Cô Gái Có Hình Xăm Rồng

PHẦN 1: DỮ KIỆN – CHƯƠNG 1



20, THÁNG MƯỜI HAI – 3, THÁNG GIÊNG
Mười tám phần trăm phụ nữ ở Thụy Điển đã từng một lần bị đàn ông đe dọa
THỨ SÁU, 20 THÁNG MƯỜI HAI
Phiên tòa đã kết thúc hẳn hoi; mọi cái có thể nói thì đều đã nói nhưng anh không bao giờ ngờ là anh sẽ thua. Bản nghị án viết tay đã trao xuống lúc 10 giờ sáng thứ Sáu và tất cả những gì còn lại là kết luận của các phóng viên đang chờ ở hành lang bên ngoài tòa án quận.
Nhìn thấy họ qua lối cửa ra vào, “Carl” Mikael Blomkvist bước chậm lại. Anh không có hy vọng kháng án nhưng các câu hỏi thì không thể tránh được và anh – người của bàn dân thiên hạ – biết rằng chúng sẽ được đặt ra và phải được trả lời. Là tội phạm là thế này đây, anh nghĩ. Ở phía bên kia cái micro. Anh thẳng người lên và cố mỉm cười. Các phóng viên đáp lại bằng vẻ thân thiện, gần như bối rối.
Blomkvist nói:
– Ta xem nào… Aftonbladet, Expressen, hãng tin TT, kênh truyền hình TV4 và … anh ở đâu nhỉ? … à đúng, Dagens Nyheter 1, chắc tôi là một tên tuổi nổi tiếng rồi đây.
Phóng viên một tờ báo chiều lên tiếng:
– Kalle Blomkvist 2, xin anh hãy nói ý kiến của mình với báo chí.
Nghe thấy biệt hiệu, Blomkvist cố không trợn mắt lên như mọi lần. Một lần, khi anh hai mươi ba tuổi và vừa bắt đầu công việc làm thêm trong dịp hè như một phóng viên, Blomkvist may mắn vớ được một băng nhóm đã thoát khỏi năm vụ cướp ngân hàng trong hai năm liền. Chắc ở tất cả mọi vụ thì vẫn là cái băng này. Thương hiệu của chúng là nẫng hai nhà băng luôn một lèo mà chính xác như quân sự. Chúng đeo mặt nạ các nhân vật Disney nên cảnh sát đã cho chúng cái biệt hiệu là Băng Vịt Donald. Báo chí đổi tên chúng ra là Băng Gấu nghe rùng rợn hơn, hợp hơn với thực tế là ở hai trường hợp chúng đã thẳng cánh bắn cảnh cáo và nạt những người đi qua.
Lần thứ sáu chúng cướp một ngân hàng tại Ostergotland là vào lúc mùa nghỉ lễ đang rộ. Một phóng viên đài phát thanh địa phương tình cờ lại ở ngân hàng lúc ấy. Bọn cướp vừa đi là anh ta đến ngay điện thoại công cộng đọc bài tường thuật của mình để cho đài phát thanh phát đi trực tiếp.
Blomkvist đang ở vài ngày với một cô bạn gái tại nhà bố mẹ cô ta, một căn nhà gỗ nhỏ mùa hè gần Katrineholm. Anh không thể giải thích chính xác, ngay cả với cảnh sát, tại sao có mối quan hệ này, nhưng khi nghe tường thuật báo chí, anh đã nhớ đến một nhóm bốn người đàn ông ở trong một căn nhà gỗ mùa hè bên dưới đường đi chừng trăm mét. Anh đã thấy họ chơi cầu lông ngoài sân: bốn gã lực sĩ tóc vàng mặc quần soóc và bỏ sơ mi. Họ rõ ràng là những người luyện thể hình và có một cái gì đó ở họ khiến anh nhìn thêm lần nữa – có thể vì trận cầu lại chơi ở dưới cái nắng nóng rẫy.
Chả có lý do rõ rệt nào để nghi họ là những tên cướp ngân hàng nhưng anh vẫn lên một quả đồi rồi nhìn xuống căn lều của họ. Được khoảng chừng bốn chục phút thì một chiếc Volvo đi lên đỗ ở trong sân. Những người trẻ tuổi vội vã đi ra và ai cũng mang túi thể thao cho nên có thể chỉ là họ đi bơi trở về chứ chả làm gì. Nhưng một người trong bọn họ quay lại xe, lấy ở trong cốp ra một cái gì mà hắn hấp tấp che áo jacket lên. Ngay ở chỗ quan sát khá xa của mình, Blomkvist vẫn có thể thấy đó là một khẩu AK4 cũ ngon lành, thứ súng vẫn là bạn đồng hành thường xuyên của anh trong những năm làm nghĩa vụ quân sự.
Anh đã gọi cảnh sát và thế là bắt đầu một cuộc phong tỏa ba ngày ngôi nhà gỗ, báo chí thoải mái đưa tin với Blomkvist ở ghế trên cùng và nhận một khoản thù lao hậu hĩ của một tờ báo chiều. Cảnh sát đặt bản doanh trong một đoàn xe trong vườn của nhà gỗ mà Blomkvist đang ở.
Băng Gấu bị tóm gọn đã làm cho anh thành ngôi sao số dách, tâng anh lên làm một nhà báo trẻ. Mặt trái của sự nổi tiếng này là chuyện một tờ báo chiều khác không thể kìm nổi đã giật tít “Kalle Blomkvist phá án”. Do một bà có tuổi giữ chuyên mục viết, bài báo mỉa mai này có gợi đến nhà thám tử trẻ tuổi trong các sách cho thiếu nhi của Astrid Lindgren. Tệ hơn nữa, kèm với bài viết, tờ báo còn đăng một bức ảnh Blomkvist đang há hốc mồm ra ngay cả khi anh đã giơ ngón tay trỏ lên cảnh báo.
Chả hề hấn gì vì Blomkvist cả đời không dùng tên Carl. Nhưng từ đấy, anh bị các đồng nghiệp đặt cho biệt hiệu Kalle Blomkvist và nó làm anh ngán ngẩm, tính từ này được dùng đề khiêu khích, không thân thiện nhưng cũng không hẳn là thân thiện. Tuy kính trọng Astrid Lindgren – anh yêu sách của bà – anh vẫn ghét cái biệt hiệu này. Phải mất nhiều năm và sau những thành công báo chí nặng ký hơn nữa, cái biệt hiệu ấy mới bắt đầu nhạt đi, nhưng mỗi khi người ta dùng cái tên ấy cốt để anh nghe thấy thì anh vẫn ngỡ mình khuỵu chân xuống.
Còn ngay lúc này, anh cho chấm hết bằng nụ cười tỉnh bơ rồi nói với tay phóng viên tờ báo chiều:
– Ô, thôi nào, hãy tự nghĩ lấy một cái gì đi chứ. Anh vẫn quen thế cơ mà.
Giọng anh không khó chịu. Họ tất cả đều ít nhiều hiểu nhanh và sáng hôm đó những lời phê phán Blomkvist hiểm độc nhất chưa đến. Một trong những nhà báo ở đó đã có lúc cùng làm việc với anh. Và trong một bữa tiệc vài năm trước, anh đã gần như ngon lành nhót được một trong những phóng viên – cô phóng viên của chương trình She trên TV4.
– Hôm nay ông thật sự nổi – người của Dagenes Nyheter, rõ ràng một tay trẻ tuổi làm thêm nói – Ông cảm thấy sao?
Mặc dù không khí đang nghiêm túc, cả Blomkvist lẫn các nhà báo lớn tuổi hơn đều không thể nén cười. Anh liếc nhìn TV4 – Ông cảm thấy sao? Chỉ có tay phóng viên thể thao cả ngố mới đi chĩa micro mặt chàng vận động viên vừa chạy hết hơi về đến đích mà hỏi câu ấy.
– Tôi chỉ tiếc là tòa án đã không ra một kết luận khác, – anh nói, hơi giận dỗi đôi chút.
– Ba tháng tù ngồi và 150.000 curon tiền bồi thường. Tòa đã khá là nghiêm khắc – Phóng viên của She trên TV4 nói.
– Tôi sẽ sống sót.
– Ông sẽ xin lỗi Wennerstron không? Bắt tay ông ta chứ?
– Tôi nghĩ là không.
– Vậy ông vẫn sẽ nói ông ấy là một kẻ lừa đảo? – Dagens Nyheter hỏi.
Tòa đã xử Blomkvist là vu cáo hạ nhục nhà tài chính Hans-Erik Wennerstron. Phiên tòa kết thúc và Blomkvist không có ý khiếu nại. Nếu ở trên các bậc tam cấp của tòa án này, anh nhắc lại các tuyên bố của mình thì cái gì sẽ xảy ra? Blomkvist đã quyết định là anh không muốn tìm ngả đó.
– Tôi nghĩ tôi có lý do tử tế để công bố cái thông tin mà tôi đang giữ. Tòa đã xử khác và tôi phải thừa nhận quá trình xét xử là làm đúng quy trình. Những người của chúng tôi ở bộ phận xã luận sẽ phải thảo luận việc xét xử rồi chúng tôi mới quyết định sẽ làm gì. Tôi không có gì để nói thêm cả.
– Nhưng sao ông lại quên mất rằng các nhà báo phải thẳng thắn ủng hộ các khẳng định của họ? – Cô phóng viên của She ở TV4 hỏi. Nét mặt cô ta trông có vẻ là trung lập nhưng Blomkvist nghĩ đã thoáng thấy ánh mắt cô lộ vẻ bất bình đầy thất vọng.
Các phóng viên ở đó, ngoài cậu con trai ở Dagens Nyheter, đều là những dân kỳ cựu trong nghề. Với họ không thể quan niệm nổi câu hỏi kia lại được trả lời.
– Tôi không có gì để nói thêm, – anh nhắc lại. Nhưng khi những người khác đành bằng lòng với câu trả lời ấy, thì TV4 đã chẹn anh lại ở cửa tòa án để phỏng vấn anh ngay trước camera. Cô ta rất tử tế và anh đã có đủ các câu trả lời rành rọt để thỏa mãn tất cả các phóng viên đang đứng ở sau cô ta. Câu chuyện rồi sẽ lên các tít báo, nhưng anh tự nhắc mình rằng họ đâu có tìm sự kiện truyền thông của năm ở đây. Đã có cái họ cần, các phóng viên đang quay về các phòng tin tức riêng của họ.
Anh tính đi bộ nhưng hôm nay là một ngày tháng Mười hai gió quật đùng đùng và sau phỏng vấn anh đã thấm rét. Khi đi xuống các bậc tam cấp tóa án, anh trông thấy William Borg ra khỏi xe hơi. Hắn chắc đã ngồi ở đây suốt cuộc phỏng vấn. Mắt họ gặp nhau và Borg mỉm cười.
– Đến tận đây để thấy anh cầm tờ giấy này trong tay là bõ công rồi.
Blomkvist không nói không rằng. Blomvist và Borg biết nhau đã mười lăm năm. Họ cùng làm với nhau như phóng viên mới vào nghề cho bộ phận tài chính của một tờ báo sáng. Có thể là một vấn đề thuộc về hóa chất nhưng nền móng cho một thù hận suốt đời đã được đặt nền móng từ đấy. Trong mắt Blomvist, Borg là một phóng viên hạng ba chuyên chọc kháy tất cả những ai ở quanh hắn, làm họ khó chịu bằng những trò đùa bẩn thỉu và bằng những nhận xét hạ uy tín các phóng viên có kinh nghiệm, nhiều tuổi hơn. Hắn hình như đặc biệt không ưa các nữ phóng viên có tuổi. Họ đã từng có những cãi cọ đầu tiên rồi sau đó còn tiếp diễn, rồi không bao lâu thì đối kháng đã quay ra thành chuyện cá nhân.
Họ đã đều đặn vập phải nhau trong nhiều năm nhưng chỉ tới cuối những năm 90 họ mới trở thành những kẻ thù đáng gờm. Blomkvist đã ra một quyển sách về nghiệp vụ báo chí tài chính trích la liệt từ một số bài báo ngu ngốc của Borg. Xuất hiện như một gã đần độn, Borg đã đổi trắng thay đen nhiều việc hắn làm và đã viết ca ngợi các công ty “.com” 3 đang trên bờ vực phá sản. Sau đó, khi tình cờ gặp nhau ở một quán bar tại Soder, họ đã dùng đến mọi chiêu trừ quả đấm. Borg bỏ nghề báo và bây giờ hắn làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng (PR) – với mức lương cao hơn đáng kể – ở một hãng mà, làm cho chuyện càng tệ hại hơn, chính lại là một bộ phận trong vòng ảnh hưởng của nhà công nghiệp Hans-Erik Wennerstrom.
Hai người nhìn nhau hồi lâu rồi Blomkvist quay ngoắt đi. Chỉ có người như Borg mới lái xe đến tòa án chỉ để ngồi đó cười nhạo anh.
Chiếc xe buýt số 40 phanh lại ở bến ngay trước xe của Borg. Và Blomkvist nhảy phóc lên để trốn tránh. Anh xuống xe ở Freidhemsplan, phân vân nên làm gì. Anh vẫn cầm tờ phán quyết ở trong tay. Cuối cùng anh đi bộ tới quán Kafé Anna, cạnh lối vào gara dẫn xuống bên dưới đồn cảnh sát.
Nửa phút sau, anh gọi một cốc cà phê latte và một miếng sandwich; radio đang phát tin tức buổi trưa. Câu chuyện tiếp theo là tin một kẻ đánh bom tự sát ở Jerusalem và tin Chính phủ đã chỉ định một tiểu ban điều tra cái được cho là sự hình thành của một cácten mới trong công nghiệp xây dựng.
Nhà báo Mikael Blomkvist của tạp chí Millennium sáng nay đã bị tuyên án 90 ngày tù vì vu khống nhà công nghiệp Hans-Erik Wennerstom. Trong một bài báo đầu năm nay từng làm cho cái gọi là vụ Minos được chú ý đến, Blomkvist nói với Wennerstom đã buôn bán vũ khí bằng vốn mà Nhà nước dự định đầu tư vào công nghiệp ở Ba Lan. Blomkvist cũng bị tuyên án trả 150.000 curon tiền bồi thường. Bertil Cammermarker, luật sư của Wennerstom trong một phát ngôn đã nói thân chủ của ông hài lòng về sự xét xử. Ông nói đây là một vụ vu khống đặc biệt xúc phạm.
Bản án dài hai mươi sáu trang. Nó trình bày các lý do cho thấy Blomkvist đã phạm tội ở mười lăm điểm vi phạm về vu khống chồng chất nhà doanh nghiệp Hans-Erik Wennerstom. Nên anh phải trả cho mỗi điểm vi phạm mười nghìn curon và sáu ngày tù. Và rồi lại còn án phí và tiền trả cho luật sư của anh. Anh không thể bắt mình cứ nghĩ đến tất cả các chi phí này nhưng suy đi tính lại thấy rằng lẽ ra còn tệ hại hơn thế nữa kia; tòa đã cho anh trắng án ở bảy điểm vi phạm khác.
Trong khi đọc bản xét xử, anh cảm thấy dạ dày trướng dần lền và khó chịu. Anh ngạc nhiên. Khi phiên tòa bắt đầu, anh biết rằng nếu anh không bị kết án thì sẽ là điều kỳ lạ và rồi anh đã giải hòa được với kết quả của phiên tòa. Anh đã ngồi suốt hai ngày xét xử, bình tĩnh đến mức ngạc nhiên và trong hơn mười một ngày tiếp theo chờ tòa kết thúc nghị án anh vẫn không cảm thấy có gì đặc biệt trong người để rồi đi tới chỗ cầm tờ phán quyết này ở trong tay như hiện nay. Bây giờ chỉ còn một cảm giác không thoải mái về thân xác đang lan khắp người anh.
Khi anh cắn miếng sandwich, miếng bánh như phồng to ra ở trong miệng. Anh thấy khó nuốt và anh gạt đĩa thức ăn sang bên.
Đây là lần đầu tiên Blomkvist đối mặt với một cuộc luận tội. Thực ra vụ xét xử này chỉ là một chuyện nhỏ. Một tội vào hạng nhẹ cân. Dẫu sao cũng không phải cướp có vũ khí, giết người hay hiếp dâm. Nhưng xét từ quan điểm tài chính thì nó lại nghiêm trọng – Millennium không phải là soái của truyền thông thế giới với nguồn tiền vô hạn, tờ tạp chí chỉ vừa xoẳn hòa vốn – nhưng tòa xử đã không báo hiệu sẽ có thảm họa. Vấn đề nằm ở chỗ Blomkvist là một trong các chủ đồng sở hữu Millenium và đồng thời, khá là ngu ngốc, anh vừa viết lại vừa là chủ bút tờ tạp chí. Anh có thể tự trả 150.000 curon bồi thường tuy như thế sẽ gần như là xóa sổ món tiền tiết kiệm của anh. Tờ tạp chí có thể lo án phí. Nếu chi tiêu khôn ngoan thì chuyện này có thể ổn.
Anh loay hoay với ý định bán căn hộ của mình, tuy anh sẽ tan nát lòng. Vào cuối những năm 80 lên như diều, trong thời kỳ có công việc chắc chắn và một đồng lương khá hậu, anh đã tìm đây đó lấy một nơi thường xuyên để sống. Anh đã chạy khắp lượt các hãng giới thiệu nhà rồi cuối cùng loạng quạng gặp căn hộ áp mái hơn 200 mét vuông ở ngay cuối đường Bellmansgatan. Người chủ trước đang làm dở nó thì thình lình nhận việc trong một công ty “.com” ở nước ngoài nên Blomkvist đã có thể mua nó không đắt lắm.
Anh bỏ hết các thiết kế đầu tiên của người thiết kế nội thất, tự làm lấy công việc này. Anh bỏ tiền vào sửa khu vực buồng tắm và bếp nhưng thay vì làm sàn gỗ và các bức tường bên trong để làm cho nó thành một căn hộ hai phòng mhư dự định thì anh đã lấy cát đánh bóng gỗ sàn, sơn trắng các bức tường xù xì rồi dấu các mảng xấu nhất vào sau hai bức tranh màu nước của Emanuel Bernstone. Kết quả là một không gian sinh hoạt mở với khu vực buồng ngủ ở sau một giá sách, khu vực ăn uống và buồng sinh hoạt cạnh ngay một cái bếp nhỏ sau một quầy bar. Ngôi nhà có hai cửa sổ trên mái và một cửa sổ ở đầu hồi có thể nhìn thấy các mái nhà đến Gamla Stan, khu vực cổ kính nhất ở Stockholm và con sông Riddarfjarrden. Anh nhìn thấp thoáng thấy nước sông ở gần cửa cống Slussen và quang cảnh Tòa thị chính thành phố. Nay anh sẽ không thể cho mình một căn hộ như thế và anh thiết tha muốn giữ lấy nó.
Nhưng việc anh có thể mất căn hộ không là cái gì bên cạnh việc anh nhận lấy một cú đập thật sự vào giữa mặt về mặt nghề nghiệp. Để sửa chữa các tổn thất cũng phải mất thời gian – nếu quả như có thể sửa chữa được.
Đây là một vấn đề về uy tín. Trong tương lai có thể thấy trước, các vị biên tập viên sẽ ngại ngùng đăng các bài báo có tên anh. Vẫn có nhiều bạn bè trong nghề báo nhận thấy rằng anh là nạn nhân của vận đen và hoàn cảnh trớ trêu chứ anh sẽ không thể nào phạm phải sai lầm sơ đẳng đến như vậy.
Cái làm đau nhất là bị bẽ mặt. Anh đã nắm mọi con bài chủ thế nhưng anh đã chịu thua một kẻ găngxtơ hạng bét mặc một bộ hàng hiệu Armani. Một kẻ đầu cơ thị trường chứng khoán ti tiện. Một tên lưu manh cùng một gã luật sư tên tuổi đã nhăn nhở cười nhạo nông nỗi của anh trong suốt phiên toà.
Sao nhân danh Chúa mà sự tình lại đi đến oan trái như thế này chứ?
Vụ Wennerston bắt đầu từ câu chuyện trong buồng lái của một chiếc Malar-30 hơn mười hai mét vào Đêm Giữa mùa hè 4 một năm rưỡi trước. Nó tình cờ xảy ra, tất cả do một cựu đồng nghiệp nhà báo nay là một chân PR xun xoe ở hội đồng hạt, muốn trộ cô bạn gái mới của gã. Gã đã quýnh quáng thuê một chiếc Scampi làm chuyến dong buồm lãng mạn vài ngày trong quần đảo Stockholm. Vừa từ Hallstahammar đến Stockholm để học hành, cô gái sau khi cho ra vài dấu hiệu phản đối đã nhận lời đi nhưng với điều kiện chị cô ta và cậu bạn trai của cô chị cũng được đi cùng. Cả bộ ba ở Hallstahammar đều chả có chút kinh nghiệm lái du thuyền, còn đồng nghiệp cũ của Blomkvist thì không may lại có nhiều nhiệt tình hơn kinh nghiệm. Ba hôm trước khi dong buồm đi họ đã tuyệt vọng gọi và thuyết phục anh đến làm thành viên thứ năm trong đoàn, thành viên biết hàng hải.
Không màng lắm đến đề nghị này nhưng rồi khi được hứa hẹn vài ngày thư giãn trong quần đảo với thức ăn ngon và bạn cùng đi vui vẻ thì Blomkvist đã đổi ý. Các hứa hẹn này đã thành mây khói và chuyến viễn du đã quay ra là một thảm họa ngoài tưởng tượng. Họ đi con đường đẹp nhưng không gây ấn tượng lắm từ Bullando qua eo biển Furusund với chỉ 9 hải lý một giờ, nhưng cô bạn gái mới say sóng liên hồi kỳ trận. Chị cô bắt đầu cãi nhau với cậu bạn trai và chả ai trong bọn họ tỏ ra quan tâm mảy may đến việc học lái tàu. Mau chóng thấy rõ là người ta chờ đợi Blomkvist gánh vác lấy con tàu còn họ thì cho anh những lời khuyên có thiện ý nhưng ngu xuẩn. Sau đêm đầu tiên ở một vịnh trên Angso, anh đã sẵn sàng neo tàu vào cảng ở Furusund rồi đi xe buýt về nhà. Chỉ có những lời kêu gọi tuyệt vọng của họ mới thuyết phục được anh ở lại.
Trưa hôm sau, khá sớm để vẫn còn có một ít khoảng trống, họ cột tàu vào cầu tàu ở trên đảo Arholma đẹp như tranh. Họ cùng làm chút bữa trưa thịnh soạn và lúc vừa ăn xong thì Blomkvist để ý thấy một con tàu M-30 màu vàng lướt vào trong vịnh, dùng chỉ một buồm cái. Con tàu nghiên sườn yêu kiều chạy vát tới trong khi người cầm lái tìm một chỗ ở cầu tàu. Cũng lục soát không gian xung quanh, Blomkvist nhìn thấy một cái khe duy nhất còn lại ở khoảng cách giữa con tàu của bọn anh và một con tàu H ở mạn. Con tàu M-30 hẹp thân sẽ vào lọt khuýp chỗ này. Anh đứng lên ở đuôi tàu, chỉ chỗ; người đàn ông trong chiếc M-30 giơ tay cảm ơn rồi cho tàu hướng đến cầu tàu. Một thủy thủ đơn độc không ngần ngại chuyện khởi động máy, Blomkvist nhận xét. Anh nghe thấy tiếng xích neo cọ và vài giây sau tấm buồm chính hạ xuống, trong khi như một con mèo phải nước sôi, thuyền trưởng di chuyển để ngắm bánh lái thẳng băng với khe đậu, đồng thời ở đằng mũi tàu thì chuẩn bị đưa tàu vào bến.
Blomkvist leo lên trên lan can thành tàu chìa tay ra nắm dây neo. Con tàu mới đến chỉnh lần cuối cùng đường đi rồi lướt hoàn hảo đến đuôi con Scampi, lúc này đang dịch chuyển rất chậm. Chỉ lúc người đàn ông tung dây neo cho Blomkvist họ mới nhận ra nhau và toét miệng cười khoái trá.
– Chào, Robban. Sao không dùng động cơ của cậu để cho các con tàu ở bến này không bị bong sơn hả?
– Chào, Mike. Tớ nghĩ thấy có gì đó quen quen ở cậu. Tớ chỉ thích dùng máy tớ nếu như tớ khởi động được cái của khỉ ấy. Nó đã chết hai hôm trước ở ngoài Rodloga rồi.
Họ bắt tay nhau qua lan can tàu.
Cách đây đã lâu, từ hồi những năm 70, ở trường Kungsholmen, Blomkvist và Robert Lindberg là bạn, thậm chí bạn rất tốt của nhau. Như thường xảy ra với các chí cốt thời đi học, sau khi mỗi người một ngả riêng rẽ, tình bạn nhạt đi. Trong hai chục năm qua, có lẽ họ đã gặp nhau đến nửa tá lần, lần cuối vào bảy tám năm trước. Nay hai người thú vị xem xét nhau. Lindberg có bộ tóc rối tung, nước da rám nắng và chòm râu hai tuần chưa cạo.
Blomkvist vụt thấy phơi phới trên chín tầng mây. Khi thằng cha PR và cô bạn gái ngố nghế của anh ta lên bờ đi nhảy loanh quanh ở Cực Giữa Mùa hè đằng trước cửa hàng tạp phẩm ở phía bên kia hòn đảo thì Blomkvist ở lại trong buồng lái của chiếc M-30, với cá trích và rượu aquavit 5, cùng gã bạn cũ thời học trò đấu hót.
Tối hôm đó, sau khi hai người đã ngừng cuộc chiến chống lại đám muỗi Arholma nổi tiếng và chuyển xuống cabin, sau một vài ngụm aquavit, câu chuyện quay sang nói giỡn thân mật đến đạo đức ở trong thế giới các tập đoàn. Lindberg đã từ nhà trường đến trường Kinh tế Stockholm rồi vào ngân hàng. Blomkvist đã tốt nghiệp trường Báo chí Stockholm rồi dành nhiều năm tháng sự nghiệp của mình vào việc vạch ra nạn tham nhũng trong thế giới ngân hàng và doanh nghiệp. Câu chuyện của họ bắt đầu khai thác sang những điều từng đã được cho là vừa ý về đạo đức ở trong một số hiệp định có lọng vàng 6 vào những năm 90. Cuới cùng, Lindberg thừa nhận đã có một hai tên xấu xa vô luân ở trong thế giới kinh doanh. Anh bỗng nhìn Blomkvist, vẻ mặt chợt nghiêm túc.
– Tại sao cậu không viết về Hans-Erik Wennerstrom?
– Tớ chẳng biết gì về lão ta thì viết làm sao.
– Đào, đào đi, nhân danh Chúa. Cậu biết bao nhiêu về chương trình AIA?
– À, một thứ chương trình cứu trợ trong những năm 90 để giúp vực nền công nghiệp ở cái Khối Đông Âu cũ đứng dậy. Nó mới đóng lại hai ba năm trước. Tớ đã có nhìn vào và không thấy gì cả.
– Hỗ trợ Công nghiệp (AIA) là một dự án được nhà nước hậu thuẫn và được khoảng hơn một tá các công ty lớn của Thụy Điển quản lý. AIA được Chính phủ bảo lãnh cho một số dự án đề ra trong hiệp định với các chính phủ ở Ba Lan và các nước vùng Baltic. Liên hiệp công đoàn Thụy Điển, LO, cũng tham dự với tư cách người bảo lãnh để tăng cường phong trào công nhân ở Đông Âu và đưa nó làm theo mô hình Thụy Điển. Về lý thuyết, đây là một dự án hỗ trợ xây dựng trên nguyên tắc trợ giúp để rồi có thể tự lực cánh sinh; người ta cho rằng nó sẽ tạo cơ hội cho các chế độ ở Đông Âu tái cấu trúc lại nền kinh tế của họ. Nhưng trong thực tế, cái đó có nghĩa rằng các công ty Thụy Điển sẽ được nhà nước trợ cấp để thành ra các chủ nhân đồng sở hữu trong các công ty ở các nước Đông Âu. Lão Bộ trưởng mẹ kiếp trong đảng Thiên chúa là một tay bênh vực hăng hái cho AIA và AIA đang sắp xây cất một nhà máy giấy ở Krakhôngw và cung cấp trang bị mới cho công nghiệp kim loại ở Riga, cho một nhà máy xi măng ở Tallinn, v.v… Ngân sách sẽ được ban lãnh đạo AIA phân phối, ban này gồm một số những cha nặng ký trong giới ngân hàng và tập đoàn kinh doanh.
– Vậy thế là tiền trả cho trách nhiệm ư?
– Khoảng một nửa là đóng góp của Chính phủ, chỗ còn lại là của các ngân hàng và các tập đoàn. Nhưng để thành một chuyện làm ăn lý tưởng thì còn mệt. Các ngân hàng và công nghiệp đang tính kiếm một lợi nhuận êm ả. Không thì chúng nó tội gì động đậy chân tay cho mệt.
– Tiền này độ chừng bao nhiêu?
– Bình tĩnh nhé, nghe đây. Ban đầu AIA bàn với các công ty lớn ở Thụy Điển để đi vào thị trường Đông Âu. Các công nghiệp nặng như ASEA Brown Boveri và Xây dựng Skanska v.v… đại loại thế. Nói cách khác là không có các công ty kinh doanh đầu cơ.
– Cậu bảo Skanska mà không đầu cơ ư? Hội đồng quản trị của nó chẳng đã bị sa thải sau khi để cho vài thằng của nó đầu cơ đi mất nửa tỉ trong những lần lướt sóng cổ phiếu đấy sao? Rồi những vụ thương lượng như điên của chúng nó về sở hữu ở London và Oslo nữa?
– Đúng rồi, công ty nào ở trên thế giới cũng có những thằng ngu nhưng cậu hãy biết cho là tớ muốn nói cái gì ở đây. Ít ra thì các công ty cũng còn sản xuất một cái gì. Cột xương sống của nền công nghiệp Thụy Điển và tất cả các cái đó chứ chơi à!
– Thế thì Wennerstrom ở vị trí nào trong bức tranh này?
– Wennerstrom là quân J trong cỗ bài. Có nghĩa rằng hắn là cái gã thình lình xuất đầu lộ diện, không có bất cứ quá khứ nào trong công nghiệp nặng, thật sự không có làm ăn gì dính dáng đến các dự án này. Nhưng hắn đã vun vén được một cơ nghiệp khổng lồ ở thị trường chứng khoán và đã đầu tư vào các công ty vững chãi. Hắn đã lọt vào bằng cổng hậu, hãy cứ nói như thế đi.
Khi ngồi trên con tàu đó, Blomkvist rót rượu brandy Reimersholm vào đầy cốc rồi ngả người lại sau, cố nhớ lại một chút xíu những cái anh đã biết về Wennerstrom. Sinh ra ở Norrland, những năm 70 Wennerstrom dựng lên một công ty đầu tư ở đấy. Kiếm được tiền hắn chuyển đến Stockholm và những năm 80 sự nghiệp của hắn cất cánh lên ở đây. Hắn lập nên Wennerstrom-gruppen, tập đoàn Wennerstrom. Hắn buôn bán cổ phần và các quyền mua bán có thời hạn, hắn thích giao dịch xử lý nhanh và trên báo chí chuyên nói về các tên tuổi thì hắn nổi lên như một trong nhiều nhà tỉ phú Thụy Điển, với một nhà ở thành phố tại Strandvagen, một biệt thự mùa hè huyền thoại trên đảo Varmdo, và một du thuyền động cơ dài hai mươi bảy mét mua lại của một ngôi sao quần vợt vỡ nợ. Hắn vốn là nhân viên giữ quầy thu tiền lẻ, dĩ nhiên, nhưng những năm 80 là thập niên của các dân giữ quầy thu tiền lẻ và đầu cơ nhà đất. Wennerstrom thì không chơi trò khoe của. Trái lại giữa các đồng sự, hắn vẫn cứ giữ là một cái gì đó của một người ở trong bóng tối. Hắn thiếu cái rờ rỡ của Jan Steinbeck và hắng không như Percy Barnevik dàn mình chình ình ra ở trên khắp các tờ báo lá cải. Hắn chào tạm biệt với bất động sản và hắn quả là đã đầu tư ồ ạt vào Khối Đông Âu cũ thật. Khi các bong bóng bị vỡ những năm 90 và các giám đốc quản lý bị buộc phải lần lượt từng người đến bám vào lọng vàng của hắn thì công ty của Wennerstrom bước ra khỏi cơn cớ, khỏa khoắn đến mức trội vọt lên. Tờ Financial Times đã gọi đó là“Một câu chuyện thành công của Thụy Điển”.
– Đó là năm 1992, – Lindberg nói – Wennerstrom tiếp xúc với AIA và nói hắn muốn gây dựng vốn. Hắn giới thiệu một kế hoạch, hình như được hậu thuẫn bằng các lợi tức ở Ba Lan, kế hoạch này nhằm lập ra một công nghiệp chế tạo các thứ đóng gói thực phẩm.
– Ý cậu là nói công nghiệp hộp thiếc.
– Không hẳn, nhưng một cái gì đó cũng thuộc các dòng đó. Tớ không biết hắn quen ai ở AIA nhưng hắn đã từ đó đi ra với sáu chục triệu curon.
– Nghe bắt đầu thú vị đấy. Để tớ đoán: đó là một người nào đó cuối cùng nhìn thấy tiền.
– Sai. – Lindberg mỉm cười kín đáo rồi nhấp thêm một tí brandy cho thêm bốc.
– Điều xảy ra sau đó là một bài bản kế toán kinh điển. Wennerstrom có lập ra một nhà máy đóng gói ở Ba Lan, tại Lodz thật. Công ty là Minos. Năm 1993 AIA đã nhận được một ít báo cáo phấn khởi rồi im lìm. Năm 1994, thình lình Minos sập.
Lindberg đặt ly rượu không xuống, mặt thoáng nghiêm trang.
– Với AIA vần đề là không có chế độ thật sự hợp thức để báo cáo được về dự án. Cậu nhớ những ngày ấy: ai cũng rất lạc quan khi bức tường Berlin sụp. Dân chủ sắp được đưa vào, mối đe dọa chiến tranh hạt nhân không còn và những người bônsêvich thì chỉ một đêm là đã quay sang thành những nhà tư bản nho nhỏ chính quy. Chính phủ muốn đóng chốt nền dân chủ vào Đông Âu. Nhà tư bản nào cũng muốn nhảy lên cỗ xe vận động giúp xây dựng Châu Âu mới.
– Tớ lại lạ chuyện các nhà tư bản quá náo nức muốn dính líu vào công việc từ thiện.
– Tin tớ đi, đó là cơn mộng tinh của một nhà tư bản. Nga và Đông Âu có thể là những thị trường chưa khai thác lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc. Chung tay với Chính phủ, công nghiệp đã đi trót lót, đặc biệt khi các công ty chỉ được yêu cầu đề ra một việc đầu tư làm vì. AIA tổng cộng đã nuốt khoảng ba chục tỉ curon tiền thuế của dân. Nó đang nhắm trở lại trong các khoản lợi sắp tới đây. Chính thức mà nói, AIA là sáng kiến của Chính phủ nhưng ảnh hưởng của giới công nghiệp lại lớn đến nỗi trong thực tế ban lãnh đạo của AIA đã hoạt động độc lập.
– Nên đã xảy ra chuyện gì đó trong tất cả trò này?
– Đừng sốt ruột. Khi khởi động dự án, không có chuyện gì với tài trợ sất. Cú sốc lãi suất đã không giáng vào Thụy Điển. Chính phủ sung sướng khen ngợi AIA như là một trong những cố gắng lớn nhất của Thụy Điển trong việc xúc tiến dân chủ ở Đông Âu.
– Và chuyện này do Chính phủ Bảo thủ làm?
– Đừng pha chính trị vào đi. Đây chỉ có toàn là tiền thôi, trong việc chỉ định Bộ trưởng thì Đảng Xã hội Dân chủ hay cánh ôn hòa cũng chả khác gì nhau hết. Vậy thì hãy hết tốc lực mà lao tới đi. Rồi các vấn đề ngoại hối diễn ra, sau đó vài cha điên rồ ở Đảng Dân chủ Mới – cậu nhớ các cha này chứ? – bắt đầu nhai nhải là đã thiếu giám sát công việc AIA đang làm. Một trong các tay sai của đám này lại còn lầm AIA với ban lãnh đạo Quốc tế của Thụy Điển, ngỡ rằng nó chỉ là một dự án lý tưởng nào đó giống như cái đang làm ở Tanzania. Mùa xuân năm 1994, đã lập ra một tiểu ban điều tra. Lúc ấy người ta thắc mắc về nhiều dự án nhưng cái đầu tiên phải điều tra là Minos.
– Và Wennerstrom không thể cho thấy tiền vốn đã được dùng vào việc gì.
– Còn khuya. Hắn đưa ra một báo cáo rất hay cho thấy khoảng năm mươi tư triệu curon đã được đầu tư vào Minos. Nhưng trong khoản tiền dành cho Ba Lan để xây dựng một ngành công nghiệp đóng gói hiện đại có thể vận hành được thế nào quay ra lại có quá nhiều vấn đề. Trong thực tế, bị một dự án tương tự của Đức cạnh tranh, nhà máy của họ đã phải đóng cửa. Đức đã trổ tài mua lấy toàn bộ Khối Đông Âu.
– Cậu bảo hắn đã được cấp cho sáu chục triệu ruron.
– Chính xác. Tiền này được dùng để cho vay không lấy lãi. Dĩ nhiên là các công ty sẽ hoàn trả dần trong một số năm. Nhưng Minos đã chìm và không thể khiển trách Wennerstrom chuyện đó. Đến đây những sự bảo lãnh của Nhà nước đã góp phần vào và Wennerstrom thì được bảo đảm vô sự. Tất cả những gì hắn cần làm là hoàn trả lại khoản tiền bị mất khi Minos chìm và hắn cũng có thể cho thấy hắn đã mất một khoản tiền riêng tương ứng.
– Để xem tớ nhìn nhận chuyện này có đúng không nào. Chính phủ cung cấp hàng tỉ bằng tiền thuế và các nhà ngoại giao thì mở cửa. Các ngành công nghiệp lấy tiền và dùng tiền đó đầu tư vào các liên doanh mà sau này họ vớ được những khoản lợi lớn. Nói cách khác, vẫn là kinh doanh như thường tình.
– Cậu là chúa đa nghi. Người ta tin rằng các món nợ này là phải trả lại cho nhà nước.
– Cậu đã bảo là chúng không chịu lãi mà. Như thế có nghĩa là người đóng thuế đưa tiền mặt ra mà chả được cái quái gì. Wennerstrom được sáu chục triệu và đầu tư năm mươi tư triệu. Đã xảy ra những gì với sáu triệu còn lại kia?
– Khi đã rõ là sắp điều tra dự án AIA, Wennerstrom đã gửi cho AIA một séc sáu triệu cho khoản chênh lệch ấy. Thế là vấn đề được giải quyết, ít nhất là có vẻ hợp pháp.
– Nghe như Wennerstrom đã vung một ít tiền cho AIA. Nhưng so với nửa tỉ biến mất khỏi Skanska hay so với cái ô dù vàng son hơn một tỉ curon từ CEO 7 của ABB – cái này người ta phải giật mình đây – thì hình như lại chẳng có gì nhiều để mà bõ công viết cả, – Blomkvist nói. – Người đọc hôm nay đã khá là mệt với chuyện về những gã đầu cơ kém cỏi, cho dù đó là bằng tiền của công quỹ. Có gì thêm nữa cho câu chuyện này không?
– Nó đang tốt hơn lên.
– Sao cậu lại biết tất cả chuyện làm ăn của Wennerstrom ở Ba Lan?
– Tớ làm ở Handelsbanlen trong những năm 90. Đoán xem ai viết các báo cáo cho người đại diện của ngân hàng ở AIA?
– A hay đấy! Bảo thêm cho tớ đi.
– Được, chính Wennerstrom nộp các báo cáo cho AIA. Các văn kiện đã được thảo ra. Sai ngạch tiền nong đã được hoàn trả. Cho sáu triệu kia quay trở lại là rất thông minh.
– Đạt mục đích.
– Nhưng, anh bạn Blomkvist thân mếm, cái đó hiện đang là đích đấy. AIA hài lòng về bản báo cáo của Wennerstrom. Đây là đầu tư vào cửa tử nhưng chẳng có ai phê phán cách quản lý nó hết. Chúng tớ đã xem các hóa đơn, các chuyển khoản và các tài liệu. Mọi cái đều được giải thích tỉ mỉ. Tớ đã tin nó. Sếp tớ tin nó và Chính phủ thì chả có gì để mà nói cả.
– Mắc ở đâu?
– Ở chỗ câu chuyện thành ra tế nhị, – Lindberg nói, nom đúng mực đến phát ngạc nhiên. – Và do cậu là nhà báo nên cái này cấm ghi lại.
– Dẹp cái giọng ấy đi. Cậu không thể ngồi nói với tớ các trò đó rồi lại bảo tớ là không được dùng.
– Chắc chắn là tớ có thể chứ. Cho đến bây giờ, những cái tớ nói với cậu thì bàn dân thiên hạ đều biết cả. Nếu muốn, cậu có thể xem. Cậu có thể viết phần còn lại của câu chuyện. – chỗ tớ chưa nói với cậu – nhưng cậu phải coi tớ như một nguồn tin giấu tên.
– OK, nhưng trong thuật ngữ hiện thời “không cho ghi chép” lại có nghĩa là tôi nghe theo nguồn tin đáng tin cậy nhưng tôi không được viết về nó.
– Quăng ba cái thuật ngữ đó đi. Muốn viết cái chó gì cậu cứ việc viết, nhưng tớ là nguồn tin giấu tên của cậu. Đồng ý chứ?
– Dĩ nhiên, – Blomkvist nói.
Nghĩ lại thì đây là một sai lầm.
– Thế thì được. Câu chuyện Minos xảy ra hơn một thập niên trước kia, ngay sau khi Bức Tường Berlin sụp và những người cộnng sản bắt đầu làm ăn như những nhà tư bản chính cống. Tớ đã là một trong những người phỏng vấn Wennerstrom và suốt thời gian ấy tớ cứ ngợ rằng có một cái gì đó là lạ ở câu chuyện của hắn.
– Tại sao khi thôi nhắc đến bản báo cáo của hắn cậu lại không nói như thế?
– Tớ đã bàn với sếp của tớ. Nhưng vấn đề là ở chỗ không có gì để mà xác nhận được. Các tài liệu đều ổn, tớ chỉ có việc ký vào báo cáo. Mỗi lần thấy tên của Wennerstrom ở trên báo tớ lại nghĩ đến Minos, nhất là vì vài năm sau đó, khoảng giữa các năm 90, ngân hàng của tớ có chút công chuyện với Wennerstrom, việc làm ăn khá lớn, đúng thế nhưng rồi quay ra không hay lắm.
– Hắn lừa cậu?
– Không, không có gì rõ ràng là thế. Cả hai bên đã kiếm tiền ở chuyện làm ăn này. Còn hơn thế nữa… Tớ không biết giải thích sao được cái này và bây giờ thì tớ đang nói đến người chủ thuê mướn tớ và tớ không muốn làm như thế. Nhưng cái làm tớ ngạc nhiên – cái ấn tượng bền và bao trùm như họ nói – thì không chắc chắn. Trong truyền thông, Wennerstrom được giới thiệu như một bậc tiên tri ghê gớm về tài chính. Hắn ăn nên làm ra ở chỗ đó. Đó là “cái vốn tín nhiệm” của hắn.
– Tớ hiểu cậu muốn nói gì.
– Cảm tưởng của tớ là cha này chỉ toàn là bịp. Là một nhà tài chính, hắn thậm chí cũng chả có gì là đặc biệt xuất sắc. Thật ra tớ nghĩ hắn dốt nát hoàn toàn về một số vấn đề mặc dù hắn có vài ba tên lính chiến trẻ thật sự bén nhọn làm cố vấn. Trên hết, về mặt cá nhân tớ thật sự không quan tâm đến hắn.
– Thế ư?
– Vài năm trước, tớ tới Ba Lan về một vài chuyện khác. Nhóm chúng tớ ăn tối với vài nhà đầu tư ở Lodz và tình cờ thế nào tớ lại ngồi cùng bàn với ông Thị trưởng. Chúng tớ nói đến chuyện khó vực nền kinh tế Ba Lan lên và tất cả các thứ, rồi chả biết sao tớ lại nhắc đến dự án Minos. Ông Thị trưởng mất một lúc trông khá là sửng sốt – tựa như ông chưa từng nghe nói đến Minos bao giờ vậy. Ông bảo tớ đó là một chuyện làm ăn nhỏ bé rẻ mạt nào đó và chả đem lại được cái gì. Ông ta cười phá lên và nói – tớ đang dẫn ra từng lời ông ta nói đây – rằng nếu đây là cái tốt nhất mà các nhà đầu tư của chúng tôi có thể quản lý được thì Thụy Điển cũng chẳng có gì là đáng kể cho cuộc đời này. Cậu vẫn nghe tớ đấy chứ?
– Ông Thị trưởng Lodz ấy rõ là một tay sắc sảo đấy, nhưng nói tiếp đi.
– Hôm sau tớ có một cuộc họp buổi sáng nhưng cả ngày thì rảnh. Con khỉ thế nào tớ lại lái xe ra xem cái nhà máy Minos đã đóng cửa. Cái nhà máy khổng lồ này giờ đã đổ nát nằm ở một thị trấn bên ngoài Lodz. Một khu nhà kho bằng tôn múi mà Hồng quân đã xây nên trong những năm 50. Tớ tìm ra một người làm bảo vệ ở đó có thể nói được đôi chút tiếng Đức và phát hiện ra ông ta có người anh em họ từng làm ở Minos, thế là chúng tớ đến nhà ông này gần đấy. Người bảo vệ thì phiên dịch. Cậu có thích nghe những cái ông ta nói không?
– Tớ có tính khó chờ.
– Minos mở vào mùa thu năm 1992. Có nhiều nhất mười lăm người làm thuê, phần lớn là phụ nữ có tuổi. Lương họ đại khái một trăm rưỡi curon một tháng. Lúc đầu không có máy cho nên phần lớn thì giờ là làm vệ sinh địa điểm. Đầu tháng Mười, ba máy làm hộp các tông từ Bồ Đào Nha đến. Cổ lỗ và hoàn toàn lỗi thời. Giá trị đống sắt vụn này không thể cao hơn vài nghìn curon. Máy chạy nhưng luôn bị pan. Dĩ nhiên là không có linh kiện thay thế cho nên Minos khổ sở về chuyện máy liên miên ngừng chạy.
– Bắt đầu nghe như có chuyện rồi đấy, – Blomkvist nói. – Họ làm cái gì ở Minos?
– Suốt năm 1992 và nửa năm 1993 họ sản xuất hộp các tông đựng bột giặt và khay đựng trứng, đại loại vậy. Rồi họ bắt đầu làm túi giấy. Nhưng nhà máy không bao giờ có đủ nguyên liệu cho nên không thành được khối lượng sản phẩm.
– Nghe thì cái này không có vẻ là một vụ đầu tư lớn.
– Tớ nêu con số nhé. Tiền thuê đất đai trong hai năm tổng cộng chắc ở quãng 15.000 curon. Lương sá nhiều nhất có thể lên đến 150.000 curon – và ở chỗ này thì tớ hơi xông xênh đây. Chi phí máy và chi phí vận tải… một xe tải để giao nộp các khay đựng trứng… tớ đoán là 250.000… Cộng phí cho các giấy phép, một chút trao đổi qua lại – rõ là đã có một người từ Thụy Điển đến chỗ này vài ba lần. Xem vẻ như là toàn bộ công trình tốn kém chừng dưới hai triệu. Vào mùa hè năm 1993, một hôm một quản đốc xuống nhà máy bảo nó đóng cửa và sau đó, một xe tải đường trường của Hung đến chở hết máy móc đi. Bái bai, Minos!
Trong suốt phiên tòa xét xử, Blomkvist thường nghĩ đến cái Đêm Giữa Mùa hè ấy. Gần hết buổi tối, cuộc chuyện trò đã khiến cho họ như quay lại thời học trò, họ đang có một cuộc cãi vã thân mật. Vào lứa tuổi thiếu niên, hai người đã cùng chia sẻ cái gánh nặng chung ở giai đoạn đó của cuộc đời. Khi trưởng thành họ thành ra người xa lạ thật sự, bây giờ là những loại người khá khác nhau; trong khi chuyện trò Blomkvist đã nghĩ anh thật tình không thể nhớ ra cái gì đã làm cho hai người thành bè bạn ở trường. Anh nhớ lại Lindberg là một cậu trai giữ gìn, cả thẹn đến khó lòng tin nổi trước mặt con gái. Dần dà, đủ lông đủ cánh, Lindberg leo ngày càng cao lên chiếc thang thành đạt trong thế giới ngân hàng.
Anh hiếm khi uống rượu, nhưng cuộc gặp may mắn ấy đã biến một chuyến dạo biển tai họa thành ra một buổi tối vui vầy. Và vì câu chuyện đã mang quá nhiều vang vọng của một lối nói học trò nên ban đầu anh không coi câu chuyện Lindberg nói về Wennerstrom là nghiêm túc. Dần dần bản năng nghiệp vụ của anh trỗi dậy. Cuối cùng thì anh nghe chăm chú và các phản biện lôgích nổi lên.
– Khoan, – anh nói. – Wennerstrom là một cái tên chóp bu trên thị trường đầu cơ. Hắn đã kiếm được một tỉ, đúng thế không?
– Tập đoàn Wennerstrom đang chễm chệ ở đâu đó gần với hai trăm tỉ. Cậu lại sắp hỏi tại sao một tỉ phú mà lại đi lừa để lấy năm chục triệu vặt đây.
– Thôi được, hãy nói thế này đi: tại sao lại có thắng cha dám liều cả thanh danh cá nhân lẫn công ty của mình vào một cú lừa rõ mười mươi như thế?
– Không có rõ mười mươi đâu bởi vì ban lãnh đạo AIA, Chính phủ, các kiểm toán viên của Nghị viện đều đã thông qua hạch toán của Wennerstrom mà không có một lá phiếu phản đối nào hết.
– Với một nguy cơ lớn như thế thì đó vẫn là một khoản tiền bé đến phát buồn cười.
– Hẳn là thế. Nhưng cậu hãy nghĩ xem: Tập đoàn Wennerstrom là một công ty đầu tư làm ăn về bất động sản, chứng khoán, mua bán có kỳ hạn, hối đoái ngoại tệ, cậu hãy kể nốt ra đi. Wennerstrom tiếp xúc với AIA đúng vào lúc thị trường đang sập năm 1992. Cậu có nhớ mùa thu năm 1992 không?
– Tớ mà lại không nhớ?! Khi lãi suất vọt lên năm trăm phần trăm hồi tháng Mười, tớ đã mua nhà trả góp với lãi suất không cố định, đã kẹt cứng với cái lãi mười chín phần trăm một năm.
– Đúng là những ngày ghê rợn, – Lindberg nói. – Bản thân tớ mất cả một tay nải năm ấy. Và giống như các tay chơi khác trên thị trường, Hans-Erik Wennerstrom cũng phải vật lộn với chuyện này. Công ty có hàng tỷ bị trói vào đủ các kiểu chứng từ có giá nhưng tiền mặt lại không có nhiều lắm. Đùng một cái, không thể vay bao nhiêu tùy ý được nữa. Trong tình thế ấy thì cái điều quen làm là tháo dỡ một ít bất động sản đi rồi tự liếm láp lấy các vết thương, nhưng năm 1992 chẳng ai muốn mua bất động sản sất cả.
– Các vấn đề về quay vòng tiền mặt.
– Chính xác. Và Wennerstrom không phải là người duy nhất. Tất cả những người kinh doanh…
– Đừng nói người kinh doanh đi. Thích gọi họ là gì tùy cậu nhưng gọi họ là người kinh doanh là cậu chửi cha một cái nghề nghiêm chỉnh lên rồi đấy.
– Được, kẻ đầu cơ nào cũng đều có các vấn đề về quay vòng tiền mặt. Hãy nhìn chuyện ấy như thế này: Wennerstrom đã được sáu chục triệu curon. Hắn hoàn lại sáu triệu nhưng chỉ là sau ba năm. Chi phí thực sự của Minos không lên quá hai triệu. Lợi tức chỉ trên sáu chục triệu trong ba năm, cái đó thực ra cũng ít thôi. Dựa vào cách hắn đầu tư, hắn có thể tăng tiền của AIA lên gấp đôi hay hơn mười lần. Vậy là chúng ta không nói đến chuyện thối này nữa nha. Hoan hô!
Chú thích
1. Dagens Nyheter (Tin tức buổi sáng): một trong những tờ báo sáng có số lượng phát hành lớn nhất tại Thụy Điển. (Tất cả các chú thích trong cuốn sách này là của người dịch 2Kalle Blomkvist: một cậu bé có tài thám tử và ưa phiêu lưu mạo hiểm, nhân vật chính trong truyện KalleBlomkvist của Astrid Lidgren (1970-2002), nhà văn Thụy Điển chuyên viết cho thiếu nhi – chú thích của tác giả 3(Các công ty kinh doanh trên mạng – chú thích của tác giả) 4(Một trong những ngày lễ lớn tại Thụy Điển, thường được tổ chức vào khoảng cuối tháng sáu. Rất đông người, từ già đến trẻ, đều tham gia vào ngày lễ này. Họ thường mặc trang phục truyền thống, hát múa và đốt lửa suốt đêm – chú thích của tác giả) 5(Một loại rượu mạnh khá phổ biến ở các nước Bắc Âu. – chú thích của tác giả) 6(Tức là có tiền thưởng hậu cho các nhà lãnh đạo công ty hay ngân hàng – Chú thích của tác giả) 7Người có vị trí cao nhất trong một công ty kinh doanh – chú thích của tác giả

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.