technology Center) không phải là duy nhất. Có hàng trăm trung tâm được đặt tên như vậy tại các trường đại học và các công ty trên khắp thế giới, trong đó có cả các đối thủ của Microsoft như IBM và Sony. Nếu không nghiên cứu cách thức hoạt động của mỗi trung tâm đó, khó có thể nói chắc chắn là có điều gì khác biệt giữa những trung tâm đó với trung tâm mà Ya -Qin Zhang hình dung. Nhưng sự kết hợp trực tiếp một trung tâm như thế với một trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài rõ ràng là việc hiếm thấy.

Sự thay đổi trong kế hoạch tài trợ – yêu cầu các bộ phận kinh doanh trả toàn bộ chi phí công tác – không phải là việc bất thường. Các công ty trên thế giới đã nhận ra rằng việc đòi hỏi tất cả các bên tham gia chuyển giao công nghệ đều phải có quyền lợi trong các kế hoạch kinh doanh có thể tăng cơ hội thành công – cả trong việc được tài trợ ra sao và trách nhiệm với sản phẩm như thế nào. Tuy nhiên, sự thay đổi vẫn đánh dấu một đổi mới mạnh mẽ, bởi Trung tâm Nghiên cứu Microsoft vẫn là một trong số ít những tổ chức nhận phần lớn tiền tài trợ từ ngân sách chính của tập đoàn, khiến các đơn vị kinh doanh ít bàn luận hơn về những gì mà các chuyên viên nghiên cứu đã làm. Vì vậy, việc thay đổi mô hình tài trợ cho trung tâm mới này đánh dấu một nhận thức rằng cho dù trung tâm này chỉ là một nhánh nhỏ của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, cũng không nên điều hành theo kiểu một phòng nghiên cứu.

Tất cả những sự việc này xảy ra vào tháng 3 đầu tháng 4 năm 2003. Microsoft làm việc theo năm tài khóa bắt đầu từ ngày 1 tháng 7, với ngân sách cho năm sau được thông qua tháng 5 hàng năm. Bin Lin làm ở khu vực Seattle đang trong kỳ nghỉ với gia đình (các thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh thường cùng gia đình đi tới Redmond trong kỳ nghỉ). Ông ghé qua khuôn viên của Microsoft, nơi cả Ya -Qin và HongJiang đều đang ở đó. Bin Lin nói: “Ya- Qin có một cuộc họp riêng cùng Rick. Khi kết thúc cuộc họp, ông nói với tôi và HongJiang: ‘Rick đã đồng ý.’”

Tiếp sau đó là năm tháng bận rộn với việc tuyển dụng, đặt kế hoạch và xây dựng các mối quan hệ, gợi lại những ngày mới thành lập Trung tâm. Mùa thu năm đó, Ya-Qin tổ chức một cuộc họp bàn tròn gồm có khoảng 15 vị “lãnh đạo tư tưởng”. Hầu hết đều là những người đứng đầu giới học viện, trong đó có một số người từ Viện Khoa học Trung Quốc. Điểm mạnh lớn nhất của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh – một nét đặc biệt đối với vài quan chức là tập trung vào nghiên cứu cơ bản, một lĩnh vực mà Trung Quốc còn phải học tập nhiều và trong tương lai Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều từ lĩnh vực này. Zhang lo ngại là sự thành lập của ATC sẽ bị coi là một cách kinh doanh, thậm chí là một cách mới để thuê lao động Trung Quốc với giá rẻ mạt. Vì vậy, trong cuộc họp này, ông đã trình bày rõ ràng cho các quan chức hiểu được lý do thành lập trung tâm mới của tập đoàn và nhấn mạnh rằng việc thành lập này sẽ giúp các nhà nghiên cứu không còn bị xao nhãng bởi những yêu cầu của nhóm phát triển sản phẩm, họ sẽ có nhiều thời gian dành cho nghiên cứu cơ bản. Theo ông, xây dựng được sự đồng thuận là rất quan trọng, đặc biệt là ở Trung Quốc. Ông nói: “Khi bắt đầu làm một cái gì đó, bạn cần phải được ủng hộ.”

Những biện pháp ngoại giao cần thiết ở Redmond lại khác. Ở đó, Rashid đã chỉ định một nhân viên làm liên lạc viên chính thức của trung tâm với các nhóm phát triển sản phẩm. Liên lạc viên, Dennis Adler, một người kỳ cựu trong rất nhiều dự án chuyển giao công nghệ của Microsoft đã thật sự có tác động rất lớn đến những thành công tiếp theo của ATC – ông đã làm cho việc liên lạc giữa trung tâm nghiên cứu với nhóm phát triển sản phẩm cách đó hàng nghìn cây số trở nên dễ dàng hơn.

Đã có cả một mạng lưới liên lạc viên ở Redmond nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa Trung tâm Nghiên cứu Microsoft và nhiều nhóm phát triển sản phẩm – họ cung cấp thông tin cho bộ phận kinh doanh về những tiến triển ở các trung tâm nghiên cứu và cũng đảm bảo rằng các chuyên viên nghiên cứu biết được các đồng nghiệp bên nhóm phát triển sản phẩm đang cần gì. Trong khi hệ thống liên kết này không có gì khác so với những tổ chức nghiên cứu lớn, việc thực hiện hệ thống này là điều mà Bill Gates đã nhấn mạnh kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Microsoft thành lập vào năm 1991. Cụ thể là, Gates lo ngại rằng Trung tâm sẽ đi theo vết xe đổ của: Trung tâm nghiên cứu Palo Alto nổi tiếng của Xerox, trung tâm này đã có nhiều phát minh cho ngành điện toán hiện đại – hệ giao tiếp đồ họa người dùng, chương trình xử lý văn bản WYSIWYG (What- you- see – is-what- you- get) và Ethernet – nhưng hầu như không thể đưa bất kỳ một phát minh nào vào sản xuất thương mại. Gates nói: “Chúng tôi muốn đảm bảo sẽ không giống với Xerox… Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi không chỉ tạo ra những sản phẩm để chứng tỏ mình và để đóng góp chung mà muốn những phát minh này sẽ thật sự giúp cho sản phẩm của chúng tôi trở nên tốt hơn.”

Trở lại Bắc Kinh, ATC cũng gặp phải một thách thức mới trong việc tuyển dụng. Trong nhóm chuyển giao công nghệ trước đây, tất cả 25 nhân viên hiện tại của Bin Lin đều là các nhân viên phát triển. Những kỹ sư này chuyển các mẫu nghiên cứu sang mã phần mềm chuyên nghiệp đóng vai trò như một “thuật toán thô” để nhóm sản phẩm cải tiến thành một tính năng của một sản phẩm thật sự, như một phần mềm chuyển đổi đọc văn bản hay hiệu ứng loại bỏ mắt đỏ trong chỉnh sửa ảnh kỹ thuật số. Sau đó các nhóm ở Redmond sẽ tích hợp những tính năng này vào một trình ứng dụng sẵn có của Microsoft như Office hay Media Center.

Mặc dù giờ đây, trung tâm mới dự định phát triển gần như hoàn toàn các cải tiến – hoàn thiện các tính năng chứ không chỉ là chuyển giao một phần công nghệ để những công nghệ này sau đó trở thành một tính năng của sản phẩm. Điều đó có nghĩa là phải hiểu được những yêu cầu của nhóm sản phẩm, chỉ rõ năng lực, thành lập dự án, mã hóa các mốc hoàn thành, tiến hành các thử nghiệm kỹ thuật đánh giá sản phẩm. Và thay vì giải tán nhóm sau khi chuyển giao thành công một công nghệ và chuyển sang một nhiệm vụ khác, ATC sẽ tập hợp nhiều nhóm cố định để tiếp tục duy trì và củng cố công nghệ ban đầu. Theo cách nói trong kinh doanh, họ sẽ “sở hữu” nó.

Một kế hoạch toàn diện là rất cần thiết cho công việc này – có thể là ít nhất chín người cho một nhóm công nghệ thay vì như trước kia là hai đến năm người cùng làm việc với nhau. Và thay vì chỉ có một loại nghề nghiệp, bây giờ có đến ba. Chuyên viên phát triển, ở Microsoft được hiểu là kỹ sư thiết kế phần mềm, vẫn là trụ cột của công ty và cần phải tuyển thêm rất nhiều. Trung tâm mới này còn cần đến các kỹ sư kiểm thử – thường là những người ít kinh nghiệm hơn – họ sẽ hoàn thành các mã theo đúng tiêu chuẩn. Cuối cùng là cần đến các giám đốc chương trình để tập hợp và quan sát các nhóm đảm bảo sản xuất một sản phẩm chuyên nghiệp sẽ được tích hợp hoàn toàn vào Internet Explore, Outlook hay một số trình ứng dụng khác, để sau đó chuyển đến nhóm kinh doanh ở Redmond.

Các giám đốc chương trình – theo cách nói của Microsoft phải là người có kinh nghiệm về các hệ điều hành của Microsoft. Một số nhân viên kỳ cựu cũng cần lãnh đạo các nhân viên trong hai lĩnh vực khác. Những người có kinh nghiệm này hầu hết được tuyển chọn từ Redmond. Tuy nhiên, tất cả những người còn lại đều được tuyển dụng ở Trung Quốc. Cần phải nhanh chóng tiếp tục kỳ tuyển dụng vào mùa thu, khi những sinh viên đại học xuất sắc nhất vừa tốt nghiệp đang tìm việc.

Bin Lin nói: “Tôi là nhà tuyển dụng chính. Trở lại tháng 7 hay tháng 8, đó chính là điều đầu tiên mà tôi nghĩ đến trước khi chúng tôi thông báo chính thức. Có thể nói 95% thời gian của tôi là dành cho việc tuyển dụng.” Cùng làm việc này với ông là HongJiang Zhang và Eric Chang – đứng đầu nhóm nghiên cứu ngôn ngữ.

Ba người đã có những chuyến đi đến Seattle để thuyết phục một số nhân viên trong số hơn 2.000 nhân viên người Hoa ở Microsoft về Bắc Kinh. Ở Trung Quốc, họ đã tới thăm tất cả các trường đại học hàng đầu về khoa học máy tính và kỹ thuật để thông báo về trung tâm mới này. Họ cũng nhận được sự giúp đỡ từ phòng nhân lực thuộc bộ phận kinh doanh của Microsoft ở Trung Quốc. Phòng này đã thuê các cố vấn tuyển dụng và quảng cáo ở hầu hết các tạp chí chuyên ngành.

Mặc dù họ đã thành công trong việc tuyển được những chuyên viên phát triển và các giám đốc chương trình đầy kinh nghiệm từ Redmond thì ở Trung Quốc, sự phản ứng đã cuốn tất cả mọi người theo. Hàng ngàn hồ sơ được gửi về trung tâm nghiên cứu. Để sàng lọc các ứng viên, nhóm của Bin Lin bắt đầu thực hiện bài kiểm tra viết ở 11 thành phố trên khắp đất nước Trung Quốc – từ đó họ chọn ra được 250 người vào vòng phỏng vấn. Trong số những người này, họ sẽ chọn ra khoảng 50-70 nhân viên mới.

Vì sự quan tâm đối với trung tâm mới này lớn đến nỗi các ứng viên bắt đầu đăng những kinh nghiệm của họ trên một tập san nổi tiếng về máy tính do sinh viên trường Đại học Thanh Hoa điều hành. Một số ứng viên chia sẻ bí quyết phỏng vấn, một số khác lại bàn về chiến lược hoặc chỉ đưa ra những cảm tưởng của mình về quá trình tuyển dụng.

Microsoft chính thức thông báo Trung tâm Công nghệ cao được thành lập vào tháng 11 trong một buổi lễ long trọng tại Khách sạn St. Regis ở trung tâm thương mại Bắc Kinh – bên cạnh buổi lễ kỷ niệm 5 năm của Trung tâm. Theo các nhân viên, trung tâm phát triển mới và trung tâm nghiên cứu cũ bổ sung cho nhau thật tốt đẹp. Trong tiếng phổ thông, những ký tự viết thành tên của Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Châu Á dịch theo nghĩa đen thành Trung tâm Khoa học Microsoft và ATC được dịch thành Trung tâm Kỹ thuật. Ngay cả cái tên cũng báo hiệu về sự lớn mạnh của Trung tâm từ một tổ chức nghiên cứu cơ bản và thành lập ý tưởng đến một tổ chức chuyên thực hiện những ý tưởng này thành các sản phẩm hữu hình. Và có lẽ điều quan trọng hơn, tên tiếng Trung của MSRA và ATC được cố tình đặt như vậy cho phù hợp với tên của hai học viện lớn nhất Trung Quốc: Viện Khoa học Trung Quốc, thành lập năm 1949 và Viện Kỹ thuật Trung Quốc, thành lập năm 1994. Sự kính trọng này không phải là không mang lại kết quả. Jian Song, từng là Chủ tịch của Viện Kỹ thuật, đã có lần khen ngợi các lãnh đạo công ty về sự lựa chọn tên: “Tôi thấy rằng Microsoft cũng học được rất nhiều từ Trung Quốc!”

So với các lãnh đạo cao cấp khác của Trung tâm, HongJiang là người thực tế và thân thiện hơn. Ông lớn lên ở một nơi có nền nông nghiệp trù phú ‒ tỉnh Hà Nam gần miền trung của đất nước – giống với bang Kansan ở nước Mỹ. Và không giống với Ya -Qin, Kai- Fu Lee hay Harry Shum, ông chưa từng học ở một trường đại học danh tiếng nào và cũng chưa bao giờ là một tài năng trẻ. Thật vậy, ông đã nhận bằng tốt nghiệp kỹ thuật điện ở trường Đại học Trịnh Châu, một trường mà ông hay gọi là “trường hạng ba”, gần với quê ông ở Diệp Huyền. Ông đã chọn học ở trường này vì có mục đích nhất định. Cuộc Cách mạng Văn hóa kết thúc khi ông mới học hết trung học vào năm 1976 – và HongJiang thuộc khóa đầu tiên tổ chức kỳ thi vào đại học ở Trung Quốc trong vòng mười năm. Số lượng thí sinh vô cùng lớn, ông tính là để vào được một trong những trường danh tiếng nhất thì phải cạnh tranh với rất nhiều người. HongJiang và anh trai ông đã trở thành hai trong sáu thí sinh từ khu vực Diệp Huyền vượt qua kỳ thi đại học năm đó.
Mặc dù xuất sắc hơn về kỹ thuật điện ở Trịnh Châu, ông lại tiếp tục đi theo một con đường khác với những đồng nghiệp tương lai ở Microsoft. Thay vì sang Mỹ để tiếp tục học tập ở những nơi như MIT hay CMU, HongJiang nhận học bổng của chính phủ Trung Quốc sang học tiếp tiến sĩ ở Đại học Kỹ thuật Đan Mạch. Sau đó, ông làm giảng viên Viện Khoa học Hệ thống ở trường Đại học Quốc gia Singapore. Giữa những năm 1990, ông chuyển sang Viện Nghiên cứu HP ở Palo Alto với cương vị giám đốc trong bốn năm, cho đến khi chuyển sang Microsoft vào đầu năm 1999.

Tuy nhiên, với một lý lịch khiêm tốn như vậy, ông vẫn là một ngôi sao. Giờ đây, vào cuối năm 2003, HongJiang đang trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp. Ông đã đạt được mười bằng sáng chế của Mỹ. Thêm nữa, HongJiang là tác giả hoặc đồng tác giả của khoảng 300 bài thuyết trình được đánh giá chéo. Ông đứng đầu những dự án nghiên cứu quan trọng về tìm kiếm và phục hồi thông tin – là chìa khóa cho cuộc chiến với đối thủ Google. Thật vậy, ba trong số các dự án của ông là “những bộ phận quan trọng” của ATC, đang được phát triển thành sản phẩm thương mại. Chỉ vài tuần trước, ông là hội viên của IEEE (Học viện kỹ nghệ Điện và Điện tử) ở Mỹ (một danh hiệu mà Kai- Fu Lee và Ya -Qin Zhang đã nhận được). Đó là bốn năm bận rộn và đến giờ ông đã sẵn sàng để nghỉ ngơi.

Từ bàn làm việc, HongJiang quan sát Ya- Qin ngồi xuống ngang với ông. Trước kia, Ya-Qin nói rằng có 10% cơ hội là ông sẽ được chuyển đến Redmond để điều hành nhóm sản phẩm, giống như Kai -Fu Lee. Giờ đây, bạn ông nhắc lại cuộc nói chuyện đó và đùa: “Ồ, nhân tiện, 10% đó đã trở thành 100%”.
Phản ứng đầu tiên của HongJiang là cảm giác buồn bã khi người đồng đội hơn bốn năm chuẩn bị ra đi. Rồi cảm xúc ấy lại chuyển thành một cú sốc khi Ya – Qin nói ông sẽ là người tiếp quản ATC. HongJiang nhắc lại: “Tôi hỏi tại sao và ông nói, hãy xem các dự án của ATC và một nửa trong số đó là của cậu.” Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, HongJiang là một trong những nhân viên cao cấp và được tôn trọng nhất mà Microsoft có ở Bắc Kinh, ông có kinh nghiệm về cả công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Vậy thì ai có thể phù hợp hơn cho vị trí này?

Rick Rashid cũng ủng hộ việc này. Ông nói với HongJiang trong một cuộc điện thoại sau đó vài ngày: “Đây là một công việc khó khăn nhưng chúng tôi tin anh có thể làm tốt mọi thứ.” Sau đó, HongJiang cảm thấy ông không thể từ chối được nữa và kế hoạch nghỉ ngơi của ông cũng không còn. Ông nhắc lại: “Tôi có cảm giác điều này giống như một sự khởi đầu mới.” Một chuyên gia tuyển dụng vừa mời ông thành lập một trung tâm nghiên cứu mới ở Bắc Kinh cho HP – và ông đã từ chối. Ông nói: “Tôi không muốn đi. Chỉ vì tôi không muốn phải bắt đầu một lần nữa.”

HongJiang Zhang tự tin đứng trước cửa phòng họp lớn ở tầng sáu của Trung tâm nghiên cứu Microsoft Châu Á (MSRA). Đó là ngày 10 tháng 11 năm 2004, chưa đầy một năm sau khi ông ở vị trí lãnh đạo của ATC. Rất nhiều nhân viên và thành viên Ban Tư vấn Kỹ thuật của Trung tâm Bắc Kinh tham dự cuộc họp cấp cao hàng năm của Trung tâm, cùng với hội nghị Tin học thế kỷ XXI hàng năm đã diễn ra ngày hôm trước tại trường Đại học Thanh Hoa và sẽ tiếp tục tại Thành Đô vào chiều ngày hôm sau.

Nhân dịp này còn diễn ra lễ kỷ niệm đầu tiên của ATC. Để ghi nhớ sự kiện này, HongJiang giới thiệu một vài nhân sự chủ chốt, trong đó có Bin Lin và Eric Chang, cả hai đã có công rất lớn trong công tác tuyển dụng: Bin Lin giữ vai trò giám đốc kỹ thuật của ATC, trong khi Chang là trợ lý giám đốc điều hành. Sau đó, HongJiang Zhang tóm tắt ngắn gọn lịch sử và nhiệm vụ của ATC. Ông phát biểu trước toàn bộ ban tư vấn: “Tất cả những gì chúng ta đã làm ra đều được kiểm tra toàn diện. Rick đã nói rất rõ ràng rằng chúng ta cần phải được khách hàng hài lòng đến 100%.” Theo ông, chỉ đến khi đó ATC mới nhận được nguồn tài trợ cho các dự án và thành lập các kênh cung cấp của Microsoft tới Châu Á và xa hơn nữa.

Kết thúc năm đầu tiên của ATC, ông phấn khởi tuyên bố trung tâm đã vượt quá mọi sự mong đợi. Về cá nhân mình, HongJiang thừa nhận là trong năm vừa qua mọi thứ thật “lộn xộn”, khi việc tuyển dụng tiếp tục với tốc độ đáng kinh ngạc. Ông cũng lo lắng không biết đến bao giờ nhóm sản xuất mới thật sự hỗ trợ ATC. Ông đã sang Redmond nhiều lần để gặp các phó chủ tịch và các nhà quản lý chủ chốt nhằm nói rõ hơn về trung tâm mới này. Ya – Qin Zhang đã giúp đưa ra những lời giới thiệu quan trọng, cả nhóm của ông và nhóm của Kai-Fu Lee đều đã hỗ trợ kịp thời cho trung tâm bằng việc tài trợ cho các dự án không nằm trong bản danh sách trước kia của ATC.

Nhưng đến giờ thì mọi thứ đều ủng hộ ông. Trung tâm vừa mới tuyển nhân viên thứ 101 và 102, cộng với khoảng 30 nhà thầu chịu trách nhiệm kiểm thử sản phẩm, 11 người là nhân sự cao cấp được điều đến từ các nhóm phát triển khác nhau của Microsoft ở Redmond. Hầu hết những người còn lại được tuyển từ các trường đại học ở Trung Quốc. HongJiang và các đồng nghiệp của ông đã có hơn 20 chuyến đi tuyển dụng tới các trường. Trong năm đầu tiên, ATC đã nhận được khoảng 30 nghìn hồ sơ xin việc, tính cả 10 nghìn đơn trong sáu tuần cuối cùng.

Khoảng 30 ứng viên tới Trung tâm mỗi tuần để phỏng vấn.

Đây chính là kết quả tốt nhất của vụ thu hoạch ở Trung Quốc. Một tỷ lệ đáng kể nhân viên có bằng thạc sĩ. Hầu hết đều đến từ 15 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và gần như một nửa số đó nằm trong số 5% sinh viên xuất sắc nhất lớp, 90% đứng trong số 20% sinh viên xuất sắc nhất. HongJiang đã nói với Ban Tư vấn Kỹ thuật rằng rất nhiều nhân viên mới của ATC đã đoạt giải lập trình của cuộc thi Olympic và các cuộc thi khác. Ông nói: “Nếu như nhìn vào nguồn nhân tài thì anh sẽ thật sự thấy bị tràn ngập bởi hàng trăm nhân tài ở Trung Quốc.”

HongJiang thừa nhận rằng khởi đầu một tổ chức mới và tuyển dụng nhiều nhân viên mới không phải là chuyện dễ dàng. Cũng giống như bên nghiên cứu của Trung tâm, các giám đốc có kinh nghiệm mất rất nhiều thời gian giúp nhân viên mới làm quen với các quy trình ở Microsoft và giảng dạy thêm cho các nhân viên quản lý trong tương lai – nhưng giờ đây thay vì dạy họ phải tư duy độc lập và đưa ra sáng kiến của riêng mình, các giám đốc phải dạy họ biết cách làm việc theo nhóm và các chu kỳ phát triển. Ông giải thích: “Làm sao anh có thể theo kịp, làm sao anh có thể làm việc cùng với một nhóm cách anh đến 16 múi giờ, phải theo trong suốt quá trình thực hiện?”

Nhưng dù sao mọi việc cũng trôi chảy. ATC đã vô cùng bận rộn với các dự án cho gần như tất cả các nhóm kinh doanh của Microsoft và đến giữa năm 2005 số lượng dự án sẽ lớn gấp đôi. Bảy dự án đầu tiên đã phát triển thành 16 dự án, mỗi dự án gồm có hàng loạt tính năng hay những yếu tố công nghệ được hình thành tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh.
Một trong bảy dự án đầu tiên – một công cụ mô phỏng của máy tính thử nghiệm công nghệ mạng không dây – đã được chuyển giao sang nhóm phát triển sản phẩm Windows và đang được điều chỉnh cho thích ứng với nền tảng CE – phiên bản Windows cho các thiết bị điện tử tiêu dùng di động. Công nghệ đầu tiên đưa dự án từ phòng nghiên cứu đến một sản phẩm thương mại là tính năng sửa video, giúp cho công việc tóm tắt thể thao và điểm tin hay nén một đoạn video dài một giờ còn 5 phút dễ dàng hơn. Phần mềm đã được chuyển đến Redmond và sẽ nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn trong Moviemaker phiên bản 2.1, một phần hệ thống điều hành của Windows XP. Windows XP Media Center Edition 2005, một phiên bản của Windows XP nhằm đưa Microsoft thành một “ông lớn” trong lĩnh vực giải trí gia đình, cũng có những công nghệ do Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh tạo ra và do ATC phát triển thành sản phẩm. Những tính năng này bao gồm trình xử lý hình ảnh tự động với ảnh kỹ thuật số, cũng như chức năng tự động xác định vùng trung tâm của một bức ảnh và đánh dấu những vùng có thể bị cắt bỏ.

Không có công nghệ nào trong số đó có thể làm rung chuyển thế giới – nhưng mục tiêu của công nghệ phát triển phần mềm là tạo ra các tính năng bổ sung tuyệt vời giúp trình ứng dụng duy trì sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các dự án lớn hơn đang chuẩn bị nhằm vào những lĩnh vực chủ yếu mới phát triển cho công ty. Theo HongJiang báo cáo, ATC đã phát triển một bộ công nghệ để kết hợp với “Magneto”, tên mã hệ điều hành Windows Mobile chuẩn bị được tung ra do nhóm của Ya-Qin Zhang ở Redmond phát triển. Thị trường không dây là một đấu trường kinh doanh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Microsoft và tập đoàn này hăng hái đưa ra các hệ điều hành để cạnh tranh với PDAs và các nhà sản xuất điện thoại không dây – đặc biệt là Nokia và Palm. Trong lúc ấy, Kai -Fu Lee đột ngột tăng tiền tài trợ trước cho sản phẩm đọc ăn bản, khi hiện giờ ATC đang phát triển phần mềm này và rất nhiều thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh và tiếng Trung phổ thông – điều này đặc biệt quan trọng để sản phẩm của Microsoft thật sự được yêu thích trên toàn cầu. Không cần đến hai năm, bộ máy đồ họa một trong bảy dự án đầu tiên, đang được trông đợi để tích hợp toàn diện vào phần mềm Windows Vista.

HongJiang phát biểu với Ban Tư vấn rằng ATC đã tuyển 50 nhân viên chuyên về công nghệ tìm kiếm cho MSN. Đây là lĩnh vực tự hào của vị giám đốc trung tâm, người đã khởi đầu các nghiên cứu về việc tìm kiếm và dự án khôi phục thông tin cho Trung tâm. Sau đó, ông giới thiệu trưởng nhóm phát triển Baogang và giám đốc nghiên cứu Wei Ying Ma, người sẽ chỉ dẫn tường tận về những dự án liên quan đến việc tìm kiếm tiếp theo đó.

Và dự án cuối cùng, với tên mã là Windsor, đã được phát triển ngay từ đầu quá trình chuyển giao của ATC, cho dù không được lên danh sách trong bảy dự án đầu tiên. Dự án này liên quan đến giao diện bút tưởng tượng trong điện toán – biến đổi thế giới công nghệ analog và công nghệ số theo một cách mà bàn phím không làm được. Ngay cả Bill Gates cũng rất ủng hộ dự án này.

Nhưng hai năm vừa qua vẫn có những thiếu sót trong phần mềm Windsor. Trong lúc ấy, nó đã phát triển được một số nhánh quan trọng, trong đó có một công nghệ trung tâm đối với dự án Tablet PC của Microsoft. Quan trọng hơn là nhà sáng chế đằng sau dự án – Jian Wang đã chỉ ra những điều mà Trung tâm đang cố gắng – một tương lai mà những công ty tốt nhất có thể thâm nhập vào bất cứ một quốc gia nào trên thế giới để khuyến khích những tài năng trẻ ở đó.

Nếu không, nhân tài sẽ không thể được toàn thế giới biết đến.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.