Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Chương 16: Những món quà đến từ nghịch cảnh



Những ai có kha khá tuổi đời, khoảng tầm trên 35, đều biết mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng, hoặc tốt đẹp như mình mong đợi. Bốn mùa luân chuyển, cuộc sống đầy những thăng trầm. Có những lúc đời trở nên tàn nhẫn, đau đớn và bất công.

Không ai tránh được nghịch cảnh cuộc đời. Người thì bị mất việc, kinh doanh thất bại, mất đi người thân, khủng hoảng tài chính, người thì đổ vỡ trong các mối quan hệ hoặc thậm chí sức khỏe sa sút.

Tồi tệ hơn cả là những bi kịch đó dường như nằm ngoài khả năng kiểm soát của ta. Đôi khi, dù ta có cố gắng đến mấy, chuyện vẫn tan thành mây khói chỉ vì một thay đổi trong chính sách của chính phủ, nền kinh tế không ổn định, một căn bệnh xuất hiện hay cũng có thể vì trò chơi khăm của kẻ khác.

Mới đây thôi, bạn tôi mất sạch số tiền dành dụm cả đời khi anh buộc phải đóng cửa công ty vì một chính sách mới của nhà nước trong ngành anh hoạt động. Một người bạn khác của tôi bị mất việc, chứng kiến ngày tàn của sự nghiệp kéo dài 20 năm vì tổng công ty quyết định bán lại doanh nghiệp cho một đối thủ lớn hơn. Còn nữa, một anh bạn khác hứng chịu tấn bi kịch đau đớn, gia đình tan nát khi người vợ bị chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn cuối còn cô con gái thì qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi.

Trong những thời điểm tăm tối này, lẽ tự nhiên là nhiều người trong chúng ta bắt đầu tự vấn đức tin và cuộc sống. Trong đầu chúng ta sẽ lởn vởn những câu hỏi, “‘tại sao điều này lại xảy ra với mình?”, ”tại sao đời bất công đến vậy?” hay “tôi đã làm gì để ra nông nỗi này?” Những suy nghĩ này có xu hướng khiến ta phiền muộn hơn, tức giận hơn và yếu đuối hơn.

Một nhận thức giúp bạn an lòng

Bằng cách nào những người thành công nhất vực được bản thân mình đứng dậy từ tăm tối, giành lại cuộc đời họ xứng đáng được hưởng?

Làm thế nào Steve Jobs xây dựng nên Apple, doanh nghiệp về công nghệ vĩ đại nhất thế kỷ 21, bất chấp sự thật là ông bị cha mẹ bỏ rơi từ khi còn đỏ hỏn, học hành dang dở và bị chính công ty mình tạo dựng sa thải? Nhờ đâu Oprah Winfrey trở thành người phụ nữ nổi tiếng toàn cầu dù có hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, không nương tựa được vào gia đình và bị lạm dụng tình dục? Điều gì giúp Nelson Mandela trở thành Tổng thống Nam Phi và giành giải Nobel Hòa Bình dù ông bị giam cầm và tra tấn suốt hơn 30 năm?

Thật ra những con người xuất chúng ấy đến được ngày hôm nay KHÔNG PHẢI bất chấp nghịch cảnh, mà là NHỜ VÀO những nghịch cảnh đó.

Đó là vì tiềm ẩn trong khó khăn thử thách là những món quà vô giá, những cơ hội và bài học kinh nghiệm. Khi chúng ta đối mặt với thời khắc khó khăn đau đớn, mọi thứ có vẻ kinh khủng và bất công vượt ra khỏi sức tưởng tượng của ta, nhưng khi đã vượt qua và chiêm nghiệm lại, bạn sẽ nhận ra rằng: nếu không có thử thách ấy, bạn sẽ không bao giờ khám phá ra tiềm năng, sức mạnh nội tại và lòng khoan dung của trái tim mình để tha thứ, chữa lành vết thương và tiếp tục bước tới.

Mọi nghịch cảnh đều ẩn giấu trong nó hạt giống gieo mầm thành quả xứng đáng, thậm chí to lớn hơn rất nhiều.

Có được niềm tin này tức là bạn đã có được sự dũng cảm để vượt qua những khoảng thời gian khốn khó nhất. Niềm tin này cũng mang đến cho bạn sự sáng suốt, tâm trí mở mang để khám phá những bài học mới, những vận hội mới từ trong nghịch cảnh, giúp bạn trỗi dậy thậm chí còn mạnh mẽ hơn trước.

Luật đối cực

Một trong những định luật cơ bản của vũ trụ là “Luật Đối Cực”, nghĩa là cái gì cũng có hai mặt đối lập. Để cho phương trình vũ trụ cân bằng, mọi thứ phải có cực đối lập của nó. Đó là lý do tại sao định luật Newton phát biểu: mọi lực tác động đều có phản lực tương đương.

Nếu bạn thấy vật này lõm vào một bên thì ở bên kia nó sẽ lồi ra. Một cốc nước vơi đi một nửa, cũng có nghĩa nó đang đầy một nửa. Có đầu thì sẽ có đuôi. Mọi khởi đầu đều sẽ có kết thúc và mở ra một khởi đầu mới.

Tương tự, nhìn từ khía cạnh này, mọi chuyện thật tệ hại, thì ở một góc nhìn khác nó lại rất tốt đẹp. Đó là lý do tại sao trong nghịch cảnh luôn chứa đựng lợi ích tiềm tàng.

Những điều tốt đẹp ngày hôm nay là kết quả của những thử thách ngày hôm qua
Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng nếu nhìn lại cuộc đời mình, bạn sẽ nhận ra những món quà quý giá bạn đang tận hưởng trong hiện tại lại “đâm chồi nảy lộc” từ trong nghịch cảnh bạn phải hứng chịu trong quá khứ.

Để tôi mô tả quy luật này bằng câu chuyện đời mình.

Lứa tuổi tiểu học là một trong những quãng thời gian tệ hại nhất của tôi. Trong khi anh chị em họ và bạn bè tôi đạt thành tích cao ở trường thì tôi có vẻ dốt nát và kém chăm chỉ. Tôi từng là đứa học trò lười, thiếu chí tiến thủ, đầu óc chậm tiêu, chỉ thích xem ti-vi và chơi game trên máy vi tính.

Dĩ nhiên khó khăn lắm tôi mới thi đậu và lúc nào cũng đứng chót lớp. Kết quả thi tốt nghiệp tiểu học của tôi tệ đến mức tất cả sáu trường cấp hai cha mẹ tôi nộp đơn đều từ chối không nhận. Những lời rầy la, quở mắng cùng những buổi học phụ đạo dường như chẳng có tác dụng gì với tôi. Tôi biết cha mẹ rất xấu hổ mỗi khi người thân trong gia đình hỏi về chuyện học hành ở trường của tôi. Tôi trở thành đứa trẻ thiếu lòng tự trọng và không chút hoài bão.

Bây giờ ngẫm lại, tôi nhận ra xuất phát điểm tồi tệ trong chuyện học hành là một trong những điều tốt nhất xảy đến với tôi. Tôi gần như vô phương cứu chữa đến nỗi vào năm tôi 13 tuổi, trong cơn tuyệt vọng, cha tôi đã ghi danh cho tôi tham dự trại hè về kỹ năng sống dành cho thanh thiếu niên, nơi tôi được học Lập Trình Ngôn Ngữ Tư duy (NLP) và kỹ năng thúc đẩy bản thân.

Đó là bước ngoặt trong cuộc đời non trẻ của tôi. Đó là nơi tôi lần đầu biết ước mơ và bắt tay vào nghiên cứu chuyên sâu những phương pháp thành công mà sau này đã giúp tôi tạo dựng tập đoàn kinh tế vững mạnh, kiếm về cho tôi một triệu đô đầu tiên và tiếng tăm lừng lẫy trong lĩnh vực phát triển bản thân.

Nếu ngày đó tôi chỉ là một cậu học sinh bình thường hoặc thậm chí học sinh giỏi, hẳn tôi đã không được đăng ký tham dự trại hè 24 năm về trước; và tôi cũng chẳng thể là tôi của ngày hôm nay. Có lẽ tôi cũng giống như bao bạn bè đồng trang lứa, bước vào một trường đại học “ưu tú” nào đó, làm một công việc thường thường bậc trung và sống một cuộc đời không có gì nổi trội. Tôi sẽ chẳng bao giờ học được những chiến lược đã dạy tôi biết mơ ước và sống khác biệt.

Một cột mốc quan trọng khác trong sự nghiệp của tôi là thời điểm quyển sách đầu tay, “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!” trở thành sách bán chạy trên toàn thế giới. Lý do quyển sách này hấp dẫn giới trẻ đến vậy là vì nó khơi dậy nguồn cảm hứng trong họ bằng câu chuyện của tôi từ một học sinh hạng bét đến 1% sinh viên xuất sắc nhất trường Đại Học Quốc Gia Singapore, giành một suất trong “chương trình sinh viên năng khiếu”. Một lần nữa, nếu khi xưa tôi là một học sinh trung bình hoặc trên trung bình, tôi đã chẳng thể nào trở thành tấm gương cho các học sinh sinh viên khác noi theo. Tôi phải nếm mùi thất bại để đặt nền móng cho thành công mai sau. Tôi vấp ngã đầu đời thật sự là có lý do của nó và, nhờ những phương pháp NLP, tôi đã nắm được vận hội của mình.

Thất bại của Đại tá Sanders biến ông thành triệu phú nhượng quyền kinh doanh
Một trong những thương vụ nhượng quyền kinh doanh đầu tiên và thành công nhất phải kể đến là thương hiệu Gà rán Kentucky (KFC) . Đại tá Sanders, người sáng lập KFC, trở thành một triệu phú khi ông nhượng quyền kinh doanh thành công thương hiệu KFC cùng bí quyết tẩm ướp và công thức gia vị cho hơn 600 chủ nhà hàng vào năm 1965. Ngày nay, KFC đứng đầu thế giới về chuỗi nhà hàng gà rán và đứng thứ ba trong ngành thức ăn nhanh với hơn 11.000 nhà hàng tại hơn 80 quốc gia và lãnh thổ trên toàn cầu. Tuy nhiên, ý tưởng chuyển nhượng công thức chế biến gà của Đại tá Sanders chỉ đến khi ông khánh kiệt ở tuổi 65, không đủ tiền để mở nhà hàng và quá già không thể kiếm nổi công việc mới.

Thời còn trẻ, Harland Sanders từng bị sa thải hơn chục lần (trong đó có cả công việc bán bảo hiểm) trước khi bắt tay vào mở quán ăn tại một thị trấn nhỏ tên Corbin, bang Kentucky, Hoa Kỳ. Thời gian đầu, cửa tiệm làm ăn khá phát đạt nhờ nhiều hành khách qua lại địa phận của hạt dừng chân tại đây để đổ xăng và lót dạ.
Suốt 25 năm, Sanders trang trải cuộc sống bằng quán ăn cạnh cây xăng này. Nhưng rồi ở tuổi 65, biến cố xảy ra! Chính phủ xây đường cao tốc mới và các bác tài không còn chạy ngang qua cửa tiệm ông nữa. Ông mất gần hết khách hàng và đành dẹp tiệm. Phá sản với vỏn vẹn 105 đô trong tài khoản ngân hàng, Sanders mất kế sinh nhai duy nhất của mình.

Bỗng một ý tưởng điên rồ xuất hiện. Vì không còn đủ tiền để mở nhà hàng mới, ông nghĩ đến việc “cho thuê” công thức chế biến gà rán được nhiều người ưa chuộng của mình cho những nhà hàng đang xuống dốc để họ vực dậy công việc kinh doanh. Đổi lại, Sanders hưởng một xu trên mỗi phần gà họ bán được dùng công thức chế biến của ông.

Ăn ngủ ngay trong chiếc xe cũ, Sanders đi khắp nước Mỹ, chào mời hơn 1.000 cửa hàng. Ai cũng lắc đầu từ chối và bảo rằng đây là ý tưởng hài hước nhất mà họ từng nghe. Tuy nhiên, Đại tá Sanders không bỏ cuộc, ông tiếp tục gõ cửa cho đến khi có người gật đầu.

Và cuối cùng, sau 1.009 lần bị từ chối, ông cũng nhận được sự đồng ý đầu tiên. Thế là khái niệm nhượng quyền kinh doanh ra đời! Nhà hàng đầu tiên sử dụng bí quyết của ông thành công đến mức không lâu sau đó, hàng chục rồi hàng trăm nhà hàng khác đua nhau xếp hàng đăng ký sử dụng theo.
Kết quả là Đại tá Sanders chẳng cần phải làm việc một ngày nào nữa cho đến hết đời. Ông kiếm được hàng trăm nghìn đô nhờ nhượng quyền kinh doanh cho các nhà hàng và sống an nhàn đến năm 90 tuổi. Người đời tưởng nhớ ông như một nhà sáng lập ra cả đế chế nhà hàng trải khắp thế giới. Một lần nữa, nếu con đường cao tốc đó không được xây dựng, Đại tá Sanders hẳn đã mắc kẹt trong gian bếp chật hẹp đầy dầu mỡ, phục vụ gà rán cho khoảng vài chục thực khách mỗi ngày, trong 20 năm tiếp theo và tất nhiên, ý tưởng về nhượng quyền kinh doanh có thể sẽ không bao giờ được biết đến cũng như chẳng có một nhà hàng KFC nào tồn tại trên đất nước của bạn.

Hiện tượng Apple là kết quả từ sai lầm lớn nhất của Steve Jobs
Apple hiện là một trong những công ty truyền thông và công nghệ đứng đầu thế giới. Đó là doanh nghiệp đầu tiên tích hợp thành công âm nhạc, viễn thông và máy vi tính vào sản phẩm của mình.

Nhờ đâu Steve Jobs, nhà sáng lập ra Apple đã chế tạo ra những sản phẩm thay đổi cả thế giới như iPhone, iTunes, iPad và máy Mac? Thành công rực rỡ này được sinh ra từ hoàn cảnh bi đát nhất cuộc đời Steve Jobs.

Sau một năm học đại học, Steve Jobs bỏ học giữa chừng vì chi phí quá lớn. Ông quyết định trở thành một doanh nhân và bắt đầu kinh doanh máy vi tính ngay trong ga-ra của gia đình.

Với sự giúp đỡ của Steve Woz, Steve Jobs gây dựng nên doanh nghiệp trị giá 2 tỷ đô với hơn 4.000 nhân viên chỉ trong vòng 10 năm. Dù đã cho ra đời sản phẩm rất thành công là máy tính Macintosh, Apple vẫn chỉ là một công ty vô cùng nhỏ bé khi đứng cạnh hai người khổng lồ là IBM và Microsoft. Được một thời gian, nguồn cảm hứng sáng tạo của Apple vơi dần và việc kinh doanh bắt đầu trì trệ. Ở tuổi 30, Steve Jobs bị sa thải khỏi Apple khi Hội đồng quản trị theo phe CEO mới. Hãy tưởng tượng cảm giác bị sa thải khỏi chính công ty do mình gây dựng! 5 năm sau, Jobs thành lập công ty máy tính khác tên là neXT, tại đây ông phát triển phần mềm neXTSTEP ưu việt và cả một hệ thống máy tính mới. Thế nhưng neXT thất bại về mặt thương mại vì người tiêu dùng cho rằng nó quá đắt đỏ và quá phức tạp khi sử dụng.

Trong khi đó, Apple vì những sai lầm trong quản lý đã thua lỗ hàng tỷ đô- la khi thị phần của doanh nghiệp này bị thu hẹp. Trong nỗ lực thuyết phục nhà sáng lập quay lại, Apple đã mua lại neXT, Steve Jobs trở về với công ty của mình và dùng chính phần mềm ưu việt của neXT để khai sinh ra thế hệ máy Mac mới hơn với tên gọi iMac. Tiếp theo, ông đưa những cải tiến mình nghiên cứu ở neXT vào Apple và cho ra đời các sản phẩm mang tính cách mạng: iPod, iTunes, iPhone và iPad, vốn đang làm khuynh đảo cả thế giới công nghệ, giúp Apple lật ngược được tình thế, thu về hàng tỷ đô lợi nhuận. Từ chỗ suýt bị phá sản, Apple đã vượt qua các đối thủ của mình như Microsoft và IBM cả về lợi nhuận lẫn giá trị thị trường. Lẽ đương nhiên, Steve Jobs trở thành một tỷ phú.

Bài học rút ra: thất bại của Steve Jobs tại Apple và neXT hóa ra lại là tác nhân cực mạnh thúc đẩy ông lập nên doanh nghiệp và tạo ra các sản phẩm mang tính cách mạng trên toàn thế giới. Hàng loạt “nghịch cảnh” buộc Jobs phải tạo ra bước đột phá trong cuộc đời mình. Nếu không bỏ học, hẳn ông đã không bao giờ thành lập Apple. Nếu không bị sa thải khỏi Apple, ông đã không phát minh ra neXT và phát triển phần mềm nguyên thủy của iPhone, iPad, iPod và iMac ngày nay. Chính Steve Jobs đã phát biểu, “bị sa thải khỏi Apple là điều tuyệt vời nhất xảy ra với tôi. Áp lực của một người thành công được thế chỗ bằng cảm giác nhẹ nhõm của người bắt tay làm lại từ đầu. Điều đó giải phóng tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời mình.”

Cũng giống như bao người thành công khác, Jobs tin rằng không có điều gì ngẫu nhiên xảy ra, tất cả đều có lý do của nó. Mọi trải nghiệm dù tốt dù xấu đều là một “viên gạch lót đường” đưa bạn đến với số phận mà bạn mong muốn.

“Bạn không thể liên kết các sự việc lại với nhau để dự đoán những gì sắp xảy đến, bạn chỉ có thể kết nối chúng lại khi chiêm nghiệm về quá khứ. Bạn phải tin rằng những sự kiện xảy ra có liên quan đến tương lai của bạn. Tin vào mối liên hệ của những chuyện xảy ra trong đời mình sẽ giúp bạn đủ tự tin để làm theo lời trái tim mách bảo, ngay cả khi nó dẫn bạn về con đường mòn cũ.”

Steve Jobs.

Google giờ là số một, nhờ lời từ chối của Yahoo!

Nếu bạn là sinh viên 22 tuổi đang học đại học, có cơ hội bán công ty do mình thành lập với giá 1 triệu đô Mỹ, bạn có làm không?

Nhiều người sẽ nắm lấy thời cơ, và đó chính xác là những gì Sergey Brin và Larry Page mong đợi. Đôi bạn trẻ năng động đã phát triển một công cụ tìm kiếm có tên là Google khi còn đang ngồi trên giảng đường đại học Stanford. Dù rằng Thư Viện Điện Tử Stanford đồng ý tài trợ 10.000 đô cùng với những chiếc máy tính giá rẻ để phục vụ cho công việc tìm kiếm nội dung web, Brin và Page vẫn thiếu trước hụt sau.

Cộng đồng sinh viên dùng Google cứ lớn lên không ngừng ở Stanford, Brin và Page đứng trước một quyết định: hoàn tất tấm bằng Tiến sĩ hay thành lập công ty để tiếp tục phát triển công cụ tìm kiếm. Không nỡ bỏ dở việc học hành, Page và Brin chào bán công cụ tìm kiếm của mình với giá 1 triệu đô Mỹ cho các ông lớn trong ngành tìm kiếm thông tin như Alta Vista, Yahoo! và Excite. Họ thất vọng ê chề khi cả ba đều từ chối lời đề nghị này.

Không còn lựa chọn nào khác, họ đành gác việc học sang một bên và tập trung vào xây dựng Google thành doanh nghiệp mang lại lợi nhuận. Chưa tới 5 năm, Google đã vượt mặt Yahoo!, Alta Vista và Excite để trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới, chiếm 70% thị phần. Sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, Google được định giá hơn 153 tỷ đô Mỹ. Là nhà đồng sáng lập đồng thời là hai cổ đông lớn nhất của công ty, Brin và Page trở thành những nhà tỷ phú trẻ nhất thế giới khi kiếm được 19,39 tỷ đô Mỹ mỗi người từ thương vụ mà cả hai bắt đầu từ khuôn viên đại học.

Thử tưởng tượng nếu một trong ba công ty kia mua lại công cụ tìm kiếm Google với giá 1 triệu đô Mỹ, Brin và Page làm gì có cơ hội phát huy hết tiềm năng của mình. Thêm một minh chứng hùng hồn nữa cho điều tốt đẹp ẩn sau những khó khăn trở ngại.

Phải chăng mọi nghịch cảnh đều mang đến lợi ích trong tương lai?
Có người hỏi tôi, “phải chăng mọi bi kịch LUÔN mang đến những điều tốt đẹp trong tương lai? Vậy tại sao chúng ta vẫn thường thấy nhiều người hứng chịu bất hạnh mà có vẻ như chẳng bao giờ thoát ra khỏi hoàn cảnh đó?”

Về điều này thì tôi khám phá ra rằng nghịch cảnh CHỈ mang đến lợi ích trong tương lai nếu bạn giữ được thái độ tích cực, chủ động tìm kiếm những cơ hội mới và không ngừng bước tới. Nếu bạn cho phép nghịch cảnh nhấn chìm bạn vào những suy nghĩ tiêu cực và thôi không phấn đấu thì đương nhiên, chẳng điều tốt đẹp nào đến với bạn cả.

Thậm chí một số người còn nhìn thấy ”may mắn” trong căn bệnh ung thư
Quy luật trên còn đúng với những người phải chiến đấu để giành giật sự sống mỗi ngày như bị chẩn đoán bệnh ung thư đã di căn. Có nhiều tấm gương về ý chí phi thường, vượt qua bệnh tật mặc cho các bác sĩ và chuyên gia y tế tiên lượng không còn hy vọng. Họ chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình và bất ngờ thay, cuộc sống của họ được kéo dài và họ thật sự đã cảm ơn căn bệnh ung thư giúp biến đổi cuộc đời họ theo chiều hướng tích cực.

Bạn sẽ tìm thấy một số ví dụ thuyết phục trong quyển sách của Betty L Khoo-Kingsley, “Cancer Cured & Prevented” (Chữa Trị Và Phòng Ngừa Bệnh Ung Thư – tái bản lần thứ ba năm 2009); tất cả đều cảm ơn căn bệnh đã “thức tỉnh” họ, thúc đẩy họ tự vấn bản thân, tìm ra điều thật sự quan trọng trong cuộc sống, thay đổi cách sống, mục đích sống và kết quả là họ chữa lành vết thương thể xác lẫn tâm hồn cũng như xóa bỏ mầm mống của căn bệnh ung thư.

Julia Gabriel, nhà sáng lập Trung tâm Julia Gabriel, một trường kịch nghệ cực kỳ có tiếng ở Singapore kể lại câu chuyện căn bệnh ung thư đã xoay chuyển cuộc đời bà như thế nào khi nó dạy bà cách giải tỏa căng thẳng với những vấn đề mà bà không giải quyết được. Quyển sách của Betty đã dẫn dắt Julia đến với chương trình điều trị ung thư kéo dài 10 ngày của tổ chức Gawler ở Úc. Thông qua sự đổi mới tư duy, chế độ ăn uống, ngồi thiền và tập thể dục, bà đã tự bình phục và trở thành người hạnh phúc hơn và mạnh mẽ hơn.

Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra

Mỗi khi nghịch cảnh đóng sầm một cánh cửa trước mặt chúng ta, cánh cửa khác sẽ mở ra dẫn ta đến những cơ hội mới. Điều bạn cần làm là tìm ra “cánh cửa mới” ấy để tiếp tục cuộc hành trình.

Năm 2000, phó tổng thống và là ứng cử viên cho vị trí Tổng thống Al Gore đã đánh mất chiếc ghế này vào tay George W. Bush trong lần tranh cử. Al Gore khao khát trở thành Tổng thống Hoa Kỳ từ nhiều năm trước. Một trong những kế hoạch chính của ông là ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất cùng thứ mà ông gọi là “sự hủy diệt toàn cầu” (tình trạng khai thác không thương tiếc tài nguyên có hạn của Trái đất và bóc lột người dân bản địa) trong quyển sách đầu tiên của mình, “Earth In The Balance – Ecology And The Human Spirit” (Trái Đất Trên Bàn Cân – Sinh Thái Học Và Tâm Hồn Nhân Loại).

Khi Gore trắng tay trong cuộc bầu cử, những tưởng số phận đã đóng cánh cửa tương lai và tham vọng của ông. Nhưng thay vì cứ đứng mãi trước cánh cửa đã khép và rơi vào tuyệt vọng, Gore mở ra một “cánh cửa mới” để theo đuổi mục tiêu cuộc đời. Vài năm sau, ông ra mắt tác phẩm đáng nhớ khác, ”An Inconvenient Truth” (Sự Thật Mất Lòng) và thực hiện bộ phim tư liệu về tình trạng ấm lên toàn cầu. Bộ phim mang về cho ông giải Oscar dành cho Phim Tài Liệu Hay Nhất.

Gore đi khắp nước Mỹ, diễn thuyết ở các tòa thị chính (những nơi rất khác Quốc hội và Thượng viện), không mệt mỏi đi vòng quanh thế giới nhằm kêu gọi mọi người quan tâm hơn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ông còn là nguồn cảm hứng để giới trẻ tham gia hoạt động vì môi trường thông qua các buổi hòa nhạc từ thiện “World Earth Concerts”. Năm 2008, Al Gore được trao giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp trong nỗ lực cứu lấy nhân loại.

Thất bại trong cuộc bầu cử không ngăn cản Gore tiếp tục con đường của mình. Tư duy tích cực, tầm nhìn rộng mở về thế giới và quyết tâm không chùn bước đã giúp ông đạt được điều mình muốn.

Ngẫm lại, nếu Gore đắc cử Tổng thống đảng Dân chủ, hẳn ông sẽ bận rộn đấu tranh với những nghị sĩ cánh hữu thuộc đảng Cộng hòa, chống khủng bố, giải quyết hậu quả sau thảm họa 11/9, và chẳng còn nhiều thời gian để tạo ra những ảnh hưởng lớn trong vấn đề nhận thức về biến đổi khí hậu, những mối quan tâm và hành động của cộng đồng khoa học thế giới. “Cánh cửa mới” mở ra rốt cuộc lại mang đến những điều tốt đẹp hơn.
Vậy lần sau, nếu cuộc đời khiến cánh cửa trước mặt bạn đóng lại, hãy tin rằng đó chưa phải kết thúc. Đó là dấu hiệu của một cánh cửa khác sắp mở ra đưa bạn đến với điều mình muốn bằng một con đường ngắn hơn. Tất cả những điều bạn cần làm là giữ vững tinh thần để tiếp tục bước tới.

Món quà tiềm ẩn từ nghịch cảnh

Rất nhiều người sợ lâm vào khó khăn. Đa số họ cứ canh cánh câu hỏi, “sao mọi thứ lại không trôi chảy? Sao cuộc đời lại đầy rẫy khó khăn trở ngại?” Sự thật là nếu không có những nghịch cảnh, chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra tiềm năng thật sự của mình. Song hành với nghịch cảnh luôn là ba món quà quý giá.
1. Nghịch cảnh mang đến cho ta bài học

Những bài học đáng giá nhất đời không đến từ trường lớp hay sách vở, mà đến từ những thử thách chông gai. Nghịch cảnh buộc ta phải học nếu muốn “tốt nghiệp” để bước vào giai đoạn tiếp theo của cuộc sống. Khi thành công, chúng ta có xu hướng mở tiệc ăn mừng. Khi gặp thất bại, ta lại ngồi trầm tư. Chính những băn khoăn trăn trở ấy mang đến những đột phá vượt bậc.

Nếu tôi không mất tiền vào thị trường chứng khoán thời còn học đại học, tôi sẽ không bao giờ nhận thức được tầm quan trọng của việc tìm hiểu thấu đáo chứ không phó mặc cho may mắn và những mánh lới cò con. Bài học đó đã giúp tôi trở thành một nhà đầu tư thành công như ngày hôm nay.

Nếu tôi không chứng kiến cuộc hôn nhân của cha mẹ đổ vỡ, tôi sẽ không bao giờ học được sự trung thực và cởi mở trong hôn nhân. Tôi sẽ không biết cách gìn giữ hạnh phúc gia đình mà tôi đang tận hưởng.
2. Nghịch cảnh giúp ta mạnh mẽ hơn

Có câu, “điều gì không giết được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”. Đúng vậy, chỉ trong bi kịch con người mới tìm được sự minh triết và sức mạnh tinh thần để đối mặt với những khó khăn to lớn hơn trong tương lai, đồng thời gặt hái thành công rực rỡ hơn.

Tôi từng rất sợ về việc mắc phải sai lầm và thua lỗ trong kinh doanh. Nỗi sợ hãi trong quá khứ đó khiến tôi không dám mơ xa, không dám chấp nhận rủi ro. Khi công ty thiết kế nội thất của tôi phá sản năm 1998 và tôi mất 250.000 đô, tôi phải chật vật dàn xếp với các chủ nợ và bù đắp các khoản lỗ. Đó là một trong những giai đoạn khó khăn nhất của tôi.

Khi đã hồi phục sau những mất mát về tài chính lẫn tinh thần, tôi nhận ra rằng mình vẫn ổn! Tôi trở nên cứng rắn hơn. Như lời một hiền nhân khác, một khi bạn” từ cõi chết trở về” thì chuyện một mình đi dạo trong công viên lúc tối trời chẳng còn gì đáng sợ nữa.
3. Nghịch cảnh mang đến cơ hội mới

Và cuối cùng, Luật Đối Cực chỉ ra rằng trong mỗi nghịch cảnh đều ẩn chứa những cơ hội mới. Khi một cánh cửa đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Sẽ không có khởi đầu mới nếu cái cũ không kết thúc. Sẽ không có chuyện hồi phục nếu không xảy ra khủng hoảng.

Bạn có biết số lượng triệu phú đều tăng lên sau những cơn khủng hoảng tài chính không? Bởi tình trạng suy thoái kinh tế kéo giá cổ phiếu và các loại tài sản xuống từ 30 đến 70%. Chính khả năng mua vào các loại tài sản lớn, thậm chí các công ty với giá rẻ, rồi đợi thời cơ bán lại với giá cao ngất đã khiến nhiều người trở thành triệu phú. Warren Buffet, nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, gầy dựng phần lớn gia tài của mình nhờ vào việc gom cổ phiếu thời kỳ suy thoái những năm 1973, 1987, 2001 và 2007. Triết lý kinh doanh giúp ông thành công là hãy tham lam khi người khác sợ hãi. Một điều đáng ghi nhận là trong cơn khủng hoảng vay thế chấp năm 2008-2009, số lượng triệu phú ở Singapore tăng lên 32,7%.

Xoay chuyển tình thế trong nghịch cảnh

Đây là lúc bạn tìm hiểu xem những người thành công tìm thấy cơ hội từ trong nghịch cảnh như thế nào. Bí quyết là bạn phải tập trung tìm kiếm điều tốt đẹp ẩn chứa trong nó.

Hãy nhớ khi ta dồn hết tâm trí vào điều gì, ta sẽ gặt hái được nhiều từ nó. Nếu bạn mải chăm chăm tự vấn, “sao chuyện này lại xảy ra với mình?” hay “sao mình thiếu may mắn đến vậy?”, thì bạn chỉ toàn nhìn thấy tai họa. Bạn chỉ biết gặm nhấm nỗi sợ và nỗi đau.

Quy trình biến khó khăn thành cơ hội là nhìn nhận vấn đề một cách thẳng thắn và đặt ra câu hỏi…

Liệu đây có phải là “trong cái rủi có cái may”?

Điều này có mang lại cơ hội mới không?

Điều này có giúp mình mạnh mẽ hơn không?

Tiếp tục tự vấn bản thân bằng những câu hỏi trên với tâm trí thư giãn và sáng suốt, tiềm thức sẽ sớm đưa đường dẫn lối bạn tìm ra câu trả lời. Sau đó, hãy tự nhắc nhở mình, “đây là điều tốt. Điều này có nghĩa là… (miêu tả về điều tốt đẹp mà bạn nghĩ)” và “tôi sẽ tận dụng cơ hội này bằng cách… (hành động của bạn)”. Dưới đây là một số ví dụ giúp bạn tìm ra cơ hội trong khốn khó:

1. Nghịch cảnh: Tôi bị tinh giảm biên chế sau 20 năm làm việc.

Phản ứng của tôi: Đây là điều tốt. Điều này có nghĩa là tôi có thể dùng 20 năm kinh nghiệm của mình vào việc gầy dựng doanh nghiệp. Thay vì tiếp tục làm giàu cho sếp, bây giờ là lúc tôi làm điều đó cho chính mình. Tôi sẽ tận dụng cơ hội này bằng cách học cách mở công ty riêng.

2. Nghịch cảnh: Người tôi yêu đã bỏ tôi để chạy theo người khác.

Phản ứng của tôi: Đây là điều tốt. Điều này có nghĩa là tôi có thể tìm được một người thật sự yêu tôi và trân trọng con người tôi. Tôi sẽ tận dụng cơ hội này bằng cách hoàn thiện bản thân mình và hấp dẫn người phụ nữ/đàn ông của đời tôi.

3. Nghịch cảnh: Cha mẹ không bao giờ ở bên tôi.

Phản ứng của tôi: Đây là điều tốt. Điều này cho phép tôi tự lập và đứng trên đôi chân của mình. Tôi sẽ tận dụng cơ hội này bằng cách theo đuổi ước mơ, ngay cả khi tôi không có sự hỗ trợ cần thiết.

4. Nghịch cảnh: Tôi có một ông sếp kém cỏi.

Phản ứng của tôi: Đây là điều tốt. Điều này có nghĩa là nhiều khả năng ông ta không ngồi ở chiếc ghế đó lâu và tôi sẽ có cơ hội được tiến cử vào vị trí ấy. Tôi sẽ tận dụng cơ hội này bằng cách rút kinh nghiệm từ những sai lầm của ông ta và biết chính xác mình không nên làm gì nếu trở thành sếp trong tương lai.

5. Nghịch cảnh: Tôi mất 100.000 đô vì một quyết định sai lầm trong đầu tư.

Phản ứng của tôi: Đây là điều tốt. Điều này dạy cho tôi biết tầm quan trọng của việc nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư. Tôi sẽ tận dụng cơ hội này bằng cách học cách đầu tư thận trọng và dùng đồng vốn của mình để đem về nhiều lợi nhuận hơn trong tương lai.

Bài tập 1: Khám phá cơ hội từ những nghịch cảnh trong quá khứ

Nghĩ về những thời khắc khó khăn trong quá khứ. Bây giờ nhìn lại, bạn có nhận ra cơ hội ẩn chứa trong nó không:

a. Nghịch cảnh tôi gặp phải là___

Đó là một cơ hội. Nó giúp/ cho phép tôi___

b. Nghịch cảnh tôi gặp phải là___

Đó là một cơ hội. Nó giúp/ cho phép tôi___

c. Nghịch cảnh tôi gặp phải là___

Đó là một cơ hội. Nó giúp/ cho phép tôi___

d. Nghịch cảnh tôi gặp phải là___

Đó là một cơ hội. Nó giúp/ cho phép tôi___

e. Nghịch cảnh tôi gặp phải là___

Đó là một cơ hội. Nó giúp/ cho phép tôi___

Bài tập 2: Khám phá cơ hội từ những nghịch cảnh trong hiện tại
Bây giờ, hãy nghĩ về tất cả những khó khăn trở ngại bạn đang phải đối diện và viết xuống phản ứng của bạn.

a. Nghịch cảnh tôi gặp phải là___

Phản ứng của tôi là___

b. Nghịch cảnh tôi gặp phải là___

Phản ứng của tôi là___

c. Nghịch cảnh tôi gặp phải là___

Phản ứng của tôi là___

Tuyệt vời! Đây chẳng phải là công cụ thần kỳ giúp bạn thay đổi cuộc sống bằng cách hóa giải những vấn đề và biến chúng thành lợi thế sao? Chúng ta sẽ tiếp tục gặp nhau ở chương sau.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.