Cây Bách Buồn
Chương 28: (Kết)
Hercule Poirot nói:
– Bây giờ thì cậu thấy rồi nhé, những điều người ta nói dối tôi thì cũng có ích giống như là sự thực vậy.
Peter Lord nói:
– Mọi người đều đã nói dối ông sao?
Poirot gật đầu:
– Ồ, đúng thế! Vì lý do này hay lý do khác, cậu hiểu đấy. Chỉ có một người đã coi sự thực như là một bổn phận, lại rất nhạy cảm và thận trọng đối với bổn phận đó – chính người ấy là người làm tôi bối rối, khó xử nhất.
Lord nói nhỏ:
– Elinor!
– Đúng lắm. Bằng chứng đều chỉ rõ cô ta là kẻ phạm tội. Mà cô ta thì, với cái lương tâm nhạy bén và kỹ lưỡng vốn có, lại không làm gì để xua tan sự công nhận đó đi. Tự buộc tội mình về ý định, nếu không phải là về hành động, cô ta đã đi đến chỗ gần như là buông bỏ một cuộc chiến đấu ghê tởm, bẩn thỉu và kháng hiện trước tòa là có phạm tội, phạm một tội ác mà cô ta đã không phạm.
Lord thở dài bực tức, nói:
– Thực khó tin nổi.
Poirot lắc đầu:
– Không đâu. Cô ta tự kết tội mình – bởi vì cô ta tự xét xử mình theo một tiêu chuẩn đòi hỏi nhiều hơn là cái chuẩn mà loài người bình thường vẫn dùng.
Lord trầm ngâm nói:
– Đúng vậy, cô ta là như thế.
Poirot tiếp tục nói:
– Từ cái lúc tôi bắt đầu điều tra, luôn luôn có cái khả năng rất mạnh là Elinor Carlisle đã phạm tội ác mà cô ta bị cáo là đã phạm. Nhưng tôi đã làm tròn phận sự của tôi đối với cậu, tôi đã khám phá ra rằng có thể có một sự lệ mạnh mẽ hơn chống lại một người khác.
– Bà Hopkins ư?
– Thoạt tiên không phải là bà ta. Roderick Welman là người đầu tiên lôi cuốn sự chú ý của tôi. Trong trường hợp của ông ta, chúng ta lại bắt đầu được nghe nói dối. Ông ta bảo tôi là ông ta đã rời khỏi nước Anh ngày mồng 9 tháng bảy và trở về ngày mồng một tháng tám. Nhưng bà Hopkins đã tình cờ kể lại rằng Mary Gerrard đã đẩy lui sự tấn công của Roderick Welman một lần ở Maidensford “và một lần nữa lúc cô ta gặp ông ta ở London”. Mary Gerrard (cậu đã cho tôi biết) đã đi London vào ngày 10 tháng bảy – một ngày sau khi Roderick Welman rời khỏi London. Mary Gerrard đã gặp gỡ Roderick Welman ở London vào lúc nào? Tôi phái chú bạn ăn trộm kia “đi công tác”; và do xem xét giấy thông hành của Welamn, tôi khám phá ra rằng ông ta đã có mặt ở London ngày 25 đến 27 tháng bảy. Thế mà ông ta đã chú tâm nói dối về việc đó.
– Trong trí tôi đã luôn luôn có cái khoảng thời gian mà bánh xăng-uých bày trên cái khay trong phòng kho và Elinor Carlisle đi xuống nhà săn. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng trong trường hợp đó thì Elinor phải là nạn nhân người ta nhằm vào, chứ không phải là Mary Gerrard. Roderick Welman có động cơ nào để giết Elinor Carlisle không? Có chứ, một động cơ rất xác đáng. Cô ta đã làm di chúc để lại tất cả tài sản cho ông ta; và nhờ khéo hỏi tôi đã khám phá ra rằng Roderick Welman có thể đã biết được việc này.
Lord nói:
– Thế tại sao ông đã quyết định rằng ông ta vô tội?
– Vì một điều nó dối nữa. Đó cũng là một điều nó dối ngớ ngẩn, dại dột, nhỏ bé chẳng đáng kể gì. Bà Hopkins nói rằng bà ta đã bị xước da ở cổ tay do một cây hoa hồng, bà ta đã bị gai đâm. Tôi đếm xem cây hồng đó, thì nó không có gai. Như vậy rõ ràng là bà Hopkins đã nói dối – lời nói dối này quá ngớ ngẩn, hình như lạc lõng nữa, đã khiến tôi đổ dồn chú ý vào bà ta.
– Tôi bắt đầu ngạc nhiên về bà Hopkins. Cho đến lúc đó bà ta đã khiến tôi nghĩ bà ta là một nhân chứng hoàn toàn đáng tin, từ trước đến sau lúc nào cũng phù hợp, tuy có chiều hướng chống lại bị cáo nhưng cũng là tự nhiên thôi vì bà ta yêu mến cô gái đã chết kia. Nhưng bây giờ, với cái lời nói dối ngớ ngẩn, lạc lõng đó trong trí óc tôi, tôi suy xét rất kỹ về bà Hopkins và bằng chứng của bà ta, rồi tôi nhận thấy một điều gì mà lúc trước tôi đã không đủ thông minh để thấy ra được. Bà Hopkins đã biết một điều gì về Mary Gerrard mà bà ta rất muốn tiết lộ ra.
Lord sửng sốt nói:
– Lúc đó tôi nghĩ đó là đi vòng vo quanh quẩn?
– Bề ngoài thì đúng là thế. Bà ta khéo làm ra bộ của người biết một điều gì mà sẽ không nói ra. Nhưng khi tôi suy nghĩ kỹ thì thấy rằng mỗi tiếng bà ta đã nói là đều đã được thốt ra với một mục đích đối ngược hẳn. Niềm tin ấy đã được xác nhận hoàn toàn do cuộc trò chuyện của tôi với cô O’Brien. Bà ta đã dùng cô ta một cách rất khôn khéo mà cô O’ Brien không hay biết gì cả.
– Rõ ràng là bà Hopkins đã chơi đúng thể lệ qui định của mình. Tôi đem đối chọi hai lời nói dối của bà ta và của Roderick Welman. Ông ta đã không thể giữ đúng kế hoạch của mình là ở nước ngoài, và đã bó buộc phải về theo đuổi cô gái kia, cô này có lẽ chẳng để ý gì đến mình. Thừa nhận điều đó có lẽ đã làm tổn thương rất nhiều đến niềm kiêu hãnh của ông ta. Vì không có vấn đề là ông ta đã ở gần nơi xảy ra vụ sát nhân hay biết điều gì về vụ đó, ông ta chủ trương là nên chống trả ít nhất và tránh nỗi bực mình (đó là một nét riêng biệt nhất) bằng cách lờ đi việc vội vã về thăm nước Anh mà chỉ kể rằng ông ta đã trở về vào ngày mồng 1 tháng tám khi nhận được tin về vụ sát nhân.
– Còn về bà Hopkins, có thể hiểu lời nói dối của bà là hồn nhiên vô hại được không? Càng nghĩ đến nó, tôi lại càng thấy nó có vẻ khác thường. Tại sao bà Hopkins lại thấy cần thiết phải nói dối vì mình đã có một vết châm ở cổ tay? Cái vết châm ấy có ý nghĩa gì?
– Tôi bắt đầu đặt ra cho mình một số câu hỏi. Thuốc morphine bị mất kia đã thuộc về ai? Bà Hopkins. Ai đã dùng thuốc morphine đó cho bà Welman? Bà Hopkins. Đúng rồi, thế nhưng tại sao bà ta lại gợi sự chú ý về việc mất thuốc đó? Chỉ có thể có một câu trả lời cho câu hỏi đó, nếu bà Hopkins đã phạm tội; vì vụ sát nhân khác, vụ giết Mary Gerrard, đã được trù tính sẵn rồi, cái kẻ giơ đầu chịu báng đã được lựa chọn rồi, nhưng cần phải cho thấy rằng kẻ giơ đầu chịu báng đó đã có cơ hội có được thuốc morphine.
– Một số sự việc khác rất ăn khớp. Bức thư nặc danh viết cho Elinor. Đó là để tạo nên tình cảm xấu giữa Elinor và Mary. Cái ý tưởng rõ rệt là Elinor sẽ đến chống đối lại ảnh hưởng của Mary đối với bà Welman. Roderick Welman cuồng nhiệt mê say Mary, sự kiện này cố nhiên là một trường hợp hoàn toàn bất ngờ – nhưng đó là việc mà bà Hopkins mau hiểu rõ giá trị. Đây là một động cơ hoàn toàn dùng dành cho kẻ giơ đầu ra chịu báng kia, là Elinor.
– Nhưng cái lý do gây ra hai tội ác kia là gì? Có thể có động cơ gì thúc đẩy bà Hopkins trừ khử Mary Gerrard không? Tôi bắt đầu trông thấy một làn ánh sáng – vẫn còn rất mờ nhạt. Bà Hopkins có ảnh hưởng lớn đối với Mary; một trong những cách bà ta dùng ảnh hưởng đó là dụ cô gái kia làm di chúc. Nhưng di chúc ấy chẳng đem lại lợi gì cho bà Hopkins cả. Nó làm lợi cho một người dì của Mary sống ở Tân Tây Lan. Thế rồi tôi nhớ tới một lời nhận định tình cờ mà một người trong làng đã nói với tôi. Người dì đó đã làm điều dưỡng trong bệnh viện.
– Bây giờ làn ánh sáng kia không còn hoàn toàn mờ nhạt nữa. Cái kiểu mẫu – cái kế hoạch của tội ác – đã trở nên rõ rệt. Bước tiếp theo thực dễ dàng. Tôi đến thăm bà Hopkins một lần nữa. Cả hai chúng tôi đều đóng kịch tuyệt vời. Cuối cùng bà ta đã để cho tôi thuyết phục và nói ra cái điều mà bấy lâu nay bà nhằm nói ra. Chỉ có điều là, có lẽ bà ta nói ra điều đó hơi sớm hơn dự định. Nhưng cơ hội tốt quá, nên bà ta không cưỡng lại nổi. Dù sao đi nữa, một lúc nào đó sự thực phải lộ ra thôi. Vì thế, làm ra vẻ miễn cưỡng, bà đưa ra bức thư. Thế là, cậu ơi, bây giờ không còn phải là phỏng đoán nữa. Tôi biết! Bức thư đó tố cáo bà ta.
Lord nhăn mặt nói:
– Tố cáo như thế nào?
– Cậu ơi! Trên bìa thư đó có ghi hàng chữ: Gửi Mary – thư này gửi cho Mary sau khi tôi chết . Nhưng cái ý chính của nội dung câu ấy cho thấy rất rõ rằng Mary Gerrard sẽ không được biết sự thực. Cái chữ gửi (chớ không phải đưa cho ) đề trên phong bì cũng soi sáng rõ lắm. Bức thư đó không phải viết cho Mary Gerrard, nhưng là cho một Mary khác. Đó là em gái của bà ta tên là Mary Riley, ở Tan-tây-lan, là người mà Eliza Riley viết cho biết sự thực.
– Bà Hopkins đã không tìm thấy bức thư đó ở nhà săn sau khi Mary Gerrard chết. Bà ta đã có trong tay trong nhiều năm rồi. Bà ta đã nhận được thư này gửi đến ở Tân-tây-lan sau khi chị bà chết.
Poirot ngừng lại:
– Một khi ta đã thấy được sự thực bằng con mắt của trí óc thì mọi điều còn lại đều dễ dàng thôi. Bây giờ đi máy bay rất mau, cho nên một nhân chứng biết rõ Mary Draper ở Tân-Tây-lan có thể có mặt tại phiên tòa.
Lord nói:
– Giả sử ông đã lầm; bà Hopkins và Mary Draper là hai người hoàn toàn khác nhau, thì sao?
Poirot lạnh lùng nói:
– Tôi không bao giờ lầm cả.
Lord cười vang.
Poirot nói tiếp:
– Cậu ạ, bây giờ tôi biết một điều nào đó về người đàn bà tên là Mary Riley hay Draper. Cảnh sát Tân-Tây-lan đã không thể nào có được bằng chứng đầy đủ cho một vụ kết tội, nhưng họ đã theo dõi bà ta trong một thời gian thì bà ta bỗng rời khỏi nước này. Có một bệnh nhân của bà ta, một bà phu nhân già, đã để lại cho “bà điều dưỡng Riley thân mến” một số tiền thừa kế rất nhỏ nhoi, cái chết của bà này đã gây đôi chút bối rối cho bác sĩ chăm sóc bà. Ông chồng của Mary Draper đã bảo hiểm nhân thọ cho mình, bảo đảm cho vợ một số tiền lớn khi mình chết đi; rồi cái chết của ông ta xảy đến bất ngờ, kỳ quặc, khó hiểu. Không may cho bà ta, ông chồng đã viết một cái séc cho hãng bảo hiểm, nhưng đã quên không gởi đi. Những cái chết khác nữa có thể sẽ nằm la liệt ở trước cửa bà. Chắc chắn bà ta là một người đàn bà tàn nhẫn, không biết ăn năn hối hận là gì.
– Chúng ta có thể hình dung được là bức thư của chị bà ta đã gợi ra các khả năng cho cái đầu óc đầy rẫy thủ đoạn của bà ta. Khi Tân-tây-lan đã trở nên quá nóng, như người ta nói thế, không giữ nổi bà ta, thì bà ta đến xứ này tiếp tục hành nghề dưới cái tên là Hopkins (tên của một đồng nghiệp cũ của bà ta ở bệnh viện đã chết tại nước ngoài). Maidensford là mục tiêu của bà. Có thể là bà ta đã dự định một cách tống tiền nào đó. Thế nhưng bà lão Welman không phải hạng đàn bà để cho người ta hăm dọa tống tiền, thế nên bà điều dưỡng Riley, hay Hopkins, rất khôn ngoan, đã chẳng dại gì mà thử làm việc đó. Chẳng có nghi ngờ gì là bà ta đã điều tra và khám phá ra rằng bà Welman là một phu nhân giàu sụ, một vài tiếng tình cờ nào đó của bà Welman có thể đã tiết lộ sự kiện là bà lão này đã không làm di chúc.
– Vì thế, vào buổi tối tháng sáu ấy, lúc cô điều dưỡng O’Brien kể lại cho bà bạn đồng nghiệp là bà Welman đòi mời luật sư, thì bà Hopkins không chần chừ nữa. Bà Welman phải chết mà không để lại di chúc cho người con gái bất hợp pháp của bà được thừa hưởng tiền bạc. Bà Hopkins đã kết bạn với Mary Gerrard và đã có ảnh hưởng lớn đối với cô gái này. Tất cả việc bà ta phải làm lúc bấy giờ là thuyết phục cô gái làm di chúc để lại tiền của cho người em gái của mẹ nàng, bà ta đã rất cẩn thận gợi ra cách viết tờ di chúc. Trong đó không đề cập gì đến quan hệ thân thích, mà chỉ viết là “Mary Riley, em gái của Eliza Riley quá cố”. Một khi tờ di chúc đó được ký rồi, thì Mary Gerrard đã đến ngày tận số. Bà ta chỉ còn phải đợi một cơ hội thích hợp. Tôi nghĩ là, bà ta đã vạch ra phương pháp của một tội ác, bằng việc dùng chất apomorphine để đảm bảo cái chứng cứ vắng mặt của mình. Có thể là bà ta đã có ý định dụ Elinor đến nhà tranh của mình, nhưng khi Elinor đi xuống nhà săn, mời cả hai người lên ăn bánh xăng-uých, thì bà ta tức khắc thấy rằng một cơ hội rất tốt đã bày ra. Những điều kiện rõ rệt đến độ Elinor trong thực tế chắc chắn phải bị kết tội.
Lord chậm rãi nói:
– Nếu không nhờ có ông, thì cô ta đã bị kết tội rồi.
Poirot nói mau:
– Không phải thế đâu, chính là cậu, cậu ạ. Cô ta phải cám ơn vì nhờ có cậu mà cô ta được sống.
– Tôi ấy ư? Tôi đã chẳng làm gì cả. Tôi cố gắng…
Chàng ngừng sững lại. Poirot mỉm cười:
– Thế nhưng, cậu đã cố gắng quá, phải không? Cậu đã sốt ruột, bồn chồn, bởi vì theo cậu thì hình như tôi chẳng đi đến đâu cả. Cậu cũng lo sợ rằng, dù sao đi nữa, có thể là cô ta có phạm tội. Và vì thế, cậu cũng rất phi lý, đã nói dối tôi. Nhưng, cậu ơi, cậu đã không tinh khôn lắm về việc đó. Trong tương lai tôi khuyên cậu hãy nên bám chặt vào bệnh sởi và bệnh ho gà, chớ đừng điều tra phát hiện tội ác.
Lord bừng đỏ mặt, nói:
– Suốt thời gian đó… ông đã biết thế sao?
Poirot nghiêm trang nói:
– Cậu đã dắt tay tôi đến chỗ thưa trong bụi cây, rồi giúp tôi tìm ra cái hộp quẹt Đức mà cậu vừa mới bỏ xuống đó. Đúng là trò trẻ con.
Lord co rụt lại, lẩm bẩm:
– Đừng nhắc đi nhắc lại mãi chuyện đó.
Poirot nói tiếp:
– Cậu trò chuyện với chú làm vườn, rồi đưa đẩy chú ta nói là đã trông thấy xe cậu đậu trên đường, rồi sau đó cậu lại bắt đầu làm bộ cho là đó không phải là xe của cậu. Rồi cậu chăm chú nhìn tôi để biết chắc là tôi có trông thấy rõ rằng hẳn đã có một người nào, một người ngoại quốc đã có mặt tại đó buổi sáng hôm ấy.
– Tôi thật là ngu xuẩn hết sức – Lord nói.
– Cậu đã làm gì ở Hunterbury sáng hôm đó?
Lord bừng đỏ mặt.
– Chỉ là một hành động ngu ngốc thôi. Tôi… tôi đã nghe nói là cô ta xuống đây. Tôi đi lên khu nhà để may ra có thể gặp được cô ta. Tôi không có ý định nói với cô ta. Tôi… tôi chỉ muốn được gặp cô ta. Từ lối đi trong bụi cây, tôi trông thấy cô ta trong phòng kho đang cắt bánh mì và phết bơ…
– Đúng là cô nàng Charlotte với chàng thi sĩ Werther. Xin cậu cứ nói tiếp.
– Ồ, chẳng có gì nói cả. Tôi lẻn vào trong bụi cây, đứng đó ngắm cô ta cho đến khi cô ta đi.
Poirot dịu dàng nói:
– Có phải cậu đã yêu Elinor Carlisle ngay lần đầu gặp cô ta không?
– Tôi cho là thế.
Im lặng một lúc lâu.
Rồi Lord nói:
– Ồ, tôi cho là cô ta cùng Roderick Welman sau đây sẽ sống hạnh phúc.
Poirot nói:
– Cậu ơi, cậu chẳng nghĩ gì như thế đâu.
– Tại sao không chứ? Cô ta sẽ tha thứ cho hắn về chuyện Mary Gerrard vừa rồi. Dù sao thì đó cũng chỉ là hắn đã cuồng si say đắm mà thôi.
Poirot nói:
– Còn sâu xa hơn thế nữa. Đôi khi, có một vực thẳm ngăn cách quá khứ và tương lai. Khi người ta đã bước đi trong thung lũng của bóng tối tử thần, rồi thoát ra khỏi, vào trong ánh nắng – thì thế rồi, cậu ơi, đó là một cuộc sống mới bắt đầu. Quá khứ sẽ chẳng giúp ích gì nữa.
Ông đợi một phút rồi nói tiếp:
– Một cuộc sống mới – đó là cái cuộc đời mà lúc này Elinor Carlisle đang bắt đầu – và chính cậu đã đem lại cho cô ta cuộc đời đó.
– Không đâu.
– Có chứ. Chính cái quyết tâm của cậu, cái sự nài nỉ kiêu căng của cậu, đã bó buộc tôi làm theo lời cậu yêu cầu. Bây giờ cô ta quay lại phía cậu với lòng biết ơn, phải thế không? Cậu phải thừa nhận là thế chứ?
Lord chậm rãi nói:
– Đúng rồi, bây giờ – cô ta rất biết ơn. Cô ta yêu cầu tôi đến thăm cô ta… luôn.
– Đúng thế, cô ta cần cậu.
Lord hung hăng nói:
– Không bằng cô ta cần hắn đâu.
Poirot lắc đầu:
– Cô ta chẳng bao giờ cần Roderick Welman cả. Cô ta đã yêu ông ta một cách đau khổ, ngay cả tuyệt vọng nữa.
Lord nghiêm mặt lại, dữ tợn, gay gắt nói:
– Cô ta sẽ chẳng bao giờ yêu tôi giống như thế.
Poirot nhẹ nhàng nói:
– Có lẽ không giống thế đâu. Nhưng cô ta cần cậu, cậu ạ, bởi vì chỉ có cùng với cậu, cô ta mới có thể bắt đầu lại cuộc đời.
Lord không nói gì.
Poirot rất dịu dàng:
– Cậu không thể chấp nhận sự thực sao? Cô ta đã yêu Roderick Welman. Thì sao nào? Với cậu, bây giờ cô ta có thể được hạnh phúc.
HẾT
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.