Bí Quyết Thành Công Của Henry Ford

III. TUYÊN CHIẾN VỚI NHỮNG KẺ ĐỐI ĐỊCH



Dưới áp lực của chính phủ buộc phải tổ chức lại để thích nghi với công việc sản xuất đồ quân dụng, những công nhân sản xuất của Công ty ô tô Ford phát hiện ra họ đang làm việc trong một không khí rất kỳ lạ, mỗi một lỗi lầm đều bị thẩm tra rất nghiêm khắc để làm rõ liệu có phải là có ý đồ phá hoại hay không.

Điều khiến mọi người thêm lo lắng là các thế lực bên ngoài còn muốn Công ty ô tô Ford đuổi việc Carl Emde. Với tài năng về đồ họa và thiết kế công cụ, Emde đã có cống hiến lớn lao trong sự thành công của hạng mục động cơ tự do của công ty, nhưng dòng máu Đức đã khiến ông bị nghi ngờ. Năm 1916, khi chính phủ Mỹ phái quân viễn chinh đến Mexico để bắt nhà cách mạng Pancho Villa, Henry Ford đã kịch liệt phản đối. Một bài xã luận đăng trên tờ “Luận đàm Chicago” (Chicago Tribune) đã bày tỏ sự bất bình đối với hành động của Ford, gán cho ông cái mác là “người theo chủ nghĩa vô chính phủ”, Ford đã khởi kiện tờ “Luận đàm”, buộc phía này phải bồi thường 1 triệu đô-la. Ông bày tỏ sẽ duy trì sự bất hòa về ý kiến với chính phủ dưới tiền đề là không đối kháng với chính phủ.

Năm 1918, kẻ thù của Henry Ford đã lợi dụng cuộc điều tra về việc sản xuất máy bay trong thời kỳ chiến tranh của chính phủ liên bang để tấn công ông.

Điều không ai ngờ tới là người cổ động cho cuộc điều tra này lại là nhà điêu khắc Gutzon Borglum. Vào thời điểm năm 1918, Ford đang cân nhắc để mở một công ty máy bay. Một phần là dựa trên động cơ cá nhân, Borglum chỉ trích rằng hiệu suất của tập đoàn các nhà sản xuất tham gia vào hạng mục động cơ tự do đang giảm thấp, hơn nữa lại đang thu về những lợi ích không chính đáng, đồng thời ông còn thuyết phục bạn mình là Tổng thống Woodrow Wilson mở một cuộc điều tra. Xung quanh việc tiến triển chậm chạp của hạng mục động cơ tự do đã có nhiều sự nghi ngờ, lời nói của Borglum chẳng khác gì thêm dầu vào lửa. Rốt cuộc, một năm sau khi nước Mỹ tham chiến thì công việc sản xuất mới được bắt đầu, điều này khiến mọi người nghi ngờ: chẳng có động cơ máy bay thực sự mà chỉ có những nhà đầu cơ trục lợi. Để tránh làm mất lòng tin, sự đoàn kết của người Mỹ trong vấn đề tham chiến, Tổng thống Wilson đã triển khai một cuộc điều tra. Người phụ trách cuộc điều tra mà ông lựa chọn là Charles Evans Hughes, người đã từng thất bại trong cuộc tranh cử cùng ông năm 1916, là người thuộc Đảng Cộng hòa, từng là quan tòa tòa án tối cao Mỹ.

Năm 1918, Công ty ô tô Ford vô cùng bận rộn, người đứng đầu Công ty ô tô Ford còn bận rộn hơn. Đồng thời với cuộc đấu tranh gián tiếp với các nước đồng minh ở châu Âu, đấu tranh trực tiếp với một số cổ đông trong công ty, Henry Ford vẫn dành thời gian để tranh cử chiếc ghế thượng nghị sĩ Mỹ ở bang Michigan. Tổng thống Wilson là một trong số những người khích lệ ông tham gia tranh cử sớm nhất, còn hàng nghìn lá thư của những người ủng hộ ông đã khiến ông hạ quyết tâm tranh cử. Dù cả Henry Ford và đối thủ của ông là Truman H. Newberry, người thuộc Đảng Cộng hòa đều không được coi là tích cực, nhưng những đảng ở phía sau họ lại biến cuộc tuyển cử vào thượng nghị viện ở Michigan vào năm 1918 trở thành một trong những cuộc chiến tranh cử lớn nhất trong lịch sử.

Hughes và những nhân viên tùy tùng đã thị sát High Park để tìm ra những manh mối chứng tỏ người Đức và người Mỹ gốc Đức đang tìm cách ngăn cản sản xuất. Ông ta còn quyết định chĩa mũi nhọn vào Carl Emde, lấy Carl Emde để thử nghiệm độ trung thành của Công ty ô tô Ford. Một thời gian, sự kiện Emde đã gây náo loạn ở High Park. Một số quan chức của Công ty ô tô Ford đã đứng về phía Hughes và ủy ban của Hughes. Lý do họ đưa ra là, dù Emde là một công dân Mỹ trung lập, dù công việc của ông trong hạng mục động cơ tự do là không thể chỉ trích được, nhưng là một người phụ trách quan trọng của công ty, Emde có thể tiếp xúc với tất cả các giấy tờ quân sự và ngành nghề, bởi vậy, nếu muốn, ông có thể copy lại tất cả các tài liệu đó và gửi về nước Đức “quê hương”. Ngoài ra, một số nhân viên quản lý trong công ty còn cho rằng, công việc và sự an toàn của Emde không quan trọng bằng Công ty ô tô Ford. Bởi vậy, nếu người này có khả năng là một gián điệp có ý đồ phá hoại, thì tốt nhất là công ty nên đuổi việc ông để chứng minh sự trung thành với quốc gia, bất luận ông ta xuất sắc, giá trị như thế nào.

Sự kiện Emde đã diễn biến thành một trận phong ba vào ngày 3 tháng 11 năm 1918. Hôm đó, tạp chí “Tin tức tự do Detroit” đã đăng một bài quảng cáo độc ác của Đảng Cộng hòa liên quan đến Emde. Bài quảng cáo gọi Henry Ford là “người tình của nước Đức”, đồng thời tuyên bố, cuộc điều tra của Hughes đã chứng minh rằng Henry Ford đang bảo vệ người Đức ở trong nhà máy. Ford đã có một bài phát biểu công khai, ông chỉ ra rằng, những cống hiến và những sự đổi mới của Emde đối với công ty trong 12 năm qua đã tiết kiệm cho hạng mục động cơ tự do 345.000 đô-la. Ford kiên định đứng về phía Emde và một số công nhân cùng cảnh ngộ khác, đối với một người chủ, đây là một điều thật đáng quý.

Sau khi Henry Ford chính thức tham gia tranh cử, cuộc bầu cử vào thượng nghị viện ở Michigan ngay lập tức trở thành đề tài mang tính toàn quốc. Số người theo Đảng Cộng hòa ở Michigan nhiều hơn 100.000 người so với số người theo Đảng Dân chủ, những người lãnh đạo của Đảng Cộng hòa quyết không thể dùng ưu thế về con số này để ủng hộ bất kỳ người nào của Wilson, dù người đó thành công như thế nào trong kinh doanh. Đối mặt với sự thực là Ford cùng lúc tham gia vào cuộc tranh cử của cả hai đảng, những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng hòa đã chuyển hướng sang Truman H. Newberry. Mối đe dọa lớn nhất đối với hy vọng giành chiến thắng của Ford là Newberry từng làm thư ký hải quân vào cuối nhiệm kỳ của Theodore Roosevelt. Những kinh nghiệm trong một thời gian tuy ngắn đã đem lại cho Newberry những ưu thế nhất định, mà đối với Henry Ford, đây lại là điểm yếu của ông. Newberry đã đánh bại Henry Ford, giành được sự đề cử của Đảng Cộng hòa, còn Henry Ford dễ dàng giành được sự đề cử của Đảng Dân chủ. Như vậy, họ lại gặp nhau một lần nữa trong cuộc tranh cử.

Ford áp dụng chiến lược theo phương thức cũ: Ông không lộ diện, cũng bày tỏ quan điểm sẽ không phát biểu diễn thuyết. Ford cũng không đầu tư tiền cho chiến dịch vận động tranh cử vào thượng nghị viện của mình, ông từ chối sự ủng hộ về mặt tài chính từ phía Đảng Dân chủ. Những gì Ford làm chỉ là tổ chức ra câu lạc bộ thượng nghị sĩ siêu đảng phái của riêng mình (Ford for Senator Club). Trong cuộc sơ tuyển hai đảng, phía của Ford tổng cộng đã chi 335 đô-la, còn dư 226 đô-la. Để đánh bại Ford trong cuộc sơ tuyển của Đảng Cộng hòa, Truman H. Newberry đã chi 176.568 đô-la. Sau đó, số tiền mà Newberry chi trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ đã đạt tới 500.000 – 1 triệu đô-la. Bộ máy Đảng Cộng hòa không ngừng thông qua báo chí, truyền đơn công kích vấn đề yêu nước của Ford.

Gần đến ngày bầu cử, sự công kích của Truman H. Newberry đối với việc Edsel Ford hoãn lính bắt đầu tăng cấp. “Do Ford không trả lời người của Đảng Cộng hòa về vấn đề Carl Emde và một số người dân của đất nước thù địch, ‘những lời chỉ trích ban đầu… xuất hiện đầy trên các tờ đối địch trên khắp bang vào thứ hai’,” – nhà sử học David L. Lewis nói – “Kết quả là chục triệu người dân đi bầu cử vào ngày thứ ba chỉ biết đến những lời chỉ trích mà không nghe được bất kỳ lời biện minh nào”. Ford đã phê phán sự kỳ thị đối với Emde và một số công nhân nước ngoài ở High Park, nhưng những lời đó chỉ được đăng trên hầu hết các tờ báo ở Michigan vào ngày bầu cử; khi những người dân bỏ phiếu xong, họ mới đọc được nội dung đó. Công việc kiểm phiếu phải tiến hành trong 3 ngày. Kết quả, Truman H. Newberry đã đánh bại Ford để giành chiến thắng.

Cống hiến cá nhân lớn nhất của Henry Ford đối với Công ty ô tô Ford chính là thái độ kiên định của ông trong vấn đề nâng cao sản lượng. Kế hoạch của Ford dựa trên một công thức sáng suốt: sản lượng tăng cao sẽ hạ thấp giá thành, mà giá thành hạ thấp sẽ nâng cao lượng tiêu thụ. Đương nhiên, tăng tốc độ nâng cao sản lượng là Ford đang mạo hiểm với nguy cơ cả doanh nghiệp có thể do lượng tiêu thụ giảm mà dẫn đến sụp đổ. Nhưng Ford không lo lắng vềđiều đó, vấn đề ông quan tâm là làm thế nào để hạ thấp giá chiếc xe dòng T.

Tất cả các việc khác đều phải tuân thủ mục tiêu này. Do hiệu suất và sản lượng ở High Park đã được phát huy đến cực điểm, Ford bắt đầu chuẩn bị xây dựng một nhà máy mới. Nhà máy High Park là một nhà máy ô tô lớn nhất trên thế giới, nhưng nhà máy mới sẽ còn lớn hơn High Park. Theo hình dung của Ford, nhà máy mới này sẽ trở thành người khổng lồ đứng đầu tất cả các nhà máy cùng ngành trên toàn thế giới.

Năm 1916, Henry Ford lần đầu tiên nảy sinh ý định xây dựng một nhà máy luyện kim tiên tiến nhất (để dung hòa và tinh luyện quặng). Để thực hiện được kế hoạch to lớn này, Công ty ô tô Ford cần phải có tài chính, mà nguồn lợi nhuận năm hàng chục triệu đô-la chính là nguồn tiền mặt. Trong những năm đầu, Công ty ô tô Ford đã dùng khoảng một nửa số lãi ròng vào việc phân chia lợi nhuận. Nhưng bắt đầu từ năm 1915, công ty chuyển sang chính sách mới (được sự ủng hộ của công ty luật Michigan): Mỗi tháng lấy ra số lợi nhuận tương đương với 5% số vốn của công ty để chia lợi nhuận. Đa số các cổ đông không phản đối phương pháp chia lợi nhuận mới có lợi cho việc mở rộng công ty này. Khi đó, cổ đông lớn thứ hai của công ty là James Couzens đang giữ chức cảnh sát trưởng Detroit do quá bận rộn đã không đưa ra bất kỳ sự phản đối nào; chị của ông, Rosetta Couzens Hauss với số tiền đầu tư ít ỏi đương nhiên cũng sẽ thuận theo số đông. Horace H. Rackham, John W. Anderson và John Simpson Gray đều bày tỏ sự hài lòng. Như vậy, chỉ còn hai anh em nhà Dodge là không đồng ý.

Khi đó John Dodge và Horace Dodge đã bắt đầu sản xuất ô tô của mình. Những chiếc xe Dodge hơi giống với kiểu xe dòng T bán khá chạy, kể từ năm 1915 luôn là một trong 5 loại xe bán chạy nhất nước Mỹ. Sản lượng ô tô của Công ty Dodge Brothers tăng nhanh, đến năm 1919 đã vượt 100.000 chiếc. Tuy vậy, ô tô của Công ty Dodge Brothers và các thương hiệu khác vẫn không thể so sánh được với ô tô Ford: Cùng năm, lượng tiêu thụ của kiểu xe dòng T là 521.599 chiếc. Tổng số cổ phần mà John và Horace nắm giữ là 10%. Chỉ tính riêng năm 1914, họ đã thu được 1,22 triệu đô-la lợi nhuận, đây là lần thứ 3 liên tiếp họ nhận được số tiền lợi nhuận có 7 chữ số. Có hai nguyên nhân khiến họ muốn duy trì nguồn lợi nhuận to lớn này. Thứ nhất, để không ngừng phát triển công ty ô tô của mình, họ cần càng nhiều tiền càng tốt; thứ hai, cũng là nguyên nhân quan trọng hơn là họ tin rằng kế hoạch táo bạo của Henry Ford đầu tư số lợi nhuận lớn của công ty vào nhà máy mới là mạo hiểm đối với sự sinh tồn của công ty.

Ngày 2 tháng 11 năm 1916, John và Horace khởi kiện Henry Ford, Edsel Ford, Horace H. Rackham và Frank L. Klingensmith, tố cáo họ làm tổn hại đến lợi ích của cổ đông. Đặc biệt, anh em nhà Dodge yêu cầu tòa án lưu động bang Michigan buộc Công ty ô tô Ford phải vĩnh viễn đem 3/4 lợi nhuận để phân chia lợi nhuận, tuyệt đối không được đầu tư tiền vào nhà máy luyện kim của cá nhân Henry Ford hoặc bất cứ thứ gì khác. Anh em Dodge còn phản đối chính sách lương công nhật 5 đô-la và việc giảm giá kiểu xe dòng T, nhưng hai mục đầu tiên mới là tiêu điểm đấu tranh của Công ty ô tô Ford.

Vụ án được đưa ra xét xử vào tháng 6 năm 1917. Dù rất nhiều công ty cổ phần hiện nay, đặc biệt là các công ty cổ phần trong các ngành nghề có tốc độ phát triển nhanh, đều lựa chọn cách hy sinh chia lợi nhuận cho cổ đông để dùng toàn bộ hoặc đa phần lợi nhuận có được cho việc tiếp tục đầu tư, nhưng vào năm 1910, phương thức này chưa được nói đến. Nếu Henry Ford kinh doanh công ty của mình vào 25 năm cuối chứ không phải là 25 năm đầu của thế kỷ XX, có lẽ ông đã không có động cơ để loại bỏ các cổ đông ở bên ngoài công ty. Anh em nhà Dodge còn chỉ ra, việc xây dựng nhà máy luyện kim đã vượt ra khỏi chương trình của Công ty ô tô Ford. Công ty được thành lập để sản xuất ô tô, căn cứ theo pháp luật của bang Michigan, xây dựng một nhà máy như nhà máy luyện kim thuộc vào một điều khoản luật khác và tương đối đặc biệt. Với kế hoạch của Henry Ford lúc đó, điểm này cũng quan trọng như sự nhấn mạnh của ông đối với phát triển, mà việc ông muốn xây dựng một nhà máy như thế nào thể hiện phương hướng phát triển ông đã định ra cho công ty.

Hoàn toàn đối lập với xu thế chuyên nghiệp hóa của ngành ô tô, mục tiêu của Công ty ô tô Ford là đưa nhiều hơn nữa các sản phẩm của các nhà cung ứng vào phạm vi sản xuất của mình. Điều đó có nghĩa là Công ty ô tô Ford muốn dùng các nhà máy gỗ, quặng, cao su của mình để sản xuất toàn bộ nguyên liệu gỗ, kim loại và lốp, sau đó lại dùng những nguyên vật liệu đó để sản xuất ô tô.

Tòa án yêu cầu Công ty ô tô Ford lập tức chi trả 19.275.385 đô-la tiền lợi nhuận đặc biệt, đồng thời điều chỉnh chính sách chia lợi nhuận để đảm bảo cổ đông có thể nhận được 50% trong tổng số lợi nhuận của công ty. Ngoài ra, tòa án lưu động còn phán quyết rằng, việc Công ty ô tô Ford xây dựng nhà máy luyện kim là hoàn toàn không phù hợp với chương trình của Công ty ô tô Ford.

Công ty ô tô Ford đã kiện lên trên, điều này ít ra cũng kéo dài việc chấp hành những phán quyết trên đến năm 1919. Sau đó, tháng 11 năm 1918, Henry Ford tuyên bố ông sẽ từ chức người đứng đầu Công ty ô tô Ford vào cuối năm. Ông đã mua lại tờ báo tuần “Dearborn độc lập” (Dearborn Independent). Dưới sự quản lý của những người tiền nhiệm, đây chỉ là một tờ báo nhỏ không danh tiếng, nhưng Henry Ford rất tin vào tương lai của tờ báo này. Cho dù mục đích thực sự của Henry Ford là gì thì việc từ chức của ông cũng đã gây ra một làn sóng lớn. Edsel Ford, 25 tuổi đã tiếp quản chức vụ của cha, quản lý doanh nghiệp ô tô có trị giá 250 triệu đô-la. Edsel đã giữ chức vụ này trong suốt quãng đời còn lại của Henry Ford. Sự thay đổi to lớn này đã khiến Công ty ô tô Ford có được một vị lãnh đạo có năng lực hơn. Sau khi Henry II ra đời, hai vợ chồng Edsel còn có thêm 3 người con nữa: Benson, Josephine và William.

Ngày 7 tháng 2 năm 1919, Tòa án tối cao Michigan tuyên bố kết quả phán quyết cuối cùng của vụ án giữa John Dodge và Horace Dodge với Công ty ô tô Ford, Henry Ford và những người khác. Đây chỉ là sự sửa đổi phán quyết cục bộ, tuy quy nhà máy luyện kim vào phạm vi quyền lợi của Công ty ô tô Ford nhưng lại một lần nữa ủng hộ yêu cầu và định nghĩa của anh em nhà Dodge về sự công bằng trong việc phân chia lợi nhuận của công ty. Việc tòa án vẫn yêu cầu công ty chi trả số lợi nhuận trước đây đã khiến Henry Ford tức giận. Dù thế nào thì Frank L. Klingensmith, quản lí tài chính của công ty cũng đã bắt đầu chuẩn bị số tiền mà tòa án yêu cầu trả cho cổ đông là 19,3 triệu đô-la. Ngày 6 tháng 3, Henry Ford tuyên bố ông đang xây dựng một công ty ô tô mới. Chẳng cần phải vòng vo, ông thừa nhận rằng mình làm như vậy là vì ông căm ghét phán quyết của tòa án tối cao. Ông cho rằng, tòa án đã ép buộc ông phân chia tiền của Công ty ô tô Ford theo một phương thức đi ngược với phán đoán của mình. Kế hoạch mới của Henry Ford khiến cho tầng lớp lãnh đạo của công ty và các cổ đông vô cùng kinh ngạc. Năm ngày sau, đến lượt Edsel tuyên bố, mình và bố sẽ tách khỏi Công ty ô tô Ford.

Những lời đồn đại về vận mệnh của High Park lan đi nhanh chóng. Tin đồn Công ty ô tô Ford có thể bị bán đã phản ánh sự bất ổn định của công ty, đây chính là ý đồ của Henry Ford. Đương nhiên khuynh hướng của các nhà đầu tư là tránh sự bất ổn. Đến tháng 7, đa số các cổ đông của Công ty ô tô Ford đều đã chuẩn bị để bán cổ phần. Vụ mua bán được hoàn thành với sự tham gia của Công ty ủy thác tín dụng thực dân cũ, một công ty tiền tệ ở Boston (Old Colony Trust Company). Công ty này phụ trách tất cả các cuộc đàm phán, Henry Ford chỉ đưa ra một quy định: nếu ông không thể mua hết các cổ phần thì ông sẽ không mua một cổ phần nào. Công ty ô tô Ford đã phát hành tất cả 20.000 cổ phần, trong đó Henry Ford có 11.400 cổ phần, Edsel có 300 cổ phần, 8300 cổ phần còn lại thuộc về James Couzens (2180 cổ phần), anh em nhà Dodge (mỗi người 1000 cổ phần), John Simpson Gray (2100 cổ phần), hai luật sư là John Anderson và Horace Rackham (mỗi người 1000 cổ phần). Theo đánh giá của hai anh em nhà Dodge, mỗi cổ phần của Công ty ô tô Ford trị giá 12.500 đô-la. Khi công ty thành lập 16 năm trước, họ chỉ phải mua với giá 100 đô-la/cổ phần.

Năm 1919, John Anderson và Horace Rackham đã bán cổ phần của mình với giá 12,5 triệu đô-la. Ban đầu mỗi người họ chỉ phải bỏ ra 5000 đô-la để mua số cổ phần đó. Cũng giống như vậy, nếu Alexander Y.Macolmson, cha đẻ của Công ty ô tô Ford không sớm bán đi 1/4 số cổ phần của mình vào năm 1906 cho Henry Ford với giá 175.000 đô-la thì đến năm 1919, ông đã có thể bán được với giá 63 triệu đô-la. Những người nắm giữ cổ phần lại một lần nữa phát tài. Anh em nhà Dodge mỗi người thu được 12,5 triệu đô-la; James Couzens, năm 1919 là thị trưởng Detroit đã đưa ra giá bán cao hơn một chút, nhưng chủ yếu là để ép Ford thừa nhận những cống hiến đặc biệt của mình đối với công ty. Ông đã thành công, bán được cổ phần của mình và của chị gái với giá 13.000 đô-la/cổ phần. James Couzens đã thu được 29,31 triệu đô-la, còn chị gái của ông với số tiền 100 đô-la ủy thác qua người em để mua cổ phần cũng đã nhập thêm được một khoản tiền là 262.000 đô-la vào tài khoản của mình.

Tuy vậy, đối với cuộc giao dịch này, không ai hài lòng hơn Henry Ford, bởi vì cuối cùng ông đã trở thành người sở hữu duy nhất của Công ty ô tô Ford. Mọi giao dịch đều được tiến hành dưới danh nghĩa của Edsel. Bởi thế nên khi được tin, tất cả các cổ đông đều đồng ý bán lại cổ phần công ty. Henry Ford đã nói: “Nếu Edsel muốn mua lại công ty thì tôi sẽ giúp nó”. Sau khi Henry Ford kiểm soát được toàn bộ công ty, ông lại trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Tổng số tiền dùng để mua lại cổ phần lên tới 106 triệu đô-la, Henry Ford đã phải vay thêm 75 triệu đô-la. Trên thực tế, số tiền nợ khổng lồ này là đám mây đen duy nhất phủ lên chiến thắng lần này. Tuy vậy, Ford tin rằng ông sẽ dễ dàng trả hết số nợ đó, những gì ông cần phải làm là không ngừng bán ra những chiếc xe dòng T, mà điểm này thì từ trước đến nay đối với ông chẳng thành vấn đề.

Năm 1919, Harold Wills quyết định rời khỏi Công ty ô tô Ford. Ông đã chịu đựng quá đủ Henry Ford, tài năng của ông và đội ngũ kỹ thuật của ông đang phải chịu sự kiểm soát rất khó chịu. Mặt khác, Henry Ford cũng đã chịu đựng quá đủ, bởi vì ông phải chia 1/10 số lợi nhuận mà ông nhận được cho người kỹ sư thiết kế đứng đầu này. Cộng với mức lương 80.000 đô-la/năm, thu nhập hàng năm của Wills đạt 500.000 đô-la. Bản thỏa thuận cá nhân mà Ford ký với Wills vào năm 1903 nhằm kéo Wills về phía mình đã khiến Wills trở thành người có mức lương cao nhất ở Công ty ô tô Ford. Ford sớm nhận ra rằng ông không phải là người được lợi trong cuộc giao dịch này. Trên thực tế, Wills tự quyết định ra đi. Không lâu sau đó, dưới sự giúp đỡ của John R. Lee cũng vừa mới rời khỏi Công ty ô tô Ford, Wills đã lập một công ty ô tô của riêng mình.

Wills – Saint Clair, một trong những chiếc xe sang trọng được ưa chuộng nhất vào những năm 20 của thế kỷ XX chính là kiệt tác của họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.