Cây Bách Buồn

Chương 21



Bác sĩ Lord đến đón tại ga xe lửa theo như lời yêu cầu.

Hercule Poirot xuống xe. Ông trông có vẻ rất ư là London, đi giầy da sờn nhọn.

Peter Lord lo âu chăm chú nhìn mặt ông, nhưng Poirot không tỏ ý gì.

Lord nói:

– Tôi đã làm hết sức mình để có được những lời đáp cho các câu hỏi của ông. Thứ nhất là, Mary Gerrard đã rời đây đi London vào ngày 10 tháng Bảy. Thứ hai là, tôi không có quản gia – chỉ có một đôi bạn gái cười rúc rích chăm nom nhà cửa. Tôi nghĩ chắc hẳn ông muốn nói đến bà Slattery, trước đây làm quản gia cho bác sĩ Ransome (người tiền nhiệm của tôi). Tôi có thể đưa ông đến chỗ bà ta sáng nay nếu ông muốn. Tôi đã dàn xếp để bà ta sẽ có mặt ở nhà.

Poirot nói:

– Đúng rồi, tôi nghĩ nếu tôi đến thăm bà ta trước tiên thì cũng được.

– Ông nói ông muốn đi đến Hunterbury. Tôi có thể đi cùng ông đến đó. Tôi lấy làm ngạc nhiên tại sao ông đã không có mặt ở đó rồi. Tôi không hiểu nổi tại sao lúc trước ông đã xuống đây mà không đến đó. Tôi tưởng rằng trong một vụ như vụ này thì cái việc đầu tiên phải làm là đến thăm cái nơi đã diễn ra tội ác.

Hơi nghiêng đầu về một bên, Poirot hỏi:

– Tại sao?

– Tại sao? – Lord hơi chưng hửng trước câu hỏi đó – Đó không phải là cái việc thường lệ phải làm hay sao?

Poirot nói:

– Người ta không thực hành nghề trinh thám với một cuốn sách giáo khoa. Mà dùng trí thông minh tự nhiên của mình.

Lord nói:

– Ở đó có lẽ ông tìm được một manh mối nào.

Poirot thở dài:

– Ông đọc quá nhiều tiểu thuyết trinh thám. Lực lượng cảnh sát của ông ở vùng này hoàn toàn đáng khâm phục. Tôi tin chắc là họ đã lục soát khu nhà, vườn tược, đất đai rất kỹ càng.

– Họ làm thế để có bằng chứng chống lại Elinor Carlisle – chớ không phải có bằng chứng giúp đỡ cô ta.

Poirot nói:

– Cậu ơi, lực lượng cảnh sát ở đây đâu có phải là con ác quỷ. Elinor Carlisle bị bắt vì người ta tìm thấy đầy đủ chứng cớ để xác minh một sự lệ chống lại cô ta – một sự lệ rất trầm trọng, tôi có thể nói thế. Việc tôi đến hiện trường thật là cô ích khi mà cảnh sát đã qua đó rồi.

– Nhưng bây giờ ông lại muốn đi đến đó, tại sao? – Peter phản đối.

Poirot lắc đầu nói:

– Đúng rồi, bây giờ thì lại cần thiết. Bởi vì bây giờ tôi biết đúng cái điều tôi đang tìm kiếm . Ta cần phải biết bằng những tế bào của óc trước khi dùng đến mắt mình.

– Thế ra ông nghĩ rằng vẫn còn có thể có – một cái gì đó – ở đó hay sao?

Poirot nhẹ nhàng nói:

– Tôi có một ý nghĩ nhỏ là chúng ta sẽ tìm thấy một cái gì – đúng thế.

– Một cái gì đó để chứng tỏ sự vô tội của Elinor Carlisle, phải không?

– À, tôi không nói thế.

Lord ngựng sững lại:

– Ông không có ý nói là ông vẫn còn nghĩ cô ta phạm tội?

Poirot nghiêm trọng nói:

– Cậu phải chờ đã, cậu ạ, trước khi có được một lời đáp cho câu hỏi đó.

* * *

Poirot dùng bữa trưa với bác sĩ trong một căn phòng vuông đẹp, có cửa sổ mở ra vườn.

Lord nói:

– Ông có đạt được cái điều ông muốn từ bà lão Slattery không?

– Có.

– Ông muốn điều gì với bà ta?

– Chuyện tầm phào! Nói về những ngày xa xưa. Một số tội ác có cội rễ xâu xa trong quá khứ. Tôi nghĩ đây là một tội ác đó.

Lord tức giận nói:

– Tôi chẳng hiểu một tiếng nào ông đang nói cả.

Poirot mỉm cười nói:

– Món cá này tuyệt vời là tươi ngon.

Lord bồn chồn nói:

– Có lẽ thế. Tự tôi bắt nó trước bữa điểm tâm sáng nay. Này ông Poirot, tôi có được có ý nghĩ về cái việc ông ráng sức làm không? Tại sao ông cứ giữ tôi trong vòng bóng tối?

Poirot lắc đầu nói:

– Bởi vì lúc này vẫn còn chưa có ánh sáng. Tôi cứ thường phải dừng lại bất thình lình vì cái sự kiện là không có ai có lý do để giết Mary Gerrard ngoài Elinor Carlisle.

Lord nói:

– Ông không thể chắc như vậy được. Hãy nhớ là, cô ta đã có thời gian ở nước ngoài.

– Đúng thế, tôi đã cho điều tra.

– Chính ông đã ở Đức sao?

– Tôi ư? Không đâu. – Poirot tặc lưỡi nói tiếp – Tôi có các điệp viên chứ.

– Ông có thể ỷ vào kẻ khác được không?

– Chắc chắn được. Tôi không chạy lăng xăng đây đó, làm một cách tài tử những việc mà, vì một số tiền nhỏ, một người khác có thể làm được với cái tài chuyên nghiệp của họ. Tôi có thể nói chắc với cậu là tôi có nhiều thanh sắt trên lửa lắm. Tôi có mấy tên phụ tá đắc lực – một tên trước đây làm nghề trèo tường khoét vách.

– Ông dùng y làm gì?

– Cái việc cuối cùng tôi đã dùng y làm là lục soát thực kỹ căn phòng bà Welman.

– Y đã tìm kiếm cái gì ở đó?

Poirot nói:

– Ta thường thích biết một cách chính xác người ta đã nói dối mình không?

– Welman có nói dối không?

– Dứt khoát là có.

– Còn ai khác đã nói dối ông?

– Tất cả mọi người, tôi nghĩ thế: cô O’Brien nói dối một cách lãng mạn, bà Hopkins nói dối một cách ngoan cố, bà Bishop nói dối một cách hiểm độc. Còn cậu nữa…

– Lạy Chúa! – Lord không khách khí khi ngắt lời – Ông không nghĩ rằng tôi đã nói dối ông, phải không?

– Chưa đâu – Poirot thừa nhận.

Bác sĩ Lord ngồi thụt xuống ghế, nói:

– Ông là kẻ đa nghi nhất đời đấy, ông Poirot ạ.

Rồi nói tiếp:

– Nếu ông đã dùng xong bữa, thì chúng ta lên đường đi Hunterbury? Sau đó tôi còn mấy bệnh nhân, rồi còn phải mổ xẻ nữa.

– Xin tùy ý cậu.

Họ đi bộ do cổng sau vào khu vườn. Giữa đường đi tới nhà, họ gặp một chàng thanh niên cao lớn, đẹp trai đang đẩy xa cút-kít. Chàng ta đưa tay lên mũ kính cẩn chào bác sĩ Lord.

– Chào Horlick. Thưa ông Poirot, đây là Horlick làm vườn. Sáng hôm đó chú ta đã làm việc tại đây

Horlick nói:

– Thưa đúng thế. Sáng hôm đó tôi có gặp và nói chuyện với cô Elinor.

Poirot hỏi:

– Cô ta đã nói gì với chú?

– Cô ta cho tôi biết khu nhà đã bán rồi, điều đó làm tôi rất sửng sốt, thưa ông; nhưng cô Elinor nói cô ta sẽ nói giúp tôi với thiếu tá Somervell, và vì tôi đã tập nghề tốt dưới sự hướng dẫn của ông Stephens ở đây, có lẽ thiếu tá sẽ giữ tôi lại làm – nếu như ông ta không nghĩ tôi còn quá ít tuổi không làm được trưởng vườn.

Bác sĩ Lord nói:

– Trông cô ta hôm ấy có vẻ giống như thường ngày không, Horlick?

– Dạ, vẫn như thường, ngoại trừ cô ta có vẻ hơi kích động giống như… dường như cô ta có điều gì ở trong trí óc.

Poirot nói:

– Chú có biết Mary Gerrard không?

– Ồ, thưa có chứ. Nhưng không được rõ lắm.

Lord nói:

– Cô ta là người ra sao?

Horlick có vẻ bối rối:

– Ra sao à, thưa ông? Ông muốn nói là cô ta trông ra sao ư?

– Không hẳn thế. Tôi muốn nói là, cô ta là loại người như thế nào?

– Ồ, thưa ông, cô ta thuộc hạng cao cấp. Xinh đẹp. Nghĩ đến mình hơi nhiều, tôi cho là thế. Ông thấy đấy, bà lão Welman rất yêu mến cô ta. Điều này làm cho ông bố cô ta tức đến phát điên lên được.

Poirot nói:

– Theo tôi nghe nói, ông già đó tâm tính không được bình tĩnh lắm, phải không?

– Dạ, đúng thế. Lúc nào cũng cáu kỉnh, cộc cằn, tính tình được người tạo nên như thế. Rất ít khi có được một lời lịch sự, nhã nhặn.

Poirot nói:

– Buổi sáng hôm ấy chú có mặt ở đây. Lúc đó chú đang làm việc tại đâu?

– Thưa, chủ yếu tôi làm việc trong vườn bếp.

– Từ đó chú không trông thấy được khu nhà, phải không?

– Dạ, thưa không.

Lord nói:

– Nếu có người nào đi lên khu nhà – lên cửa sổ nhà kho – thì chú không trông thấy họ chứ?

– Dạ, thưa không.

Lord nói:

– Hôm ấy chú đi ăn cơm vào lúc nào?

– Thưa, vào lúc một giờ.

– Lúc ấy chú trông thấy một cái gì – chẳng hạn như một người đi lảng vảng, hay một cái xe ở phía ngoài?…

Horlick ngước mày ngạc nhiên:

– Thưa, có phải ở bên ngoài cổng sau không? Thưa, lúc ấy có chiếc xe hơi của ông đậu ở đó – không phải xe của ai khác.

Lord kêu lên:

– Xe của tôi à? Không phải là xe tôi đâu. Sáng hôm ấy tôi sang Withdenbury. Mãi đến hai giờ mới trở về.

Horlick có vẻ bối rối:

– Thưa, tôi chắc đó là xe của ông – anh chàng hoài nghi nói.

Lord nói mau:

– Ồ, điều đó chẳng quan hệ gì. Thôi, chào Horlick.

Chàng cùng Poirot bước đi. Horlick đăm đăm trông theo họ trong mấy phút, rồi đẩy xa cút-kít tiến lên.

Lord nói nhẹ nhàng – nhưng rất xao xuyến:

– Cuối cùng… có một cái gì. Xe ai đậu trong đường hẻm sáng hôm ấy thế nhỉ?

Poirot nói:

– Xe của cậu hiệu gì?

– Hiệu Ford 10 – màu xanh nước biển. Đó là loại xe thông thường, cố nhiên rồi.

– Cậu có chắc đó không phải là xe của cậu không? Cậu không lẫn ngày chứ?

– Chắc chắn không. Hôm ấy tôi sang Withdenbury, sau đó trở về, ăn chút đỉnh vào bữa trưa, rồi có điện thoại gọi cho biết về Mary Gerrard, tôi vội đi đến.

Poirot nói khẽ:

– Thế là hình như cuối cùng chúng ta đã đạt tới một cái gì rõ rệt.

Lord nói:

– Sáng hôm đó đã có một kẻ nào ở đây – kẻ ấy không phải là Elinor Carlisle, không phải là Mary Gerrard, cũng không phải là bà Hopkins.

Poirot nói:

– Điều này thực rất đáng lưu ý. Chúng ta hãy điều tra xem. Chúng ta hãy xét xem, chẳng hạn như, giả sử có một người đàn ông (hay đàn bà) muốn đến gần khu nhà mà không để ai trông thấy thì họ phải làm thế nào?

Ở giữa chừng đường đi có một lối rẽ xuyên qua bụi cây. Họ bước theo lối này; đến một khúc quanh. Lord nắm lấy cánh tay Poirot, trỏ một cái cửa sổ.

Lord nói:

– Đó là cửa sổ của nhà kho, Elinor Carlisle đã cắt bánh xăng-uých ở đó.

Poirot nói khẽ:

– Và từ chỗ này, có kẻ nào đã có thể trông thấy cô ta cắt bánh . Nếu tôi nhớ đúng thì hôm đó cửa sổ mở.

Lord nói:

– Cửa sổ mở rộng. Hôm ấy trời nóng bức, ông nhớ thế.

Poirot đăm chiêu nói:

– Thế thì có kẻ nào muốn núp xem việc gì đang diễn ra, thì đây đúng là một chỗ tốt.

Hai người đi quanh quẩn đây đó mỗi người một phía, Lord nói:

– Ở đây có một chỗ – đằng sau các bụi cây này. Cây cỏ bị giẫm nát. Bây giờ đã mọc lại rồi, nhưng ông có thể thấy đủ rõ.

Poirot bước tới chỗ Lord, trầm ngâm nói:

– Đúng thế, chỗ này thực tốt. Khuất kín lối đi, qua kẽ các bụi cây có thể nhìn rõ cửa sổ. Nào, bây giờ ta hãy nghĩ xem cái gã đó đã làm gì khi đứng ở đây? Có lẽ y hút thuốc lá chăng?

Họ cúi xuống, xem xét mặt đất, gạt lá và cành cây sang bên. Bỗng Poirot thốt lên tiếng lầm bầm.

Lord thẳng người lên hỏi:

– Cái gì thế?

– Một hộp quẹt, cậu ạ. Một hộp quẹt rỗng bị giẫm vùi xuống đất, ướt đẫm và mục nát.

Rất cẩn thận và nhẹ nhàng, Poirot nhấc hộp đó lên. Sau cùng ông bày lên trên một tờ giấy viết thư rút từ túi ra.

Lord nói:

– Quẹt nước ngoài. Lạy Chúa! Quẹt Đức .

Poirot nói:

– Mary Gerrard vừa mới từ Đức về mà.

Lord hớn hở nói:

– Bây giờ thì chúng ta đã có được một cái gì rồi. Ông không thể nào phủ nhận được nhé.

Poirot chậm rãi nói:

– Có lẽ thế.

– Nhưng, thực là khốn khiếp. Ai ở quanh đây mà lại có quẹt nước ngoài được cơ chứ?

Poirot nói:

– Tôi biết… tôi biết.

Mắt ông, cặp mắt băn khoăn, bối rối, nhìn qua kẽ cây thấy khung cửa sổ. Ông nói:

– Không đơn giản như cậu tưởng đâu. Có một sự khó khăn rất lớn. Cậu không tự thấy đó sao?

– Cái gì thế? Xin cho tôi biết.

Poirot thở dài:

– Nếu cậu không tự mình thấy ra thì… Nhưng thôi, chúng ta hãy tiếp tục đi.

Họ đi tới khu nhà. Lord rút chìa ra mở khóa cửa sau.

Lord đi dẫn đường qua buồng rửa bát tiến đến nhà bếp, dọc theo một lối đi có một bên là phòng vệ sinh, một bên là phòng kho của viên quản gia. Hai người nhìn quanh phòng kho.

Trong phòng kho có mấy cái tủ thường dùng có cửa kéo bằng kính, đựng ly cốc và đồ sứ. Có một lò ga, hai cái ấm và mấy cái hộp ghi chữ Trà và Cà-phê đặt trên một chiếc giá ở phía trên. Có một thùng thoát nước và một chậu rửa. Trước mặt cửa sổ là một cái bàn.

Lord nói:

– Elinor Carlisle cắt bánh xăng-uých ở bàn này. Người ta kiếm thấy mẫu giấy nhãn hiệu thuốc morphine trong kẽ nứt của sàn nhà ở dưới cái thùng.

Poirot trầm ngâm nói:

– Cảnh sát lục lọi rất cẩn thận. Họ không bỏ sót mấy.

Lord hùng hổ nói:

– Chẳng có bằng chứng gì tỏ ra là Elinor đã dùng ống thuốc đó cả. Tôi cho là có kẻ nào đó đã trông chừng cô ta từ phía bụi cây bên ngoài. Khi cô ta xuống nhà săn, y thấy có dịp liền lẻn vào mở ống thuốc, lấy ra mấy viên, bóp ta ra rồi bỏ vào bánh xăng-uých. Y không biết mình đã làm rách nhãn hiệu thuốc, mẫu giấy đó đã rơi xuống chỗ kẽ nứt. Y vội vã lẻn ra, cho xe chạy rồi ra đi.

Poirot thở dài:

– Cậu vẫn còn chưa thấy đâu. Một con người thông hiểu mà lại có thể đần độn như vậy, thì thực là lạ.

Lord tức giận hỏi:

– Ông muốn nói là ông không tin có một kẻ nào đó đứng trong những bụi cây kia nhìn vào cửa sổ này?

Poirot nói:

– Có chứ, tôi tin là thế.

– Thế thì chúng ta cần phải tìm cho ra kẻ đó là ai?

Poirot nói khẽ:

– Tôi nghĩ chúng ta sẽ chẳng phải tìm kiếm đâu xa.

– Ông muốn nói là ông biết?

– Tôi có một ý nghĩ rất sắc sảo.

Lord chậm rãi nói:

– Thế ra là bọn nô dịch của ông điều tra ở Đức, đã đem lại cho ông một cái gì đó.

Poirot vỗ vỗ vào trán nói:

– Cậu ơi, tất cả đều ở đây, ở trong đầu tôi. Thôi, chúng ta hãy đi xét quanh khu nhà.

Sau cùng họ đứng trong gian phòng Mary Gerrard đã chết.

Khu nhà có một bầu không khí kỳ dị trong căn phòng này; nó hình như vẫn còn sống với biết bao kỷ niệm và những điềm báo trước.

Lord mở toang một cửa sổ ra. Chàng hơi rùng mình nói:

– Chỗ này có cảm giác như là một nấm mồ.

Poirot nói:

– Nếu tường vách mà biết nói năng. Chính tại nơi đây, trong khu nhà này, đã bắt đầu toàn thể câu chuyện.

Ông ngừng lại, rồi nhẹ nhàng nói tiếp:

– Có phải Mary Gerrard đã chết trong căn phòng này không?

Lord nói:

– Người ta thấy cô ta ngồi trên chiếc ghế kia bên cửa sổ.

Poirot trầm ngâm nói:

– Một cô gái trẻ trung – xinh đẹp – mơ mộng. Cô ta có mưu đồ tính toán gì không? Cô ta có phải là con người cao cấp, làm điệu bộ màu mè không? Cô ta có hiền thục, dịu dàng, không chút toan tính mưu mẹo- chỉ là một gái thanh xuân bắt đầu cuộc sống – một cô gái giống như đóa hoa không?

Lord nói:

– Dù cô ta là gì đi chăng nữa, thì cũng đã có kẻ nào muốn cô ta chết.

Poirot nói khẽ:

– Tôi tự hỏi là…

Lord chằm chằm nhìn ông ta nói:

– Ông muốn nói gì thế?

Poirot lắc đầu:

– Chưa đâu.

Rồi nói sang hướng khác:

– Chúng ta đã đi lượt khắp khu nhà. Chúng ta đã xem xét tất cả những gì cần thấy ở đây. Giờ thì chúng ta hãy xuống nhà sau.

Tại đây tất cả cũng đều ngăn nắp, phòng đầy bụi bặm, nhưng sạch sẽ gọn gàng, không còn đồ đạc cá nhân nữa. Hai người chỉ dừng lại đây có mấy phút. Khi họ bước ra ngoài nắng, Poirot chạm phải lá của một cây hồng leo trên giàn lưới mắt cáo. Bông hoa màu hồng, tỏa hương thơm ngát. Ông nói khẽ:

– Cậu có biết tên của cây hồng này không? Đó là Zephyrin Dronghin đấy cậu ạ.

Lord bực tức nói:

– Cái gì thế?

Poirot nói:

– Khi tôi gặp Elinor Carlisle, cô ta nói với tôi về những bông hồng. Chính lúc đó tôi mới bắt đầu trông thấy – không phải là ánh sáng ban mai đâu, mà là một làn sáng thoáng hiện mà người ta chợt thấy trên con tàu sắp ra khỏi đường hầm. Đó không phải là ánh sáng ban mai, nhưng là hứa hẹn của ánh sáng ban mai.

Lord gay gắt nói:

– Cô ta đã nói gì với ông?

– Cô ta nói với tôi về thời thơ ấy, chơi đùa tại đây trong khu vườn này, cô ta và Roderick Welman đứng về hai phe khác nhau. Họ là địch thủ, vì cậu ta thích bông hồng trắng của nhà York – lạnh lùng, khắc khổ – còn cô ta thì thích hồng đỏ, bông hồng của nhà Lancaster. Những bông hồng đỏ có hương thơm và màu sắc, có đam mê và nhiệt tình. Cậu ạ, đó chính là sự khác biệt giữa Elinor Carlisle và Roderick Welman.

Lord nói:

– Có đó có cắt nghĩa… điều gì không?

Poirot nói:

– Nó cho thấy Elinor Carlisle là người nồng nàn, sôi nổi, tự cao, kiêu hãnh, đã yêu tuyệt vọng một người không có khả năng yêu mình.

Lord nói:

– Nhưng tôi hiểu cô ta. Tôi hiểu cả hai người ấy. Bây giờ chúng ta hãy trở lại một lần nữa cái chỗ đã dọn sạch trong bụi cây kia.

Họ đi tới đó trong yên lặng. Khuôn mặt tàn nhang của Lord lộ vẻ băn khoăn, tức tối.

Khi đến nơi Poirot đứng im một lát, Lord nhìn ông.

Bỗng nhà thám tử nhỏ thó thốt ra một tiếng thở dài bực tức, nói:

– Thực ra rất là đơn giản. Cậu không nhận thấy cái lý luận sai lầm, tai hại của cậu sao? Theo thuyết của cậu, thì có một kẻ nào, một người đàn ông, có lẽ đã quen biết Mary Gerrard ở Đức, đã đến đây định giết chết cô ta. Nhưng, cậu ạ, hãy nhìn đây, hãy nhìn đây . Hãy dùng hai con mắt của thân xác cậu, bởi vì mắt của trí óc hình như không phục vụ cậu. Từ chỗ này cậu trông thấy gì? Một cái cửa sổ, phải không? Bên cửa sổ đó – có một cô gái. Một cô gái đang cắt bánh xăng-uých. Đó là Elinor Carlisle. Nhưng cậu hãy nghĩ về một điểm này: Cái gì đã khiến cho gã trông chừng đã biết rằng bánh xăng-uých sắp được đưa cho Mary Gerrard ? Không ai biết được điều đó, ngoài Elinor Carlisle ra – không ai biết được cả. Cả đến Mary Gerrard và bà Hopkins cũng không biết.

Do đó tiếp theo là cái gì – nếu một người đàn ông đứng ở đây trông chừng, nếu sau đó y tiến đến cửa sổ, trèo vào, lục lọi bánh xăng-uých. Y đã nghĩ gì và tin gì? Y đã nghĩ, chắc chắn nghĩ rằng, những bánh xăng-uých đó sẽ được chính Elinor Carlisle ăn .


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.