Bí Quyết Thành Công Của Henry Ford
VI. TRANG TRẠI CÂY LIỄU VÀ B-24 LIBERATOR
Vào tháng 5 năm 1943, trang trại cây liễu bắt đầu đi vào sản xuất toàn diện, mỗi tháng có thể sản xuất được 500 chiếc B-24, bao gồm máy bay nguyên chiếc và bộ linh kiện đồng bộ. Trước đó không lâu, tình hình không được khả quan như vậy. Trong cả năm 1942, nhà máy lớn nhất thế giới chỉ có thể sản xuất được mấy chục chiếc máy bay oanh tạc vì việc cung cấp linh kiện vô cùng chậm chạp.
Năm 1941, các nhà sản xuất ô tô đã giành được thành công lớn trong việc tiêu thụ ô tô, điều này một phần là do họ lo ngại chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất xe mới. Dù đã làm nhiều việc cho quân đội nhưng việc sản xuất ô tô mới thực sự là mối quan tâm của họ. Năm 1940, mức sản xuất của Công ty ô tô Ford chiếm 20,2% tổng số ô tô trên toàn nước Mỹ, đến năm sau là 18,1%, căn cứ vào hạn ngạch sản xuất, sản lượng năm 1942 chiếm 18,6% sản lượng của cả ngành ô tô. Nhưng trên thực tế, trong năm 1942, Công ty ô tô Ford chỉ sản xuất được 399.600 chiếc, bằng khoảng một nửa so với năm trước.
Tháng 12 năm 1941, việc Trân Châu Cảng và Philippines bị tấn công đã làm thay đổi hạn ngạch sản xuất. Áp lực đối với nền công nghiệp Mỹ, đặc biệt là ngành chế tạo ô tô tăng lên chỉ trong phút chốc. Khoảng 25% số vật dụng trong quân đội đồng minh đều được sản xuất ở Detroit. Nhôm và các nguyên vật liệu khác được vận chuyển đến nhà máy, sau đó được gia công để tạo ra các linh kiện máy bay: không tính đến 700.000 chiếc đinh tán thì B-24 bao gồm 550.000 chi tiết. Những chi tiết này sau đó được lắp ráp thành những tổ hợp chi tiết, đưa đến hai dây chuyền lắp ráp sau cùng. Máy bay sau khi được lắp ráp xong sẽ được chuyển đến đường băng ở nhà máy cách đó một dặm để bay thử.
Cùng với sự tiến triển của các hạng mục quân sự, sự lo lắng của Henry Ford cũng ngày càng tăng lên. Ông biết rõ rằng công ty của mình chỉ còn một khách hàng là chính phủ Mỹ. Điều này không giống với thời gian xảy ra cuộc Đại chiến Thế giới I bởi vì khi đó, Công ty ô tô Ford vừa tham gia sản xuất đồ quân dụng vừa tiếp tục sản xuất ô tô. Nhưng vào năm 1942, mức độ động viên quân sự của Mỹ còn cao hơn rất nhiều. Việc tiêu thụ xe mới phải dừng lại, Công ty ô tô Ford, giống như tất cả các nhà sản xuất ô tô khác, đều phụ thuộc cả vào quân đội Mỹ.
Tháng 1 năm 1942, Edsel Ford được chẩn đoán bị mắc bệnh ung thư dạ dày. Một số học giả đã quy trách nhiệm về căn bệnh của Edsel Ford cho Henry Ford, bởi vì chính thái độ đối địch của ông đã làm tổn hại đến hệ thống thần kinh và tình hình sức khỏe tổng thể của cậu con trai. Một số người khác thì cho rằng căn bệnh của Edsel là do thói quen uống rượu gây ra. Edsel đã phẫu thuật để cắt đi 1/2 dạ dày nhưng cũng không có tác dụng. Sau khi phẫu thuật, sức khỏe của Edsel vẫn rất yếu, hơn một năm sau đó, sức khỏe của ông vẫn không thể hoàn toàn hồi phục. Ngày 26 tháng 5 năm 1943, Edsel Ford đã qua đời tại nhà riêng. Cả gia đình chìm trong đau thương mất mát.
Đến năm 1944, nhà máy cây liễu đã có được bước bứt phá, cuối cùng đã sản xuất ra được loại máy bay oanh tạc B-24 Liberator hạng nhất, hoàn thành kế hoạch bước đầu. Đến mùa hè, nhà máy cây liễu đã sản xuất được 5000 chiếc máy bay, thậm chí nó còn đảm đương những nhiệm vụ khác như chế tạo các linh kiện thay thế và cải tạo loại B-24 cũ. Việc Mỹ tham chiến với một số lượng lớn máy bay oanh tạc B-24 đã nhanh chóng kết thúc cuộc Đại chiến châu Âu. Trong thời gian chiến tranh, Công ty ô tô Ford đã sản xuất tổng cộng 8.685 chiếc máy bay oanh tạc B-24, 57.851 chiếc động cơ máy bay, 277.896 chiếc xe Jeep, 93.217 chiếc ô tô tải, 26.954 chiếc động cơ xe tăng cùng với 2.718 chiếc xe tăng và những loại máy móc hạng nặng khác.
Ngày 17 tháng 4 năm 1945, Army Air Force đã gửi thông báo ngừng sản xuất đến nhà máy cây liễu, thông báo tuyên bố, việc sản xuất sẽ chấm dứt hoàn toàn trước tháng 8 năm 1945. Sau khi được dỡ bỏ tên lửa, súng máy và các thiết bị chụp ảnh, hàng trăm chiếc máy bay oanh tạc B-24 từ châu Âu được chuyển về nhà máy cây liễu. B-24, một trong những phương tiện chiến tranh được coi là thần tượng trong giai đoạn đầu Đại chiến Thế giới II đã nhanh chóng trở nên lỗi thời. Thời kỳ hưng thịnh của nhà máy cây liễu đã chấm dứt.
Tháng 8 năm 1945, cùng với vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, cuộc Đại chiến Thế giới II đã kết thúc. Sau khi người Nhật đầu hàng, người dân Detroit đã tụ tập để diễu hành chào mừng thắng lợi. Đa số các doanh nghiệp công nghiệp đều vội vã quay lại với ngành nghề họ đã làm trong thời kỳ hòa bình, nhưng Công ty ô tô Ford thì lại đứng bên lề của sự lãng quên. Cũng giống như những doanh nghiệp khác, nó không thể trở về những năm tháng trước chiến tranh. Cùng với sự ra đi của Edsel Ford và Charles Sorensen, Công ty ô tô Ford trước đây không bao giờ còn có thể quay trở lại. Hơn nữa, trước khi có ai đó thay thế Henry Ford, Công ty ô tô Ford cũng không thể tiếp tục tiến lên. Người kế tục nếu không phải là Henry II thì sẽ là Harry Bennett. Đối với Công ty ô tô Ford, trước khi trận chiến đấu cuối cùng kết thúc thì cuộc chiến tranh vẫn chưa kết thúc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.