Bí Quyết Thành Công Của Henry Ford

PHẦN V THỜI KỲ PHỤC HƯNG – I. THẾ GIỚI PHẢN LỰC



Chiến dịch thanh niên của Công ty ô tô Ford vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX được khởi phát dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hội đồng quản trị Henry II. Henry II kết hôn rất sớm, hơn nữa lại phải gánh vác trách nhiệm quản lý công ty của gia tộc khi chưa đầy 30 tuổi. Trong 15 năm, những biểu hiện của Henry II chứng tỏ ông trưởng thành hơn rất nhiều so với những người cùng trang lứa, ông toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc, giành được lòng tin của mọi người đối với Ford. Ông không có nhiều sở thích, chỉ thích đi du lịch, ông thường cùng vợ là Anne và 3 người con đi du lịch. Vào những năm 50 của thế kỷ XX, ông luôn được coi là người chồng, người cha đáng tin cậy.

Vào năm 41 tuổi, Henry II đã vứt bỏ lối sống ổn định của mình, bước vào cuộc tình vượt đại dương với Cristina Vettore Austin, người Italy. Sau khi ly hôn với Anne vào năm 1963, ngày 19 tháng 2 năm 1965, Henry II đã kết hôn với Cristina tại khách sạn Shoreham ở New York. Ý nghĩa của những năm 60 của thế kỷ XX đối với Công ty ô tô Ford và Henry II là khác nhau. Henry II đối mặt với thế giới xã giao kiểu phản lực, còn công ty lại đối mặt với một thế giới kiểu phản lực khác: thế giới xe đua. Đầu năm 1935, Henry Ford đã từng phái người tham gia cuộc đua Indianapolis 500 nhưng kết quả là đã phải bỏ cuộc giữa đường, còn Henry thì vĩnh viễn mất đi niềm hứng thú đối với xe đua. Trong mười mấy năm tiếp theo, công ty cũng không thể tiếp tục tham gia đua xe. Trong những năm 50 của thế kỷ XX, sau khi giành được thắng lợi từ nhiều cuộc đua xe phổ thông, năm 1957, Công ty ô tô Ford và các công ty chế tạo ô tô khác của Mỹ cùng rút khỏi những cuộc đua xe. Nhưng đến năm 1962, Công ty ô tô Ford lại đưa nhiệt tình của công ty quay về với những cuộc đua. Đua xe đã làm thay đổi văn hóa của công ty, đồng thời cũng làm thay đổi công việc kinh doanh của công ty. Vào năm 1962, không mấy người dưới 30 tuổi lại không biết đến “Ferrari”, đối với họ, Ferrari có nghĩa là người chiến thắng. Công ty ô tô Ford muốn giành lại từ chiến thắng từ tay của Ferrari. Trên thực tế, Công ty ô tô Ford muốn giành lấy cả Công ty Ferrari. Năm 1963, Ford đã phái người đến Italy với mục đích mua lại Công ty Ferrari. Enzo Ferrari, người sáng lập ra công ty vào năm 1945 hẳn đã rất hài lòng với cái giá 12 triệu đô-la, nhưng cuối cùng ông ta vẫn từ chối. Ông ta muốn quản lý Công ty Ferrari mà cách duy nhất để làm được việc đó là phải có được nó.

Tuy Công ty ô tô Ford không thể đánh bại triệt để đối thủ Ferrari trong thế giới xe đua nhưng từ năm 1964 đến 1969, Ford đã mở ra cho mình một không gian rộng lớn trong thế giới này. Đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, Ford bắt đầu nhạt dần với thế giới xe đua. Những thắng lợi mà họ giành được trong các cuộc đua đã không còn là những tin tức mới mẻ. Công ty không còn muốn bỏ tiền cho những cuộc đua xe nữa.

Công ty ô tô Ford (England) vào năm 1962 đã đưa ra kiểu xe Cortina và giành được thành công đáng kinh ngạc. Cortina có rất nhiều kiểu xe, trở thành loại xe có sản lượng cao nhất nước Anh. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, vấn đề nhỏ nhất của Công ty ô tô Ford (England) là thiết kế ra loại xe thu hút được người tiêu dùng, vấn đề lớn nhất nằm ở việc sản xuất ô tô. Dù mọi thứ đều thuận lợi, nhưng trên thực tế, trong những năm 60 và đầu những năm 70, mọi việc ở Công ty ô tô Ford (England) đều không thuận lợi. Ford Werke ở Đức là một nơi khá bình yên, tình hình kinh doanh của nó cũng khá phát đạt. Sau chiến tranh, Ford Werke đã chiếm được 18% thị phần. Năm 1965, Công ty ô tô Ford vượt qua Công ty ô tô thông dụng, trở thành nhà sản xuất ô tô có lượng tiêu thụ lớn nhất trên thị trường thế giới ngoài Bắc Mỹ.

Henry II là một người dễ gần nhưng chưa ai dám nói rằng ông là một người dễ hiểu. Dù giữ vai trò gì, ông dường như đều không cần quan tâm xem liệu người khác có hiểu nhầm mình hay không. Henry II hợp tác rất tốt với Arjay Miller. Miller cũng là người đứng đầu công ty. Thời gian ông giữ chức vụ này là một trong những thời gian thành công nhất của Ford. Henry II tuy không mấy khi can thiệp vào các sách lược về sản phẩm nhưng về vấn đề nhân sự, ông ngày càng độc đoán. Điều này đã khiến công ty mất đi rất nhiều nhân tài. Tháng 2 năm 1968, đến lượt Miller ra đi. Lee Iacocca nghĩ rằng nếu Miller ra đi thì chức vụ của Miller chắc chắn sẽ về tay mình, nhưng chức vụ đó đã thuộc về Semon “Bunkie” Knudsen, con trai của William Knudsen.

Bunkie Knudsen cho rằng mình có thể tránh được Iacocca. Có thể ông không ý thức được phạm vi thế lực của Iacocca. Hơn một tháng sau khi Bunkie Knudsen bắt đầu can thiệp vào thiết kế phần đầu của Thunderbird, một nhóm các lãnh đạo cao cấp của công ty đã đưa ra những điểm không hài lòng của họ về cách quản lý của Knudsen. Trong bản đề nghị họ đã ám chỉ, nếu Knudsen không ra đi thì họ sẽ ra đi. Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Henry II đã cho Knudsen nghỉ việc. Công ty ô tô Ford không còn ai giữ chức vụ này sau khi Knudsen ra đi mà hình thành nên một chính thể gồm 3 người đứng đầu, bao gồm cả Iacocca. Động lực của công ty trong những năm 60 của thế kỷ XX đã tiêu tan, nhân viên của công ty không còn biết ai là người quản lí chính của công ty.

Tháng 5 năm 1967, Henry II và Iacocca chuẩn bị phản kích lại ô tô nhập khẩu. Hiện tượng Volkswagen đã thu hút các nhà lãnh đạo Ford, nó đại diện cho mặt đối lập của triết học sản xuất ô tô ở Detroit. Volkswagen chưa từng có thiết kế cũng như không có tốc độ nổi trội. Trên thực tế, nó chẳng có gì giúp xác định đẳng cấp của khách hàng mà chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu về giao thông. Đối với những người ghét ô tô, Volkswagen là một lựa chọn tốt nhất. Thị trường của nó mở rộng vào những năm 60 của thế kỷ XX khiến cho Ford cảm thấy bất an. Kể từ khi bước vào thị trường Mỹ cách đây 15 năm cho đến nay, kiểu xe này không có sự thay đổi nào rõ rệt. Chỉ có khách hàng là thay đổi. Lần đầu tiên trong lịch sử, đẳng cấp không còn là yếu tố quan trọng để lựa chọn ô tô, yếu tố đó được thay thế bằng sự tiện lợi. Giữa những năm 60, những kiểu xe nhỏ như Volkswagen không những tiện lợi hơn ô tô của Mỹ mà trên những con đường cao tốc đông đúc, nó cũng tốn ít không gian hơn. Hơn nữa, nó cũng không gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như những kiểu xe lớn của Mỹ.

Trong cuộc thăm dò ý kiến của người dân Mỹ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, có tới 70% người Mỹ cho rằng, vấn đề môi trường là vấn đề cấp thiết nhất trong nước cũng như trên quốc tế. Mà ngành công nghiệp ô tô là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường. Công ty ô tô Ford trở thành một trong những đối tượng chủ yếu bị phê phán.

Vào năm 1967, Detroit không phải là một nơi phát triển lành mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp trong thành phố cao tới mức đáng sợ. Thanh niên cần những công việc ổn định nhưng những kiến thức cần cho công việc thì lại không được trang bị đầy đủ, một phần là do sự lạc hậu của hệ thống giáo dục. Những công việc tốt trong các nhà máy ô tô ngày càng ít. Ngày 23 tháng 7 năm 1967, Detroit đã thay đổi vĩnh viễn, bởi vì xu thế phát triển của ô tô đối với thành phố đã không còn là chuyện quan trọng nhất. Một cuộc bạo động liên quan đến vấn đề chủng tộc đã xảy ra, kết quả là 43 người chết, hơn 700 người bị thương, khoảng 5000 người không còn nhà để về, 7231 người bị bắt, tổn thất về tài sản lên tới 50 triệu đô-la. Ở Detroit, khắp nơi đều là những căn nhà đổ nát, những cửa hàng bị quét sạch, những mảnh kính nhà thờ bị đập vỡ và những chiếc ô tô bị phá hỏng, trông chẳng khác gì một bãi chiến trường. Sau khi cuộc bạo loạn xảy ra, tỷ lệ phạm tội tăng cao đến mức không ai dám ra khỏi nhà hay băng qua đường. Detroit biến thành một thành phố tuyệt vọng.

Tháng 8, Công ty ô tô Ford thành lập ban “Sự kiện thành phố”, chịu trách nhiệm đưa ra những phản ứng của công ty đối với vấn đề bạo loạn ở Detroit. Chẳng mất nhiều thời gian, ban này đã tìm ra những trở ngại khiến cho những người da đen không có văn hóa luôn không chiếm được ưu thế trong các đợt tuyển dụng của công ty. Trở ngại đầu tiên là ở phần trắc nghiệm tư cách. Công ty ô tô Ford đưa ra lời hứa sẽ tuyển dụng 6500 người, chủ yếu là những người thuộc dân tộc thiểu số nghèo khó. Vào mùa thu năm 1967, công ty đã thiết lập hai “trung tâm hành động” để tuyển mộ công nhân ở khu dân cư tập trung dân tộc thiểu số. Trong năm đầu tiên, Công ty ô tô Ford đã tuyển dụng được 5000 người thuộc thành phần này.

Từ năm 1967 đến năm 1968, hoạt động tuyển dụng người thuộc dân tộc thiểu số tuy không ngăn được sự suy thoái của Detroit nhưng đã giải quyết được vấn đề của người da đen. Tháng 4 năm 1968, trước khi bị ám sát vài tháng, Martin Luther King còn khen ngợi Công ty ô tô Ford đã đi tiên phong khi đưa ra quyền được làm việc công bằng. Tuy có được một tia hy vọng mong manh nhưng chẳng có thứ gì có thể làm thay đổi xu thế tổng thể của Detroit. Cùng với việc các doanh nghiệp lần lượt giải thể, ngày càng có nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, điều này lại dẫn đến sự giải thể của ngày càng nhiều các doanh nghiệp. Công ty ô tô Ford cuối cùng đã quyết định giải quyết vấn đề này, đưa các doanh nghiệp trở lại thành phố.

Công ty ô tô Ford kết thúc những năm 60 của thế kỷ XX bằng việc đưa ra chiếc Maverick. Nhờ chiếc xe kiểu nhỏ này, Ford đã vượt qua các doanh nghiệp khác ở trong nước, nhưng điều này không có nghĩa là nó đã đứng đầu ngành công nghiệp ô tô. Ngày 17 tháng 4 năm 1969, chiếc Maverick hai chỗ được đưa ra thị trường. Để giảm bớt giá thành về thiết bị, Ford đã thiết kế chiếc Maverick thành một kiểu hỗn hợp của các loại xe khác. Chiếc Maverick của Ford dài hơn chiếc Volkswagen một chút, rộng hơn một chút, nhưng lại có phong cách hơn bởi nó áp dụng thiết kế kiểu lưng nghiêng của các sản phẩm của Ford trong giai đoạn 1969-1970. Để chiếc xe thời trang hơn, Iacocca đã đặc biệt sử dụng vải len kẻ trong trang trí nội thất xe và màu sơn hiếm thấy ở bên ngoài, ngay đến tên của màu sơn nghe cũng khá kỳ quái: Thanks Vermillion, Hulla Blue, Freudian Gilt và Original Cinnamon.

Chiếc Maverick tuy không thể đánh bại được xe nhập khẩu nhưng nó đã trở thành sản phẩm bán chạy trong trận chiến kinh doanh của Iacocca. Sau Maverick, công ty đưa ra chiếc Pinto nhỏ hơn vào ngày 11 tháng 9 năm 1970, một kiểu xe mini. Ban đầu Pinto thể hiện ưu thế thành công, năm đầu tiên lượng tiêu thụ đã vượt 350.000 chiếc, Công ty ô tô Ford tin tưởng vào sức hấp dẫn của Pinto, thậm chí còn gọi nó là “kiểu xe dòng T mới”.

Nhờ Maverick và Pinto, trong giai đoạn từ 1970-1971, Ford đã bán được 530.000 chiếc ô tô con, chiếm 18% thị phần ô tô con. Năm 1970, Công ty ô tô Ford đã sản xuất được 4,86 triệu chiếc xe. Lượng tiêu thụ ô tô chiếm 93% lợi nhuận của công ty. Tại Mỹ, Công ty ô tô Ford chiếm 26,6% thị trường ô tô, có 8000 nhà tiêu thụ tiêu thụ xe Ford, Mercury hoặc Lincoln. Vào năm 1971 và năm 1972, Công ty ô tô Ford đều nâng cao được lợi nhuận.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.