Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Chương 6: Dám chấp nhận rủi ro



Chấp nhận rủi ro.

Bạn cảm thấy gì khi nghe đến cụm từ này? Hành động chấp nhận rủi ro gợi lên trong bạn những cảm xúc hoặc suy nghĩ gì? Tích cực hay tiêu cực?

Hầu hết mọi người đều gán những cái nhìn tiêu cực cho việc chấp nhận rủi ro. Họ tin rằng “mạo hiểm” đồng nghĩa với “nguy hiểm”, “bất ổn”, “đánh cược”, “đầu cơ” và “sợ thua cuộc”. Những người này lo rằng khi chấp nhận rủi ro, họ sẽ không thể kiểm soát được kết quả mà chỉ còn cách phó mặc cho may rủi. Vậy nên hầu hết mọi người đều né tránh rủi ro. Họ chỉ thích theo đuổi thứ gì chắc ăn 100% như “đầu tư bảo đảm tiền vốn”, “tiền gửi định kỳ” và một “công việc ổn định và tăng lương theo thâm niên”.

Thế nhưng, để sống hết mình và phát huy tối đa tiềm năng bản thân, ta phải biết chấp nhận rủi ro. Để hạnh phúc, giàu sang và thành đạt, ta phải sẵn lòng chào đón may rủi. Nếu muốn tự do về tài chính và thụ hưởng thành quả từ công việc kinh doanh, hãy lường trước việc tiền bạc đội nón ra đi vào những ngày mới khởi nghiệp. Còn nếu muốn nếm trải “quả ngọt” trong hôn nhân, bạn phải dám đối mặt với những tổn thương về tinh thần và của cải trong trường hợp “đường ai nấy đi”.

Trên thực tế, hầu như không ai có thể tránh khỏi rủi ro trong cuộc sống thường nhật. Hiểm nguy tồn tại ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ tình huống nào. Khi băng qua đường, bạn có nguy cơ bị các phương tiện giao thông tông phải. Khi đi du lịch bằng xe hơi, xe buýt, máy bay hay tàu lửa, tai nạn là điều có thể xảy ra. Thậm chí đến việc đơn giản nhất là ăn cá, bạn vẫn phải chấp nhận nguy cơ bị hóc xương mà chết.

Nói tóm lại là cuộc sống không thể tránh khỏi rủi ro. Vậy thì tại sao hầu hết mọi người vẫn thoải mái vui sống? Bởi vì xác suất gặp phải những chuyện như vậy là rất thấp nên chúng ta thậm chí không thèm nghĩ đến nó. Chúng ta đã quen với thực tế này vì ai cũng như vậy cả. Khi nhiều người cùng làm một việc gì đó, thì việc đó có vẻ như ít rủi ro hơn, đúng không nào?

Mức độ thành công luôn tương xứng với mức độ rủi ro

Mức độ thành công bạn trải nghiệm trong cuộc sống tỷ lệ thuận trực tiếp với mức độ rủi ro bạn sẵn lòng đối diện. Tương tự, xã hội ngày nay cũng phải chấp nhận bỏ không một số tiền lớn cho những điều không chắc chắn.

Chẳng hạn, nếu bạn là giám đốc quan hệ khách hàng chuyên bán hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng ủy thác trong ngân hàng, thu nhập của bạn sẽ không thể vượt mức 50.000 hay 60.000 đô một năm. Tuy nhiên, nếu bạn là chuyên viên hoạch định tài chính cho một công ty bảo hiểm bán cùng một số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thu nhập của bạn có thể chạm mức 300.000 đến 500.000 đô mỗi năm. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn đến thế? Đó là vì giám đốc quan hệ khách hàng hưởng lương cứng (thêm một khoản hoa hồng nho nhỏ), còn chuyên viên hoạch định tài chính không hề có lương căn bản nhưng hoa hồng của họ cao ngất ngưởng. Chuyên viên hoạch định tài chính được trả nhiều hơn vì họ chấp nhận mức rủi ro cao hơn (không nhận xu nào nếu như không bán được gì.)

Cũng vì lý do tương tự mà CEO hay cấp quản lý của các công ty được trả lương cao gấp 5 -10 lần nhân viên bình thường. Một nhân viên bình thường chỉ cần hoàn thành công việc của mình và an tâm sẽ được nhận lương mỗi tháng, còn thu nhập của các chủ doanh nghiệp và CEO tùy thuộc phần lớn vào lợi nhuận, giá cổ phiếu và các khoản phụ cấp khác nhau. Các nhà quản lý doanh nghiệp phải dám chấp nhận rủi ro không kiếm ra tiền mà có khi còn trắng tay nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Nhưng bù lại, họ có cơ hội kiếm được hàng triệu đô nếu việc kinh doanh phát đạt và đó là khoản bù đắp cho phần rủi ro mà họ đã chấp nhận.

Tiền gửi vào các quỹ đầu tư bảo toàn vốn (chẳng hạn như tiền gửi định kỳ) ở Singapore thường chỉ có lãi từ 1% – 3% mỗi năm. Trong khi đó, tiền đầu tư vào chứng khoán hay các thị trường khác có thể lên đến 20% – 500% mỗi năm. Khi nào bạn còn muốn có sự bảo đảm tuyệt đối thì khi ấy đừng trông đợi đạt được hay nhận lại gì nhiều. Chỉ khi dám chấp nhận rủi ro, bạn mới có cơ hội nắm trong tay phần thưởng xứng đáng.

Những người thành công bậc nhất là những người mạo hiểm nhất
“Sự khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại thường không nằm ở năng lực cá nhân hay ý tưởng sáng tạo, mà chính là dũng khí để tin vào sáng kiến của mình, chấp nhận rủi ro và bắt tay vào hành động.”
Andrew Malraux (Chính khách người Pháp 1901-1976)

Những người thành công nhất thế giới có được như ngày hôm nay là nhờ vào một thời điểm nào đó trong đời, họ sẵn sàng đương đầu với những nguy cơ tiềm ẩn để theo đuổi ước mơ của mình.

Susan Boyle hiện thực hóa ước mơ trở thành siêu sao ca nhạc quốc tế ở tuổi 47, bởi cô đã dám đăng ký tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng nước Anh (Britain’s Got Talent) và tranh tài cùng các thí sinh chỉ bằng nửa tuổi mình. Mặc dù trông có vẻ thô kệch, lôi thôi và không chút quyến rũ, cô vẫn dũng cảm bước lên sân khấu, đối mặt với thái độ phán xét không mấy dễ chịu từ phía khán giả dành cho vẻ ngoài cũng như tuổi tác của mình. Ai cũng cười nhạo và nghĩ rằng khi cất tiếng hát, giọng cô sẽ chẳng khác gì tiếng vịt kêu. Thế nhưng, mọi người đã sững sờ chết lặng bởi màn trình diễn quá tuyệt vời.

Với danh hiệu vừa đạt được, Susan phát hành đĩa hát đầu tay “I Dreamed a Dream” (Ước Mơ Của Tôi). Chỉ trong sáu tuần, album này đã trở thành đĩa bán chạy nhất thế giới năm 2009 với doanh số bán ra cán mức chín triệu bản. Tháng 9 năm 2010, Susan chính thức được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là nữ nghệ sĩ Anh có đĩa hát đầu tay bán chạy nhất. Cô đồng thời giữ kỷ lục người lớn tuổi nhất có đĩa đơn đầu tay chiếm vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng nước Anh.

Anh em nhà Wright cũng ghi tên vào lịch sử nhờ công sáng chế ra máy bay, và vì họ dám đánh cược mạng sống của mình để chứng minh rằng một loại máy nặng hơn không khí hoàn toàn có thể bay được trên không. Họ vẫn thực hiện điều mình tin tưởng cho dù giới khoa học lúc bấy giờ cho rằng bay lượn là chuyện không tưởng và xác suất thành công của họ gần như bằng không.

Bill Gates và Steve Jobs được ghi nhận là những người khởi đầu cuộc cách mạng công nghệ vào khoảng những năm 1980 -1990. Họ đã thay đổi cuộc sống nhân loại mãi mãi với Microsoft và Apple, bởi họ dám chấp nhận rủi ro khi quyết định bỏ học, từ chối đi theo con đường mòn an toàn mà số đông lựa chọn và theo đuổi ước mơ kinh doanh của mình.
Hãy tưởng tượng xem, nếu những con người này không dám đón nhận thử thách, nếu trong đầu họ chỉ biết cảm giác ổn định mà thôi thì mọi chuyện sẽ như thế nào. Chắc hẳn họ đã đưa ra những lựa chọn “chắc chắn” và không dám dấn thân làm điều gì hết. Và thế giới sẽ không bao giờ được như ngày hôm nay… nếu không nhờ những cá nhân xuất chúng không lùi bước trước những rủi ro thách thức này.

Rủi ro lớn nhất trong cuộc sống chính là không dám chấp nhận rủi ro
“Người nào không chấp nhận rủi ro sẽ không dám làm gì, không có gì, chẳng là gì và sau cùng vẫn là một con số không to tướng. Họ có thể tránh được khổ đau và muộn phiền nhưng cũng không học hỏi hay cảm nhận được điều gì thú vị. Họ cũng chẳng bao giờ trưởng thành cũng không biết yêu và sống đúng nghĩa.”
Leo. F. Buscaglia
Rất nhiều người không dám đón nhận rủi ro bởi vì nỗi sợ mất mát trong họ quá lớn. Có điều, họ không nhận ra rằng chính việc tránh né rủi ro lại là một tổn thất to lớn hơn rất nhiều. Khi chấp nhận rủi ro, ít ra bạn tự cho mình cơ hội đạt được một điều gì đó; ngược lại, đảm bảo bạn sẽ chẳng thu nhặt được gì.

Chẳng hạn, nhiều người sợ đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ dẫn đến thua lỗ, cụt vốn. Nhưng họ không nhận ra rằng về lâu về dài, tiền cất dưới gối còn lỗ hơn gấp bao nhiêu lần. Vì sao? Lạm phát sẽ làm đồng tiền mất giá. Ở Singapore, một vé xem phim trị giá 3 đô vào năm 1990, đến nay (năm 2011) đã vọt lên 10 đô (tăng gần gấp 3 lần). Tôi cá với bạn là khoảng 20 năm sau (2031), giá của mỗi vé xem phim cũng phải hơn 30 đô. Vị chi nếu bạn giữ 100 đô trong két sắt, sau 20 năm giá trị của nó sẽ bị giảm đi 2/3. Tờ 100 đô của bạn khi đó chỉ còn trị giá khoảng 33 đô mà thôi.

Ngược lại, thị trường chứng khoán nhìn chung có vẻ bất ổn và không thể đoán trước trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì lại rất có lợi. Ví dụ, 100 đô bạn đầu tư vào cổ phiếu (Chỉ số S&P 500 chẳng hạn) vào năm 1990 sẽ có giá trị khoảng 327 đô vào thời điểm này (năm 2011). Như vậy bạn kiếm lãi hơn 300%. Vì vậy, nếu hôm nay bạn đầu tư vào thị trường chứng khoán 100 đô, nhiều cơ hội giá của nó sẽ tăng lên thành 300 đô hay nhiều hơn nữa trong vòng 20 năm tới. Viễn cảnh này tươi sáng hơn hẳn việc ngồi nhìn đồng tiền của bạn teo tóp dần.

Theo lẽ thường thì những lựa chọn có tính chắc chắn có vẻ an toàn hơn trong thời gian ngắn. Thế nhưng đó chỉ là ngộ nhận. Thật ra, những lựa chọn bạn tưởng “rủi ro hơn” hóa ra lại an toàn nhất trong dài hạn. Để tôi nêu thêm một ví dụ khác.

Ngoài xã hội có rất nhiều người chọn cách làm công ăn lương cố định bởi nó an toàn hơn nhiều so với những doanh nhân có nguồn thu không ổn định (hoặc kiếm ra tiền hoặc phải chịu lỗ). Nói thế thì phải chăng làm doanh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn? Tôi không nghĩ thế. Ít ra là không phải trong tình hình kinh tế toàn cầu đầy biến động của Thế kỷ 21 như hiện nay.
Là nhân viên, sự nghiệp và tài chính của bạn đều nằm trong tay sếp. Cho dù bạn có chăm chỉ hay trung thành đến mức nào, không có gì bảo đảm bạn sẽ được thăng chức hay tăng lương đều đặn. Thực tế, càng lớn tuổi bạn càng có nguy cơ bị sa thải và một người khác trẻ hơn sẵn sàng đảm trách công việc của bạn với mức lương chỉ bằng một nửa.

Tôi từng nhìn thấy những vị quản lý 40- 50 tuổi bị sa thải sau hơn 20 -30 năm cống hiến cuộc đời mình cho công ty. Ở độ tuổi trung niên, những người này khó lòng tìm được việc làm mới với mức lương tương tự. Tệ hơn nữa, số tiền dành dụm được từ lương trong bao nhiêu năm qua không đủ để họ sống hết quãng đời về hưu non còn lại. Chưa kể con cái họ vẫn đang tuổi ăn tuổi học.

Việc bạn rời bỏ công việc nhận lương hàng tháng vốn mang đến cảm giác ổn định để tự bung ra bán hàng/trở thành chuyên gia tư vấn/cố vấn hay khởi nghiệp kinh doanh nghe có vẻ ẩn chứa nhiều rủi ro trước mắt, nhưng thực tế lại ít sóng gió hơn sau này. Nhiều năm sau trong tương lai, bạn là người nắm trong tay sự nghiệp, khách hàng và nguồn thu nhập riêng. Không ai có thể giành mất của bạn. Bạn quyết định sự nghiệp và tình hình tài chính của mình. Bạn hoàn toàn biết chắc chắn rằng nếu mình nỗ lực và sáng suốt, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Bạn làm chủ tất cả. Chẳng phải như thế là an toàn và ổn định hơn sao?

Một nghiên cứu rất nổi tiếng tại Nhật được thực hiện vào những năm 1980 đưa ra một câu hỏi cho các đối tượng khảo sát gồm các cụ ông, cụ bà ở tuổi “gần đất xa trời”: “Ông/bà ước mình có thể làm được gì nhiều hơn trong cuộc sống?” Ba câu trả lời thường thấy nhất là:

1) Để lại nhiều thứ hơn cho thế hệ con cháu

2) Chiêm nghiệm bản thân nhiều hơn

3) Liều lĩnh hơn

Quan niệm về rủi ro của người thành công

Vậy thì tại sao những người thành công lại dám chấp nhận rủi ro hơn người bình thường? Không phải là họ gan dạ hơn. Cũng không phải vì họ không sợ thua lỗ, nhục nhã hay thất bại. Đó là vì những người thành công có cách nhìn rủi ro khác với những người còn lại.

Những người thành công tin rằng có hai loại rủi ro: 1) rủi ro ngớ ngẩn và 2) rủi ro có cân nhắc. Rủi ro ngớ ngẩn là chấp nhận may rủi ngay cả khi cơ hội thành công rất thấp và người chơi phải đối mặt với mọi bất lợi. Chẳng hạn như khi mua vé số, xác suất trúng của bạn là 1/10.000 người. Hoặc khi bạn cá cược tại sòng bạc, cơ hội thắng cược chỉ khoảng 50%.

Sòng bạc luôn có cơ hội thắng mấp mé 53% so với 47% của người chơi. Mặc dù con bạc có thể lâu lâu thắng lớn một lần do may mắn, nhưng nếu cứ chơi liên tục thì tính đi tính lại, sòng bạc luôn giành phần thắng. Những người thành công không bao giờ chấp nhận loại rủi ro ngớ ngẩn này. Họ không bao giờ trông đợi thành công hay làm giàu từ chuyện dự đoán, cá cược hay mua vé số. Họ biết như thế là không đáng chút nào.

Người thành công chấp nhận rủi ro có cân nhắc

Rủi ro có cân nhắc là rủi ro mang lại cơ hội chiến thắng cao (khoảng 80% – 90%) và người chơi nắm lợi thế. Họ luôn là người nắm phần hơn. Những người này biết nếu còn tận dụng được lợi thế, cuối cùng họ cũng sẽ chiến thắng.

Những người thành công biết rằng càng trau dồi kiến thức và kỹ năng ở một lĩnh vực bao nhiêu, họ càng có cơ hội chiến thắng cao hơn và rủi ro thấp hơn bấy nhiêu. Những người này biết rằng rủi ro phát sinh từ việc họ không biết mình đang làm gì và không chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó.

Chẳng hạn, việc tham gia đua xe Thể Thức 1 với tốc độ 350 km/giờ có phải là liều lĩnh hay không? Điều đó còn tùy. Bình thường thì nhiều khả năng bạn sẽ tông xe vào đâu đó mà chết. Nhưng nếu bạn được huấn luyện để lái xe đua với tốc độ cao (giống Michael Schumacher), rủi ro sẽ thấp hơn nhiều.

Chinh phục đỉnh Everest có phải là mạo hiểm không? Một lần nữa, cũng còn tùy. Phụ thuộc vào việc bạn có rèn luyện và trang bị đầy đủ cho chuyến chinh phục mái nhà thế giới hay không. Đối với người ít kinh nghiệm leo núi thì có lẽ sẽ cực kỳ vất vả. Nhưng đối với người dày dạn kinh nghiệm thì đó hẳn là một thử thách lớn, nhưng trèo tới đỉnh an toàn là chuyện hoàn toàn có thể.

Vậy thì đầu tư vào thị trường chứng khoán hay bắt đầu kinh doanh có phải là “không biết lượng sức mình”? Vẫn là câu trả lời ban nãy, cũng còn tùy. Đối với phần lớn những người không có chút kiến thức nào về kinh tế vĩ mô và không có khả năng đọc báo cáo tài chính thường niên, biểu đồ chứng khoán… thì đầu tư cổ phiếu đúng là liều. 70% họ sẽ mua nhầm loại cổ phiếu và mất hết số tiền tích góp được. Ngược lại, nếu bạn chuẩn bị tốt những kỹ năng đầu tư, việc kiếm tiền nhờ thị trường chứng khoán sẽ ít rủi ro và lời nhiều hơn. Những người thành công chỉ đón nhận rủi ro khi họ biết mình có đủ kiến thức và kỹ năng để giảm thiểu rủi ro.

Chiến thắng trong tầm tay khi bạn là người nắm cán

Những người thắng cuộc hiểu xác suất thành công 100% là chuyện không tưởng. Tuy nhiên, họ cũng biết rằng miễn là xác suất thành công đủ cao và nếu họ có kỹ năng quản lý rủi ro, rốt cuộc họ sẽ là người chiến thắng.

Một trong những học viên của tôi là nhân viên kinh doanh bảo hiểm rất thành đạt, hiện đang làm cho một công ty hàng đầu tại Singapore. Cô là thành viên của Court of the Table (danh hiệu dành cho 1% nhân viên bảo hiểm hàng đầu trên toàn thế giới) và kiếm được từ 300.000-500.000 đô mỗi năm.

Trước khi trở thành nhân viên tư vấn bảo hiểm, cô là giám đốc của một trong những ngân hàng lớn với mức lương hàng năm cố định khoảng 80.000 đô. Rất nhiều người cho là cô bị điên nặng khi từ bỏ công việc ổn định để theo đuổi con đường bấp bênh của một nhân viên bán bảo hiểm, bởi nghề này chẳng có lương căn bản mà thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào tiền hoa hồng. Nếu không ký được hợp đồng, đừng hòng có tiền bỏ túi. Mặc dù biết trước nguy cơ bị khách hàng từ chối mua bảo hiểm, Pamela vẫn quyết tâm rời công việc “an toàn” ở ngân hàng.

Vì sao? Bởi Pamela biết rằng khi đã có kỹ năng quản lý rủi ro một cách bài bản cùng sự hiểu biết về xác suất thành công, rủi ro sẽ không còn tồn tại nữa. Kiểm soát rủi ro là nghệ thuật xử lý những nguy cơ tiềm ẩn cho đến khi nào chúng hoàn toàn biến mất thì thôi. Cô đã thực hiện điều này như thế nào? Pamela biết trung bình cứ 40 cú điện thoại, cô sẽ hẹn gặp mặt được 4 người. Trong số 4 người cô đi gặp đó, cô sẽ ký được ít nhất 1 hợp đồng. Với mỗi hợp đồng ký được, cô sẽ bỏ túi khoảng 2.500 đô tiền hoa hồng.

Một khi nắm được xác suất thành công (ví dụ, ký được 1 hợp đồng sau 40 cú điện thoại hoặc tỉ lệ là 2,5%) thì nếu muốn bảo đảm thu nhập ở tầm 25.000 đô mỗi tháng (10 khách), cô phải gọi trung bình 400 cú điện thoại và gặp được 40 khách mỗi tháng. Vậy trung bình cô thực hiện 13 cú điện thoại và hẹn gặp 1-2 người mỗi ngày. Chỉ cần liên tục theo đuổi con số đó, cô biết mình sẽ kiếm được thu nhập như mong muốn.

Có gì đảm bảo Pamela đều đặn kiếm được 25.000 đô mỗi tháng không? Đương nhiên là không. Tháng nào ký được nhiều hợp đồng thì thu nhập sẽ cao, tháng nào ký ít thì thu nhập sẽ thấp. Cho dù không ổn định như nhân viên làm công ăn lương, nhưng thu nhập hàng tháng của cô không bao giờ dưới 20.000 đô, thậm chí có khi lên đến 30.000 đô. Đây chính là cách những người thành công quản lý rủi ro.

Thêm một người thành công dám chấp nhận rủi ro

Tôi còn có một người bạn có thu nhập trung bình 20.000-25.000 đô mỗi tháng nhờ kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp. Anh là một trong những nhà buôn chứng khoán hiếm hoi kiếm được thu nhập đều đặn từ thị trường này, trong khi hầu hết mọi người đều thua lỗ.

Không phải vì anh may mắn hơn người. Mà vì kiến thức và kỹ năng phân tích tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cùng kỹ năng đọc biểu đồ chứng khoán giúp anh chọn ra được loại cổ phiếu mang về khoản lợi nhuận cao hơn hẳn. Dù sành sỏi đến thế, nhưng không phải lúc nào anh cũng quyết định đúng 100%. Thật ra xác suất lựa chọn chính xác của anh tối đa chỉ đạt mức 60%.

60% lời, 40% lỗ. Nhiều người sẽ thấy như vậy là rất liều lĩnh, nhưng thật ra anh có khả năng quản lý rủi ro theo cách “triệt tiêu” rủi ro về lâu về dài.

Đây là công thức đơn giản mà anh áp dụng. Mỗi lần, anh đầu tư một khoản tiền nhất định (chẳng hạn 10.000 đô- la). Khi thấy lỗ, anh sẽ bán ra để cầm chừng mức lỗ tối đa là 5%. Việc này bảo đảm mỗi lần bỏ tiền ra, anh không bao giờ bị mất hơn 5% (khoảng 500 đô). Ngược lại, nếu đợt đầu tư ấy thu lời, anh kiếm được thêm 10% (1.000 đô). Lâu lâu anh trúng lớn và kiếm được đến 50% tiền vốn (5.000 đô) .

Anh biết nếu đầu tư liên tục 10.000 đô mỗi lần giao dịch, 60% anh sẽ kiếm được 1.000 đô và 40% anh sẽ mất 500 đô. Vậy thì sau nhiều giao dịch khác nhau, lợi nhuận anh thu về là 60% x (1.000) – 40% (500) = 400 đô mỗi giao dịch. Để kiếm được 20.000 một tháng, anh cần giao dịch khoảng 50 lần (mỗi ngày 1-2 lần) . Một lần nữa, thông qua cách quản lý rủi ro này, anh có thể tự tin kiếm lời với rất ít rủi ro.

Đã đến lúc cần mạo hiểm hơn!

“Con người không bao giờ khám phá ra đại dương mới nếu không đủ dũng khí giong buồm ra khỏi đất liền.”

Andre Gide (Nhà văn Pháp, tác giả đoạt giải Nobel văn học) Vậy bạn hãy thay đổi cách nhìn của mình về rủi ro.

Nếu bạn muốn tạo ra những thay đổi lớn trong sự nghiệp, các mối quan hệ, tài chính… hãy tích cực hơn trong việc mạo hiểm có cân nhắc. Bằng cách trau dồi kiến thức, kỹ năng cùng với phương pháp quản lý rủi ro khôn khéo, bạn sẽ thấy việc đón nhận rủi ro thật ra chẳng có gì gọi là liều lĩnh!

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.