Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống
Chương 12: Hãy để cảm xúc phục vụ bạn, chứ không điều khiển bạn
Con người ai cũng mang trong mình những tiềm năng vô tận. Chẳng qua chúng ta chưa biết cách tận dụng hết những năng lực tuyệt diệu đó mà thôi. Trong các chương trước, bạn đã biết rằng những dấu vết của thành công luôn sẵn có cho tất cả chúng ta. Bất kể bạn muốn học điều gì, từ cách giảm cân, bí quyết kiếm tiền, vươn lên làm lãnh đạo hay giữ gìn hạnh phúc gia đình, bạn đều có thể dễ dàng tìm được phương pháp phù hợp.
Để đạt được thành công như ta hằng khao khát, chúng ta phải mô phỏng những phương pháp thành công và bắt tay vào hành động để biến ước mơ thành hiện thực. Nếu kết quả ban đầu không được như mong muốn, bạn chỉ cần rút ra bài học kinh nghiệm, thay đổi phương pháp và nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt kết quả như ý. Miễn là bạn không cho phép bản thân mình bỏ cuộc trong suốt chặng đường đi, tôi cam đoan rằng bạn sẽ tiến những bước rất xa tới mục tiêu đã định. Thật quá đơn giản đúng không?
Thế thì điều gì ngăn cản đa số người đời hành động và phát huy hết tiềm năng của mình? Đã có bao giờ bạn biết mình phải làm gì, cách thực hiện ra sao, nhưng vẫn không theo đuổi tới cùng? Điều gì đang ngăn trở bạn vậy?
Cảm xúc tiêu cực: Hỗ trợ hay thống trị bạn?
Mỗi lần đưa ra câu hỏi này, tôi đều nhận được những đáp án na ná như nhau. Nhiều người thành thật thú nhận rằng điều khiến họ chần chừ không hành động chính là “sợ hãi”, “bất an”, “nghi ngờ”, “buồn phiền”, “bực bội”, “tức giận”, “lười biếng” hoặc “thấy mình vô dụng”.
Nhiều nhân viên bán hàng không thành công vì họ sợ bị khách hàng từ chối. Nhiều người khao khát thành lập doanh nghiệp nhưng không bao giờ thực hiện vì họ nghi ngờ chính bản thân mình và sợ thất bại. Nhiều người từng nếm trải nghịch cảnh trong đời lại không dám hành động để xoay chuyển tình thế bởi vì họ quá nản lòng hoặc tuyệt vọng.
Cảm xúc tiêu cực là lý do chủ chốt khiến người ta không hành động và khai thác tối đa tiềm năng của mình. Cảm xúc tiêu cực không chỉ khiến ta tê liệt không làm gì được mà thậm chí còn có thể “đưa đường dẫn lối” ta đến những hành động sai lầm hủy hoại thành công của chính mình. Khi giận dữ hoặc tuyệt vọng, chúng ta có thể thốt ra những lời không cố ý hoặc làm những việc khiến ta hối hận về sau. Nó có thể khiến ta gây tổn hại đến những người mình yêu thương, thậm chí phải trả giá trước pháp luật. Một số khác thì tìm quên trong ma túy hoặc rượu bia chỉ vì mong thoát khỏi những cảm xúc đau đớn này.
Tôi thường tự hỏi sẽ ra sao nếu chúng ta không hề có bất kỳ một cảm xúc tiêu cực nào? Hãy tưởng tượng một thế giới không sợ hãi, không đau buồn, không giận dữ và không chán nản. Hãy hình dung một thế giới nơi mà chúng ta luôn cảm thấy tích cực như hạnh phúc, năng động, đam mê, tự tin và lúc nào cũng hào hứng. Chẳng phải đời sẽ dễ sống hơn nhiều ư?
Cảm xúc tiêu cực có vai trò riêng của nó. Chúng là dấu hiệu để ta nhận ra những điều cần thay đổi.
Vậy nếu cuộc sống trở nên vô cùng nhẹ nhàng khi không có sự hiện diện của những cảm xúc tiêu cực, tại sao chúng lại xuất hiện? Bạn cần nhớ rằng những cảm xúc này không phải là một dạng bệnh dịch mà ta mắc phải từ bên ngoài, mà chính bản thân chúng ta tạo ra chúng từ trong tâm tưởng và cơ thể của mình. Cảm xúc tiêu cực hoàn toàn do ta mà có.
Nếu Đấng Tạo Hóa vĩ đại đến thế, tại sao Ngài lại ban cho ta khả năng tạo ra những cảm xúc tiêu cực này? Theo thuyết tiến hóa, mọi thứ tồn tại trong vũ trụ đều có mục đích và nguyên nhân của nó. Cá mọc mang để thở được dưới nước. Loài người thời hiện đại không có đuôi vì nó chẳng giúp ích gì cho ta như với loài khỉ và vượn người. Chúng cần đuôi để giữ thăng bằng và chuyền từ cành này sang cành khác. Với cách lý giải này, ta có thể nói cảm xúc tiêu cực tồn tại vì một mục đích tích cực. Chúng là dấu hiệu cảnh báo ta cần thay đổi một điều gì đó. Chúng gửi ra thông điệp rằng ta cần phải xem lại nhận thức hoặc hành động của chính mình.
Thông điệp tích cực của nỗi sợ hãi
Trong quá trình sống, tâm trí con người sẽ tạo ra cảm giác sợ hãi bất cứ khi nào ta đối mặt với điều mới lạ hoặc thử thách. Nhân viên kinh doanh sợ bị khách hàng từ chối không mua hàng. Người dẫn chương trình thấy sợ trước khi bước lên sân khấu. Chúng ta có thể sợ khi tiếp xúc với một người bạn khác phái mà ta phải lòng hay khi bỏ việc để mở công ty riêng.
Vậy thì tại sao tâm trí ta lại tạo ra cảm giác sợ hãi? Sợ hãi là một cảm xúc báo hiệu cho ta biết mình cần “chuẩn bị tốt hơn”. Cảm xúc này phát ra thông điệp rằng chúng ta cần học hỏi thêm, rèn luyện kỹ năng và chuẩn bị nguồn lực để thành công khi đương đầu với thử thách trước mắt. Đó chẳng phải là một thông điệp hữu ích hay sao?
Sợ hãi = Chuẩn bị kỹ lưỡng hơn!
Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng tôi vẫn cảm thấy sợ trước khi bước ra sân khấu, dù tôi là một diễn giả chuyên nghiệp trong suốt 15 năm qua.
Sự thật là vào 3-4 ngày trước khi buổi diễn thuyết diễn ra, tôi bắt đầu sợ rằng hàng trăm khán giả bên dưới sẽ không lắng nghe mà đánh giá chỉ trích tôi. Tôi sợ mình không làm tốt như họ mong đợi.
Nỗi sợ này cho tôi biết rằng mình cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Nó thúc đẩy tôi lên kế hoạch sớm. Tôi dành hàng giờ đồng hồ nghiên cứu lại chủ đề mình sắp nói, soạn nội dung đầy sức thuyết phục và sắp xếp tài liệu cẩn thận. Cảm giác lo sợ buộc tôi phải tập đi tập lại bài diễn thuyết trong tâm trí cho đến khi tôi biết chắc mình sẽ nói những gì và nói ra sao, nhưng đến lúc lên sân khấu thì phải nói thật tự nhiên, không học thuộc lòng từng câu từng chữ.
Ngay khi tôi chuẩn bị xong xuôi mọi thứ đâu vào đấy, cảm giác sợ hãi sẽ giảm đến mức tối thiểu. Lần nào cũng vậy, tôi tận dụng nỗi sợ để thể hiện một cách tốt nhất. Nếu không biết sợ, hẳn tôi chẳng màng cất công chuẩn bị nhiều đến thế và biết đâu bài diễn thuyết của tôi chỉ tạm chấp nhận được nhưng chắc chắn không phải là một bài chia sẻ xuất sắc.
Hãy để nỗi sợ phục vụ bạn, chứ không điều khiển bạn
Như vậy chuyện bạn cảm thấy sợ là hoàn toàn bình thường. Ai cũng có lúc sợ hãi, người bình thường lẫn người phi thường. Có khác chăng là cách họ phản ứng với nó. Không may là đa số chúng ta để mặc cho nỗi sợ hãi trấn áp mình, đến nỗi chẳng dám hành động. Họ sợ không dám đứng lên phát biểu nên trốn mất tăm.
Ngược lại, một số khác cũng thấy sợ nhưng không phản ứng trước những tín hiệu mà nỗi sợ phát đi (nghĩa là họ không chuẩn bị kỹ). Hậu quả là họ vẫn lên sân khấu để thuyết trình nhưng sợ đến mức không thốt ra được tiếng nào. Họ để cho cảm xúc áp đảo. Hoặc là họ đành phải chọn cách đọc lại những gì viết sẵn trong giấy. Sự thật là hiếm khi có một diễn giả nào cầm giấy đọc hoặc nhìn chữ viết trên bảng lại mang đến cho khán thính giả một buổi nói chuyện hay ho hấp dẫn cả.
Tâm trạng thất vọng là dấu hiệu để chúng ta biết mình cần thay đổi chiến lược
Một cảm xúc tiêu cực thường gặp khác là “thất vọng”. Thất vọng là cảm xúc khi ta không đạt kết quả mong muốn, dù đã nỗ lực nhiều lần. Cha mẹ thất vọng khi thấy con cái không chịu làm bài tập về nhà, dù đã suốt ngày đi theo nhắc nhở. Nhân viên bán hàng thất vọng khi khách không chịu mua hàng dù đã cố gắng thuyết phục trong nhiều giờ liền. Vị phó phòng thất vọng vì cuối cùng không được thăng chức, dù đã dốc hết sức mình.
Đa số mọi người để cho tâm trạng thất vọng chiếm lĩnh đến nỗi giận dữ và từ bỏ. Đã bao giờ bạn chán nản thất vọng đến mức “đầu hàng bỏ cuộc” chưa? Nhiều người muốn tránh cảm giác thất vọng bằng cách bỏ qua những việc quá khó hoặc rắc rối, phiền hà.
Tuy nhiên, bạn cần ý thức một điều rằng cảm giác thất vọng xuất hiện không phải để trừng phạt chúng ta. Thất vọng hiện diện nhằm chuyển tải đến ta một thông điệp với mục đích tốt đẹp. Khi chúng ta cảm thấy thất vọng, nghĩa là ta phải thay đổi phương pháp. Ta phải làm khác đi để gặt hái kết quả mong muốn.
Một trong số các học viên của tôi (chuyên gia tư vấn bảo hiểm doanh nghiệp) thất vọng nặng nề với công việc đến mức cô định thôi việc chỉ sau ba tháng. Cô đã thực hiện hàng trăm cuộc gọi đến các đối tượng tiềm năng mà không kiếm nổi cuộc hẹn nào.
Khi cô tham dự khóa học “Sống & Khát Vọng” của tôi, tôi bảo cô rằng nếu cô còn tiếp tục bỏ ngoài tai thông điệp của những lần bị từ chối liên miên gửi đến cô, thì cô sẽ không bao giờ đạt được chỉ tiêu kinh doanh. Thông điệp ấy chính là cô phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng của mình.
Khi ngẫm nghĩ lại, cô nhận thấy rằng cứ mỗi lần cô mở miệng nói đến dịch vụ “bảo hiểm doanh nghiệp” thì y như rằng khách hàng không muốn nghe nữa và ngay lập tức đáp rằng họ không có nhu cầu. Cô quyết định áp dụng chiến thuật khác.
Cô nhấc điện thoại lên gọi cho đối tượng (cấp quản lý của các doanh nghiệp) và nói rằng, “tôi là một nhà tư vấn chiến lược doanh nghiệp. Anh/ chị có ý định niêm yết công ty mình lên sàn chứng khoán không?” Câu nói này ngay lập tức thu hút sự chú ý của họ.
Nếu họ đáp không, cô sẽ tiếp tục,“anh/chị có nhận thấy rằng nếu có chuyện gì xảy ra với mình thì cổ phần của anh/chị trong công ty hiện tại sẽ không còn giá trị nữa không? Những người thân của anh/chị không thể bán chúng đi để hưởng lợi. Anh/chị có thể dành ra vài phút để tìm hiểu cách gán một giá trị thị trường cho doanh nghiệp của mình để dễ dàng bán cổ phần trong tương lai không?” Chính nhờ cách tiếp cận hết sức đặc trưng này mà số lượng cuộc hẹn với khách hàng của cô tăng vọt, nâng tổng doanh số lên 400% chỉ trong vòng sáu tháng. Cô đã học được bài học thay đổi phương pháp bán hàng khi nhận được tín hiệu từ chối liên tục.
Đối diện với những cảm xúc tiêu cực: Hành động ngay khi có tín hiệu và thay đổi trạng thái cảm xúc
Giờ đây hẳn bạn đã nhận ra những “cảm xúc tiêu cực” như sợ hãi, thất vọng, giận dữ và phiền muộn không phải hoàn toàn xấu xa. Thật ra chúng có thể giúp bạn thành công hơn. Chỉ cần bạn bắt chúng phục vụ cho mình thay vì khiến bạn tê liệt không dám hành động. Vậy thì khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện, hãy lắng nghe thông điệp của nó và xử lý ngay. Khi bạn đã nhận được thông điệp đó, hãy thoát khỏi cảm xúc tiêu cực để không bị ám ảnh về nó nữa. Sau đây là bốn bước thực hiện:
Bước 1: Tôn trọng cảm xúc
Bất cứ khi nào rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực, hãy tự nhủ lòng, “cảm xúc này mang lại lợi ích cho mình, chứ không làm chủ mình!” Tôn trọng cảm xúc bởi mục đích tích cực của nó là giúp bạn thành công. Điều quan trọng là bạn không cảm thấy tồi tệ về việc có những cảm xúc không mấy tích cực lắm này.
Bước 2: Lắng nghe thông điệp
Bước thứ hai là xác định nội dung thông điệp mà cảm xúc này mang lại. Cảm xúc hiện diện để báo hiệu cho bạn cần phải thay đổi quan điểm và hành vi, chứ không nhằm mục đích trừng phạt bạn. Sau đây là một số thông điệp mà những cảm xúc tiêu cực có thể muốn gửi đến bạn:
Bước 3: Thay đổi trạng thái cảm xúc
Một khi bạn đã hiểu đúng thông điệp, hãy thoát ra khỏi vòng xoáy tiêu cực của cảm xúc đó, để không bao giờ cảm thấy tồi tệ về nó nữa, bởi trách nhiệm của nó đã xong.
Luôn nhớ rằng chúng ta là người tạo ra cảm xúc của chính mình. Chúng ta hoàn toàn có khả năng thay đổi cảm xúc bất cứ khi nào ta muốn. Cảm xúc được xác định bởi suy nghĩ và trạng thái cơ thể của chúng ta.
(Bạn có thể đọc quyển “Làm Chủ Tư Duy, Thay Đổi Vận Mệnh” mà tôi đã viết để tìm hiểu thêm về phương pháp Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy – NLP.)
Để bước vào cảm xúc tích cực hơn, hãy hướng sự tập trung suy nghĩ của bạn vào chỗ khác. Nhắm mắt và tưởng tượng bạn đang hành động để đạt kết quả mong muốn. Hình dung thành quả trong tâm trí một cách sống động bằng cách vẽ ra những hình ảnh cụ thể, rực rỡ, to lớn. Bạn càng mường tượng cảnh mình gặt hái được thành quả rõ nét bao nhiêu thì những cảm xúc tích cực càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu.
Bạn còn có thể thay đổi trạng thái cảm xúc của mình ngay lập tức bằng cách thay đổi trạng thái cơ thể. Nếu bạn cảm thấy nản lòng thối chí, hãy đứng thẳng dậy và ưỡn ngực ra. Vỗ tay thật kêu, hít một hơi thật sâu và hô to: “Phải làm được!” Một khi bạn đã thay đổi tư thế, hơi thở, cử chỉ, nét mặt và cả giọng nói thì dù bạn đang ủ rũ đến mức nào đi nữa, tâm trạng của bạn sẽ thay đổi theo. Đây chính là sức mạnh của NLP (Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy) mà tôi áp dụng vào cuộc sống và hướng dẫn trong các khóa học.
Bước 4: Hành động
Bước cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất, đó là hành động dựa trên thông điệp mà cảm xúc gửi gắm đến bạn. Nếu bạn cảm thấy sợ hãi, hãy đầu tư công sức vào việc chuẩn bị. Nếu bạn giận dữ, hãy tìm cách khắc phục vấn đề. Nếu bạn thấy mình tệ hại, hãy học hỏi những người đang làm tốt hơn bạn và nâng những tiêu chuẩn cá nhân lên. Khi bạn bắt tay vào thực hiện và gặt hái thành quả, bạn sẽ tăng cường những cảm xúc tích cực mang đến cho bạn nguồn động lực, sự tự tin và khả năng tập trung.
Chỉ với những công cụ đơn giản mà hiệu nghiệm này, bạn có thể yên tâm rằng cảm xúc sẽ tiếp tục phục tùng bạn, chứ bạn không bao giờ trở thành nô lệ của cảm xúc cả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.