Guanxi Nghệ Thuật Tạo Dựng Quan Hệ Kinh Doanh

8. Những phát minh kỳ lạ của Jian Wang



Tháng 9 năm 1999 – Tháng 6 năm 2005

Tôi đã nhận ra rằng đây chính là nơi mà những phát minh và sáng chế của bạn sẽ được nhiều người biết đến.
—JIAN WANG

Nếu Jian Wang chọn cho mình một con đường riêng thì mọi thứ sẽ được chuyển thành dữ liệu. “Tôi ghét máy in vì chúng chỉ biết biến đổi dữ liệu thành những cái tương tự” – ông cười thú nhận và cuộn đống tài liệu nghiên cứu của Microsoft. Ở tuổi 40, dáng người cao gầy, Wang đã trở thành nhà tâm lý học, chuyên gia điện toán của trường Đại học Chiết Giang. Ông từng phớt lờ mọi nỗ lực tuyển dụng ban đầu của Kai – Fu Lee và chỉ sau một lần tới thăm Trung tâm, ông đã nộp đơn vào đợt tuyển dụng cuối cùng. Với óc quan sát tinh tế các hoạt động của Microsoft, ông đã nhanh chóng trở thành nhân viên xuất sắc trong số những nhân viên mới – và có thể là xuất sắc nhất. Tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh, ông tập trung phát triển những giao diện mới giúp mọi người có thể giao tiếp với máy tính tự do và dễ dàng hơn, “rút ngắn khoảng cách” giữa thế giới số với thế giới thực.

Nơi làm việc của Jian Wang nằm sâu trong góc của căn phòng tầng năm Tòa nhà Sigma. Ông đùa rằng không gian làm việc của ông là nơi “có phong thủy” tốt nhất tòa nhà. Theo nghĩa đen, cụm từ này có nghĩa là “gió và nước”

Mặc dù Wang nói không thích tài liệu in nhưng trên bàn làm việc của ông, tài liệu được chất cao như núi. Wang là người hiểu biết lịch sử quân sự, đặc biệt là Chiến tranh thế giới thứ hai. Căn nhà của ông hình nộm về người lính, súng phòng không và xe quân đội. Bộ phim ưa thích của ông là Nam chinh Bắc chiến – một bộ phim về đề tài chiến tranh mà những người thuộc thế hệ ông thường xem. Ông cũng nghiện game như trò Sudden Strike. Ông nhận thấy: “Nếu không phải vì những trò chơi đó thì có lẽ việc giao tiếp với máy tính đã rất khác.” Kệ sách của ông đầy và phong phú với nhiều đầu sách, từ sách hướng dẫn về khoa học nhận thức, giao tiếp của con người với máy tính cho đến những hướng dẫn về giao diện của Windows đối với việc thiết kế phần mềm. Cuốn The Road A head (Con đường phía trước) của Bill Gates và rất nhiều loại sách giáo khoa, sách văn học Trung Quốc đã làm dày thêm bộ sưu tập của ông.

Nhưng có lẽ điều hấp dẫn nhất về Jian Wang là tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của ông đối với hoạt động kinh doanh của Microsoft và tầm quan trọng của việc sử dụng nhân tài toàn cầu. Trên giá sách, sau bàn làm việc của ông là 35 “tấm bằng sáng chế” được xếp theo hình chóp. Với khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc, hơn năm bằng sáng chế mỗi năm, Jian Wang được đánh giá là một trong những nhà sáng chế có khả năng sáng tạo nhất của Microsoft (dù ông vẫn tự nhận là khả năng của mình mới chỉ “trên mức trung bình”) . Trên chiếc bàn nhỏ – trước bàn làm việc của ông là một tấm thẻ bằng bạc có dòng chữ: “Mỗi khi một sản phẩm xuất xưởng, nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với mong muốn của mình: thông qua những phầm mền thông minh, con người sẽ có thêm sức mạnh dù ở bất kỳ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu và ở mọi trình độ. Cảm ơn vì những đóng góp bền vững, bạn đã tạo nên lịch sử của Microsoft.” Phía dưới dòng chữ là chữ ký của Bill Gates và Steve Ballmer. Tấm thẻ này là phần thưởng cho Jian Wang và các đồng sự trong việc phát triển những công nghệ viết tay với sản phẩm phần mềm “mực kỹ thuật số” – một loại phần mềm giúp người sử dụng có thể viết chữ và vẽ các biểu đồ bằng tay trên máy tính cá nhân. Đây là một kết quả không tồi đối với một trưởng nhóm nghiên cứu xuất thân từ học viện, người mà mấy năm trước chưa ai trong tập đoàn này biết đến.

Jian Wang đã nhanh chóng trở thành một huyền thoại của Microsoft, nổi tiếng nhờ những dự án về giao diện viết tay, gồm phần mềm “mực kỹ thuật số” và một công nghệ mới hơn có tên là “chiếc bút thông dụng”. Vài năm trước, dự án này là một trong những mẫu sản phẩm hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh nhận được sự khen ngợi của báo chí trong nước và quốc tế, của các kỹ sư phần mềm, sinh viên và lãnh đạo các học viện. “Chiếc bút thông dụng” thể hiện mong muốn xóa bỏ ranh giới giữa thế giới thực và máy tính. Ý tưởng căn bản của dự án là tạo ra một chiếc bút có khả năng thể hiện chữ viết trên giấy kỹ thuật số và tự động kết hợp với bất cứ văn bản hay trình ứng dụng nào mà máy tính đang chạy, như Word, email, Excel. Nhờ đó, một người có thể chỉnh sửa văn bản hoặc bài thuyết trình trên máy bay và sau đó tự động chuyển những thay đổi này vào các file trên máy tính. Dự đoán trong những năm tới, con người có thể sử dụng chiếc bút này để sửa và lưu tập tin, gửi email và nhận thông tin từ thế giới xung quanh, thực chất là đưa những bản viết tay vào giao diện máy tính và hoàn thành giấc mơ của Wang là chuyển đổi các loại giấy tờ thành những file kỹ thuật số.

“Chiếc bút thông dụng” là dự án bí mật thứ tám có mã số là Windsor thuộc Trung tâm công nghệ cao mới được thành lập – không có trong danh sách chính thức vì nó sẽ được tung ra thị trường muộn hơn những sản phẩm khác. Đến cuối năm 2005, đây có thể là một sản phẩm phần cứng mới nhất của tập đoàn phần mềm quyền lực nhất thế giới hay không vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, những đóng góp của Jian Wang không chỉ dừng lại ở công nghệ chữ viết tay. Câu chuyện về nhà khoa học Trung Quốc này và những sáng chế của ông còn cung cấp một bức tranh hoàn hảo về chiến lược mở rộng thị trường và cách thu phục nhân tài toàn cầu của Microsoft – đầu tiên là đối với Trung Quốc. Rick Rashid nói: “Ông giống như một ngôi sao đang lên, một người có cơ hội rộng mở trong lĩnh vực nghiên cứu và là một kiểu nhân tài điển hình mà Trung tâm luôn nuôi dưỡng.”

Jian Wang đã chứng kiến sự lớn mạnh của Trung tâm từ khi nó còn trứng nước và ông cũng trưởng thành lên cùng với nó. Để giải thích thêm về lịch sử những dự án của mình, ông sang một kho chứa đồ nằm ngay ngoài phòng làm việc và lôi ra hàng loạt dụng cụ viết kỹ thuật số, xếp chúng thành hàng trên một chiếc bàn nhỏ. Những đồ vật đó có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau; có cái nhỏ và bóng như một chiếc bút bi, những cái khác bằng kim loại trông giống như điếu xì gà quá cỡ. Tiếp theo những chiếc bút này là một bộ sưu tập thiết bị máy tính: hai chiếc màn hình Dell lớn có cùng một bàn phím, một chiếc Tablet PC, một chiếc điện thoại di động và một “trợ lý kỹ thuật số cá nhân”.

Ông giải thích: Đó là sự khác nhau cơ bản giữa những người sử dụng giao diện ngày nay và những khái niệm về tin học. Nhưng trong cơ cấu này, Jian Wang cũng nhìn ra một mô hình mới, thích hợp hơn cho dòng máy tính cá nhân hiện đại và ông hy vọng sẽ đưa Microsoft tiến tới đó. Để hiểu nó có ý nghĩa như thế nào, bạn cần phải xem tất cả những phần khác nhau và những phần mềm đã kết hợp chúng lại.

Đối với mỗi thiết bị này, Jian Wang đều có câu chuyện để kể.

Thành công nhanh chóng của Jian Wang dường như là điều không tưởng. Khi Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh được thành lập, Jian Wang đang ở trên đỉnh cao thành công trong giới học viện. Ở tuổi 37, ông từng là giáo sư chính thức và giữ vị trí trưởng khoa tâm lý học thuộc Đại học Chiết Giang trong năm năm – một trưởng khoa trẻ tuổi nhất trong lịch sử của khoa. Ông từng sống một thời gian dài ở Hàng Châu. Ông kết hôn với một giáo sư tâm lý học phát triển và có một con gái. Cuộc sống với ông rất thoải mái.

Trong những năm đầu thập kỷ 1990, khi còn là một giáo sư trẻ, Jian Wang đã nổi tiếng vì đạt được phần thưởng danh giá từ chương trình “863” của Trung Quốc, một sáng kiến quốc gia về công nghệ thông tin hỗ trợ nghiên cứu từ những chuỗi từ tính cho đến các thiết bị ngoại vi. Dự án của ông là những thiết kế về các giao diện người- máy ảo – “dự án đầu tiên trong lĩnh vực này có người nghiên cứu là một người thuộc chuyên ngành tâm lý học” – ông nói. Năm 1995, ông đã cùng viết một đề xuất trị giá 1 triệu đô -la, được tài trợ trong ba năm, gấp mười lần tốc độ tăng trưởng của các dự án nghiên cứu của Trung Quốc. Ý tưởng là các giao diện người dùng “đa phương thức”: đó là sự kết hợp giữa ngôn ngữ nói, hình ảnh máy tính và kỹ thuật 3-D nhằm tăng cường khả năng tương tác với máy tính. Ông nói: “Trước đó, mọi người nghĩ rằng giao diện người dùng chỉ là một sản phẩm thiết kế nhằm cải thiện những gì mà ta thấy trong hiện thực. Tôi đã cố để thuyết phục họ rằng nó sẽ là hiện thực.”

Nhưng thời điểm Jian Wang đưa ra nhiều ý tưởng và giành được rất nhiều giải thưởng của học viện ở Trung Quốc cũng là lúc ông cảm thấy nản chí bởi những công nghệ đó hầu như không được áp dụng trong thực tiễn. Ông tâm sự: “Tôi đã rất vui với những thành công đó nhưng việc triển khai thực hiện thì thật đáng thất vọng.”

Vì vậy, năm 1998, khi Kai-Fu Lee và Microsoft mời ông cộng tác, Jian Wang đã rất vui, dù ban đầu vẫn có chút do dự. Sau nhiều tháng liên tục trao đổi qua điện thoại và email, cuối cùng Jian Wang đã nhận lời làm việc hợp đồng cho Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh trong sáu tháng. Ông bắt đầu làm việc từ tháng 3 năm 1999 và tham gia một dự án phát triển hệ thống tích hợp các ký tự tiếng Trung vào máy tính, gồm cả việc phát triển giao diện “chuyển động vòng” để sửa lỗi chính tả. Dự án này đã được Bill Gates đánh giá rất cao trong cuộc họp đánh giá Bill G. đầu tiên. Ông cũng đã có những buổi đàm thoại với Lee về tương lai của công nghệ thông tin và vị giám đốc điều hành đã nhiệt tình mời ông gia nhập đội ngũ nghiên cứu của Trung tâm. Jian Wang chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm việc toàn thời gian cho một công ty, nhất là một công ty nước ngoài. Nhưng thịnh tình của vị giám đốc Trung tâm đã thuyết phục được ông. Ông nói: “Kai – Fu đã đánh giá cao điều mà một nhà tâm lý học làm cho khoa học công nghệ thông tin. Tôi nhận thấy đây là một môi trường làm việc lý tưởng – nơi những sáng tạo của bạn có thể được hàng triệu người sử dụng thay vì chỉ có một vài người biết đến.” Đến tháng 9 năm 1999, Jian Wang rời trường đại học và chính thức gia nhập Microsoft.

Những đồng nghiệp của ông tại Đại học Chiết Giang hẳn cũng thắc mắc tại sao ông lại có thể từ bỏ một vị trí danh giá tại thời điểm đó để nhận lời làm việc tại một trung tâm nghiên cứu vừa thành lập của một công ty nước ngoài. Ông nói: “Không ai nghĩ quyết định của tôi là đúng đắn.” Jian Wang phải chuyển cả gia đình đến sinh sống tại thủ đô Bắc Kinh nhộn nhịp và đầy bon chen. Vợ và con ông phải thích nghi với một môi trường mới. Với tính cách đặc biệt, Wang là người đầu tiên đến công sở bằng xe đạp để tránh nỗi lo ngại về tình trạng giao thông ở Bắc Kinh.

Dự án đầu tiên do Jian Wang thực hiện tại Trung tâm là phát triển một loại chữ viết tay mới. Nghiên cứu này được bắt nguồn từ khao khát của ông là làm sao để máy tính có thể hiểu được các ngôn ngữ châu Á, điều vốn rất khó khăn nếu thực hiện thông qua bàn phím. Thêm nữa, mục tiêu lớn của Trung tâm là tạo ra những giao diện dễ sử dụng hơn. Việc tiến hành nghiên cứu khả năng nhận biết ngôn ngữ nói và hệ thống đánh máy các ký tự của ngôn ngữ châu Á bằng bàn phím đã tồn tại ngay từ ngày đầu. Đặc biệt đối với người sử dụng châu Á, Jian Wang tin rằng chữ viết tay sẽ là một cách thức tự nhiên và thuận tiện để giao tiếp với máy tính.

Nhiều năm qua, rất nhiều công ty đã phát triển công nghệ “bút kỹ thuật số” để số hóa chữ viết tay. Nhưng nó rất khó sử dụng và đòi hỏi quá nhiều ràng buộc về kỹ thuật, bao gồm cả việc chữ viết không thể được tích hợp vào các file hay phần mềm cần thiết cho công việc và nhiệm vụ hàng ngày của mọi người. Kết quả là, không có chiếc bút kỹ thuật số nào có thể phát triển trên thị trường và không một sản phẩm nào được thiết kế trên nền ngôn ngữ châu Á.

Jian Wang bắt đầu thay đổi tất cả những điều đó. Tuy nhiên, những nỗ lực bước đầu để tạo ra một chiếc bút kỹ thuật số linh hoạt hơn – như có thể viết văn bản ở bất kỳ vị trí nào trên màn hình khiến ông nhận ra rằng ông chỉ đang cải tiến những điều mà các nhà nghiên cứu trước ông đã phát triển. Ông muốn tìm ra một phương pháp mới có thể tương tác với máy tính thông qua một chiếc bút. Wang nói: “Chúng tôi muốn tạo ra sự đột phá, chứ không chỉ là cải tiến đơn thuần.” Vì vậy, ông, Lee và trưởng nhóm Harry Shum bắt đầu mở các cuộc họp hàng ngày để bàn thảo ý tưởng mục tiêu lớn trong giao diện chữ viết tay mới. Bút kỹ thuật số dù cố gắng đến mấy cũng không thể thay thế được chuột và bàn phím, nhưng họ quyết định thay thế bằng cách giúp cho mọi người có thể làm những điều mà họ chưa thể làm được với máy tính – viết chữ, vẽ bảng biểu, điền vào mẫu đơn – nhờ đó có thể mở rộng ảnh hưởng của máy tính. Wang nói: “Chiếc bút này được sử dụng rộng rãi, rất ấn tượng và là một trong những sáng chế tuyệt vời nhất. Vì vậy, tôi nghĩ chiếc bút này sẽ là một thiết bị công nghệ thông tin rất tốt trong tương lai.”

Bước đầu tiên trong việc phát triển phần mềm “mực kỹ thuật số” là tạo ra khả năng hiển thị các loại chữ viết tay trên màn hình máy tính và giúp người sử dụng có thể làm việc với nó. Việc này mất hai năm để hoàn thành. Jian Wang giải thích, bí quyết là làm cho máy tính nhận biết được sự khác nhau của các loại chữ viết và hình vẽ – để phân biệt một ô vuông, một câu hay một chữ viết nguệch ngoạc và lưu lại chúng để sau đó chuyển hoặc kết hợp vào một tài liệu số. Jian Wang và một nhóm 12 người gồm sinh viên và chuyên viên nghiên cứu đã phát triển thuật toán nhận biết mẫu nhằm phân biệt những đặc tính khác nhau như khoảng trống và các đường kẻ góc. Nếu đó là văn bản (dù bằng chữ viết hay in), người sử dụng có thể để nó ở dạng viết tay hoặc sử dụng phần mềm nhận biết ký tự đã có – một dạng phần mềm khá tiến bộ được nghiên cứu nhiều năm tại Microsoft và ở một vài nơi khác để chuyển thành dạng văn bản đánh máy. Tương tự, nếu như đó là một biểu đồ, người sử dụng sẽ vẫn để nó ở dạng bản vẽ hoặc chuyển nó thành các hộp định dạng, biểu đồ tiến trình hay một số dạng khác bằng cách chọn một công cụ trên thanh menu nổi.

Nhưng tầm nhìn xa hơn của Jian Wang lại tập trung vào chuyên môn thứ hai của ông: xây dựng một phần cứng và một phần mềm phụ trợ để tạo ra một chiếc bút có thể viết lên giấy rồi từ đó chuyển đổi sang dạng chữ kỹ thuật số và tích hợp với những văn bản sẵn có. Ông gọi đó là “chiếc bút thông dụng” vì theo lý thuyết, nó có thể làm việc ở bất cứ đâu và trên tất cả các file. Nó có thể chụp lại chữ viết tay trên giấy – viết bằng mực thật – theo cách mà một chiếc máy tính có thể nhận biết được chữ viết và quan trọng hơn là nội dung của bất kỳ loại file nào mà người sử dụng đang dùng. Theo Jian Wang, ngoài việc nâng cao khả năng của người sử dụng khi nhập trực tiếp văn bản, bảng và biểu đồ vào file kỹ thuật số, chiếc bút này còn có thể làm những việc như cho phép kết hợp với nhiều phần mềm khác để đưa ra nhận xét cho các bản in khác nhau của cùng một văn bản, sau đó máy tính có thể tích hợp tất cả vào một file văn bản tại một vị trí đã định trước.

Nhóm của Jian Wang nhận thiết kế thiết bị này – một trong số ít những phần cứng được thiết kế tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh và các trung tâm khác thuộc Microsoft. Khó khăn đầu tiên là làm thế nào để chụp được chữ viết tay của người sử dụng theo cách mà một chiếc máy tính có thể hiểu được. Đầu năm 2000, sản phẩm mẫu đầu tiên đã được thiết kế với sự tham gia hợp tác của Lyndsay Williams – một chuyên viên đến từ Trung tâm Nghiên cứu Cambridge của Microsoft. (Williams cũng được biết đến như một nhà sáng chế tài năng, người đã tạo ra chiếc bút kỹ thuật số tương tự tại garage của mình trước khi gia nhập Microsoft). Chiếc bút mẫu có hình dạng nhỏ và trơn – vật mẫu A nằm trong hàng loạt những chiếc bút được trưng bày trên bàn của ông. Bộ cảm biến duy nhất trong đó là một chiếc gia tốc kế; một bộ vi xử lý bên trong để nhận định những gì người sử dụng đang viết nhờ vào sự chuyển động đã được định dạng trên đầu bút. Trong khi lý thuyết có vẻ dễ dàng thì việc thực hành lại gặp nhiều trở ngại. Thậm chí sau khi đã luyện cho hệ thống làm việc với một kiểu chữ riêng của một người, những lỗi nhỏ trong chuyển động của chiếc bút đã khiến nó vấp phải những sai sót. Chiếc bút cũng không giữ được đường chuyển động của những trang mà nó vừa viết lên – hay thậm chí là đang viết lên giấy.

Vì vậy, sản phẩm mẫu thứ hai được tạo ra cuối năm 2000 gồm năm thiết bị: một chiếc gia tốc kế (giống với chiếc đầu tiên), một máy ảnh kỹ thuật số siêu nhỏ, một con quay hồi chuyển để phán đoán hướng của chiếc bút, một bộ cảm biến áp suất và một bộ cảm biến từ tính. Sản phẩm kỳ cục này (vật mẫu B) làm bằng kim loại, trông giống như một chiếc tàu ngầm, kích cỡ bằng chiếc dập ghim và được ráp với nhau nhờ một dây băng bằng nhựa trong. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự lộn xộn của các dây nối và mạch điện bên trong. Các chuyên gia nghiên cứu không thể để tất cả các thiết bị này trong sản phẩm cuối cùng. Nhưng nhóm của Jian Wang muốn kiểm tra xem những dạng thông tin nào phân tích được những gì mà người sử dụng đã viết và viết trên bề mặt nào – từ rất nhiều loại cảm biến, cả những thiết bị riêng lẻ và cả sự phối hợp các thiết bị khác nhau.

Nhưng dù có loại cảm biến tốt nhất có thể chụp chữ viết tay thì Jian Wang cũng bắt đầu nhận ra rằng phần mềm đằng sau chiếc bút kỹ thuật số quan trọng hơn. Những bộ cảm biến chỉ có thể cung cấp khả năng đọc các dấu hiệu thô: hướng của cây bút, gia tốc của đầu bút và những thứ tương tự. Phần mềm sẽ dịch những dấu hiệu đó sang các loại mã nhất định để máy tính có thể đọc được và người sử dụng có thể cùng làm việc với nó. Jian Wang nói: “Hầu hết những chiếc bút kỹ thuật số có mặt trên thị trường hiện nay đều chọn giải pháp lấy phần cứng làm trung tâm. Chúng tôi nhận thấy rằng phải tạo ra một chiếc bút mà trong đó phần mềm chính là sức mạnh của nó.” Đây chính là cơ hội để Microsoft tạo ra những giao diện chữ viết tay hoàn thiện thích ứng với những gói phần mềm liên quan. Sự tích hợp với các phần mền Word, PowerPoint và Excel sẽ có nghĩa là bạn có thể làm nhiều thứ bằng bút dễ dàng như với bàn phím.

Cho tới đầu năm 2001, mọi sự đã trở nên khớp nối với nhau. Mực kỹ thuật số hoạt động khá hiệu quả và có khả năng nhận biết được văn bản viết qua mọi hướng, những biểu đồ tiến độ được vẽ bằng tay và khả năng là người sử dụng phải viết bằng một chiếc bút kim trên một bề mặt đặc biệt. Vẫn theo đuổi mục đích đầu tiên của mình khi gia nhập Microsoft, Jian Wang đã đề xướng những cuộc thảo luận với nhóm phát triển sản phẩm Tablet PC ở Redmond, nhóm này đang làm sản phẩm nhận biết chữ viết tay – bộ phận chính cho giao diện người sử dụng. Chiếc bút thông dụng vẫn còn tương đối thô sơ nhưng những kiểm tra bước đầu của bản mẫu với nhiều bộ cảm biến này cho thấy sử dụng máy ảnh kỹ thuật số để chụp lại những bức ảnh của chữ viết là một phương pháp hiệu quả. Kai- Fu Lee đã tới Redmond nhưng Ya-Qin Zhang, giám đốc điều hành mới ở Bắc Kinh đã rất nhiệt tình và quyết định sẽ thực hiện các dự án cho đợt tới.

Đã tới lúc giới thiệu phần mềm này cho Bill Gates.

Một buổi sáng tháng Tư đẹp trời ở Redmond, Jian Wang cảm thấy rất thoải mái và tự tin. Một tuần trước buổi họp đánh giá Bill G. lần thứ tư – lần này là dành riêng cho các giao diện chữ viết tay, đồ họa Internet và tổng hợp ngôn ngữ nói–nhóm của ông vẫn còn sửa chữa những lỗi nhỏ của “chiếc bút thông dụng”. Và bây giờ, ông đã sẵn sàng trình bày. Cảm giác kính sợ ban đầu đã biến mất – đây là lần thứ ba Jian Wang được gặp Bill Gates – nhưng là lần đầu tiên Wang chính thức trình bày bài thuyết trình trước vị chủ tịch tập đoàn. Khi sáu thành viên của nhóm nghiên cứu Bắc Kinh tập hợp tại một phòng họp nhỏ bên ngoài văn phòng của Gates ở Tòa nhà Số 8, Jian Wang vẫn mải tập trung suy nghĩ; ông hầu như chỉ nghe thấy những câu hỏi trực tiếp với Harry Shum – người vừa mới hoàn thành bài thảo luận về đồ họa Internet.

Đến lượt Jian Wang, Gates mỉm cười với ông, điều đó đã giúp ông cảm thấy thoải mái hơn. Jian Wang bắt đầu trình bày bài thuyết trình của mình với một bản mẫu công nghệ mực kỹ thuật số. Ông dùng một chiếc bút trâm viết lên một màn hình có kết nối với PC, một máy chiếu được đặt giữa bàn để mọi người có thể quan sát những gì ông viết. Bằng một nét vẽ khéo léo, ông đã phác họa một biểu đồ tiến độ giải thích quy trình làm việc của mực kỹ thuật số. Từ một đoạn văn bản viết tay nằm trong khung, biểu đồ có thể lưu giữ nó ở dạng gốc cho đến khi người sử dụng muốn chuyển nó sang dạng văn bản đánh máy và đồ hoạ. Hiểu rõ khuynh hướng marketing của Microsoft, ông trầm trồ: “Mọi người đã có thể nghĩ tới mực.”

Gates rất thích thú. Ông quay sang phía Alex Loeb, rồi sang phó chủ tịch điều hành dự án Tablet PC và hỏi: “Các ông có thể làm được sản phẩm này không?” Mặc dù Jian Wang đã có một vài cuộc nói chuyện với nhóm phát triển sản phẩm nhưng những lời nói đơn giản của vị chủ tịch này đã có tác dụng đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ cho đội sản phẩm Tablet PC, cũng có nghĩa là sự ra đời của hệ thống điều hành mới sẽ được đẩy nhanh trong năm tới. Sau đó Loeb đã gửi một email đại diện cho công ty cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh sau khi sản phẩm được hoàn thành. Jian Wang nói: “Tôi đã thật sự xúc động!”

Mười phút cuối của bài thuyết trình, Jian Wang giới thiệu về chiếc bút thông dụng – một vấn đề hóc búa, ông nhấn mạnh có một số nguyên tắc của mực kỹ thuật số để có thể được áp dụng cho loại công nghệ chữ viết chung hơn – một loại được sử dụng với cả giấy chứ không chỉ đơn thuần là với màn hình máy tính. Trong lúc ông nói, Gates cầm chiếc bút mẫu trong vài phút, mân mê và tò mò với sản phẩm phần cứng mới này. Thực tế, chiếc bút chưa hoạt động và Jian Wang kết thúc bài thuyết trình mà không viết gì bằng chiếc bút đó.

Sau phiên họp, Gates đã ngồi lại với nhóm của Jian Wang khoảng 15 phút để thảo luận kỹ hơn về vấn đề này. Ông hỏi: “Làm sao các bạn có thể định ra được kích cỡ và vị trí hợp lý?” Đó là một câu hỏi cơ bản. Không giống như con chuột là chỉ cần ghi nhớ đường đi của “những tọa độ liên quan” – như khi người sử dụng muốn con trỏ chuột di chuyển lên hay xuống, liên quan tới những nơi mà nó đã qua – còn chiếc bút cần phải biết được chính xác là nó ở vị trí nào trên trang giấy trong suốt khoảng thời gian đó, chỉ khi đó chữ viết tay mới có thể được kết hợp chính xác trong một văn bản kỹ thuật số. Sau đó, Gates hỏi làm sao có thể làm với một trang giấy trắng, khi không còn một giới hạn nào?

Jian Wang thú nhận rằng những chi tiết kỹ thuật đó vẫn còn đang được nghiên cứu. Nhưng một vài ý tưởng lớn đã xuất hiện sau buổi họp. Gates đã giúp thổi bùng lên những ý tưởng mà trước kia họ chưa bao giờ nghĩ đến. Điểm mấu chốt của vấn đề là một tài liệu hay thậm chí là một bản in đều có khả năng chuyển sang kỹ thuật số. Jian Wang nói: “Khi chúng tôi nói chuyện với Bill, chúng tôi nhận ra rằng mình đang tạo ra một loại tài liệu mới, chứ không chỉ đơn thuần là một chiếc bút.”

Mực kỹ thuật số sẽ được xuất hiện trong hai sản phẩm chủ chốt của Microsoft. Lần đầu, nó được giới thiệu như một phần của hệ thống điều hành Tablet PC vào năm 2002. Nó cũng được giới thiệu chính thức với sự ra đời của OneNote vào năm 2003 – một chương trình có thể đồng thời ghi âm từ văn bản viết tay hoặc văn bản đánh máy. Phấn khởi với thành công trong việc đưa những công nghệ vào dây chuyền sản xuất, nhóm của Jian Wang trở về Bắc Kinh và tiếp tục cố gắng hoàn thiện “chiếc bút thông dụng”. Jian Wang đã mời thêm một số chuyên viên nghiên cứu tham gia vào nhóm, tăng lên thành người. Điều đó giúp ông dễ dàng có thêm kỹ năng trong lập trình để thiết kế một mẫu bút có dáng gọn hơn và hoạt động tốt.

Phiên bản mới của phần cứng này không hề kiểu cách: đầu chứa mực được làm bằng tre. Khi người sử dụng bắt đầu viết, một bộ cảm ứng áp suất trên đầu chiếc bút bật nút một chiếc máy thu hình cực nhỏ. Chiếc máy này có thể chụp hình ảnh chữ viết tay 120 lần/giây. Những hình ảnh đó sẽ được lưu lại bởi một con chip giống như trong các máy chụp ảnh kỹ thuật số. Từ đó, các bức ảnh sẽ được chuyển vào PC có sử dụng các thuật toán về mực kỹ thuật số và sản phẩm nhận biết ký tự khác. Trong lúc đó, chiếc bút có một dây nối từ đầu bút tới máy tính – khi đó vẫn chưa có sản phẩm không dây. “Nó thật sự rất xấu” – Wang cười và nhấc mẫu C trong hàng loạt những mô hình của chiếc bút. “Lần này thì phần mềm mới là quan trọng nhất.”

Phần mềm của chiếc bút làm việc với loại giấy thông thường. Không giống với những chiếc bút kỹ thuật số khác đòi hỏi cần phải có định dạng đặc biệt để nhận biết được đường đi trên giấy, sản phẩm của Jian Wang sử dụng phần mềm để ghi lại một mô hình mẫu giống như một hình mờ trên tờ giấy in khi một tài liệu được in ra. Điều này cũng giúp chiếc bút thông dụng không chỉ nhận biết được chính xác vị trí trong mọi loại tài liệu in mà còn nhận biết được những tài liệu đang được sửa lỗi bằng tay bởi mỗi file đều có một mã riêng. Mặc dù những gì chiếc máy ảnh chụp được từ mẫu này sang mẫu khác còn phải tùy thuộc vào hướng đi của chiếc bút nhưng phần mềm vẫn đủ thông minh để thích ứng với nhiều góc của chiếc bút.

Mùa xuân năm 2002, nhóm của Jian Wang đã sẵn sàng trình bày phiên bản mẫu “chiếc bút thông dụng” với Gates. Buổi đánh giá Bill G. diễn ra tại phòng họp ban giám đốc ngay gần văn phòng mới của Bill Gates ở Tòa nhà Số 34, nằm phía bắc Tòa nhà Số 8. Harry Shum, Ya -Qin Zhang, Dan Ling, Rick Rashid và Kai – Fu Lee cùng ngồi chung bàn với Jian Wang và Bill Gates. Lee tò mò muốn xem dự án đã được tiến triển đến đâu kể từ khi ông rời Trung tâm. Khoảng 12 chuyên viên nghiên cứu và khách mời cũng ngồi gần đó.

Jian Wang cầm một trang giấy và phác vài nét vẽ nguệch ngoạc lên đó. Thật trớ trêu (và có chủ định), tờ giấy đó là một trong số năm mươi tài liệu nội bộ của văn phòng Microsoft nói chi tiết về việc tại sao và làm thế nào để người sử dụng có thể in được tài liệu. Vài giây sau, những nét vẽ của Jian Wang hiện lên trên màn hình máy tính của ông – đúng vị trí mà ông đã vẽ trên tài liệu. Sau đó, ông viết vài dòng chữ ở phần giữa tài liệu, viết thêm những cụm từ ở khắp nơi trên tờ giấy. Những từ đó lại hiện lên màn hình tại vị trí chính xác. Sau đó, Jian Wang mới giải thích làm thế nào mà chiếc bút có thể giúp người sử dụng chuyển từ chữ viết tay sang chữ viết kỹ thuật số. Gates rất hài lòng và muốn nghe nhiều hơn về các chi tiết kỹ thuật.

Vấn đề lớn đối với bản nghiên cứu thử nghiệm là chúng thường chỉ hoạt động trong điều kiện lý tưởng của Trung tâm. Jian Wang nói: “Vì phần cứng chiếc bút này trông rất lỏng lẻo, nên chúng tôi thật sự muốn cho Bill thấy phần mềm của chúng tôi mạnh mẽ như thế nào.” Họ đang bàn luận vấn đề đó thì Shum nhảy vào với một chút nghệ thuật quảng cáo. Ông đứng dậy, nhặt tờ giấy mà Jian Wang vừa viết lên và vo viên nó lại, rồi hỏi: “Nó có còn hoạt động nữa không?”

Hầu như toàn bộ nhóm của Jian Wang bị sốc – họ chưa bao giờ thử nghiệm chiếc bút trong điều kiện này. Nhưng điều quan trọng là phải chỉ ra được chiếc bút sẽ hoạt động ra sao khi những tờ giấy bị vo viên hoặc bị gấp lại. Jian Wang bình tĩnh mở tờ giấy đó ra và viết lên trang giấy nhàu nhĩ một dòng chữ. Mọi người có mặt trong phòng dường như nín thở.
Những từ đó xuất hiện trên màn hình đúng như một cái máy, không một vết nhòe và cực kỳ hoàn hảo.

Gates thật sự ấn tượng. Rời cuộc họp, họ đã bàn đến việc sẽ cải tiến chiếc bút thông dụng và khám phá xem liệu nó có thể mở rộng khả năng thực hiện với máy tính cá nhân và các thiết bị di động hiện nay hay không. Jian Wang nói: “Sau hôm đó, chúng tôi đã triển khai thực hiện dự án đó nhanh hơn bao giờ hết.”
Sau đó, nhóm của Jian Wang đã phải mất một năm để tổ chức và kiểm tra lại các bộ cảm biến, bản mạch và phần mềm. Họ đã tạo ra một chiếc bút không dây kết nối Blue -tooth và một ăngten nhỏ lắp trên đầu chiếc bút. Khi đặt nó cách xa máy tính cá nhân hoặc một laptop có cài sẵn chương trình phần mềm tương thích khoảng một vài mét, chiếc bút sẽ truyền phát những hình ảnh của nó bằng công nghệ không dây. Đầu năm 2003, chưa đầy hai năm sau buổi thảo luận lần đầu về những ý tưởng cơ bản với Gates, Jian Wang đã có những buổi thảo luận kỹ hơn với nhóm phát triển phần cứng của Redmond để chuyển giao công nghệ và đưa Microsoft tiến vào một lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trong lịch sử phát triển của tập đoàn.

Tháng 3 năm 2003, Jian Wang là một trong những vị khách đặc biệt tại hội nghị TechFest. Tại đây, ông được bố trí một phòng trưng bày riêng cho chiếc bút thông dụng. Jeff Raikes – Phó chủ tịch tập đoàn, một thành viên lãnh đạo cấp cao của Microsoft, người từng chứng kiến tất cả những sản phẩm của nhóm phát triển sản phẩm Office và đưa ra những chiến dịch phát triển tập đoàn cùng với Gates và Ballmer – đã bất ngờ xuất hiện tại đây để xem mẫu trưng bày của ông. Sau một hồi trò chuyện thân mật, Raikes thử chiếc bút trên một mảnh giấy. Nhóm của Jian Wang gần nín thở chờ đợi khi những dòng chữ hiện lên màn hình máy tính. Những từ mà Raikes đã viết là:

“Khi nào tôi có thể có nó?”

Mỗi năm hai lần, Bill Gates tự cho mình thoát khỏi những công việc hàng ngày của vương quốc phần mềm. Vị chủ tịch này “vi hành” bảy ngày đến một nơi bí mật ở phía tây bắc Thái Bình Dương; hầu như không tiếp khách viếng thăm, thậm chí cả những người trong gia đình và các nhân viên của Microsoft. Ông dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, nghĩ ra ý tưởng mới và đọc các tạp chí kỹ thuật, các bản báo cáo và sách. Ông làm việc mười tám tiếng mỗi ngày, đọc hơn một trăm bài luận trong suốt cả tuần và thỉnh thoảng tự cho phép mình nghỉ ngơi, giải quyết một công việc qua mạng và đi dạo.

Các tài liệu đã được lựa chọn bởi Alex Gounares – trợ lý hàng đầu của Gates, người trước kia là trưởng nhóm phát triển sản phẩm Tablet PC. Hầu hết chúng là thông báo nội bộ của Microsoft và các báo cáo của nhân viên. Một số chủ đề gần đây là: các phương pháp mới cho an ninh phần mềm, cải tiến video Internet, các phân tích về dung lượng của máy tính và tốc độ xử lý các giao diện hấp dẫn dành cho người sử dụng ngoại ngữ. Gates ghi chép cẩn thận và gửi những nhận xét, đánh giá chi tiết về từng vấn đề tới tác giả và người liên quan qua email.
Khoảng thời gian được gọi là “Tuần lễ tư duy” đó đã được thực hiện bắt đầu từ những năm 1980, thật sự có ảnh hưởng lớn tới Microsoft và ngành công nghệ máy tính. Những nhận xét tích cực của Gates trong tuần lễ này là thông qua các dự án và những chiến lược mở rộng thị trường cho Microsoft. Năm 1995, một tuần lễ như thế đã giúp Microsoft phát triển một trình duyệt Internet để cạnh tranh với Netscape. (Nhiều nhà quan sát đã cho rằng Microsoft đã tham gia cuộc chơi này quá muộn, nhưng khởi đầu đó vẫn kịp thời, thậm chí còn có khả năng chi phối thị trường trình duyệt). Một giai thoại cho rằng nền tảng phần mềm Tablet PC và chiến lược kinh doanh video game của Microsoft cũng đã được ra đời từ “Tuần lễ tư duy”.

Đầu năm 2004, nhóm nghiên cứu Jian Wang đã tạo ra được giao diện máy tính mới lạ, có tên là “Người thăm dò ý tưởng”, Gates đã sử dụng nó để phục vụ yêu cầu công việc. Ông đọc những tài liệu đã được in trên giấy – được giữ trong những chiếc cặp giấy màu vàng và đánh dấu bằng dòng chữ: “Tài liệu mật của Microsoft” – trong “Tuần lễ tư duy” và giải quyết mọi công việc qua mạng. Nhóm của Jian Wang đã thiết kế giao diện này để Gates có thể đọc và ghi chép, tìm kiếm bất kỳ thông tin nào mà ông cần và phân công công việc cụ thể cho những người có trách nhiệm trong công ty – tất cả bằng một khả năng trực giác cao. “Công cụ tốt nhất là công cụ không khiến người ta cảm thấy mình đang sử dụng nó.”– Jian Wang nói khi ông ngồi xuống trước hai màn hình máy tính trong văn phòng để giải thích về hoạt động của giao diện.

Tại nơi ẩn náu, Gates làm việc với hai màn hình lớn, được xếp cạnh nhau để có thể tiếp cận với hàng trăm cơ sở dữ liệu và nhiều công cụ hỗ trợ được lưu giữ trong một máy chủ ở Redmond. Màn hình bên trái hiển thị danh sách các tài liệu có thể đọc – được sắp xếp theo từng lĩnh vực kỹ thuật, chủ đề hoặc tên của tác giả. Nhấn chuột vào đầu đề sẽ có một lời tóm tắt về tài liệu đó và một thanh hình chữ nhật chứa toàn bộ tài liệu. Nhấn chuột vào thanh chữ nhật đó tài liệu sẽ được mở ra và ông có thể ghi lại nhận xét vào một bên trong khi đọc. Các tài liệu tham khảo cũng tự động hiện ra trên những góc khác nhau của màn hình bên phải: thông tin về tác giả và tên của tài liệu liên quan, khái niệm của thuật ngữ kỹ thuật, các trang Web và email liên quan có trong hộp thư điện tử của Gates.

Phần mềm cao cấp octan3 hoạt động trong bối cảnh đó – sáng kiến của Jian Wang – đã khiến mọi thứ đều có khả năng thực hiện được. Nó sắp xếp các tài liệu, lời nhận xét của Gates và danh sách những người sẽ nhận được thông cáo của ông tại các nhóm ở trên màn hình, vì vậy thông tin có thể được lưu giữ trực tiếp. Phần mềm này cũng tạo ra cơ sở dữ liệu cho Microsoft để nắm bắt kịp thời những gợi ý về những người 3 Chỉ số Octan: Là một trong những yếu tố quan trọng quyết định quá trình vận hành của động cơ. Gồm chỉ số octan động cơ và chỉ số octan nghiên cứu. liên quan trực tiếp nhất tới dự án và danh sách những người liên quan ở màn hình bên phải.

Có thể vẫn còn nhiều vấn đề để tiếp cận được với hai màn hình. Nhưng sự sắp xếp các biểu tượng và sự phân chia màn hình đã khiến những bộ phận khác của Microsoft Windows phải nể phục. Ví dụ, người sử dụng có thể thay đổi nội dung của tất cả các cửa sổ để tập trung vào một đoạn thông tin trên một tài liệu cụ thể, đưa lên các trang Web, các email liên quan và những tài liệu hỗ trợ khác “chỉ bằng một cái nhấn chuột” – Jian Wang nói. Không còn phải đóng hàng loạt cửa sổ cũ và mở ra cái mới, giờ đây chỉ cần tập trung vào một lĩnh vực quan tâm.

Giao diện này là một ví dụ nổi bật về tài khéo léo và những đóng góp to lớn của Jian Wang đối với công ty. Không có gì nằm ngoài tầm chú ý của Gates. Vào tháng 3 năm 2005, chỉ hai tuần sau “Tuần lễ tư duy”, Jian Wang gặp ông chủ và cũng là khách hàng lớn nhất. Mục đích của cuộc gặp này là thảo luận thêm về giao diện và những cải tiến có thể thực hiện cho phiên bản tiếp theo. Thực ra, Gates chưa có dự định tới đó. Cuộc họp diễn ra tại phòng họp ban giám đốc ở Redmond, thành phần chính là nhóm nghiên cứu về giao diện của Jian Wang và nhóm hỗ trợ kỹ thuật của Gounares. Gounares là một nhân vật cấp tiến, có ảnh hưởng ngày càng lớn tại Microsoft và thường có mặt trong những cuộc đàm luận của ban quản trị cấp cao. Ông có mối quan hệ tốt đẹp với Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh và rất quan tâm đến những dự án của Trung tâm: khi sắp xếp được thời gian, ông còn đưa Harry Shum và mọi người đi chơi bằng thuyền (nó có cài đặt một bảng điều khiển trò chơi Xbox). Gounares đã có buổi thảo luận với Jian Wang về Tablet PC kéo dài từ lúc 7 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau. Để bày tỏ sự cảm phục về nghị lực và sự nhiệt tình của Gounares, các chuyên viên nghiên cứu Bắc Kinh gọi ông là “Alex Go”.

Tại cuộc họp tháng 3, Gates chỉ ghé qua khoảng 20 phút để đưa ra ý kiến của mình về giao diện “Think Week”. Mối lo ngại lớn nhất của ông là việc phần mềm của Jian Wang chỉ tự động nhận biết được những chuyên gia liên quan tới công ty với những đề tài kỹ thuật cụ thể. Gates chỉ ra rằng hệ thống đã không nhận biết được chính xác những người hoàn toàn không liên quan. Họ thảo luận về các phương pháp kỹ thuật nhằm làm cho thuật toán này đáng tin cậy hơn.

Mặt khác, Gates còn muốn nói rằng ông rất hài lòng về hiệu quả của giao diện và những gì nó giúp ông trong công việc. Hơn hết, ông gợi ý phần mềm “Người thăm dò ý tưởng” nên tạo thêm công cụ căn bản để nhiều người hơn có thể khai thác sử dụng khi họ tìm kiếm thông tin trên Web hay làm việc với một cơ sở dữ liệu lớn. Thực tế, giao diện đó đã được các giám đốc điều hành chính của Microsoft sử dụng, trong đó có cả Jim Allchin – người đứng đầu nhóm Windows. Nhưng Gates muốn những người ngoài công ty cũng sẽ nhận thấy đây là một giao diện hữu ích trong việc chọn lọc thông tin cần thiết và tốt nhất từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau; điều này có thể tạo ra những quyết định khác nhau trong kinh doanh. Gates nhấn mạnh: “Chúng ta đang bị quá tải về dữ liệu, chứ không phải quá tải về thông tin.”

Jian Wang nói: “Ông ấy nhất định cho rằng đó không phải là một công cụ cá nhân mà đó là công cụ cho tất cả mọi người.” Wang cũng nói thêm rằng một số ý kiến về “Người thăm dò ý tưởng” sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu của Microsoft và sự phục hồi các giao diện. “Vì vậy, cái mà chúng tôi cần phải tạo ra ngay bây giờ là một mô hình mới cho việc xử lý thông tin.”
Chuyến thăm của Gates tới văn phòng Jian Wang vào mùa hè năm 2005 đã mang đến cho ông một trách nhiệm mới, nặng nề hơn. Trong bốn tháng, ông đã gặp Gates ba lần để thảo luận về các đề tài khác nhau. Trong những ngày này, ông đã nỗ lực làm việc với cường độ cao, hàng trăm giờ mỗi tuần. Dù vậy, ông cười: “Hầu hết mọi việc đều làm qua email – tôi rất tiếc phải thú nhận điều đó.” Mặc dù lúc này, Jian Wang không liên quan nhiều đến các dự án về chữ viết tay nhưng thi thoảng ông vẫn có những ý tưởng mới cho “chiếc bút thông dụng”. Ông có một thói quen: khi đi đến các trường đại học và các cuộc triển lãm khắp châu Á, hầu như lần nào ông cũng giới thiệu mẫu bút. Jian Wang nói: “Chiếc bút thật sự giúp chúng tôi hiểu về công ty và giúp bạn biết cách sử dụng trí thông minh của người khác cho công việc của mình.”

Từ những suy nghĩ đó, nhà sáng chế đã nhanh chóng thành công với sáng tạo mới dựa trên giao diện chữ viết tay. Một ví dụ cụ thể: Jian Wang đang làm việc với một giao diện máy ảnh mới có sử dụng công nghệ hình ảnh máy tính liên quan đến chiếc bút. Ông nói: “Bạn có thể cảm giác được sức mạnh của bộ cảm biến máy ảnh. Nếu như máy ảnh ngày càng phổ biến, tại sao chúng ta không thể sử dụng nó theo cách hoàn toàn khác so với hiện nay?” Đó là viễn cảnh của ông trong việc gắn kết thế giới thực với thế giới số. Cùng với những bức ảnh chụp gia đình, bè bạn và cảnh vật, giờ đây người ta có thể sử dụng máy điện thoại chụp hình để ghi lại thông tin về thế giới xung quanh như tên của một loài hoa lạ – bằng cách gửi bức ảnh đó lên một trang Web hoặc máy tính cá nhân để xử lý và sau đó gửi lại thông tin liên quan về bức ảnh. Phần mềm này còn cho phép người sử dụng có thể quét thanh mã số, trả tiền mua đồ ở cửa hàng mà không cần phải đứng xếp hàng, ghi lại mã số thẻ mua hàng mới của một khách hàng quen hay tìm kiếm thông tin về nhà hàng, sức hấp dẫn hoặc các sản phẩm bằng cách chụp hình chúng.
Cho đến giờ, tham vọng mới nhất và lớn nhất của ông là đứng đầu một nhóm được gọi là nhóm “phát triển ý tưởng” tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh. Nhóm dự án này nhanh chóng lớn mạnh với 20 chuyên viên nghiên cứu nhờ kết hợp với nhóm “Chiếc bút thông dụng” của ông được thành lập cuối năm 2004. Nỗ lực đó đã góp phần nâng cao sự ảnh hưởng của công tác nghiên cứu đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Mục tiêu của nhóm là nghiên cứu chi tiết những vùng sản phẩm mới thông qua việc tập trung hơn nữa vào nhu cầu của người tiêu dùng – chứ không chỉ là những gì mà các chuyên viên nghiên cứu sáng tạo ra. Nếu thành công, nó sẽ trở thành một mô hình phát triển sản phẩm mới, trong đó một nhóm làm công tác nghiên cứu sẽ trực tiếp điều hành các trình ứng dụng mới và dây chuyền phát triển sản phẩm. Jian Wang là sự lựa chọn lớn nhất cho vị trí đứng đầu nhóm dự án, bởi niềm đam mê suốt đời của ông là đem các công nghệ phát triển đến tay người tiêu dùng. Harry Shum – giám đốc điều hành mới của Trung tâm nói: “Không ai có đủ tài năng và trí tuệ hơn Jian Wang.”

Nhóm “phát triển ý tưởng” của Jian Wang từng mang lại lợi nhuận lớn cho Microsoft. Dự án đầu tiên của nhóm là một loại “phần mềm quản lý dữ liệu”. Ý tưởng được hình thành từ một cuộc thảo luận của Jian Wang và Steven Sinofsky – Phó giám đốc cao cấp của Microsoft Office, khi ông đến thăm Bắc Kinh vào năm 2003. Sinofsky đã gợi ý nhóm của Jian Wang nên áp dụng những đánh giá của giới chuyên môn về hành vi của người sử dụng nhằm giúp nhóm phát triển sản phẩm nắm bắt được cách mọi người sử dụng phần mềm như thế nào trong công việc hàng ngày.

Vì mục tiêu của dự án là tập trung vào khách hàng chứ không phải là nghiên cứu cơ bản, Jian Wang cho rằng cần thiết phải lập ra một nhóm riêng biệt, mục đích là nghiên cứu sở thích và thói quen của người sử dụng bằng cách phân tích “hàng tỷ cái nhấn chuột”. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Liệu khách hàng có sử dụng các phần mềm theo ý tưởng mà nó được thiết kế? Câu trả lời thường là “không”. Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng người sử dụng cần nhiều hơn mười sự điều chỉnh, hay các lệnh khác, chỉ để chèn một bức ảnh vào trong một slide của PowerPoint. Sự kết hợp của nhiều cái nhấn chuột, điều mà trước đây những người kiểm tra không phát hiện ra, đã được tìm thấy trong rất nhiều ứng dụng. Những kiến thức này có thể giúp các kỹ sư phần mềm phát triển được nhiều hơn những phần mềm tiện ích có đặc điểm và cách sắp xếp mà người sử dụng không mất nhiều công sức.

Jian Wang và Harry Shum đã trình bày kế hoạch này tại buổi đánh giá Bill G. vào tháng 1 năm 2005. Phần mềm phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Bắc Kinh đã được triển khai vào mùa hè năm đó cho nhóm Microsoft Office khi họ đang ở những bước cuối cùng để cho ra sản phẩm.

Trong tương lai xa hơn, phương pháp quản lý dữ liệu có thể làm thay đổi cách phát triển phần mềm của công ty, bằng việc sử dụng số lượng lớn những dữ liệu từ người tiêu dùng để nâng cao độ tin cậy và an toàn – những tiêu chí mà năm 2005, Gates đã tuyên bố là ưu tiên hàng đầu của công ty.
Đối với Jian Wang, tất cả những điều này đều phù hợp với một khuôn khổ lớn hơn là “tin học kết hợp”. Những ý tưởng cho mục tiêu lớn này được phát triển từ một cuộc trò chuyện dài với Alex “Go” Gounares, trong đó họ thảo luận về việc làm thế nào sử dụng hiệu quả các phần cứng và sức mạnh của công nghệ thông tin trong hàng loạt các thiết bị hiện đại. Sự phát triển mạnh mẽ của máy tính xách tay cũng có nghĩa là máy tính để bàn không còn là giao diện có sức ảnh hưởng lớn nữa và họ đã kết luận rằng cần phải tạo ra một phần mềm mới để kết hợp tất cả những công nghệ khác nhau.

Xem qua chỗ làm việc của Jian Wang, đống giấy tờ ngổn ngang vẫn còn nguyên. Ông nói, trong thời gian tới, mọi người sẽ sử dụng hàng loạt những loại máy tính khác nhau: một máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động và máy nghe nhạc … Ông giải thích: “Điều đó có nghĩa là hai bàn phím và hai hoặc ba màn hình. Nhưng con người chỉ có một đôi tay và một đôi mắt.” Vì vậy, sẽ có tình trạng dư thừa các thiết bị kỹ thuật số. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các loại máy móc khác nhau này làm việc với nhau trong một khối thống nhất? Jian Wang nói: “Hãy nghĩ đến một chiếc ghế – có rất nhiều loại mẫu mã thiết kế, nhưng bạn không cần phải nghĩ là ngồi lên chiếc ghế như thế nào. Nó không giống với các giao diện máy tính ngày nay!”

Sáu thành viên trong nhóm của Jian Wang đang phát triển một loại phần mềm cho phép bạn có thể làm những việc như viết một đoạn tin nhắn cho điện thoại di động từ máy tính xách tay, sử dụng điện thoại để thực hiện bài thuyết trình và kết hợp khả năng lưu trữ và tính năng tin học của máy tính xách tay với máy tính để bàn. “Giờ đây, cần phải sử dụng phương tiện căn bản là kiểm soát bằng mạch điện tử” – Jian Wang nói. Ví dụ người sử dụng phải đồng bộ hóa các thiết bị của họ chỉ để trao đổi dữ liệu. Mục tiêu của tin học kết hợp là hình thành sự trao đổi giữa các thiết bị tự động và vô hình đối với người sử dụng. Đó cũng là sự kết hợp nhiều loại dữ liệu khác nhau như email, Web, thông tin liên lạc – giúp bạn không tốn nhiều công sức. Ví dụ, điện thoại của bạn có thể sẽ tương thích với máy tính xách tay cũng như PC để bàn, từ đó cho phép bạn biết được lịch trình mới nhất, các thông tin liên lạc những tài liệu quan trọng cũng như các đường dẫn trong bất cứ một thiết bị nào khi cần thiết và ở bất cứ nơi đâu.

Nếu như nỗ lực của Jian Wang thành công thì cả khái niệm về máy tính cá nhân cũng cần thay đổi và tất nhiên, Microsoft sẽ thiết lập được địa vị thống trị của mình trong lĩnh vực phần mềm. Nhưng để đạt được điều này, đòi hỏi phải có một nền tảng căn bản khác, không phải là một trong những hệ thống điều hành đã có của Windows. Điều đó có nghĩa là phải chia sẻ công ty ra để gìn giữ nó?

Jian Wang đã không đi xa được đến vậy. Ông hứa, rất thật lòng: “Chúng tôi cần phải tạo ra một hệ thống điều hành máy tính mới khác với bất cứ thứ gì mà hiện nay chúng tôi đã có. Đó chính là điều mà Trung tâm cần phải làm.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.