Cây Bách Buồn

Chương 10



Hercule Poirot, đầu hình trứng hơi nghiêng về một bên, lông mày giương lên như dò hỏi, ngón tay chụm kết với nhau, ngắm chàng thanh niên đang bước những bước dài man rợ đi lại trong phòng với khuôn mặt tàn nhang dễ thương nhăn nhó.

Hercule Poirot nói:

– Sao thế, anh bạn ơi?

Peter Lord đứng sững lại.

Chàng nói:

– Thưa ông Poirot, trên đời này chỉ có ông là có thể giúp tôi được thôi. Tôi đã nghe Stillingfleet nói về ông: anh ta kể lại với tôi những điều ông đã làm trong vụ Benediet Parley. Mọi người đều cho là tự sát, mà ông đã chứng tỏ đó là một vụ sát nhân.

Hercule Poirot nói:

– Thế trong số bệnh nhân của cậu đang có một vụ tự tử mà cậu không được hài lòng phải không?

Peter Lord lắc đầu. Ngồi xuống đối diện với Poirot.

Chàng nói:

– Có một cô còn trẻ. Cô ta bị bắt và sắp bị đem ra xử về tội sát nhân. Tôi muốn ông tìm ra bằng cớ chứng tỏ rằng cô ta không phạm tội ấy.

Lông mày của Poirot giương lên hơi cao hơn. Thế rồi ông làm ra bộ kín đáo, tín cẩn. Ông nói:

– Cậu và cô tiểu thư kia – cô cậu đã đính hôn với nhau à? Cô cậu yêu nhau à?

Peter Lord cười – một cái cười sắc sảo, chua chát. Chàng nói:

– Không, không phải thế đâu! Cô ta có cái thị hiếu tồi quá, nên mới thích một cái gã ngạo nghễ kinh đời, có cái mũi dài dài và cái bản mặt giống như con ngựa rầu rĩ đó. Cô ta thật là ngốc, nhưng như thế đó.

Poirot:

– Tôi hiểu ra rồi.

Lord nói một cách chua cay:

– Ồ, phải lắm, ông thấy rõ rồi. Chẳng cần phải tế nhị gì về chuyện đó nữa. Tôi đã điên đảo vì cô ta liền. Chính vì thế tôi không muốn cô ta bị treo cổ. Ông hiểu chưa?

Poirot nói:

– Cô ta bị kết tội như thế nào?

– Cô ta bị buộc tội đã giết một cô gái tên là Mary Gerrard, bằng cách đầu độc bằng chất morphine hydrochloride. Chắc chắn ông đã đọc bản tường thuật cuộc điều tra trên báo chí.

Poirot nói:

– Còn động cơ sát nhân là gì?

– Vì ghen.

– Theo ý cậu thì cô ta không làm việc ấy hay sao?

– Không, cố nhiên là không rồi.

Hercule Poirot trầm ngâm nhìn chàng một lát, rồi nói:

– Cậu muốn tôi làm gì? Điều tra vụ ấy phải không?

– Tôi muốn cô ta được tha.

– Cậu ơi, tôi đâu có phải là luật sư bào chữa.

– Tôi xin nói rõ hơn: tôi muốn ông kiếm ra bằng chứng khiến cho luật sư có thể cãi cho cô ta được tha bổng.

Hercule Poirot nói:

– Cậu nói hơi lạ đấy.

Peter Lord nói:

– Vì tôi không che dấu vụ đó đi, ông muốn nói thế chớ gì? Đối với tôi thì thực là giản đơn. Tôi muốn cô ta được tha bổng. Tôi nghĩ chỉ có ông là người duy nhất làm được việc đó.

– Cậu muốn tôi xem xét các sự kiện ư? Tìm ra sự thực ư? Khám phá xem thực sự đã xảy ra như thế nào ư?

– Tôi muốn ông kiếm ra các sự kiện tỏ ra thuận lợi cho cô ta.

Hercule Poirot tỉ mỉ, thận trọng đốt một điếu thuốc lá nhỏ xíu. Ông nói:

– Thế nhưng cái điều cậu nói đây có hơi không trái đạo lý không? Đạt được sự thực, đó là điều làm tôi bao giờ cũng quan tâm. Nhưng sự thực là con dao hai lưỡi. Giả thử tôi tìm ra các sự kiện chống lại cô tiểu thư ấy thì sao? Cậu có yêu cầu tôi giấu nhẹm đi không?

Peter Lord đứng lên, mặt trắng bệch. Chàng nói:

– Không thể nào thế được. Ông chẳng thể nào tìm ra sự gì có thể chống lại cô ta hơn là những sự kiện đã có. Chúng là tội chứng riết ráo quá, đầy đủ quá. Có cả một đống bằng chứng chống lại cô ta rõ ràng minh bạch, cho tất cả mọi người đều thấy. Ông chẳng thể nào kiếm ra cái gì có thể buộc tội cô ta đầy đủ hơn là cô ta bị buộc tội đâu. Stillingfleet nói ông tài tình lắm. Tôi yêu cầu ông dùng hết tài trí mình để tìm ra một lối thoát, một cái chước có thể được.

Hercule Poirot nói:

– Chắc chắn là các luật sư của cô ta sẽ làm như thế.

– Họ có làm thế không? – Chàng cười khinh bỉ – Họ bị bại ngay trước khi khởi sự. Họ nghĩ là chẳng có hy vọng. Họ đã trao nhiệm vụ bào chữa cho Bulmer, luật sư biện hộ, là người chắc chắn thất bại; điều đó tự nó là một sự phản bội rồi. Y cãi hùng hồn lắm – thổn thức nhà nghề lắm – chỉ nhấn mạnh đến tuổi trẻ của tù nhân – thế thôi. Thế nhưng quan tòa sẽ chẳng khi nào để cho y thành công được. Chẳng có chút hy vọng nào.

Hercule Poirot nói:

– Giả sử là cô ta phạm tội – thì liệu cậu có còn muốn cho cô ta được trắng án không?

Peter Lord điềm nhiên nói:

– Có chứ.

Hercule Poirot cựa mình trong ghế bành, nói:

– Cậu làm cho tôi thấy hứng thú lắm.

Một lát sau ông nói:

– Tôi nghĩ cậu nên kể cho tôi biết những sự kiện chính xác của vụ này.

– Ông chưa đọc báo về vụ này sao?

Hercule Poirot phẩy tay:

– Có chứ – tôi có đọc báo nói đến vụ này. Nhưng báo chí thường nói trật lấc, tôi chẳng bao giờ tin cả.

Peter Lord nói:

– Vụ này rất là đơn giản. Đơn giản dễ sợ. Cô gái tên là Elinor Carlisle, vừa mới đến một nơi ở gần đây – gọi là Phủ đệ Hunterbury – rồi được hưởng gia tài của người cô chết không kịp làm di chúc. Người cô ấy tên là Welman. Bà ta có một người cháu do hôn nhân, tên là Roderick Welman. Ông ta đính hôn với Elinor Carlisle – việc này đã định từ lâu, họ biết nhau từ hồi còn nhỏ. Ở Hunterbury có một cô gái tên là Mary Gerrard, là con gái của ông coi khu nhà săn. Bà lão Welman kia đã làm nhiều chuyện om sòm về cô gái này, như cấp tiền cho cô ăn học, v.v… Hậu quả là cô ta coi bộ như là một tiểu thư, đối với bên ngoài. Hình như là Roderick Welman mê mẩn vì cô ta. Do đó việc đính hôn bị bãi bỏ.

– Bây giờ chúng ta đi đến sự việc. Elinor Carlisle rao bán khu nhà, rồi một người tên là Somervell mua khu nhà đó. Elinor đến để thu dọn các vật dụng riêng của người cô và vân vân. Mary Gerrard, mà ông bố vừa mới chết, đến thu dọn khu nhà săn. Đó là vào sáng hôm 27 tháng Bảy.

– Elinor Carlisle ngụ tại lữ quán địa phương. Trên đường phố cô ta gặp bà Bishop, là quản gia trước. Bà Bishop gợi ý đến khu nhà để giúp cô ta. Elinor khước từ – khá nhiệt liệt. Sau đó cô ta đi đến tiệm tạp hóa, mua bột cá nhồi, và tại đây cô ta nêu ra nhận xét về sự đầu độc bằng thức ăn. Ông thấy rồi chứ? Đó là một việc làm hoàn toàn hồn nhiên; thế nhưng, nó nói lên điều bất lợi cho cô ta. Cô ta đi lên khu nhà, và vào khoảng một giờ cô ta đi xuống nhà săn. Tại đây Mary Gerrard đang bận việc với bà Hopkins, điều dưỡng khu vực, đến giúp cô. Elionor bảo họ là cô ta đã làm sẵn mấy chiếc bánh xăng-uých ở khu nhà. Họ cùng với cô ta đi lên khu nhà, và khoảng chừng một giờ sau, tôi được mời đến và thấy Mary Gerrard hôn mê bất tỉnh. Tôi đã làm hết sức mình, nhưng không có hiệu quả. Việc mổ xác phát giác ra một lượng lớn chất morphine đã được dùng trước đó một thời gian ngắn. Cảnh sát tìm thấy một mẫu nhãn thuốc có in chữ morphine hydrochlor tại nơi Elinor Carlisle đặt bánh xăng-uých.

– Thế Mary Gerrard có ăn hay uống gì khác không?

– Cô ta cùng với bà điều dưỡng khu vực uống trà với bánh xăng-uých. Bà ta pha trà, còn Mary rót ra. Chắc không thể có gì nữa. Cố nhiên là, tôi biết luật sư sẽ đánh trống lãng về số bánh xăng-uých, họ sẽ nói rằng cả ba người cùng ăn bánh thì do đó không thể nào bảo chứng được là chỉ có một người bị đầu đọc. Họ đã nói như thế trong vụ Hearne, chắc ông còn nhớ.

Poirot gật đầu nói:

– Thế nhưng quả thật là rất đơn giản. Ta xếp một chồng bánh xăng-uých. Trong một chiếc bánh trong số đó có thuốc độc. Tôi đưa khay ra. Trong tình trạng văn minh của chúng ta hiện thời, kết luận tất nhiên phải là, người nào được đưa khay cũng sẽ lấy chiếc bánh gần mình nhất. Tôi đoán chừng là Elinor Carlisle đưa khay cho Mary Gerrard trước?

– Đúng thế.

– Mặc dù là bà điều dưỡng, là người nhiều tuổi hơn, có mặt trong phòng?

– Phải rồi.

– Thế thì có vẻ không đẹp lắm.

– Thực sự nó chẳng nói lên điều gì cả. Người ta không giữ nghi thức trong một bữa ăn picnic.

– Ai cắt bánh xăng-uých?

– Elinor Carlisle.

– Trong khu nhà còn có ai khác nữa không?

– Không có ai khác cả.

Poirot lắc đầu:

– Thực tệ hại quá. Thế cô ta không có cái gì ngoài nước trà và bánh xăng -uých sao?

– Không có gì cả. Các đồ ăn uống tìm thấy trong dạ dày cho ta biết như vậy.

Poirot nói:

– Người ta cho là Elinor Carlisle hy vọng rằng cái chết của cô gái kia sẽ được xem như là bị trúng độc do thức ăn? Cô ta định giải thích như thế nào về sự kiện chỉ có một người trong bữa đó bị trúng độc?

Peter Lord nói:

– Thỉnh thoảng cũng có xảy ra như vậy. Hơn nữa, bữa đó có hai cái hũ bột nhồi – bề ngoài cả hai hũ trông giống hệt nhau. Có thể nghĩ là một hũ thì tốt; do tình cờ Mary đã ăn phải tất cả số bột nhồi xấu.

– Đây đúng là một cuộc nghiên cứu thú vị đề định luật cái nhiên – Poirot nói – Tôi cho là số lượng những sự tình cờ chống lại biến cố đó hẳn phải cao. Nhưng còn một điểm này nữa, nếu cho là bị trúng độc do thức ăn thì: tại sao lại không chọn một chất độc khác? Những triệu chứng của morphine thì không giống một chút nào với các triệu chứng của sự trúng độc do thức ăn. Chắc chắn là dùng atrophine thì đúng hơn.

Peter Lord chậm rãi nói:

– Phải, đúng thế. Nhưng còn thêm điều này nữa. Cái bà điều dưỡng khu vực đáng ghét kia thề rằng bà ta đã đánh mất ống thuốc morphine.

– Bao giờ thế?

– Ồ, nhiều tuần trước, cái đêm bà Welman chết. Bà điều dưỡng nói rằng bà ta đã để cái cặp trong phòng đợi và sáng hôm sau thì thấy mất một ống morphine. Nói toàn vu vơ cả, tôi tin thế. Có lẽ bà ta đã đánh vỡ ở nhà trước đó ít lâu, rồi quên bẵng chuyện đó.

– Bà ta chỉ nhớ lại ống thuốc đó kể từ cái chết của Mary Gerrard, phải không?

Peter Lord nói một cách miễn cưỡng:

– Thực ra lúc ấy bà ta có nói đến việc này – với cô điều dưỡng đang phiên trực.

Hercule Poirot hơi quan tâm, nhìn Peter Lord. Nhẹ nhàng nói:

– Này cậu ạ, tôi nghĩ có một sự gì khác – một sự gì mà cậu chưa nói với tôi.

Peter Lord nói:

– Ồ, được rồi, tôi cho là ông nên biết tất cả thì hơn. Họ đang thi hành lệnh khai quật tử thi và đang đào bà Welman lên.

Poirot nói:

– Thế thì sao chứ?

Peter Lord nói:

– Khi họ đào, có lẽ họ sẽ thấy cái mà họ đang kiếm – chất morphine.

– Cậu đã biết thế sao?

Peter Lord mặt trắng bệch dưới lớp tàn nhang, lẩm bẩm nói:

– Tôi đã ngờ thế.

Hercule Poirot đập tay xuống tay ghế, nói to:

– Trời ơi, tôi không hiểu nổi cậu. Thì ra khi bà ta chết, cậu đã biết rằng bà ta bị giết sao?

Peter Lord kêu lên:

– Lạy Chúa, không phải thế đâu. Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến một điều gì như thế cả. Lúc ấy tôi nghĩ rằng bà ta đã tự lấy uống viên thuốc đó.

Poirot ngồi rụt lại trong ghế:

– A, cậu đã nghĩ thế.

– Cố nhiên là tôi đã nghĩ thế. Bà ta đã nói với tôi về việc ấy. Đã hơn một lần bà ta hỏi tôi xem có thể “kết thúc cho bà ta” được không. Bà ta thù ghét bệnh hoạn, chẳng tự làm được việc gì – cái đó bà ta gọi là nỗi sỉ nhục phải nằm ườn cho người ta chăm sóc như đứa con nít. Mà bà ta lại là một người đàn bà rất kiên quyết.

Peter Lord im lặng một lát, rồi nói tiếp.

– Tôi lấy làm ngạc nhiên được tin bà chết. Tôi đã không trông đợi điều ấy. Tôi xua cô điều dưỡng ra khỏi phòng, rồi điều tra hết sức kỹ lưỡng. Cố nhiên là không thể nào chắc chắn được gì nếu không giải phẫu tử thi. À, làm thế thì ích gì cơ chứ? Nếu bà ta đã băng theo lối tắt, thì tại sao lại làm to chuyện và gây nên điều xấu xa, nhục nhã? Tốt hơn là hãy ký chứng chỉ và để cho bà ta được chôn cất bình an. Dù sao, lúc ấy tôi không thể chắc được. Tôi đã quyết định làm, tôi cho là thế. Nhưng tôi không hề nghĩ đến lừa dối, gian lận. Tôi hoàn toàn tin chắc bà ta đã tự làm việc ấy.

Poirot hỏi:

– Lúc ấy cậu nghĩ bà ta có được morphine bằng cách nào?

– Tôi đã không có một chút ý nghĩ nào cả. Thế nhưng, như tôi nói với ông đây, bà ta là một phụ nữ lanh lợi, tháo vát, có nhiều tài trí và quyết tâm.

– Bà ta có thể có được thứ thuốc đó từ nơi các điều dưỡng viên được không?

Peter Lord lắc đầu:

– Không bao giờ thế được. Ông không biết gì về các điều dưỡng viên cả.

– Từ nơi họ hàng bà con thì sao?

– Có thể thế lắm. Có thể bà ta đã tác động đến tình cảm họ.

Hercule Poirot nói:

– Cậu đã cho tôi biết rằng bà Welman chết không để lại di chúc. Nếu như bà ta sống thì bà ta có làm di chúc không?

Peter Lord bỗng nhăn nhở nói:

– Với sự chính xác quỷ quái ông đặt ngón tay vào tất cả những chỗ cực kỳ quan trọng, phải thế không nào? Đúng thế, bà ta sắp làm di chúc; rất bối rối, xúc động về việc này. Không nói mạch lạc cho người ta hiểu được, nhưng đã tỏ nguyện vọng khá rõ ràng. Trước tiên Elinor Carlisle phải kêu dây nói cho luật sư ngay sáng hôm đó.

– Như vậy là Elinor Carlisle đã biết rằng bà cô muốn làm di chúc? Và nếu bà ta chết mà không làm di chúc, thì Elinor Carlisle được thừa kế tất cả mọi thứ phải thế không?

Peter Lord nói mau:

– Cô ta không biết việc đó. Cô ta không nghĩ là cô mình đã chưa bao giờ làm di chúc.

– Cậu ơi, đó là cô ta nói thế thôi, chứ có thể là cô ta đã biết.

– Này, ông Poirot, ông là ủy viên công tố đấy à?

– Vào lúc này, thì đúng thế. Tôi cần phải biết đầy đủ mọi sự vụ này chống lại cô ta. Elinor Carlisle có thể lấy được morphine trong chiếc cặp không?

– Được. Một kẻ nào khác cũng có thể lấy được. Còn Roderick Welman. Còn cô điều dưỡng O’Brien. Và bất cứ một tên gia nhân nào.

– Hoặc là bác sĩ Lord nữa?

Peter Lord mở toang mắt nói:

– Chắc chắn thế rồi. Nhưng thế là thế nào mới được chứ?

– Cám ơn, có lẽ vậy.

Peter Lord lắc đầu:

– Chẳng ổn chút nào cả! Ông phải tin tôi!

Hercule Poirot ngồi tựa vào lưng ghế nói:

– Chúng ta cứ nên giả thiết xem. Giả sử Elinor Carlisle đã lấy morphine trong cái cặp rồi cho bà cô uống. Có ai nói đến việc mất morphine không?

– Trong nhà không ai nói điều đó cả. Hai cô điều dưỡng giữ việc đó cho riêng họ.

Poirot nói:

– Theo ý cậu, Vương quyền sẽ có hành động gì?

– Ông muốn nói nếu họ tìm thấy morphine trong xác bà Welman, phải không?

– Phải.

Peter Lord bừng bừng sát khí nói:

– Có thể là nếu Elinor được tha bổng trong vụ này, thì cô ta sẽ bị bắt lại và bị buộc tội giết bà cô.

Poirot trầm ngâm nói:

– Các động cơ khác nhau, tức là, trong vụ bà Welman động cơ chắc hẳn là lợi, còn trong vụ Mary Gerrard thì động cơ được giả định là ghen.

– Đúng thế.

Poirot nói:

– Bên biện hộ định dùng phương cách nào?

Peter Lord nói:

– Bulmer định bào chữa là trong vụ này không có động cơ. Ông ta sẽ trình bày là việc đính hôn giữa Elinor và Roderick là một việc nội bộ của gia đình, được đề ra vì lý do gia đình, để làm vui lòng bà Welman; lúc bà ta chết, Elionor đã bãi bỏ việc đính hôn theo ý mình. Roderick Welman sẽ làm chứng cho thực tế đó. Tôi nghĩ ông ta hầu như tin như vậy.

– Roderick có tin là Elinor không quan tâm đến mình nhiều lắm không?

– Phải, Roderick tin là thế.

– Trong trường hợp này – Poirot nói – cô ta chắc hẳn không có lý do nào để giết Mary Gerrard cả.

– Đúng vậy.

– Thế nhưng trong trường hợp ấy, thì ai đã giết Mary Gerrard?

– Tùy ông nói.

Poirot lắc đầu:

– Thực là khó.

Peter Lord sôi nổi nói:

– Thế đấy! Nếu cô ta không giết, thì ai giết? Lại còn nước trà nữa; nhưng cả bà Hopkins lẫn Mary đều uống. Bên Biện gắng đưa ra ý kiến là chính Mary Gerrard đã lấy morphine sau khi hai người rời phòng – là cô ta đã tự tử, đúng thực là thế.

– Cô ta có lý do nào để tự tử không?

– Không có bất kỳ lý do nào cả.

– Cô ta có thuộc về loại người có khuynh hướng tự vẫn không?

– Không.

Poirot nói:

– Mary Gerrard là người như thế nào?

Peter Lord suy nghĩ.

– Cô ta là… là một cô bé xinh xắn. Phải, đúng là một cô bé xinh xắn.

Poirot thở dài, nói khẽ.

– Cái anh chàng Roderick Welman có yêu cô ta vì cô ta là một cô bé xinh không?

Peter Lord nói:

– Ồ, tôi hiểu ông định nói gì rồi. Cô ta đẹp, trông được lắm.

– Thế còn cậu nữa? Cậu không có cảm tình với cô ta sao?

Peter Lord nhìn chăm chăm:

– Lạy Chúa, không.

Hercule Poirot nghĩ ngợi một lát, rồi nói:

– Roderick Welman nói rằng giữa ông ta và Elinor Carlisle có mối thân tình, nhưng không có gì thắm thiết hơn. Cậu có đồng ý về điều đó không?

– Làm sao tôi biết được chứ?

Poirot lắc đầu:

– Lúc cậu vào phòng này cậu có nói với tôi là Elinor Carlisle có thị hiếu tồi, đi yêu cái anh chàng có cái mũi dài, hợm hĩnh, kênh kiệu. Đó chính là bức họa miêu tả Roderick Welman, tôi nghĩ thế. Như vậy là, theo cậu thì cô ta có thực quan tâm đến ông ta ta.

Peter Lord bực tức, thấp giọng nói:

– Ừ, thì cô ta để ý đến anh ta đấy. Để ý sát rạt.

Poirot nói:

– Vậy là đã có động cơ rồi.

Peter Lord nhìn chếch về phía ông, mặt bừng bừng tức giận.

– Thế thì có quan hệ gì nào? Cô ta có thể làm như vậy chứ. Nếu cô ta có làm thế, tôi cũng chẳng quan tâm chút nào.

Poirot nói:

– A ha!

– Nhưng tôi không muốn cô ta bị treo cổ, ông biết đấy. Cứ cho là cô ta đã bị đẩy đến chỗ tuyệt vọng. Tình yêu là một sự tuyệt vọng, cong queo. Nó có thể biến con sâu thành một người tốt đẹp – mà cũng có thể xô một con người tử tế, thẳng thắn xuống vũng nước cặn bùn lầy. Giả sử cô ta đã làm thế. Ông có lòng thương xót nào không?

Hercule Poirot nói:

– Tôi không tán thành việc giết người.

Peter Lord nhìn chăm chăm ông, trông ra chỗ khác, rồi lại nhìn ông, cuối cùng phá lên cười.

– Tất cả những điều đó nói ra – sao mà quá nghiêm trang mà cũng quá nông cạn nữa. Ai yêu cầu ông tán thành nào? Tôi không đòi hỏi ông nói dối. Sự thực là sự thực, phải thế không? Nếu ông kiếm thấy điều gì có thể có lợi cho bị cáo, thì chắc ông sẽ không xuôi chiều vùi giập nó đi vì cô ta có phạm tội, phải thế không ông?

– Chắc chắn không rồi.

– Thế thì tại sao ông lại không thể làm cái việc tôi yêu cầu ông?

Hercule Poirot nói:

– Anh bạn ơi, tôi hoàn toàn sẵn sàng làm như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.