Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Chương 7: Gần mực thì đen – gần đèn thì sáng



Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người – đủ mọi lứa tuổi và ngành nghề khác nhau – những người thật sự mong muốn thay đổi cuộc đời mình: thay đổi về mặt cảm xúc, thể chất, tình hình tài chính hay toàn bộ sự nghiệp – thậm chí tất cả những khía cạnh đó vì yếu tố này liên hệ mật thiết với yếu tố kia. Chẳng hạn, một người thất tình sẽ dễ bị trầm cảm, dẫn đến những chứng bệnh nghiêm trọng hơn (như ung thư) hay nghiện ngập, rồi từ đó kéo theo những vấn đề nan giải trong tài chính và ảnh hưởng đến khả năng làm việc.

Thông qua những buổi hội thảo chuyên đề, tôi và đội ngũ huấn luyện đã giúp cho hàng ngàn người thay đổi thói quen và hành vi tiêu cực. Ví dụ như bỏ thuốc lá, thay đổi thói quen ăn uống và mua sắm bừa bãi. Để đạt mục tiêu đề ra, chúng tôi còn giúp họ nâng cao kỹ năng giao tiếp sao cho hiệu quả, tăng hiệu suất làm việc và biết cách đầu tư khôn khéo hơn.

Vui thay, rất nhiều học viên đã cải thiện được chất lượng sống một cách đáng kể và không bao giờ rơi vào tình cảnh như xưa nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thật sự hài lòng khi thấy trong số những người tôi từng giúp, một vài người thay đổi chẳng được bao lâu. Họ sớm quay trở lại thói quen và lối sinh hoạt cũ. Họ đánh mất sự tập trung và nguồn động lực, để rồi cuối cùng “ngựa quen đường cũ”. Họ không còn tích cực áp dụng những kỹ năng mới vừa học nữa.

Ban đầu, tôi không hiểu được lý do tại sao những cá nhân ấy lại không duy trì nổi những hành động cần thiết để đạt được điều họ khao khát. Họ có mục tiêu, có kỹ năng, nhưng điều gì khiến họ lạc lối?

Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống, hãy bắt đầu từ những người bạn
Sau một thời gian, tôi nhận thấy có một yếu tố ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến hành vi sinh hoạt hàng ngày của chúng ta. Yếu tố này định hình niềm tin, thái độ, giá trị và những chuẩn mực sống của con người. Đó chính là tác động từ những người chung quanh. Bạn có thể nỗ lực hết mình để thay đổi bản thân, nhưng trừ phi bạn thay đổi những người mình thường xuyên giao tiếp, nếu không thì những thay đổi cá nhân cũng không thể duy trì được lâu dài.

Rất nhiều người không thay đổi được cuộc sống của chính mình vì những người chung quanh cứ lôi kéo khiến họ đi ngược lại những gì đã định. Chẳng hạn, tôi có một học viên tham gia Khóa Học Làm Giàu bởi vì người đó muốn có các kỹ năng để thành công hơn về tài chính.

Trong khóa học này, chúng tôi truyền đạt rằng nếu muốn thành công trong sự nghiệp, học viên phải chủ động hơn, làm nhiều hơn mức mong đợi và sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Họ phải thường xuyên quản lý tài chính và dành thời gian nghiên cứu thị trường cổ phiếu, chứng khoán để đầu tư thành công.

Vấn đề là sau khi tham gia khóa học, một số người quay trở lại tiếp xúc với nhóm bạn/đồng nghiệp cũ – những người thất bại về tài chính – dẫn đến việc họ rất khó duy trì và áp dụng những gì đã học. Nếu họ bất chợt hành động nhiều hơn, dành thời gian rảnh cho công việc thay vì thong dong cùng chiến hữu nhâm nhi tách cà phê vào giờ nghỉ hay lai rai sau giờ tan tầm, họ có thể bị dán nhãn là “lấy điểm” và khiến các đồng nghiệp khác mất mặt. Thật khó để thay đổi thói quen chi tiêu và đầu tư khôn ngoan nếu họ cứ giao du với nhóm bạn thường xuyên vung vít mua sắm, đi hộp đêm và bàn chuyện thể thao thay vì tài chính.

Cảm giác khó chịu vì bị tẩy chay sẽ gây áp lực khiến họ nhanh chóng quay lại hành xử cho giống mọi người. Nghe có quen thuộc với bạn không? Đúng vậy, những chuyện như thế này có thể xảy ra với bất kỳ ai, cả nam lẫn nữ, trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, ở mọi trình độ công việc lẫn đời sống xã hội – trừ những người đang ngất ngưởng trên đỉnh cao, bởi họ có nhịp sống của riêng họ.

Ngược lại, những người tập trung cao độ, tràn đầy động lực và không ngừng tiến đến mục tiêu thì luôn kiên định, bởi họ biết dành thời gian giao thiệp với những người có cùng niềm tin và mục tiêu với mình. Rất nhiều học viên thành công của tôi có cùng một điểm chung, đó là họ chọn tiếp xúc với những người bạn mới biết cách truyền cho họ nguồn cảm hứng để vững bước trên con đường mới. Chẳng hạn, khi họ ở bên cạnh những nhà lãnh đạo và các nhà đầu tư tài ba, họ sẽ nhận thấy mình quyết tâm hơn mỗi ngày để duy trì thái độ và hành vi đổi mới bản thân.

Bạn bè ảnh hưởng ta một cách tích cực và tiêu cực

Vì sao bạn bè lại có ảnh hưởng to lớn đến hành vi của ta như vậy? Lý do là vì con người là những cá thể sống theo cộng đồng. Chúng ta có nhu cầu cảm xúc được những người chung quanh chấp nhận. Đồng thời, chúng ta cũng lo sợ bị khước từ. Để cảm thấy gắn kết và được chấp nhận, chúng ta có khuynh hướng hành động và suy nghĩ tương tự các thành viên khác trong nhóm. Sau cùng thì người ta chỉ thích những ai giống mình, đúng không?

Bạn có để ý mình hay giao tiếp và hành động khác đi khi ở trong những nhóm khác nhau không? Tất cả chúng ta ai cũng có những nhóm bạn xã hội khác nhau. Ví dụ như tôi có bạn học, bạn trong quân ngũ, bạn đồng nghiệp, bạn kinh doanh và bạn bè trong gia đình.

Khi tôi gặp gỡ những người bạn kinh doanh, hầu hết họ là CEO của các công ty thành công, chúng tôi tự nhiên sẽ bàn chuyện chính trị, kinh doanh, đầu tư và kinh tế. Tôi hành xử và giao tiếp một cách chuyên nghiệp hơn. Bởi ai cũng là“đầu tàu” trong ngành, chúng tôi cảm thấy thoải mái nói về những thành tựu và mục tiêu tương lai. Khoảng thời gian ở bên cạnh họ kích thích trí tuệ và truyền cảm hứng cho tôi vươn lên.

Tuy nhiên, khi tôi đi cùng với những người bạn học cũ, tôi thấy mình phải suy nghĩ và hành động khác đi để phù hợp với các bạn của mình. Nhiều người trong số đó chỉ là nhân viên bình thường và họ cảm thấy thoải mái hơn khi trao đổi với nhau bằng tiếng Hoa. Kết quả là tôi dùng nhiều tiếng lóng hơn, thậm chí thỉnh thoảng còn thốt ra vài từ không được đẹp.

Nếu tôi cũng nói chuyện kiểu như vậy với các đối tác làm ăn (hầu hết đều là những người ăn học rất cao), có lẽ họ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt ngỡ ngàng. Trong khi với nhóm bạn thứ hai, nhiều khả năng câu chuyện xoay quanh thể thao, chuyện bàn dân thiên hạ và tình dục. Đề cập đến chủ đề kinh doanh hay đầu tư chỉ khiến mọi người trơ mắt ếch ra nhìn. Mặc dù chơi với nhóm bạn này rất vui, nhưng tôi lại không được mở mang trí óc và cũng không được thúc đẩy nâng cao tiêu chuẩn bản thân.

Bạn bè ảnh hưởng đến mức độ thành công

Vậy thì nếu bạn bè ảnh hưởng ta nhiều đến vậy, ta phải cân nhắc thật cẩn thận việc mình nên giao du với ai. Dù muốn dù không, bạn bè là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến mức độ thành công cả về tài chính, các mối quan hệ, sự nghiệp lẫn sức khỏe của chúng ta. Sức khỏe ư? Đúng thế, chơi với những người có tâm hồn ăn uống, lúc nào cũng nghĩ xem “chỗ nào bán heo quay/ vịt quay ngon nhất”… thì bạn đang mấp mé nguy cơ mắc bệnh tim nếu bạn trên 40 tuổi.

Tôi tin bạn nên tiếp xúc với tất cả mọi người thuộc đủ tầng lớp kinh tế, xã hội, sắc tộc và tôn giáo, nó giúp bạn mở mang đầu óc, dạy cho bạn biết thấu hiểu, cảm thông và chấp nhận người khác. Chúng ta luôn học hỏi được điều gì đấy từ bất kỳ ai bất chấp tuổi tác, địa vị hay kinh nghiệm của họ.

Đồng thời, chúng ta cũng nên ý thức rõ về việc phân bổ thời gian hợp lý cho từng nhóm bạn. Chơi với nhóm này có thể vui đấy, nhưng ta nên cẩn thận tránh gặp mặt quá thường xuyên với những người vô tình khiến ta chậm bước trên con đường mình đang theo đuổi.

Người giàu càng giàu

Nếu muốn thành công về tài chính, bạn cần giữ liên lạc với những người đã thành công trong lĩnh vực này. Lý do tôi luôn cảm thấy hừng hực lửa đam mê và tràn đầy động lực để đầu tư là vì tôi có rất nhiều bạn là doanh nhân và nhà đầu tư thành công. Khi chúng tôi trò chuyện với nhau, cuộc đối thoại xoay quanh quan điểm của họ về thị trường chứng khoán, những mối đầu tư béo bở cũng như những khoản lợi mà họ kiếm được.

Một người bạn của tôi – một nhà đầu tư tài ba – luôn kể về mấy trăm nghìn đô anh kiếm được nhờ giao dịch FOREX (kinh doanh ngoại hối) và mặt hàng thương mại. Có những người như thế ở bên cạnh thì việc luôn cảm thấy dồi dào năng lượng và liên tục trau dồi kỹ năng đầu tư là điều không khó.

Chưa hết, mỗi lần gặp họ là một dịp để tôi học hỏi. Chúng tôi làm giàu cho nhau bằng cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm. Đó là lý do vì sao người giàu lại càng giàu hơn. Nếu bạn mải giao du với những người làm công ăn lương và gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng những mong kiếm chút tiền lãi, và cách “đầu tư” duy nhất của họ là mua vé số thì đừng bao giờ nghĩ đến chuyện làm giàu nữa!

Sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp

Tương tự, nếu muốn leo lên chiếc ghế lãnh đạo, bạn phải cực kỳ cẩn thận trong việc lựa chọn doanh nghiệp nào có văn hóa cho phép bạn phát triển – ngay cả khi đã vào công ty, bạn vẫn phải thận trọng với những bè phái trong tổ chức đó.

Vì sao? Bởi vì mỗi công ty mang một nét văn hóa riêng. Ở một số nơi, nhân viên thường chỉ thích than vãn, làm đúng nghĩa vụ được giao, chấm hết.

Thật khó để tìm được động lực hay cơ hội vươn lên trong những tổ chức như thế. Nếu chủ động làm nhiều hơn trách nhiệm được giao, bạn có thể khiến đồng nghiệp và thậm chí cả sếp (cũng là người hay trốn việc) khó chịu bởi lúc này bạn đang làm họ mất mặt.

Cuối cùng thì sao, họ sẽ quy chụp bạn tội “ghi điểm, làm màu”. Sau một thời gian, khi bạn không thể chống cự được nữa, bạn nhập hội với họ.

Trong bất kỳ tổ chức lớn nào cũng tồn tại những nhóm người chuyên tranh thủ thời gian tán phét, kéo dài giờ nghỉ trưa và nói xấu cấp quản lý. Càng giao du với những người như thế, bạn sẽ càng trở nên giống họ và tự hủy hoại sự nghiệp của mình.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp (như công ty tôi chẳng hạn), nơi mà hầu như mọi người đều muốn thể hiện hết mình và nỗ lực để nổi bật.

Đó là áp lực cạnh tranh lành mạnh và thi đua thân thiện. Nơi chúng tôi làm việc có một văn hóa là “phải làm mọi cách” để hoàn thành công việc được giao. Khi một bộ phận nào đó đạt kết quả đột phá trong doanh thu hay hiệu quả công việc, những bộ phận khác cảm thấy mình có động lực “phá kỷ lục” trong năm sau.

Ít có ai than vãn khi gặp khó khăn. Khi bạn nhìn thấy mọi người (cả sếp lẫn bản thân bạn) xắn tay áo lên làm việc cả vào cuối tuần, mọi người đều chung cảm giác bừng bừng cảm hứng, lạc quan vui vẻ. Với những công ty có văn hóa làm việc như vậy, bạn dễ dàng tìm thấy động lực cho bản thân. Dù bạn có thích hay không thì văn hóa doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến công việc của bạn, trừ khi bạn là người có cá tính vô cùng mạnh mẽ và năng lực xuất chúng. Nếu muốn là người chiến thắng, hãy gia nhập công ty của những người chiến thắng. Nó sẽ giúp bạn dễ dàng thành công hơn.

Tương tự với sức khỏe và các mối quan hệ

Đối với sức khỏe và các mối quan hệ trong gia đình cũng vậy. Nếu bạn đang cố cai nghiện thuốc lá và bỏ nhậu, chắc chắn bạn không nên đi chung với những người chỉ thích tụ tập ở hộp đêm. Nếu bạn muốn khỏe đẹp, hãy thường xuyên tiếp xúc với những người biết quan tâm đến sức khỏe. Nghe có vẻ đơn giản cực kỳ, nhưng thật sự lại rất hiệu quả.

Bạn bè có ảnh hưởng gì đến các quyết định của bạn trong hôn nhân và gia đình không? Chắc chắn là có!

Vợ chồng tôi đã ở bên nhau được 11 năm nhưng tình cảm vẫn mặn nồng. Dù chúng tôi cũng có những mâu thuẫn, bất đồng như bao cặp vợ chồng khác, nhưng quyết tâm giữ gìn hạnh phúc gia đình đã giúp chúng tôi giải quyết được mọi vấn đề và cuối cùng còn gắn kết với nhau nhiều hơn.

Vài năm trước, vợ tôi được mời tới dự một buổi họp lớp cùng các cô bạn học cũ. Nhiều người trong số đó vợ tôi chưa hề gặp lại trong hơn 20 năm qua. Trong lúc họp mặt, vợ tôi được biết 4 trong 5 cô bạn cũ phải đối mặt với những đổ vỡ trong tình cảm. Ba người đã ly dị chồng, người thứ tư không nghĩ đến chuyện kết hôn kể từ lần chia tay bạn trai sau 5 năm yêu nhau.

Hãy đoán xem họ nói gì cả buổi tối hôm đó? Đàn ông. Họ nói về việc đàn ông là những kẻ không đáng tin, rằng cuối cùng thì gã nào cũng sẽ lừa gạt bạn mà thôi. Họ chê đàn ông không tế nhị và thiếu trách nhiệm. Một cách tự nhiên, để bắt nhịp với mọi người, vợ tôi cảm thấy cũng phải hùa theo than phiền.

Bạn nghĩ việc đó có ảnh hưởng đến hình ảnh của tôi trong mắt cô ấy không? Tạ ơn Trời, lần họp mặt đó là duy nhất và chưa có thiệt hại gì xảy ra.

Tuy nhiên, bạn thử tưởng tượng xem nếu vợ tôi thường xuyên giao du với những người bạn này thì sẽ ra sao? Sự chua cay, nỗi sợ hãi và hận thù “đàn ông” của những phụ nữ bất hạnh đó chẳng bao lâu sẽ tác động đến vợ tôi. May thay, sau buổi họp mặt đó, vợ tôi tuyên bố không gặp lại những cô bạn đó nữa, bởi họ gây ra những ảnh hưởng xấu. Nhiều khả năng là những ai ở bên cạnh họ không muốn bước vào bất cứ mối quan hệ tình cảm nào nữa… và cuối cùng sẽ trở nên cô độc và cay đắng.

Hãy tránh xa những người đầu độc tâm trí và tinh thần bạn. Thay vào đó, hãy dành thời gian cho những người truyền cảm hứng cho bạn trở thành một người chồng/người vợ/người mẹ/người bạn hoàn thiện hơn. Cứ mỗi lần nhìn thấy một mối quan hệ thất bại, bạn hãy nhớ vẫn còn vô vàn các mối quan hệ khác đang tiến triển tốt đẹp. Chẳng phải sẽ tốt hơn nhiều nếu ta học tập các đôi vợ chồng vẫn nắm chặt tay nhau dù trải qua bao sóng gió hay sao?

Một trong những điều củng cố niềm tin cho vợ chồng tôi là nhờ chứng kiến những cuộc hôn nhân hạnh phúc chung quanh mình. Ông tôi cưới bà tôi và sống với nhau suốt 50 năm cho đến khi bà qua đời. Dù vấp phải rất nhiều trở ngại, bao gồm cả việc sống sót qua Thế chiến thứ II, họ vẫn ăn mừng kỷ niệm đám cưới vàng và sống hạnh phúc cho đến cuối đời. Đó là cái thời mà đa số những người đàn ông thành đạt công khai đèo bòng năm thê bảy thiếp. Thế nhưng ông tôi sau giờ làm việc thay vì đàn đúm với bạn bè, ông chọn dành hết thời gian cho gia đình, và sau này là đàn cháu (tôi và anh chị em họ), nhờ vậy gia đình tôi rất gắn bó với nhau.

Tôi có một người bạn đã kết hôn và có 4 mặt con. Dù phải đi làm cả ngày, ở nhà không có người giúp việc, vợ anh vẫn chăm sóc bọn trẻ chu đáo, còn anh thì làm việc 18- 19 tiếng mỗi ngày để gầy dựng cơ nghiệp. Họ có rất ít thời gian bên nhau nhưng vẫn yêu nhau như ngày mới gặp. Họ có thể bất đồng ý kiến nhưng chưa một lần to tiếng với nhau và vượt qua tất cả bằng tình yêu và sự thấu hiểu. Tôi muốn nhắc lại, khi ở bên cạnh những người như thế, bạn sẽ luôn được truyền cảm hứng.

Một phút suy ngẫm: Bạn thường tiếp xúc với ai?

Giờ thì bạn đã biết việc bạn giao du với ai quan trọng đến thế nào, vì thế tôi muốn đề nghị bạn làm một bài tập quan trọng sau đây.

Hãy điền tên 10 người bạn hay tiếp xúc nhất vào những dòng bên dưới. Họ có thể là bạn bè, đồng nghiệp, hay thành viên trong gia đình nhưng đừng liệt kê con cái vào. Hãy làm ngay bây giờ.

1)______.

2)______.

3)______.

4)______.

6)______.

7)______.

8)______.

9)______.

10)______.

Khi suy ngẫm về những người có tên ở trên, tôi muốn bạn tự hỏi mình hai câu:

Câu hỏi 1: Người này có khơi dậy con người tốt đẹp nhất trong bạn không? (Khi bạn ở bên cạnh người này, họ có khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong bạn? Bạn có thấy tràn đầy cảm hứng và động lực trở thành người tốt hơn? Hay họ chỉ khiến bạn thui chột?)
Câu hỏi 2: Những người này có chung niềm tin, thái độ sống và tiêu chuẩn cao như bạn mong đợi cho bản thân mình không?
Nếu câu trả lời là “có”, đánh dấu chọn vào ô trống bên cạnh. Nếu câu trả lời là “không”, đánh dấu “X”. Vậy trong số 10 người đó, bạn có nhiều dấu chọn hay dấu “X” hơn? Nếu bạn có nhiều dấu “X” hơn thì dễ hiểu tại sao bạn không mấy thành công và hạnh phúc như mong đợi và xứng đáng có được. Sẽ hữu ích nếu bạn cân nhắc thay đổi những người xung quanh mình.

Nâng cao trình độ – Chơi với những đối thủ cừ hơn

Hãy tưởng tượng bạn chơi một môn thể thao nào đó, quần vợt chẳng hạn. Nếu bạn tỉ thí với những tay vợt trình độ ngang bằng hoặc yếu hơn, bạn có thấy hứng thú không? Cũng có thể. Bạn sẽ thấy chiến thắng sao mà dễ dàng quá, và điều này khiến bạn cảm thấy mình là tay chơi cự phách.

Nhưng thỉnh thoảng nếu bạn có dịp thi đấu với một đối thủ kinh nghiệm và tài giỏi hơn hẳn, bạn có thích không? Ban đầu có thể bạn thấy nản vì nghĩ mình kém cỏi nhưng nếu bạn cứ duy trì, tôi cam đoan chỉ trong vài tháng, phong độ thi đấu của bạn sẽ cải thiện lên rất nhiều. Chơi với những người giỏi hơn sẽ giúp bạn nâng cao tiêu chuẩn và cho bạn cơ hội quan sát học hỏi.

Một trong những bí quyết thành công của tôi là quen với những người thành công hơn mình, trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Khi tôi làm ra một triệu đô đầu tiên ở tuổi 26 và sở hữu hai doanh nghiệp có doanh thu lên đến 20 triệu đô, tôi nghĩ mình đã khá thành công.

Nói cho cùng thì bạn bè chẳng ai kiếm được như tôi. Sau một thời gian, điều này khiến tôi tự mãn. Tôi bắt đầu mất dần động lực học hỏi và phấn đấu vươn đến mục tiêu cao hơn. Không còn gì thách thức để tôi vượt ra khỏi vùng an toàn của mình nữa.

Đến năm 2002, tôi nhận lời mời gia nhập một tổ chức mang tên Doanh Nhân Trẻ, nơi tôi có cơ hội gặp gỡ rất nhiều doanh nhân khác trong khu vực. Từ cảm giác ngây ngất trên đỉnh cao, tôi bỗng nhận ra mình vẫn đang mò mẫm dưới chân núi. Những gì tôi đã cố công gầy dựng chẳng thấm vào đâu so với một vài người trong tổ chức. Một số sở hữu doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng giá trị hơn 300 triệu đô, chưa kể tài sản cá nhân khoảng 10- 20 triệu đô.

Họ quản lý hàng nghìn nhân viên, có văn phòng đặt tại nhiều nước khác nhau, trong khi toàn bộ đội ngũ của tôi chỉ có cả thảy 60 người ở Singapore lúc bấy giờ. (Các đồng sự và tôi vẫn chưa vươn ra toàn khu vực.) Từ chỗ tự mãn, tôi bỗng nhiên tràn đầy cảm hứng và cả thách thức. “Nếu những người này làm được, tại sao mình lại không?” tôi tự nhủ. Mỗi dịp gặp gỡ là một cơ hội học hỏi quý báu để góp nhặt những ý tưởng mới mà sau này có thể tạo nên những bước đột phá trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của tôi. Khi dành thời gian cho đúng đối tượng, bạn sẽ gặt hái nhiều hơn bất cứ lượng kiến thức nào được dạy trong trường lớp.

Bạn có bị mấy con cua kéo xuống không?

Dành thời gian cho đúng đối tượng có thể thúc đẩy bạn tiến xa hơn, thế nhưng cũng cần phải cẩn trọng với những người khiến bạn thui chột. Tôi nhớ có lần nghe chuyện về những con cua bị nhốt chung trong một cái xô.

Bạn có biết là nếu bạn cho mấy con cua còn sống vào một cái xô hơi nông, chúng cũng không thể nào bò ra ngoài, dù bạn không hề cột càng chúng lại? Nguyên nhân là vì: khi một con cố bò lên để thoát thân, những con còn lại sẽ hùa nhau kéo nó rớt trở xuống. Kỳ lạ đúng không?

Khó tin hơn nữa, hiện tượng này cũng xảy ra trong một nhóm người ngoài xã hội. Khi bạn ở giữa một nhóm bạn thân có chung cách nghĩ, rất khó để bạn thay đổi lối tư duy và trở nên khác biệt. Khi bạn làm thế, chắc chắn những người còn lại sẽ chỉ trích, chê cười và tác động để bạn quay trở lại như cũ.

Thời còn học cấp II, thử thách lớn nhất tôi phải vượt qua để cải thiện thành tích học tập của mình chính là ảnh hưởng xấu từ đám bạn. Nhóm tôi hay chơi chung gồm những thành phần bất hảo ở trường. Chúng tôi thường nói chuyện trong giờ học, gây sự đánh nhau và không bao giờ chịu làm bài, học bài. Sau giờ học, chúng tôi hay la cà ở mấy khu trung tâm mua sắm hoặc chơi trò chơi điện tử.

Sau khi tham gia khóa học phát triển bản thân và quyết tâm đặt ra mục tiêu thay đổi cuộc đời, bắt đầu từ việc nâng cao điểm số, mọi chuyện trở nên cực kỳ khó khăn đối với tôi. Mấy đứa bạn luôn khích bác mỗi khi tôi giơ tay phát biểu trong lớp hay nộp bài tập về nhà. Bất cứ lúc nào thấy tôi cặm cụi học bài, chúng lại hỏi, “mày học làm gì? Điên à?” Khi tôi nhận được những điểm 10 đỏ chói, chúng gán cho tôi đủ mọi biệt danh và tẩy chay tôi.

Vậy tại sao lại có những người luôn giữ ta lại trong khi ta muốn thay đổi cuộc đời mình theo hướng tích cực? Thường là vì họ sợ “mất” một người bạn như ta. Nếu chúng ta thành công rực rỡ, họ sẽ ra sao? Điều đó khiến họ thấy mình kém cỏi. Vì thế họ ngăn không cho chúng ta thay đổi.

Đó chính là bước ngoặt cuộc đời tôi. Tôi nhận ra rằng nếu thật sự muốn thay đổi một cách nghiêm túc, tôi phải tránh xa những người bạn này trong quá khứ. Cũng khó lắm. Vài tháng đầu, tôi bị gạt sang một bên và lúc nào cũng lủi thủi một mình. Muốn làm người chiến thắng, bạn phải dám suy nghĩ độc lập và đi trên con đường riêng khi không ai muốn đồng hành cùng bạn. Đó là cái giá mà bạn phải trả. Tuy nhiên, khi bạn gặt hái những kết quả mới mẻ trong cuộc sống, bạn sẽ tìm được những người bạn mới có cùng chí hướng với mình.

Nếu muốn là người chiến thắng, hãy sánh vai cùng những người chiến thắng
Nói đơn giản, hãy giao du nhiều hơn với những người mà bạn muốn trở nên giống họ. Nếu bạn muốn mình vui vẻ hơn, hãy nhập hội với những người tính tình vui vẻ, cởi mở. Nếu bạn muốn giàu có hơn, hãy dành thời gian chuyện trò với những người thành công tột bậc về tài chính. Nếu bạn không biết tìm họ ở đâu, hãy thử tham gia những khóa học về phát triển bản thân và thiết lập mối quan hệ với những học viên trong khóa học đó. Nếu bạn muốn thành công hơn, hãy kết nối với những người cầu tiến.

Bài tập cuối cùng, tôi muốn bạn lập ra danh sách những người bạn muốn gặp gỡ, liên lạc và dành thời gian nhiều hơn cho họ. Bạn nghĩ ai có thể giúp bạn trở nên tốt hơn trong những lĩnh vực khác nhau? Đó có thể là một đồng nghiệp, sếp, bạn bè, người mới quen trong một buổi hội thảo, bà con họ hàng…?

Hãy nghĩ về điều đó và liệt kê những người bạn muốn tiếp xúc nhiều hơn.

1)______.

2)______.

3)______.

4)______.

5)______.

6)______.

Sau khi lập ra danh sách, hãy bắt tay vào hành động để chủ động tạo dựng mối quan hệ với họ. Hành động này sẽ lót đường đưa bạn đến với thành công rực rỡ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.