Guanxi Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh

5. Đế chế Ya-Qin



Tháng 8 năm 2000 – Tháng 7 năm 2001

Châu Á là thị trường và cũng là nguồn tài lực. Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh đã trở thành một trung tâm chuyên môn của Microsoft.

—YA-QIN ZHANG

Tháng 7 năm 2001, trong khi ở Bắc Kinh thời tiết oi ả, nóng bức, độ ẩm cao và có bão cát, thì ở Côn Minh, thời tiết mát mẻ và dễ chịu với khí hậu cận nhiệt, quanh năm là mùa xuân. Đây là thủ phủ của tỉnh Vân Nam, nằm phía tây nam Trung Quốc, cách Bắc Kinh ba giờ bay và là điểm du lịch hàng đầu nhờ có sức cuốn hút tự nhiên và hoa cỏ tươi tốt quanh năm. Đứng trên cao nguyên rộng lớn cao 1.893m so với mặt nước biển, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của núi non hùng vĩ, phía nam là hồ Điền Trì. Điểm du lịch nổi tiếng ở đây là Thạch Lâm.

Đây là địa điểm du lịch tuyệt vời với Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh. Những cuộc vui chơi lần trước đều tổ chức xung quanh Bắc Kinh. Lần này, cả Trung tâm cùng du ngoạn trên hai chiếc máy bay phản lực thương mại. Số thành viên trong chuyến đi này chính xác là 108 người. Con số này có một ý nghĩa quan trọng, gắn liền với Thủy Hử – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc hồi thế kỷ XIV kể về 108 vị anh hùng cùng tụ tập trên núi bí mật tiến hành cuộc chiến chống lại triều đình bạo ngược. Các nhà nghiên cứu nói đùa rằng họ có thể đóng vai trò này khi đến Côn Minh – vạch ra một kế hoạch tấn công toàn diện giúp Microsoft chiến thắng tại cuộc chiến tin học trong tương lai. Đêm đầu tiên, họ vừa ăn tối vừa xem kịch Vân Nam.

Sáng hôm sau, trong phòng khiêu vũ của Jia Hua Côn Minh, một trong những khách sạn tốt nhất ở đây, Ya- Qin Zhang đứng trên sân khấu lớn để điều hành cuộc họp. Đã gần một năm trôi qua từ khi Kai- Fu Lee ra đi, Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Trung Quốc đã khẳng định được uy tín của một trung tâm nghiên cứu. Là giám đốc mới của Trung tâm, Zhang vẫn luôn nhớ lại cảm giác cô đơn sau ngày Lee rời Trung tâm, khi lần đầu tiên ông ngồi một mình trong văn phòng cũ của bạn mình. Từ đó, tất cả các thành viên trong Trung tâm coi nhau như người một nhà. Giờ đây, Trung tâm đã phát triển hơn nhưng mọi người lại xa cách hơn, xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới.

Tuy trong trang phục thường ngày nhưng Zhang vẫn toát ra vẻ tự tin lịch lãm. Ông đã đưa ra ba thử thách mà Trung tâm phải đối mặt trong lúc này. Đầu tiên là sự khác biệt về địa lý và văn hóa so với trụ sở chính ở Redmond – có nghĩa là họ luôn phải nỗ lực để không bị cách ly khỏi tập đoàn. Thứ hai là về việc mở rộng quy mô. Tất cả những nhà nghiên cứu trẻ đều rất tài năng và chăm chỉ, họ cần được đào tạo cẩn thận và kỹ càng hơn nhưng việc này ngày càng khó khi cấp bậc của họ ngày càng cao. Và thách thức thứ ba, một thách thức đối với tất cả trung tâm nghiên cứu của mọi công ty – không kể quy mô hay vị trí địa lý là luôn đảm bảo những nghiên cứu của Trung tâm phải liên quan tới sản phẩm trong tương lai của công ty. Nhưng yêu cầu kinh doanh đầu tiên của Zhang để giải quyết những thách thức trước mắt là luôn phải giữ được mối liên kết giữa các nhân viên trong Trung tâm. Ông cảm thấy cuộc bàn luận này là một cơ hội tốt để đoàn kết tất cả mọi người.

Zhang luôn thích phép suy tưởng. “Hãy tưởng tượng Trung tâm là một chiếc xe”, ông bắt đầu nói, đưa ra hình ảnh chiếc ôtô màu đỏ bóng loáng. “Các thành viên nghiên cứu giống như động cơ của nó. Chính các bạn làm nó chạy. Nhóm điều hành lái chiếc xe đó.” Chiếc xe hơi hoạt hình bắt đầu chạy về phía trước. “Bộ phận PR là còi xe”, ông tiếp tục nói, chỉ vào hình chiếc còi lớn trên màn ảnh. Từ đây, các thành viên của trung tâm đều gọi trưởng phòng PR Sheila Shang là da la ba, có nghĩa là “chiếc còi lớn”. Kết thúc phần suy tưởng, Zhang giải thích rằng bốn chiếc bánh xe tượng trưng cho quá trình chuyển giao công nghệ, mối quan hệ với các trường đại học, phát triển phần mềm và các nhân viên hỗ trợ. Nếu bất kỳ một chiếc bánh xe nào bị hỏng, chiếc xe sẽ không thể đi được. Bằng cách này, ông đã “lái” sang ý tưởng rằng công việc của mỗi người đều rất cần thiết cho hoạt động của Trung tâm.

Tiếp đó, Zhang chuyển sang chủ đề bao quát hơn về chuyến đi này: tác động đến công ty. Ông đưa ra một số ví dụ về lợi nhuận hàng quý và dòng sản phẩm cũng như tóm tắt những gì ông và các nhà lãnh đạo xác định là mục tiêu chính của Trung tâm. Đầu tiên là nâng cao tính nghệ thuật trong khoa học máy tính. Thứ hai là trở thành một vườn ươm của công nghệ. Và thứ ba, là cơ quan tham mưu giúp công ty thực hiện chiến lược trong 5- 10 năm. Những mục tiêu này không phải là mới – họ đã thảo luận nhiều lần, từ phòng điều hành ở Redmon cho đến Dragon Villa. Tuy nhiên, cả Trung tâm, đặc biệt là những thành viên mới vẫn cần phải nghe lại những mục tiêu đó. Điểm mới ở đây là Zhang đã nhấn mạnh vào việc làm thế nào xóa bỏ được khoảng cách giữa nghiên cứu và sản phẩm. Ông gọi đó là “tìm kiếm ngôi nhà của bạn”. Như ông đã giải thích: “Chúng ta nên đặt mình vào vị trí một người sở hữu chiến lược phát triển. Hãy cho tôi biết, nếu như việc nghiên cứu của các bạn thành công, thì đâu sẽ là nhà bạn? Sản phẩm nghiên cứu của bạn sẽ được chuyển cho nhóm kinh doanh nào? Và đối tác bạn muốn làm ăn cùng là ai?”

Những câu hỏi đã ảnh hưởng đến rất nhiều nhà nghiên cứu. Có lẽ đây là lần đầu tiên một số người nhận ra mục tiêu kinh doanh của mình. Nhưng một số khác lại cảm thấy nản lòng, vì công tác nghiên cứu của họ quá xa để có thể trở thành sản phẩm. Trong trường hợp này, Zhang động viên họ nên nghĩ thông suốt và cùng bàn luận, đưa ra phương án với các trưởng nhóm nghiên cứu. Ông nói, nếu như một dự án có đủ sức hấp dẫn thì nó sẽ tạo ra một lĩnh vực mới và một sản phẩm trước đây chưa từng tồn tại. Và nếu dự án đủ cuốn hút thì cần phải tập trung vào điểm nhấn của dự án. Với Zhang, mọi vấn đề đều như một cơ hội và đều có thể giải quyết được. Ông luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan. Nhiều năm sau, các nhân viên của Trung tâm vẫn nhớ slide cuối cùng trong bài thuyết trình của ông, trên đó viết: “Điều tốt nhất vẫn ở phía trước.”

Để đi sâu vào những chi tiết cần thiết trong việc thực hiện tầm nhìn chiến lược của mình, Zhang chuyển các vấn đề cho giám đốc quản trị hỗ trợ Harry Shum và HongJiang Zhang – tiếp tục trình bày về những điểm tốt và xấu của một nhà nghiên cứu. Shum, chuyên gia về đồ họa và hình ảnh, nói về những điểm tốt – làm sao để trở thành một nhà nghiên cứu hàng đầu: cách chọn đề tài hợp lý, giải quyết vấn đề, viết nghiên cứu khoa học và nhiều thứ tương tự. Ấn tượng nhất là ông đã đưa ra những quan điểm của mình bằng đồ thị, đồ họa và phần thuyết minh sống động như thể ông đang trình bày một công trình nghiên cứu vậy.

HongJiang Zhang nói tiếp về điểm xấu. Trông ông có vẻ già dặn và nghiêm khắc hơn so với Harry Shum và Ya-Qin Zhang. Bài thuyết trình của ông nói về cách tiến hành nghiên cứu chuyên nghiệp thậm chí cả về vệ sinh nơi làm việc nữa. Một số nhân viên nghiên cứu còn gọi đó là thói quen của “những đứa trẻ hư”: rửa tay sau khi vào nhà vệ sinh, tắm thường xuyên, không ngủ gật nơi công cộng, tôn trọng các đồng nghiệp; có trách nhiệm với dự án nghiên cứu. Nghe có vẻ bình thường, nhưng đây chính là những điều cần phải đào tạo cho các trợ lý nghiên cứu trẻ. Khoảng một năm trước, Lee đã đề cập những thiếu sót này, ông viết bức thư mở gây chấn động giới sinh viên Trung Quốc. Thực tế đã có một số chuyển biến so với trước đây, tuy nhiên nhiều nhân viên trẻ vẫn thiếu tính gương mẫu về hành vi ở nơi làm việc, chẳng hạn như trong công tác nghiên cứu và hợp tác với dự án. Trong khi phòng nghiên cứu luôn rộng mở và các nhà nghiên cứu có thể tự do làm việc bất cứ lúc nào họ muốn, những nguyên tắc bắt buộc về sự đúng mực và đạo đức là rất cần thiết.
Khi nhìn các quyền trợ lý của mình, Lee thấy những thách thức đè nặng lên vai mình trước đây đang chuyển sang Ya -Qin Zhang. Zhang đang suy nghĩ xem nguồn trí lực cần thay đổi như thế nào để Trung tâm trở thành một trung tâm nghiên cứu tầm quốc tế. Ông cũng suy nghĩ làm thế nào để Trung tâm trở thành một trung tâm chuyên môn của Microsoft ở châu Á – và cuối cùng là Trung tâm phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo tương lai của tập đoàn trên toàn thế giới. Dù hiểu rõ tình hình như vậy nhưng Zhang không thật sự cảm thấy lo lắng. Ông tuyệt đối tin tưởng vào những gì mà Trung tâm có thể đạt được. Sự chắc chắn của ông có được là do kinh nghiệm bản thân. Trong những hoàn cảnh bất lợi, ông vẫn luôn tìm thấy thành công.

Ya -Qin Zhang sinh vào tháng 1 năm 1966. Quê ông ở Thái Nguyên, thủ phủ của Sơn Tây – một tỉnh giàu tài nguyên than, nằm trên một bình nguyên rộng lớn, cách Bắc Kinh 400km về phía tây nam. Cha ông mất năm ông mới 5 tuổi. Mẹ của Ya- Qin, Juan-Zhang Bi, đã một mình nuôi đứa con trai duy nhất.

Khi Ya-Qin mới 6 tuổi, mẹ ông đã gửi ông đến sống với người bà ở Yuncheng, một thị trấn nhỏ ở phía nam tỉnh Sơn Tây. Trong suốt mấy năm sau đó, ông phải đến sống ở nhà họ hàng tại rất nhiều thành phố như Bắc Kinh, Tây An, và cuối cùng là trở lại Thái Nguyên khi ông 11 tuổi. Những trải nghiệm đó đã dạy Ya-Qin biết thích nghi và sống độc lập.
Cậu thanh niên Zhang trẻ tuổi cũng chứng minh rằng mình là một sinh viên tài năng. Hầu hết mọi người đều cho cậu là thiên tài. Ông đã bỏ qua tổng cộng 5 năm học ở trường tiểu học và trung học. Nhưng cho đến nay, ông lại khiêm tốn nói tất cả đều là do may mắn và nhờ có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Ông nhớ lại: “Mỗi khi tôi chuyển sang một thành phố khác, thì đó lại là giữa năm học, thế là tôi hoặc phải học vượt lớp, hoặc là ở lại lớp. Thế là tôi cứ lỡ mãi thôi.”

Năm 1978, 12 tuổi, Zhang trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất nước được ghi tên vào chương trình năng khiếu của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tiếng tăm ở Hợp Phì, phía tây Nam Kinh. Nhưng ông không phải là một con mọt sách. Ông cũng có nhiều sở thích khác, từ trò chơi chiến lược châu Á “Go” cho đến nghệ thuật sơn dầu cổ điển. Hứng thú với tất cả các ngành khoa học kỹ thuật và phân vân không biết chọn toán học hay kỹ thuật điện tử, ông đã dùng biện pháp… tung đồng xu để đưa ra quyết định cuối cùng là môn khoa học điện tử Zhang tốt nghiệp đại học với tấm bằng ưu rồi hoàn thành khóa học thạc sĩ.

Mùa thu năm 1986, Zhang chuyển đến Washington để theo đuổi khóa học tiến sĩ kỹ thuật điện tử tại trường Đại học George Washington. Ông đã từ chối học tại MIT và Princeton để nắm lấy cơ hội được làm việc với Raymond Pickholtz, một chuyên gia nổi tiếng về truyền thông và cũng là người tiên phong trong phân tích sóng âm – hiện nay là một phần không thể thiếu được trong tiêu chuẩn CDMA cho truyền thông không dây. Ngay lần đầu, Pickholtz đã khẳng định rằng chàng trai đặc biệt – “sáng dạ, chăm chỉ và rất thận trọng”. Ngày thứ hai, Pickholtz đưa cho cậu sinh viên mới tám cuốn sách và rất nhiều báo để đọc. Chỉ một tuần sau, Zhang quay lại văn phòng và mượn thêm sách. Từ đó, Pickholtz đưa cho cậu sinh viên này rất nhiều tài liệu về vấn đề kỹ thuật và các vấn đề khác; Zhang sẽ mất tích trong vài ngày và đến khi quay lại, cậu lại đưa ra một cái gì đó mới – những lời nhận xét, phê bình, ý kiến và những kết quả đạt được. Pickholtz nhanh chóng chọn cậu là một trong hai người được tài trợ nghiên cứu, một người phát triển an ninh truyền thông vệ tinh, người kia xây dựng cơ sở dữ liệu mạng và khôi phục hình ảnh y tế.

Một hôm Zhang không có mặt trong một buổi họp, Pickholtz rất lo lắng. Thực ra Zhang đang nằm trong bệnh viện vì bị chảy máu dạ dày vì tại phòng thí nghiệm, cậu chỉ ăn đồ linh tinh và uống coca, làm việc suốt ngày và ngủ rất ít. Pickholtz nói: “Tôi đã rất bực mình với cậu ta và bắt đầu quản lý các bữa ăn cũng như đảm bảo giờ giấc nghỉ ngơi của cậu ta.” Đó là sự khởi đầu cho một mối quan hệ hợp tác và cũng là quan hệ bạn bè lâu dài và gần gũi. Với bản nghiên cứu luận án, Zhang giành điểm tối đa trong các kỳ thi điều kiện và kết thúc khóa học tiến sĩ năm 1989. Pickholtz thổ lộ: “Từ trước tới nay, Ya-Qin là sinh viên xuất sắc nhất mà tôi từng có. Tôi có thể gọi cậu ta là kho báu của nhân loại.”

Trong công việc, Ya- Qin cũng chưa bao giờ bước chậm lại. Công việc đầu tiên của ông là nghiên cứu công nghệ viễn thông tại Tập đoàn Contel và Phòng thí nghiệm GTE ở Waltham, Massachusett. Năm 1994, ông chuyển sang bộ phân nghiên cứu và phát triển Sarnoff (tên cũ là Phòng thí nghiệm RCA) ở Princeton. Ở đây, ông thăng tiến nhanh chóng, trở thành người quản lý phòng thí nghiệm công nghệ đa phương tiện với 50 nhân viên nghiên cứu, trong số họ có rất nhiều người nổi tiếng. Nhóm của Zhang được biết đến nhiều nhất với các công trình mã hóa truyền thông đa phương tiện và thông tin, góp phần không nhỏ vào tiêu chuẩn quốc tế MPEG-4 và MPEG-2 được dùng phổ biến cho nén dữ liệu âm thanh và hình ảnh cũng như tiêu chuẩn Hoa Kỳ cho HDTV. Năm 1998, Zhang là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về truyền hình số, video và truyền thông – đã đoạt gần như tất cả các giải thưởng trong lĩnh vực của ông.

Mùa thu năm đó, chỉ vài tuần trước buổi lễ khai trương của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, từ Bắc Kinh, Kai-Fu Lee đã gọi điện mời Zhang gia nhập Trung tâm. Zhang nhớ lại: “Kai-Fu nói rất thuyết phục và đầy lý lẽ. Ông đã hấp dẫn tôi bằng chính tương lai của Trung tâm. Ông nói: ‘Đó là một thách thức khi khởi đầu một trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc. Điều này chưa từng có trước đây. Anh có thể làm nên lịch sử.’” Sau khi gặp Rick Rashid và Dan Ling ở Redmond, đồng thời thuyết phục được Harry Shum và những người phỏng vấn khác trong buổi gặp ở bữa tối, Zhang quyết định sẽ mạo hiểm.

Quyết định của ông khiến rất nhiều người ở Sarnoff và cộng đồng nghiên cứu về truyền thông đa phương tiện ở đó phải sửng sốt. Zhang nói: “Mọi người rất ngạc nhiên khi tôi quyết định sẽ quay trở lại Trung Quốc. Hồi đó, điều này không bình thường cho lắm. Ngày nay, mọi người suy nghĩ tiến bộ hơn nhiều.” Các đồng nghiệp người Mỹ của ông còn thắc mắc một điều khác: chưa có một tiền lệ nào về một trung tâm nghiên cứu tầm quốc tế trong lĩnh vực của ông ở Trung Quốc. Zhang nói: “Người thầy hướng dẫn của tôi ở Sarnoff và là giám đốc điều hành Jim Carnes đã nói: ‘Tôi hiểu là cậu muốn thay đổi sau 5 năm làm việc ở đây, nhưng trở lại Trung Quốc ư? Cái đó không nằm trong xu hướng phát triển, nhất là để nghiên cứu. Cậu có thể sẽ làm tốt, nhưng cũng có thể cậu sẽ bị lãng quên.’ Rất nhiều người, trong đó có cả vợ tôi nữa, đều có chung mối lo lắng như vậy.”

Nhưng khi Zhang, lúc này đã 32 tuổi quyết định trở lại Bắc Kinh để làm việc cho Microsoft sau 14 năm ở Mỹ, Pickholtz – người thầy cũ của ông là người duy nhất không cảm thấy ngạc nhiên. Pickholtz nói: “Khi còn là sinh viên, cậu đã phải xa người mẹ ở Trung Quốc. Cậu ấy luôn nói rằng muốn quay trở lại Trung Quốc.”

Cho dù ông và gia đình đã phải trải qua nhiều khó khăn, Zhang vẫn luôn khao khát được trở về quê hương để giúp củng cố nền giáo dục đất nước và đào tạo nghiên cứu. Khi được gặp những đồng nghiệp mới xuất sắc ở Trung Quốc – mà đầu tiên là cuộc gặp với người bạn rượu sa-kê Harry Shum tại sân bay Tokyo, ông đã nhận ra rằng về nước là một bước đi đúng đắn.

Mười một tháng trước chuyến nghỉ ở Côn Minh, Zhang đã tập trung xác định những công việc chủ yếu mà một giám đốc trung tâm nghiên cứu như ông phải làm. Đó là thời gian chuyển đổi và điều cần thiết nhất đối với Trung tâm là phải có sự lãnh đạo vững chắc.

Tiếp tục những nỗ lực của Kai-Fu Lee, ông tập trung đưa ra ý tưởng trong hàng loạt buổi nói chuyện và bài luận văn. Nhưng ông vẫn làm theo phong cách riêng của mình.

Nếu Lee thích phép loại suy, Zhang thích các phương trình. Cậu bé thần đồng từng nổi tiếng từ việc sử dụng công thức thuộc các lĩnh vực khác nhau – và một số công thức là từ mình tạo nên – nay đã định hình được lý luận về nghiên cứu và quản lý. Ông đặt những quy tắc của mình vào điều kiện của các phương trình để đưa ra quan điểm với thứ ngôn ngữ đơn giản mà tất cả sinh viên và nhà khoa học đều có thể hiểu. Điều này tượng trưng cho loại “truyền thông low-bit-rate”: truyền đạt những ý tưởng và hình ảnh phức tạp với ít từ ngữ nhất. Thêm nữa, theo ông, nó rất đơn giản. Ông nói: “Cứ vài tháng một lần, thông điệp của Ya -Qin lại được đưa ra trong một bản tin. Tôi cần phải viết cái gì đó.”

Điều hấp dẫn nhất (có người nói là điều hào nhoáng nhất) trong những nguyên tắc mà ông viết ra được gọi là “những phương trình quản lý của Ya- Qin”. Đó là năm “công thức” mà ông cảm thấy mọi người cần phải biết để điều hành một trung tâm nghiên cứu hiệu quả. Một điều quan trọng nữa là thái độ truyền giảng của ông rất khôi hài và gần gũi chứ không hề kiêu ngạo hay có tính hạ mình.

1. IT = IQ + IP. Theo quan điểm của Zhang, để trở thành một người lãnh đạo trong thế giới công nghệ thông tin, cần phải có tài năng thiên bẩm và trí thông minh – nhưng cũng cần phải tôn trọng các luật sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế, những vấn đề rất quan trọng ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã không quản lý được việc sao chép tràn lan các phần mềm của Microsoft. Zhang nhắc đến phương trình này trong các bài thuyết trình trước giới phương tiện thông tin đại chúng và các quan chức chính phủ.

2. E = mc2. Đây là phương trình nổi tiếng của Einstein, liên quan đến năng lượng, khối lượng và tốc độ ánh sáng. Ở đây, phương trình này có nghĩa là một trung tâm nghiên cứu cần phải đạt được khối lượng và tốc độ nhất định để phát huy tối đa tiềm năng và giải phóng năng lượng.
3. Δx Δp > ћ/2. Nguyên lý bất định của Heisenberg. Trong phương trình gốc, vị trí (x) và động lượng (p) của một hạt chỉ có thể được nhận biết trong một dung sai gọi là hằng số Planck (ћ). Đối với Zhang, phương trình này thể hiện sự cân bằng giữa tốc độ và độ chính xác trong hoạt động nghiên cứu. Ông nói: “Nó biểu trưng cho hai kiểu văn hóa. Một là, bạn vô cùng cẩn trọng, chuyển động rất chậm và không bao giờ mắc lỗi. Hai là, bạn chuyển động rất nhanh, chấp nhận rủi ro, nhưng lại mắc lỗi. Đối với Trung tâm, chúng tôi khuyến khích kiểu văn hóa thứ hai. Bởi nếu tất cả mọi thứ đều là thành công thì bạn lại là người thất bại – bạn không dám chấp nhận rủi ro.”

4. S → ∞. Định luật 2 nhiệt động lực học chỉ ra rằng entropy (S) của bất cứ một hệ kín nào – là mức độ hỗn hợp của hệ – sẽ tăng vô hạn. Trong phương trình “song song” của Zhang, ông cho rằng Trung tâm phải luôn mở cửa để nền công nghiệp và giáo dục có thể trao đổi ý tưởng với nhau. Zhang nói: “Nếu một trung tâm nghiên cứu đóng cửa đối với nền văn hóa, chắc chắn nó sẽ thất bại.”

5. 1 + 1 > 3. Phương trình có vẻ vô lý này chỉ ra rằng chỉ hợp tác nghiên cứu khi nó thật sự giá trị. Zhang tin vào các loại hình hợp tác khi nó là điều tự nhiên và quan trọng nhất là khi cái toàn bộ lớn hơn cái tổng số. Ông giải thích: “Nếu một cộng với một mà nhỏ hơn ba thì không có hợp tác, vì luôn có thuế hợp tác. Bạn không nên ép mọi người phải làm việc cùng nhau.”

Báo chí Trung Quốc và các quan chức chính quyền địa phương nhiệt liệt tán đồng “phương trình quản lý của Ya -Qin”. Công thức thành công của ông được in nhiều lần trên các tạp chí kỹ thuật chuyên ngành và báo chí; được lưu truyền trong giới học viện, được các nhà giáo dục và nhà hoạch định chính sách trích dẫn rộng rãi nhằm giúp đất nước vươn lên hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu.

Tuy nhiên, mọi triết lý trên sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có sự xuất sắc về kỹ thuật. Lợi nhuận của Trung tâm là từ hoạt động nghiên cứu – nhằm nâng cao nền khoa học máy tính. Trong vấn đề này, Trung tâm Nghiên cứu Microsoft Trung Quốc đã đạt được những điểm đáng chú ý. Đầu năm 2001, Zhang bắt đầu lên kế hoạch giới thiệu hai hoặc ba sản phẩm mẫu cho Bill G. mỗi năm: các buổi đánh giá sẽ được tiến hành đều đặn giống như các cuộc họp trực tiếp với người đàn ông giàu nhất hành tinh.

Được thúc đẩy bằng sự khởi đầu của Lee, vị giám đốc mới của Trung tâm đưa ra chương trình hoạt động với nhiều tham vọng hơn trước kia. Dưới thời của Lee, công ty đã vượt qua những khó khăn ban đầu để cân bằng các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, và giao tiếp hiệu quả hơn với các nhân viên nghiên cứu trẻ tuổi người Trung Quốc. Đến thời của Zhang, ưu tiên hàng đầu là nguồn tài lực xuất sắc trong công tác nghiên cứu. Zhang đã khẳng định: “Không có sự cảm thông cho những thứ tầm thường.” Để làm rõ, ông đưa ra quy tắc “5/5”. Với quy tắc này, ông đã quy định Trung tâm Bắc Kinh phải giới thiệu được ít nhất là 5% các bài nghiên cứu trên năm tạp chí chuyên ngành hàng đầu và các hội nghị trong lĩnh vực chuyên môn.

Đạt được tiêu chuẩn “5/5” là một điều khó khăn đối với bất cứ một tổ chức nghiên cứu nào; không một trung tâm nghiên cứu công nghệ thông tin nào của Trung Quốc đạt được tiêu chuẩn này. Nhưng cho đến giữa năm 2001, với các giấy chứng nhận và bằng sáng chế trong các lĩnh vực chủ chốt về giao diện lời nói và truyền thông đa phương tiện, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh đã tiến bước trên con đường đi tới thành công.

Lee đã chuyển nhóm chuyên về nhận biết tiếng Trung và chương trình đọc văn bản cho Eric Chang – cử nhân MIT, sinh ra tại Đài Bắc nhưng suốt thời thanh niên ông sống ở BeverlyHills. Giữa năm 1998, Microsoft đã tuyển Chang về từ Hãng Truyền thông Nuance – một hãng mới nổi ở Menlo Park, California đã cung cấp nhiều bộ máy nhận biết giọng nói được đặt riêng cho hệ thống đặt vé tự động trong hàng không. Chưa đầy một năm sau, Lee lại rời Redmond để gia nhập Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh.

Là một con người dẻo dai Chang mang đến Trung tâm một luồng cảm xúc mãnh liệt. Ông nói nhanh, hỏi rất nhiều và dường như biết trước cả những điều bạn định nói – một thiết bị nhận diện giọng nói bằng xương bằng thịt. Ông nhanh chóng nhận ra mình có năng lực trong thế giới ngôn ngữ. Năm 2001, nhóm của ông phát triển một số mẫu thử gồm có một trình duyệt Web cho các thiết bị di động nhập thông tin bằng giọng nói thay vì bằng bàn phím và một phần mềm điều khiển chất lượng xác định giọng nói tổng hợp nghe có tự nhiên không. Cả hai dự án này đều giành được giải thưởng “Best Paper” từ các hội nghị quốc tế có uy tín và giúp những dự án dài hạn của Microsoft xây dựng được giao diện giọng nói dễ sử dụng.

Lĩnh vực riêng của Ya-Qin Zhang, mã hóa và nén truyền thông đa phương tiện, cũng đang trở nên rất mạnh. Lược đồ mã hóa “leo thang” của nhóm ông – đã trình bày trong buổi đánh giá thứ hai của Bill Gates vào hồi tháng sáu năm 2001 – cũng đã giành giải thưởng “Best Paper” của tập san thuộc tổ chức IEEE danh tiếng. Công nghệ này hoạt động tốt với các thiết bị và độ rộng giải tần khác nhau. Vì vậy, theo lý thuyết có thể sử dụng công nghệ này để củng cố mọi thứ từ hội đàm bằng video thông qua điện thoại di động cho đến video qua Internet vào HDTV (High Definition Television – tivi có độ phân giải cao) .

Một số thủ thuật trong lược đồ mã hóa này xuất phát từ thuật toán xử lý hình ảnh đang được phát triển bởi nhóm xử lý thông tin và điện toán truyền thông của HongJiang Zhang. Mục tiêu của nhóm là làm cho máy vi tính có thể phân tích, hiểu và nhận các loại truyền thông đa phương tiện – điều này rất có ích cho việc tìm kiếm tự động các file hình ảnh, video và âm thanh (audio) trên một ổ cứng hay thông qua World Wide Web. Nhóm nghiên cứu của HongJiang Zhang thậm chí còn sáng tạo nhiều hơn các nhóm khác. Mỗi năm, các nhân viên nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh tự xếp loại bằng số nghiên cứu khoa học được công bố; HongJiang Zhang luôn đứng đầu. Trong năm 2001, nhiều lần tên ông đã được nhắc đến – “Luôn luôn là số một” – như ông vẫn nói.

Mặc dù mới làm giám đốc quản lý được một năm, Ya-Qin Zhang đã nắm lấy cơ hội hướng Trung tâm vào những lĩnh vực mới quan trọng giúp ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Đầu năm 2001, ông chính thức hóa hai phương thức nghiên cứu mới có mối quan hệ gần nhất đến lĩnh vực nghiên cứu hiện tại của Trung tâm và phù hợp nhất với mối quan tâm mới nhất của các đơn vị kinh doanh của Microsoft ở Redmond.

Lĩnh vực đầu tiên là giải trí số. Tháng 1, Bill Gates đã giới thiệu máy chơi game Xbox tại Triển lãm Hàng Điện tử tiêu dùng tổ chức hàng năm ở Las Vegas. Các nhà nghiên cứu thuộc các trung tâm nghiên cứu của Microsoft trên toàn thế giới đã làm việc ngày đêm để đưa các công nghệ vào sản xuất giúp các nhà phát triển trò chơi kịp hoàn thành sản phẩm vào dịp mùa thu.

Ý tưởng của Zhang là tách một nhóm đồ họa giải trí ra khỏi nhóm tin học trực quan do Harry Shum quản lý. Ông giải thích: “Chúng ta đã có rất nhiều thành quả với đồ họa. Harry rất có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Đó chính là nhờ tài năng. Và hãy nhìn vào công việc kinh doanh của công ty. Xbox đang được giới thiệu. Chúng ta cần phải phát triển một công nghệ mới cùng với các công cụ và các trò chơi. Đó chính là cơ hội để chúng ta giúp nhóm kinh doanh”.

Trong khi những kế hoạch mới của Trung tâm Bắc Kinh được vạch ra để bổ sung cho nhóm nghiên cứu đồ họa ở Redmond, Zhang cho rằng kết hợp sức mạnh đặc biệt của Trung tâm Bắc Kinh về hình ảnh, đồ họa và truyền thông đa phương tiện kỹ thuật số sẽ nhanh chóng biến Trung tâm trở thành một trung tâm xuất sắc. Baining Guo, nhân viên cũ của Intel – người đã gia nhập Trung tâm Bắc Kinh đúng vào lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ nhất của trung tâm – là trưởng nhóm đồ họa mới. Guo thúc đẩy mọi người làm việc hăng hái hơn. Ông không nói nhiều và thường tạo một cảm giác bí hiểm khi đưa khách đi thăm Trung tâm. Ông và Shum cộng tác với nhau và thuê nhiều nhân viên nghiên cứu hàng đầu làm việc cho nhóm nghiên cứu mới. Guo còn dành riêng một phòng đặc biệt cho đội nghiên cứu Xbox. Nhiều tờ giấy được dán trên cửa phòng này với khẩu hiệu: “Xbox: tuyệt mật!” Guo có vẻ rất hứng thú với không khí thần bí này. “Một số nhân viên giỏi nhất của chúng tôi làm việc ở đây” – Đó là tất cả những điều ông nói về những gì đang diễn ra phía sau cánh cửa.
Guo và Shum đã thành lập nhiều dự án nhằm hiện thực hóa video game thế hệ tiếp theo. Một dự án sử dụng các nguyên tắc từ hình ảnh máy tính như giao diện hình ghép trung tâm của Shum để tạo nên hiệu ứng 3-D trong các môi trường ảo. Những dự án khác tìm kiếm các công nghệ mô phỏng thực tế các hiện tượng tự nhiên như nước chảy, các phương pháp mới thể hiện nhanh và hiệu quả những kết cấu phức tạp như vỏ cây và mô phỏng thật hơn các chuyển động của con người và biểu hiện xúc cảm trên khuôn mặt. Tiếp tục cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, các nhóm nghiên cứu cũng tập trung vào những cải tiến căn bản để thúc đẩy các nghiên cứu về giao diện. Tiêu chuẩn đánh giá chính là SIGGRAPH – hội nghị lớn và tiếng tăm nhất thế giới về giao diện máy tính, thu hút 10.000 người tham dự mỗi năm. Chỉ có một trong mười công trình nghiên cứu gửi đến được chấp nhận. Năm 2001, Trung tâm có hai công trình được hội nghị thông qua – một khởi đầu khá thuận lợi cho một trung tâm nghiên cứu mới hai năm tuổi.

Trong khi nghiên cứu về giao diện được tiến hành thuận lợi, lĩnh vực thứ hai – mạng không dây – cũng được quan tâm không kém. Như Zhang giải thích: “Lý do thứ nhất để bắt đầu nghiên cứu mạng không dây là chúng tôi có nhiều người làm việc về mạng và truyền thông mạng có bit -rate chậm” – là nghiên cứu về truyền và nhận thông tin trong những điều kiện khắt khe. Mạng không dây là một trong những trường hợp rõ nhất của mạng có đường truyền chậm, trong đó những điều kiện gửi dữ liệu qua một mạng di động có thể thay đổi bất cứ lúc nào phụ thuộc vào vị trí địa lý, điều kiện thời tiết, lưu lượng mạng và rất nhiều yếu tố khác. Zhang nói tiếp: “Lý do thứ hai, Trung Quốc là thị trường di động lớn nhất, có nhiều tài năng và nhiều thú vui. Rất nhiều trường đại học đào tạo chuyên ngành về mạng viễn thông và không dây, đó là sự tương đồng đối với thị trường.”

Vì vậy, Zhang đã tách một nhóm nghiên cứu về mạng không dây từ nhóm nghiên cứu các dự án về truyền thông đa phương tiện của ông. Nhóm mới này không tập trung vào truyền thông không dây truyền thống – liên quan tới modem (bộ điều giải – một thiết bị biến đổi các tín hiệu số), radio và tháp phát sóng. Thay vào đó, Zhang giao cho nhóm phát triển các phần mềm riêng – nó cho phép các nhân viên phát triển lập mô hình các điều kiện thay đổi của một mạng nào đó, cho phép các loại điện thoại di động và máy tính cầm tay gửi và nhận bất cứ loại dữ liệu nào có thể là giọng nói, văn bản và video – từ bất cứ nơi đâu. Ở đây không giống với nhóm giải trí số, Trung tâm Bắc Kinh thấy hầu như không có sự trùng lặp với bất cứ đơn vị nào khác cùng công ty. Zhang nói: “Microsoft không có một nhóm nghiên cứu lớn tập trung chuyên môn vào mạng không dây, vì vậy cần phải có một nhóm như thế. Chúng tôi có thể là trung tâm tri thức bởi chúng tôi có một nền tảng tài năng và một thị trường lớn. Tôi luôn cảm thấy Microsoft nên tham gia vào lĩnh vực kinh doanh phần mềm và mạng truyền thông di động.”

Việc phát triển mạng không dây phải phụ thuộc vào hai nhân vật mới nổi trong nhóm của Zhang. Người đầu tiên là Qian Zhang, cô sinh viên tốt nghiệp Đại học Vũ Hán, người đã rất lo lắng khi đến phòng khách sạn của George Chen để phỏng vấn. Cô chưa học truyền thông đa phương tiện và mạng không dây ở trường. Nhưng trước khi gia nhập trung tâm, cô đã nhờ Ya-Qin Zhang gợi ý một số cuốn sách và tài liệu để tự nghiên cứu về vấn đề này. Một số tài liệu đó rất khó tìm ở thư viện trường, nhưng cô đã trở lại với những nhận xét và những câu hỏi rất sắc sảo. Cô giống với Ya – Qin hồi trẻ khi – ông đọc và thấm nhuần những cuốn sách hàng tuần Raymond Pickholtz giao cho ông.

Người tiếp theo quản lý nhóm nghiên cứu về mạng không dây là Wenwu Zhu. Ông gầy và cao, sinh ra ở Tề Tề Cáp Nhĩ, thuộc phía bắc Trung Quốc, ông là một nhân viên nghiên cứu xuất sắc ở Viện Công nghệ Bell Lucent, New Jersey và từng hợp tác với Ya-Qin Zhang trong nhiều năm. Mùa hè năm 1999, ông đã nói chuyện với Zhang về bài nghiên cứu mà họ đang viết về truyền thông đa phương tiện không dây. Ông nói: “Trước đó tôi nghĩ ‘Trung Quốc ư? Tại sao lại về Trung Quốc?’ Sau đó tôi thấy cả Ya-Qin, HongJiang và Shipeng [Li] đều ở đó! Họ là những người đã thu hút tôi.”

Zhu nhanh chóng thích nghi với môi trường của Trung tâm. Sau bữa tối, các nhân viên thường trở về phòng làm việc, kể cả những ngày cuối tuần. Zhu nói: “Không giống với khi ở Lucent.” Nhưng vẫn ổn – dù mọi thứ ở đây rất khác và Zhu cũng không bao giờ quên cách mà Kai-Fu Lee giới thiệu mình với báo chí khi ông bắt đầu làm việc tại Trung tâm.

“Đây là Wenwu Zhu, một người đã đoạt giải Nobel. Không bao giờ làm cho Bell nữa” – Lee đã nói rất tự nhiên. (Lee chơi chữ Nobel: tên giải thưởng nổi tiếng và No-Bell: Không còn làm cho Bell).

Việc điều hành Trung tâm Nghiên cứu vẫn theo thuyết âm dương. Và ngay từ khi mới bắt đầu nhiệm kỳ của mình, Ya-Qin Zhang đã coi việc xây dựng các mối quan hệ là mối quan tâm hàng đầu.

Hình ảnh của Microsoft ở nước ngoài đang xấu đi, đặc biệt là vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với công ty. Vụ kiện bắt đầu ngay trước khi Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc được chính thức thành lập – để lại một quầng tối cho nỗ lực xây dựng hình ảnh của công ty. Tháng 6 năm 2000, chỉ một tháng trước khi Zhang nhận chức giám đốc Trung tâm, Chánh án Thomas Penfield Jackson thông báo rằng theo những gì ông hiểu về kiểu kinh doanh không công bằng của Microsoft, ông sẽ chấp nhận yêu cầu của Bộ Tư pháp là chia Tập đoàn Microsoft thành hai công ty riêng. Các luật sư của Microsoft kháng án và cuối cùng họ cũng đảo ngược được quyết định. Tuy nhiên, ở Trung Quốc vụ kiện này đã gây ra rất nhiều thiệt hại. Ở khu vực Thái Bình Dương, những bài báo bất lợi đưa tin về vụ kiện này còn nhiều hơn ở Mỹ.

Trung tâm cần phải tích cực hơn trong việc xây dựng quan hệ. Thật thú vị, cả Zhang và Kai-Fu Lee đều là những nhà khoa học cũng như quản lý tài năng trở về quê hương, nhưng tính cách và khả năng giao tiếp của họ lại khá khác nhau. Trong khi Lee là người rất nghiêm túc và tỉ mỉ trong việc chuẩn bị mọi thứ thì Zhang lại thoải mái hơn và luôn tiến về phía trước. Nhà báo Zhijun Ling đã tả Zhang là “ngây thơ một cách quyến rũ. Ông nói rất nhẹ nhàng và luôn đúng trọng tâm, cho dù câu hỏi có phức tạp đến đâu. Lee quan tâm đến vẻ bề ngoài, giỏi quan hệ xã hội và luôn cư xử đúng mực với các phóng viên. Trong khi đó, Zhang lại không quan tâm là người khác nghĩ gì về ông.”

Tuy nhiên, Zhang có con át chủ bài: khác với Lee, ông từng lớn lên và học đại học ở Trung Quốc Đại lục, có thể ông tạo được quan hệ dễ dàng hơn với giới chính trị Trung Quốc – ít nhất thì ông cũng biết phải làm sao cho phù hợp. Câu thần chú của ông là: “Khiêm tốn, nhún nhường và tôn trọng người khác”. Đối với một người ở vị trí của ông, điều này rất có ý nghĩa. Ông đã chứng tỏ khả năng quan hệ với giới sinh viên cũng như quan chức cấp cao. Trong thời kỳ của mình, Zhang đã tổ chức các hội nghị chuyên đề, đưa ra lời khuyên cho sinh viên và tham gia các cuộc thảo luận ngoài công việc ở Microsoft. Shiqiang Yang, phó khoa công nghệ và khoa học máy tính thuộc Đại học Thanh Hoa đã nói: “Ya-Qin rất tích cực tham gia vào giới học viện Trung Quốc, ông có nhiều buổi diễn thuyết rất đáng chú ý.” Khi các quan chức Trung Quốc nhìn vào Zhang, thay vì nhìn thấy Microsoft, với họ đó là một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế trở về quê hương để củng cố và phát triển nền giáo dục nước nhà.

Những thành tựu khoa học của Zhang cũng giúp ông có được sự tôn trọng của các hiệu trưởng, trưởng khoa thuộc các trường đại học và Viện Hàn lâm Trung Quốc – học viện tài trợ và nghiên cứu do chính phủ quản lý, có quyền lực lớn hơn rất nhiều so với Viện Hàn lâm Hoa Kỳ. Với khoảng 80 nghìn nhân viên, Viện Hàn lâm Trung Quốc có quy mô như tổ hợp của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, Học viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ và các phòng thí nghiệm quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Viện trưởng Viện Hàn lâm Trung Quốc là một trong ba mươi thành viên chính phủ, có cấp bậc và đặc quyền ngang với Bộ trưởng Nhân sự, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhưng kế hoạch đầu tiên Zhang đặt ra là thiết lập mối quan hệ với các quan chức thành phố sở tại. Từ những ngày đầu Trung tâm mới thành lập, ông đã tham gia nhóm quy hoạch thành phố Bắc Kinh, gồm có ủy ban xây dựng và phát triển công nghệ cao Trung Quan Thôn. Thông qua đó, ông đã hiểu được những chi tiết phức tạp trong luật lệ của thành phố. Bắc Kinh có luật cư trú rất chặt chẽ để kiểm soát bùng nổ dân số; người dân từ những vùng khác muốn chuyển đến Bắc Kinh phải có hukous – là loại giấy phép cư trú mà Gates đã hỏi Kai -Fu Lee trong buổi đánh giá đầu tiên của mình.

Lúc đó, Lee đã giải thích với vị chủ tịch tập đoàn rằng các chính sách cải tổ của Trung Quốc đã được nới lỏng rất nhiều nên cũng không gây khó khăn như trước kia. Tuy nhiên, mọi chuyện lại không hề đơn giản như thế. Đầu năm 2001, khi số nhân viên của Trung tâm tăng lên gần 100 nhà nghiên cứu, giấy phép cư trú trở thành một trong những vấn đề nổi cộm đối với trung tâm. Để có giấy phép, một nhân viên mới phải trình rất nhiều giấy tờ, việc này tốn rất nhiều thời gian và có thể bị từ chối vì bất cứ lý do gì – nhất là khi nhân viên đó muốn chuyển đến cùng vợ/chồng hoặc cả gia đình. Trung tâm phải đối mặt với việc các nhân viên mới nản chí do phải đợi giấy phép cư trú.

Nhưng thật may, Zhang quen biết một số người có chức vụ cao. Ông đã trở thành bạn tốt của Phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh, Zhihua Liu. Hiện ông đang quản lý các vấn đề khoa học, công nghệ và văn hóa ở Bắc Kinh. Zhang còn quen biết cấp trên của Liu, Qi Liu – thị trưởng thành phố Bắc Kinh. Hai người này đã đến thăm Trung tâm vài lần. “Họ đều rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi bởi chúng tôi đã giúp họ đưa những nhân tài đẳng cấp thế giới về Bắc Kinh.”

Một ngày mùa xuân năm 2001, Zhang gọi cho Zhihua Liu và nói ông có rất nhiều nhân viên mới cần giấy phép. Trung tâm phải mất vài ngày gửi thư đi lại để làm các loại thủ tục giấy tờ cho từng người. Zhang đề nghị: “Ông có thể giúp được không?” Ngày hôm sau, Liu cử người quản lý nhân sự đến Trung tâm. Ông ta chỉ mất một buổi chiều gặp từng nhân viên mới để hoàn thành các giấy tờ cần thiết. Zhang tươi cười rạng rỡ: “Mọi chuyện đã được giải quyết!”

Cho đến giờ, việc làm táo bạo nhất trong những ngày đầu nhiệm kỳ của Zhang là thiết lập Trung tâm Nghiên cứu Microsoft tại Trung Quốc như một cơ quan cấp bằng sau tiến sĩ. Ở Trung Quốc, một giấy chứng nhận sau tiến sĩ là cao nhất và cũng là tấm bằng chính thức được coi trọng nhất: nó không chỉ đảm bảo cho bạn một công việc tốt mà vợ/chồng bạn còn có việc làm, con cái bạn được học hành đầy đủ. Ngược lại, ở châu Âu và Mỹ, học vị sau tiến sĩ chỉ là một cấp bậc trong nghiên cứu chứ không phải là bằng cấp và không quan trọng bằng kinh nghiệm. Zhang – một người chưa từng là nhà nghiên cứu hay sinh viên học sau tiến sĩ, nói đùa rằng mẹ ông nhắc nhở: “Con vẫn chưa hoàn thành sự nghiệp học hành. Bao giờ thì con mới thi lấy bằng sau tiến sĩ?”

Dưới thời Kai- Fu Lee, Trung tâm bắt đầu tuyển dụng tiến sĩ từ các trường đại học Trung Quốc vào vị trí trợ lý nghiên cứu, cho họ khoảng thời gian tập sự hai năm để chứng tỏ bản thân. Còn ý tưởng của Zhang là sau hai năm chuyển tiếp, họ sẽ được nhận bằng sau tiến sĩ dù họ có được tuyển làm nhân viên chính thức hay không. Điều đó sẽ tăng thêm uy tín cho vị trí trợ lý nghiên cứu và tạo lợi ích chắc chắn cho cả những người không được tuyển – như vậy sẽ tốt cho Microsoft, cho các sinh viên cũng như nền giáo dục và ngành công nghiệp Trung Quốc. Zhang nói: “Hình thành một ý tưởng không phải là quá khó. Khó nhất là việc thực hiện.”

Để một chương trình đào tạo sau tiến sĩ, Trung tâm cần phải đàm phán thật nghiêm túc với chính phủ, vì luật đã quy định rất nghiêm ngặt về các bằng cấp khoa học và tổ chức cấp bằng. Zhang đưa ra lý lẽ thuyết phục trong một loạt các cuộc họp với quan chức Bộ Quản lý Nhân sự ở trung tâm Bắc Kinh. Trong các cuộc họp đó, Zhang cởi mở chia sẻ với suy nghĩ của mình về việc chương trình này sẽ giúp ích nền giáo dục của Trung Quốc cũng như Microsoft như thế nào. Những cuộc thảo luận đầu tiên tập trung vào việc làm sao để kết hợp những quy định về đào tạo sau tiến sĩ trước đây với những gì Microsoft muốn làm. Ví dụ, Microsoft không thể tạo việc làm cho vợ/chồng của người đạt học vị sau tiến sĩ hay việc học của con cái họ, nhưng lại có thể trả lương cao hơn so với các trường đại học hay các công ty Trung Quốc.

Đầu tiên, Bộ Quản lý Nhân sự không chấp nhận điều đó. Các quan chức có thể đã cho rằng Microsoft là công ty nước ngoài đang cố gắng áp đặt luật lệ riêng. Cuộc họp mang tính chất đột phá diễn ra vào đầu mùa xuân năm 2001. Zhang và các đồng nghiệp đã cùng họp với ba đại diện từ Bộ Quản lý Nhân sự. Zhang đề xuất rằng hãy coi chương trình đào tạo sau tiến sĩ của Microsoft giống như một “chương trình thí điểm”, một cuộc thí nghiệm mà Bộ có thể kiểm tra và đánh giá sau quãng thời gian hai năm thử thách. Đến lúc đó, chính phủ sẽ đưa ra quyết định chính thức – các ông đánh giá học viên của chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh giá các ông – và điều đó giống như là một thủ thuật.

Tuy vậy, theo thỏa thuận cần phải có sự thay đổi về chính sách và việc tạo ra loại postdoc mới2 sau tiến sĩ mới, không hề có sự cố gắng đáng kể nào của các quan chức Trung Quốc. Zhang giao cho giám đốc quan hệ với các trường đại học là George Chen và Cherry Han – người trợ lý rất thông hiểu về chính phủ – xử lý hàng trăm giấy tờ cần thiết để kết thúc thỏa thuận này. Các điều khoản cuối cùng của bản thỏa thuận được chấp thuận trong một bữa ăn giữa Zhang với Songtao Xu – Bộ trưởng Quản lý Nhân sự.

Tháng 4 năm 2001, ngay trước lúc đi Côn Minh, Trung tâm chính thức trở thành tổ chức cấp được phép cấp bằng sau tiến sĩ – lần đầu tiên một trung tâm nghiên cứu của công ty nước ngoài được phép làm việc này. Nhưng vẫn còn một khó khăn nữa: sự chấp nhận của công chúng. Tại buổi lễ ký kết và họp báo diễn ra ở tầng năm Tòa nhà Sigma, một phóng viên tờ China Daily (Nhật báo Trung Quốc) đã hỏi Bộ trưởng 2 Postdoc: Người làm nghiên cứu thuê có bằng tiến sĩ, thường do giáo sư (có khi là trường) trả lương và lương khá hạn chế. Postdoc phải làm việc dưới sự hướng dẫn của giáo sư trong một phòng thí nghiệm. Songtao Xu: “Ông có sợ Microsoft đánh cắp nhân tài không?” Nhân viên PR của Trung tâm giật mình khi nghe thấy câu hỏi – sợ rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra – và đã chuẩn bị một vài điều cần thiết để hạn chế thiệt hại. Xu, một con người lịch thiệp, nghiêm trang với mái tóc đã bạc màu, những điều ông nói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ của tầng lớp lãnh đạo đối với Microsoft và chương trình này.

Bộ trưởng Xu đã dừng lại một chút, sau đó ông trả lời: “Không, không hề! Tôi tin tưởng vào khẩu hiệu của họ: ‘Khi làm việc cho Microsoft, hãy phục vụ người Trung Quốc’”. Những điều ông nói đã khiến mọi người ngạc nhiên và thở phào nhẹ nhõm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.