Bí Quyết Thành Công Của Henry Ford
III. XÂY DỰNG CÔNG TY Ô TÔ FORD
Đối với Công ty Ford và Macolmson, thành công hay không rất khó nắm bắt, bởi vì người trợ giúp chính về tài chính lại không có thời gian để quản lí công ty mới đầy rủi ro này. Do nhu cầu về tài chính của công ty mới đã vượt qua cả sự quản lí nên Macolmson chỉ có thể tập trung toàn bộ trọng tâm kinh doanh vào sản nghiệp than lúc đó đang trong giai đoạn phát triển mạnh, khi thương hiệu than “Hotter than Sunshine” (nóng hơn cả mặt trời) được đưa vào miền Đông Michigan chưa đầy 8 năm, ông đã thống trị cả ngành than. Macolmson đã cử thuộc cấp của mình, James Couzens, 30 tuổi, một người thông minh lanh lợi đến công ty ô tô để đảm nhiệm công việc quản lí. Điều quan trọng hơn nữa đối với sự phát triển lâu dài của công ty ô tô là đã tìm được một ngân hàng khác cung cấp vốn, đứng tên tài khoản là Couzens. Đây mới chỉ là sự khởi đầu cho những cống hiến của Couzens.
Couzens sinh ngày 26 tháng 8 năm 1872 tại Chatham, thị trấn Ontario ở phía Đông Detroit. Năm 18 tuổi, Couzens đã một mình đến Detroit, tìm được một công việc trong Công ty đường sắt ở Michigan và làm việc ở đó từ năm 1890 đến năm 1893. Công việc kiểm tra hàng tồn trong các toa xe là một công việc kế toán ở mức độ sơ cấp, mà kế toán sau này lại trở thành một trong những tài năng nổi bật của Couzens trong ngành thương mại. Chính từ công việc đơn giản này, tinh thần làm việc nhiệt tình, truy cứu triệt để những chuyến hàng lỡ hoặc những khoản nợ quá hạn của Couzens đã thu hút sự chú ý của Macolmson, ông được Macolmson thuê dùng. Sau này, trong hoạt động thu mua và mở rộng mạnh mẽ của Công ty than Macolmson, mọi sự vận hành của tổng công ty trong một thời gian dài đều nhờ vào một mình Couzens. Couzens nhanh chóng được Macolmson tín nhiệm, ông cũng biết được thâm ý của ông chủ: ông sẽ được đào tạo để trở thành người quản lí công ty than. Hai người tuy tính cách không giống nhau nhưng họ lại có mối quan hệ vô cùng hòa hợp, những cuộc cãi cọ thỉnh thoảng nổ ra giữa họ giống như các cuộc cãi cọ giữa cha và con chứ không phải giữa ông chủ và người làm công.
Ý tưởng ban đầu của Macolmson vào cuối năm 1902 là trước khi chiếc xe mới của Ford đi vào sản xuất thì Couzens phải phụ trách việc khởi động, phát triển và một số công việc lớn khác ở công ty ô tô. Couzens có đủ năng lực để đảm đương những nhiệm vụ này dù ông ít hơn Ford 9 tuổi. Để đáp lại sự tín nhiệm mà ông chủ đã giành cho mình, Couzens tập trung vào việc sáng lập công ty. Ông và Macolmson đều hiểu rằng, một khi công ty ô tô được thành lập, vị trí của hai người sẽ được hoán đổi: Couzens sẽ quản lí công ty than, Macolmson sẽ quản lí công ty ô tô, ít ra cũng sẽ là như vậy trong thời kỳ ô tô đang lên cơn sốt này. Nhưng đến đầu năm 1903 thì thái độ của Couzens có những biến chuyển. Tầm nhìn của ông đã mở rộng hơn. Ông không còn muốn quay lại với công việc kinh doanh than. Công ty than của Macolmson chỉ mang tính địa phương, còn công ty ô tô lại mang tính toàn quốc, thậm chí mang tính quốc tế. Couzens cuối cùng đã quyết định ở lại, trở thành nhà kinh doanh ô tô.
Nếu nói rằng đối với công nghệ ô tô, Henry Ford có những thiên hướng bẩm sinh thì James Couzens là một người không biết gì về cơ khí, nhưng ông cũng có những tài năng bẩm sinh mà Ford không có. Ford chưa bao giờ thể hiện sự phấn đấu dù ở mức độ thấp nhất, ông thích đi đi lại lại trong nhà máy, suy nghĩ về các ý tưởng, kiểm tra tiến độ công việc. Ngược lại, Couzens luôn có mặt ở nơi mà ông phải có mặt. Ông luôn kiên trì để công ty phát triển theo nhịp điệu vận hành nhanh chóng của mình cho dù điều này khiến ông không được hoan nghênh.
Khi Couzens bắt buộc phải thông báo với Macolmson về tình hình chi tiêu vượt mức dự tính 130% của Ford, ông đã cố gắng tránh phê bình đến bản thân người kỹ sư trưởng. Sự việc này nếu không phải là do Ford làm thì Couzens chắc chắn đã hết lời chỉ trích. Mặc dù số tiền mà Macolmson đầu tư vào đã vượt qua mức mà ông đã hứa, nhưng ông vẫn hết sức tin tưởng vào Ford. Chủ nợ lớn nhất của hạng mục mới này là Công ty Dodge Brothers, công ty này chuyên cung cấp những linh kiện chính cho nhà chế tạo ô tô nhưng bản thân họ không sản xuất ô tô. Khi Dodge Brothers yêu cầu hợp đồng cung cấp 250 chiếc động cơ cho doanh nghiệp chế tạo ô tô chưa ra đời của Ford, Macolmson đã lấy danh nghĩa cá nhân để chấp nhận hợp đồng này. Như vậy, cho dù công ty không được thành lập hoặc công việc sản xuất của công ty mới tiến hành không được thuận lợi thì Macolmson vẫn phải thanh toán tiền động cơ cho Công ty Dodge Brothers, điều này cũng đủ làm ông phá sản. Những nỗ lực để thành lập Công ty chế tạo ô tô Ford và Macolmson của Macolmson đã đặt sản nghiệp của ông trước một rủi ro lớn.
Chủ nhân của Công ty Dodge Brothers là Horace E. Dodge và John F. Dodge, cũng là những người đi lên từ hai bàn tay trắng ở phía Tây Michigan. Anh em nhà Dodge là những người có tính tình nóng nảy. Họ rất thích uống rượu, hầu như cuối tuần nào cũng đều uống say. Bởi thế, chuyện đánh nhau sau khi uống say đã trở thành chuyện cơm bữa đối với anh em nhà Dodge. Nhưng không ai phủ nhận, trong công việc hàng ngày, anh em nhà Dodge luôn cần cù chăm chỉ và những thành quả mà họ đạt được luôn được mọi người ngưỡng mộ. John giỏi về quản lí còn Horace lại tinh thông về kỹ thuật. Vào thời kỳ đầu của những năm 90 thế kỷ XIX, xưởng cơ khí sản xuất linh kiện xe đạp của hai anh em họ đã có uy tín tốt, sau khi sản xuất thành công linh kiện ô tô cho chiếc ô tô của Oulds, nhà máy này đã trở thành ngôi sao trong thế giới ô tô. Sau này, khi trở thành nhà cung cấp hàng đầu của Công ty ô tô Ford, Công ty Dodge Brothers đã trở thành công ty chế tạo cơ khí lớn nhất Detroit.
Mùa đông năm 1903, do chiếc xe dòng A của Ford sắp hoàn thành, Macolmson đã phải cố hết sức để bán cổ phần của công ty. Nhưng lần này không ai muốn tham gia vào kế hoạch tiêu tốn tiền của Henry Ford. Tình thế trở nên vô cùng nghiêm trọng, sau cùng, Macolmson đã cầu cứu đến những người ở ngoài giới ô tô, bao gồm bạn bè và người thân, những người mà ông cho rằng có thể chấp nhận sự rủi ro to lớn này. Trong số những người mua cổ phiếu có người anh họ của ông là Vernon Fry, ông đã mua số cổ phiếu trị giá 5000 đô-la; Albert Strelow, một nhà kinh doanh bất động sản, trước đây không lâu đã từng làm ăn với Macolmson, ông cũng mua 50 cổ phiếu với trị giá 5000 đô-la, đồng thời còn cho họ quyền sử dụng một tòa nhà. Ngoài hai người này, hai vị luật sư khởi thảo kế hoạch thành lập công ty là John W. Anderson và Horace H. Rackham, mỗi người mua 50 cổ phần. Chị gái của Couzens, Rosetta Couzens – một giáo viên, cũng đã đưa cho ông 100 đô-la, là một nửa số tiền mà bà tiết kiệm được. Couzens vốn định dùng số tiền 100 đô-la đó, lấy danh nghĩa chị mình để mua một cổ phần nhưng Henry Ford kiên quyết phản đối việc trong danh sách cổ đông của công ty lại có tên một phụ nữ, thế là Couzens lấy tiền của chị gái làm tiền đầu tư cho mình. Chị gái có 100 đô-la, Couzens có 400 đô-la, vay của Alexander Y. Macolmson 500 đô-la tiền mặt, đồng thời ký vay của công ty trong tương lai 1500 đô-la kỳ phiếu, Couzens đã mua 2500 đô-la cổ phần. Con số tuy không lớn nhưng đã thỏa mãn nhu cầu về lợi ích của Couzens đối với công ty mới. Đối với công ty này, Couzens đã cống hiến tất cả những gì mình có.
Charles H. Bennett – một nhà chế tạo súng hơi và một kỹ sư cơ khí được kính trọng đến từ Plymouth, Michigan – sẽ trở thành cổ đông khế ước duy nhất của Công ty ô tô Ford. Trước đó, ông chưa từng có quan hệ làm ăn với Alexander Macolmson, nhưng sau cùng, ông đã trở thành người bạn làm ăn trung thành của Macolmson. Khi mới mười mấy tuổi, Bennett đã cùng cha kinh doanh máy dùng sức gió bán cho các trang trại. Nhưng vào đầu những năm 80 của thế kỷ XIX, đại đa số các chủ trang trại vẫn chưa quen với việc bỏ ra một khoản tiền lớn để mua các thiết bị nông dụng, đối với bất kỳ vận dụng nào cần dùng đến, họ hoặc là tự chế tạo hoặc nghĩ cách để không phải dùng đến. Bennett không vì thế mà chùn bước, ông vẫn tiếp tục theo đuổi giấc mơ thành công, cuối cùng đã kiểm soát được Công ty súng máy Daisy Air Rifle ở Plymouth lúc đó đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Là người đứng đầu công ty, Bennett đã vực dậy công ty và trở thành nhà triệu phú. Điều quan trọng hơn, ở Plymouth quê hương mình (chỉ cách Detroit 15 dặm về phía Tây), Bennett trở thành một trong những nhân vật hiển hách. Bennett luôn cho rằng, đối với một thương gia thì danh tiếng còn quan trọng hơn nhiều so với tiền bạc.
Charles H. Bennett là anh hùng của vùng Plymouth. Dù là một người thuộc phái lạc quan nhưng ông cũng không thể nghĩ rằng lần ông đến một cửa hàng may đồ nam ở Detroit vào buổi chiều mùa xuân năm 1903 có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của ông, không thể tưởng tượng rằng chỉ vì mình nói buổi chiều muốn đi lái thử chiếc ô tô của Oulds mà có thể phát sinh ra nhiều việc như thế. Bennett chưa bao giờ nghe đến tên Ford, nhưng ông đã tận mắt nhìn thấy thương hiệu than của Macolmson trên khắp các con phố ở Detroit. Frank đưa Bennett đến phòng nghiên cứu ô tô của Henry Ford và Macolmson. Bennett hào hứng đến nỗi quên cả việc tham gia cuộc triển lãm xe ở Công ty ô tô Oulds. Ông tỏ ra vô cùng khâm phục tài năng của Ford. Macolmson ngay lập tức nói với Bennett, nếu ông đồng ý đầu tư tiền và cung cấp địa điểm lắp ráp thì ông có thể nắm giữ 1/4 số cổ phần của công ty ô tô.
Bennett với danh nghĩa cá nhân đã hứa đầu tư 5000 đô-la nhưng không phải là tiền mặt mà là hai tờ ngân phiếu với trị giá mỗi tờ là 2500 đô-la, trong đó có một tờ do Alexander Y. Macolmson đứng ra đảm bảo. Công ty ô tô có thể sử dụng danh tiếng của Bennett để tăng cường sức mua bởi trong giới kinh doanh lúc bấy giờ, danh tiếng cũng quý như tiền bạc. Một năm sau, Bennett lấy phần lợi nhuận mà công ty ô tô chia cho mình để đổi ra tiền mặt hai tờ ngân phiếu đó. Nói cách khác, Charles H. Bennett trên thực tế không hề đầu tư một đồng nào vào việc sáng lập công ty của Ford. Sự đầu tư của Anderson, Bennett, Rackham và Strelow cùng với số tiền ít ỏi của Couzens vẫn không thể giải quyết được vấn đề thiếu vốn nghiêm trọng. Thế là, khi anh em nhà Dodge tức giận do không được thanh toán tiền đúng thời hạn, Couzens khuyên Macolmson nên đàm phán với anh em nhà Dodge việc lấy cổ phần để bù nợ. Đương nhiên, đối với anh em nhà Dodge, họ không có lựa chọn nào khác. Khả năng đàm phán của Macolmson và Couzens cũng rất tốt, anh em nhà Dodge không những đã đồng ý mỗi người giữ 35 cổ phần của công ty ô tô để xóa nợ mà mỗi người còn đầu tư 1500 đô-la tiền mặt, như vậy, hai anh em nhà Dodge, mỗi người nắm giữ số cổ phần trị giá 5000 đô-la.
Nhiệm vụ tiếp đó mới thực sự khiến mọi người đau đầu: đi tìm một chủ ngân hàng để nói với họ về khó khăn nghiêm trọng mà công ty đang gặp phải. Macolmson và Couzens quyết định cầu cứu sự giúp đỡ của John Simpson Gray – một trong số những người đứng đầu và sáng lập ra ngân hàng German – American Bank ở Detroit. Có 3 nguyên nhân như sau: thứ nhất, con người Scotland chính gốc này là một người tốt có tiếng; thứ hai, ông này đã kế thừa và phát triển rất thành công công ty kẹo do người cha để lại, là một người cực kỳ giàu có; thứ ba, ông là cậu của Macolmson. Gray năm nay 62 tuổi, là chủ một ngân hàng, ông nhận thức rõ rằng tất cả những việc đứa cháu đã làm để thành lập công ty ô tô là quá vội vàng và thiếu suy nghĩ. Tuy vậy, giống như anh em nhà Dodge, ông cũng phải đối mặt với tình huống không còn sự lựa chọn nào khác: Nếu Gray không đưa ra sự trợ giúp về tài chính thì ông sẽ không thể thu về số tiền hàng lớn từ công ty than của cháu ngoại. John Simpson Gray quyết định mua số cổ phiếu trị giá 10.500 đô-la, chiếm 37,5% số vốn của công ty mới. Đây hoàn toàn là việc làm để bảo vệ sản nghiệp than của Macolmson trong trường hợp chiếc ô tô của Ford không thể ra được thị trường hoặc sau khi ra thị trường mà không gặt hái được thành công. Tháng 6 năm 1903, Công ty ô tô Ford đã được thành lập với số vốn là 28.000 đô-la Mỹ.
Theo bản thỏa thuận, Gray trở thành người đứng đầu công ty mới, đó là một tín hiệu đối với giới kinh doanh ở Detroit, rằng đằng sau Công ty ô tô Ford có một hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ. Dù Alexander Y. Macolmson được giữ chức vụ quản lí tài chính nhưng theo thỏa thuận với người cậu của mình, để Gray đồng ý ủng hộ về mặt tài chính, Macolmson phải ở lại công ty than, vì công ty than của ông mới là cái mà Gray thực sự quan tâm. James Couzens là thư ký kiêm giám đốc kinh doanh với mức lương là 2400 đô-la/năm, phụ trách những công việc hàng ngày ở Công ty ô tô Ford. Chức vụ của Henry Ford là phó của Gray kiêm tổng giám đốc, phụ trách kỹ thuật cơ khí và sản xuất với mức lương 3600 đô-la/năm. Những cổ đông khác sẽ không tham gia vào công việc kinh doanh của công ty. Ngoài ra, nhiệm vụ của 10 người công nhân với mức lương 1,5 đô-la/ngày là mỗi ngày phải lắp được 15 chiếc xe.
Tháng 2 năm 1903, 4 tháng trước khi Công ty ô tô Ford được thành lập, William Hughson, người sáng lập ra Công ty kinh doanh Hughson Ford đã ký với Công ty ô tô Ford thỏa thuận tiêu thụ đặc quyền đầu tiên. Tháng 3, dưới sự khuyến khích của Henry Ford và Macolmson, Steve Tenvoorde, chủ một nhà máy sản xuất xe đạp đã mở cửa hàng tiêu thụ ô tô Ford thứ hai ở St. Cloud. Cho đến năm 2003, công việc kinh doanh của Công ty ô tô Tenvoorde vẫn rất phát đạt.
Công ty ô tô Ford đã áp dụng một phương pháp để bước vào ngành công nghiệp ô tô: sử dụng một số chi tiết không cần thiết phải đặt chế, đại bộ phận các chi tiết chính có tính đặc trưng đều được chế tạo dựa trên thiết kế của công ty. Nhà máy Dogde Brothers sản xuất động cơ cho những chiếc xe ô tô thời kỳ đầu của Công ty ô tô Ford. Họ sẽ dùng xe ngựa để chở những chiếc động cơ về cơ bản đã thành hình đến Công ty ô tô Ford, ở đây Ford sẽ lắp đường điện, bugi, ắc-quy khô, sau đó đổ dầu bôi trơn, lắp lên một chiếc khung xe cũ chuyên dùng để đi thử. Nếu đạt yêu cầu, động cơ sẽ được lau sạch và lắp lên chiếc khung xe mới và lắp vỏ xe lên. Thế là hoàn thành một chiếc xe.
Trong số những kỹ sư cơ khí tài năng đã phục vụ cho ông trong quá trình khai thác xe đua và xe ô tô, ông đã chọn Harold Wills đến làm trợ thủ cho mình ở Công ty ô tô Ford. Trước khi rời khỏi nơi làm việc cũ để đến làm việc tại Công ty ô tô Ford, Harold Wills đã đề nghị được có một số cổ phần của công ty.
Ông là một nhân tài mà bất cứ công ty nào cũng mong muốn có được, nhưng Ford lại không có quyền trực tiếp cung cấp cổ phần cho Wills. Thế là ngoài mức lương hấp dẫn, Ford còn đưa ra một thỏa thuận riêng: Ford sẽ chia cho Wills lợi nhuận từ 20 cổ phần của mình (chiếm khoảng 10% số cổ phần mà ông đang có). Cũng giống như trước đây, là một trong số những người đứng đầu công ty, trước khi ô tô đi vào sản xuất, Ford không nhận được lương.
Nhà bất động sản Albert Strelow đã cho Công ty ô tô Ford thuê một tòa nhà của nhà máy sản xuất gỗ ở phố Mark Street, nay là đại lộ Mark Avenue ở Detroit. Sau khi cải tạo lại, giám đốc nghiệp vụ Couzens đã thiết kế một phòng làm việc ở một tầng, như vậy ông có thể giám sát được nhất cử nhất động trong công ty. Khi bắt đầu, chỉ có một mình Couzens gánh vác tất cả các công việc quản lý, từ ghi chép sổ sách, bán hàng, thu chi các khoản. Ông chỉ có hai trợ thủ, một người ghi tốc ký và một thư ký. Logo thương hiệu của Ford là do Wills thiết kế và đến nay vẫn được hãng ô tô Ford sử dụng.
Động cơ và khả năng vận hành của chiếc xe dòng A của Ford là vượt trội. Chiếc xe dòng A của Ford nặng 250 pound (khoảng 113kg), gấp 1,5 lần chiếc xe của Oulds nhưng công suất lớn của động cơ khiến chiếc xe có thể đạt được vận tốc 30 dặm/giờ – vận tốc cao nhất của Oulds. Giá của nó là 750 đô-la, linh kiện phụ duy nhất có thể lựa chọn là một chiếc ghế sau có thể gập lại, giá 100 đô-la.
Đầu mùa hè năm 1903, chiếc xe đầu tiên của Ford chính thức được đưa vào sản xuất. Nhưng do tốc độ lắp ráp chậm, hàng chưa bán được nên những khoản chi phí về lương và mua linh kiện đã làm cho tiền mặt của công ty chỉ còn 223.65 đô-la, nhưng giai đoạn khó khăn không kéo dài. Ngày 15 tháng 7, Công ty ô tô Ford nhận được đơn đặt hàng đầu tiên, bác sỹ nha khoa E. Pfennig ở Chicago đã bỏ ra 850 đô-la để mua một chiếc xe dòng A của Ford gồm cả ghế sau. Sau này, cộng thêm thu nhập bán hàng và số tiền 5000 đô-la đầu tư của Albert Strelow, trong vòng 7 tuần, số tiền gửi trong ngân hàng của Công ty ô tô Ford đã tăng lên 23.000 đô-la.
Đến cuối mùa hè năm 1903, chiếc xe dòng A của Ford đã có mặt ở khắp nước Mỹ. Các đơn đặt hàng của cá nhân và các nhà kinh doanh ngày càng nhiều – mỗi đơn đặt hàng Couzens đều yêu cầu khách hàng đặt tiền đặt cọc. Áp lực của công ty lại chuyển sang xưởng lắp ráp. Năm 1903, ngoài Công ty ô tô Ford ở Mỹ còn có 88 công ty ô tô, trong đó ở Detroit có 25 công ty. Nhưng đến cuối năm thì 27 công ty trong số đó đã thất bại. Năm 1904, lại có thêm 37 công ty nữa. Nhưng công ty Ford không đi vào vết xe đổ của người khác. Trong hai tháng đầu sau khi công ty thành lập, 215 chiếc xe ô tô Ford đã được bán ra; Trong năm đầu tiên, 1000 chiếc xe đã được xuất xưởng; trong 15 tháng đầu, Công ty ô tô Ford đã sản xuất được 1708 chiếc. Đến lúc đó, công ty đã trở nên giàu có, mỗi nhà đầu tư đã có được khoản chia lợi nhuận vượt quá 100%. Không có một tổn thất nào, lợi nhuận ngày càng cao. Trong năm đầu tiên thành lập, Công ty ô tô Ford đã thuê 125 công nhân, bao gồm cả một đội ngũ thiết kế khai thác mẫu xe mới do Ford và Wills lãnh đạo. Dòng xe AC và C đầu tiên được cải tiến trên cơ sở của dòng xe A, so với dòng xe A thì động cơ không có gì thay đổi nhưng ngoại hình xe to hơn một chút.
Dòng xe có những thay đổi lớn nhất đã được đưa ra vào tháng 9 năm 1904: dòng xe B. Đây là một kiểu ô tô loại lớn, tốc độ nhanh, sang trọng, lắp động cơ 4 xi-lanh, giá 2000 đô-la. Giá của nó đắt hơn gấp đôi chiếc xe dòng A nhưng vẫn thấp hơn giá của những chiếc ô tô châu Âu của các công ty Panhard et Levassor và Mors. Công ty ô tô Ford cũng đã len được vào thị trường ô tô sang trọng đang hưng thịnh cùng với các nhà chế tạo ô tô khác trên toàn nước Mỹ. Đối với hội đồng quản trị, cái giá 2000 đô-la sẽ đem lại cho họ nguồn lợi nhuận nhiều và nhanh. Henry Ford không đồng ý với quan điểm này nhưng ông cũng không kiên quyết phản đối.
Mặc dù rất ghét đua xe nhưng ngày 12 tháng 1 năm 1904, ông vẫn mang chiếc xe đua dòng B mới thiết kế xong đến Baltimore, bên bờ hồ Saint Clair ở Michigan. Trên mặt hồ đóng băng là một đường đua thẳng dài 4 dặm. Ông sẽ phá kỷ lục thế giới về tốc độ với mức 36 giây/dặm. Dưới sự giúp đỡ của kỹ sư cơ khí Spider Huff, Henry Ford và chiếc xe của ông đã không phụ lòng mong đợi của công chúng, nó đã phá kỷ lục thế giới. Tốc độ chính thức được ghi lại là 91,37 dặm/giờ. Ford cảm thấy rất hài lòng với chiếc xe đã được cải tiến của mình. Ông đã phát cho Huff 50 đô-la tiền thưởng.
Cuối năm 1904, Công ty bắt đầu chuyển ra khỏi nhà máy chật hẹp để chuyển đến một nơi rộng rãi hơn nơi cũ 10 lần. Tầng 1 là xưởng cơ khí, bộ phận điện lực, thiết bị đóng gói vận chuyển và văn phòng. Tầng 2 là phòng đồ họa, thiết kế của Ford, Wills, các phòng thí nghiệm và là nơi đặt xưởng cơ khí thứ 2. Tầng 3 dùng để lắp ráp, đánh bóng, phun sơn ô tô, không gian còn lại có thể dùng làm nhà kho. Đối với Công ty ô tô Ford, việc chuyển đến một nhà máy rộng như vậy không thể nói là một sự xa xỉ: năm 1905, đội ngũ gần 300 công nhân hàng ngày phải sản xuất ra 25 chiếc xe. Ngoài ra, việc dòng xe B và C ra thị trường đã đem lại 200.000 đô-la tổng lợi nhuận năm cho công ty, công ty phải nghĩ đến sự cấp thiết của việc mở rộng nhà xưởng. Hơn nữa, John Simpson Gray vẫn giữ thái độ nghi ngờ đối với viễn cảnh của công ty, ông rất muốn bán đi số cổ phần của Công ty ô tô Ford mà ông đang nắm giữ. Gray tin rằng, cơn sốt ô tô là một trào lưu, rồi sẽ biến mất, mọi người rồi sẽ cảm thấy chán ghét những công việc phải làm để thao tác và bảo dưỡng một chiếc xe ô tô và những lo lắng dành cho nó. Theo ông, chuyển đến một nhà máy quá lớn như vậy là một sự lãng phí, xa xỉ. Nhưng Alexander Y. Macolmson không hề nghi ngờ sức sống của ngành ô tô ở Mỹ, nhưng quả thực là ông cũng ngày càng cảm thấy lo lắng cho Công ty ô tô Ford. Bởi vậy, năm 1905, ông đã chuyển đổi công ty than của mình thành công ty cổ phần, sau đó tuyên bố mình sẽ thay thế Couzens quản lí Công ty ô tô Ford. Nhưng như George Braun đã nói: “Ngài Couzens là tất cả, việc gì cũng phải qua tay ông ấy thì mới tiến hành được”.
Tuy nhiên, mùa hè năm 1905, Macolmson vẫn đưa ra trước Hội đồng quản trị Công ty ô tô Ford đề nghị để James Couzens giao lại quyền quản lí. Dù sao thì khi công ty thành lập, chính Couzens đã hứa như vậy. Nhưng mọi việc đã thay đổi. Hai năm trước, Macolmson là vị ân nhân của công ty mới vì ông là người duy nhất đồng tình và có thể giúp tiền ủng hộ Henry Ford. Nhưng khi Ford, Wills, Couzens dần trưởng thành và thành thục hơn trong những thành công của công ty thì ông lại bị cô lập. Sau hai năm, khi tiền của ông đã không còn quan trọng, trong mắt Ford và các đồng nghiệp của Ford, ông không còn là một người hùng.
Sau khi Couzens từ chối việc trao lại quyền quản lý, Macolmson đề nghị Hội đồng quản trị bỏ phiếu để đuổi Couzens, việc làm không tính toán trước này đã đặt ông vào một tình thế tồi tệ. Trong số 5 thành viên Hội đồng quản trị thì có 3 vị là người ngoài công ty, hơn nữa lại có mối quan hệ lâu dài với ông khiến ông cho rằng có thể hy vọng ở họ sự giúp đỡ. Nhưng ngay đến cả cậu ông là John Simpson Gray cũng đã bỏ phiếu để giữ Couzens ở lại, John Dodge cũng như vậy. Chỉ có một trong số hai vị luật sư là John W.Anderson ủng hộ Macolmson. Trước cục diện bế tắc này, lá phiếu của Henry Ford đã trở thành lá phiếu mang tính quyết định.
Cũng giống như tất cả mọi người trong công ty, Ford cũng cho rằng James Couzens là một nhân vật không thể thiếu. Thành công về ô tô có thể do công lao của Ford, nhưng những công việc phức tạp như định giá thành, tiêu thụ và chiêu mộ, quy hoạch và quảng cáo, hệ thống, chính sách, kế hoạch, kỷ luật và
còn nhiều những công việc phức tạp khác, tất cả đều phải dựa vào James Couzens. Ford đã bỏ phiếu cho Couzens bởi đây là một sự lựa chọn phù hợp với lợi ích của công ty.
Alexander Y.Macolmson đã có công trong việc thành lập Công ty ô tô Ford nhưng lại không có được quyền quản lý thực sự đối với công ty. Ông lại phạm một sai lầm nữa: tuyên bố muốn thành lập công ty chế tạo ô tô của riêng mình, trực tiếp cạnh tranh với Công ty ô tô Ford mà ông đang đảm nhiệm chức vụ quản lí về tài chính. Ý nghĩ lấy phần lợi nhuận đáng kể được chia từ Công ty Ford để lấy tiền đầu tư khiến ông được an ủi phần nào. Ông muốn cho hai kẻ kiêu ngạo thấy phản bội ông là một sai lầm.
Nhưng ông đã nhầm. Tháng 11 năm 1905, Ford và Couzens đã tránh né Macolmson thông qua việc thành lập Công ty chế tạo Ford. Chức trách của công ty này là sản xuất linh kiện cho Công ty ô tô Ford. Do tốc độ tăng nhanh của sản lượng, Công ty ô tô Ford cần phải xây dựng một nhà máy lớn để tự sản xuất linh kiện, tiến hành quản lí tổng hợp. Bởi vì đến cuối năm 1905, ngay đến Công ty Dodge Brothers cũng không thể đáp ứng được nhu cầu về động cơ của Công ty ô tô Ford. Hơn nữa, sự thành lập của Công ty chế tạo Ford, dù xuất phát từ nhu cầu sản xuất nhưng trên thực tế lại là một cách làm hay của Ford và Couzens.
Tất cả cổ đông của công ty mới đều là cổ đông của Công ty ô tô Ford, nhưng không phải tất cả cổ đông của Công ty ô tô Ford đều là cổ đông của công ty mới. Bởi vì có một người đã bị loại ra ngoài, đó chính là Macolmson. Đồng thời, việc chia lợi nhuận của Công ty ô tô Ford cũng bị đình lại, chặn mất nguồn cung cấp vốn của Macolmson. Kế hoạch của Ford và Couzens là chuyển dịch tài khoản, để Công ty chế tạo Ford nắm giữ tất cả lợi nhuận mà Công ty ô tô Ford có được từ việc sản xuất và tiêu thụ. Như vậy, Công ty ô tô Ford vẫn có thể giữ được cân bằng về thu chi.
Đối với các cổ đông khác, trên thực tế chẳng có gì thay đổi: giá trị và lợi nhuận cổ phiếu của họ chỉ chuyển từ Công ty ô tô Ford sang Công ty chế tạo Ford. Nhưng đối với Macolmson thì khác. Ông không có được lợi nhuận, giá trị của số cổ phiếu của Công ty ô tô Ford ông có trong tay đã trở thành thứ rất khó dự tính. Ngoài ra, trong cuộc họp Hội đồng quản trị vào tháng 12 năm 1905, những người bạn cũ đã đề nghị ông từ chức thành viên Hội đồng quản trị và quản lí tài chính, vì quyết định thành lập công ty ô tô của ông đã dẫn đến sự xung đột về lợi nhuận.
Macolmson đe dọa sẽ khởi kiện Công ty ô tô Ford, cục diện căng thẳng trở nên ôn hòa hơn, ít ra là các thành viên khác trong Hội đồng quản trị không còn yêu cầu Macolmson từ chức nữa. Thực ra, sự phản kháng đối với Macolmson đã khiến một số cổ đông không hài lòng. Charles H. Bennett là một trong số đó. Bennett quyết định chấm dứt mối quan hệ hợp tác với Công ty ô tô Ford. John Simpson Gray lại không có suy nghĩ như vậy. Khi một cổ đông than phiền với ông về kế hoạch tài chính của Công ty chế tạo Ford, ông cho rằng đây chỉ là một quá trình trung gian đã được tính toán từ trước. “Ngài Ford đã đảm bảo với tôi rằng, sau khi họ giải quyết được vấn đề giữa họ và Macolmson, Công ty chế tạo Ford sẽ sáp nhập vào Công ty ô tô Ford”, Gray nói.
Đầu năm 1906, Macolmson đã suy tính về hoàn cảnh hiện tại của mình, sau đó đến tháng 7, ông bán đi số cổ phần của mình. Ford và Couzens đã tìm cách để có được số cổ phần đó. Ngoài ra, họ còn mua lại cổ phần của Bennett và của 3 cổ đông khác. Dù các cổ đông có đồng ý bán hay không thì cơ cấu nắm giữ cổ phần đã được sắp xếp lại, Ford nắm giữ 58,5% số cổ phần, tăng 25,5% so với ban đầu. Số cổ phần của Couzens cũng tăng lên rõ rệt, từ 2,5% lên 11%. Ngoài họ, địa vị của các cổ đông khác không có gì thay đổi. Ngày 6 tháng 7 năm 1906, Gray qua đời. Các cổ đông đã bầu Henry Ford lên làm người lãnh đạo mới của công ty. Cuối cùng Henry Ford cũng có được kết quả mà ông mong đợi: Công ty mang tên ông đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của ông và Couzens, hơn nữa, dù xét từ mặt nào thì vận mệnh của công ty đã hoàn toàn nằm trong tay ông.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.