Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống
Phần II. DẪN ĐẦU – Chương 4: Cái giá để trở nên tài năng là 10.000 giờ
Bất kỳ lĩnh vực nào cũng xuất hiện những tài năng vượt trội. Họ là những người có thể mang lại kết quả phi thường, vượt xa tầm với của những người bình thường. Họ khiến ta phải ngỡ ngàng trước nguồn năng lực dường như “siêu phàm”. Họ là những kẻ xuất chúng và nổi bật giữa đám đông. Thế mà, có vẻ như họ lại làm điều đó dễ như trở bàn tay.
Nói về soạn nhạc, chúng ta ngay lập tức nhớ đến những thiên tài như Mozart. Ông bắt đầu sáng tác khi mới lên năm và để lại cho đời hơn 600 tác phẩm, rất nhiều trong số đó đã trở thành những ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc giao hưởng thính phòng. Trong thế giới thể thao, chúng ta bất ngờ trước khả năng của “hiện tượng” Michael Jordan, Michael Phelps và Tiger Woods, những người đã thống trị môn thể thao yêu thích của mình ở tầm vóc quốc tế.
Trên thương trường, chúng ta ngả mũ thán phục trước Warren Buffett, người đã đầu tư hơn 60 tỷ đô vào thị trường chứng khoán và trung bình mỗi năm, quỹ đầu tư của ông tăng khoảng 25%, vượt xa mức tăng trưởng 10%-12% mà những nhà đầu tư thông thường đạt được. Chưa hết, còn có những doanh nhân vĩ đại như Steve Jobs (Apple), Bill Gates (Microsoft) và Larry Ellison (Oracle), những con người đã tạo ra những sản phẩm làm thay đổi toàn thế giới.
Vậy điểm chung của họ là gì? Tất cả đều bỏ học giữa chừng và bắt đầu đạt được những thành tựu xuất sắc từ khi còn rất trẻ. Cuối cùng, trong ngành giải trí, chúng ta có siêu sao quá cố Michael Jackson với những bước nhảy và video ca nhạc gây chấn động và cách mạng hóa cả một nền công nghiệp âm nhạc.
Liệu có thứ gọi là tài năng bẩm sinh?
Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều đã từng tự hỏi điều gì khiến cho những con người này trở nên phi thường đến vậy. Có phải họ được sinh ra với tài năng bẩm sinh, hay đó đơn giản chỉ là kết quả của hàng giờ cần cù làm việc vất vả? Có hy vọng nào cho những người bình thường muốn phát triển tài năng vượt trội trong lĩnh vực mà họ lựa chọn – hay điều kiện tiên quyết để nắm bắt cơ hội trở nên xuất chúng là sở hữu khả năng thiên phú?
Các nhà tâm lý và thần kinh học trên khắp thế giới đã tranh cãi xoay quanh chủ đề “Tài năng bẩm sinh – có hay không?” trong hơn một thế kỷ. Hầu hết chúng ta đều tin rằng tài năng thiên bẩm thật sự tồn tại. Đâu phải ca sĩ nào nuôi mộng lớn và nỗ lực hết sức cũng trở thành siêu sao, đúng không?
Thế nhưng, điều thú vị về giả thuyết này nằm ở chỗ, khi các nhà tâm lý và thần kinh học càng nghiên cứu sâu về bí quyết của những người tài giỏi, họ càng phát hiện ra rằng tài năng thiên bẩm chỉ góp một phần nhỏ, còn sự cần cù mới chiếm vai trò thiết yếu.
Có vẻ như 10.000 giờ là cái giá phải trả cho một tài năng
Lý luận này được củng cố bằng những thí nghiệm đột phá do giáo sư tâm lý học K. Anders Ericsson tiến hành tại Học viện âm nhạc Berlin Elite vào năm 1993. Ericsson và đội ngũ các nhà nghiên cứu của ông chia các học viên violin của trường ra làm ba nhóm. Nhóm một gồm những người chơi xuất sắc. Nhóm hai gồm những người chơi tốt, và nhóm ba gồm những người chơi ở mức trung bình.
Tất cả nhận được cùng một câu hỏi, “anh/chị đã tập luyện bao nhiêu giờ cả thảy từ lần đầu tiên anh/chị chạm tay vào cây đàn violin?” Sau khi thu thập và nghiên cứu câu trả lời, người ta khám phá ra rằng hầu hết những người này đều bắt đầu chơi đàn violin từ năm 5- 6 tuổi, và tập luyện trung bình 2-3 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ rệt từ năm 8 tuổi trở đi.
Nhóm những người chơi xuất sắc tập luyện nhiều hơn những người khác một cách đáng kể. Họ tập luyện sáu giờ mỗi tuần đến khi lên 9, tám giờ mỗi tuần đến khi lên 12, và trung bình 16 giờ mỗi tuần đến khi lên 14. Trước khi bước sang tuổi 20, họ đã tập luyện trung bình 30 giờ mỗi tuần và tích lũy được 10.000 giờ luyện tập kể từ khi bắt đầu chơi violin từ năm 5 -6 tuổi.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những người chơi tốt có số giờ luyện tập là 8.000 giờ, và những học viên trung bình chỉ chạm mức 4.000 giờ luyện tập. Nhóm nghiên cứu lặp lại khảo sát này với những nhạc công piano, các kỳ thủ và vận động viên thể thao. Khi so sánh những nhân vật xuất sắc với những người không có gì nổi trội, họ đều nhận thấy kết quả tương tự.
Trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, Ericsson không tìm ra bất cứ người chơi violin xuất sắc nào lại luyện tập ít hơn 10.000 giờ. Đồng thời, họ cũng không phát hiện được người nào tập luyện chăm chỉ hơn tất cả những người khác mà lại không đạt thành tích xuất sắc. Kết luận rút ra từ nghiên cứu này là những người có tài năng vượt trội đơn thuần nỗ lực hơn người khác rất rất nhiều. Thực chất, người ta nhận thấy khả năng xuất chúng phát triển khi một người rèn luyện một kỹ năng nào đó trong vòng 10.000 giờ đồng hồ.
“Tập luyện không phải là việc bạn cần làm khi bạn đã giỏi. Đó là thứ bạn làm để giúp mình giỏi hơn.”
Malcolm Gladwell, tác giả của quyển sách “Outliers” (Những Kẻ Xuất Chúng).
Bây giờ, chúng ta hãy cùng nghiên cứu sâu hơn về những người tài năng nổi tiếng trên thế giới, để xem liệu giả định này có còn đúng hay không.
Yếu tố cấu thành… sự vĩ đại
Hãy cùng xem xét những thiên tài trong các lĩnh vực khác nhau và xác định xem khả năng vượt trội của họ là do tài năng bẩm sinh hay tài năng bẩm sinh CỘNG VỚI (một chữ CỘNG VỚI thật lớn!) kết quả của sự kiên trì và chú tâm tập luyện.
Michael Jordan nổi tiếng là vận động viên bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại. Anh khiến cho tất cả các đấu thủ phải bàng hoàng kinh ngạc khi anh bật cao người đến một mét rưỡi từ vạch ném phạt và ném bóng thẳng vào rổ, đem lại cho anh biệt danh “Jordan bay”. Anh giữ kỷ lục của Hiệp Hội Bóng Rổ Quốc Gia (National Basketball Association – NBA) về điểm số trung bình cao nhất trong sự nghiệp chơi cho các mùa giải thường kỳ (trung bình 30,12 điểm mỗi trận) và giữ nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử NBA.
Anh đạt danh hiệu vô địch ghi bàn 10 lần (kỷ lục) và 7 lần liên tiếp. Anh từng ghi được hơn 50 điểm trong 37 trận khác nhau và là người ghi điểm quyết định giúp cho đội mình chiến thắng trong vô số trận. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có vận động viên bóng rổ nào đạt được những thành tích như anh.
Vậy đó có phải là tài năng thuần túy không? Anh sở hữu một chiều cao hiếm có? Hay đôi chân của anh có khả năng bật cao hơn những người khác từ lúc sinh ra? Không hề. Sự thật là lúc mới bắt đầu chơi bóng rổ, Michael rơi vào thế bất lợi vì anh là một trong những cậu bé thấp nhất trường. Ngay từ khi còn nhỏ, Michael đã say mê môn thể thao này nhưng không bao giờ giỏi bằng anh mình – Larry Jordan
– người được Huấn luyện viên tại trường trung học phổ thông đánh giá là vận động viên thực thụ của gia đình. Tuy nhiên, điều mà mọi người không biết lúc bấy giờ là Michael có tinh thần thi đấu và lòng quyết tâm mạnh mẽ để trở thành người giỏi nhất hơn bất kỳ ai.
Khi còn học trung học phổ thông, anh đăng ký tham gia đội bóng rổ của trường đại học. Thế nhưng với chiều cao 1,80 m, cậu bé 16 tuổi bị cho là quá thấp không thể chơi ở trình độ đó. Cậu thất vọng đến mức bật khóc. Thế nhưng thay vì nhụt chí, cậu càng quyết tâm hơn nữa để trở thành vận động viên bóng rổ vĩ đại nhất thế giới.
Một cách miễn cưỡng, Michael quay trở lại với đội dự bị đại học và rèn luyện chăm chỉ hơn bất kỳ đồng đội nào. Huấn luyện viên Ruby Sutton là người đầu tiên nhận ra sự quyết liệt này của anh: “Tôi thường đến trường vào khoảng 7 giờ đến 7g30 sáng. Michael lúc nào cũng đến sớm hơn tôi. Mỗi lần bước đến cánh cửa để mở, tôi đều nghe thấy tiếng đập bóng, suốt cả ba mùa: mùa thu, mùa đông, mùa hè. Gần như sáng nào tôi cũng phải đuổi cậu ta ra khỏi sân.”
Để phát huy hết tiềm năng của mình, Jordan luyện tập từ 8 -10 giờ mỗi ngày, ngày nào cũng như ngày nấy. Anh tập đi tập lại hàng ngàn lần những bước khác nhau để chuẩn bị cho một trận đấu hoàn hảo, từ ném, bật cho đến dẫn bóng. Vì sao anh lại quyết tâm đến thế? Bởi vì Michael biết một điều rằng chỉ có “rèn luyện mới trở nên hoàn hảo”.
“Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã ném hụt 9.000 lần. Tôi thua gần 300 trận. 26 lần tôi được mọi người tin tưởng giao cho cú ném quyết định nhưng lại hụt. Tôi thất bại hết lần này đến lần khác. Và vì thế mà tôi thành công.”
Michael Jordan.
Khi Michael gia nhập Chicago Bulls ở tuổi 21 vào năm 1984 và trở thành ngôi sao bóng rổ, chinh phục khán giả với hiệu suất ghi bàn và khả năng nhảy cao của mình, anh đã tích lũy tổng cộng hơn 23.000 giờ luyện tập, con số vượt xa ngưỡng thiên tài là 10.000 giờ. Một lần nữa, chưa từng có tuyển thủ bóng rổ nào có tổng số giờ tập luyện gần bằng con số này.
Cỗ máy kiếm tiền giỏi nhất thế giới
Liệu quy luật này có linh ứng trong cả lĩnh vực kinh doanh tài chính không? Có chứ. Cứ nhìn Warren Buffett mà xem. Buffett được xem là một trong những nhà đầu tư khôn ngoan nhất thế giới và sở hữu khối tài sản lớn nhất hành tinh bằng cách biến 100.000 đô thành 60 tỷ đô chỉ nhờ vào đầu tư chứng khoán.
Điểm đáng nói là Warren Buffett làm việc này rất đơn giản và nhẹ nhàng. Khi người ta hỏi ông mất bao lâu để định giá một công ty và ra quyết định mua cổ phần của công ty đó, ông thường đáp “chừng 5- 10 phút.” Buffett nổi tiếng với việc chỉ cần nhìn vào báo cáo tài chính hàng năm của một công ty trong vài phút, rồi đến gặp ban quản lý của công ty đó một lần, và nếu ông thấy họ tốt và đáng tin cậy, ông sẽ đầu tư vào công ty họ.
Việc này khiến cho các nhà quản lý tài chính chuyên nghiệp khác của Wall Street sửng sốt vì họ phải tốn hàng giờ đồng hồ để nghiên cứu báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp, tìm hiểu kỹ lưỡng về sản phẩm và quy trình kinh doanh của công ty, gặp mặt các cấp quản lý vô số lần trước khi quyết định đầu tư. Thế nhưng hiệu quả mang lại không sao bằng được Buffett. Chắc hẳn ông phải là một thiên tài, một tài năng bẩm sinh, có một không hai trong việc chọn ra những công ty thành công?
Nhìn bên ngoài thì có vẻ là như vậy thật, nhưng những gì người ta nghĩ thường không phản ánh được thực tế. Vậy bên trong là như thế nào? Chẳng hạn gần đây ông mới mua lại một công ty cung cấp năng lượng, Conocophilips chỉ sau khi liếc sơ qua báo cáo tài chính. Ông có thể đưa ra quyết định nhanh đến chóng mặt là bởi vì trước đó, ông đã bỏ ra hơn 70 năm nghiên cứu về ngành công nghiệp năng lượng. Thực chất, Buffett đã đọc và ghi nhớ trong đầu tất cả các báo cáo tài chính của hơn 30 công ty năng lượng. Ông đã dành hàng ngàn giờ suy nghĩ về mảng kinh doanh này (cũng như những mảng khác) và cập nhật thông tin về các bước phát triển của ngành công nghiệp này, mỗi ngày.
Niềm đam mê tìm hiểu các ngành kinh doanh của Buffet bắt đầu từ khi ông mới 9 tuổi. Bố ông – Howard – là một nhà môi giới chứng khoán, và cậu bé Buffet thường đến thăm bố và vẽ những biểu đồ chứng khoán lên tấm bảng đen lớn trong văn phòng bố. Sau khi tuyên bố rằng mình muốn trở thành triệu phú trước tuổi 30, cậu tập trung thời gian đọc báo cáo tài chính của các công ty trong khi những đứa trẻ đồng trang lứa lúc bấy giờ chỉ đọc truyện tranh. Mỗi ngày cậu dành ra 4 -5 giờ để đọc báo cáo. Đến năm 11 tuổi, cậu đặt bước chân đầu tiên vào thị trường chứng khoán bằng việc mua ba cổ phiếu của Cities Service.
Khi lớn lên, ông hình thành thói quen dành ra 5 -6 giờ mỗi ngày đọc báo cáo tài chính hàng năm của các doanh nghiệp và ấn phẩm thương mại. Ông đọc tất tần tật từ trang đầu đến trang cuối. Khi một phóng viên nhận xét rằng có 27.000 doanh nghiệp niêm yết và hỏi ông bắt đầu nghiên cứu như thế nào, ông đáp, “tôi bắt đầu từ vần A.” Ông không hề nói đùa. Ông thật sự nghiên cứu tất cả 27.000 doanh nghiệp theo thứ tự bảng chữ cái và lọc lại những công ty đáng đầu tư nhất. Ông có bỏ ra hơn 10.000 giờ để hoàn thiện kỹ năng của mình không? Bạn đoán thử xem!
Một vận động viên nghiệp dư 18 tuổi có số giờ kinh nghiệm tương đương với một vận động viên chuyên nghiệp 28 tuổi.
Bây giờ, đến lượt Tiger Woods, tay chơi gôn xuất sắc nhất thế giới. Năm 18 tuổi, Woods trở thành người trẻ nhất trong lịch sử từng đoạt Giải vô địch nghiệp dư Mỹ và anh đã giữ danh hiệu đó trong hai năm liên tiếp. Ở tuổi 22, anh là tay chơi trẻ nhất trong lịch sử chính thức đạt được danh hiệu số 1 thế giới. Một lần nữa, liệu có phải tài năng thiên bẩm là yếu tố giúp anh vượt lên trên mọi đấu thủ? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Khi Tiger còn bé, người cha từng được huấn luyện trong quân đội của cậu đã làm một nơi phát bóng trong nhà để xe bằng thảm và lưới. Tiger được đặt ngồi trong chiếc ghế cao và nhìn bố mình tập đánh gôn. Khi cậu được 9 tháng tuổi, bố cậu cưa cây gậy đánh gôn ngắn đi cho Tiger tập đánh bóng vào lưới. Khi cậu được 18 tháng tuổi, bố cậu bắt đầu đưa cậu đến các lớp dạy đánh gôn dành cho trẻ em.
Khi cậu lên 4 tuổi, bố mẹ cậu thuê hẳn một huấn luyện viên về nhà dạy cho cậu 4-5 giờ liên tục mỗi ngày. Tiger tập đánh bóng 800 -1000 lần cho tới khi cậu đánh được trái bóng một cách hoàn hảo. Lên 6 tuổi, cậu bắt đầu tham gia những giải đấu dành cho thiếu nhi và vượt qua cả những đứa trẻ lớn hơn mình nhiều tuổi.
Khi được 18 tuổi, chàng thiếu niên Tiger đã sẵn sàng tham gia vào Giải vô địch nghiệp dư Mỹ. Cậu đã tích lũy được hơn 15 năm tập luyện (bỏ xa mốc 10.000 giờ) trong khi những đối thủ của cậu có ít hơn phân nửa số năm kinh nghiệm đó. Lẽ dĩ nhiên, họ không tài nào sánh kịp với cậu và Tiger giành chiến thắng một cách tâm phục khẩu phục.
Thậm chí ngay cả khi Tiger Woods đã trở thành tay chơi gôn hàng đầu thế giới và là cái tên mọi nhà đều biết, anh vẫn tuân thủ chế độ tập luyện nghiêm ngặt với 10 giờ tập đánh gôn mỗi ngày, 7 ngày trong tuần. Quy trình tập bao gồm 1 tiếng rưỡi tập chạy và tập thể lực, 4 tiếng rưỡi tập đánh bóng, 2 tiếng tập chơi gôn và 2 tiếng tập thi đấu. Đó là điều kiện cần và đủ đưa anh lên vị trí dẫn đầu… và đứng vững ở đó.
Bạn có nghĩ là nếu mình bắt đầu chơi gôn từ khi còn bé (18 tháng tuổi) và tập
luyện 10 giờ mỗi ngày, bạn cũng giỏi được như thế không?
Quy tắc 10.000 giờ này áp dụng cho tất cả mọi người, dù nổi tiếng hay không nổi tiếng, và trong mọi lĩnh vực. Rebecca Adlington, vận động viên bơi lội 19 tuổi từng đoạt 2 huy chương vàng tại Thế vận hội Bắc Kinh, đã đầu tư khoảng 8.840 giờ tập luyện kể từ khi cô bé 12 tuổi. Maxim Vengerov, 34 tuổi, là một trong những tay violin hàng đầu thế giới. Anh được sinh ra tại thành phố Novosibirsk ở Siberia và sau khi được tặng một cây violin nhỏ khi lên 4, anh bắt đầu tập luyện suốt 7 giờ mỗi ngày, trình diễn lần đầu tiên khi lên 5 và giành được giải thưởng quốc tế lần đầu tiên ở tuổi 15. Maxim nói: “Mẹ tôi thường về nhà lúc 8 giờ tối, nấu bữa tối rồi dạy tôi chơi đàn đến tận 4 giờ sáng.”
Nhưng… còn những thần đồng nhí thì sao?
Nhiều người phản đối giả thuyết này, cho rằng làm gì có tài năng nào được hun đúc mà nên, rằng vẫn có những thần đồng nhí được trời phú cho một số tài năng nhất định và đã thể hiện những khả năng đáng kinh ngạc một cách hoàn toàn tự nhiên, chẳng hạn như biết nói, biết đọc, hay chơi nhạc và chiến thắng trong những cuộc thi với những đứa bé hơn mình nhiều tuổi, ngay từ khi còn rất nhỏ.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu, người ta phát hiện ra rằng những trường hợp đó thường là do bố mẹ khơi dậy sở thích và trí não của trẻ từ thuở ban đầu. Chính bố mẹ của những đứa trẻ đó đã đầu tư công sức vào chúng. Chẳng hạn, Mozart nổi danh vì biết sáng tác nhạc vào năm 6 tuổi. Các nghiên cứu xa hơn cho thấy thật ra bố của Mozart đã bắt đầu dạy cậu chơi nhạc khi cậu mới lên 3, và góp phần không nhỏ vào những tác phẩm đầu tay của Mozart. 7 bản concerto đầu tiên của Mozart chủ yếu được phỏng theo và biên soạn lại từ những sáng tác của các nhà soạn nhạc khác. Kiệt tác đầu tiên, tác phẩm được công nhận là nguyên bản thực thụ, chỉ hoàn thành khi ông 21 tuổi. Và một lần nữa, đây cũng chính là thời điểm sau khi ông đã vượt qua con số 10.000 giờ tập trung nỗ lực.
Tôi tài giỏi? Cảm ơn lời khen tặng nhưng…
Bài học rút ra là không ai giỏi mà không cần cố gắng. Nếu thật sự là chỉ cần tìm thấy được lĩnh vực mà mình có khả năng thiên phú, chúng ta có thể tài giỏi ngay từ những ngày đầu thì hay biết mấy! Nhưng đáng tiếc, chuyện đó không bao giờ xảy ra. Chưa từng có một bằng chứng nào về việc đạt được những thành tích xuất sắc mà không cần tích lũy kinh nghiệm hay tập luyện kiên trì.
Tin tốt lành là cho dù bạn không may mắn có được năng khiếu trời cho thì cũng không quan trọng – tài năng chẳng liên quan gì mấy đến những thành quả mà bạn đạt được. Thành công không dành riêng cho bất kỳ ai cả. Ai cũng có cơ hội để trở nên xuất chúng. Vì thế, đừng bao giờ tự biện hộ rằng mình không có tài như người khác. Bạn hoàn toàn có thể bước lên đỉnh vinh quang bằng chính sức lực của mình.
Nhưng nếu tôi không bắt đầu rèn luyện từ năm 3 tuổi thì có quá trễ không?
Nhiều người cảm thấy nhụt chí, nản lòng khi đọc tiểu sử hay xem những bộ phim tái hiện những nhân vật tài năng xuất chúng bắt đầu rèn luyện từ khi còn rất trẻ. “Năm nay tôi đã 35 tuổi rồi. Liệu tôi có còn phát triển tài năng được nữa không?”
Nếu bạn là một nhạc sĩ và không có cơ hội bước vào thế giới âm nhạc từ năm 3 tuổi, sự thật là bạn có thể sẽ không bao giờ trở nên nổi tiếng hoặc vượt qua được những người đã rèn luyện từ rất sớm, nhưng những nghiên cứu cho thấy ai trong chúng ta cũng có thể phát triển tài năng lên một cấp bậc cao hơn rất nhiều so với hiện tại, đến mức mà chúng ta chưa từng nghĩ mình sẽ đạt được. Có thể bạn không trở thành nhạc sĩ ưu tú nhất thế giới, nhưng chắc chắn bạn sẽ nổi trội trong lĩnh vực của mình. Có thể bạn không phải là nhà đầu tư chứng khoán tài cán nhất, nhưng nhiều khả năng bạn sẽ trở thành triệu phú trong quá trình trui rèn kỹ năng đầu tư chứng khoán.
10.000 giờ nỗ lực hết mình
Nếu bạn muốn thành thạo một kỹ năng chuyên môn nào đó, bạn phải tập trung rèn luyện kỹ năng đó liên tục mỗi ngày. Bạn càng dành nhiều thời gian thực hành kỹ năng đó bao nhiêu, bạn càng nắm vững nó bấy nhiêu. Khi bạn vượt qua cột mốc 10.000 giờ, bạn sẽ thấy mình có thể thực hiện việc đó một cách xuất sắc mà không cần tốn nhiều công sức.
Nhiều người ngạc nhiên khi thấy tôi có thể diễn thuyết trong một chuyên đề kéo dài 56 tiếng (4 ngày liên tục, mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm) mà không cần xem qua bất cứ tài liệu ghi chú nào. Việc tôi có thể thuyết trình đầy tự tin trước bất cứ đám đông nào mà không cần chuẩn bị trước là thành quả của quá trình tập luyện nói chuyện trước đám đông trung bình 4-5 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần trong suốt 22 năm qua. (Đúng thế, tôi bắt đầu tập diễn thuyết khi còn là một cậu học sinh 15 tuổi.)
Nếu như bạn cũng dành ra ngần ấy thời gian để tập luyện kỹ năng diễn thuyết, bạn cũng có thể làm được những gì mà tôi đang làm ngày hôm nay.
Vậy thì cần bao lâu để chạm mức 10.000 giờ? Nếu như bạn tập liên tục 4 giờ mỗi ngày, bạn cần 6,8 năm. Nếu bạn tập 5 giờ mỗi ngày, bạn cần 5,5 năm. Nếu bạn tập 6 giờ mỗi ngày, bạn cần 4,5 năm.
Vì vậy, nếu bạn muốn trở thành người bán hàng bậc thầy, hãy quyết tâm dành ra 4 – 6 giờ mỗi ngày để rèn luyện kỹ năng thuyết phục khách hàng. Nếu mục tiêu của bạn là trở thành nhà đầu tư hay thương gia tài năng, hãy dành ra 4 – 6 giờ mỗi ngày để phân tích các báo cáo tài chính và biểu đồ chứng khoán. Nếu bạn muốn trở thành tác giả có sách bán chạy nhất, hãy dành ra 4-6 giờ mỗi ngày để đọc sách và viết các bài văn ngắn, tiểu luận và sách.
Điều gì ngăn cản đa số người đời thành công?
Tôi chắc bạn có quen một số người làm việc trong ngành nhiều năm nhưng có vẻ như không sở hữu tài năng gì nổi trội. Họ cứ duy trì ở mức thường thường bậc trung. Tại sao lại như vậy?
Vấn đề nằm ở chỗ nhiều người không đủ kiên nhẫn và lòng tin rằng nỗ lực của họ sẽ được đền đáp xứng đáng. Họ muốn nhìn thấy thành quả ngay tức khắc và trở nên thành công một sớm một chiều. Dĩ nhiên, họ không thể nào có được điều đó, và thế là họ nghĩ mình bất tài và đầu hàng bỏ cuộc. Vì thế mà họ không bao giờ tài giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào.
Một lý do khác là nhiều người không đủ kiên trì tập trung làm một việc gì đó lâu dài, ngày qua ngày cho đến khi họ phát triển tột bậc. Họ dễ nhàm chán sau một thời gian ngắn và bị thứ này thứ kia phân tâm, chi phối. Rốt cuộc, họ biết rất nhiều thứ nhưng không giỏi thứ gì cả. Lý Tiểu Long trở thành võ sư xuất sắc nhất mọi thời đại là nhờ anh nỗ lực tập luyện hàng trăm lần một cú đấm trước khi chuyển sang đòn thế khác.
“Tôi không sợ những người từng tập 10.000 cú đá qua một lần, tôi sợ những người đã tập một cú đá 10.000 lần.”
Lý Tiểu Long
Không chỉ rèn luyện… mà phải rèn luyện có cân nhắc!
Nếu chỉ cần chăm chỉ rèn luyện, thì có rất nhiều người làm cùng một việc mỗi ngày, trong suốt nhiều năm trời. Vậy tại sao tất cả họ không trở nên tài ba xuất chúng? Tôi biết có những người đã dạy học 25 năm, đứng trước lớp hàng ngàn giờ nhưng phong cách dạy học buồn tẻ, khó hiểu của họ từ những ngày đầu vẫn không thay đổi. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, chỉ “rèn luyện” không thôi chưa đủ. Nếu bạn liên tục làm một việc gì đó không đúng cách, bạn sẽ chỉ ngày càng giỏi làm việc đó không đúng cách. Không những thế, nếu bạn không thay đổi cách làm, bạn sẽ chỉ nhận được cùng một kết quả.
Rèn luyện không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự hoàn hảo. Rèn luyện tạo ra thói quen.
Thay vào đó, yếu tố khiến con người ta trở nên vượt trội được gọi là “rèn luyện có cân nhắc.” Để rèn luyện có cân nhắc, bạn cần bốn yếu tố sau…
1) Thường xuyên và không ngừng cải thiện
Trong khi rèn luyện, bạn phải tập trung vào việc không ngừng cải thiện kết quả của mình. Điều này đồng nghĩa với việc ghi nhận lại kết quả trước và sau mỗi lần tập luyện. Bạn phải đánh giá kết quả mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm để bảo đảm mình đang ngày càng tiến bộ. Nếu bạn đặt ra mục tiêu cải thiện kết quả lên 1% hàng tuần, bạn sẽ tăng được 66% sau 1 năm và 1.300% sau 5 năm. Đó là sức mạnh của sự tích lũy.
Nếu mục tiêu của tôi là trở thành nhà môi giới chứng khoán thành đạt, tôi sẽ xác định ra những kết quả cực kỳ cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn như đạt lợi nhuận 25% mỗi tháng. Một cách đo lường kết quả khác là đạt tỉ lệ thắng thua 7:3.
Sau đó, tôi sẽ đánh giá kết quả của mình trước mỗi đợt giao dịch. Ví dụ, ở thời gian đầu, tôi đạt lợi nhuận 5% mỗi tháng và tỷ lệ giao dịch thành công là 55%. Trong lúc giao dịch, tôi sẽ liên tục tự nhủ, “làm sao để đạt kết quả cao hơn?” hay “Có cách làm nào tốt hơn chăng?” Bằng cách không ngừng tự vấn bản thân bằng những câu hỏi đó, bạn sẽ đưa mình vào thế liên tiếp khám phá và áp dụng những chiến lược ngày càng tốt hơn, cho đến khi bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
Nếu là một tay chơi gôn, tôi có thể đặt mục tiêu dùng gậy 350 lần và đưa bóng vào phạm vi 5 mét quanh lỗ. Tỷ lệ thành công là 80%. Tôi sẽ không ngừng ghi nhận kết quả, điều chỉnh, và thực hiện việc này nhiều giờ mỗi ngày – đó chính là phương pháp rèn luyện có cân nhắc nhằm đem đến cho bạn kết quả khả quan.
2) Thông tin phản hồi và điều chỉnh lại cho phù hợp
Những người thành công biết rằng cho dù giỏi đến cỡ nào, họ cũng phải luôn luôn lắng nghe ý kiến phản hồi chân thành từ những tấm gương đi trước, những người thầy hay huấn luyện viên của họ. Tiger Woods là tay chơi gôn giỏi nhất thế giới, vậy mà anh vẫn cần một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Tuy huấn luyện viên của anh không thể nào giỏi được bằng anh, thế nhưng ông có thể nhìn thấy được những điều trong các trận đấu mà chính bản thân anh, nhà vô địch, không nhận ra được.
Chúng ta thường cần đến sự giúp đỡ của những người thầy, những huấn luyện viên để giúp ta nhận ra điểm mù của bản thân và động viên thúc đẩy ta mỗi khi ta chểnh mảng. Chúng ta cần được phản hồi liên tục để khắc phục những điểm còn yếu đó và đứng vững trên đỉnh cao.
3) Lặp đi lặp lại
Biết làm là một chuyện. Làm được như những gì mình biết dưới áp lực cao lại là chuyện khác. Thực hiện nhiều lần chính là tác nhân biến kiến thức thành kỹ năng riêng của mỗi người.
Những người thành công có thể phát huy hiệu suất tối đa, ngay cả khi họ đang phải chịu áp lực nặng nề, là nhờ trước đó, họ đã làm đi làm lại việc này nhiều lần đến mức nó trở thành bản năng thứ hai của họ. Chúng ta đạt đến ngưỡng năng lực vô thức khi chúng ta có thể làm một việc gì đó một cách thoải mái tự nhiên, mà không cần suy nghĩ về nó. Chỉ khi chúng ta đạt đến “trạng thái trôi chảy” này, chúng ta mới thật sự trở nên xuất sắc.
Bí quyết để giỏi đến mức trông có vẻ như không tốn chút công sức nào chính là việc lặp đi lặp lại một hành động chính xác. Đó chính là lý do tại sao Lý Tiểu Long tập một cú đá đơn giản hơn 10.000 lần và Michael Jordan tập thảy banh vào rổ 200 lần mỗi ngày.
4) Nới rộng vùng thoải mái
Bên cạnh việc thực hiện nhiều lần cho đến khi thành thạo, bạn cũng cần đẩy bản thân mình ra khỏi vùng thoải mái. Vùng thoải mái là những tình huống, thời điểm mà bạn cảm thấy an toàn, thoải mái hoặc có thể kiểm soát được. Khi bạn đẩy mình ra khỏi những giới hạn, vùng thoải mái của bạn sẽ được nới rộng ra. Vào thời điểm tâm trí bạn được thử thách ở một phạm vi mới, nó sẽ không bao giờ trở lại như cũ nữa.
Vậy thì, nếu chạy 5 km trong vòng 1 giờ là quá dễ dàng đối với bạn, hãy thử động viên mình chạy thêm 500 m mỗi tuần. Với tất cả sự kiên trì, chỉ trong vòng mấy tháng, bạn sẽ có thể tham gia một cuộc chạy đua marathon dài 42 km. Trong thực tế, đây chính là cách người ta tập chạy marathon hoặc rèn luyện để đạt được những kỳ tích. Ngay khi họ cảm thấy mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng thoải mái, họ lại bắt đầu nỗ lực hơn nữa, từng chút từng chút một cho đến khi họ tạo ra bước đại nhảy vọt.
Lập kế hoạch rèn luyện có cân nhắc ngay hôm nay
Trước khi kết thúc chương này, hãy tự hứa với lòng rằng bạn sẽ làm bất cứ việc gì để có thể trở nên xuất sắc trong lĩnh vực mà mình đã chọn.
Bạn có thể bắt đầu bằng bài tập sau.
1) Bạn muốn thuần thục kỹ năng nào? (đầu tư, bán hàng, quản lý, nói chuyện trước đám đông, viết lách…)
___
2) Bạn dành ra mấy tiếng mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng để rèn luyện kỹ năng này trong thời gian gần đây?
___
3) Bạn đã tích lũy được bao nhiêu giờ rèn luyện kể từ lúc bắt đầu?
___
4) Bạn cần thêm bao nhiêu giờ để đạt mức 10.000 giờ?
___
5) Bạn quyết tâm dành ra bao nhiêu giờ mỗi ngày/tuần/tháng để phát triển kỹ năng này?
___
6) Bạn đánh giá quá trình tiến triển của mình bằng những kết quả cụ thể nào? Hiện nay, bạn đang đạt kết quả ra sao?
(Ví dụ: Tôi đang thực hiện 20 cuộc gọi bán hàng mỗi ngày và tỷ lệ bán hàng thành công là 10% số cuộc gọi)
___
Cái giá của thành công rất cao, nhưng đồng thời bạn hay bất cứ người nào chịu trả cái giá đó cũng có thể thành công. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là – Liệu bạn có còn muốn thành công hay không?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.