CÁI CHẾT CỦA BÀ MAC GINTY

Chương III



Lát sau, Poirot thở một hơi dài và đứng dậy.

– Chúng ta đã kết thúc với động cơ đầu tiên, là tiền. Hãy xét các giả thuyết khác! Bà Mac Ginty có ai thù hằn gì không? Có sợ một người nào không?

– Hình như không…

– Hàng xóm nói thế nào?

– Chẳng có gì nhiều. Tôi nghĩ họ chẳng giấu diếm gì đây, vì thực ra chẳng có gì để nói. Theo họ, bà Mac Ginty là người không hay bắt chuyện. Bà biết tất cả làng, nhưng không thân với ai.

– Bà ta ở làng từ bao lâu?

– Hai chục năm.

– Vậy bốn chục năm trước, sống ở đâu?

– Không có gì bí mật. Bà là con gái một tá điền ở Devon và sống với chồng ở Ilfracombe rất lâu, trước khi đến Kilchester. Ở đó ẩm thấp thế nào đó, nên họ rời về Broadhinny. Ông chồng rất tốt, ít khi đi đâu và không bao giờ la cà quán xá. Những người lương thiện mà!… Chẳng có gì phải giấu ai.

– Vậy mà, bà Mac Ginty bị ám sát!

– Phải, vậy mà bà ta bị ám sát!

– Quan hệ với bà cháu gái có tốt không?

– Nghe nói tốt.

Poirot đưa tay gãi mũi, nói :

– Vụ này sẽ ít rắc rối hơn nếu bà Mac Ginty không phải là bà Mac Ginty, nếu trong đời bà có bí ẩn gì, có quá khứ đáng ngờ…

– Hả! Phải rồi, bà chỉ là bà Mac Ginty, một bà già tốt bụng không học cao, cho người ở trọ và đi làm phục vụ các gia đình, ở nước Anh này, đâu chẳng có người như thế: Có hàng ngàn.

– Nhưng tất cả đâu có bị giết.

– Đành là thế.

– Vậy thì, tại sao lại giết bà Mac Ginty? Ta không bằng lòng với lời đáp dường như đã có sẵn. Còn lại cái gì? Bà cháu gái? Không có lẽ. Một người lạ nào? Cũng không chắc. Thôi thì ta hãy chỉ căn cứ vào sự việc. Một bà già làm nghề giúp việc, bị giết. Người ta đã bắt và xử người được coi là hung thủ, một chàng trai nhút nhát, tính khí hơi kỳ. Tốt! Tại sao James Bentley bị bắt?

Spence ngạc nhiên nhìn Poirot :

– Các chứng cớ đều chỉ vào anh ta. Tôi đã nói rồi…

– Tôi biết. Nhưng, ông Spence thân mến, những chứng cớ ấy xác thực hay giả tạo?

– Giả tạo?

– Tôi xin nói rõ. Giả thử James Bentley vô tội. Về số chứng cớ, có hai khả năng: chúng có thể được nguy tạo để hướng sự nghi ngờ vào Bentley, hoặc chúng là thật, nhưng chẳng chứng minh điều gì, và Bentley chỉ là nạn nhân của một sự trùng hợp hoàn cảnh.

Spence gật đầu :

– Tôi hiểu ông muốn nói gì.

– Chưa có cơ sở nào để ta nói rằng các chứng cớ là giả tạo, nhưng cũng không có cơ sở để bảo là chúng không giả tạo. Tiền được giấu bên ngoài nhà, ở một chỗ người ta tìm thấy ngay. Nếu giấu tiền ngay trong phòng của Bentley thì rất vụng về: cảnh sát sẽ ngờ ngợ. Vụ án xảy ra vào giờ Bentley thường đi dạo. Trên tay áo anh ta có vết máu. Biết đâu chẳng có người nào cọ vào anh ta trong đêm tối, cốt để tạo ra chứng cớ ấy!

– Ông Poirot, tôi nghĩ là ông đã đi hơi xa!

– Có vậy thật, nhưng là rất cần để chúng ta nhìn cho sáng… Vì ông Spence ạ, có điều này ông phải nhớ kỹ! Rằng, bà Mac Ginty là một bà phục vụ nghèo hèn, không có gì đặc biệt, nhưng kẻ giết bà lại phải là một kẻ đặc biệt. Rõ như ban ngày! Trong chuyện này, nạn nhân không đáng chú ý, mà hung thủ mới đáng chú ý. Trong phần lớn các vụ án khác, thì ngược lại. Người cần phải hỏi, phải nói, là người chết. Khi ta biết người đó sống thế nào, yêu ai, ghét ai, là đã gần tìm ra thủ phạm, ở đây, trái hẳn! Ai giết bà Mac Ginty? Tại sao giết? Không phải nghiên cứu cuộc đời bà Mac Ginty mà biết được, phải chính tính cách của kẻ giết người mới giúp ta tìm con đường đúng. Đồng ý không?

Spence từ nãy vẫn nghe với vẻ nghi ngờ, đáp một câu thận trọng :

– Xem ra thì đúng.

– Tên giết người này – Poirot tiếp – nó muốn gì? Muốn loại bỏ bà Mac Ginty?… Hay loại bỏ James Bentley? Với tôi, đây là một trong những câu hỏi đầu tiên phải giải đáp. Vụ án đã có một nạn nhân bề ngoài. Liệu có còn một nạn nhân khác, nạn nhân thật? Cần phải xem xét.

Spence chưa hoàn toàn bị thuyết phục :

– Ông thực lòng tin rằng có một kẻ nào đó giết một bà già tội nghiệp, hoàn toàn vô hại, chỉ để làm cho một người vô tội bị treo cổ?

– Muốn ăn ốp-lét, không thể không đập vỡ trứng – Poirot đáp – Món trứng ốp lét đây, chính là James Bentley. Ông kể về anh này xem.

– Nhanh thôi! Bố là thầy thuốc, mất khi anh ta lên chín. Đã học hết trung học; không vào quân đội được, vì yếu phổi; thời chiến tranh, công tác ở văn phòng một bộ; cậu ta được bà mẹ cưng chiều suốt thời gian bà còn sống.

– Ở đây, có khả năng xảy ra nhiều chuyện hơn là tiểu sử bà Mac Ginty.

– Ông nghĩ thế?

– Lúc này, thì tôi chưa nghĩ gì hết. Tôi chỉ nói là ta phải điều tra theo hai hướng khác nhau, và cần phải xác định ngay hướng nào là đúng để mà theo.

– Vậy ông cho là ta nên bắt đầu từ đâu, ông Poirot? Liệu tôi có giúp được gì…

– Trước tiên, tôi muốn gặp James Bentley.

– Dễ thôi. Để tôi báo cho luật sư của anh ta.

– Xong rồi, tôi sẽ đi Broadhinny. Ở đó, căn cứ vào những ghi chép của ông, tôi sẽ làm lại cuộc điều tra mà ông đã làm…

– Để xem nhỡ tôi có bỏ quên điều gì. – Spence nói với nụ cười gượng.

– Nói cho đúng – Poirot chữa lại – để xem có chi tiết nào mắt tôi nhìn khác mắt của ông. Phản ứng trước mỗi việc là tùy theo từng người. Một hôm, ở Liège, tôi nhận xét là nhà tài chính giàu có người Bỉ nọ trông giống như một cái ấm đun nước. Trước đó, không có ai nhận ra như thế. Nhưng thôi… Tôi dự định sẽ lần lượt loại trừ, từng cái một, những hướng điều tra mà chúng ta để ngỏ, để giữ lại cái hướng đúng nhất. Vậy tôi sẽ đi Broadhinny. Ở đó có khách sạn nào ở được không?

– Có Ba con vịt, nhưng tôi khuyên ông không nên ở đó, và Con cừu, ở Cuvallon, cách Broadhinny ba dặm. Còn trong làng, có một kiểu nhà trọ gia đình, nhà nông thôn cũ kỹ của một cặp vợ chồng trẻ, họ cho trọ lấy tiền. Không bảo đảm tiện nghi hiện đại.

Hercule Poirot nhắm mắt. Đành phải tỏ ra dũng cảm vậy.

– Không sao! – Ông nói – Được thế nào, hay thế.

Spence nói tiếp :

– Đến đó, tôi chưa rõ ông nên nói thế nào. Tự giơi thiệu là ca sĩ ôpêra bị mất giọng, cần nghỉ ngơi chăng. Nghe cũng được…

Hercule Poirot ưỡn ngực :

– Không! Tôi là Hercule Poirot, vậy đến đó tôi vẫn xưng là Hercule Poirot.

Spence nhăn mặt, tỏ ý nghi ngại :

– Như thế có khôn ngoan không?

– Như thế là cần thiết! Nên nhớ là ta không có nhiều thời gian trước mặt! Phải đạt kết quả thật nhanh! Chúng ta biết gì? Chưa gì cả. Nhưng phải làm mọi người tưởng ta biết rất nhiều. Tôi là Hercule Poirot, thám tử đại tài, vô song. Và tôi, Hercule Poirot, chưa hài lòng với bản án đã tuyên về vụ Mac Ginty. Đó là vì tôi có lý do để nghĩ rằng tôi biết thực sự đã xảy ra chuyện gì, rằng tôi đã biết sự thật. Mọi người hãy coi chừng, như vậy chỉ có lợi cho ý đồ của tôi! Ông thấy có được không?

Spence chỉ có thể trả lời: đồng ý. Poirot tiếp :

– Sự có mặt của tôi sẽ làm cho người này, người nọ có phản ứng khác nhau. Tôi sẽ quan sát những phản ứng đó. Hy vọng chúng sẽ cho ta biết nhiều điều!

– Nhưng hãy cẩn thận, chớ nên mạo hiểm quá, ông Poirot ạ. Tôi không muốn chuyện gì xấu xảy ra với ông!

– Nhưng, giả thử tôi bị đánh lén chẳng hạn, thì đó chẳng là chứng cớ ta đang tìm hay sao?

Viên thanh tra bối rối, đáp :

– Đúng. Nhưng tôi không muốn ông phải trả giá như thế!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.