CÁI CHẾT CỦA BÀ MAC GINTY

Chương X



Sau bữa ăn trưa – một miếng thịt dai ngoách, đĩa khoai tây nhạt phèo và mấy chiếc bánh tráng tàm tạm – Poirot lại lên đường đi thăm nhà thứ ba trong ngày. Ông đến bà Upward, ở Laburnums, một biệt thự cheo leo trên sườn đồi.

Ông dừng lại trước hàng rào sắt để vuốt lại ria mép lần cuối thì bỗng đâu một lõi táo từ bàn tay nào ném tới, rơi độp vào má. Ông kêu lên một tiếng tức tối, quay ra nhìn, thì thấy ô-tô, từ lối rẽ đi ra. Chắc chắn cái lõi được ném từ đó. Một cái đầu thò ra :

– Xin lỗi! Ném trúng ông ư?

Poirot nhìn kỹ hơn. Khuôn mặt đầy đặn đượm nét cao quý, đôi lông mày rậm, mớ tóc muối tiêu kia, ông đã nhận ra :

– Ô kìa, bà Oliver!

Đúng rồi, đúng là nhà văn nổi tiếng về tiếu thuyết trinh thám.

– Trời hỡi! Ông Poirot!

Bà Oliver cố lách người ra khỏi xe, vì thân hình to béo. Poirot tiến lại đỡ, giúp bà nhảy xuống đường đánh phịch như dòng nham thạch phụt khỏi núi lửa. Tiếp theo là những quả táo lăn lông lốc xuống đất.

– Cái túi bị thủng. – Bà Oliver giải thích.

Bà cầm mấy miếng táo xoa xoa lên ngực, nói tiếp :

– Tiếc quá, táo rất ngon, mua của cửa hàng Cox… Nhưng ông Poirot, ông làm gì ở đây? Nhà ông ở đây à? Nếu không, thì là một vụ án mạng? Hy vọng là bà bạn tôi chưa bị ám sát?

– Bạn bà là ai?

Bà Oliver hất hàm chỉ ngôi biệt thự :

– Bà ở trong nhà này… nếu đúng đây là biệt thự Laburnums… Bà ấy thế nào?

– Bà chưa biết bà ấy?

– Tôi nói “bà bạn”, là một cách nói thôi. Tôi đến đây là vì nghề nghiệp; ông Robin Upward đây định phỏng theo một truyện của tôi chuyển thành kịch. Tôi đến để bàn với ông ấy.

– Xin chúc mừng, thưa bà văn sĩ!

– Chưa có gì đâu. Đến giờ, tôi vẫn không thú gì công việc này. Trái lại! Và tôi cứ trách mình để bị lôi kéo! Sách của tôi viết thu về khối tiền, nhưng ông thuế lấy của tôi phần lớn, nếu càng viết khỏe, ông ấy càng giã nặng, nên chẳng hơi đâu… Vì vậy tội gì tôi không để các vị kịch tác gia chế biến, thay đổi các nhân vật! Robin Upward luôn mồm nói: “Phải nhìn với nhãn quan sân khấu!…” Nghe đâu ông ta rất khá. Nếu khá, sao không tự viết lấy vở, mặc xác ông nhân vật Phần Lan của tôi? Mà bây giờ không phải Phần Lan nữa, mà là người Na Uy, chi huy một đường dây kháng chiến…

Bà Oliver đưa tay lên tóc :

– Cái mũ của tôi đâu rồi?

Poirot nhìn vào trong xe :

– Hình như bà ngồi bẹp gí rồi.

– Có lẽ thế thật – Bà Oliver nói, sau khi đã liếc mắt kiểm chứng – Không sao, tôi không thích nó lắm, có điều hơi phiền nếu Chủ nhật tôi phải đi lễ nhà thờ. Sẽ xét sau… Giờ hãy trở lại vụ án của ông! Ông còn nhớ cái vụ giết người mà tôi với ông đã cùng nghiên cứu dạo nào?

– Rất nhớ!

– Hay đấy chứ, nhỉ?… Tôi không nói bản thân vụ án, mà cái gì tiếp theo sau nó… Còn lần này là vụ gì?

– Tất nhiên là một người, nhưng không nổi bật như bà Shaitana. Một bà giúp việc bị giết tại đây năm tháng trước. Chắc bà có đọc trên báo. Tên là Mac Ginty. Đã bắt một thanh niên, xử tử hình…

– Anh ta không phải là thủ phạm, ông biết đích danh tên giết người và sắp vạch mặt hắn. Hoan hô!

Poirot thở dài :

– Chưa đâu! Tôi còn đang tìm… và khi tìm ra rồi, còn phải chứng minh đúng là hắn!

– Các vị chậm chạp quá!… Như tôi, tôi sẽ tóm được ngay! Là người bản địa đây, phải không? Cho tôi bốn mươi tám tiếng, tôi sẽ tìm ra! Linh tính phụ nữ mà, đó là điều ông thiếu. Trong vụ Shaitana, tôi đã đoán đúng… Phải không nào?

Vì phép lịch sự với phụ nữ, Poirot không muốn nói lại rằng bà Oliver đã lần lượt chỉ ra mấy thủ phạm, cuối cùng mới trúng, còn ông đã đoán đúng từ trước. Ông sắp định nói thì có tiếng đàn ông gọi từ trong nhà :

– A lô! Bà Oliver đấy ư?

– Tôi đây, tôi đây!

Bà Oliver ghé tai Poirot, nói nhỏ trong hơi thở :

– Yên tâm đi, tôi sẽ không nói gì.

– Ấy không nên! – Poirot đáp liền – Tôi không yêu cầu bà kín miệng. Trái lại!

Robin Upward đã chạy xuống, mở cửa hàng rào. Anh ta để đầu trần, ăn mặc xuềnh xoàng một cách có ý tứ: vét-tông vải tuýt đã sờn, quần dạ xám cũng cũ. Nếu không có cái vóc hơi đẫy, trông sẽ như vận động viên thể thao. Anh ta ôm hôm bà văn sĩ, gọi bằng tên là Ariadne, rồi đặt hay tay lên vai bà, nói mình đã có một ý tưởng tuyệt vời cho màn hai của vở kịch.

– Ta sẽ bàn sau. – Bà nói không vẻ gì hào hứng – Xin giới thiệu, đây là ông Hercule Poirot.

Robin Upward bắt tay nhà thám tử, rồi lại quay về phía bà Oliver.

– Bà có hành lý không?

– Còn ở trong xe.

Đó là hai hòm nhỏ, tự thân Robin ra mang vào. Anh ta giải thích :

– Thực tế là chúng tôi không có người giúp việc. Có bà Janet đấy, nhưng già rồi, không xốc vác được.

Trên lối đi vào nhà, anh ta quay lại nói :

– Ta cùng uống gì nhé!

Lời mời nhằm vào Poirot, lúc đó còn đứng ngoài xe với bà Oliver đang lấy nốt cái ví xách tay, một quyển sách và một đôi giày cũ. Bà thì thào với Poirot :

– Có phải lúc nãy ông bảo tôi không cần phải giữ kín?

– Vâng, càng không giữ kín càng tốt!

– Lạ đây! Nếu là tôi, tôi sẽ có phương pháp khác. Nhưng thôi, đấy là việc của ông!

Từ biệt thự, lại có tiếng Robin gọi :

– Mời các vị vào đi! Mạ tôi đang chờ!

Bà Oliver vội chạy vào, Poirot theo sau.

Nội thất biệt thự Laburnums hẳn phải tốn tiền lắm, nhưng đẹp. Khung cảnh vừa giản dị vừa sang trọng.

Bà Laura Upward ngồi trên xe lăn cạnh lò sươi, tiếp khách với nụ cười khả ái. Năm nay bà độ lục tuần, tóc muối tiêu và cái cằm nghị lực. Bà nói :

– Bà Oliver, rất hân hạnh được làm quen với bà. Tôi nghĩ bà không thích người khác nói về tác phẩm của bà, nhưng xin nói ngay sách của bà là nguồn an ủi của tôi từ nhiều năm nay nhất là từ khi tôi không đi lại được nữa.

Bà Oliver đỏ mặt vì ngượng, vội vã cảm ơn rồi giới thiệu Poirot, và nói thêm :

– Ông Poirot là bạn rất thân của tôi. Rất tình cờ, chúng tôi đã gặp nhau ở trước cửa nhà ta…

Bà Upward chìa tay cho Poirot, rồi gọi :

– Robin con!

– Dạ, Mạ bảo gì?

– Đem thức uống lên chứ!… Thuốc lá đâu.

– Ở trên bàn.

Bà Upward quay về phía Poirot :

– Thưa ông Poirot, ông cũng viết văn?

Người trả lời là bà Oliver :

– À không… Ông Poirot là thám tử… như Sherlock Holmes… Bà biết chứ ạ? Dấu vân tay, tàn thuốc lá, vết chân mờ ảo… Ông ấy đến đây để điều tra về một vụ án mạng…

Có tiếng cốc bị rơi vỡ.

– Cẩn thận đấy, Robin! – Bà Upward nói.

Robin Upward đang loay hoay ở khay cốc tách, nói :

– Ra Maureen Summerhayes nói đúng. Bà ấy bảo có một thám tử mới về. Bà ấy cho là lạ, nhưng giờ tôi hiểu, đây là chuyện nghiêm túc?

– Tất nhiên rồi – Bà Oliver nói – Vì kẻ giết người luẩn quất quanh đây.

– Hả? Vậy nếu không có gì bí mật, xin được hỏi hắn giết ai vậy?

– Không bí mật gì – Poirot nói – Chuyện đó, các vị biết cả…

– Đó là cái bà giúp việc bị chém chết cách đây mấy tháng – Bà Oliver nói rõ hơn – Mac… cái gì đó tôi không nhớ…

Robin Upward không giấu sự cụt hứng :

– Mac Ginty?… Nhưng vụ này kết thúc rồi mà!

– Chưa đâu! – Bà Oliver đáp – Người bị kết án là oan, anh ta sẽ bị treo cổ nếu ông Poirot không mau tìm ra thủ phạm. Hấp dẫn đấy chứ!

Robin đưa khay đi mời.

– Mời Mạ.

– Cảm ơn, con cưng.

Poirot chau mày. Ông cầm ly rượu Robin mời. Bà Oliver cũng vậy. Robin nâng cốc :

– Chúng ta uống mừng… tội ác!

Uống xong, anh nói :

– Bà ấy có đến giúp việc ở đây.

– Bà Mac Ginty? – Bà Oliver hỏi.

– Đúng. Phải không, Mạ?

– Có nghĩa là mỗi tuần đến một lần.

– Và thỉnh thoảng đến buổi chiều.

– Bà làm việc tốt không?

– Sạch sẽ đến quá đáng – Robin đáp – Có tật lau quá kỹ, thích dọn dẹp trật tự. Bà ấy vào phòng nào, là sau không tìm thấy gì nữa!

– Con ơi – Bà Upward nói – nhà chật thế này, nếu không dọn dẹp sắp xếp, thì rồi đến đi cũng không lách được!

– Mạ ơi, con biết. Nhưng, nếu cứ cất thứ này thứ khác, con không làm việc được! Sổ ghi chép cũng không tìm thấy!

Bà Upward thở dài :

– Chà! Tôi tiếc là không nhúc nhắc được chân tay… Nhà cũng có một bà người ở rất trung thành, nhưng chỉ yêu cầu được bà ta làm bếp là cùng…

– Bà đau gì vậy? – Bà Oliver hỏi – Thấp khớp?

– Đại loại là thế. Rồi sắp đến lúc phải mượn một cô y tá luôn túc trực. Thật là khổ!… Tôi đâu muốn phiền ai!

– Thôi nào, Mạ, mạ ca cẩm làm gì?

Bà Upward cười dịu dàng với con trai :

– May mà có Robin! Nó hết sức lo lắng, chăm sóc…

Poirot đứng lên :

– Rất tiếc là tôi phải đi. Tôi còn đến thăm một nơi, sau phải ra ga đáp tầu. Xin rất cảm ơn bà đã vui lòng tiếp. Và, thưa ông Upward, hy vọng vở kịch của ông sẽ thành công!

Bà Oliver nói :

– Phần tôi, xin chúc ông điều tra thắng lợi!

Robin Upward hỏi :

– Vậy ra, đó là việc nghiêm chỉnh? Không phải chuyện đùa?

– Sao lại đùa! – Bà Oliver kêu – Ông Poirot chưa muốn nói ra tên đứa giết người, chứ ông biết thừa! Phải không, ông Poirot?

Poirot phản đối lấy lệ, đủ để mọi người không tin :

– Không đâu, thưa bà. Lúc này, tôi chưa biết nó là ai!

– Thì ông đã nói thế, nhưng tôi thì tôi không tin. Ông cứ hay thích kín kín, hở hở!

Poirot chống chế lại lần cuối, nghiêng mình chào rồi đi ra. Đang theo lối đi dẫn ra hàng rào sắt, ông nghe thấy tiếng của Robin Upward, rất rõ :

– Bà Ariadne ơi, tôi sẵn sàng tin bà, nhưng khổ nỗi, trông bộ ria mép lố bịch ấy, ai nghĩ là thật. Bà lại còn bảo ông ta là thám tử tốt nữa!

Poirot cười thầm. Thám tử tốt? May thay, ta hơn thế nhiều!

Trên đường, ông gặp chiếc xe chở rau của Summerhaves đi ngược chiều. Chính ông ta cầm lái. Ông ta nói với lại với Poirot rằng ông rất vội, phải ra ga cho kịp tầu chở sản phẩm của vườn nhà ông đi Covent Garden.

Poirot cũng phải đáp tầu, để đi Kilchester, ở đó ông sẽ gặp thanh tra Spence để thảo luận. Nhưng ông còn đủ thời giờ để đến thăm một nhà nữa.

Gia đình Carpenter ở một ngôi nhà tít trên đỉnh đồi, đặc điểm là mái bằng và rất nhiều cửa sổ. Guy Carpenter là đồng giám đốc một nhà máy xây dựng kim khí lớn, một nhà công nghiệp giàu có, mới đây còn tham gia chính trị. Ông ta mới lấy vợ được ít lâu.

Qua cổng rào sắt, Poirot theo một lối đi rất hẹp, rồi bấm chuông cửa chính. Một anh hầu mặt bình thản lập tức ló ra. Hắn đưa mắt nhìn khách một lượt, đánh giá chỉ là đại diện hãng buôn nào đó, tức thuộc loại không để cho vào.

– Ông bà Carpenter đi vắng.

– Tôi ở lại chờ vậy.

– Không rõ bao giờ ông bà mới về.

Cửa lập tức đóng lại. Đáng lẽ trở ra, Poirot quyết định đi một vòng quanh nhà. Vừa ngoặt ở góc nhà, ông chạm trán một phụ nữ trẻ đi ngược lại. Bà ta khoác một áo lông thú.

– Ông là ai? Vào đây làm gì?

Poirot lùi hai bước với cử chỉ lịch sự thường lệ :

– Tôi đến mong được gặp ông hoặc bà Carpenter. Phải chăng tôi có may mắn đang đứng trước bà Carpenter?

– Đúng, tôi là bà Carpenter đây.

Cử chỉ của bà không làm ra vồn vã, nhưng giọng nói cũng từ tốn.

– Tôi là Hercule Poirot.

Trước cái tên ấy, bà Carpenter không có phản ứng mong đợi. Chẳng những không biết Poirot là ai, bà còn không biết ông là khách trọ mới của bà Summerhayes. Những tin tức đồn đại trong làng không tới đến đây. Một nhận xét không có gì đặc biệt, nhưng cũng có thể có một ý nghĩa nào đó. Poirot nói tiếp :

– Tôi muốn gặp hoặc ông, hoặc bà, nhưng rất may lại được hầu chuyện bà càng tốt, vì những điều tôi muốn hỏi, chắc bà rõ hơn ông.

– Rồi… chắc lại là một cuộc thăm dò, thống kê gì…

Đột nhiên, bà dứt khoát :

– Thôi được! Mời ông vào.

Poirot lại cười thầm. Bà Carpenter tưởng ông là một viên chức nhà nước đi lấy số liệu làm thống kê gì đó, và sắp định nói toẹt ra những điều không hay mà bà nghĩ về những cuộc điều tra vớ vẩn đó, nhưng bà đã kịp ngừng lại vì nhớ đến những tham vọng chính trị của chồng, nó không cho phép bà chỉ trích những chủ trương của chính phủ.

Bà đưa Poirot vào một phòng rộng, cửa sổ nhìn ra khu vườn, rất đẹp. Bàn ghế, phần lớn đều kiểu giả cổ, xem chừng mới sắm, rất đắt tiền. Mọi thứ đều sang trọng, nhưng vô cảm. Về phía bà Carpenter, như vậy là do dửng dưng hay thận trọng?

Ông ngồi xuống chiếc ghế mà bà Carpenter chỉ, rồi đi thẳng ngay vào mục đích :

– Thưa bà, những điều tôi nói liên quan đến bà Mac Ginty, mới chết – hay đúng hơn, bị giết – tháng Mười một năm ngoái.

– Bà Mac Ginty? Tôi không nhớ là ai.

Bà Carpenter nhìn Poirot qua đôi mắt xanh lạnh tanh.

– Bà không nhớ bà Mac Giíity?

– Không. Tôi không biết gì hết.

– Bà không nhớ vụ ám sát bà ấy? Chẳng lẽ ở đây án mạng xảy ra luôn, đến nỗi không ai buồn để ý?

– Ông định nói vụ ám sát? Xin lỗi! Tôi quên mất tên nạn nhân.

– Bà ấy có đến giúp việc tại nhà ta.

– Không. Hồi đó, tôi chưa về nhà này. Tôi mới kết hôn với ông Carpenter chưa được ba tháng.

– Nhưng bà ấy có đến làm việc ở đây. Sáng thứ Sáu hàng tuần, theo như tôi biết. Lúc đó bà mang họ là Selkirk và ở biệt thự Rose Cottage.

Bà Carpenter có vẻ bực :

– Nếu ông đã biết hết rồi, hà tất phải hỏi! Cuối cùng, là chuyện gì nào?

– Tôi điều tra chung quanh vụ ám sát đó.

– Nhưng tại sao ông đến tìm tôi?

– Vì bà có thể biết điều gì đó giúp cho cuộc điều tra.

– Nhưng tôi không biết, thì biết nói gì?… Nói rằng đó là một bà già đã bủn xỉn, lại ngu ngốc đem giấu tiền dưới sàn nhà, để đến nỗi bị ám sát… Tôi chỉ biết có thế, một câu chuyện xấu xa như bao chuyện xấu xa khác đầy rẫy trên các số báo Chủ nhật…

Poirot không bỏ lỡ cơ hội :

– Đúng vậy. Bà có đọc báo Sao chổi Chủ nhật?

Bà Carpenter chồm dậy, chạy ra cửa sổ mả ra vườn, gọi :

– Guy!… Anh Guy!

Từ bên ngoài, tiếng đàn ông đáp :

– Eve, có việc gì thế?

– Lên đây mau!

Mấy giãy sau, một người khoảng băm nhăm, bốn mươi, trông tráng kiện, đi lên. Eve Carpenter nói liến láu :

– Có một ông… cũng không phải là người Anh, đến đây hỏi em rất nhiều câu về cái vụ án kinh khủng năm ngoái ở Broadhinny… Cái bà già giúp việc bị ám sát ấy, anh nhớ không? Em kinh những chuyện ấy quá…

Guy Carpenter cau mày đi vào. Bộ mặt nhạt nhạt dài như mặt ngựa. Tác phong ra vẻ huênh hoang, kiêu ngạo.

– Xin cho biết thế là nghĩa thế nào? – Anh ta tiến về phía Poirot hỏi – Hình như ông đang quấy rầy vợ tôi?

Poirot thấy anh chàng này thật mất cảm tình.

– Tôi đâu có muốn làm phiền bà nhà, bà đã có nhã ý tiếp chuyện! Vì nạn nhận đã từng giúp việc nhà ta, tôi hy vọng bà giúp được vào công việc điều tra…

– Điều tra? Điều tra gì?

– Điều tra chung quanh cái chết của bà Mac Ginty.

– Ông đùa?… Việc xong đã lâu rồi!

– Ông nhầm!… Chưa xong.

– Ông nói ông điều tra… – Carpenter giương đôi mắt ngờ vực – Chỉ có cảnh sát mới có quyền điều tra. Nhưng hình như ông không hề nói ông là người của cảnh sát?

– Đúng vậy, tôi không liên quan gì với cảnh sát.

Eva Carpenter chen vào :

– Là nhà báo! Ông ấy dính đến cái tờ báo Chủ nhật kinh tởm nào đó… Chính ông ấy nói ra.

Mặt Carpenter dường như hơi dịu đi. Chính trị gia phải cố giữ quan hệ tốt với báo chí. Anh ta cố lấy giọng nhẹ nhàng :

– Vợ tôi rất nhạy cảm, nói chuyện giết chóc là bà ấy rối loạn. Vả lại chắc chắn bà ấy không có gì hơn để nói: bà ấy chỉ biết sơ sơ về cái bà Mac Ginty.

– Thì em cũng nói thế – Eva Carpenter hăng hái – Một mụ già ngu xuẩn… lại hay nói dối nữa!

Poirot nở một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt :

– A! Hay lắm, có điều mới! Bà ta hay nói dối. Tin này có thể giúp ích.

– Tôi không thấy nó liên quan gì. – Eve nói.

– Nó có thể giúp chúng tôi xác định động cơ vụ giết người. Đó là điều đầu tiên tôi cần làm rõ.

– Động cơ? – Carpenter hỏi lại – Rõ rồi còn gì? Để lấy cắp tiền dành dụm của bà ấy!

– Tôi biết – Poirot nói, vẫn nhẹ nhàng – Tuy nhiên, có thật là động cơ ấy?

Ông đứng lên, mãn nguyện như diễn viên, vừa phát lời đối đáp quyết định cả ý nghĩa vở kịch. Quay về phía Carpenter, ông nói tiếp, giọng cực kỳ lịch sự :

– Tôi rất tiếc là việc đến đây đã gây cho bà Carpenter chút không vui. Những vụ việc như thế này bao giờ cũng làm khó chịu.

– Ông nói rất đúng, vì vậy vợ tôi rất không thích nghe những chuyện như vậy. Chỉ tiếc là chúng tôi không cung cấp được tin gì có ích…

– Nhưng các vị vừa cho tôi một tin khá quan trọng.

– Gì cơ?

– Bà Mac Ginty là người nói dối. Tin này là có giá. Thưa bà, bà có nhớ là nói dối nhưng gì không?

Mãi Eva Carpenter mới trả lời :

– Tôi không nhớ.

Hai người đàn ông chờ xem bà nói gì nữa không, bà mới đủng đỉnh :

– Bà ta nói về người khác những chuyện không thể tin…

Sau một chút yên lặng nữa, Poirot nói :

– Tôi hiểu. Bà ấy nói xấu sau lưng người khác.

Eva Carpenter phản đối :

– Không, không, tôi không nói đến mức ấy!… Bà ấy ngồi lê đôi mách, thế thôi!

Poirot gật đầu :

– Ngồi lê đôi mách…

Nói rồi, ông nghiêng mình chào bà Carpenter, quay gót đi ra.

Carpenter đi theo, hỏi :

– Tờ báo mà ông cộng tác, là báo nào?

– Tờ báo Chủ nhật mà tôi nói với bà Carpenter, là tờ Sao chổi Chủ nhật.

– Sao chổi Chủ nhật?… Tôi không thấy tờ ấy mấy khi.

– Báo đó thỉnh thoảng đăng một số bài đáng chú ý… cả ảnh nữa.

Carpenter không nói gì.

Hai phút sau, Poirot đã ở trên đường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.