Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống
Chương 3: Đặt ra tiêu chuẩn cao
Một số người phải sống cả đời trong nỗi buồn phiền và bất đắc chí với những gì mình có. Họ than thở tiền bạc lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, hoặc oán trách mối quan hệ hiện tại không mang lại hạnh phúc. Số khác kêu ca công việc nhàm chán hoặc công ty gì mà không biết trân trọng nỗ lực cá nhân. Có người lại càm ràm mình lên cân nhanh quá khiến cơ thể không còn năng động như trước kia.
Điều buồn cười là phần lớn những người này chẳng chịu làm gì để thay đổi tình hình. Họ chấp nhận mối quan hệ không mong muốn. Họ lê bước đến công ty mỗi ngày và chỉ mong nhanh đến cuối tuần để nghỉ. Họ rên rỉ khi thấy tiền lương mỗi tháng chẳng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Họ tiếp tục ăn uống thả cửa. Họ muốn đời mình tốt hơn nhưng lại chẳng làm những việc cần thiết để thay đổi theo chiều hướng tích cực ấy. Dĩ nhiên, đâu đó vẫn còn những người cố gắng tìm cách xoay chuyển cục diện. Thế nhưng họ chỉ làm nửa vời. Khi vướng phải khó khăn, họ bỏ cuộc và bằng lòng với những gì kém xa những thứ họ thật sự muốn.
Tôi từng chứng kiến những người khao khát tạo nên sự thay đổi. Họ hỏi ý kiến người này người kia, tìm kiếm thông tin trên mạng, tham dự những khóa đào tạo phát triển bản thân và tìm sách đọc ngấu nghiến. Họ sốt sắng học hỏi mọi thứ để kiếm nhiều tiền, giảm cân, giao tiếp hiệu quả hay khởi nghiệp kinh doanh, v.v… Họ thậm chí đặt ra mục tiêu, hào hứng bắt tay vào thực hiện và cũng làm được một thời gian. Thế rồi, vì một lý do nào đó, họ không đi hết được cuộc hành trình. Rốt cuộc, họ vẫn chẳng thay đổi gì hết. Cuộc sống của họ vẫn y hệt như cũ. Bạn đã từng rơi vào tình huống tương tự bao giờ chưa?
Nếu bạn luôn nuôi mơ ước trở nên giàu có hơn, cải thiện các mối quan hệ, tìm được công việc tốt hơn, kinh doanh thành công, tăng cường sức khỏe nhưng lại chưa thể hoàn thành được những điều đó, thì chỉ có một lý do duy nhất: Đạt được bất cứ điều gì bạn muốn là thứ bạn nghĩ mình NÊN làm hoặc NÊN có, chứ không phải là điều bạn PHẢI làm hoặc PHẢI có. Bạn thích sở hữu những thứ đó trong cuộc sống, nhưng không có thì cũng chẳng sao.
Sự khác biệt to lớn giữa cái “Cần Có” và “Phải Có”
Có rất nhiều thứ người ta tin mình nên làm hoặc nên có trong cuộc sống. Họ nghĩ mình nên có thêm nhiều tiền, nên giữ gìn sức khỏe, nên được thăng chức, nên dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, nên đối xử với người khác tốt hơn, v.v…
Vấn đề lớn ở đây là khi bạn cho rằng mình nên làm chuyện này chuyện kia, thì gần như là bạn sẽ chẳng bao giờ thực hiện. Tại sao thế? Khi bạn “nên” làm một điều gì đó, có nghĩa là bạn sẽ chỉ bắt tay vào hành động nếu bạn cảm thấy thuận tiện, dễ dàng trong khả năng của mình. Bạn chỉ đoái hoài đến nó nếu bạn dư dả thời gian, chứ đây không phải là ưu tiên hàng đầu của bạn. Chỉ cần có chuyện khác xen vào (đời lúc nào chả thế) thì y như rằng bạn sẽ dẹp ý tưởng kia sang một bên.
Bạn biết rằng để đạt được bất cứ điều gì đáng giá, công sức bỏ ra chẳng bao giờ ít ỏi. Sở hữu thân hình lý tưởng hoặc leo lên nấc thang sự nghiệp đòi hỏi bạn phải cực kỳ quyết tâm và có tinh thần kỷ luật cao. Đạt được mục tiêu đi đôi với ý chí mạnh mẽ để bật dậy sau những cú ngã đau. Do đó, đối với những chuyện “nên làm”, ta thường ít khi cố gắng, và dễ dàng bỏ cuộc khi mọi việc không như ý.
Trên thực tế, nếu bạn tự nhủ mình “nên làm” việc này, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành chúng. Bạn sẽ để cho mọi thứ cản trở bạn. Bạn sẽ viện ra đủ loại lý do để TỪ BỎ. Mặt khác, một khi bạn tin đó là việc “phải làm”, không gì ngăn được bạn hết, bởi điều đó giờ đã trở thành ưu tiên số một của bạn. Thế nào bạn cũng sắp xếp được thời gian, hoặc cố dành ra thời gian để hành động. Bạn sẵn sàng chấp nhận mọi thứ chỉ để hoàn thành điều phải làm đó, bạn luôn tìm ra được cách dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Bạn quyết tâm thực hiện dù khó khăn đến mấy, sẵn sàng trả giá, cao cỡ nào cũng được. Đó là uy lực của việc “phải làm”.
Đã bao giờ bạn đặt ra mục tiêu trong quá khứ nhưng cứ lần lữa hết năm này sang năm nọ? Còn những lần bạn đặt ra mục tiêu, quyết tâm theo đến cùng, cho đến khi nào gặt hái thành quả mới thôi? Bạn có thấy sự khác biệt không? Tôi dám cá là bạn kiên trì theo đuổi những gì bạn cho là “phải” thực hiện bằng được. Lấy ví dụ, nhiều năm trời tôi tự dặn mình phải thường xuyên tập thể dục, cắt giảm đồ béo. Và cũng giống bao người khác, tôi không giữ được lời hứa với bản thân. Lúc nào tôi cũng viện cớ như “bận bịu quá, không có thời gian”.
Một ngày nọ, trong lần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ báo cho tôi biết lượng cholesterol của tôi cao đến 4,6 (hơn mức bình thường cho phép 25%). Nếu tôi tiếp tục ăn uống vô tội vạ, động mạch của tôi sẽ tắc nghẽn và có thể gây ra chứng nhồi máu cơ tim. Ngay thời điểm đó, tập thể dục để giảm cholesterol là việc bắt buộc phải làm đối với tôi (tôi muốn mình sống lâu để nhìn mặt đám cháu). Tôi bắt đầu ăn kiêng nghiêm ngặt, tập thể dục ba lần một tuần và giảm bớt số cân thừa. Bạn thấy đấy, bạn chỉ có động lực thay đổi mạnh mẽ khi đó là việc “phải làm”.
Không may là một số người chỉ nhận ra điều “phải làm” khi họ nằm liệt giường vì di chứng nhồi máu cơ tim. Một số nhận ra mình phải thay đổi thói quen chi tiêu khi ngân hàng đến xiết nhà. Số khác chỉ biết mình phải học cách giao tiếp hiệu quả trong hôn nhân sau hai lần “gãy gánh”. Nếu bạn muốn sống một cuộc đời tươi đẹp, hãy xem những mục tiêu đặt ra là việc phải làm, ngay từ ngày hôm nay, chứ không phải đợi đến lúc chuyện quá muộn màng, không còn cứu vãn được nữa.
Cuộc sống cho bạn những gì bạn chấp nhận
Nếu bạn khao khát kiếm được nhiều tiền hơn trong cuộc sống, thì tôi mang đến tin tốt lành cho bạn đây. Bạn đang kiếm được đúng số tiền khiến bạn hài lòng, không hơn không kém một xu! Nếu thu nhập của bạn một tháng là 3.000 đô, thì đó là vì con số 3.000 đô là số tiền tối thiểu bạn phải có. Nếu bạn kiếm được 20.000 đô một tháng, có nghĩa là bạn không chấp nhận thấp hơn mức đó.
Rất nhiều người đặt ra mục tiêu nâng mức thu nhập của mình lên nhưng có vẻ họ chẳng bao giờ đòi hỏi mức lương tốt hơn. Lý do rất đơn giản, bởi họ vẫn đang hài lòng với số tiền nhận được hiện tại, bất kể là bao nhiêu. Có thể họ cũng kỳ vọng cao hơn (giả sử, một tháng kiếm 20.000 đô) nhưng nếu chỉ được tầm 3.000 đô thì họ cũng chịu. Chúng ta luôn có được ngưỡng chấp nhận của mình. Tại sao thế? Trong trường hợp này, 3.000 đô là mức bắt buộc phải có. Chúng ta chỉ nhận công việc nào trả 3.000 đô một tháng, không có chuyện thấp hơn! Kiếm được 20.000 đô thì thích thật đấy, nhưng bởi đó là điều “nên làm”, chúng ta sẽ không nỗ lực hết sức để xứng đáng với mức lương đó.
Điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn quản lý doanh nghiệp hoặc ăn tiền hoa hồng dựa trên doanh số bán hàng. Giả sử bạn là nhân viên kinh doanh kiếm được trung bình 3.000 đô một tháng, đó là vì ngưỡng chấp nhận của bạn là 3.000 đô. Nếu phần tiền hoa hồng trong tháng thấp hơn mong đợi, nhiều khả năng bạn sẽ nghĩ ra mọi cách để bán thêm hàng cho đến khi bỏ túi đủ 3.000 đô mới thôi. 3.000 đô là vùng tài chính thoải mái của bạn. Trong trường hợp này, bạn sẽ chẳng bao giờ kiếm được 10.000 đô một tháng. Chỉ cần thu nhập của bạn tăng lên trên 4.000 đô, bạn sẽ cảm thấy sung sướng và không muốn cố thêm làm gì cho mệt. Thế nên thu nhập của bạn mãi mãi nằm trong khoảng giới hạn đó.
Ngược lại, tại sao có những người một tháng trung bình kiếm được 20.000 đô? Bởi đó là mức thu nhập khiến họ hài lòng. Thấp hơn họ không chịu được. Một người kiếm ra 20.000 đô một tháng không bao giờ chấp nhận công việc có mức thù lao 10.000 đô, thấp hơn nữa thì miễn bàn! Họ sẽ trang bị cho bản thân bất cứ kiến thức, kỹ năng nào mà công việc trả 20.000 đô/ tháng yêu cầu. Họ sẽ làm mọi giá để bám trụ trên con đường sự nghiệp hứa hẹn 20.000 đô/tháng. Do đó, khi có người than thở với tôi rằng họ không tăng thu nhập lên được vì trình độ học vấn giới hạn, vì những tiêu chuẩn thấp kém trong ngành hay vì chủ doanh nghiệp keo kiệt bủn xỉn, thì tôi thừa biết những “trở ngại” đó chỉ là kiểu đổ lỗi. Chẳng qua mục tiêu đó không phải là điều “phải làm” đối với họ.
Bạn chấp nhận mức thu nhập bao nhiêu?
Bạn sẽ luôn đạt được mức thu nhập khiến bạn hài lòng, không hơn không kém. Ví dụ, bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu tỉ phú Donald Trump có 1 triệu đô trong tài khoản ngân hàng? Ông ấy hẳn sẽ thấy mình sao mà nghèo khổ quá, chật vật quá, đúng không? Bởi con số đó nằm ngoài vùng tài chính thoải mái của ông. Kết quả là ông sẽ làm mọi cách để quay lại mức một tỉ đô, như trước nay vẫn thế. Sự cố này đã từng xảy ra vào khoảng những năm 80, khi giá bất động sản đột nhiên rớt thảm hại, Trump mất hàng tỉ đô vào mớ bất động sản đầu tư của mình. Khối tài sản 1,6 tỉ đô ban đầu bỗng chốc tan thành mây khói, ông gần như phá sản hoàn toàn với món nợ khổng lồ lên tới 900 triệu đô.
Thay vì nản chí, ông quyết tâm lấy lại những gì đã mất. Ông biết mình sẽ tìm được cách vì đây là việc mà ông phải làm. Sau 5 năm làm việc cật lực, ông trở lại làm tỉ phú, lần này tổng tài sản của ông trị giá 3 tỉ đô, gần như gấp đôi con số trong quá khứ. Ngưỡng chấp nhận về tài chính của ông phải tính bằng tiền tỉ, bởi vậy mà ông không bao giờ để mình rớt xuống hàng triệu.
Vậy thì, bạn muốn có thu nhập bao nhiêu? Vài tỉ, vài triệu, vài trăm ngàn, vài ngàn, vài trăm đô hay chỉ đừng rơi vào cảnh không một xu dính túi là được? Một số người an phận với mức thu nhập sít sao đủ để trang trải qua ngày. Thế nên họ chỉ kiếm được đúng số tiền đó. Một số người thậm chí còn chấp nhận mức thu nhập đủ để trả cho những món cấp bách nhất, kết quả là họ cũng chỉ kiếm được vừa khít để mua nhu yếu phẩm. Số còn lại chỉ ưng ý khi hầu bao luôn sẵn sàng để mua bất kỳ thứ gì họ muốn và vẫn còn dư ra một khoản làm từ thiện hoặc đầu tư cho tương lai. Và đó chính xác là những gì họ kiếm được.
Bạn có thể học tất cả những kỹ năng và chiến lược làm giàu, nhưng nếu bạn không nâng ngưỡng thu nhập chấp nhận “phải có” lên, tiềm lực tài chính của bạn sẽ chỉ quanh đi quẩn lại nhiêu đó mà thôi.
Tôi không có ý nói rằng ai cũng phải đặt mục tiêu kiếm được hàng chục ngàn đô mỗi tháng hoặc sở hữu hàng triệu đô trong tài khoản. Điều này tùy thuộc hoàn toàn vào lối sống của cá nhân bạn. Nếu kiếm được 2.000 đô một tháng khiến bạn hạnh phúc, thì bằng mọi giá hãy làm điều đó! Không có gì sai cả. Tuy nhiên, quan điểm của tôi ở đây là: nếu bạn khao khát kiếm được ngần ấy tiền, hãy biến mục tiêu ấy thành điều “phải làm” chứ không chỉ “nên làm”.
Tương tự với những khía cạnh khác trong cuộc sống
Hình thể và tình trạng sức khỏe của bạn cũng phản ánh những gì bạn “phải làm”. Trong những buổi hội thảo, tôi yêu cầu những ai tập thể dục từ ba lần một tuần trở lên đứng dậy. Rồi tôi hỏi những ai tập từ 1 đến 2 lần một tuần. Cuối cùng là đến những người không biết tập thể dục là gì.
Ba nhóm người này trông có khác nhau nhiều không? Chắc chắn rồi! Bạn ngay lập tức nhận ra những người trong nhóm thứ nhất khỏe mạnh và săn chắc hơn hẳn. Cơ thể họ dồi dào năng lượng hơn, sắc mặt cũng hồng hào hơn. Nhóm cuối cùng trông mệt mỏi và yếu ớt nhất. Lẽ tất yếu, rất nhiều trong số họ than thở về việc thừa cân, hay bị đau chỗ này chỗ kia.
Những người trong hai nhóm cuối rõ ràng muốn mình sung sức hơn, khỏi các triệu chứng đau và giảm bớt vài ký. Vậy điều gì khiến họ chần chừ không thực hiện? Đa số họ đưa ra lý do “xưa như trái đất”: không có thời gian. Tôi chỉ ra rằng quỹ thời gian của những người trong nhóm thứ nhất chẳng hề hơn số còn lại. Họ cũng có gia đình phải lo và công việc phải làm. Động lực thúc đẩy họ đến phòng tập thể dục ba lần một tuần hoặc hơn vì đó là điều bắt buộc đối với họ. Đó là một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ, giống như bạn “phải” đánh răng hoặc tắm ít nhất mỗi ngày một lần vậy. (Tôi hy vọng bạn làm thế).
Đối với những người trong nhóm một, họ “phải” có chỉ số thể hình lý tưởng, “phải” đủ sức khỏe để tiến đến mục tiêu, “phải” miễn nhiễm với bệnh tật. Họ KHÔNG chấp nhận những tiêu chuẩn thấp hơn về thể chất. Kết quả là, dù bận rộn đến mấy, họ vẫn luôn tìm được thời gian chăm sóc bản thân. Ngược lại, lý do duy nhất khiến bạn thừa cân hoặc gặp vấn đề về sức khỏe chính là bạn bằng lòng sống trong cơ thể đó. Hãy đòi hỏi một thân thể khỏe mạnh hơn. Bạn xứng đáng có được điều đó!
Nâng tiêu chuẩn của bạn lên
“Hiểm họa lớn nhất với đa số chúng ta không nằm ở việc đặt mục tiêu quá cao để rồi không làm nổi, mà chính là đặt mục tiêu quá thấp và dễ dàng đạt được nó.”
Michelangelo, nhà hội họa, điêu khắc & kiến trúc sư thời Phục Hưng.
Là người, ai cũng có thể đạt được điều mình bắt buộc phải có. Nếu bạn buộc mình phải dành thời gian cho gia đình, thế nào bạn cũng sắp xếp được thời gian. Nếu bạn phải độc lập về tài chính, bạn sẽ làm mọi cách để không dựa dẫm vào người khác. Nếu bạn buộc phải vươn lên thành người giỏi nhất trong ngành, bạn sẽ tìm ra được cách. Đó là sức mạnh tinh thần của con người.
Cuộc đời sẽ dành cho bạn đúng như những gì bạn đòi hỏi. Vấn đề mà đa số mọi người mắc phải là họ đặt ra tiêu chuẩn quá thấp so với những gì họ có thể thật sự trở thành, đạt được hoặc tạo ra. Họ ước mình thành công nhưng không xem đó là chuyện phải làm. Vậy nên có bao giờ họ thành công đâu. Ngược lại, họ biết mình phải sống sót qua ngày. Thế là chẳng có gì ngạc nhiên, họ chỉ kiếm được khoản tiền khiêm tốn, vừa đủ “ngày ba bữa” như ý họ muốn.
Nếu bạn thật sự muốn đạt mục tiêu mình đề ra và nắm trong tay những thành quả phi thường, bạn phải nâng tiêu chuẩn sống của mình lên. Bạn phải biến những “ao ước” thành “chuyện phải làm”. Đòi hỏi từ chính mình và từ cuộc sống tất cả những gì bạn muốn và không chấp nhận bất cứ thứ gì thấp hơn mức đó. Đừng cho phép người khác hoặc hoàn cảnh nói “không” với bạn. “Không” ở đây không có nghĩa kết thúc. Hãy hiểu “không” nghĩa là bạn phải bền chí và tìm phương pháp khác cho đến khi bạn có được nó mới thôi.
Hãy cảm thấy bất mãn và không thoải mái!
Làm sao bạn nâng tiêu chuẩn sống của mình lên đây? Bí quyết là bạn phải cảm thấy bất mãn với những gì mình đang có, đủ để thúc đẩy bản thân thay đổi. Bạn cần làm cho tâm trí mình bức bối khó chịu, muốn thoát khỏi vùng thoải mái hiện tại để đến một nơi có tiêu chuẩn cao hơn. Bạn còn phải “tái lập trình” não bộ để nó chấp nhận những tiêu chuẩn mới là vùng thoải mái thật sự của bạn.
Ví dụ, tưởng tượng bạn nặng 90 kg và thật khó để đạt được số cân lý tưởng là 75 kg. Lý do bạn không giảm được kilogram nào là vì tâm trí bạn đã quen với cân nặng đó. Đây không phải là chuyện bạn “phải” thay đổi.
Để tạo cảm giác chán ghét con số 90 kg trên bàn cân, bạn phải viết ra tất cả những lý do tại sao mình không chấp nhận mức cân nặng hơn 75 kg (tiêu chuẩn mới của bạn) . Viết ra càng nhiều lý do càng tốt cho đến khi tâm trí bạn cảm thấy “phải” thay đổi. Mời bạn xem qua một số gợi ý sau:
Tôi không cho phép bản thân mình vượt quá 75 kg vì:
Tôi phát ngán cảm giác lúc nào cũng mệt mỏi và uể oải.
Tôi không muốn phải cố nhét mình vào chiếc quần jean nữa.
Tôi ghét bị người khác chế giễu vì quá mập.
Tôi không muốn thấy mình kém hấp dẫn trong mắt người khác phái.
Tôi không muốn thiếu tự tin nữa.
Tôi không thích cảm giác đi lại nặng nề như vậy nữa.
Tôi không cho phép bản thân mình yếu ớt.
Tôi không cho phép cơ thể gặp nguy cơ phát bệnh tim mạch.
Điều quan trọng là phải viết ra mọi lý do bạn có thể nghĩ tới, đến mức bạn KHÔNG THỂ chấp nhận tiêu chuẩn cũ nữa, trong cả lý trí và cảm xúc. Chính cảm xúc mới thật sự là thứ động lực mạnh mẽ đẩy bạn tiến về phía trước.
Hào hứng với những tiêu chuẩn mới
Trong khi “cảm giác khó chịu” khiến ta bước ra khỏi vùng thoải mái quen thuộc, thì ta lại cần não bộ cảm nhận được niềm vui, cảm giác hứng khởi gắn liền với những tiêu chuẩn mới. Hãy viết ra tất cả những cái hay, cái lợi đi kèm với những tiêu chuẩn cao mà bạn bắt buộc phải có. Hãy xem qua ví dụ sau:
Tôi chắc chắn phải làm được những điều sau, và không chấp nhận bất kỳ tiêu chuẩn nào thấp hơn…
Tôi phải cân nặng từ 75 kg trở xuống.
Tôi phải có đủ năng lượng để làm việc cả ngày.
Tôi phải cảm thấy tự tin và hấp dẫn về vẻ bề ngoài của mình.
Người khác phải trầm trồ khi trông thấy tôi.
Cơ thể tôi phải khỏe mạnh và cường tráng.
Trong khi viết ra tất cả những lý do tại sao bạn phải theo những tiêu chuẩn mới, hãy cảm nhận niềm vui sướng như thể bạn đã đạt được nó. Một khi tâm trí bạn đã quen với tiêu chuẩn mới đó, nó sẽ không bao giờ cho phép bạn quay lại tình trạng trước đây nữa. Giống như khi bạn đã nhận mức lương 10.000 đô, bạn sẽ không còn bằng lòng với công việc người ta trả cho bạn 5.000 đô nữa.
Năm bước để nâng cao tiêu chuẩn bản thân
Để tôi chỉ cho bạn năm bước bạn có thể sử dụng để nâng cao tiêu chuẩn trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Hãy nghĩ về một lĩnh vực mà bạn muốn cải thiện hoặc một mục tiêu mà bạn nhắm đến, rồi thực hiện những bước sau bằng cách điền vào chỗ trống bên dưới.
Bước 1: Xác Định Những Tiêu Chuẩn Hiện Tại Và Đặt Ra Những Chuẩn Mực Mới
Bất kể thứ gì bạn đang có chính là tiêu chuẩn hiện tại của bạn. Bạn phải biến những mục tiêu đề ra thành chuẩn mực sống mới cho mình.
Tiêu chuẩn hiện tại của tôi là…..
(Ví dụ, một tháng kiếm được 3.000 đô, vừa đủ trang trải các chi phí) Tôi nâng chuẩn mực đó lên thành…..
(Ví dụ, một tháng kiếm được 10.000 đô để có cuộc sống sung túc theo ý muốn, dư ra một khoản để đầu tư và làm từ thiện)
Bước 2: Liệt Kê Tất Cả Những Lý Do Tại Sao Bạn Không Còn Chấp Nhận Bất Kỳ Tiêu Chuẩn Nào Thấp Hơn
Tôi KHÔNG chấp nhận___vì…
(Ví dụ, tôi KHÔNG chấp nhận khoản thu nhập ít hơn 10.000 đô mỗi tháng vì…)
a. ___
b. ___
c. ___
d. ___
e. ___
f. ___
g. ___
h. ___
(Ví dụ, tôi ghét cảnh phải so đo tính toán giá cả trước khi gọi món ăn)
Bước 3: Viết Ra Lý Do Tại Sao Bạn Phải Có Những Chuẩn Mực Mới
Tôi chắc chắn phải có___… vì___….
(Ví dụ, tôi chắc chắn phải kiếm được 10.000 đô một tháng vì…)
a. ___
b. ___
c. ___
d. ___
e. ___
f. ___
g. ___
h. ___
Bước 4: Lập Trình Não Bộ Bằng Phương Pháp Tưởng Tượng
Tưởng tượng là một công cụ hữu hiệu để lập trình não bộ của bạn hướng đến những chuẩn mực mới. Bạn có thể đạt được những gì tâm trí bạn tiếp nhận và tin tưởng. Bằng sức mạnh của việc hình dung sáng tạo về tương lai, bạn có thể huấn luyện não bộ của mình cài đặt những tiêu chuẩn mà bạn vừa mới đặt ra.
Bí quyết ở đây là tưởng tượng hình ảnh bạn đang tận hưởng cuộc sống theo tiêu chuẩn mới đó một cách rõ ràng. Ví dụ, bạn hình dung cảnh mình đạt được cân nặng lý tưởng, có mối quan hệ hoàn hảo hoặc kiếm được khoản thu nhập như mong đợi. Lặp lại hình ảnh ấy trong đầu khoảng vài phút vào mỗi sáng bạn thức giấc. Khi tâm trí bạn cảm nhận điều đó đủ thật, chắc chắn nó sẽ biến thành hiện thực.
Bước 5: Rèn Luyện Khả Năng Để Đáp Ứng Những Tiêu Chuẩn Mới
Một khi bạn đã nâng chuẩn mực của mình lên, thì điều quan trọng hơn cả là bạn phải tạo lập được hệ tư tưởng, thói quen, kiến thức và năng lực cần thiết nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn mới. Bạn phải tự hỏi “mình phải trở thành người như thế nào để đạt những chuẩn mực cao đó?”
Ví dụ, nếu tiêu chuẩn mới của bạn là kiếm được 10.000 đô thì bạn phải nắm bắt những kiến thức và kỹ năng nào trong sự nghiệp để xứng đáng với mức lương ấy? Bạn có cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, quản lý tài chính và lãnh đạo không? Sẽ rất hữu ích nếu bạn quan sát và học hỏi bí quyết của những người đã đạt được những điều đó. (Chủ đề này đã được đề cập ở chương trước).
Nếu tiêu chuẩn mới của bạn là 75 kg (không được nặng hơn dù chỉ 1 kg) và lúc nào cũng dồi dào năng lượng, thì bạn cần chuẩn bị tư tưởng ra sao? Bạn cần luyện tập những thói quen nào để duy trì tiêu chuẩn này? Ví dụ, bạn phải tập thể dục 3-4 lần một tuần và tuân thủ chế độ ăn uống khỏe mạnh.
Bạn phải có những thói quen, thái độ sống, kiến thức và kỹ năng nào để đáp ứng được những tiêu chuẩn mới?
Hãy làm theo năm bước này để nâng cao tiêu chuẩn của bạn lên, trong mọi lĩnh vực cuộc sống và hãy nhớ, đừng bao giờ bằng lòng với bất kỳ thứ gì thấp hơn điều bạn xứng đáng có được. Hẹn gặp lại bạn trong chương tiếp theo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.