Ba Vụ Án Bí Ẩn

CHƯƠNG 5: TÀO CAN THUẬT LẠI TRÒ GIẢI TRÍ KỲ LẠ CỦA VÕ SƯ LAN



Ngày hôm sau, Tái Công tới thư phòng làm việc trước lúc khai đường buổi sáng. Bốn phụ tá hộ vệ chờ ông ở đó.
Đinh lại Hồng lo ngại nhìn khuôn mặt xanh xao và mỏi mệt của chủ. Chắc là ông đã phải thức hầu như suốt đêm để trông coi việc chuẩn bị xe cộ cho các phu nhân và các con. Ông chậm rãi tới ngồi vào bàn và nói:
– Thế là mọi việc đã xong xuôi! Gia đình ta vừa khởi hành lúc rạng sáng và được bên quân đội hộ tống. Nếu không gặp phải bão tuyết thì chỉ trong vòng ba ngày là họ sẽ tới Thái Nguyên.
Bằng một cử chỉ uể oải, ông dưa tay dụi mắt và như cố gắng chống lại mệt mỏi, ông nói vẻ hoạt bát:
– Chiều hôm qua, ta đã làm một cuộc thẩm vấn ngắn đối với Bân Phong và cảm tưởng đầu tiên thấy là suy luận của chúng ta hoàn toàng đúng đắn. Chắc chắn là có một nhân vật thứ ba nhúng vào vụ này, đã giết vợ hắn. Ngoại trừ trường hợp là một diễn viên dày kinh nghiệm, hắn không thể ngờ được những gì có thể xảy ra.
– Vậy thì vì sao mà hắn lại phải chạy trốn như một tên ăn cắp giữa ngày xảy ra án mạng? – Tào Can nghi ngờ hỏi.
– Chúng ta sẽ rõ điều đó lát nữa đây thôi qua lời hắn cung khai trước tòa.
Ngài pháp quan ngừng lại, nhấm nháp vài ngụm trà nóng do đinh lại Hồng vừa đưa lên rồi nói tiếp:
– Bây giờ, cần phải giải thích để các ngươi rõ là tại sao ta lại rất cần để các ngươi ở lại nhà Chu Đại Nguyên chiều hôm qua. Trước tiên là ta không muốn làm bữa tiệc của ông bạn chúng ta kém vui, nhưng cái chính là vì ta cảm thấy có một điều gì khác thường trong cái dinh cơ mênh mông đó. Đúng là lúc ấy trong người ta không được thoải mái, có thể đẩy xa sự tưởng tượng của mình. Nhưng ta muốn biết là các ngươi có thấy điều gì đặc biệt sau khi ta ra về không?
Mã Tôn nhìn Triệu Thái rồi gãi đầu gãi tai vẻ tiếc hối:
– Bẩm Đại nhân, thú thật là vì uống quá nhiều nên thuộc hạ chẳng nhớ được gì cả. Xin ngài hãy hỏi Triệu huynh xem sao.
– Tất cả những gì thuộc hạ thấy và để trình lại là các thực khách đều thật vui vẻ và hào hứng cũng như thuộc hạ vậy – Triệu Thái thưa với nụ cười nhợt nhạt.
Tào Can tới lúc đó vẫn ngồi yên, tay xoăn xoăn ba sợi lông dài mọc trên má trái, nói giọng chắc nịch:
– Còn hạ chức này, dù là rượu trong bữa tiệc có nồng độ cao thật đấy nhưng hầu như suốt buổi, hạ chức trao đổi chuyện trò rất vui với võ sư Lan, ông ta uống nhỏ nhẹ như con gái ấy. Tuy nhiên hạ chức vẫn để mắt tới tất cả thực khách khác, và thấy mọi cái vẫn diễn biến bình thường.
Thấy Tái Công vẫn yên lặng nghe, Tào Can tiếp:
– Tuy vậy, một số ý kiến của võ sư Lan có thể cho ta một vài tia sáng trong công việc của chúng ta. Nói về vụ án mạng vừa xảy ra, ông ta cho Nghê Bình là một gã lẩm cẩm nhưng không phải là một người xấu, còn ngược lại, Nghê Đại, em của gã là một tên vô lại, cự kỳ đều giả, cần đề phòng.
– Tại sao vậy? – Tái Công vội vã hỏi.
– Cách đây vài năm – Tào Can đáp – Võ sư Lan đồng ý nhận hắn làm đồ đệ, dạy võ cho hắn. Hỏi vì sao thì hắn bảo là chỉ muốn được luyện tập những miếng đánh thật hiểm, một đòn là chết thẳng cẳng và chẳng hề quan tâm tới lĩnh vực tâm linh của môn võ thuật chân chính. Theo ông bạn của chúng ta thì tên Nghê Đại đó là một con người táo tợn, phóng đãng có một sức khỏe đáng nể nhưng thói vô đạo đức sẽ ngăn cản hắn lại, hắn không sao có thể trở thành một võ sĩ siêu quần.
– Ồ, đó là một thông tin hữu ích – Tái Công nhận xét – Ông ta còn cho ngươi biết vấn đề gì nữa không?
– Thưa không – Tào Can đáp – Vì ông ấy còn vội đưa cho hạ chức xem tất cả những hình ông ta xếp được bằng bảy mẩu bìa.
– Bảy mẩu bìa? – Tái Công ngạc nhiên kêu lên – Nhưng đó là trò chơi của bọn trẻ con! Ta cũng còn nhớ là hồi rất nhỏ ta cũng đã chơi trò đó. Có phải ngươi nói về cái miếng bìa hình vuông cắt ra làm bảy mẩu nhỏ kích cỡ khác nhau và với những mẩu bìa nhỏ này người ta có thể xếp thành nhiều hình các loại trông từa tựa giống hình người, hình các con vật hoặc hình các đồ vật?
– Đúng vậy đó! – Mã Tôn cười và xen vào – Đó là cách giải trí mới của nhà võ thuật nổi danh của chúng ta. Ông ấy cho là trò chơi này giúp ta mở rộng óc quan sát và tập trung tư tưởng.
– Chỉ trong chớp mắt ông ta có thể xếp được tất cả những hình chúng ta yêu cầu – Tào Can tiếp.
Người thư lại già của ngài pháp quan lấy từ trong tay áo ra những mẩu bìa cứng, đặt trên bàn và sắp xếp thế nào đó là thành một hình vuông.
– Đây này, cắt như thế là sẽ được bảy mẩu to nhỏ khác nhau.
Rồi xóa hình vuông đó đi, Tào Can nói:
– Trước hết, tôi yêu cầu ông ta xếp cho hình Tháp Trống.
– Nhưng quá dễ! Tôi lại đòi hình một con ngựa đang phi nước đại.
– Rồi hình một tội nhân đang quỳ trước công đường.
– Sự quá khéo léo của ông ta làm tôi phát khùng – Tào Can kể tiếp – Tôi bèn tìm các hình thật khó để thách đố: bắt ông ta xếp hình một người lính say khướt rồi một vũ nữ. Nhưng cái con người quỷ quái này chỉ trong nháy mắt đã xếp xong.
– Tức mình – Tào Can kết luận – Đến đây thì tôi thôi chẳng thèm đố nữa.
Tái Công cùng các hộ vệ phá lên cười rồi bảo:
– Vậy là tất cả các ngươi đều nhất trí, hôm qua ta thấy trong người khó chịu có lẽ là do tình trạng sức khỏe không tốt mà thôi. Hơn nữa, dinh cơ của Chu quá rộng đến nỗi ta hầu như bị lạc trong mê lộ của những hành lang tối om.
– Hàng bao nhiêu đời, họ hàng gia tộc của Chu chủ nhân đã ở đó – Triệu Thái nhận xét – Trong những ngôi nhà cổ và to rộng như thế luôn luôn có một bầu không khí ghê rợn và bí ẩn.
– Nhưng dù sao thì cũng chẳng đủ lớn để chứa tất cả những bà vợ cả vợ lẽ của ông ta – Mã Tôn nói.
– Chu là một người tốt – Triệu Thái vội vàng như để bênh vực người bạn lớn – Một thợ săn tuyệt vời và một người chủ tốt bụng, nghiêm khắc nhưng công bằng. Những tá điền đều rất tận tụy và tuyệt đối trung thành với ông, đúng như vậy. Họ thực tâm băn khoăn cho chủ là mãi không có người nối dõi.
– Chắc chắn là ông chẳng mắc lỗi gì khi phải đang mang lắm thê lắm thiếp – Mã Tôn tủm tỉm cười và nháy mắt tinh quái.
– Xuýt nữa thì quên không trình báo với Đại nhân – Tào Can cắt ngang – là viên thư lại riêng của Chu, cái chàng trai có tên là Nghi Cương đó, có vẻ vô cùng hoảng hốt và nóng nảy. Mỗi khi có ai hỏi gì là anh ta giật nẩy người, mặt mày ngơ ngác như nhìn thấy ma quỷ vậy. Tôi cho là anh ta cũng nghĩ như chúng ta: cô vợ chưa cưới của mình đã cuốn gói đi theo một chàng trai khác!
Tái Công nhún vai vẻ hoài nghi, rồi ông bào:
– Ta cần thẩm vấn chàng trai này trước khi đầu óc anh ta hoàn toàn lú lẫn mới được! Còn về người cha của cái cô nương họ Lưu này, ông ta rất gắng sức viện ra mọi biểu hiện để làm cho chúng ta tin về đức hạnh của con gái ông, nhưng ta thì ta cho là ông muốn tìm cách tự thuyết phục chính bản thân mình.
Vừa lúc đó, ba tiếng chiêng vang lên. Tái Công vội vã nhanh nhẹn đứng lên, mặc phẩm phục và chỉnh lại ngay ngắn chiếc mũ kim sa trên đầu.
Tin Bân Phong đã bị bắt giữ lan truyền mau chóng trong trấn thành. Công đường sáng nay không còn một chỗ trống.
Sau khi yên vị trên ghế xét xử và điểm danh xong, Tái Công trao trát đòi phạm nhân cho người coi ngục.
Chỉ một lát sau, tiếng rì rầm, giận dữ nổi lên trong phòng khi người vệ úy dẫn giải người mua bán đồ cổ đến quỳ trước bục. Hai anh em họ Nghê, đứng ở hàng đầu cùng với Chu Đại Nguyên và Lan Đạo Quý, muốn nhảy xổ vào hắn nhưng bị vệ binh đẩy ra chẳng chút nể nang.
Tái Công gõ mạnh chiếc búa gỗ lên mặt bàn.
– Trật tự! – Tiếng ông vang như sấm – Nếu không ta sẽ đuổi hết ra ngoài!
Rồi cúi nhìn người đang quỳ trước mặt, ông hạ lệnh:
– Ngươi hãy khai trước Tòa họ tên và nghề nghiệp.
– Kẻ hạ dân đang cúi đầu trước Đại nhân đây có tên họ là Bân Phong và làm nghề mua bán đồ cổ – Bân Phong đáp giọng bình tĩnh.
– Vì sao ngươi lại vội vàng rời khỏi trấn thành ngày hôm kia? – Ngài pháp quan hỏi.
– Cách đây ít ngày, bẩm Đại nhân, một người trại chủ làng Ngũ Dương tới tìm và kể cho nghe là khi đào hố để chứa phân ở một thửa ruộng, ông ta moi lên được một chiếc đỉnh đồng cổ. Tôi có biết là dưới triều đại Hán, đúng ở nơi làng này có một khu đất phong hầu, tôi bàn với vợ là sự việc rất đáng quan tâm nên cần phải tới ngay nơi đó xem cái đỉnh đồng đó ra làm sao. Ngày hôm kia, thấy thời tiết thật thuận lợi cho một chuyến đi ngắn ngày, tôi bèn quyết định lên đường và dự định ngay hôm sau sẽ trở về. Vì thế mà…
– Trong cái buổi sáng chuẩn bị đi ấy, các ngươi đã làm gì, ngươi và vợ ngươi?
– Vợ tôi đi chợ rồi sửa soạn bữa ăn sáng, trong lúc đó thì tôi sửa lại chiếc bàn sơn cũ.
Tái Công nhún vai, ra lệnh:
– Nói tiếp đi!
– Ăn xong, tôi cuộn tấm áo lông nhét vào trong chiếc túi da, vì các nhà trọ nông thôn thường chẳng có lò sưởi ấm. Ngoài phố, tôi gặp người bán thực phẩm, ông ta báo cho biết là chỉ còn rất ít ngựa trạm vì vậy tôi vội vã rảo bước về phía cổng Bắc và rất may mắn là tôi đã thuê được con ngựa cuối cùng khỏe mạnh. Rồi…
– Nhà ngươi có còn gặp ai trên đường đi nữa không? – Tái Công lại cắt ngang, hỏi.
Bân Phong suy nghĩ một lát rồi đáp:
– Bây giờ tôi mới nhớ là có gặp cả đình trưởng Kao lúc chạy đến nhà trạm và chúng tôi có chào nhau vội vã.
Theo hiệu tay của Tái Công, Bân kể tiếp:
– Mặt trời lặn thì tôi tới làng Ngũ Dương. Tôi đến thẳng trang trại của người đã nhắn tin và nhìn ngắm chiếc đỉnh. Quả thật đó là một vật quý và tôi bắt đầu mặc cả với chủ của nó, nhưng không may cho tôi là đã đụng phải một cái đầu bò. Không sao nhất trí được, tối đã lâu, tôi đành trở về quán trọ. Và quấy quá vài bát cơm rồi lăn ra ngủ.
Sáng hôm sau, tôi đi một vòng thăm hết các trang trại trong vùng, hy vọng moi ra được một thứ đồ cổ đặc sắc nào đó. Nhưng không kết quả. Bực mình, tôi trở về nhà trọ, ăn vội lưng cơm rồi quay lại lần nữa nhà ông bạn đầu bò – mót từng xu của tôi. Sau một cuộc mặc cả hầu như bất tận, cuối cùng chúng tôi đã thỏa thuận được với nhau. Không để mất một phút, tôi mặc vội vào người cái áo choàng lông, cho chiếc đỉnh vào túi da và leo lên lưng ngựa.
Phi nước đại được một lúc khá lâu, bất thình lình tôi chợt nhìn thấy hai tên cướp từ sau những quả đồi phủ đầy tuyết xông ra. Hoảng sợ, tôi thúc ngựa phóng bạt mạng bất kể phương hướng nào và tôi đã thoát khỏi tay chúng một cách thần kỳ. Nhưng khốn thay, thần may mắn đã chống lại tôi! Trong cơn hoảng sợ, cho ngựa phi bừa, tôi đã bị lạc chẳng còn nhận rõ đường nào ra đường nào nữa. Và chưa phải đã hết, chiếc túi da trong có chiếc đỉnh cổ đã biến mất! Nó đã tuột khỏi cái mấu yên ngựa lúc nào tôi cũng chẳng hay. Tôi đi quanh đi quẩn mãi trong cái khung cảnh đầy tuyết phủ này và mỗi phút mối lo lại càng tăng thêm.
Bất ngờ, một sự an ủi lớn đến với tôi, một nhóm năm người cưỡi ngựa đi tới gần và tôi nhận ra đó là đội tuần thám. Vô cùng sung sướng, tôi tiến đến phía họ. Nhưng làm sao mà tả lại được nỗi kinh hoàng sửng sốt khi họ lôi tôi xuống khỏi lưng ngựa, trói chân tay tôi lại, quẳng tôi nằm ngang trên chính lưng con vật cưỡi của tôi. Tôi mở miệng hỏi họ tại sao lại xử sự với tôi như vậy thì người chỉ huy quất cán roi vào mặt và bắt tôi phải im tiếng. Cứ như thế về đến Phối Châu không được một lời giải thích và họ ném tôi vào trại giam. Đó là tất cả câu chuyện của tôi, với sự thực tuyệt đối, thưa Đại nhân.
– Tên chó đẻ này đã nói dối, bẩm Đại nhân! – Nghê Bình kêu to.
– Những lời khai của bị cáo sẽ được Tòa kiểm chứng – Tái Công khô khan nói – Nguyên cáo Nghê Bình chỉ được nói khi nào tòa hỏi.
Rồi quay lại Bân, ông bảo:
– Hãy tả nhân dạng hai tên cướp đó.
Sau một hồi lưỡng lự, người buôn bán đồ cổ cao tuổi lúng túng thưa:
– Thực ra, thưa Đại nhân, trong lúc quá hoảng sợ tôi không nhìn kỹ được bọn chúng, chỉ nhớ được là một trong hai tên có mang một giải băng trên mắt.
Tái Công ra lệnh cho viên lục sự trưởng đọc to lại biên bản ghi lời khai của bị cáo. Bân công nhận là đúng tất cả như những gì hắn trình bày, bèn điểm chỉ xuống dưới.
– Bân Phong! Ngươi bị Nghê Bình, em trai nạn nhân, tố cáo là đã giết vợ.
Mặt nhà buôn bán đồ cổ tái mét.
– Không đúng! – Hắn thất vọng kêu lên – Lúc tạm chia tay, vợ tôi vẫn sống và khỏe mạnh. Cầu xin Đại nhân…
Tái Công phẩy tay, viên vệ úy tóm Bân đưa trở lại ngục thất trong khi hắn một mực kêu oan. Bằng giọng nhấn mạnh, ngài pháp quan bảo nguyên cáo:
– Nhà ngươi sẽ lại được triệu tới công đường khi tất cả những lời khai của Bân Phong được kiểm chứng.
Tái Công giải quyết một vài sự vụ vặt nữa rồi tuyên bố ngừng phiên thẩm vấn.
Khi ông trở về phòng làm việc cùng với các phụ tá của mình, Đinh lại Hồng vội hỏi:
– Ngài đã nghĩ gì, bẩm Đại nhân, về lời cung khai của Bân Phong?
Ngài pháp quan vân vê bộ ria vẻ suy nghĩ đáp:
– Ta cho là hắn đã nói thực. Có kẻ thứ ba đã hạ sát bà Bân, vợ hắn sau khi hắn đi khỏi.
– Điều này lý giải tại sao đồ nữ trang và tiền bạc còn nguyên – Tào Can xen vào – Hung thủ không thể biết có một khoản tài sản nhỏ giấu trong buồng. Nhưng, thế vì sao mà hắn lại thủ tiêu đi tất cả áo quần của nạn nhân?
– Cái câu chuyện bịa đặt của Bân Phong không sao có thể đứng vững – Mã Tôn nói – Tất cả mọi người đều rõ là đội tuần thám thường xuyên, tìm bắt lính đào ngũ và bọn gián điệp Tacta. Làm sao mà một tên trộm đạo còn lẩn khuất được trong các xó xỉnh nào đó.
Triệu Thái gật gù vẻ đồng tình.
– Tất cả những gì hắn thấy ở những tên cướp đường đó chỉ là cái băng bịt mắt của một trong hai tên. Thông tin quá nghèo nàn! Chỉ như cái loại rao hàng trong chợ.
– Điều đó chẳng có gì quan trọng. Chúng ta sẽ xem xét từng điểm một trong lời khai của hắn. Đinh lại Hồng! Nhà ngươi điều ngay viên vệ úy mang theo hai lính tới làng Ngũ Dương, thẩm vấn người chủ của chiếc đỉnh và cả người chủ nhà trọ ở đó nữa. Còn ta, ta sẽ thông báo ngay cho viên chỉ huy quân đồn trú ở bản hạt về hai tên cướp đường kia. Rồi sẽ biết chúng ta phải làm gì sau đó.
Tái Công im lặng một lúc lâu, chìm đắm trong suy tư rồi tiếp:
– Và bây giờ, chúng ta sẽ huy động lực lượng để tìm cho được cô con gái họ Lưu. Ngay trưa nay, Tào Can, ngươi sẽ đến thăm người cha cô gái mất tích, và ông già Nghê, nhà thương gia buôn giấy. Trong khi đó thì Mã Tôn và Triệu Thái quay lại chợ. Có thể ngay tại nơi cô gái mất tích, các ngươi khám phá ra được cái gì đặc biệt chăng.
– Chúng tôi có thể kéo theo võ sư Lan cùng đi không, thưa Đại nhân? – Mã Tôn hỏi – Ông ta am tường chốn đó cũng như con người ở đó nữa.
– Đó là một ý kiến hay! – Tái Công đáp – Bây giờ ta đi ăn trưa và nghỉ một lát trên tràng kỷ trong phòng này. Hoàn thành công việc, các ngươi phải đến ngay trình báo ta rõ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.