CÁI CHẾT CỦA BÀ MAC GINTY

Chương II



Spence ngừng một lúc lâu :

– Và bây giờ ông nhờ tôi…?

Poirot không nói hết câu.

Viên thanh tra ngước mắt lên. Bộ mặt có vẻ vô cảm, nhưng là của một con người trung thực, tin chắc vào những nguyên tắc suốt cả một đời đã giúp ông phân biệt cái thiện và cái ác và bây giờ cũng không sẵn sàng từ bỏ. Ông nói :

– Tôi ở ngành cảnh sát đã lâu, kinh nghiệm không thiếu. Tôi biết đánh giá một con người không kém bất cứ ai. Đời tôi đã phá nhiều vụ án, có vụ rất đơn giản, có vụ không. Ông Poirot, có một vụ ông cũng biết đấy…

Poirot gật đầu đồng ý. Spence nói tiếp :

– Vụ ấy khá là khó và, nếu không có ông, chưa chắc ta đã làm sáng rõ. Dù sao thì lần ấy, thủ phạm đã trả giá… chứ không trả thay người khác. Nhiều vụ khác cũng vậy. Như vụ Whistler. Hắn bị treo cổ là đáng đời. Rồi bọn giết ông già Guterman. Rồi tên Verall, kẻ đầu độc. Một số kẻ khác đã thoát tội. Đó là bà Courtland, vì chồng mụ là một tên ma bùn, nên hội đồng đã chiếu cố. Tranter, vì chứng cớ chưa rõ. Có những chuyện như thế!… Đôi lúc, các hội thẩm cũng bị mủi lòng; lúc khác họ bị ảnh hưởng bởi những luật sư biết khai thác một chi tiết rất nhỏ; có lúc thì do bên công tố mắc sai lầm… Ở tòa, mọi việc đều có thể xảy ra, tôi đã chứng kiến tất. Nhưng tôi chưa từng thấy, ít nhất là ở nước Anh này, một người bị treo cổ vì một tội ác người đó không phạm… điều ấy tôi không bao giờ muốn thấy!

– Và dường như ông sắp thấy điều đó – Poirot nói – Nhưng tại sao?

Spence ngắt lời :

– Tôi biết ông sắp nói gì, và xin trả lời trước những điều ông định hỏi. Chính tôi được giao điều tra vụ này. Tôi đã tiến hành thận trọng, thu thập các chứng cớ mà xem ra tất cả đều hướng về một thủ phạm duy nhất. Hồ sơ hoàn tất, tôi đã chuyển lên cấp trên. Thế là tôi hết trách nhiệm, quyết định thế nào là tùy thẩm phán. Các sự việc rõ ràng như thế, ông ta không có cách nào khác, chỉ còn tiếp tục quá trình tố tụng. Vậy là James Bentley bị bắt, bị xử, bị kết luận phạm tội. Không thể nào khác, và các hội thẩm hẳn không vấn vương điều gì. Tôi chắc rằng họ đều hoàn toàn tin tưởng là bị cáo có tội.

– Nhưng ông, ông lại không tin?

– Không.

– Tại sao?

Spence thở dài, đưa tay lên xoa cằm :

– Tôi không biết. Nói cho rõ tại sao, thì tôi chịu. Trước mắt các hội thẩm, anh ta có bộ dạng kẻ sát nhân. Với tôi thì không… Và trong lĩnh vực này, ít nhất tôi cũng hiểu sâu hơn họ…

– Phải, hiểu những kẻ giết người, hẳn không ai bằng ông!

– Trước hết, anh ta không hề có thái độ ngạo nghễ. Không vênh vênh cái mặt. Hoàn toàn không. Thông thường, bọn tội phạm hay huênh hoang, chúng tỏ vẻ bất cần, tưởng chừng đánh lừa được tất cả mọi người, và cả khi ngồi trên ghế bị cáo, lúc không còn ảo tưởng về điều gì đang chờ ở phía trước, chúng vẫn cứ đóng kịch. Chúng ngoan cố mà! Ông hiểu tôi nói gì chứ?

– Rất hiểu. Và cái tay James Bentley này, hắn không… ngoan cố?

– Không. Hắn… cứ như người sợ hãi đến líu lưỡi lại. Và một số người lại thấy đó là thêm một bằng chứng về tội của hắn. Nhưng tôi thì không!

– Tay James Bentley này trông dáng bộ ra sao?

– Ba mươi ba tuổi, cao trung bình, da vàng, đeo kính…

Poirot đưa tay ra hiệu :

– Điều tôi muốn biết, không phải nhận dạng, mà là tính cách hắn.

– Tôi hiểu…

Thanh tra Spence suy nghĩ một lát, rồi nói :

– Nhân vật này không mấy gây cảm tình. Thiếu bình tĩnh. Không bao giờ nhìn thẳng, mắt luôn luôn cúi xuống – thật không gì làm mất cảm tình hơn với đoàn hội thẩm – lúc nhạt nhẽo, lúc lại cáu bẳn, cử chỉ hung hăng chẳng ra làm sao. Tôi cho hắn là một tay nhút nhát. Tôi có một thằng em họ hơi giống hắn. Không vừa lòng điều gì là xổ ra những lời lung tung, thiếu suy nghĩ, khiến ai cũng biết ngay là không đúng sự thật.

– Tay James Bentley của ông, quả thật, chẳng có gì hấp dẫn!

– Tôi đồng ý. Chẳng thể có cảm tình. Nhưng tôi không muốn anh ta bị treo cổ!

– Và ông nghĩ là người ta sẽ treo cổ hắn?

– Tôi chưa biết anh ta làm thế nào mà thoát được. Luật sư của anh ta có thể yêu cầu phúc thẩm, viện cớ có sai sót thủ tục gì đó, nhưng tôi cho là rất khó.

– Người bào chữa anh ta có khá không?

– Graybrook, luật sư chỉ định. Còn trẻ, tỏ ra rất tích cực, khôn khéo nữa.

– Tóm lại, bị cáo được xử ở một phiên tòa hợp lệ, và các hội thẩm đã kết án “theo đúng tâm hồn và lương tâm” mình.

– Đúng thế. Một đoàn hội thẩm trung bình. Bảy nam, năm nữ. Không nghi ngờ gì, toàn người tốt. Chánh án là ông già Stanisdale, một quan tòa thuộc loại công minh nhất.

– Vậy là về mặt luật pháp, James Bentley không có cớ gì để khiếu nại?

– Nếu hắn bị treo cổ vì một tội không phải của mình, thì hắn có cớ để khiếu nại chứ!

– Ông nói nghe hay đấy.

– Hắn bị xét xử, là do trách nhiệm của tôi. Tôi tiến hành, tôi thu thập tài liệu, rồi trên cơ sở đó, họ xử và kết án. Thưa ông Poirot, đó là điều tôi không thú gì. Cái phán quyết ấy, tôi không thể chấp nhận!

Poirot nhìn ông bạn một lúc lâu, rồi hỏi :

– Vậy ông định làm gì?

Viên thanh tra lộ vẻ rất lúng túng.

– Ông Poirot, tôi nghĩ chắc ông đã đoán vì lý do gì tôi đến tìm ông. Vụ Bentley đã xử xong. Tôi lại đang làm một vụ khác, một chuyện lừa đảo mà tôi phải đi Scotland ngay đêm nay để điều tra. Tôi không có thì giờ…

– Còn tôi thì có…?

Spence đỏ mặt :

– Đúng vậy!… Chắc ông cho tôi là quá bạo phổi, nhưng đó là giải pháp duy nhất lúc này. Khi điều tra, tôi đã làm kỹ, đã cân nhắc mọi giả thuyết mà chẳng đi đến đâu, và nếu tôi làm lại, thì cũng đến thế thôi. Với ông, thì khác. Ông nhìn mọi việc, cho phép tôi nói điều này, khác với mọi người, và trong trường hợp này, có lẽ phải như thế mới được. Nếu thủ phạm không phải Bentley, phải tìm ra tên giết người thực… Biết đâu ông chả khám phá điều gì đó mà tôi đã bỏ qua. Tất nhiên ông chẳng có lý do gì để phải nhận việc này, và tôi hiểu rất rõ mình đã cả gan thế nào mới dám đến yêu cầu ông. Nhưng tôi không thấy cách nào khác… Dĩ nhiên nếu ông từ chối, tôi cũng rất thông cảm. Tại sao ông phải dính vào…?

– Tại sao? – Poirot cắt lời – Thì tại tôi đang rỗi, quá rỗi, và cũng tại câu chuyện này khiến tôi hết sức tò mò, nó đang thách thức các tế bào xám của tôi. Và, cũng tại vì ông nữa! Tôi hình dung, sáu tháng nữa, ông về chăm sóc các khóm hồng, có đủ thứ để hưởng hạnh phúc nhưng lại không hạnh phúc, vì canh cánh bên lòng một kỷ niệm không vui cứ đeo đuổi. Ông là bạn tôi, tôi muốn tránh cho ông cảnh đó… Với lại, còn chuyện khác…

Poirot đứng dậy, tựa bàn tay lên lưng ghế.

– Còn vấn đề nguyên tắc. Người không phạm tội không thể bị treo cổ.

Ngừng một lát, ông nói thêm :

– Nhưng nếu vẫn chính hắn là kẻ giết người?

– Nếu ông chứng minh được điều ấy, tôi xin rất biết ơn.

– Được rồi! Xong, tôi nhận! Và xin bắt đầu ngay, vì, nếu tôi hiểu không sai, thời gian gấp lắm rồi… Bà Mac Ginty bị giết ngày nào?

– 22 tháng Mười một vừa rồi. Tôi sẽ chuyển ông các tài liệu.

– Tốt. Hôm nay, ta hãy xét những nét lớn. Nếu Bentley không giết, thì là ai?

Spence nhún vai :

– Theo tôi biết, chẳng ai có lợi gì phải giết bà ta.

– Câu trả lời ấy không thể chấp nhận. Không án mạng nào không có động cơ. Trường hợp này, động cơ là gì? Ganh ghét? Thù hằn? Ghen tuông? Sợ hãi? Tiền bạc? Động cơ cuối cùng này là đơn giản nhất. Ai có lời lãi gì để phải giết bà Mac Ginty?

– Cô cháu gái. Nhưng bà già chẳng để lại bao nhiêu: hai trăm livrơ, gửi ở Quỹ tiết kiệm.

– Hai trăm livrơ, không nhiều… Nhưng cũng có thể là đủ! Vậy hãy xét cô cháu gái! Xin lỗi, tôi phải bắt đầu lại cuộc điều tra của ông, có thể tôi vẫn đi theo vết chân ông thôi, nhưng việc đó là cần thiết.

Spence gật đầu đồng tình :

– Dĩ nhiên, chúng tôi đã không quên bà cháu gái. Ba mươi tám tuổi, lấy chồng là họa sĩ làm trong ngành trang trí. Một anh chàng tốt bụng, lao động nghiêm chỉnh. Còn bà ta, cũng là người dễ chịu, nói hơi nhiều, và có vẻ rất quý bà cô. Có thêm hai trăm livrơ thì cũng tốt, nhưng cặp vợ chồng này không cần số tiền ấy.

– Còn ngôi nhà?

– Nhà không phải của bà Mac Ginty, bà chỉ ở thuê. Luật không cho phép chủ nhà đuổi người thuê, nhưng bà cháu gái thì chẳng có quyền gì thế chỗ bà cô. Vả lại bà cháu đã có nhà riêng, rất khá, nên mặt này, không thành vấn đề.

Spence thở dài, nói thêm :

– Hãy tin tôi, tôi đã xét kỹ tình hình đôi vợ chồng này… rồi ông sẽ xem tận mắt, về phía này không tìm thấy gì đâu!

– Được – Poirot nói – Bây giờ đến bà Mac Ginty. Ông tả cho tôi nghe… mà không phải chỉ chú ý đến nhân dạng bên ngoài.

– Hiểu! Một bà sáu mươi tư tuổi, ở góa. Chồng trước đây làm ở hiệu Hodges, tại Kilchester, gian bán hàng vải, bị sưng phổi chết đã bảy năm. Từ đó, bà Mac Ginty đi làm cho các gia đình. Broadhinny, mới không lâu còn là một làng thuần túy nông dân, nay đã hơi thay đổi diện mạo từ khi nhiều người về xây biệt thự, người là cán bộ về hưu, người là công chức sáng đi tối về. Đường sá thuận tiện, có thể đi xe buýt hay tầu hỏa đến Kilchester và cả Cullenquay, một ga quan trọng cách chưa đầy mười dặm. Khu dân cư mới ở khá xa làng Broadhinny thực thụ, làng này cách đường cái từ Drymouth đi Kilchester khoảng vài trăm mét. Làng chỉ có một số nhà ít ỏi, trong đó có nhà bà Mac Ginty.

– Bà ta còn lấy người ở trọ?

– Phải. Lúc chồng còn sống, bà đã cho thuê lại một phòng, vào mùa hè. Chồng mất, bà cho người ở trọ suốt cả năm. James Bentley ở trọ nhà bà được vài tháng.

– Thế là ta lại trở lại với James Bentley?

– Anh ta làm cho một văn phòng địa ốc ở Kilchester – đó là công việc gần đây nhất. Trước đó, sống ở Cullenquay với bà mẹ tàn tật, chỉ chăm nom mẹ, chẳng mấy khi đi đâu. Mẹ mất, lương hưu của mẹ không còn, anh ta bán ngôi nhà nhỏ của mẹ, đi tìm việc làm. Người đứng đắn nhưng vụng về chẳng biết làm gì, vả lại như tôi đã nói, vẻ ngoài lại không hấp dẫn. Tuy nhiên anh ta cũng kiếm được việc ở văn phòng hãng Breather và Scuttle, một cơ quan làng nhàng thôi, nên khi cần giảm người, anh ta bị giãn trước tiên. Thế là thất nghiệp, còn chút tiền cũng mau chóng tiêu hết. Hàng tháng phải trả tiền nhà bà Mac Ginty. Ba livrơ một tuần, được bà ta cho ở và ăn hai bữa. Lúc bà ta bị giết, anh ta còn nợ hai tháng tiền nhà, có thể nói không xu dính túi. Vẫn không việc làm và đang bị bà ta đòi nợ.

– Và anh ta biết là bà có để ba mươi livrơ trong nhà? À mà tiền đó sao bà ta lại giữ, bà có tài khoản ở Quỹ tiết kiệm mà?

– Bà ta không tin lắm vào chính phủ, cho rằng Nhà nước giữ hộ hai trăm livrơ là quá nhiều rồi. Muốn có tiền ở ngay tầm tay. Bà không giấu diếm chuyện đó, đã kể lại cho nhiều người, số tiền ba mươi livrơ ấy được giấu dưới một ván sàn, trong phòng ngủ. Cho nên khi bà bị giết, người ta lên tìm chỗ ấy ngay. Mà James Bentley cũng công nhận anh ta biết chỗ giấu tiền.

– Thật đẹp cho anh ta đã nói điều ấy! Bà cháu gái và chồng cũng biết chứ?

– Biết.

– Tuyệt vời!… Giờ xin trở lại câu hỏi đầu tiên: Bà Mac Ginty chết ra sao?

– Bà ta bị giết đêm hôm 22 tháng Mười một, khoảng từ 7 đến 10 giờ tối, theo như báo cáo của bác sĩ pháp y. Bữa tối bà ăn một đĩa cá trích hun khói, một ít bánh với mỡ mácgarin, khoảng lúc sáu giờ rưỡi như thường lệ. Nếu cho là bà ăn tối vào giờ ấy, thì theo kết quả phân tích tiêu hóa trong dạ dày, bà bị giết vào lúc tám rưởi, chín giờ. James Bentley khai tối hôm ấy, anh ta đi chơi từ bảy giờ mười lăm đến chín giờ. Hầu như chiều nào cứ chập tối anh ta lại đi như vậy. Theo anh ta nói, anh ta về khoảng chín giờ – anh ta có chìa khóa riêng – và lên ngay phòng mình. Anh ta tắm rửa – bà Mac Ginty đã làm phòng tắm cạnh phòng ngủ, từ hồi bà cho khách du lịch thuê – rồi đọc sách nửa tiếng và đi nằm, không thấy có gì đặc biệt. Sáng hôm sau, anh xuống nhà, vào bếp, không thấy bà Mac Ginty đâu, mà cũng chưa có gì để ăn điểm tâm. Ngần ngừ một lúc, anh đến gõ cửa phòng bà Mac Ginty, không có tiếng trả lời. Anh ta nghĩ bà ta còn ngủ. Lúc đó ông hàng bánh đến, và anh lại lên gõ cửa bà chủ nhà. Lúc anh xuống thì ông hàng bánh đã sang tìm bà hàng xóm, bà tên là Elliot, và bà này tìm thấy bà Mac Ginty nằm vật trong phòng dưới nhà. Bà ta bị đánh phía sau đầu bằng một vật có thể là con dao thái thịt, lưỡi rất sắc. Chết ngay lập tức. Trong phòng ngủ của bà, mọi thứ vứt lung tung, ngăn kéo bị mở, ván sàn chỗ giấu tiền bị cậy, tiền không còn. Cửa sổ, cửa chớp đều đóng. Không có dấu hiệu đột nhập từ bên ngoài.

– Do đó suy ra rằng – Poirot kết luận – hoặc James Bentley đã hạ sát bà Mac Ginty, hoặc chính bà đã đưa kẻ sát nhân vào nhà, trong lúc Bentley đi vắng?

– Đúng thế. Bà ta có thể mở cửa cho ai vào? Cho một người hàng xóm, cho bà cháu gái hay chồng của bà này? Về số hàng xóm. không có ai đến nhà bà tối hôm đó. Còn vợ chồng người cháu, họ đi xem phim. Một trong hai người có thể xem nửa chừng rồi đi xe đạp về nhà – xa độ ba dặm – giết bà Mac Ginty, giấu tiền rồi lại quay về rạp, về lý thuyết có thể làm được, nhưng giả thuyết này không có gì chứng minh. Với lại, nếu thế, tại sao tên sát nhân lại giấu số tiền ngay gần nhà, ở một chỗ mà sau này không dễ gì tới lấy lại? Dọc ba dặm đường, thiếu gì chỗ giấu… Không! Nếu tiền giấu ở chỗ tôi vừa nói…

Poirot nói tiếp vào câu ông thanh tra mới bắt đầu :

– Có nghĩa là sát nhân ở ngay trong nhà, nhưng không muốn đem cất vào trong phòng mình. Nói cách khác, không là ai khác, ngoài James Bentley.

– Thế đấy! Cuối cùng vẫn lại đến hắn! Chưa kể tay áo hắn có vết máu…

– Hắn không giải thích tại sao?

– Hắn khai hôm trước hắn quệt phải cái phản ông hàng thịt. Tai hại thay cho hắn, máu lại đúng là máu người.

– Hắn vẫn giữ lời khai ấy?

– Sao được! Ra tòa hắn lại nói khác… vả cũng không có cách nào khác, vì hắn còn phải giải thích vì sao ở tay áo hắn lại có một sợi tóc dính máu, chắc chắn là tóc của bà Mac Ginty. Hắn nhận rằng hôm trước, lúc đi chơi về, có vào phòng mà bà Mac Ginty nằm chết. Hắn nói đã gõ cửa trước khi vào, và không ngờ là bà ta đã chết, nên đã mó vào xác. Thế rồi, hắn cuống lên. Hắn nói cứ nhìn thấy máu là bao giờ hắn cũng sa sẩm mặt mày. Hắn liền vội lên phòng mình, nói rằng gần như ngất xỉu. Sáng hôm sau, hắn không dám nói đã biết rằng bà Mac Ginty đã chết.

– Chuyện khó chấp nhận!

– Tôi cũng nghĩ thế!… Tuy nhiên, có thể là đúng sự thật. Đoàn hội thẩm thì không tin rồi, tất nhiên, nhưng tôi, tôi thấy có vẻ hợp lý. Có những người như thế… Không dám chịu trách nhiệm việc gì. Hắn đứng trước xác bà Mac Ginty. Lẽ ra phải làm một cái gì, báo cảnh sát, hô hoán hàng xóm, vân vân. Hắn không dám. Hắn nghĩ bụng cứ làm như không biết gì, như chưa vào phòng ấy… Rồi hắn đi ngủ, như là đi chơi về rồi lên thẳng phòng mình. Dĩ nhiên, hắn hành động như thế chỉ vì sợ, sợ bị nghi ngờ. Hắn tưởng thế là khôn. Sự thực hắn đã làm việc ngu ngốc, và chính vì hắn xử sự như thằng ngu nên thiên hạ càng tin hắn là thủ phạm.

Ngừng một lát, Spence nói tiếp :

– Vậy mà không ngoại trừ là mọi việc xảy ra như thế thật!

– Cũng có thể. – Poirot nói.

– Có thể đó là cách giải thích mà luật sư của hắn nghĩ ra, và tin đó là cách tốt nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ không hoàn toàn như thế. Cô hầu bàn một quán ăn nhỏ ở Kilchester, nơi hắn thường đến ăn, khai rằng hắn luôn chọn một bàn ngồi quay mặt vào tường, để khỏi trông thấy ai. Cô ta bảo trông hắn “lạ lạ”. Tôi cũng nghĩ thế. Nhưng không lạ lạ đến mức giết người. Hắn không có thói hung bạo ấy…

Spence ngừng nói.

Poirot cau mày, suy nghĩ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.