Ba Vụ Án Bí Ẩn

CHƯƠNG 21: TÁI CÔNG NHẬN MỘT VĂN THƯ CỦA BỘ TỔNG BINH



Mới sáng sớm tinh mơ, ngài pháp quan đã ngồi trên lưng ngựa cho phi nước kiệu từ cửa lớn nha môn đi ra. Những tiếng thét giận dữ đón ông ngoài phố và khi đến gần ngôi Tháp Trống thì một viên đá bay sượt qua mặt.
Sau nhiều vòng phóng quanh bãi tập cũ, ông trở lại công đường. Có lẽ, ông nghĩ, khôn ngoan hơn là từ nay chẳng nên ló mặt ra ngoài đường trước khi có thể công bố trước công chúng giải pháp vụ mụ Lỗ.
Suốt hai ngày tiếp theo ông giam mình trong thư phòng giải quyết một số công việc hành chính trong khi các phụ tá của ông nỗ lực một cách tuyệt vọng lùng tìm khám phá những dấu tích mới. Nhưng, buồn thay, không kết quả. Tin lành duy nhất dến vào ngày thứ hai dưới dạng một lá thư của bà vợ cả của Tái Công từ Thái Nguyên. Bà này báo cho ông biết là lão mẫu đã bình phục. “Chẳng bao lâu nữa, bà viết thêm, lão mẫu sẽ đi lại bình thường và tất cả đoàn thê tử có thể lên đường trở lại Phối Châu”. Ngài pháp quan buồn rầu nghĩ nếu không tìm ra được bằng chứng tội ác của mụ Lỗ thì ông chẳng còn hy vọng gì được cùng gia đình sum họp.
Sáng sớm ngày thứ ba, đang lơ đãng lùa vào miệng bữa ăn sáng thì một vệ binh vào báo có viên võ úy từ Bộ Tổng binh tới đang chờ ngoài hành lang để được trao tận tay Tái pháp quan mật thư của ngài Đô chỉ huy sứ.
Một người đàn ông cao lớn, mình mặc áo giáp tuyết bám đầy, đĩnh đạc bước vào. Y nghiêng người trước Tái Công và hai tay trịnh trọng đưa một bì thư có dấu niêm phong.
– Hạ chức có lệnh chờ thư phúc đáp để đưa về Bộ Tổng binh – Y nói.
Tái Công ngạc nhiên nhìn anh ta và nói bằng giọng chẳng lấy gì là có thiện cảm.
– Mời ngồi!
Rồi ông mở lá thư. Người viết thư cho biết là đã được mật báo về tình hình đáng ngại ở Phối Châu. Dân chúng ở đây đang rục rịch nổi loạn. Mặt khác, cũng theo nguồn tin trên, nghe phong thanh là những đội quân của các tộc người Phiên đang tập hợp ở biên giới phía Bắc. Trong tình hình như thế, nếu ngài pháp quan huyện Phối Châu muốn có một đội quân đồn trú tại huyện để đề phòng bất trắc thì sẽ tức thì được chấp nhận. Lá thư mang dấu ấn của viên chỉ huy Cảnh-vệ-đội được thảo ra nhân danh Bộ Tổng binh.
Tái Công tái mặt, nắm lấy bút lông và viết lời phúc đáp ngắn như sau: “Pháp quan huyện Phối Châu đánh giá cáo sự tương trợ mà Thượng cấp quân sự đề xuất nhưng bản chức xin trân trọng bày tỏ là bản chức xin sẽ tự mình lo liệu những biện pháp cần thiết để bảo đảm sự vãn hồi trật tự trong phạm vi lãnh địa đang trị nhậm”.
Rồi ông áp triện đỏ của pháp viện bên dưới dòng cuối lá thư và trao cho viên Võ úy. Viên này cúi đầu thật thấp trước Tái Công rồi đi ra.
Không để mất một phút, Tái Công lệnh cho gia nhân mang phẩm phục ra cho ông và triệu tập ba phụ tá hộ vệ của ông tới.
Khi họ nhìn thấy thầy mình mặc áo đại trào, đội mũ kim sa, cả Mã Tôn, Triệu Thái và Tào Can đều tròn xoe mắt.
Buồn rầu nhìn ba người với ông đã thành những người bạn chân thành, Tái Công giảng giải:
– Tình thế này không thể kéo dài. Ta vừa mới nhận được một văn bản nhân danh Bộ Tổng binh cảnh báo về việc rục rịch nổi loạn của dân huyện Phối Châu. Họ đề xuất với ta cho điều một đội quân tới đây đồn trú. Họ nghi ngờ năng lực cai trị của ta ở huyện này. Ta yêu cầu các ngươi vui lòng tham dự với tư cách nhân chứng trong buổi lễ ngắn tại tư thất của ta.
Sau khi đi qua một hành lang có mái che nối công đường với tư thất của Tái Công, các phụ tá hộ vệ được đưa tới một gian phòng có bầy hương án thờ cúng tổ tiên của gia đình ngài pháp quan. Trong gian phòng lạnh lẽo thấu xương này chỉ có một hương án rộng lớn, cao chạm tới trần nhà.
Tái Công đốt mấy nén nhang và quỳ xuống trước hương án. Những phụ tá hộ vệ của ông đứng cạnh cửa cũng theo gương ông.
Rồi, đứng lên, với cử chỉ trịnh trọng, Tái Công mở hai lần cửa hương án đồ sộ. Trên những ngăn bên trong, đặt trên những đế gỗ chạm trổ là những bài vị ghi bằng chữ vàng: tên, tuổi, thứ bậc và năm, tháng, ngày, giờ sinh và mất của từng người trong họ.
Tái Công quỳ xuống lần nữa, dập đầu ba lần. Rồi, hai mắt nhắm lại, ông cố gắng tập trung tư tưởng.
Lần cuối cùng hương án tổ tiên được mở là ở Thái Nguyên, cách đây hai chục năm, lúc thân phụ ông trình cáo cùng tổ tiên cuộc hôn nhân của ông với bà vợ cả. Lúc đó ông quì phía sau thân phụ, người vợ trẻ quỳ bên ông. Ông như nhìn thấy lại bóng dáng mảnh dẻ của người cha với hàm râu trắng và khuôn mặt thân yêu đầy nếp nhăn.
Nhưng lúc này khuôn mặt ấy lạnh lùng vô cảm và thân phụ ông đứng ngay ở đầu lối đi vào của một gian phòng rộng với bên phải và bên trái hai dãy người nghiêm trang và bất động mắt chăm chắm nhìn vào ông đang quỳ bên chân thân phụ. Về phía xa xa, ông lờ mờ nhận thấy chiếc áo triều phục thêu chỉ vàng của Cụ Tổ ngồi trên ngai. Cụ đã quy tiên trước đây tám thế kỷ, ít lâu sau đức Khổng Tử, nhà thánh triết của Nho giáo.
Quỳ gối một cách kính cẩn và khiêm nhường trước một hội đồng uy nghi, long trọng như thế này, Tái Công cảm thấy tĩnh tâm và thư giãn như một người được trở về nhà sau một chuyến đi dài mệt nhọc. Bằng một giọng trong trẻo, ông khấn:
– Con, hậu duệ không xứng đáng của dòng họ Tái vinh quang, có tên là Thiên Trí, trưởng nam của Đông các đại học sĩ Tái Thiên Viên, xin kính báo với gia tiên tiền tổ là con đã không làm tròn được bổn phận của mình đối với Triều đình và lê dân, ngay bây giờ đây con sẽ thảo đơn xin treo ấn từ quan. Con tự kết án mình đã phạm hai trọng tội: Khai quật mồ mả không có lý do đầy đủ và xác đáng làm tổn thương tới vong linh của người chết và lên án một dân đen vô tội. Con đã hành sự với tất cả công tâm của mình, nhưng lực bất tòng tâm, khả năng yếu kém của con không cho phép đảm đương trọng trách được trao phó. Trình cáo tất cả sự thể trên đây, đứa con tội lỗi đang quỳ trước hương án tổ tiên kính cẩn cầu xin được các cụ đại xá.
Ông ngừng khấn, ảo ảnh lạ lùng mờ dần trước mắt. Cái bóng cuối cùng là bóng thân phụ ông vừa dần lùi xa vừa dùng tay vuốt phẳng tấm triều phục màu đỏ bằng một cử chỉ mà ông biết rất rõ.
Tái Công đứng lên vái ba vái và khép cửa hương án lại.
Trở về lại thư phòng, bằng một giọng rắn rỏi ông bảo những phụ tá của mình.
– Bây giờ ta muốn ở đây một mình. Ta sẽ thảo đơn xin từ chức. Các ngươi hãy tới đây trước buổi trưa và đi dán những bản sao đơn này trên tất các bức tường trấn thành để dân cư thấy lại sự ổn định trong cuộc sống thường ngày.
Ba người hộ vệ lặng lẽ nghiêng mình rồi sụp quỳ, trán ba lần chạm đất để tỏ rõ lòng trung thành trước sau như một của mình đối với người chủ, người thầy mặc cho sóng to, gió cả.
Còn lại một mình, ngài pháp quan thảo đơn gửi cho huyện lệnh, khi đã áp triện pháp ty xuống dưới cái văn thư đáng buồn này, ông ngả người trên ghế bành thốt lên một tiếng thở dài thật sâu. Đó là việc công cuối chót của một vị pháp quan. Trong buổi trưa khi mà những cáo thị từ quan đã được dán trên các bức tường huyện Phối Châu, ông sẽ giao ấn tín cho viên Thừa chỉ để viên này quyền nhiếp công vụ chờ viên pháp quan mới tới thay.
Vừa nhâm nhi chén trà, Tái Công vừa lạnh lùng nghĩ tới số phận đang chờ mình. Chắc chắn là ông bị xử tử hình. Ông chỉ còn hy vọng là Ngự sử đài chiếu cố tới sắc phong của Triều đình mà ông đã được ân tứ hồi còn là pháp quan huyện Phú Dương. Nếu tài sản riêng không bị tịch biên thì gia đình ông sẽ không phải nương nhờ vào lòng từ thiện cảu người em thứ. Ý nghĩ này làm ông xốn xang không chịu nổi.
Ông cũng thấy yên lòng là thân mẫu của bà vợ cả mình cuối cùng đã hoàn toàn bình phục. đó sẽ là một sự an ủi khích lệ to lớn cho người con gái của cụ trong những ngày buồn tủi đang tới gần.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.