Chiến Thắng Trò Chơi Cuộc Sống

Phần III. LÀM CHỦ THẾ GIỚI NỘI TẠI TRONG BẠN – Chương 9: Làm chủ thế giới nội tại trong bạn



Yếu tố nào tác động đến cuộc đời và định mệnh của chúng ta? Tương lai của chúng ta được quyết định như thế nào? Đã nhiều năm tôi mê mải đi tìm đâu là điều tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống của tất cả mọi người.
Vì sao có những người đạt được rất nhiều thứ họ muốn? Họ trở thành những cá nhân thành công, hạnh phúc và giàu có, ảnh hưởng tích cực đến cả thế giới đồng thời trở thành những tấm gương về năng lực vượt trội để người đời noi theo. Trong khi đó, không thiếu những người phải chịu cảnh phá sản, bất hạnh và bế tắc.

Làm chủ vận mệnh – May mắn hay sự lựa chọn?

Đã có lúc tôi tin rằng chính hoàn cảnh hoặc dòng đời đưa đẩy là nhân tố quyết định cuộc sống của chúng ta, theo chiều hướng tốt hoặc xấu… Những người thành đạt trong cuộc sống chẳng qua là nhờ họ được sinh ra trong những gia đình khá giả, có trí thức, được thương yêu và ủng hộ. Nói cách khác, họ được sao tốt chiếu mệnh và có nhiều cơ may hơn người. Tôi thấy nhiều người khác cũng tin vào điều này. Suy cho cùng, nếu mai đây đời ta không hạnh phúc, không thành công như mong đợi, thì ta có thể lôi những lý do ấy ra để biện hộ cho mình, đổ lỗi cho người khác và cho số phận đen đủi. Giờ thì tôi nhận ra quan điểm này không hề đúng. Tôi đã thấy rất nhiều người có được mọi thứ tốt đẹp nhất, may mắn nhất: gia đình giàu có, cha mẹ yêu thương, học hành đầy đủ, tiền bạc dồi dào, cơ hội tốt vây quanh…, thế nhưng họ lại biến thành những kẻ chây lười, mặc kệ mọi thứ muốn ra sao thì ra và hoàn toàn không hạnh phúc. Một số còn tiêu xài vung vít tài sản gia đình, suốt ngày chìm đắm trong tiệc tùng, cờ bạc, rượu chè và ma túy.

Ngược lại, tôi biết có những người bị cuộc đời này ngược đãi. Họ không có gì cả. Không học vấn, không gia đình, không tiền bạc, và cũng chẳng có ai thương yêu, ủng hộ. Thậm chí một số người còn bị hành hạ, bị đối xử không công bằng và phải tự thân vượt qua bao khó khăn do tật nguyền mang lại. Vậy mà, cuối cùng họ lại là những người sống hạnh phúc nhất, thành công nhất và viên mãn nhất.

Oprah Winfrey xuất thân là một bé gái mồ côi, từ nhỏ đã bị đánh đập và xâm hại tình dục. Kinh ngạc thay, về sau bà trở thành một trong số những người tự tin nhất, giàu lòng trắc ẩn nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất hành tinh. Bà là một trong số ít nữ tỷ phú nổi tiếng trên thế giới.

Ngôi sao nhạc rap Eminem sống cùng mẹ trong cảnh bần hàn sau khi cha anh bỏ đi lúc anh vẫn còn là một đứa trẻ 18 tháng tuổi. Trải qua những tháng ngày bị cha dượng hành hạ tàn nhẫn, đến 17 tuổi anh tự ý bỏ học. Chính gia cảnh khốn cùng này đã khiến anh khao khát và quyết tâm trở thành nghệ sĩ nhạc rap thành công nhất thế giới, với tổng số đĩa bán ra là 86,5 triệu bản và giành 13 giải Grammy.

Những doanh nhân người Singapore như Sim Wong Hoo, Olivia Lum (gốc Perak, Malaysia) và Ron Sim đều được sinh ra trong những gia đình nghèo khổ, rỗng túi. Olivia Lum mồ côi từ nhỏ. Bà mẹ nuôi của cô suốt ngày chỉ biết cờ bạc đến độ tiêu sạch số tiền dành dụm cả đời và mất luôn cả căn nhà hai mẹ con đang ở. Ron Sim mới 9 tuổi đã phải bươn chải nuôi gia đình (anh đi bán mì dạo) và chỉ học được hết cấp hai. Vậy mà họ vẫn gầy dựng nên những doanh nghiệp thành công nhất châu Á. Họ thừa nhận rằng chính hoàn cảnh gia đình khó khăn đã cho họ ý chí và nguồn động lực để cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân mình.

(Olivia Lum (giá trị tài sản 400 triệu đô) là nhà sáng lập ra Hyflux, Ron Sim (giá trị tài sản 255 triệu đô) sáng lập ra Osim International và Sim Wong Hoo (giá trị tài sản 100 triệu đô) là người sáng lập ra Creative Technologies).

Sự thật là những sự việc bên ngoài hoặc môi trường chung quanh không phải là yếu tố quyết định chuyện thành bại trong cuộc đời chúng ta. Nó lại càng không thể quyết định mẫu người mà ta mong muốn trở thành trong tương lai. Những tác nhân đó chính là THẾ GIỚI BÊN NGOÀI vượt khỏi tầm kiểm soát của ta. Ta làm nên số phận của mình bằng cách phản ứng lại những sự việc ấy thông qua suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình. Đó là THẾ GIỚI NỘI TẠI mà ta hoàn toàn có thể làm chủ.

Công thức “HC + PƯ = KQ” (Hoàn cảnh + Phản ứng = Kết quả)
Vẫn còn một số người cảm thấy bất lực và vô dụng bởi họ tin mình chẳng làm được gì nhiều để thay đổi kết cục cuộc đời mình, mà chính sự việc bên ngoài (hoặc môi trường chung quanh) là yếu tố quyết định tất cả. Họ tin vào công thức “HC = KQ” (Hoàn cảnh = Kết quả).

Ví dụ, nếu họ được sinh ra trong một gia đình nghèo rớt mồng tơi, không có một tấm gương nào để noi theo (Hoàn cảnh – HC), thì có nghĩa là họ sẽ phải chịu cảnh bần hàn cho đến hết đời (Kết quả – KQ). Nếu không may đi làm gặp phải ông sếp không biết hướng dẫn, động viên và thăng chức cho họ (Hoàn cảnh – HC), họ sẽ an phận thủ thường chứ không nghĩ đến chuyện nỗ lực phấn đấu để được đề bạt (KQ – Kết quả).

Người thành công nhận ra một điều: “Hoàn cảnh” tự nó không quyết định “Kết quả”. Mà đối với họ, “Kết quả” được xác định bởi cách họ lựa chọn “Phản ứng” (PƯ) trước “Hoàn cảnh” đó. Họ biết mình hoàn toàn có thể làm chủ phản ứng thông qua suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bản thân. Chính những yếu tố ấy mới quyết định kết quả sau cùng.

Bạn phải làm gì nếu bị sa thải?

Hãy tưởng tượng bạn làm việc cho một doanh nghiệp đa quốc gia có tầm cỡ trong suốt 25 năm qua. Bạn làm việc chăm chỉ, gắn bó trung thành với công ty và có nhiều đóng góp quan trọng giúp cho chi nhánh ở nước sở tại vươn lên trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh. Bỗng nhiên, ban lãnh đạo quyết định thay thế bạn bằng một người khác trẻ hơn, lương thấp hơn nhằm cắt giảm chi phí ngắn hạn và tăng lợi nhuận trong thời điểm kinh tế suy thoái. Tình huống này thường xảy ra với những người ngồi ghế quản lý ở độ tuổi 40, 50 trong nhiều công ty lớn.

Nếu rơi vào hoàn cảnh này, bạn sẽ cảm thấy ra sao? Bạn nghĩ HOÀN CẢNH này sẽ quyết định KẾT QUẢ của cả cuộc đời bạn như thế nào? Bạn sẽ cải thiện tình hình, hay cứ để mặc nó ngày một tồi tệ hơn? Chẳng phải mọi thứ phụ thuộc vào cách bạn lựa chọn PHẢN ỨNG sao?

Hãy nhớ, chúng ta phản ứng thông qua suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Nếu bạn tự nhủ, “sao họ có thể đối xử với mình như thế? Sao họ lại phản bội mình? Mình đã phí phạm 25 năm cuộc đời! Mình đã mất đi công ăn việc làm ổn định!” thì những suy nghĩ kiểu này sẽ kéo theo những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, tuyệt vọng, sợ hãi, trầm cảm, cay đắng và chán nản.

Bạn sẽ hành động ra sao với những cảm xúc tiêu cực kể trên? Bạn có hào hứng đi tìm việc mới hoặc mở công ty riêng không? Bạn có thể hiện niềm đam mê và lòng nhiệt tình khi đi phỏng vấn không? Bạn có sẵn lòng dành trọn tâm trí cho những điều mới mẻ không? Có vẻ là không. Nếu cứ mãi chìm đắm trong những cảm giác tức giận, chua xót, nản chí, bạn sẽ chẳng bao giờ toàn tâm toàn ý làm bất cứ điều gì. Ngược lại, bạn sẽ trở thành kẻ yếu thế, thờ ơ và bỏ lỡ mọi cơ hội trải ra trước mắt mình. Rồi có khi bạn sẽ tìm quên trong rượu chè bù khú. Và chắc hẳn kết quả sẽ chẳng tốt đẹp gì.

Tuy nhiên, nếu lâm vào tình cảnh tương tự, bạn có thể chọn cách phản ứng khác đi. Bạn có thể chọn cách nghĩ, “thay vì giúp sếp giàu lên, mình có thể dùng 25 năm kinh nghiệm vào việc gầy dựng doanh nghiệp cho riêng mình”, “vậy là công ty đã mất đi một tài sản quý giá”, hoặc “giờ thì mình tha hồ mang kiến thức và kỹ năng sang đóng góp cho một doanh nghiệp khác biết trân trọng những gì mình mang lại.”

Những suy nghĩ này tạo ra những cảm xúc khác hẳn. Nhìn nhận hoàn cảnh theo cách này sẽ khiến bạn thấy hứng khởi, tràn đầy năng lượng và tự tin. Cảm xúc khác đi, chẳng lẽ bạn không hành động khác đi? Nhiều khả năng bạn sẽ đi tìm việc mới, mở công ty riêng, thử sức ở nước ngoài, trau dồi bản thân và nỗ lực hết mình trong mọi chuyện – bất cứ điều gì bạn làm. Kết quả là bạn sẽ tìm được điểm dừng chân khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc và thành công hơn.

Phá sản ở tuổi 72-82 tuổi trở thành triệu phú

Một trong những tấm gương sáng về khả năng tự quyết cuộc đời mình là câu chuyện của Lim Tow Yong. Lim từng là một doanh nhân cực kỳ thành công vào những năm 1960, 1970. Ông sở hữu công ty Emporium đang giữ vị trí quán quân trong ngành bán lẻ tại Singapore lúc bấy giờ. Một năm tổng doanh thu của Emporium lên đến 300 triệu đô.

Thế rồi vào những năm cuối thập niên 1980, ông phải đối mặt với hàng loạt biến cố to lớn. Đất nước Singapore lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng và kéo dài. Những đối thủ cạnh tranh vốn nước ngoài như Courts, Harvey Norman, Giant và Carrefour chớp thời cơ nhảy vào thị trường bán lẻ. Hậu quả của việc không kịp đổi mới và cải tạo doanh nghiệp là cơ đồ của ông nhanh chóng sa sút rồi phá sản.

Ở tuổi 72, ông tuyên bố phá sản với số nợ lên đến 80 triệu đô. Đa số người khác nếu vướng vào thảm cảnh tương tự hẳn sẽ tự nhủ, “đời mình thế là hết. Mình tiêu rồi!”, “mình đã quá già, còn đâu sức lực để lấy lại những gì đã mất.” Họ sẽ khoanh tay chấp nhận số mệnh bạc bẽo. Nhưng Lim biết mình không chịu tình cảnh này đến hết đời. Ông hiểu rằng chính thái độ sống của mình mới làm nên vận mệnh.

Thay vì ngồi một chỗ nhớ về thời vàng son, ông tập trung vào những gì mình còn sót lại: bạn bè, kiến thức và kinh nghiệm thương trường. Thay vì mải nuối tiếc những gì đã mất, ông tập trung nghĩ cách tìm lại chúng. Với ngọn lửa đam mê, lòng nhiệt tình, quyết tâm cao độ, ông quyết định sang Brunei và Malaysia để thành lập doanh nghiệp bán lẻ mới. Cầm số tiền huy động được từ những người tin tưởng cho ông vay mượn, thêm các nhà đầu tư và đối tác hợp tác kinh doanh, ông đã vực dậy và dựng lên 17 cửa hàng và siêu thị trong vòng 10 năm sau đó. Ở tuổi 82, ông sở hữu khối tài sản trị giá 4,2 triệu đô. Ông lại trở thành triệu phú một lần nữa.

Làm chủ tư duy, làm chủ cuộc đời

Bạn thấy đó, tương lai nằm trong tay bạn. Tất cả phụ thuộc vào việc bạn lựa chọn phản ứng trước sóng gió cuộc đời như thế nào. Quan trọng nhất là bạn phải làm chủ tư duy, bởi suy nghĩ chính là tác nhân tạo ra cảm xúc, và cảm xúc là yếu tố quyết định cách bạn hành động.

Lý do nhiều người cảm thấy mình bị hoàn cảnh chi phối là vì họ không có ý thức làm chủ tư duy. Họ cho phép luồng suy nghĩ “tự đến tự đi” và chẳng chóng thì chầy, họ phản ứng mặc định trước những sự việc diễn ra. Tôi gọi đây là những mô thức cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, khi bị khách hàng từ chối, họ sẽ thấy nản lòng. Khi bị bạn đời chỉ trích, họ nổi giận. Khi mất mối làm ăn, họ thất vọng. Bạn có thấy quen thuộc không?

Để chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, bạn phải bắt đầu kiểm soát suy nghĩ của bản thân. Bạn phải biết mình cần TẬP TRUNG vào những gì và hiểu rõ Ý NGHĨA của nó đối với bạn.

Tôi cần tập trung vào điều gì?

 

“Sự tập trung ngang bằng với cảm xúc. Sự tập trung đi đến đâu, năng lượng theo đến đó.”

Anthony Robbins

Điều đầu tiên bạn cần lưu ý trong quá trình tư duy là bạn đang tập trung vào những gì, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và những hành động tương ứng tiếp theo của bạn.

Nếu bạn mải lưu tâm đến mức độ trầm trọng của vấn đề hoặc những thứ bạn đã mất, bạn sẽ càng lúc càng thấy mình bất lực. Mặt khác, nếu bạn chú trọng đến những nguồn lực đang có trong tay cũng như kết quả bạn mong muốn, bạn sẽ thấy mình sẵn sàng hành động tích cực.

Nghiên cứu cho thấy chúng ta trò chuyện với chính mình (trong tư tưởng) khoảng 60.000 lần mỗi ngày. Chính những gì ta tự nói với bản thân sẽ hướng sự chú ý của ta vào việc đó. Khi kẻ thất bại gặp một sự việc tiêu cực, họ có khuynh hướng tự đặt ra trong đầu mình những câu hỏi đại loại như:

Tại sao chuyện này lại xảy ra với mình?

Mình trách ai bây giờ?

Mình mất những gì?

Khi tự hỏi mình những câu như vậy, họ chỉ toàn nhìn thấy nguyên nhân gây ra sự tình. Họ chỉ chăm chăm oán trách người khác và tự dằn vặt vì những gì đã mất. Tất cả khiến họ mang nặng cảm giác tiêu cực trong lòng như nuối tiếc, giận dữ, tuyệt vọng và buồn rầu.

Trong khi đó, người thành công lại quan tâm đến những gì mang đến cho họ động lực để bắt tay vào sửa chữa sai lầm. Khi người thành công đối mặt với những tình cảnh tương tự, họ thường tự hỏi:

Mình rút ra bài học gì từ chuyện này?

Mình có trong tay những gì?

Mình xoay chuyển tình huống bằng cách nào?

Với những câu hỏi trên, mặc nhiên tâm trí bạn sẽ hướng đến việc học hỏi kinh nghiệm và tìm ra giải pháp. Bạn cũng sẽ động não xem mình cần huy động những nguồn lực nào để đạt được thành quả mong muốn. Dù mục tiêu bạn hướng đến là gì đi nữa, bạn đều có thể hình dung về nó thật rõ ràng. Nhờ vậy mà bạn ở trong tâm thế sẵn sàng hành động nhằm đạt được kết quả tối ưu.
Chẳng phải đây chính là cách ông Lim Tow Yong ở tuổi 72 vượt qua tình thế phá sản để một lần nữa sở hữu hàng triệu đô đó sao? Khi vỡ nợ, ông không tự tra tấn mình bằng những câu như, “tại sao lại là tôi?” Ông cũng không ngồi đó lên án đối thủ cạnh tranh thừa nước đục thả câu khi nền kinh tế Singapore suy thoái. Ông cũng không bận tâm đến việc mình vừa bị mất sạch tiền. Nếu ông làm thế, hẳn ông đã bị trầm cảm nặng, thậm chí phát điên.

Thay vào đó, ông rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong công việc kinh doanh. Việc làm này giúp ông trở nên khôn ngoan hơn, dày dạn hơn khi khôi phục lại cơ ngơi của mình. Ông tập trung vào những gì mình có (kinh nghiệm, các mối quan hệ làm ăn và uy tín của một doanh nhân chân chính suốt mấy mươi năm qua). Quan trọng hơn cả, ông nỗ lực hết mình để trở thành triệu phú một lần nữa. Bạn nhớ cho, khi bạn tập trung vào điều gì, mọi nguồn năng lượng sẽ đổ dồn về phía đó.

Ý nghĩa mà bạn gán cho một sự việc sẽ trở thành chính sự việc đó
Bạn cảm nhận thế nào và hành động ra sao trước một sự việc phụ thuộc vào ý nghĩa mà bạn gán cho nó? Ví dụ, hãy thử tưởng tượng bạn có hẹn với vợ/ chồng mình hoặc người yêu lúc 7 giờ tối.

7 giờ rưỡi, người ấy vẫn chưa đến, cũng không gọi điện. Bạn cảm thấy gì? Rõ ràng, câu trả lời phụ thuộc vào những gì bạn tập trung tâm trí vào và ý nghĩa của sự trễ nãi đối với bạn, đúng không?

Nếu trong đầu bạn nhớ về nhiều lần họ trễ hẹn trong quá khứ và thầm nghĩ, “lại trễ NỮA RỒI!” Và bạn bắt đầu tự đối thoại với chính mình, “thế này thì người ta chẳng coi mình ra gì cả! Có vẻ như mình chẳng hề quan trọng.” Thế là bạn sẽ nổi điên lên cho mà xem.

Ngược lại, nếu bạn lo lắng người ấy đến muộn vì có chuyện gì khẩn cấp hoặc gặp tai nạn giao thông, bạn sẽ thấy lửa đốt trong lòng.

Điều quan trọng nhất bạn cần hiểu là người đến muộn không phải là nguyên nhân khiến bạn tức giận hoặc lo lắng. Họ không gợi lên những cảm xúc ấy trong lòng bạn, mà chính bạn tự gây ra cho mình. Đó là ý nghĩa bạn gán cho một sự việc dẫn đến những gì bạn cảm nhận.

Người thành công nghĩ đến những ý nghĩa tạo động lực còn kẻ thất bại chỉ nhìn ra những ý nghĩa làm nản lòng thối chí. Giả sử bạn bị buộc thôi việc sau 20 năm đóng góp, phải chăng điều đó có nghĩa là bạn vô dụng và không còn công ăn việc làm ổn định? Hay theo bạn chính doanh nghiệp đó mới là đối tượng chịu thiệt vì đã mất đi một tài sản quý giá là bạn, và giờ đây, bạn đang nắm trong tay cơ hội gầy dựng sự nghiệp mới rạng rỡ hơn?

Khi bạn vấp ngã dù đã nỗ lực hết sức, phải chăng đó là ý Trời đang trừng phạt bạn? Phải chăng đức tin, lòng quyết tâm và sự tận tụy của bạn đang được thử thách?

Nếu người bạn yêu thương bỏ rơi bạn để chạy theo một người khác, có phải vì bạn xui xẻo hay không đáng yêu? Hay là “trong cái rủi có cái may”, bởi giờ đây bạn có thể tìm được một người thật lòng chung thủy và thương yêu bạn? Không có ý nghĩa nào trong cuộc đời này ngoại trừ Ý Nghĩa Bạn Chọn gán cho một việc nào đó. Nói đơn giản, nếu bạn tin đó là lời nguyền, nó sẽ trở thành lời nguyền. Nếu bạn tin đó là điều may mắn, bạn sẽ thấy mình may mắn.
Đứng trước bất kể thử thách cam go hay khó khăn trở ngại nào tưởng chừng không thể vượt qua, người thành công vẫn có thể hóa giải chúng bởi họ biết cách gán cho sự việc ấy ý nghĩa tích cực giúp họ mạnh mẽ hơn. Khi đương đầu với thất bại, họ sẽ tự hỏi:

Liệu đây có phải là vận may của mình?

Có phải mình đang được thử thách lòng kiên trì và đức tin?

Mình sẽ biến khó khăn thành cơ hội bằng cách nào?

Lập trình tư duy để thành công

Hãy nhớ, không phải lúc nào bạn cũng có thể kiểm soát mọi tình huống, hoàn cảnh khách quan xảy ra ở thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể làm chủ thế giới nội tại của suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Từ đó, bạn quyết định kết quả cuối cùng mà bạn nhận được.

Vậy sau này, nếu phải đối mặt trước thách thức, bạn hãy ý thức hướng suy nghĩ bản thân vào những gì đáng quan tâm và vào ý nghĩa mà bạn gán cho trải nghiệm ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.