Ba Vụ Án Bí Ẩn

CHƯƠNG 3: KHÁM NGHIỆM TỬ THI KHÔNG ĐẦU, TÁI CÔNG TRAO ĐỔI VỚI CÁC PHỤ TÁ



Người kiêm quản văn khố đợi Tái Công trong thư phòng. Ngài pháp quan ngồi vào bàn làm việc trong khi viên đinh lại và Tào Can pha ấm trà mới. Sau khi cúi đầu thật thấp, người kiêm – quản văn – khố đặt trước mặt Tái Công một xấp dày tài liệu.
– Hãy triệu viên Lục sự trưởng tới đây! – Tái Công ra lệnh, tay lật mấy tờ tài liệu.
Một lát sau, viên Lục sự đi vào, Tái Công ngẩng đầu lên bảo.
– Ta đã lệnh cho ông Vệ úy cho chuyển thi hài của bà Bân tới pháp đình. Cuộc khám nghiệm sẽ tiến hành trong phòng kín. Ta không muốn thủ tục tố tụng trở thành một cảnh tượng không đẹp đối với những kẻ hiếu kỳ và những kẻ vô công rồi nghề. Vậy thì nhà ngươi hãy giúp ông A Quốc sửa soạn các thứ cần thiết trong căn buồng sát cạnh thư phòng của ta đây và cắt người canh gác thật chu đáo không để bất cứ ai vào, trừ những người của Tòa án, anh em họ Nghê và Đình trưởng Kao.
Đình lại Hồng đưa cho chủ một chén trà nóng bỏng. Nhấm nháp, vài ngụm, Tái Công nhận xét với nụ cười buồn:
– Trà của chúng ta đúng là không sánh được với chén trà ướp hương nhài mà ta được thưởng thức trong cửa hàng người lương y đáng kính! Một cặp vợ chồng kỳ kỳ dị là ông bà A Quốc đó! Hai người có vẻ sống hạnh phúc đấy, nhưng ta thấy chẳng xứng đôi vừa lứa chút nào!
– Bà A Quốc là quả phụ khi tái hôn cùng với ông thầy thuốc – Tào Can nói – Người chồng trước của bà có tên là A Hoàng làm nghề bán thịt, đã chết sau một cuộc rượu trước đây bốn năm. Thật may cho bà ta. Người ta kể đó là một con người sa đọa, xấu xa, thường có thói quen đánh vợ.
– Đó hoàn toàn là sự thật – Người kiêm quản văn – khố chêm vào – Tay A Hoàng hàng thịt đó chết đi còn để lại một khoản nợ lớn, nhất là món nợ của kỹ viện ở ngay phía sau khu chợ. Bà vợ góa bắt buộc phải bán đi toàn bộ cửa hàng mà cũng chỉ đủ để thanh toán với những người cung cấp thịt hàng ngày. Còn cái kỹ viện chưa trả nợ được nên người chủ bắt bà phải làm cái công việc ô nhục đó để trừ dần. May sao, lương y A Quốc tới kịp thời can thiệp. Ông ta đã thanh toán hết khoản nợ kia và cầu hôn với bà.
Tái Công áp triện đỏ của pháp ty lên số thư bạ để trước mặt. Ngẩng đầu lên nhìn những người đang đối chuyện, ông đưa ra nhận xét:
– Bà ấy cho ta cảm giác đó là một thiếu phụ có học thức.
– Ông già A Quốc đã truyền thụ cho bà ta tất cả những kiến thức y học mà ông biết, bẩm Đại nhân – Người kiêm quản văn khố nói – Và bây giờ bà ta là một lương y thông thạo phụ khoa. Lúc đầu, dân ở đây coi thường bà, cho đó chẳng phải là người vợ tốt. Nhưng bây giờ, nhiều người phải chịu ơn bà. Bà ta chữa khỏi được các bệnh phụ khoa chẳng kém một ông lang danh tiếng mà lễ nghi chỉ cho phép được bắt mạch cổ tay nữ bệnh nhân.
– Ta thật hài lòng là bà ta đảm trách việc coi sóc trại giam nữ – Tái Công vừa nói vừa trao cho người kiêm quản văn khố già những thư bạ đã duyệt – Nói chung, cái nghề này thường giao cho những mụ đàn bà hung dữ mà ta luôn phải canh chừng để ngăn cản các mụ hành hạ các nữ tù nhân.
Người kiêm quản văn khố mở cửa đi ra nhưng vội vàng tránh dạt nhường lối cho hai người đàn ông vai rộng, khoác áo kỵ binh bằng da dày, đầu dội mũ lông có bịt tai. Đó là Mã Tôn và Triệu Thái, hai người phụ tá hộ vệ của Tái Công.
Ngài pháp quan nhìn họ đi vào một cách trìu mến. Hai người này trước đây là những “hảo hán lục lâm” mà đôi khi dân chúng gọi họ là những tên cướp đường. Cách đây mười hai năm, họ đã tấn công đoàn người của Tái Công trên một quãn đường vắng trên đường ông đi nhậm chức. Cảm phục vì lòng quả cảm và nhân cách của vị pháp quan, họ đã quyết định từ bỏ cuộc đời giang hồ xấu xa và đem thân phục vụ ông không tiếc công tiếc sức. Từ đó, họ lập được nhiều công trạng trong những sứ mệnh nguy hiểm hoặc chặn đứng được những tội ác to lớn.
– Có gì xảy ra? – Tái Công hỏi Mã Tôn.
– Chẳng có gì đáng kể, thưa Đại nhân. Hai đám phu kiệu gây gổ với nhau trong một quán rượu. Khi đại huynh Triệu Thái và tôi tới, thì chúng bắt đầu đầu rút dao ra đâm chém nhau. Một vài cú đấm vào đầu mỗi thằng, thế là thằng nào về nhà thằng ấy, chẳng đứa nào còn dám ho he. Chúng tôi chỉ bắt bốn thằng cầm đầu đưa về đây. Tống vào nhà giam, cho chúng ngủ một đêm trong đó, chắc là cũng đáng.
– Nhà ngươi đã làm đúng! – Tái Công nói – Thế còn con sói mà dân chúng sợ hãi kêu ca?
– Chúng tôi đã giết được nó rồi, thưa Đại nhân. Thật là một cuộc săn thú vị! Người bạn Chu Đại Nguyên của chúng tôi nhìn thấy đầu tiên. Một con sói thật lớn! Và Triệu Huynh đã hạ nó bằng một mũi tên cắm trúng họng! Một cú tuyệt vời!
– Cũng là ăn may thôi! – Triệu Thái cười khiêm nhường – Ông bạn của chúng tôi đã bị lung túng khi giương cung và tôi sợ con vật chạy mất, đã lợi dụng thời cơ bắn trước. Tôi cũng không rõ vì sao lại như vậy. Ngày thường ông ấy là một cung thủ có tài.
– Và ngày nào ông ta cũng luyện tập đấy – Mã Tôn nói thêm – Thưa Đại nhân, có lẽ Ngài phải đến xem ông ấy bắn cung như thế nào. Ngồi trên mình ngựa, phóng những mũi tên vào những người tuyết đắp để thay bia. Và trong khi cho ngựa phi thật nhanh, vẫn không hề trượt đích!
Mã Tôn chép miệng khâm phục tài bắn cung của anh bạn đó, nhưng vội quay lại hỏi:
– Nhưng vụ giết người mà cả trấn thành đang đồn đại là như thế nào, thưa Đại nhân?
Tái Công sa sầm nét mặt:
– Một vụ án phúc tạp, chưa tìm ra manh mối. À, các ngươi hãy sang phòng nhỏ bên cạnh đây xem việc chuẩn bị tiến hành khám nghiệm tử thi đã đến đâu rồi.
Một lát sau, Triệu Thái và Mã Tôn trở lại báo với chủ là lương y A Quốc đang chờ ông để bắt đầu công việc. Không chờ đợi gì nữa, ngài pháp quan rời thư phòng, theo sau là Tào Can và viên đinh lại.
Viên vệ úy cùng với hai lục sự đứng cạnh chiếc bàn cao. Tái Công tới ngồi sau bàn, bốn hộ vệ của ông đứng dọc theo bức tường đối diện. Tái Công nhìn thấy hai anh em Nghê cùng với Đình trưởng Kao đứng tách riêng ra phía cuối phòng. Ông đáp lại động tác cúi chào của họ bằng cái gật đầu rồi ra hiệu cho lương y A Quốc bắt đầu.
Người đàn ông gù kéo tấm chăn phủ chiếc chiếu cói đặt trên mặt đất. Lần thứ hai trong ngày, Tái Công phải đặt luồng nhìn vào cái cơ thể lõa lồ không có đầu. Thở dài một cái, ông cầm lấy bút ghi vào tờ biên bản các công thức hành chính và đọc to:
– Thi thể bà Bân, con gái họ Nghê. Tuổi?
– Ba mươi hai tuổi! – Nghê Bình đáp, giọng như nghẹn lại, da mặt tái xám như da người chết.
– Cuộc khám nghiệm tử thi có thể bắt đầu! – Tái Công ra lệnh.
Người thầy thuốc già ngồi xổm, nhúng một mảnh vải sạch vào chiếc chậu đồng chứa nước đun sôi đặt bên cạnh, lau hai bàn tay nạn nhân, thận trọng cởi sợi dây thừng và cố kéo hai cánh tay của người chết ra hai bên, nhưng không được, cánh tay đã cứng đờ. Ông tháo chiếc nhẫn bạc ở bàn tay phải nạn nhân ra và đặt trên một mảnh giấy. Rồi ông dùng khăn ướt lau rửa thân mình xác chêt, chăm chú xem xét từng điểm nhỏ một. Sau một lúc lâu, ông lật sấp xác chết xuống và lau sạch cả những vết máu dính đầy lưng.
Trong thời gian này, viên đinh lại nói nhỏ với Triệu Thái và Mã Tôn tất cả những gì ông biết về vụ giết người. Cơn giận làm Mã Tôn nghẹn thở:
– Huynh đã nhìn thấy những vết bầm tím trên lưng bà ta chứ? – Anh thì thầm vào tai Triệu Thái – Hãy chờ đấy, rồi ta sẽ tóm cổ mi, cái tên khốn kiếp này!
Ông già gù xem xét rất lâu cổ của nạn nhân. Rồi ông đứng lên trình báo:
– Đây là thân của một người đàn bà đã có chồng, nhưng chưa có dấu hiệu chửa đẻ. Trên người không có một nốt ruồi nào, không có vết sẹo cũng không có dấu hiệu nào đặc biệt. Không có một vết thương nào, ngoài những vệt trói còn hằn lại trên hai cổ tay và những vết tím bầm trên vú và cánh tay trên. Trên lưng và ngang hông có những vết hằn, chắc là do roi đánh.
Người lương y già chờ cho viên lục sự ghi xong những điều ông vừa trình báo rồi tiếp:
– Trên cổ có những dấu chém của một vật có lưỡi sắc để lại, có thể đó là lưỡi dao phay thường dùng trong các nhà bếp.
Tái Công bứt bứt sợi râu vẻ bứt rứt. Rồi ông ra hiệu cho viên lục sự dọc to những gì vừa ghi. Lúc người khám nghiệm tử thi điểm chỉ vào tờ biên bản, Tái Công bảo ông ta trả lại cho Nghê Bình chiếc nhẫn bạc của bà Bân.
Nghê Bình nhìn chiếc nhẫn kinh ngạc:
– Thiếu viên hồng ngọc! Tôi chắc chắn là nó hãy còn khi tôi tới thăm chị ngày hôm kia.
– Chị ngươi không đeo những nhẫn khác chứ? – Tái Công hỏi.
Nghê Bình lắc đầu.
– Bây giờ các ngươi có thể mang thi hài về làm lễ an táng. Chúng ta vẫn chưa tìm thấy đầu của nạn nhân, trong nhà cũng như dưới giếng. Nhưng ta hứa với các ngươi là sẽ đem hết sức mình trong thời gian nhanh nhất để truy bắt kẻ sát nhân và tìm lại được cái đầu đó. Bà chị của các ngươi sẽ được tổ chức an táng trọng thể.
Trong lúc hai anh em im lặng cúi đầu thì Tái Cống đứng lên trở về thư phòng, bốn hộ vệ của ông nối gót theo sau.
Bước vào căn nhà lạnh lẽo, ngài pháp quan run rảy, khép chặt vạt áo khoác sát người.
– Cho thêm than vào lò sưởi! – Ông ra lệnh cho Mã Tôn.
Anh này vội vàng đi lấy than, còn ba người phụ tá kéo ghế ra ngồi đối diện với ngài pháp quan. Tái Công im lặng một lúc lâu, tay vê vê bộ ria vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Khi Mã Tôn trở lại chỗ của mình, Tào Can nhận xét:
– Vụ án này đặt ra nhiều vấn đề rắc rối.
– Theo tôi, chỉ có một – Mã Tôn nóng nảy – Chỉ việc tóm cổ bằng được cái tên Bân Phong mặt người dạ thú kia là xong hết. Vợ hắn, một phụ nữ xinh đẹp như thế mà hắn nỡ giết hại một cách hết sức dã man!
Tái Công vẫn đắm chìm trong suy nghĩ, như không nghe thấy ý kiến của người phụ tá. Đột nhiên ông giận dữ thốt to:
– Tất cả chuyện này thật không sao hiểu được!
Ông bật đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng và tiếp tục nói to lên suy nghĩ của mình:
– Tìm thấy xác một phụ nữ khỏa thân, nhưng quần áo đang mặc, cả giày đi nữa đều biến mất. Bị trói, bị đánh, bị chặt đầu… nhưng không có một dấu vết nào nói lên sự giằng co ẩu đả. Người chồng – kẻ bị tình nghi giết vợ – đã gói bọc cẩn thận đầu vợ và quần áo của vợ rồi đi trốn… để lại tất cả đồ nữ trang của vợ và tiền nong trong ngăn kéo… Tất cả những cái này bất hợp lý, không sao đứng vững được.
– Có thể thấy là – Viên đinh lại tiếp lời – Có kẻ thứ ba đã nhúng tay vào vụ này.
Tái Công trở về ngồi sau án thư đưa mắt thăm dò những hộ vệ của mình. Triệu Thái nhún vai nói:
– Ngay những đao phủ với sức khỏe khác thường đôi khi phải vất vả mới chặt đứt được gọn ghẽ thủ cấp của tội phạm. Làm sao mà tên Bân Phong mà mọi người đều biết là một lão già yếu đuối kia lại có thể chặt đứt được đầu vợ mình gọn ghẽ như vậy?
– Khi trở về nhà – Tào Can xen vào – Có thể người buôn bán đồ cổ đó đã chạm trán với tên sát nhân… và vì quá hoảng sợ đã ba chân bốn cẳng chạy trốn chẳng kịp mang theo một vật gì.
– Có thể nhà ngươi có lý – Tái Công gật gật đầu – Nhưng nếu như thế thì ta phải lùng tìm thật mau tên Bân.
– Và hắn phải còn sống – Tào Can thêm, có hàm ý – Nếu đúng như tôi đoán định thì tên sát nhân đang phải bám sát gót ông ta.
Bất thình lình cửa mở và người quản gia của Tái Công xuất hiện, Tái Công ngạc nhiên nhìn, hỏi:
– Có việc gì mà nhà ngươi tới đây?
– Bẩm Đại nhân, có người nhà đi ngựa từ Thái Nguyên tới cho biết là phu nhân muốn xin được tiếp kiến Đại nhân chốc lát – Viên quản gia thưa.
Tái Công đứng lên, quay đầu lại nói với những phụ tá:
– Các ngươi đến đây tìm ta vào khoảng chập tối và chúng ta sẽ cùng tới nhà Chu Đại Nguyên. Chớ quên là ông ấy đã mời chúng ta tới dùng bữa tối nay!
Rồi ông đi ra, theo sau là người quản gia già nua.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.